MA HUẾ

Một  ngày vào cuối tháng 3 năm 1975, sau khi lo cho gia đình di tản vào Đà Nẵng, Lê Văn Mãn – thầy sử địa Đồng Khánh – và tôi quyết định sẽ chở nhau vào Đà Nẵng vào sáng hôm sau.

Đêm nay là đêm cuối cùng ở Huế.  Đêm từ biệt thành phố thân yêu, nơi đã trở thành một phần máu thịt của đời mình.

Nếu theo tin của Cha Hoàng hồi chiều là đúng thì Việt Nam sẽ một lần nữa bị phân chia từ Đèo Hải Vân.  Tính từ đỉnh đèo Hải Vân bốn mùa mây phủ thì Lăng Cô và Huế sẽ thuộc về “Bờ Bắc”; Nam Ô và Đà Nẵng thuộc về “Bờ Nam”!

Nếu có một người biết ngày mai họ sẽ từ giã cõi trần gian thì dù “đời là bể khổ”, trần gian có đầy gió bụi tang thương đến đâu, họ cũng sẽ yêu cuộc đời nầy biết mấy!  Cũng với tâm trạng đêm cuối cùng với Huế, chân tôi vẫn còn đang bước trên mảnh đất nầy mà đã nghe nỗi nhớ mơ hồ chờ chực nơi… mô.

Dù chưa mường tượng hết cái “mai tê” như thế nào trên “Bờ Bắc”, tôi vẫn cảm thấy tội tình cho Huế.  Có sự phân ly nào mà không có nỗi xót xa riêng của nó.

Thành Phố Huế tản cư vắng hoe vắng hoắt.  Ngay cả những con chó đêm đêm đi bươi đống rác cũng không còn lai vãng.  Mãn và tôi từ phía Mô Ranh lững thững qua cầu Trường Tiền trong cái hoàng hôn lạnh dáng mùa Xuân của Huế.  Sự vắng bóng con người đã làm cho Cầu Trường Tiền có vẻ dài ra hun hút và dòng sông Hương mảnh dẻ dưới kia buồn thiu như nàng cung nữ hết thời trang điểm.

Huế hoàng hôn không người bỗng thành là lạ.  Khung cảnh thiên nhiên trở nên thầm lặng và cô liêu như tranh vẽ của một nhà danh họa Đông Phương pha màu thiền phơ phất trong tranh. Một vài bóng người không thành dáng vẻ bước đi lầm lũi trong cảnh chạng vạng khiến cho đêm của Huế trầm mặc và thâm u hơn.  Tôi có cảm tưởng như mình bị nuốt chửng trong cơn đói lặng lẽ có tiếng thở dài của Huế.  Mấy ai trong một đời được đi dọc Trường Tiền về ngã cầu Gia Hội sau hoàng hôn mà không gặp một ánh đèn, một gánh chè, một lời “răng rứa mô tê” gì của Huế?!  Người Huế vẫn thường diễn đạt cảnh vắng vẻ qua hình ảnh “Không có con ma mô cả!”

Thuở nhỏ ở làng đi trong bóng tre lá ngà đen đậm, tôi sợ đủ thứ ma do người lớn kể lại.  Ma và người lẩn quẩn bên nhau gần gũi đến độ mỗi sáng ngủ dậy tôi chạy đi tìm mấy thằng bạn trong xóm, coi thử qua một đêm dài nó còn sống sót hay không? Quê tôi là vùng xôi đậu – ngày Bảo vệ, đêm Việt minh – nên đêm nào không có tiếng súng của hai phe bắn nhau là dân làng có cảm tưởng như có chuyện bất thường!  Rồi có những thằng bạn thân trong xóm chết vì đạn lạc.  Tôi hết sợ ma vì thương bạn và ước gì gặp lại.  Quê hương tôi là đất cũ của xứ Hời nên nghe đâu dưới sông ma rà từng lũ, trên đồng ma trơi từng bầy, trong vườn yêu tinh từng cặp!

Lớn lên đi học ở Huế, tôi cũng nghe chuyện ma hiện hình khắp nơi.  Từ ngã tư Âm Hồn đến mấy cửa cổ thành như Đông Ba, Thượng Tứ, Nhà Đồ, Cửa Ngăn, Cửa Sập… Ở đâu cũng có vài bóng ma xuất hiện. Và hình như nghe nói ai cũng thấy, nhưng chẳng ai thấy cả. Ma Huế tô điểm cho dáng huyền thoại của Huế như những lá thư tuyệt tình có những dòng nhòe nhoẹt mà gã bị phụ tình cứ cho là nước mắt.

