Lần đầu tiên trong các chùa chiền tu viện Phật giáo Việt Nam, người ta bắt đầu nhắc đến một danh từ hơi lạ: Vesak – Phật đản Tam hợp. Nghĩa là một lễ kỷ niệm gồm cả 3 dấu mốc quan trọng trong đời đức Phật thời tại thế cùng hợp lại: ngày sinh, ngày thành đạo và ngày nhập diệt của đức Phật Thích ca Mâu ni.
Mùa hè năm ngoái, tháng 5-2007, trong lần gặp thầy Lê Mạnh Thát với anh em cựu sinh viên Vạn Hạnh tại trung tâm Quảng Đức, thầy cho biết là sau 4 lần liên tiếp tổ chức Vesak tại Thái Lan, Hội Phật giáo Thế giới muốn luân phiên tổ chức Vesak tại các nước châu Á như Việt Nam, Hồng Kông, Đại Hàn, Nhật Bản. Thầy Lê Mạnh Thát vui vui nói rằng, thầy lo nếu tổ chức tại các nước khác, phương tiện của họ quá dồi dào và hiện đại, sợ khi đến mình không kham nổi nên “vớt” ngay cơ hội có Trung tâm Hội nghị Quốc gia mới xây, thầy ngỏ ý mượn hội trường chính phủ và được chấp thuận.
Suốt một năm sau đó, việc tổ chức Vesak 2008 tại Việt Nam trở thành một đề tài nóng bỏng trong cũng như ngoài nước, nhất là trong hoàn cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo Việt Nam đương đại. Thầy Thích Nhật Từ cũng có ngỏ ý mời tôi vào ban phiên dịch và đóng góp tham luận cho Vesak 2008. Nhưng vì thường muốn giữ tâm an nhiên, trí rỗng lặng cho những mùa Phật đản nên tôi không tham gia các sinh hoạt “phóng tâm và động não” từ ngày về hưu, nên đã xin phép thầy sẽ tham gia vào một dịp khác.
Vesak là tên gọi tháng Tư của năm theo lịch Ấn Độ. Người Ấn Độ theo Phật giáo xem tháng Vesak là một thời điểm thiêng liêng. Ngày trăng tròn tháng Tư là ngày đã diễn ra 3 sự kiện trùng hợp đặc biệt gắn liền với cuộc đời của đức Phật.
Tuy đại lễ Vesak đã được tổ chức tại các quốc gia theo đạo Phật Nam tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái, Lào, Miên vào những thời kỳ rất xa xưa, nhưng mỗi nước chọn theo một thời điểm và cách thức riêng để đón mừng ngày đản sanh của đức Phật. Cho đến ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc mới chính thức công nhận đại lễ Vesak là một lễ hội mang tính chất văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên hiệp quốc để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng và tinh thần bất bạo động của đức Phật.
Trong 4 năm qua, Vesak được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan theo một thời đìểm mang tính lễ hội “festival” hơn là lễ nghi tôn giáo như sau:
Năm 2004 (nhằm Phật lịch 2547): Từ 16 đến 20 tháng 7
Năm 2005: Từ 18 đến 20 tháng 5
Năm 2006: Từ 07 đến 10 tháng 5.
Năm 2007: Từ 26 đến 29 tháng 5.
Năm 2008: Từ 13 đến 17 tháng 5 tại Hà Nội, Việt Nam (đang tiến hành).
