Một ngày rằm tháng tư cuối tuần đẹp trời vào năm nào quên mất, tôi bị vợ rầy vì dọn chén đũa ăn chay mà không nhúng vào nước sôi để “diệt sạch cái chất mặn” rất có thể còn hơi hướm đâu đây. Tất nhiên trong phút đó tôi cũng chẳng dại dột gì mà lại đi đem tinh thần chấp hay phá chấp để ra phân tích, làm cho bữa ăn mất ngon. Tuy vậy, tôi vẫn muốn tưởng tượng ra rằng, mình có cái tâm “phá chấp” để khỏi phiền hà đi rửa lại nước sôi. Thế nhưng cái phá chấp xa xôi của tôi đang bị cái chấp thực tế cần thấy chén dĩa nhúng vào nước sôi của nhà tôi đánh bạt. Giữa cõi ta bà phiền trược nầy, “chúng sanh chồng” đừng có hòng mà thắng nổi “chúng sanh vợ” trong cái vụ chén bát nồi niêu, nghe bạn!
Một lần khác, cũng trong một ngày rằm hay mồng một ăn chay, tôi nghe bà xã bạn tôi buông lời “hỷ xã” với đức lang quân:
– Nói nghe ức thiệt! Hôm nay gặp ngày ăn chay chớ không thì ông biết tay tui!
Quả tình lúc đó tôi lầm thầm nói ước chi cứ đều đều mỗi tháng có tới 30 ngày rằm hay mồng một cho bạn tôi được nhờ.
Xưa, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một đại thiền sư đời nhà Trần, tu mà vào tiệc tại triều đình vẫn ung dung ăn thịt cá. Khâm Từ hoàng hậu là em gái của ngài thấy vậy, băn khoăn hỏi:
– Anh đã tu thiền mà còn ăn mặn thì làm sao mà chứng quả thành Phật được?
Tuệ Trung an nhiên tự tại, mĩm cười đáp:
– Chẳng có gì quan trọng, Phật là Phật mà anh là anh. Anh không cần làm Phật mà Phật cũng chẳng cần làm anh!
Sự phá chấp tuyệt đối nơi vị thiền sư đã làm cho tâm ông rỗng không, thanh thoát và phẳng lặng như mặt hồ soi bóng mây mà chẳng hề giữ mây trong lòng nước.
Một hình ảnh ví von được nhiều người biết của thiền sư Kyogen là một khái niệm chân xác về Thiền: “Thiền giống hệt như một người ở thế treo lơ lửng trên miệng vực thẳm. Răng anh ta cắn chặt vào một cành cây để giữ cho toàn thân khỏi rơi xuống vực. Cả tay chân đều không có một điểm tựa nào cả. Bỗng dưng có một người hỏi anh ta: “Ông ơi, nói cho tôi nghe Thiền là gì?” Im lặng hay mở lời để rơi ngay xuống vực?
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong tác phẩm “Vào thiền” đã giải thích hình ảnh nầy là: “Không trả lời, hắn thua cuộc…”. Tôi xin phép không đồng ý với cách lý giải mang tính triết học hơn là đượm mùi Thiền vị nầy. Bởi vì như Lão Tử đã nói về cái chiêm nghiệm tự tại trong Đạo Đức Kinh rằng, “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Ôi, cái tâm thanh tịnh, cái tình bao la mà nói lên bô bô thành lời e tâm loạn mà tình tan(g)! Chính vì nương vào ngôn ngữ ồn ào của triết học để bơi qua bờ sông vắng lặng của Thiền, nên cái tư duy thuần lý của đám môn đệ Schuzan tiên sinh ngày xưa mới bị tứ mã phanh thây.
Thiền sư là một con người uyên bác trong thân xác một đứa trẻ thơ: Hồn nhiên, tự tại, trong sáng và ít lời. Nên bản chất của thiền là cảm nhận và im lặng. Thiền mà gọi tên và diễn đạt được thành lời thì đã mất hết tinh túy của Thiền. Thiền trái với triết học. Chữ “Triết” trong chữ Nho khi chiết tự ta thấy gồm có bộ Thủ (là cái tay) nằm bên cạnh chữ Cân (là cái búa), đặt trên chữ Khẩu (là cái miệng). Bởi vậy bọn sinh viên lớp triết chúng tôi hơn ba mươi năm trước thường đùa với linh mục Nguyễn Ngọc Lan dạy Triết học Tây phương: “Thưa cha, triết học Âu Mỹ là tay cầm cái búa gõ vào mồm sẽ ra lý luận triết học ngay phải không cha?!” Gợi lại những hình ảnh có tính cách họat kê nầy để thấy rằng, tại sao người Âu Mỹ vào cuối thế kỷ nầy đã đâm ra mệt mỏi với lời lẽ duy lý, nên họ đua nhau tìm về với sự vắng lặng của Thiền. Như thế cái vực thẳm của Thiền chính là ngôn ngữ. Càng nhiều lời thì càng rơi sâu vào đáy vực của hơn thua hời hợt, lý sự chủ quan và định kiến hẹp hòi.
Mùa Phật Đản năm nay là dịp kỷ niệm cuối cùng ngày đản sinh của đức Phật Thích Ca trong thế kỷ 20 này. Tuy kinh sách của Phật Giáo không trực tiếp đề cập đến Ngày Tận Thế, nhưng có chăng một ngày như thế thì cũng chỉ là Ngày Tận Thế Nỗi Buồn, khi mà Hội Long Hoa đản sinh Giáo Chủ của Niềm Vui. Theo kinh điển Phật giáo, vị Phật tương lai đem đến Niềm Vui và Hạnh Phúc cho trần gian nầy là đức Phật Di Lặc. Đức Phật sức-mấy-mà-buồn nên miệng lúc nào cũng hớn hở cười tươi như hoa nở.
Trong khi chờ đợi sự xuất hiện của vị Phật tương lai đem đến vui tươi và an lạc cho mọi người, tại sao chúng ta lại không thể tự mình đi tìm tòi và an trú trong niềm vui tương đối của chính tâm hồn mình? Bạn nghi ngờ chăng? Xin hãy nhín một chút thì giờ quý báu để đọc bài “Xuân Di Lặc” của Từ Giao. Đọc xong, xin dành ít phút chiêm nghiệm mỗi ngày, bạn sẽ thấy niềm an lạc không ở đâu xa mà đang ẩn núp trong chính bạn sẽ mĩm cười lên tiếng.
Trần Kiêm Đoàn