thầy Mãn Giác
Sáng nay, thứ Sáu 13-10-2006, chị Thái Kim Lan từ Đức báo tin thầy Thích Mãn Giác vừa viên tịch tại Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ.
Tôi ở cách Thầy – Chùa Việt Nam – có một giờ bay hay 6 giờ lái xe mà biết tin còn chậm hơn người ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Cũng thế, trong trận bão Xiangsane vừa qua, tôi ở Mỹ mà đóng vai người thông tin diễn tiến trận thiên tai cho thân nhân và bạn bè ở Sài Gòn. Có lẽ khoảng cách thế giới trong thời đại mới này phải đo bằng chiều sâu của tấm lòng hơn là chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian mới chính xác chăng?
Không gian và thời gian tâm lý không phải là một phép lạ biến đổi hoàn cảnh, nhưng nó giúp cho những con người “có duyên” gặp lại nhau trong từng khoảng cách dài bằng nửa đời người mà tưởng chừng như mới hôm qua. Sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu, mang dấu ấn tâm linh có khi cách nhau hàng chục thế kỷ mà vẫn gần nhau trong gang tấc hay có khi gặp nhau một cách tình cờ giữa cuộc đời vắng lặng. Có hai thiền sư Mãn Giác. Một thiền sư Mãn Giác đời Lý (1052-1096) và một thiền sư Mãn Giác đời nay (1927-2006) đã gặp nhau trong thi ca: “Mái chùa che chở hồn dân tộc…” hay “Đêm qua sân trước một cành mai…” cách nhau đến cả nghìn năm mà vẫn cùng nhìn thấy cái thường hằng rỗng lặng và hư ảo của cành mai sân trước hiên chùa. Một cách vô hình chung, tôi vẫn thường nghĩ đến những vần thơ Huyền Không (thi bút hiệu của thầy Thích Mãn Giác đời nay) một cách nhẹ nhàng và sương khói như thế.
Năm 1967, lần đầu tôi được gặp thầy Mãn Giác trong lớp triết học Đông phương ở Mô-Ranh, trường đại học Văn khoa Huế thời ấy. Ngày đó, Thầy là một giáo sư thỉnh giảng còn quá trẻ, mới tốt nghiệp ở Nhật Bản về. Trong chiếc áo tu sĩ màu nâu, Thầy có một dáng dấp rất tươi mát và thanh thoát. Nhất là nụ cười lúc nào cũng mở rộng. Thầy cười không chỉ bằng miệng mà bằng cả đôi mắt và dáng vẻ nhẹ nhàng, phóng khoáng. Thầy giảng về triết học Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam và nhấn mạnh về sự tương quan của các nguồn triết học Đông phương trong bối cảnh triết học Phật giáo. Với kiến thức phong phú của một nhà nghiên cứu, một nhà Phật học và khả năng đa dạng về ngoại ngữ như Hán, Phạn, Pháp, Anh, Nhật… Thầy Mãn Giác thường biến những buổi học thành những buổi thuyết trình chuyên đề của một học giả có thẩm quyền chuyên biệt làm cho sinh viên thích thú và kính trọng.
Năm 1976, tôi gặp lại Thầy tại chùa Xá Lợi ở Sài Gòn trong ngày Phật Đản khi Thầy đang tiếp phái đoàn Phật tử Huế do Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên gởi vào. Thầy có vẻ nghiêm nghị và đăm chiêu hơn qua giọng nói và thái độ dè dặt cẩn trọng hiện lên rất rõ trong hàng chư tăng ni hiện diện trước tiền đình chùa Xá Lợi.
Và một buổi tối ngày 27 tháng 12 năm 2003, tôi gặp Thầy lần cuối cùng tại chùa Kim Quang, Sacramento. Về mặt thể lực, Thầy có vẻ yếu, đi phải có người theo bên cạnh. Thế nhưng Thầy cững đã bay từ miến Nam California lên miền Bắc để tham dự nhân dịp chùa làm lễ đặt đá xây dựng lại ngôi chùa mới trên khu đất của ngôi chùa cũ đang đổ nát vì thời gian. Đêm hội ngộ, vẫn với nụ cười thanh thoát của một nhà thơ, Thầy đọc và ngâm thơ. Tôi không còn nhớ rõ nguyên văn bài thơ, nhưng nhớ đó là một bài thơ về quê hương. Bài thơ do Thầy sáng tác nói đến nỗi xúc động giữa quê nghèo với mái tranh, với liếp cửa mỏng manh không chắn nổi ngọn gió lạnh mùa Đông. Thầy vừa đọc vừa kéo dài cuối câu thơ ra như ngâm. Giọng nói trầm ấm của Thầy thuở đứng trên bục giảng 40 năm trước không còn nữa. Nhưng sự xúc động lại dâng trào. Miệng Thầy vẫn cười nhưng thỉnh thoảng vẫn đưa chiếc khăn nhỏ lên chùi mắt…
Mỗi lần gặp lại Thầy, cách nhau cả 10 năm, 30 năm nhưng sao tôi vẫn thấy gần nhau quá, như mới hôm qua.
Khi sắp từ biệt Thầy, tôi nhắc lại những kỷ niệm cũ của thời còn học với Thầy ở đại học Văn khoa Huế làm Thầy cười sảng khoái. Tôi kể lại và hỏi Thầy còn nhớ không, Thầy gật đầu. Đó là buổi sáng khi linh mục Nguyễn Ngọc Lan (giáo sư thỉnh giảng dạy về lịch sử triết học Tây phương) chở Thầy từ cư xá giáo sư Viện Đại học Huế gần Ga Huế xuống đại học Văn khoa. Bọn con nít thấy một hình ảnh “đoàn kết tôn giáo” rất ngộ đã chạy theo reo hò:
“Ê, tụi bây ơi! Coi tề. Cha chở Thầy! Cha chở Thầy!”