Hôm qua, từ xứ Huế với trời mưa ào ạt như ai “cầm chĩnh trút”, tôi đi máy bay Vietnam Airlines ra Hà Nội. Phút chót, trước khi rời Huế, tôi gặp thầy Thích Tâm An và chừng vài mươi thanh niên trẻ tuổi đang làm khán đài trên bến sông Hương, cạnh Nghinh Lương Đình, đối diện với cột cờ và Phu Văn Lâu. Thầy cho biết là đang ráo riết chuẩn bị buổi lễ khai mạc “Bảy đóa sen mừng Phật đản” trên sông Hương. Đây là một công trình đầy tâm huyết và sáng tạo của tập thể tăng ni sinh và giới trẻ Huế. Đứng ở Nghinh Lương Đình, sau màn mưa tầm tã tháng Năm hơi bất thường của Huế, tôi có thể nhìn thấy rõ bảy đài sen hồng, mỗi đài lớn bằng nền ngôi tháp cổ, được đặt theo hàng dọc ngay giữa dòng sông Hương, phía Đông cột cờ. Không kèn, không trống, không lời…; nhưng một cảm giác an lạc, cao vời và thăm thẳm lan toả trên sông và trong lòng người đối cảnh. Hơi khác với mọi năm, Huế – thường được mặc nhận là “thủ đô Phật giáo” trong cả nước – đang có vẻ như rộn ràng hâm nóng hậu cảnh cho một mùa “Phật đản Liên hiệp quốc”. Thế nhưng những dòng sông tâm linh của Huế dẫu có trôi chảy tận đâu thì vẫn không muốn xa rời biển mẹ. Theo thầy Thích Hải Ấn cho biết, phái đoàn Phật giáo Huế được mời 140 vị nhưng chỉ có 32 vị ra Hà Nội dự Vesak. Trong khi đó, nghe nói đã có 19 nghìn người ghi tên, nhưng khả năng của Trung tâm Hội nghi Quốc gia (National Convention Center) tại Hà Nội chỉ đủ cho 3.500 người tham dự.
Chuyến bay Airbus Huế đi Hà Nội có trên vài trăm hành khách nhưng chỉ có vài chục là người Việt, còn lại hầu hết là khách nước ngoài da trắng.
Trên máy bay, tôi gặp “duyên” ngồi bên cạnh thầy Thích Chơn Phương, trụ trì chùa Thọ Đức. Thầy cho biết là đã được Hội đồng Phật giáo Thế giới trực tiếp mời tham dự Vesak 2008 tại Hà Nội. Suốt một giờ đàm đạo trên đường bay, tôi vừa hơi ngạc nhiên, vừa vui mừng khi thầy Chơn Phương nhắc đi nhắc lại một câu nói đầy ý nghĩa: “Thầy cùng tinh thần với các Phật tử như anh: Theo Phật chứ không theo bên nào cả. Đừng lôi hành chánh vào lĩnh vực thầy tu”!
Phi trường Nội Bài nắng nhẹ vàng mơ như trời cuối thu. Ra khỏi phòng kiểm soát hành lý ở phi trường, đã có sẵn hai ba nhóm đặt bàn, trương bảng nhân viên ban tổ chức “Vesak”, ân cần hỏi han giúp đỡ và hướng dẫn phương tiện, khách sạn. Tôi và nhà tôi được hỏi là thuộc phái đoàn, tổ chức nào về dự Vesak. Tôi nói là chúng tôi đến Hà Nội với tư cách cá nhân của những người Phật tử thầm lặng về dự Phật đản chứ hoàn toàn không thuộc tổ chức hay phái đoàn nào cả. Thế nhưng chúng tôi vẫn được hướng dẫn một cách nhiệt tình về những tin tức liên quan đến hội nghị.
Hôm nay là ngày 13-5-2008, ngày mở đầu cho Vesak đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào lúc 9 giờ sáng. Sau thủ tục kiểm tra an ninh ngoài cổng chính, khách đi vào trong khuôn viên của Trung tâm. Muốn được vào nhà Trung tâm, đòi hỏi phải có mang biển đăng ký do cơ quan công an cấp. Trong số những người đứng chờ bên ngoài để được vào hội trường, tôi là một trong dăm ba người “thoải mái” vì biết đương nhiên là mình sẽ không vào được bên trong nên chuyện trò để hiểu thêm tình hình mà chẳng chờ đợi một cái gì cả. Tôi đứng bên ngoài đến 11 giờ. Nghe thầy Thích Trung Hậu, bác sĩ Tôn Thất Chiểu từ trong hội trường ra cho biết là có quá nhiều người đang chờ nhận thẻ thông hành dự hội nghị, nhưng công an chưa gửi qua.
