1. Các phe
Quá trình hình thành một cụm dân cư bao giờ cũng theo quy luật từ thấp đến cao. Thuở sơ khai từng gia đình hoặc từng nhóm người từ xa đến tụ tập, quần cư để khai hoang, phục hoá đất đai, tạo nên xóm rồi nên làng. Tuy nhiên riêng phe thì lại khác. Phe được thành lập với mục đích phân định trách nhiệm từng cụm dân cư để củng cố, xây dựng xóm làng vững mạnh. Nên sau khi có làng rồi mới phân định phe như một lớp học, có lớp rồi mới phân tổ để dễ quản lý và thi đua học hành vậy.
Làng Liễu Cốc Hạ trước đây có ba phe hay còn gọi là ba giáp. Phe Đông, phe Tây và phe Nam. Năm 1945, khi giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp, để dễ quản lý, chính quyền mới cho sáp nhập phe Nam tức thôn Liễu Nam bây giờ vào xã Hương Xuân.
Từ đó làng Liễu Cốc Hạ còn lại hai phe là phe Đông và phe Tây. Dù ngày nay nhà cửa và nương vườn san sát nhưng địa giới hai phe nằm khá tách biệt, rất dễ phân định. Đoạn đường đi từ Bến Đình hướng ra cồn Quán chính là ranh giới của hai phe. Phe Tây nằm bên trái con đường đến ranh giới thôn Cổ Lão. Phe Đông nằm bên phải con đường và cũng từ đó ra hết xóm Tiền Giang, vòng qua hết đường Hậu Làng đến giáp cồn Quán.
Tuy phân định như vậy, nhưng ngày nay con cháu không phải ai ở địa phận phe nào thì tham gia việc phe đó. Sở dĩ như vậy là vì con cháu lớn lên, từ phe này sang ở phe khác nhưng khi tham gia việc phe thì lại kế tục nơi ông cha mình đã tham gia trước đây. Cho nên người ở địa phận phe Tây (ngày nay) có khi lại tham gia việc phe ở phe Đông và ngược lại.
Cũng như việc làng, hàng năm để nhớ ơn tiền nhân tạo lập và cầu cho dân trong phe được sống yên ổn, mùa màng tươi tốt… cứ vào ngày 18 tháng giêng âm lịch là phe Đông và ngày 25 hoặc 26 phe Tây tổ chức lễ tế.
Hình thức tế phe cũng như tế làng. Cũng có Ban nghi lễ phụ trách lễ tế, có người tấu sớ, nhạc hiệu phèng la bù rù, ban vật phẩm, biện lo vật phẩm, nấu nướng… Miếu thờ thần linh của phe Đông nằm ở Cồn Quán. Miếu phe Tây nằm cạnh đình làng. Hai miếu này thường ngày có người chăm sóc hương khói nhưng đến ngày tế thì mọi người đều có trách nhiệm chung tay dọn dẹp, sửa sang sạch sẽ gọn gàng hơn. Bên ngoài khuôn viên miếu được dựng cờ rạp bao quanh; bên trong miếu vật phẩm dâng cúng đầy đủ và tinh tấn… Chủ lễ là một lão dân cao tuổi, đức độ, minh mẫn. Vị này được dân trong phe tín nhiệm bầu làm điều hành và dâng sớ trước thần linh… Cụ thể như năm nay (2022), ông Nguyễn Văn Lương tộc trưởng họ Nguyễn làm Chủ lễ phe Đông; ông Cao Văn Sính tộc trưởng họ Cao làm Chủ lễ phe Tây.
2. Các xóm
Nếu nói về thứ tự hình thành thì xóm có trước phe và làng. Từ buổi sơ khai, từng cụm gia đình di dân đến vùng đất mới khai hoang, phục hóa, cùng cảnh ngộ xa quê và gian khó họ đã xích lại gần nhau, kề vai sát cánh, nương tựa bên nhau mà sống rồi lập nên xóm nên làng.