Giữa cơn biến động, hình như ma Huế cũng rủ nhau tản cư về đâu mất dạng.  Giữa cảnh dầu sôi lữa bỏng, tôi thích gặp ma vẫn còn hơn là không có ai để gặp.  Thế nhưng giữa thành phố vắng lặng, ma cũng không còn.  Có lẽ vì ma Huế chỉ là cái bóng thầm lặng của con người xứ Huế nên người đi ma cũng đi theo.

Tới bến đò Gia Hội, đội ghe thuyền tấp nập hai bên bờ cũng kéo nhau rời bến đi đâu không còn một chiếc.  Sông nước đã quen với bóng đò bây giờ trơ trụi giống cây mùa đông hết lá.  Chúng tôi đi quanh quất rồi ngồi chờ trên bến xe Đông Ba bên dưới cầu Gia Hội mà vẫn không thấy bóng người lai vãng.  Tôi ước chi có tiếng người, dù là tiếng hục hặc cãi nhau của mấy bà bán cá.

Hai đứa cùng đốt thuốc.  Trong cái thanh vắng rờn rợn của một thành phố gần như hoang phế, khói thuốc phất phơ là dấu hiệu của hơi thở con người.   Bao nhiêu nghìn năm trước, trong cõi mịt mù của thế giới ban sơ, có lẽ con người cổ sơ khám phá ra thuốc lá trên đường đi tìm bạn.  Người bạn gần gũi đầu tiên là hơi thở:  Là hơi khói, hơi sương, hơi hoa, hơi lá, hơi mốc, hơi rêu… Và hơi thuốc lá là người bạn của hơi thở nồng nàn nhất mà con người có từ dạo đó.  Nhưng hơi thuốc nguyên thủy cũng như tình yêu Adam , đó là những mảnh hạnh phúc treo trên đầu sợi tóc.  Xa quá không đủ ấm mà gần quá sẽ thô đi.  Tình yêu thô đi thì sẽ mất dần hương hoa của hạnh phúc; hơi thuốc thô đi sẽ thành thói quen vật lý hành hạ thân xác và niềm vui.  Hơi thuốc của Mãn và tôi không biết có đủ sức làm cho một hòn sỏi nào đó của thành phố ấm lại không, nhưng rõ ràng đang trở thành dấu hiệu của tiếng chim gọi đàn nhanh chóng nhất.  Trong một thoáng, không biết từ đâu, đã có người chèo đò cặp bến.  Người chèo đò là một ông lão.  Ánh nước chiều tối hắt lên không đủ soi rõ râu tóc ông có bạc đến cỡ nào nhưng giọng nói còn âm vang sâu và ấm:

– Thiệt là quý nhơn phò trợ.  Tui thèm thuốc đứt sợi tóc cả ngày mà không tìm ra một chỗ bán thuốc.  Hai cậu có cho xin một điếu hay cho tui hút ké ít hơi cũng được.

Tôi chìa gói thuốc Capstan còn đầy ra mời ông lão:

– Dạ, xin mời bác cứ tự nhiên dùng.

Ông lão cầm điếu thuốc trên tay với dáng trân trọng như tiên ông cầm xích trượng.  Khi khói thuốc đã cùng với hơi người bay bay trong gió đêm lành lạnh, những người cùng cảnh ngộ thường cảm thấy gần nhau hơn. Chúng tôi trò chuyện và trở thành ba người bạn đồng hành với nhau một cách gần gũi, tự nhiên.  Hoàn cảnh thường đóng một vai trò “lên men” trong tình cảm.  Theo lời mời của ông lão, chúng tôi quyết định ngủ đò đêm cuối cùng ở Huế.

Ông Lão – bác Đối – đã từng là vạn trưởng vạn đò Trường Độ.  Trong sự chất phác của một người xuất thân từ vùng quê cày sâu cuốc bẩm, bác Đối còn có thêm sự khôn ngoan lanh lợi đường phố và sự lịch lãm, bất chấp của giới giang hồ.  Cứ nghe bác Đối nói luôn miệng câu triết lý bình dân, rằng “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết là sống”, tôi nói đùa với Bác:

          – Biết rồi! Mệt lắm, nói mãi… (hì hì).  Nhưng thế nào mới gọi là biết hả bác?  Mà thiệt tình bác đã biết chưa?”