Một bà cụ ở Pháp về, trong số những người “chưa đăng ký”, đứng ngoài trời nắng vừa lau mồ hôi vừa phân bua (với ai không rõ), rằng bà đã từng tham dự những cuộc hội họp quốc tế mang tính cách tôn giáo, xã hội, chính trị với sự tham dự của cả trăm nghìn người mà mọi việc vẫn diễn ra trôi tròn. Theo bà, thì danh nghĩa ngày “Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc” tổ chức theo kiểu nghị trường, quần chúng không được tự do tham dự như một ngày lễ hội tôn giáo thế này cần phải được đổi lại là “Hội nghị Phật giáo Quốc tế nhân dịp kỷ niệm Tam hợp” (International Buddhist Conference on Vesak) mới đúng nghĩa. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Giáng sinh, Phật đản, Giỗ tổ Hùng vương… là ngày lễ của mọi người. Đặc biệt Vesak là dịp quy tụ những danh tăng quốc tế, những cư sĩ, trí thức, học giả có tiếng tăm của Phật giáo khắp thế giới; nhưng quần chúng không được tiếp cận, chiêm đón, lắng nghe, chia sẻ… là cả một sự thiệt thòi đáng tiếc cho cả đôi bên. Đành rằng vấn đề an ninh là ưu tiên hàng đầu cho mọi cuộc quy tụ, lễ hội quần chúng. Nhưng không thể vì thế mà biến một cuộc lễ hội đại chúng như ngày Phật đản trở thành một cuộc tham luận nghị trường! Mong Hội đồng Phật giáo Thế giới, mà Phật giáo Việt Nam là một thành viên, quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Nhân dịp mùa Phật đản đang về, thành tâm kính chúc chư tăng ni, quý đạo hữu và thân hữu Phật giáo thân an lành, tâm pháp lạc. Kính chúc Vesak 2008 tại Hà Nội Việt Nam đang tiến hành được thành công tốt đẹp.
Ngày 14 tháng 5 năm 2008
Khai mạc
Từ khách sạn Cửu Long trên đường Trần Duy Hưng, Lê và tôi lững thững đi bộ tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở khu Mỹ Đình, Hà Nội. Trên đường đi, nhiều nhóm tu sĩ và Phật tử áo nâu, áo lam cũng cùng đi về phía hội trường. Hôm nay là ngày khai mạc chính thức của Lễ hội Phật đản Liên hiệp quốc Vesak 2008 tại Hà Nội.
Dẫu biết rằng mình chỉ là một Phật tử thầm lặng không có thẻ vào cửa Hội trường, nhưng chúng tôi vẫn đến khu Mỹ Đình như người “hành hương” trong chính tâm thức của mình. Tôi muốn có niềm an lạc được gần gũi và vái chào những bậc cao tăng, danh sĩ Phật giáo từ những vùng chùa tháp, tự viện xa xôi trên thế giới đổ về tụ hội nơi đây. Bản thân mình và bằng hữu đều có chung một kinh nghiệm thực chứng rằng, được ngồi gần những bậc tu hành cao tăng tôn túc như đức Ðạt Lai Lạt Ma… chẳng hạn, là được tiếp cận một vùng “phát sóng” đầy năng lượng tâm linh. Con người như chiếc máy thu thanh bắt được tần số của làn sóng điện đang phát thanh một chương trình tuyệt diệu nào đó. Đối thể được tiếp nhận nhờ đó mà thu nhận được một nội dung đầy hoan lạc vô hình.
Khi đến trước cổng vào số 2 của Trung tâm Hội nghị, đã có quá nhiều người đang lũ lượt đứng chờ kiểm tra an ninh vào cửa. Đọc trên thẻ tham dự to bằng bàn tay của các tham dự viên đeo lủng lẳng trước ngực, tôi nhận ra có 4 hạng khách tham dự khác nhau được ghi bằng tiếng Anh, chữ lớn, đứng xa cũng đọc được: (1) Organizer (ban tổ chức), (2) Staff (nhân viên), (3) Delegate (phái đoàn) và (4) Observer (người tới xem).
Số người đứng bên ngoài như chúng tôi lên tới hàng nghìn. Phía ngoài cổng chính, màu áo vàng tươi của phía quý thầy và sư cô phái tịnh độ; áo màu đất sậm và vàng nâu đỏ của quý sư phái thiền tông; áo màu đỏ tươi khoác bên ngoài áo vàng của các nhà sư miền Ấn Độ, Tích Lan; màu áo nâu và lam đơn giản của tăng thân làng Mai và Phật tử từ bốn phương kéo về… đã làm tươi mới những con đường vào cổng chính của Hội trường.
