Lưu Trần Nguyễn
Chị ơi trong nắng hanh vàng cũ
Thấp thoáng màu xanh vạt áo dài
Tóc chị nhuộm hồng hoa phượng vĩ
Phượng của mùa thi, chị của ai ?
LTN
Tôi quen chị vào năm học lớp đệ tam. Hồi ấy tôi 17 và chị chắc cũng chỉ hơn tôi độ một hay hai tuổi là cùng. Một buổi sáng thầy giám học dẫn chị đến lớp và giới thiệu chị với chúng tôi
-Thầy giới thiệu với các em. Trò Nguyễn thị Hoàng Yến, kể từ ngày hôm nay sẽ là học sinh lớp đệ tam A1 của trường chúng ta.
Chị dáng nhỏ nhắn thanh tú, mái tóc dài thẳng tắp, đôâi mắt to đen, nước da trắng như miếng cùi dừa. Chị khép nép ôm cặp da trước ngực đầu hơi cúi xuống để tránh né những đôi mắt hóm hỉnh của bọn nam sinh chúng tôi.
Sau lời giới thiệu là một tràng pháo tay vang dội của toàn lớp học. Tiếp theo đó là những tiếng hít hà, chặc lưỡi, xầm xì, thật ồn ào. Giáo sư phụ trách lớp hình như cũng vui lây bởi cái không khí xôi động của tuổi trẻ. Ông cầm cái thước gõ lên bảng ra dấu im lặng một cách dịu dàng hơn so với những lần trước.
Chị được sắp ngồi ở bàn thứ ba, cuối cùng của nữ sinh. Tiếp giáp sau lưng chị trở đi là dẫy bàn của nam sinh. Lớp học tổng cộng 45 người nay có thêm chị là 46. Tất cả được chia làm ba dẫy. Nữ sinh được ngồi ở dẫy giữa. Tôi ngồi ở dẫy bên tay phải chị, và thấp hơn chị ba hàng ghế. Ở vị trí này tôi được nhìn thấy chị một cách rõ ràng và hợp lý nếu có ai nhìn tôi thì cũng tưởng tôi đang chăm chú nhìn lên bảng mà thôi. Vì thế cho nên tôi tha hồ chiêm ngưỡng chị mà không sợ bị ai bắt gặp.
Phải công nhận rằng khi nhìn chị với một góc độ nghiêng nghiêng chị giống như một bức tranh vẽ tuyệt vời. Trong trái tim mới lớn của tôi hình ảnh chị tràn ngập như cơn hồng thủy, nhất là lúc chị đăm chiêu nhìn theo viên phấn trắng đang múa may trong tay giáo sư trên bảng. Cái khoảng cách giữa tôi và chị xa vừa đủ cho tôi thấy được những sợi mi dài của chị chớp chớp trên cặp mắt to đen. Chị hơi móm nên nhìn nghiêng lại càng thêm duyên dáng.
Tôi là một nam sinh có lẽ nhỏ tuổi nhất so với các bạn, tánh tình nhút nhát. Chưa bao giờ tôi dám dơ tay phát biểu một vấn đề gì, ngoại trừ giáo sư chỉ định. Điều này cũng thật dễ hiểu bởi tôi không thuộc loại học sinh giỏi, ít khi tham dự vào đám đông, và nhất là tự ti về giọng nói của mình.