Vừa chống đò ra khỏi bờ, ông lão vừa cười giọng kiêu bạc, nói một cách tự tin:

– Bà con đua nhau chạy thục mạng hết mà tui còn đây cũng tại vì tui “biết”. Biết cha mẹ mình nghèo, không đủ sức cho mình ăn học tới nơi tới chốn nên mình khổ.  Dẫu Tây, Tàu, Mỹ, Nhựt có vô đây thì mình cũng đi làm cu li kiếm sống thôi.  Ai có lên cầm quyền đi nữa thì sáp dốt như tui cũng chỉ thủ phận làm tôi làm mọi lau xe, xách cặp cho họ mãn đời.  Mẹ kiếp!  Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo.  Tui già rồi, chết còn chưa sợ thì còn sợ ai mà phải trốn tránh cho mệt xác hè!

Ông Đối kềm sát chiếc đò con vào bờ hàng rào thép bao quanh một chân cầu Trường Tiền bị gãy từ gần 10 năm trước.  Ông lão nói như lên giọng trần tình:

“Đời tui chỉ mơ được neo đò nằm ngủ dưới chân cầu Trường Tiền một đêm thôi.  Tui ở vạn đò hơn 60 năm mà chưa có lần nào được dừng lại đây cả.  Phe nào lên cầm quyền cũng sợ kẻ thù của phe kia đặt bẫy gài mìn giật sập cầu, nên không ai được phép lảng vảng quanh đây cả. Thù chi mà thù dai dẳng ác ôn rứa không biết?!  Chừ thì khỏe rồi.  Trên có trời, dưới có nước, giữa có ta… tha hồ nằm ngủ…”

Tâm trạng hiêu hiêu an hưởng một chút thanh bình của ông già suốt một đời lầm lũi trong chiến tranh thoáng qua rồi chững lại và chợt tắt. Bên nầy ông Đối vừa bật lửa thắp thuốc thì phía bên kia bờ sông Hương cạnh Câu Lạc Bộ Thể Thao lửa cũng chớp lên theo tiếng nổ ầm ầm.  Mãn là dân sử địa nên có vẻ đã quen với chiến chinh, dù là chiến chinh trong sử sách.  Mãn hét lên:

– Pháo kích! Pháo kích!  Nằm rạp xuống hết!

Lão Đối cũng như hai chúng tôi, những khái niệm mơ hồ “khôn” hay “dại” có ích gì cho phút nầy.  Dường như chỉ còn “biết là sống” nên lập tức nằm bẹp xuống sàn đò.

Tiếng đạn pháo kích chợt xa, chợt gần, rồi ngưng hẳn. Tiếng Mãn báo động:

– Không biết bom đạn từ phía nào tới, nhưng chắc chắn mục tiêu pháo kích  là để đánh sập cầu Trường Tiền.  Mình còn nằm đây là chết cả đám.  Không khéo lại mang tiếng chết vì đi ngủ đò nữa thì lại càng bị tai tiếng cả đời.  Bác Đối ơi!  Dọt lẹ ra khỏi vùng nguy hiểm nầy càng nhanh càng tốt đi bác!

Lão Đối, miệng thì lầm bầm “Sống chết có số.  Trời kêu ai nấy dạ!” Nhưng tay chân thì lẹ làng mở giây, chống đò, cố thoát ra khỏi vòng nguy cấp, không dám ngoái đầu trở lại, có lẽ vì sợ trời cao kêu ẩu … trúng tên!

Tiếng pháo kích đâu đó vẫn ì ầm như tiếng chày nện trong sương giữa thành phố nín thinh.  Đêm cuối cùng ở Huế.  Dù Huế đãvắng bóng con người, đã nằm im thin thít phía Đông Trường Sơn như cô bé ngoan hiền núp sau áo mẹ mà thù hận từ đâu vẫn luông tuồng kéo tới.

Bác Đối neo thuyền ven bờ Cồn Hến.  Thiên nhiên chỉ chực chờ con người rút lui khỏi mặt đất là vùng lên chiếm quyền ngự trị.  Sông Hương, Đập Đá, Cồn Hến Đông Ba… không còn tiếng người xao động. Dù chỉ là tiếng guốc mộc đã mòn, kéo lê lẹc xẹc trên đường; tiếng sanh lóc cóc rao phở, tiếng rao chè đậu xanh đậu váng trong đêm khuya cũng không còn.  Thay vào đó, tiếng vọng của vũ trụ, tiếng muôn loài sinh vật, tiếng gió, tiếng sóng, tiếng cây xào xạc… dấy lên rộn ràng trong bóng tối.  Tôi có cảm tưởng như mình bị nhốt giữa lòng thuyền để chờ ngày khai thiên lập địa lần thứ hai.  Cảm giác êm đềm ngủ đò trên giòng sông không còn nữa.  Tưởng đêm không người im vắng sẽ ngủ ngon, ai ngờ cả ba chúng tôi đều thức trắng để đối diện với một thứ uy vũ vô hình nhưng mãnh liệt pha một chút huyền bí gần như đe dọa của Huế về đêm.