Được chiêm ngắm dáng vẻ thanh thản an nhiên, nhìn nụ cười sống thực và hòa ái; được xá tay đảnh lễ và nhận đáp lễ giản đơn, an tịnh với các nhà sư – có vị mặt đẹp như Ca Diếp, có vị mặt dáng “sư tử hống” mà lặng thinh như Đạt Ma Tổ Sư… – chưa từng gặp, chưa từng quen từ những phương trời xa lạ về trên mảnh đất nầy, đối với chúng tôi, quả là một ân đức tâm linh. Dưới nắng vàng và trời cao lồng lộng, có hội trường nào đủ lớn để chứa hết lòng kính ngưỡng; để gói cho tròn cảm nhận thương yêu và giữ mãi được niềm tin trong chính nó! Có bài diễn văn, lời phát biểu, cuộc tham luận nào nói hết muôn triệu lời trong một lời và một lời chứa muôn triệu lời bằng sự im lặng như hải triều âm trong lúc nầy.
Trong biển áo vàng, nâu, lam… tôi tìm được an lạc ngay giữa dòng đời xao động. Người ta có thể đang hạnh phúc với một đối tượng tinh thần mà đâu cần phải dính mắc với hình thức hay tổ chức. Khi chúng tôi dọn mình cung kính đảnh lễ chư tôn đức và các thiện hữu ngay ngoài cổng chính rồi thanh thản quay về lại phòng trọ không một chút băn khoăn vì không vào cổng được thì thực tế đời thường lại kéo về thực tại. Phan Duy Nhân ở đâu gọi tới. Tiếng anh có vẻ vui mừng như một đáp số vừa tìm ra cho một bài tính khó:
“A ha! Ta tìm được cách cho ông vào rồi…”
Tôi còn đang thắc mắc chưa biết cách nào – bàng môn tả đạo hay chánh đạo – thì Duy Nhân đã nói tướng trong phôn:
“Cậu cứ chờ mình trước cổng số 2, nghe!”
Nhân đến, lục lọi ra được tấm thẻ “Organizer” dành cho ban tổ chức vừa chìa ra cho tôi, vừa băn khoăn rút lại:
“Ơ, mà không được. Đeo ‘ban tổ chức mượn tạm’ sợ gặp nhiều lôi thôi phiền não lắm.”
Khi Duy Nhân nhường cái thẻ “Delegate” mà anh đang đeo cho tôi thì lại gặp thêm một trở ngại lớn. Dẫu có muốn đi tu chăng nữa thì cũng phải phát huy truyền thống dân tộc “đói no có thiếp, có chàng…” chứ làm sao tôi nỡ vào hội trường một mình, để lại nhà tôi… bơ vơ ngoài cửa thành Hà Nội được! Thế nhưng rồi, cái “duyên” ở đâu cũng đến! Duy Nhân cuối cùng cũng xoay xở cho cả hai chúng tôi đều được vào dự. Tuy muộn màng nhưng còn hơn không vào được.
Hội thảo
Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở khu Mỹ Đình, Hà Nội là một hội trường lớn, được xây dựng mỹ thuật và hiện đại theo tiêu chuẩn “convention center” thời tự động và điện tử hóa của thế giới. Phải vất vả đi hết ba vòng sáu tráo loanh quanh mới kiếm ra được hai ghế trống hàng sau cùng. Có vẻ như tu sĩ chiếm đại đa số. Màu áo vàng chiếm ngự phần lớn các dãy ghế trong hội trường.
Sau khi đã an định được chỗ ngồi, quan sát kỹ, tôi hơi ngạc nhiên pha một chút cảm khái vì trên sân khấu làm lễ đài và khắp nơi trong hội trường chỉ có hoa đèn và cờ Phật giáo. Tuyệt nhiên không có sự xen lấn của một mảng chính trị nào. Hình ảnh, màu sắc và cung cách mà tôi đã bị dị ứng nặng nề trong suốt đời mình là sự trộn lẫn chính trị vào tôn giáo. Đặc biệt, hình ảnh “khó nuốt” nhất là tượng đức Phật đem… phụ diễn bên cạnh tượng lãnh tụ; hay khẩu hiệu sáo mòn, rỗng tuếch đem đặt với lời kinh cao viễn. Biểu tượng tâm linh để quán niệm và chiêm bái nhất định không thể bị hạ thấp ngang tầm với biểu tượng hành động để cổ xúy đấu tranh và chiến đấu được. Đạo pháp và dân tộc là một cuộc đồng hành nhân bản. Không thể có một cái đuôi chủ nghĩa chính trị nào áp đặt vào mà vừa vặn cả.
Sau lễ chào cờ Phật giáo, thả chim bồ câu và bong bóng màu ngoài trời, phía trước hội trường, lễ khai mạc chính thức diễn ra trong hội trường.