Trước 1975, làng Liễu Cốc Hạ chia làm năm xóm: Xóm Côi (trên), xóm Cụt, xóm Giữa, xóm Kên và xóm Phố. Sau ngày đất nước thống nhất, bà con xa xứ trở về quê hương sinh sống khá nhiều khiến dân cư tăng đã hình thành thêm ba xóm nữa là: xóm Đình, xóm Chùa (xóm Rột) và xóm Tiền Giang. Xóm Tiền Giang (tiền thân là xóm Phố) thật sự đông đúc vào năm 2008. Đó là lúc chính quyền giải tỏa những nhà ven sông ở đầu làng để làm bờ kè chống sạt lở cho bờ sông. Những gia đình này được chính quyền đền bù những lô đất ruộng nằm cặp đường Dứt để làm nhà ở nên đã hình thành thêm xóm Tiền Giang 2.
Như vậy, hiện nay phe Đông có bốn xóm: Tiền Giang, xóm Kên, xóm Giữa và xóm Cụt, ba xóm thuộc phe Tây là: Xóm Đình, xóm Côi, xóm Chùa. Không như các làng khác, tên xóm được đặt thứ tự theo xóm số: 1, 2, 3… hoặc cái tên mỹ miều nào đó mà tên các xóm chúng ta rất đặc trưng, nghe qua là đã biết nó nằm ở vị trí nào. Ví dụ như xóm Tiền Giang nằm cạnh bờ sông đầu làng; xóm Kên nằm dọc con Kênh (hói) dẫn nước ra cánh đồng làng; xóm Giữa (Trữa) nằm ở giữa làng; xóm Cụt nằm kế xóm Giữa, ngắn cụt chỉ có một đoạn; xóm Chùa nằm gần ngôi chùa cũ (1954) gần thôn Cổ Lão; xóm Đình nằm gần đình làng; xóm Rột (Côi) nghĩa là xóm nằm trên làng, ngoài cùng, trên cùng, gần cánh đồng làng…
Từ năm 1975 đến nay, xóm nào cũng có một cái cổng dựng ngay đầu xóm. Cổng xóm đơn thuần là hai cột bê tông to và chắc chắn, bên trên có gắn tấm bảng khắc tên xóm. Về tinh thần xây dựng việc xóm thì rõ ràng, khác hẳn với việc phe. Mỗi công dân xóm phải có nghĩa vụ đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng xóm mình ngày càng văn minh, sạch đẹp; sống đoàn kết, tương thân, tương ái để thành xóm văn hóa, rồi làng văn hóa.
Từ năm 1993 chính quyền vận động dân chúng xây dựng cuộc sống nông thôn mới với năm tiêu chí: Điện – Đường – Trường – Trạm và Nước máy. Trước đây, mùa Hè đi dưới đường xóm mát rượi; mùa đông có lũy tre xanh nằm san sát bên nhau che chắn dông bão, ngăn gió bấc lạnh lùng thổi thông thống vào nhà. Để đổi lấy điều lợi ích lớn hơn là kéo điện, nước vào từng nhà; đúc bê tông đường sá cho mùa mưa con cháu cắp sách đến trường khỏi lầy lội thì phải phá hết lũy tre xanh nằm quanh thôn xóm để kéo đường dây điện, đường nước đi qua. Muốn thực hiện tốt việc này, ngoài kinh phí hỗ trợ của chính quyền ra còn có sự đóng góp công của của các hộ trong xóm; có nhiều gia đình đã hi sinh lợi ích như hiến đất, phá hàng rào tre pheo, chặt cây cối trong vườn nhà mình…
Vấn đề tín ngưỡng cũng được chú trọng. Hàng năm vào ngày mồng 6 hoặc mồng 8 tháng Giêng (AL) tất cả các xóm tổ chức cúng “Kỳ an tân niên” gọi là việc xóm. Trưởng xóm là một lão dân được dân trong xóm bầu lên làm chủ lễ tấu sớ cúng xóm, cầu cho dân trong xóm đoàn kết, sống an lành. Tùy theo thời tiết mà người ta dựng hoặc không dựng rạp nơi thực hiện lễ cúng. Lễ vật cúng xóm ngoài hương hoa, quả, rượu, nước tinh tấn còn có bộ đồ cúng thổ thần; và áo binh, giấy tiền, vàng bạc cúng âm binh, cô hồn… Tất cả được bày biện trên những chiếc bàn đặt ngay đầu xóm. Lễ Kì an tân niên xóm, ngoài việc tín ngưỡng còn có sự gắn kết, điều chỉnh tình cảm giữa bà con xóm giềng với nhau. Dâng cúng thổ thần xong, tất cả quây quần ở nhà ông Biện, ngồi bên nhau uống chén rượu, hàn huyên tâm sự đầu năm. Thế là mọi hiềm khích hiểu lầm nhau (nếu có) sẽ vơi dần với tinh thần bà con xa, xóm giềng gần.