Gần sáng, bác Đối tâm sự:

– Sáng mai, hai cậu đi về Nam còn tôi ở lại.  Hai cậu cũng là những đứa con Nguồn Bồ như tôi thôi.  Suốt 15 năm qua, tôi chứng kiến từng đoàn những đứa con Nguồn Dinh ra đi và những đứa con Nguồn Bồ ở lại.  Không khéo rồi đây những đứa con Nguồn Bồ sẽ kéo về đây cầm cương, thúc ngựa điều khiển Huế cho mà coi!”

Mãn và tôi vẫn chưa hiểu rõ khái niệm “Nguồn Dinh” và “Nguồn Bồ” của ông Lão có nghĩa như thế nào.  Lão Đối giải thích:

– Con Nguồn Dinh cá kình cá chép

Con Nguồn Bồ con tép con cua

Con Vua thì lại làm vua

Con sãi ở chùa thì quét lá đa

Bao giờ đất nổi can qua

Con vua thất thế lại ra quét chùa…!

Theo khái niệm của Lão Đối thì “con Nguồn Dinh” là những người Huế “cột cờ”, sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế.  Còn “con Nguồn Bồ” là những người gốc Huế nhưng sinh đẻ ở nơi khác, xứ khác ví như dòng sông Bồ từ Lại Bằng, Phú Ốc chảy quanh co bao bọc phía Đông Bắc thành phố Huế mà vẫn không chảy vào lòng xứ Huế.

Và sáng hôm đó, ba đứa con Nguồn Bồ của Huế bịn rịn chia tay nhau trên bến sông Hương.  Kẻ ở lại chẳng mong gì ngày đi và kẻ ra đi cũng chẳng hy vọng có ngày trở lại… Khi Huế sắp mất trong đời là khi Huế hiện về trong lòng chan chứa nhất.  Tôi muốn thu hết hình ảnh Huế lần cuối nhưng Huế bỗng vỡ tan và chẳng còn chi cả.  Lòng tôi, trong phút chia tay với Huế, chơi vơi như dòng nước có những mảnh Huế là bóng trăng tan.

                                      r

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, quân đội miền Bắc làm chủ tình hình từ phía Nam đèo Hải Vân trở ra.  Huế hoàn toàn trở thành “Bờ Bắc”.

Không lâu sau đó, “Bờ Bắc” lan rộng vào Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam trước khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4.

Tôi trở lại Huế khi thành phố chỉ mới có lơ thơ những gia đình hồi cư lẻ tẻ.  Vẻ hoang vắng và xơ xác chạy dài theo dãy đường phố vắng vẻ với những căn nhà lầu, nhà trệt đóng cửa im lìm từ cầu Mới đến cầu Gia Hội. Những con đường xứ Huế bỗng lạ đi với sự hiện diện của những người bộ đội.  Hình như mắt tôi chưa quen với màu xanh rừng của những chiếc mủ cối, nón tai bèo, bộ quân phục rộng và đôi dép lốp xe của một thời xa xưa hiện về.  Họ trông có cái vẻ chất phác của“lính làng” hơn làdáng nhanh nhẩu của “lính phố”.  Có dịp bắt chuyện với một vài người lính và cán bộ, tôi vẫn không cảm thấy gần gũi hơn.  Cách nói và thế nói của họ nghe có vẻ lạ tai đối với tôi thời đó vì không phát xuất từ cái “tôi” riêng tư mà hầu hết từ cái “ta” tập thể.

Tôi tìm về trường cũ, Đại học Sư phạm Huế, gặp lại nhiều người bạn học cùng khóa vắng bóng lâu ngày.  Một số thoát ly lên núi mới trở về, một số chuyển nghề, một số còn ở lại với nghề cũ như tôi. Trong những ngày xôn xao trong cảnh tranh tối tranh sáng như thế nầy, tôi nghe người ta sôi nổi nói về ủy ban nầy, lực lượng kia, cơ sở nọ nhiều hơn là nói chuyện sách đèn.  Trong một vận hội và một số phận mới, hình như rất hiếm người nghĩ đến chuyện trở về đứng trên bục giảng.

Sau mấy ngày “chiến đấu” mướt mồ hôi để giành giựt một số sách quý trở lại cho thư viện Đại Học Huế từ tay của một số bà con ở dưới đò ven sông Hương ôm sách thay cho củi đốt nấu ăn đang khan hiếm, tôi nhận đi dạy học lại. Học sinh tấp nập hồi cư mà thầy cô các trường ở Huế vẫn còn cao chạy xa bay đâu hết.  Buổi họp hội đồng giáo sư “Bắc Nam” đầu tiên sau ngày hồi cư do anh Dương Văn Lộc, vừa là cựu sĩ quan miền Nam biệt phái về trường dạy học trước 75, vừa được coi là “quần chúng tốt của cách mạng” điều khiển.  Một nửa thầy cô giáo hiện diện trong buổi họp là giáo sư miền Bắc gọi là “giáo viên chi viện”.  Anh Lộc có vẻ ngượng nghịu với danh xưng “đồng chí” thay cho anh chị hay quý vị như thường lệ.  Người ăn nói lưu loát và phát biểu mạnh dạn nhất trong buổi họp nầy là anh Lê Huy Linh, một “giáo viên chi viện” từ HàNội với một giọng Bắc sắc và chuẩn như xướng ngôn viên đài phát thanh.  Linh cũng khoảng cùng tuổi với tôi, thuộc giòng dõi Lê Huy tiếng tăm ở Huế nhưng lại ra đời và lớn lên ở Hà Nội và nói theo danh từ của Lão Đối thì đối với Huế, Linh cũng là “đứa con Nguồn Bồ” như tôi thôi. Tôi nhắc đến Lê Huy Linh vì hơn 10 năm sau, Linh trở thành thầy hiệu trưởng thứ hai của trường Đồng Khánh.

Một đứa con Nguồn Bồ khác của Huế là Hà Thúc Định.  Định cũng trạc tuổi với tôi, thuộc giòng dõi Hà Thúc thế gia vọng tộc của Huế.  Định cũng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nói giọng Bắc dẽo quẹo như chè đậu váng cáng bột lọc.  Định hát hay, đàn giỏi, chơi bóng tròn xuất sắc với cú sút góc tung lưới rất điệu nghệ nên thường đứng cánh phải (anh Châu Trọng Ngô đứng cánh trái) trong đội banh Đồng Khánh. Tôi nhắc đến Định vì anh là một hiệu trưởng “con trai” đầu tiên của lịch sử 85 năm trường Đồng Khánh.

Tôi chơi với cả Linh và Định nhưng gần gũi với Định hơn vì bản chất nghệ sĩ và tính lãng tử của chàng ta.  Ngay sau khi tôi và Hồ Hữu Hạnh, hai gã thầy giáo miền Nam duy nhất bị đuổi ra khỏi trường Đồng Khánh trong đợt “biên chế” cuối cùng của ty giáo dục Bình Trị Thiên năm 1977, thì mối giao tình phóng khoáng của chúng tôi và Định vẫn không có gì thay đổi, mặc dầu trong buổi giao thời khó khăn, nhiều đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp miền Nam, đã tạm lánh xa chúng tôi vì sợ họa lây.  Định dạy toán nhưng lại nói chuyện văn chương giàu suy tưởng.  Tôi còn nhớ là Định thích thơ Hoàng Cầm, Nguyễn Bắc Sơn và trình diễn trên sân khấu bài “Quê Em miền Trung Du…” rất đạt.

Sau khi cô “dâu Bắc” Nguyễn Thị Ngọc Bích của Huế làm hiệu trưởng Đồng Khánh, theo chồng về Kinh Bắc nhận chức to hơn thì Hà Thúc Định lên làm hiệu trưởng Đồng Khánh.  Tính từ thời ông Tây bà Đầm còn xi lô, xi la ở trường Đồng Khánh thì đây là thầy giáo đầu tiên lên làm hiệu trưởng thay cho các cô giáo có truyền thống lâu đời ở chức vụ nầy.

Trong một bầu không khí hết sức đặc biệt của miền Nam sau năm 75, Định được xem là một người có phong cách rất thích hợp được hầu hết các giáo sư trong trường quý mến.  Với lối ăn nói nhỏ nhẹ và cách cư xử khéo léo, tế nhị, Định đã kéo tập thể các thầy giáo và cô giáo Bắc Nam gần lại với nhau (ít nhất thì cũng trong môi trường vật lý!).  Định thường dùng danh xưng anh, chị thay cho tiếng “đồng chí” còn xa lạ đối với dân miền Nam thời bấy giờ.