Trong câu chuyện, thầy cũng nhắc lại lịch sử “thăng trầm” của hai câu thơ:
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Giềng mối muôn đời của tổ tông.
Tôi đã nói đùa với Thầy:
“Trong hai câu đó, con chỉ thích câu đầu vì mỗi Mãn Giác thiền sư chỉ có một câu thơ tuyệt tác.”
Ý tôi muốn nói đến bài “Xuân đi, Xuân đến” của Mãn Giác Thiền sư đời Lý.
Thầy hỏi:
“Mãn Giác kia câu chi?”
Tôi thưa:
“Bạch Thầy: Đêm qua sân trước một cành mai…”
Thầy lại cười rộng lượng:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc… Hôm qua sân trước một cành mai. Ngộ hỉ.”
Tôi đợi chờ lời Thầy phê về sự liên tưởng và so sánh (rất có thể) khập khiểng của tôi, nhưng Thầy chỉ nở nụ cười ấm áp và nói: “Ngộ hỉ”.
Có thể nói không riêng tôi mà tất cả mọi người biết và gần thầy Thích Mãn Giác từ khi thầy còn trẻ cho đến bây giờ đều hưởng được bầu không khí tươi mát của một phong thái bao dung và một tinh thần không bao giờ chấp nhặt những chuyện bé nhỏ. Nhờ đức độ của Thầy như thế nên chùa Việt Nam nổi tiếng là nơi bảo lãnh, hỗ trợ và cũng là trạm dừng chân đầu tiên đông đảo nhất cho quý tăng ni từ xa mới đến Mỹ.
Tin hoà thượng Thích Mãn Giác vừa viên tịch không làm ai ngạc nhiên vì tuổi tác đã cao và tình trạng thể lực ngày một yếu của Thầy. Nhưng tất cả mọi người, Phật tử cũng như thân hữu, đều cảm thấy có một sự mất mát rất lớn vì sự vắng bóng của Thầy. Thầy đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn. Một đời tu sĩ cho Đạo; một nghệ sĩ thi ca văn bút cho Đạo, cho Đời; một sự dấn thân cụ thể để bảo tồn và phát huy những giá trị tri thức và tâm linh cao quý giữa chốn bụi trần. Một đời Thầy tu hành trong tinh thần “tự giác, giác tha, giác hạnh, viên mãn” với phong thái khoan hòa đĩnh đạc của một thiện tri thức và sự hành xử công minh, vô úy vì đạo vì đời của một danh tăng qua những năm tháng thăng trầm nhất trong lịch sử dân tộc và đạo pháp.
Hướng về hoà thượng Thích Mãn Giác, phần đông Phật tử và thân hữu cũng giống như tôi. Chúng tôi tìm thấy ở Thầy một sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần tu sĩ, nghệ sĩ và kẻ sĩ. Tinh thần tu sĩ để hành đạo giải thoát; tinh thần nghệ sĩ để cảm thông với cuộc đời; và tinh thần kẻ sĩ để dấn thân vào đời mà hóa đạo giúp đời.
Văn phẩm mới nhất của Thầy mà tôi được đọc là bài tham luận gửi đến cuộc Hội thảo Phật giáo năm 2006, nhan đề:“Thư ngỏ của Sa môn Thích Mãn Giác gửi chư vị tham dự khóa hội thảo Cơ duyên và Thử thách của Phật giáo thế giới và Phật giáo Việt Nam”. Trong thư Thầy đã viết về tinh thần nhập thế cần thiết của người Phật tử:
“Kiên trì và tinh tấn bám sát con đường Đấng Từ Phụ đã đi. Qua những thời kinh nhật tụng, chúng ta thường chỉ thấy Phật ngồi Phật nằm mà quên rằng, gần nửa thế kỷ trụ thế, Phật là một kẻ lữ hành, luôn luôn lên đường. Phật đích thân đến với quần chúng chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến Phật. Phật tìm đến quần chúng để được quần chúng bố thí thức ăn quần áo thuốc thang, và để tạo cơ duyên cho Phật và thánh chúng bố thí giáo pháp lại cho quần chúng. Nhờ tinh thần có qua có lại tiên khởi đó mà đạo tràng chùa chiền tự viện mới không trở thành những hải đảo xa lánh hồng trần và các Trưởng Tử Như Lai không hành xử như những chủ quán, ngồi một chỗ chờ khách hàng tới để thù tiếp mà kiếm lợi, hay như những người lính đứng trong pháo đài lâu lâu lại kêu lên Pháp Nạn! Pháp Nạn! Đó là bài học đầu tiên chúng ta cần suy gẫm để rút tỉa hệ luận cho Phật sự.”
Phải chăng đây là một lời nhắn nhủ thiết tha của Thầy đối với những người còn ở lại trước ngày từ biệt?
Dấu ấn của một nghệ sĩ là tác phẩm. Dấu ấn của một vị chân tu là tấm gương soi cho thế hệ kế thừa.
Hoà thượng Thích Mãn Giác đã viên tịch nhưng những dấu ấn từ bi, trí tuệ và dũng mãnh của Thầy vẫn còn thắp sáng niềm tin cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Là một người học trò cũ, con xin lắng lòng tưởng niệm Thầy.
Là một Phật tử, con xin cung bái Giác Linh Thầy một tâm thức hoàn toàn tự do và giải thoát, xả bỏ báo thân, an nhiên trở về miền an lạc.
Kính bái biệt Thầy!
Sacramento 14-10-2006