Lễ khai mạc kéo dài suốt buổi sáng ngày 14-5-2008 với 15 tiểu mục và quy tụ trên 20 lượt các nhân vật quan trọng trực tiếp hay đại diện cho các vị nguyên thủ quốc gia lên diễn đàn phát biểu. Nội dung các bài phát biểu, nói chung, đều phản ánh ngôn ngữ lễ nghi, hình thức, ngoại giao rất hoàn chỉnh và tròn trịa. Tất cả đều mở đầu bằng thông điệp chào mừng, đến lời ngợi ca truyền thống từ bi, hỷ xả, vị tha, hiếu hòa và hiếu hạnh của đạo Phật trong dòng lịch sử nhân loại, lịch sử Việt Nam và giáo sử đạo Phật. Hầu như khía cạnh chính trị đã được gọt giũa và giảm thiểu tối đa nên đã tạo được một không khí tương đối đượm tính tôn giáo thuần túy trong suốt phần khai mạc, mặc dầu có sự tham dự của các nhân vật cao cấp Liên hiệp quốc, Phật giáo thế giới và ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nhà nước Việt Nam đương quyền.
Buổi chiều, chương trình nghiêng về phần hội thảo, nhưng thực chất cũng chỉ quy tụ diễn thuyết của các nhân vật được cộng đồng quốc tế biết tới nhiều như:
– Hòa thượng tiến sĩ Dharmkosajaras, chủ tịch sáng lập IOC (Ủy ban Tổ chức Quốc tế) thuyết trình chủ đề: “Phật giáo với vấn đề xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
– Thượng tọa Recard Mathieu – một tiến sĩ sinh vật học rất nổi tiếng với tác phẩm Le moine et le philosophe (Thiền sư và triết gia) – thuyết trình về chủ đề: “Chánh niệm và sự chuyển hóa Tâm thức” (Mindfulness and Transformation of mind). Có thể nói, đây là một bài thuyết trình minh triết, trí tuệ nhưng cũng thực dụng và khả thi nhất trong các bài thuyết trình cùng buổi chiều của phần hội thảo.
– Pháp sư Học Thành, phó Hội trưởng kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa. Bài nói bằng tiếng Tàu nên tôi không hiểu được nội dung mà chỉ “thấy” thân ngữ có vẻ hùng biện và âm ngữ lên bổng, xuống trầm rất chi là… đại hán Trung Quốc.
– Hòa thượng Thích Nhất Hạnh với bài thuyết trình nhan đề “Vai trò của Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh”. Bài nói hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ngồi xung quanh thầy là 500 tăng thân và cư sĩ Làng Mai – (nghe nói) đến từ 40 nước – trình bày thiền ca 30 phút trước khi thuyết trình. Nội dung bài thuyết trình là một “tập đại thành” những bài có đề tài tương tự mà thầy đã thuyết trình trong và ngoài nước.
Tối đến là một chương trình văn nghệ xuất sắc gồm ca, múa, nhạc, hoạt cảnh liên quan đến tinh thần Phật giáo, Phật đản và văn hóa dân tộc.
Nhìn lại trong ngày và nội dung chương trình, có thể nói đây là ngày tiêu biểu nhất cho Vesak 2008. Về mặt kỹ thuật, chương trình và sự sắp xếp thời gian, bố trí trình tự cho các tiểu mục rất vừa vặn và ăn khớp nhau. Về nội dung, tôi hơi ngạc nhiên và thất vọng vì sự vắng bóng của tuổi trẻ Phật tử Việt Nam và thế giới trên diễn đàn, cũng như trong nội dung thuyết trình và hội thảo. Mặc dầu đây là một lễ hội tôn giáo quốc tế, nhưng nước đăng cai cũng cần biểu tỏ quốc tính văn hóa và lễ nghi riêng của tôn giáo mình trong bối cảnh lịch sử và văn hóa riêng của mình. Trong phần nghi lễ, tôi chẳng thấy một chút “mày vẻ” Phật giáo Việt Nam nổi lên ở đâu cả.
Ngày khai mạc và những nghi thức hành lễ đã xác định rõ nét hơn tính chất hội nghị của Vesak mà tôi đã trình bày ở phần 1 của “Nhật Ký Vesak 2008”.