 Rồi sau 10 năm xa Huế, tôi về lại Huế trong mùa Tết 1992.  Tôi ghé đến trường Đồng Khánh thăm Định và các đồng nghiệp cũ. Định và gia đình vẫn ở trong căn nhà hiệu trưởng bên phải cửa vào của trường Đồng Khánh. Điều thú vị là hai đứa đều không hẹn mà gặp trong hai chiếc áo vét nỉ “Made in Taiwan” cùng màu, cùng cỡ, cùng một kiểu như nhau.  Định tâm sự:

– Thời chiến tranh, mình ở trong tình thế vào sinh ra tử cũng đã nhiều, nhưng vẫn thản nhiên bước tới, không hề có cái cảm giác là lạ như ở trong ngôi trường nầy, nhất là ban đêm…

 Tôi không hỏi thêm “là lạ” là như thế nào và hai đứa chở nhau qua Thành Nội uống cà phê, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cho đến khi chia tay.  Sau nầy, khi nghe tin Định thọ nạn ngay phía trước cổng trường Đồng Khánh, tôi chợt liên tưởng đến một khung cảnh Đồng Khánh về đêm:  Vắng lặng, thâm u, với những mảnh đèn điện lắt lay vì lọc qua những tàng cây xanh đong đưa với gió núi Trường Sơn thổi về.  Có chăng những mảnh Liêu Trai trong mắt nhìn hay trong ý nghĩ đã làm Định mang cảm giác “là lạ” với ngôi trường có rất nhiều “con yêu bánh nậm” nầy?!

Hai năm sau kể từ lần cuối tôi gặp Định, tính cũng khoảng 10 năm từ ngày lên làm hiệu phó và hiệu trưởng, Định bị tai nạn xe Honda khoảng 8 giờ tối và chết trong bệnh viện.  Lê Huy Linh lên làm hiệu trưởng Đồng Khánh thay cho Định và cũng non 10 năm sau kể từ khi giữ chức hiệu phó và hiệu trưởng, bị tai nạn xe Honda khoảng 8 giờ tối và chết trong bệnh viện.

Vài chi tiết trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai cái chết của hai vị hiệu trưởng Nam giới đầu tiên trong 85 năm lịch sử trường Đồng Khánh đã làm cho những người thường quan ngại đến chuyện thần linh ma quái phải vất vả suy diễn và kháo nhau về sự “huyền bí” trong ngôi trường “Âm thịnh Dương suy” nầy.

 Thời còn dạy học ở trường, có những lần họp hành về muộn, nghe những nhân viên lâu năm của trường như anh Hường, anh Phẩm, chị Cúc, chị Mơ… kể “chuyện ma Đồng Khánh”, tuy tôi cố không tin nhưng vẫn có một cảm giác rờn rợn khi một mình nhìn quanh những bức tường mầu hồng chuyển thành màu tím sau màn mưa.  Dưới tàng cây xanh trở gió và ánh đèn vàng hắt bóng tạo ra một ảo giác như có những người con gái áo trắng xỏa tóc nói chuyện rì rầm với bóng đêm từ trong các phòng học cửa khép kín.

Anh Hường, nhân viên phụ trách âm thanh và ánh sáng của trường Đồng Khánh lại giàu tính hoạt kê hơn khi anh cho rằng những cô, thầy độc thân lâu ngày như cô Lưu Ty, cô Kim Cúc, cô Minh Tuyết, cô Huy Hoàng, thầy Châu Phan, thầy Đình Niên, thầy Hữu Hạnh… đều “có tà”.  Có tà, nghĩa là được hay bị những người ở thế giới vô hình yêu thương.  Muốn “xả tà” thì phải có chồng hay có vợ.  Tôi hân hạnh dự lễ “xả tà” của người bạn là thầy Hữu Hạnh không lâu sau đợt “kiểm tà” của anh Hường… Còn những thầy cô khác, đã 30 năm rồi, kẻ còn người mất, không rõ ai đã có cơ hội “xả  tà” ở thế giới nầy hay thế giới bên tê!