3. Các họ
Trên bước đường di dân vào Nam lập nghiệp, những người cùng huyết thống thường gắn bó mật thiết với nhau thành đơn vị căn bản của xã hội gọi là gia đình. Và nhiều gia đình như vậy kết hợp lại, phát triển dần thành gia tộc, họ hàng. Nhiều họ hàng lập nên xóm, nên làng.
Người dân sinh sống trong làng, về mặt gốc gác được chia thành hai đối tượng: Chính cư và ngụ cư.
Chính cư là con cháu của các họ Khai canh và hậu Khai khẩn, họ có mặt từ buổi hình thành làng Liễu Cốc, gọi là Thất tộc.
Ngụ cư là con cháu của các họ đến sinh sống sau ngày thành lập làng Liễu Cốc (và có thể trước ngày thành lập làng Liễu Cốc Hạ), gọi là Lục phái.
Ngoài “Thất tộc, Lục phái” làng còn có những người từ địa phương khác đến ngụ cư sau này theo diện kết hôn hay làm những nghề đặc thù mà ở làng không có như ông Xứng làng La Chữ đến làm thợ may; ông Mực làng Hiền Lương đến hành nghề thợ rèn…
Cụm từ “Thất tộc, Lục phái” xuất hiện từ cuối thời chúa Nguyễn. Xuất phát từ một trong những việc làm của các vị chúa là phân định lại ranh giới vùng mới mở mang từ thấp đến cao cho phù hợp địa hình, địa lý để dễ bề quản lý. Đơn vị có bộ máy hành chính căn bản và thấp nhất vẫn là làng. Địa phương nào sau khi tách ra, có đủ “Thất tộc và Lục phái”, đủ số dân quy định sẽ được công nhận là làng. Địa phương chưa hội đủ điều kiện thì chỉ được công nhận là xóm hoặc phường (như xóm Tháp hoặc phường Liễu Nam chẳng hạn).
Địa phương được công nhận là làng sẽ được chúa sắc phong một vị Thành Hoàng và được cấp đất lập đình thờ tự; được ban ruộng đất cho dân làng làm ăn sinh sống; đất cho các họ mạc phục vụ việc thờ phụng. Kinh phí xây dựng đình làng, chùa chiền, nhà thờ các họ và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác được trích, trừ vào khoản thuế hàng năm… Và tất nhiên về mặt quyền lợi của đơn vị xóm, phường được lộc vua ban ít hơn làng nhiều.
Làng Liễu Cốc là một trong những địa phương thuộc huyện Kim Trà thời đó. Khoảng năm 1774 làng được chỉ định tách ra làm hai là Liễu Cốc Thượng và Liễu Cốc Hạ. Lúc đó làng Liễu Cốc Hạ có đủ số dân, đủ lục phái nhưng chưa đủ điều kiện thành lập làng bởi chỉ có năm họ. Năm họ lúc đó là: Cao Văn – Trần Tộc – Nguyễn Văn – Phan Văn và Hà Văn. Đứng trước sự thiệt thòi này, quý bô lão và các vị tộc trưởng họp dân làng để bàn bạc tháo gỡ. Hai họ Trần Tộc và Cao Văn vừa là họ Khai canh, vừa đông người hơn ba họ còn lại nên đồng thuận tách họ mình ra làm hai cho đủ “Thất tộc”. Từ đó địa phương Liễu Cốc Hạ được công nhận là làng và có thêm hai họ Cao Đức và Trần Đăng.