Ngày 15-5-2008
Đây là một ngày dành trọn cho chương trình “Hội thảo theo chuyên đề”. Chủ đề chính cho các nhóm hội thảo là “Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Ngôn ngữ tiêu chuẩn là tiếng Anh. Năm chuyển ngữ chính là: Việt, Hoa, Đại Hàn, Thái. Có 7 phòng họp cho 7 nhóm hội thảo về 7 chủ đề khác nhau:
- Vai trò Phật giáo trong việc ngăn ngừa chiến tranh.
- Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội.
- Phật giáo nhập thế và sự phát triển.
- Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu.
- Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo.
- Diễn đàn giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển.
- Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
Để có thể theo dõi một cách khách quan và tổng quát cuộc hội thảo Phật giáo quốc tế về những đề tài quá ư là… trời biển nầy, tôi tự bố trí cho mình một kế hoạch “chạy xô” nhỏ, mang tích chất quan sát nhiều hơn là tham gia. Đó là nội trong ngày, phải đi cho hết cả 7 phòng họp. Không khí tham gia nô nức lúc ban sáng chỉ vài giờ sau là “rút nước” dần. Sau đợt giải lao buổi sáng lúc 10 giờ, tôi để ý là có quá đông hội thảo viên người Việt không trở lại vào phòng mà xuống lầu và ra sân… tiếp tục giải trí. Trong số người “lêu lổng” đó có tôi. Lý do đơn giản là vì “trình độ hội thảo cao quá, leo không tới, với không cùng…,” như lời một cư sĩ miền Trung mà tôi gặp ngoài sân phát biểu. Thật thế, ngôn ngữ toàn bằng tiếng Anh, tuy có “headphone” chuyển ngữ, nhưng khi mang thử còn khó hiểu hơn là nghe trực tiếp bằng tiếng Anh! Các tham luận viên hướng dẫn diễn đàn phần lớn là các giáo sư, học giả từ các trường đại học ở Úc, Pháp, Mỹ, Ấn Ðộ…, những vấn đề đưa ra thảo luận phần lớn ở trình độ đại học và nặng tính kỹ thuật, học thuật nên rất trừu tượng. Trong lúc đó, nhiều tham dự viên người Việt là các đạo hữu từ các vùng núi rừng, thôn dã xa xôi, ngữ pháp tiếng Việt còn chưa thông, nói chi đến tiếng Tây, tiếng Mỹ. Quả thật đây là một trở ngại đòi hỏi sự chọn lựa không đơn giản cho người tổ chức.
Buổi chiều, số người tham gia hội thảo trong các phòng họp càng giảm xuống. Có nhiều phòng, chỉ toàn người nước ngoài thảo luận với nhau như đang ở tại một “campus” của trường đại học Mỹ” không bằng.
Vì chỉ đóng vai trò của một quan sát viên hơn là một tham dự viên, nên tôi không hiểu được là cuối cuộc hội thảo, những thành viên tham dự nghiêm túc đã gặt hái được bao nhiêu lợi lạc về mặt kiến thức lẫn kinh nghiệm. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng, ban tổ chức đã tạo được một bầu không khí hội thảo hội đủ (hay có khi còn có vẻ trội hơn) những tiêu chuẩn cơ bản của một cuộc hội thảo quốc tế. Nếu các thành viên Việt Nam ta cảm thấy chưa đạt yêu cầu thì cũng chả sao vì “nhịn miệng đãi khách” vẫn là truyền thống khả ái nhất của dân ta mà!
Thành quả
Vesak 2008 hẳn nhiên có một ảnh hưởng và hệ quả lâu dài tại Việt Nam vì cái biển hiệu “quốc tế” hay “Liên hiệp quốc” của nó. Tuy biển hiệu tự nó chỉ giới hạn trong giá trị tượng trưng, thế nhưng trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, đó là dấu chỉ đậm nét nói lên mối quan hệ giữa thế quyền và giáo quyền. Người “được tất cả” là nhà nước Việt Nam vì Vesak 2008 chỉ thêm chứ không bớt gì cả về mặt tiếng tăm, quyền lực và bộ mặt của chính quyền Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
Vesak 2008 sẽ có một tác động sâu sắc và rộng khắp về mặt tâm lý, tổ chức và tương tác đối với Phật giáo Việt Nam trong nước. Nếu hiện trạng phân hóa như hiện nay không được cải thiện thì tác động này sẽ nghiêng về mặt tiêu cực và có khi dẫn đến tai họa phân tranh nội bộ, biến đạo Phật Việt Nam thành một “tôn-giáo-chính-quyền”. Và khi một tôn giáo lớn biến thành công cụ ngoan ngoãn dưới trướng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ban Tôn giáo Trung ương thì cả đạo Phật lẫn chính quyền đều bất lợi: Chính quyền mất một đạo Phật vốn dĩ là nguồn suối và chỗ dựa tâm linh phong phú, góp phần tích cực trong quá trình điều hòa, hóa giải, xây dựng đời sống tinh thần và un đúc những giá trị phi vật thể to lớn cho xã hội. Như mục sư Jerry Lancaster trong hệ phái Tin Lành Presbyterian của Mỹ đã phát biểu rằng, chính phủ Mỹ đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đô la mỗi năm cho nhà tù, bệnh viện, cơ quan giải quyết tệ nạn xã hội là nhờ hệ thống tôn giáo độc lập, lành mạnh và hữu hiệu trên toàn nước Mỹ. Ngược lại, một tôn giáo công cụ sẽ có tác dụng không hơn một “thằng Mõ” đối với chính quyền. Sức mạnh tôn giáo bấy giờ sẽ khó mà đi xa hơn là sự tập trung chấp nhặt hình thức lễ nghi và sự chú mục vào việc phát triển rộn đám về mặt cơ sở vật chất trước mắt.
Tổ chức Vesak 2008 vừa qua có vẻ như càng tạo thêm cơ hội kết chặt thêm mối quan hệ giữa quý thầy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (thân chính quyền) với giới lãnh đạo chính quyền; đồng thời vắng bóng quý thầy trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (chống chính quyền). Trong dịp nầy, tôi có nhiều thời gian và cơ hội tìm hiểu và đàm đạo với quý Thầy, quý sư ni khắp nơi trong nước về tham dự. Thoạt đầu, tôi yên chí rằng chư tăng ni về Hà Nội dự Vesak 2008 đều đương nhiên là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân nhà nước mới được mời về kinh phó hội như thế. Tuy nhiên, thực tế đã nói lên một hướng khác, hướng chánh đạo phá vô minh. Trong số hơn mấy chục quý thầy và sư cô mà tôi được duyên lành tiếp xúc, tuyệt nhiên chưa có một vị nào tự nhận rằng mình là người thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân chính quyền hay thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chống chính quyền cả. Tất cả chỉ một lời mà khi nhớ lại trên đường bay về Mỹ, tôi đã âm thầm đưa tay chùi nước mắt; rằng, họ là Phật tử xuất gia, là trưởng tử của Như Lai, đã nguyện xả bỏ hết cuộc đời hạnh phúc thường tình để tu hành tìm phương giải thoát. Hạnh phúc đời thường đã không màng tới, thì sá gì những chức danh, lợi lộc, quyền thế hư ảo giữa đời thường mà phải chạy theo hay bị dính mắc. Quý thầy và sư cô mà tôi được gặp đã nói lên một lời nhất quán rằng, đã là con Phật thì họ ở với Phật, tuyệt nhiên không ở phía nào – bên nầy hay bên kia – cả.
Kết thúc Vesak 2008, người Phật tử chỉ mong rằng, qua lễ hội nầy, chính quyền Việt Nam đương nhiệm có cơ hội hiểu về đạo Phật hơn. Và hy vọng, người Phật tử có dịp gặp nhau, tiếp cận với giới tu sĩ, thiện tri thức Phật giáo từ nhiều nơi trên thế giới để giúp mình thông thoáng và dễ hài hòa hơn trong cuộc sống. Với đạo Phật thì tất cả đều chỉ là phương tiện. Sự cảm thụ và quyền biến phương tiện không ai giống ai. Cùng một cây roi nhưng đó là phương tiện tốt đối với ông thầy; mà lại là phương tiện xấu đối với đứa học trò bị phạt. Cùng một trận mưa nhưng hạt lúa nảy mầm mà cây nấm bị ung thối. Vesak là một phương tiện. Mong rằng, sẽ chẳng có ai được lên Niết bàn hay bị rơi xuống Địa ngục của tâm lý và tri lý chính mình vì một phương tiện phù du như thế cả.
Hà Nội, ngã tư Cầu Giấy mùa Phật đản 2008
Stockton, ngày Phật Đản 2552
Trần Kiêm Ðoàn
© 2008 talawas
* Hình của Jim Thompson