          Huế là thành phố cổ duy nhất ở Việt Nam có đến hàng trăm ngôi chùa cổ.  Cái giao tình của quá khứ và vị lai tuy không có hình thù rõ rệt nhưng vẫn trôi chảy luân lưu bằng cảm nhận qua giọng nói và điệu sống trầm và lặng của Huế.  Chỉ cần ra khỏi thành phố Huế chừng mười cây số là đã nghe giọng nói khác, lối sống khác từ làng nầy qua làng kia nhưng nét nổi bật vẫn là sự ngự trị của đình chùa, am miếu.  Dù là đạo Phật, đạo Chúa, “đạo” thờ cúng Ông Bà hay là một hình thức sùng bái tâm linh nào khác ở Huế thì cũng đều có vẻ “thật” và sâu hơn các nơi khác có lẽ vì Huế thường xuyên nhận chịu những tai trời ách nước.  Sự bất hạnh là động cơ tâm lý mạnh nhất mang thần linh xuống cõi trần trà trộn bàng bạc với con người.  Hai trường Đồng Khánh và Quốc Học “nổi tiếng” nhiều ma:  Tinh le, tinh đèo đèo, đồ yêu, đồ quỷû, yêu bánh nậm, ma tình, ma hận … của Huế đều mang đậm tính người và có vẻ… lãng mạn rất nên thơ!  Ma Huế “hiền” vì không mang bản chất ác quỷ như ma cà rồng, thích trêu ngươi như ma trơi hoặc mang tâm địa tối tăm như ma xó, ma bùn.

Ma Huế trẻ nhất trong giới ma quỷ địa cầu, vì đa số những con ma được liệt vào hàng linh hiển nhất thường thuộc lứa tuổi vị thành niên hoặc ít nhất thì cũng là độc thân chưa bị “đọa” vào đường tình sử ở trần gian.  Có lẽ vì thế mà điệu hát chầu văn để gọi hồn ở Huế cũng giật gân như điệu Rock’n Roll và điệu nhảy múa lên đồng cũng mang vẻ rậm rật, bứt phá rất trẻ trung của điệu nhảy… Disco. Ma Huế cũng có giai cấp xã hội như người sống:  Ma quý phái, ma bình dân và ma đồng bóng.  Ma “quý phái” xuất thân là những cô gái giòng dõi “con nhà”.  Tất nhiên là phải vừa đẹp, vừa lãng mạn, vừa chưa chồng và cũng chỉ xuất hiện rất chọn lọc tại những nơi xa mùi tục lụy như trường Đồng Khánh, Thành Nội, Jeanne d’Arc…  Ma bình dân dễ tính hơn nên xuất hiện một cách xà bát tại bất cứ nơi nào có âm binh tùy thích. Ma chuyên nghiệp thì chỉ xuất hiện tại những am đền đồng bóng.  Ma đồng bóng nổi tiếng như bà chúa Thiên Y A Na, cô Ba Âm Hồn, cô Tư Mả Trạng, cô Chín Thượng Ngàn…và về phía ma nam là những ông “Trạng” vốn là những thai nhi và những cậu Tài, cậu Quý khi nhập xác đồng còn nói ngọng!

Ma Đồng Khánh vẫn mặc áo dài tha thướt trong đêm khuya, vẫn làm dáng, xỏa tóc khiêu vũ giữa sương trăng.  Nếu cùng lắm thì cũng tới mức khóc nỉ non trong đêm vắng hay hát khúc Nam Bình đầy thương cảm như “chuyện ma” của người đời kể lại…  Bởi vậy, tôi không tin ma Đồng Khánh “ác nhơn” tới mức là thủ phạm lôi kéo hai chàng hiệu trưởng lưu linh đầu tiên của trường Đồng Khánh về cõi “bên tê” với mình như kiểu tin đồn tùy hứng của nhân gian.

Có người lại đi xa hơn cho rằng, sợ những đứa con “Nguồn Bồ” của Huế không đủ oai lực để thắng những tà lực yêu quái đang ẩn nấp trong bóng tối trăm năm của trường Đồng Khánh – Quốc Học nên cần có một chàng trai Huế toàn ròn – nghĩa làø phải sinh đẻ tại Huế như kiểu muốn làm tổng thống Mỹ thì phải sinh đẻ tại Mỹ – lên làm hiệu trưởng thì mới đủ nội lực thâm hậu đển chiến thắng “nữ âm binh”!  Hoặc muốn cho an toàn hơn thì không gì bằng mời nữ nhân làm hiệu trưởng để cho “âm lực trị âm binh” thì cảnh thái bình thịnh trị trên sân trường phượng hồng Đồng Khánh mới trở lại êm đềm như non một thế kỷ đã đi qua.