Khi gia đình tôi di cư vào Nam thì ông cụ tôi lại chuyển về miền cố đô này, giọng Bắc của tôi thật lạc lõng giữa những tiếng líu lo như chim hót của các cô gái Huế. Tôi nhớ, có lần trong giờ giảng văn tôi được thầy giáo chỉ định đọc và phân tách một đoạn văn của nhà văn Nguyễn Tuân. Tôi hơi mất bình tĩnh nhưng cũng bắt đầu đọc. Những dòng chữ đang lướt dưới mắt tôi một cách êm ả, và lưỡi tôi cũng bắt đầu trôi chảy trong bài văn xuôi mà tôi đã nhiều lần đọc tại nhà, thì bỗng nhiên ở sau lưng tôi bỗng phát ra một giọng nói kỳ dị mà tôi cứ đinh ninh giống hệt như tôi:
– Nạy nhà “bát” cho nhà cháu xin điếu thuốc “nào” a.ï
Sau câu nói cả lớp ồ lên cười rầm rầm. Tôi có cảm tưởng như mình đang bị đày ải bởi cơn mắc cỡ, lưỡi tôi ríu lại và nói không nên lời. Đó là những cực hình mà tôi đã phải chịu đựng suốt nhiều năm trung học. Hình như vào thời ấy, ở Huế tìm được một người nói tiếng Bắc như tôi rất hiếm hoi, cho nên các bạn học thường nhái giọng Bắc của tôi để làm một trò đùa thật vô tư. Nhưng họ có biết đâu từ đó trong lớp học tôi trở thành một người câm không bao giờ dám lên tiếng phát biểu.
Chính vì lý do đó, tôi ít bạn bè, thích ngồi một mình ngó mông lung ra ngoài khung cửa sổ. Trong giờ ra chơi tôi thường hay đứng xớ rớ ở một góc hành lang nhìn vẩn vơ ra ngoài đường. Có lẽ chị thấy tôi có vẻ khác lạ và cô đơn trước tuổi mình như thế nên hình như chị cũng có vẻ quan tâm đến tôi. Có lần thấy tôi ngồi lặng thinh cắm cúi đọc một cuốn sách, chị tằng hắng một tiếng nhỏ, tôi ngẩng đầu lên, thấy chị đưa tay vẫy vẫy về hướng tôi, tôi tưởng chị vẫy một người khác, nên vẫn cúi xuống đọc tiếp. Chợt nghe tiếng chị gọi nhỏ:
– Khiêm, lại đây chị nói nghe nì
Tôi tưởng mình nghe lộn, xong vẫn ngần ngừ đi tới lí nhí trong miệng:
– Chị Yến gọi Khiêm hả ?
Chị gật đầu chỉ tay xuống chỗ ngồi sau lưng, bảo:
– Khiêm ngồi xuống đây đi,
Tôi ngượng ngập ngồi xuống, ngước mắt nhìn chị. Bóng dáng chị choáng ngợp trong không gian, và tôi thật là bé nhỏ trước chị. Lần đầu tiên tôi được ngồi gần chị như thế, dù vẫn cách chị một khoảng cách mặt bàn. Nhưng vậy cũng đủ cho tôi có được một cảm giác lâng lâng tuyệt vời. Chị như một bà tiên, yêu kiều diễm lệ và tuyệt đối trong trái tim non nớt của tôi. Những cái rung động thánh thiện của tuổi thơ quả là phút giây kỳ diệu. Tôi nhìn thấy một mảng tóc lòa xòa trước khuôn mặt ôn nhu của chị như một vạt mây đêm che nửa vầng trăng. Đôi mắt chị bao dung dịu hiền trú ẩn dưới đôi mi dài diệu vợi. Chị nhìn tôi có chút đăm chiêu lẫn như thương hại.
Sau một phút im lặng chị khẽ hất đầu để một mảng tóc lòa xòa trước mặt chị chếch về một bên. Cái động tác cực kỳ duyên dáng ấy như một ấn tượng tiềm ẩn trong tôi, sau này hễ gặp một cô gái nào có mái tóc dài, cũng có cái động tác hất đầu nhẹ một cách duyên dáng như thế, trước mắt tôi hình ảnh chị lại hiển hiện vẹn toàn. Chị hỏi:
– Sao Khiêm không ra ngoài chơi với bạn
Tôi run run trả lời, nửa lo âu về giọng nói của mình, nửa vui mừng:
– Dạ, Khiêm không thích ra ngoài.