Minh chứng cho việc này là hai họ Cao Văn và Cao Đức; Trần Tộc và Trần Đăng hiện nay cùng thờ chung, giỗ cùng ngày một ngài Thuỷ tổ – Di văn Văn tế các ngài Khai canh tại đình làng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, các bô lão luôn xướng: “Cao – Cao – Trần – Trần” hoặc “Cao – Trần – Cao – Trần” là dựa vào nguồn gốc tách họ để thành lập làng của hai họ này ngày trước.
Nhắc đến chuyện này là để con cháu thấy lòng quyết tâm của cha ông mình đời trước trong việc lập làng; đồng thời để con cháu trong làng càng xích lại gần nhau hơn nữa.
Dù ngày nay có nơi còn tranh cãi chuyện “Thất tộc, Lục phái” nhưng đó là chuyện sau luỹ tre làng. Sau ngày đất nước thống nhất, chủ trương Nhà nước đất đai là sở hữu của toàn dân, người dân sinh ra và lớn lên ở đâu tức là quê hương của họ ở đó. Tất cả mọi người đều bình đẳng quyền lợi và nghĩa vụ với xóm làng như nhau. Thương yêu đùm bọc, coi trọng tình làng nghĩa xóm với nhau, cùng nhau xây dựng quê hương mới là quan trọng – đó cũng là truyền thống của người làng Liễu Cốc Hạ.
Thất tộc của làng gồm:
- Họ Cao Văn là họ tiền Khai canh và hậu Khai khẩn, gồm những vị tiên phong khai phá đất đai thành lập làng Liễu Cốc Hạ. Hiện (2023) ông Cao Văn Sính làm Tộc trưởng.
- Họ Trần là họ tiền Khai canh và hậu Khai khẩn. Là họ đông người nhiều phái nhất làng, (gồm: Trần Kiêm; Trần Duy; Trần Ngọc; Trần Hữu; Trần Văn). Hiện ông Trần Kiêm Hiệu làm Tộc biểu (thay mặt Tộc trưởng).
- Họ Cao Đức – là họ hậu Khai khẩn. Ông Cao Đức Tín hiện là Tộc trưởng, Cao Đức Thặng làm Tộc biểu
- Họ Trần Đăng – là họ hậu Khai khẩn. Ông Trần Đăng Huyên hiện là Tộc trưởng.
- Họ Nguyễn Văn – là họ hậu Khai khẩn. Ông Nguyễn Văn Dũng hiện là Tộc trưởng.
- Họ Phan Văn – là họ hậu Khai khẩn. Ông Phan Văn Đoá hiện là Tộc trưởng
- Họ Hà Văn – là họ hậu khai khẩn. Ông Hà Văn Vật hiện là Tộc Trưởng.
Lục Phái gồm: (xếp theo thứ tự chữ cái a, b, c…)
– Bùi Văn
– Hà Công
– Lưu Văn
– Mai (Trần)
– Ngô Văn
– Nguyễn Ích
Thật ra sự quy định “Thất tộc, Lục phái” chỉ có giá trị từ thời phong kiến cho đến khoảng năm 1960. Sau này, làng đã tiếp nhận thêm nhiều thành viên mới đến ngụ cư với nhiều lý do khác như các phái: Nguyễn Đăng – Đặng Văn (Ló) – Nguyễn Xuân – Lê Văn (Bình), Đặng Văn (Kì)…
Trong văn bản làng Liễu Cốc Hạ được công nhận là Làng Văn hoá tháng 12 năm 2002, có đoạn ghi “Cư dân làng Liễu Cốc Hạ hiện nay có 20 họ…”, vì vậy con số các phái đến thời điểm này ở làng đã tăng đến “Nhị thập tôn phái” và đang có khả năng tăng nhiều hơn nữa.
***