Cũng có thêm giả thuyết hình thành bởi thế hệ Đồng Khánh “60” cho rằng, đã gần 100 năm sau, cái tên Đồng Khánh vốn gắn liền với ngôi trường áo dài tím-trắng nhiều hơn là mang biểu tượng cho một vị vua triều Nguyễn.  Danh xưng Đồng Khánh đã trở thành một mỹ danh của Huế, một thế giới tươi mát với những phòng học đầy Con Yêu Bánh Nậm.  Đồng Khánh cũng là niềm  tự hào của học trò Huế và giới sách đèn bút nghiên trong cả nước, thế thì tại sao phải thay đổi nó đi thành “Trưng Trắc” như thời sau 75 và “Hai Bà Trưng” thời hiện tại.  Sự khai sinh cái mới chỉ vì vụ hình thức và định kiến, bất chấp nếp cũ và nhân tâm sẽ làm cho con người buồn lòng và thần linh nổi giận.  Kiểu nổi giận của thần linh ở Huế là nếu nhẹ thì “ngài quở” mà nặng thì “thần vật chết tươi…”!  Khi tâm lý suy diễn trở thành một phần đức tin thì lý luận sẽ trở thành phù phiếm.  Với tình cảm thuần túy, họ chỉ muốn cái tên trường Đồng Khánh được khôi phục một cách tự nhiên như mua vôi chợ Quán, chợ Cầu; như châu về Hiệp phố.

Ham thay đổi như người Mỹ, khoái bắn súng như cao bồi Texas, đại ngôn và thích dùng danh từ đao to búa lớn quảng cáo như giới chính trị và kinh doanh tài nguyên ở California thế mà khi chiếm được đất đai từ tay người Pháp, người Mễ Tây Cơ, người Da Đỏ rồi, họ vẫn để nguyên tên những thành phố, dòng sông, rặng núi, di tích, trường học mang tên Tâây, tên Mễ, tên người Da Đỏ vốn có từ muôn năm cũ, có khi lại là tên của kẻ cựu thù.  Đi từ thành phố Baton Rouge, Del Paso, Los Angeles, San Francisco; qua những vùng Cheyennes, Apache, Chippewas người ta sẽ thấy ngay điều đó.  Chính nội dung và lịch sử làm vinh danh cho cái tên chứ không phải điều ngược lại!  Bởi vậy, trả lại tên Đồng Khánh cho ngôi trường xưa sẽ là một việc làm rất có ý nghĩa mang đậm tính văn hóa, phát huy tinh thần giáo dục và kết hợp hài hòa về tâm lý.

Khái niệm về ma có khắp nơi, nhưng Ma Huế hay ma Đồng Khánh là sản phẩm của tâm lý ẩn ức lâu dài từ nếp sống đều đặn trong một khung cảnh đượm màu lãng mạn.  Đó là một phản ứng tâm linh giữa ước mơ và hiện thực.  Ma, quỷ, yêu, tinh cũng là phương tiện du lịch đầy viễn mơ của tâm lý ức chế, là cái bóng ảo ảnh của con người.  Ma Đồng Khánh có khi cũng chỉ là cái bóng lưu li của cô nữ sinh Đồng Khánh.  Cái bóng đó sẽ thành nỗi ám ảnh dằng dặc để tùy theo sự suy diễn hay tưởng tượng phong phú của từng người mà phóng chiếu thành “ma”.  Thầy hiệu trưởng tương lai của trường Đồng Khánh hẳn sẽ có lần tự hỏi ma Đồng Khánh là chuyện đùa hay thật ?!  Nếu đùa thì sao lại có người thấy ma, mà nếu thật thì ma đâu không thấy; nếu thấy thì không còn là ma, nếu ma thì không còn thấy được? Những câu hỏi “xàng quay” như thế sẽ làm cho dòng suy tưởng của con người sôi động hơn, vì ít ra, thì dù có một thực tế ảo để tựa vẫn còn hơn chơi vơi hoài giữa khoảng hư không.

Có lẽ Huế cũng cần có “ma” để làm hương hoa trang điểm cho dòng tưởng tượng.  Nhưng Huế lại không cần có “quỷ”, vì quỷ là những con ma không ra hồn…  ma nên phải làm quỷ để chọc phá cuộc đời!  Ghé Huế là ghé lại cố quận của Huyền Trân Công Chúa trên một xứ Hời Chiêm quốc, nên dẫu sao thì ma xuất hiện như những đốm vui giữa một Huế buồn chi lạ.

Bài viết liên quan