– Khiêm đang đọc sách chi rứa?.
Tôi vừa đưa sách cho chị vừa nói:
– Dạ Khiêm đọc cuốn sách dịch này
Chị cầm cuốn sách nói:
– Khi mô coi xong cho chị mượn được không?. Chị cũng thích đọc loại truyện ni lắm.
Tôi mừng rỡ khẽ dạ một tiếng nho nhỏ.
Chị cười nhìn tôi nói:
– Con trai chi mà nhát rứa.
Từ đó tôi quen chị dần dần, nhưng không bao giờ tôi dám đến chị trước. Chỉ khi nào chị gọi thì tôi mới đến ngồi nói chuyện với chị thôi. Có lần trong giờ ra chơi, tôi cùng với mấy người bạn đi ngang qua bàn chị, chị thản nhiên gọi:
– Khiêm có xuống văn phòng cho chị nhờ chút việc.
Tôi mau mắn nhận lời. Bởi được chị nhờ quả là một sự ân sủng to lớn đối với tôi
– Khiêm đóng học phí cho chị, còn dư 5 đồng mua cho chị một gói ô mai nhé.
Tôi sung sướng phóng như bay xuống văn phòng như một đứa trẻ. Có lẽ niềm vui lớn quá át cả tiếng của thằng Sâm rỗ đang lầm bầm vừa chạy theo tôi vừa chửi:
– Tổ cha mi thằng Khiêm. Răng mi để cho con Yến móm sai mi rứa
Tôi phân trần với thằng Sâm giọng như năn nỉ
– Chị ấy nhờ một chút có sao đâu, đằng nào mình cũng xuống dưới nhà mà
Thằng Sâm rỗ vẫn tiếp tục sỉ vả tôi thậm tệ:
– Mụ nội mi thằng ngu,
Khi tôi mang ô mai cho chị. Chị bảo tôi ngồi xuống bên cạnh nói:
– Ngày mai thằng Thể ngồi sát phía sau chị nó nghỉ học luôn rồi, Khiêm lên đây ngồi với chị nhé. Đừng ngồi gần thằng Sâm rỗ nữa. Thằng đó cao bồi lắm. Không lo học cứ lo đi “nghể” gái
Tôi ngập ngừng hỏi chị:
– Lỡ nó đi học lại thì sao chị
– Không mô. Chị ở gần nhà nó chị biết mà, nó vô học ở Sao Mai Đànnẵng.
Hôm sau tôi đến ngồi sát sau lưng chị thay chỗ thằng Thể. Những giờ ra chơi chị cũng giống như tôi ít khi ra ngoài, và tôi với chị từ đó thân nhau hơn. Chị khuyến khích tôi rất nhiều, giúp tôi tự tin giọng nói của mình.
– Khiêm nói tiếng Bắc nghe dễ thương lắm, chị thích nghe các xướng ngôn viên đài phát thanh nói giọng Bắc hơn là giọng Huế của chị.
Thú thật nghe chị nói tôi cứ lịm người đi vì sung sướng. Tôi bâng khuâng nhìn đôi môi chị đỏ hồng như trái mận bất chợt có một cảm giác chua chua ngọt ngọt nơi đầu lưỡi thấm dần trong huyết quản. Tóc chị bay bay theo gió, thoảng mang đến tôi mùi trầm hương thuần khiết. Trước mặt tôi chị là một thiếu nữ toàn bích, kiêu sa và thánh thiện.
Từ đó hình ảnh chị càng ngày càng sống trong lòng tôi mãnh liệt. Tôi tôn vinh chị nhự con chiên tôn thờ thánh nữ. Bởi chị chính là một chỗ dựa tuyệt vời cho những bước chân mới lớn đang run rẩy chập chững của tôi.
Mười bẩy tuổi với cái thời của tôi hồi đó, tôi chỉ là một cậu bé cỏn con từ thể xác lẫn tâm hồn. Tôi đích thực là một cậu nhỏ trước một chị Yến của tôi tràn đầy nhan sắc. Tôi âm thầm mang hình bóng chị vào từng trang nhật ký, và tâm hồn tôi cũng bắt đầu trưởng thành từ đó.
*
Qua mùa học sau tôi vẫn dành một chỗ ngồi sau lưng chị. Lớp học bây giờ đông hơn. Chị vẫn luôn luôn mang chiếc áo dài mầu xanh da trời, khác với mấy chị cùng lớp. Năm nay là mùa thi tú tài phần I cho nên vào niên học là chúng tôi bắt đầu căng thẳng. Vì đây là giai đoạn nguy hiểm đối với các học sinh Nam. Nếu rớt sẽ phải động viên đi trung sĩ. Phần nữ sinh thì cứ yên chí lớn. Bất quá rớt thì đi lấy chồng cũng chẳng sao.
Tôi đã lên 18, bắt đầu biết chải đầu tém hai bên, và trước trán để tóc lòa xòa cho có vẻ bụi. Quần ống 15 ngắn trên mắt cá. Chân đi giầy da, dưới đế có gắn đinh để khi bước đi trên thềm xi-măng phát ra những tiếng kêu cồm cộp. Tất cả những thời trang này đều do thằng Sâm rỗ thuyết phục tôi:
-Mi phải ăn mặc cho đúng mốt, không thì trông mi giống mấy thằng dưới sịa lên phố quá.
Hằng ngày sau giờ tan học thằng Sâm thường rủ tôi đạp xe chạy một vòng qua trường Đồng Khánh, rồi qua cầu Trường Tiền, đi dọc theo con đường Trần Hưng Đạo, băng qua Gia Hội. Chỉ mất khoảng hơn nửa giờ là mọi người có thể nhận diện ra nhau nơi thành phố nhỏ nhoi này một cách dễ dàng. Chúng tôi cứ sánh vai nhau song song hai chiếc xe đạp đi lên đi xuống cho đến khi nào chán mới trở về. Nhà chị ở đối diện với tiệm mè xửng Song Hỉ gần cửa thành nội. Mỗi lần trên đường về nhà, chúng tôi bắt buộc phải ngang nhà chị. Nhà tôi ở đường Âm Hồn, còn nhà thằng Sâm ở tuốt trong nội thành gần hồ Tịnh Tâm. Bao giờ cũng thế khi chúng tôi nhìn vào đều thấy dáng chị thấp thoáng trong khung cửa sổ. Chị đã về trước chúng tôi từ lâu, thường mặc bộ đồ bộ ngắn tay mầu tím nhạt có điểm những cành hoa mầu tím đậm hơn. Trông chị càng nhỏ nhắn trong bộ đồ mặc ở nhà. Thằng Sâm rỗ thường nhìn vô nói oang oang :
-Mi ngó con Yến móm tề, trông nó mặc bộ đồ tau muốn ở tù quá.
Tôi lườm thằng Sâm rỗ, không nói. Bởi mỗi lần tôi bênh vực chị thì thằng Sâm lại nhìn tôi nói một cách nham nhở:
-Bộ mi mê con Yến móm rồi à.
Tôi rất sợ khi nghe thằng Sâm nói vậy. Tôi ngại nó khám phá ra sự thật về tôi. Bởi đối với tôi, những khám phá của nó là một sự xúc phạm nặng nề làm nhơ bẩn đến thanh danh chị. Tôi phản đối một cách mạnh mẽ:
-Mi ưa nói bậy bạ, tao coi chị như chị của tao thôi.
Thằng Sâm thấy tôi nổi cáu nó vội cười xoa dịu tôi rồi phóng xe một mạch không nói năng gì.
Một lần chị bắt gặp tôi mặc áo sơ mi không gài nút ngực, chị gọi tôi lại, vừa gài nút áo cho tôi vừa cằn nhằn:
-Dạo này chị thấy Khiêm hơi đổi khác. Hay đi chơi với thằng Sâm rỗ. Tan lớp không chịu đi về ngay còn đi lòng vòng “nghể” gái với thằng Sâm phải không? Chị ghét thằng Sâm lắm. Thằng ni mất dạy rứa mà Khiêm đi chơi với hắn.
Tôi lí nhí chối:
-Dạ đâu có. Tan học là Khiêm về ngay mà.
Chị cười nhìn tôi đăm đăm:
-Chiều mô chị cũng thấy Khiêm đi ngang nhà chị cùng với thằng Sâm, có không nì?
Tôi ngượng ngùng nhìn xuống đất không trả lời. Thì ra chị đã nhìn thấy tôi tất cả. Nhưng không biết chị có nhìn thấy rõ tận trong tâm khảm tôi hay không? Nếu chị thấy được chắc là tôi trốn học luôn không dám nhìn chị quá.
*
Thời gian cứ thế dần trôi. Mang theo những quãng ngày thơ của tôi quấn quít theo hình bóng chị. Tôi ít đi chơi dần với thằng Sâm, sợ chị bắt gặp. Sau những đêm chúi mũi vào sách vở tôi thường ngồi lặng thinh tay viết viết xóa xóa những chữ thật vô nghĩa. Thoảng có đôi khi cúi xuống nhìn thấy tên chị đã được tô đậm nét tự bao giờ. Tôi hoảng hốt như một tên tội phạm vội vàng xóa bỏ. Nhưng tên chị chỉ xóa bỏ được trên trang giấy trắng, mà không thể nào xóa bỏ được trong sâu thẳm hồn tôi. Đêm như một nhân chứng tội nghiệp nhìn tình tôi tật nguyền, vô vọng. Có khi tôi gục đầu xuống bàn học ngủ thiếp. Dĩ nhiên trong mơ dầy đặc bóng hình chị. Tà áo xanh và mái tóc thề huyền ảo.
Mùa thi năm ấy tôi và thằng Sâm rỗ may mắn được đậu vớt. Nhưng dù vớt hay không thì cũng là đậu. Khỏi phải đi lính và được lên ngồi ở lớp đệ Nhất đã quả là niềm vui cực đại của tôi. Chị yến không may. Hôm coi kết quả tôi gặp chị. Nét mặt chị vẫn bình thường không vui không buồn. Lúc nào cũng điềm đạm ôn nhu. Khi biết tôi đã đậu, chị mừng một cách lạ kỳ. Chị reo lên như thể đó là kết quả của chính mình. Tôi đọc được trong mắt chị sự chân thành ấy. Chị đập nhè nhẹ lên vai tôi, nói:
-Chị cứ lo Khiêm rớt.
Xong chị tiếp lời không kịp để tôi nói:
-Để chị thưởng Khiêm một chầu ciné, chiều thứ bẩy này ở Châu Tinh có chiếu phim hay lắm.
Chị vừa nói vừa móc bóp đưa tiền cho tôi bảo:
-Khiêm mua hai vé hạng nhất cho hai chị em mình nhé.
Tôi bàng hoàng chưa kịp phản ứng thì chị đã vội dắt xe đạp đi thẳng đến chỗ đám đông con gái.
Buổi chiều thứ bẩy tôi đứng chờ chị rất sớm ở cổng rạp. Tôi thấy dáng chị từ xa đi tới. Chị mặc chiếc quần Jean xanh và một chiếc áo pull mầu huyết dụ trông càng nổi bật nước da trắng hồng của chị. Chiếc áo dài làm chị trang nghiêm bao nhiêu thì bộ đồ jean khiến chị trẻ trung bấy nhiêu. Thấy những cặp mắt của mọi người nhìn chị một cách trầm trồ tôi thầm hãnh diện biết bao khi được đi sóng đôi bên chị vào rạp. Chị thì hồn nhiên còn tôi lại ngượng ngùng khó tả, tôi cứ tưởng tượng có hàng trăm cặp mắt đang chằm chằm nhìn vào tôi, vì thế tôi lính quính cắm đầu vẹt đám đông đi về phía trước. Chị rượt theo và nắm tay tôi cằn nhằn:
-Khiêm đi mô mà cứ cắm đầu chạy trước không chờ chị rứa?
