NS. ĐẶNG NHO VÀ CHÚT DUYÊN VĂN NGHỆ HUẾ TRÊN ĐẤT MỸ

          Đặng Nho và chút duyên văn nghệ Huế trên đất Mỹ” là lý do mà anh Hoàng Ngân Hà gọi tên cho cuộc gặp mặt thân hữu vui đón nhạc sĩ Đặng Nho tại tư thất của anh ở Sacramento, thành phố thủ phủ tiểu bang California hôm “song Tứ” – ngày 4 tháng 4 năm 2017.

Nhạc sĩ Đặng Nho là một trong những người hoạt động văn nghệ thuộc hàng cựu trào, vang bóng một thời của thành phố Huế. Với niên kỷ “bát thập cổ lai đa”, nghệ sĩ Đặng Nho xuất hiện trước sự vui mừng và ngạc nhiên của thân hữu. Vui mừng vì anh là một khuôn mặt văn nghệ hiếm hoi của Huế trong số những nghệ sĩ âm nhạc thời danh cùng hay gần thế hệ của anh xuất thân từ Huế hầu hết đã ra đi như: Nguyễn Hữu Ba, Ngô Ganh, Văn Giảng, Ưng Lang, Lê Mộng Nguyên… Đồng thời bên cạnh niềm vui chào đón là sự ngạc nhiên đầy thú vị vì Đặng Nho xuất hiện như một thanh niên phương cường và trẻ trung với trang phục “white jean” và áo thun “hiking” trong buổi đầu xuân trời còn lạnh.

Nhạc sĩ Đặng Nho đầy đam mê và tài hoa với chiếc kèn Clarinet

Trở lại Huế vào những thập niên năm mươi và sáu mươi, Huế trở thành một trung tâm nghệ thuật và âm nhạc tiêu biểu của miền Trung. Đài phát thanh Huế và những tiếng hát quý tộc, bình dân, cổ kim hòa điệu vẫn được đánh giá là “đậm đà” hơn về nghệ thuật so với đài Pháp Á ở Hà Nội nổi tiếng cả Đông Dương. Những tên tuổi thời danh trong ca nhạc như Hà Thanh, Hoàng Cầm, Thiện Nhân, Duy Khánh, Minh Luận, Phương Mai… cùng thời với Đặng Nho nay đã đi hết. Tuy sự vắng bóng là hiện tượng mất còn, sinh diệt tự nhiên nhưng đâu đó vẫn có tiếng thở dài như “vết lăn trầm” của đời nghệ sĩ.

Một thời, người ta nhắc đến Huế với cảnh sông Hương núi Ngự nên thơ, với những ngôi chùa cổ trầm lắng kinh chiều chuông khuya, những đền thờ lung linh huyền thoại và những lăng miếu hoàng thành rêu phong của vương triều nhà Nguyễn. Và như để trang trí hay minh họa cho vọng âm xứ Huế, người ta tìm đến nhạc Huế như một nguồn cảm hứng nghệ thuật mà xứ nầy đã mang sẵn sự rung động miên trường theo dòng lịch sử từ khúc hào hùng Nam tiến cho đến nỗi đòi đoạn phế tích của Chiêm Thành.

Thân hữu trong khu vườn sau nhà rợp hoa lá tươi mát của Hà-Thùy tại Orangevale, Cali

Dòng âm nhạc của Huế là dòng âm nhạc cổ điển pha với những gì tân cổ điển và dòng nhạc mang tính chất thời đại. Âm nhạc Huế đã hội tụ được cả bốn dòng âm nhạc: cung đình, bác học, dân gian và tôn giáo. Nhạc Huế thể hiện được tinh thần và bản sắc của một vùng quan trọng – miền Trung – trong văn hóa nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Phải nói rằng dòng âm nhạc tân cổ điển Việt Nam mà Huế là một đơn vị tiêu biểu đã có nhiều đóng góp sâu đậm cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam và được thăng hoa kể từ khi có trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế được thành lập và hoạt động từ năm 1962. Bên cạnh những nhạc cụ và lý thuyết âm nhạc cổ truyền, nhạc khí phương Tây đã được giới thiệu qua chương trình giảng dạy có hệ thống đã đào tạo và phát huy tài năng của nhiều học viên và thành viên qua nhiều thế hệ. Từ những ngày đầu, 56 năm về trước, Đặng Nho đã đến với trường Quốc gia Âm nhạc Huế với sự chọn lựa đi vào thế giới âm nhạc qua một nhạc cụ cổ điển nổi tiếng và được ưa chuộng nhất trong âm nhạc phương Tây là kèn Clarinet (tiếng Việt quy ước gọi là Hắc Tiêu nhưng tôi thích gọi là “Huyền Tiêu” vì nó mượt mà và gợi cảm hơn?!). Clarinet được giới nhạc công Âu Mỹ gọi là “Vĩ Cầm Hơi” (Violin of the winds) vì âm thanh réo rắt với mức độ diễn cảm phong phú tương tự như đàn vi-ô-lông. Sự đa năng của Clarinet là bạn có thể sử dụng trong ban nhạc quân hành hay dàn nhạc trên sân khấu với đủ thể loại âm nhạc từ cổ điển đến Jazz, Rock ‘n’ Roll… mà vẫn giữ được nét thanh nhã, quý phái, tiện dụng.