Bàn tay chị vẫn nắm chặt tay tôi, một cảm giác mềm mại nồng ấm chuyền qua lớp biểu bì da xuyên lên trung khu thần kinh khiến tôi choáng váng. Quả thực trong thánh kinh khi xưa có diễn tả khi Chúa đụng bàn tay vào người bại liệt thì lập tức người bại liệt đứng dậy đi đứng như người bình thường, điều đó xưa nay tôi vẫn bán tín bán nghi. Nhưng hôm nay rõ ràng khi chị nắm tay tôi, tôi cũng mang cái cảm giác của người bại liệt. Chỉ khác một điều là thay vì đôi chân bệnh hoạn của người bại liệt kia khỏe lại, thì đôi chân đang khỏe mạnh của tôi lại bỗng dưng như muốn bại liệt đi. Bây giờ đến lượt chị phải kéo tôi len lỏi vào hàng ghế như kéo một đứa bé lên ba.
Cuốn phim diễn tả một mối tình trái ngang của đôi trai gái. Tôi trộm nhìn chị trong ánh sáng mập mờ của rạp chiếu. Tôi thấy chị đẹp hơn cả người nữ vai chánh trong phim. Chị say mê theo dõi cuốn phim và không màng gì đến tôi. Còn tôi thì lại say mê nhìn gương mặt nghiêng nghiêng kiều diễm của chị. Có đôi lúc vô tình chị ngả đầu dựa lên vai tôi và nắm chặt tay tôi. Thời gian như ngừng lại và tôi như trôi lềnh bềnh trên dòng sông hạnh phúc một chiều. Tôi ngồi im bất động, chỉ sợ một sự đụng chạm nào do tôi gây ra là một sự mộ phạm đến chị. Cứ như thế tôi tan biến trong trí tưởng muôn trùng, không hiểu trên màn ảnh đã diễn tiến ra sao cho đến cuối giờ.
*
Năm học đệ Nhất tôi không được ngồi gần chị nữa. Chị phải ở lại lớp cũ. Nhưng tôi với chị vẫn chung một trường. Bây giờ muốn gặp được chị thật là khó. Tôi không dám xuống lớp thăm chị. Bởi bọn học trò thì bao giờ cũng lắm chuyện và tò mò, nên tôi cứ luôn luôn giữ một khoảng cách để bảo vệ cho chị.
Mỗi buổi sáng thứ hai chào cờ là niềm hạnh phúc của tôi. Tôi có thể thấy chị sáng rực trong bầy con gái đứng đối diện. Chị vẫn ban cho tôi nụ cười như hôm nào, và chiếc áo mầu xanh vẫn gói tròn thân hình con gái của chị. Bỗng dưng tôi thương màu xanh của mây trời vô xiết kể.. Tôi nhái thầm câu thơ của Nguyên Sa “Áo chị vàng tôi về thương hoa cúc, áo chị xanh tôi mến lá sân trường”
Một buổi chiều thứ bẩy, tôi đang mệt mỏi với cuốn vạn vật dầy cộm, thì thằng Sâm hiện đến. Từ ngày nó đổi qua lớp toán tôi với nó ít gặp nhau, nay thấy nó đến tôi thật mừng. Dẫu sao tôi cũng chỉ có nó là thằng bạn duy nhất, ngoài cái tánh hay lỗ mãng với con gái, nhất là đối với chị, thì nó là một thằng bạn khá tốt và chân thật đối với tôi.
-Đi đâu mà lâu quá không ghé tao?
Tôi vừa mở cửa vừa nói:
Thằng Sâm cười cười:
-Tưởng qua ban toán nhàn hạ, ai dè khó quá nên tau phải đi học thêm toán buổi chiều nên bận quá.
Rồi hắn tiếp:
-Mặc quần áo đi chơi.
Vài phút sau chúng tôi đã lượn vòng khắp phố, sau đó đi dọc lên hướng cầu Bạch Hổ. Gió mát từ lòng sông thổi lên lồng lộng. Hai đứa hát vang rồi đi ngược trở về. Khi ngang qua đài phát thanh Huế sắp sửa lên cầu Trường Tiền thằng Sâm bỗng nhiên chỉ tay về phía trước la lơn:
-Mi ngó con Yến móm đang đi chơi với bồ kìa.
Tôi nhìn theo hướng tay nó. Thấy chị cũng với chiếc áo xanh dịu hiền ngồi sau chiếc xe Vélo solex, tay ôm ngang lưng gã con trai. Chiếc xe chạy ào qua mặt chúng tôi. Tôi nhận ra gã con trai là anh Thoảng. Anh đang học năm cuối Đại Học Sư Phạm. Thằng Sâm vừa nhìn theo vừa lẩm bẩm chửi tục:
-Rứa mà tau tưởng nó đàng hoàng lắm. Ngồi trong lớp giả bộ nghiêm trang. Té ra cũng như ngựa thượng tứ thôi chứ có chi mô.
Tôi nhìn thằng Sâm thấy nó bực tức một cách thật vô lý. Tôi cằn nhằn nó:
-Mày chỉ có nói bậy bạ. Chị Yến đẹp vậy, dĩ nhiên chị có bồ là chuyện thường có sao đâu mà mày nổi nóng. Tao thấy anh Thoảng xứng với chị quá chừng.
Thằng Sâm im lặng, hai đứa nín thinh trở về. Tôi nhìn thấy dòng sông hương bỗng dưng nhăn mặt lạnh lùng. Tôi nghe thấy chính lòng tôi đang khóc. Cả cơn gió mát buổi chiều cũng trở thành gay gắt khó chịu.
*
Mùa thi năm ấy chị Yến bỏ học đi lấy chồng. Phượng đã nở đầy xứ Huế. Phượng bay trong gió, rơi trên nóc nhà thờ. Phượng quấn quít trên tóc trên vai bầy con gái. Phượng rơi ngập phố vui. Phượng nhuộm hồng lối vào nhà chị, lẫn với xác pháo vu quy, lẫn với môi hồng áo đỏ. Chị đã quên hẳn thằng bé Bắc Kỳ nhút nhát. Bởi trong ngày vui cực đại chị có quyền quên đi những điều không cần thiết.
Và cũng mùa thi năm ấy tôi thi rớt. Nhưng nếu có đậu thì cũng chẳng có nghĩa gì vì có còn ai mừng và thưởng cho tôi nữa đâu. Vậy tôi rớt còn mang nhiều ý nghĩa hơn.
Cuối năm sau tôi bỏ Huế vào Sàigòn. Dĩ nhiên trong mớ hành trang của tôi trĩu nặng hình bóng chị. Tôi không thể nào quên được tà áo xanh, đôi mắt có hàng mi cong và giọng nói như rót mật vào lòng của chị.
Cho mãi đến bây giờ đã hơn nửa đời người, trải qua bao biến đổi, tôi đã trở thành một người đàn ông luống tuổi, tâm hồn chai lỳ như viên đá cuội. Song vẫn không thề nào quên được cái cảm giác khi được chị nắm tay len lỏi vào trong rạp ciné thuở ấy. Thì ra cái hạnh phúc nửa vời vẫn mãi mãi là thứ hạnh phúc không dễ phai nhòa.
Lưu Trần Nguyễn