Từ trái sang phải: Đặng Nho, Lại Quốc Hùng, Hoàng Ngân Hà

Đêm nay, tôi được nghe nhạc sĩ “Huế mình” biểu diễn Clarinet – Huyền Tiêu là cả một niềm vui và hạnh phúc. Hình như các khuôn mặt được biết nhiều trong sinh hoạt âm nhạc cộng đồng tại Sacramento đều có mặt. Với tài ăn nói mượt mà và sự phối hợp khéo léo của anh Lại Quốc Hùng, tiếng kèn Clarinet chưa mở màn mà nước mắt của hai người bạn cũ Đặng Nho – Hoàng Ngân Hà đã trào dâng qua lời phát biểu sụt sùi đẫm nước mắt của cả hai anh. Tất cả thân hữu trong thính phòng đều xúc động trong nét nhìn lặng lẽ mà đầy cảm xúc qua câu nói của anh Hà: “Với tuổi 81, có lẽ đây là lần trình diễn Clarinet cuối cùng của anh Đặng Nho với chúng ta…!” Trong thinh lặng, hình như có tiếng ai đó vọng lại: “Chưa đâu, mỗi năm một lần và thêm vài ba chục lần nữa anh nhé!

Tiếng Huyền Tiêu của Đặng Nho đã trỗi lên mở màn với bài Hạ Trắng của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Tiếng tiêu dìu dặt, uốn lượn thâm trầm và bay vút lên chinh phục những ưu tư, xoa dịu những đố kỵ tầm thường và nâng cao những so bì nhỏ bé. Sự quyến rũ của âm nhạc là gạn lọc tinh hoa âm thanh để cho người nghe chỉ còn thưởng ngoạn và nhà trình diễn sống thực với bản chất nghệ sĩ của chính mình. Đó là khi chủ thể và đối tượng nhìn nhau thanh sạch và trong ngần như nắng mai. Theo ý kiến riêng của Lại Quốc Hùng thì đây là nhạc phẩm mang tính triết lý tuyệt vời nhất trong gia tài âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Phải chăng vì thế mà anh nói lên một ước vọng… dễ thương của anh là: “Không chỉ là người muốn theo đời gọi nắng mà muốn là tia nắng!

Tia nắng vàng Hạ Trắng làm người ta nhớ tia nắng làm tan giọt sương như xua đi nỗi buồn trong bản nhạc Tia Nắng và Giọt Sương (Sun Rays and the Dew) của Lina Alsharif:

Nắng làm tan giọt sương
Xua nỗi buồn quá khứ
bằng tâm trong muôn thuở
đi trước mặt trời lên

Sun rays wipe the dew
Washing the sorrow of yesterday
by fresh water on your face
racing the sun before it raised

Có những niềm cảm khái mà mà tiền bạc không mua được, đó là sự thưởng thức chiều cao của nghệ thuật. Các thân hữu đã trình bày những ca khúc mà mình ưa thích đã hát “hết mình” với nỗi đam mê nghệ thuật hiếm khi thể hiện hay lột tả được trong những cuộc ca hát cộng đồng hay thính phòng: Quỳnh Hoa, Đoàn Ngãi, Tôn Tường Vũ, Thanh Lập, Bích Thọ, Mai Loan, Võ Ngọc Thạch, Trần Hưng Toàn, Thành Nguyễn – Xíu, Đào Quyết, Lại Quốc Hùng… đã hát với sự thể hiện trọn vẹn nhiệt tình cùng cảm xúc bên tiếng nhạc đệm đầy nghệ thuật của Huy Dũng và điệu Clarinet tài hoa của Đặng Nho: một sự cuốn hút rung động diễn biến đồng thời cho cả diễn viên và khán giả.

Đêm âm nhạc “chút duyên văn nghệ Huế” hội ngộ và chia tay với nhiều lưu luyến. Ý kiến của anh Hoàng Xuân Thiệu – niên trưởng thân hữu trong đêm âm nhạc thính phòng nầy – là có được những giây phút mang lại niềm vui đầy ý nghĩa bởi không hứa hẹn lần sau, chẳng quan tâm lần đầu hay lần cuối nên tuổi già hay tuổi trẻ đều chung một tinh thần là thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ sự ấm áp của tình bằng hữu.

Orangevale 4-4-17; ghi qua iOS apps.
Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan