1. LƯỢC SỬ CÁC HỌ TRONG THẤT TỘC
LƯỢC SỬ HỌ CAO VĂN
Thuở nhỏ tôi thường theo chân ông nội mình ra nhà thờ họ Cao mỗi khi có giỗ chạp. Qua chuyện trò của người lớn tuổi, tôi được biết họ Cao Văn tôi có hai ngài Khai canh và một ngài hậu Khai khẩn của làng Liễu Cốc Hạ.
Tìm hiểu nguồn cội
Lớn lên khi làm giáo viên, tôi có ý định tìm hiểu nguồn cội họ Cao Văn mình đã khá lâu. Nhưng làng ta ở vùng bão lụt triền miên, nhà cửa bị cuốn trôi theo dòng nước; cùng với chiến tranh kéo dài, nhà cửa của dân làng bị đốt cháy chỉ còn năm, sáu nóc; tài liệu, phả hệ cháy sạch, mất sạch không còn để tra cứu, phục hồi… thế là nhiều đêm tôi bị rơi vào tâm trạng: “Tâm sự năm canh một bóng đèn”.
Tôi biết tại Thừa Thiên Huế, nhất là hai huyện Phong Điền, Quảng Điền có nhiều họ Cao lớn nổi tiếng nhưng không biết có liên hệ gì với họ Cao mình? Năm 1961, tôi dạy Tiểu học tại làng An Thơ, Hải Lăng, Quảng Trị. Trường nằm trên bờ bắc sông Ô Lâu (ranh giới giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Có lần tôi đạp xe về làng Chí Long huyện Phong Điền, nơi có họ Cao lớn, gồm 5 phái Cao Huy, Cao Hữu, Cao Văn… các họ này có con cháu đông, thành đạt để tìm hiểu, nhưng không có kết quả khả quan.
Sau này dạy học ở Huế (1965-1975), tôi được gặp nhiều đồng nghiệp họ Cao Huy, Cao Hữu, Cao Văn trực tiếp người thật, việc thật thì được biết họ Cao (Chí Long) từ Thanh Nghệ vào Thừa Thiên Huế lập nghiệp, hiện nay con cháu đều sống xa quê và thành đạt nhiều.
Năm 1963, tôi dạy học ở làng Phước Yên (Quảng Thọ – Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) có anh học trò lớp nhất tên là Cao Quảng Liệng – dĩ nhiên họ Cao Quảng này xuất phát từ Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Khoảng năm 1980 – 1981 tôi gặp lại anh, anh xác nhận có ra Thanh Hóa tìm hiểu nguồn cội mình. Ở Phước Yên còn có thêm một họ Cao (không có chữ lót), nhưng ngụ cư không chính gốc. Anh học trò họ Cao này sau giải phóng làm Phó Chánh văn phòng huyện Hương Điền, rồi làm Phó chủ tịch Quảng Điền, tất cả cũng không giúp tôi hiểu được chính xác nguồn gốc dòng họ mình.
Riêng ở làng ta có hai họ Cao. Đó là Cao Văn và Cao Đức. Hai họ cùng thờ ba bài vị giống nhau, không sai, không thiếu một chữ và vị trí các bài vị trong chánh điện cũng giống nhau. Điều này chứng tỏ hai họ thờ chung một ngài Thuỷ tổ. Không có di văn và khẩu truyền cũng không, nên muốn tìm gốc tích họ Cao Đức để hiểu đôi điều về họ Cao Văn cũng chịu.
Họ Cao Văn có ba nhánh, hiện nay còn hai (một nhánh vô tự thờ ở nhà họ). Hiện giờ trong họ chỉ còn vài gia đình có gia phả được viết lại theo truyền khẩu, do một vị thầy cúng chấp bút (dĩ nhiên sau đại hỏa hoạn). Chữ Hán không chuẩn, ghi âm chữ Nôm sai, âm chữ Việt sai chính tả, dùng phương ngữ không phổ biến… nên rất khó xác định. Và vì không có nhà thờ nhánh nên các ngài được thờ tại tư gia (sau này đưa về nhà thờ họ), nỗi khổ truyền đời là vì mê tín, kiêng cữ, không cho mượn gia phả để tra cứu, cuối cùng mất sạch.
Tộc phổ để tại nhà thờ họ không cháy. Tuy được bảo quản trong một hộp gỗ sơn son thếp vàng, treo trên nóc nhà thờ, không cho ai xem, không dám đem xuống, kiểm tra, bảo quản, nghiên cứu nhưng đến khi đem xuống chỉ còn một cục đất (mối ăn) thế là hết!
Năm 1999 lụt lớn, cửa nhà thờ họ bung mở, ba long vị sơn son thếp vàng trôi dạt về tận Hương Cần. May mắn tìm được đủ cả ba, còn nguyên vẹn, không nứt nẻ, không tróc chữ, còn đọc được, nhưng khi đặt vào khám thờ thì không biết vị trí nào cho đúng! Tôi phải về nhà thờ họ Cao Đức, tham khảo mới đặt đúng vị trí.
Ngày nay, nhờ sự tiến bộ lĩnh vực viễn thông, internet và các phương tiện truyền thông đa kênh, đa chiều… mà chúng tôi lần dò ra được vài thông tin về thân thế, sự nghiệp của ngài Thuỷ tổ mình:
– Trong cuốn Gia phả của Trần Kiêm Đệ Nhất phái do nhóm Hải ngoại khảo biên, phần lược ghi về làng, có đề cập tới vị Khai canh họ Cao Văn làng Liễu Cốc Hạ tên là Cao Văn Phiên, người gốc vùng trung du phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Ngài theo lớp người di dân, đến lập nghiệp tại làng Liễu Cốc, tổng Phú Ốc, huyện Kim Trà trong đợt di dân của Chúa Nguyễn khoảng năm 1566. Ngài làm quan Hành Tẩu đời chúa Nguyễn Hoàng và được ban sắc phong Bang dân. Công lao lớn nhất của ngài là ổn định những người lớp sau đến khai hoang lập ấp, chống trả lại những khó khăn thiên nhiên bước đầu…
– Cũng theo Báo Văn Nghệ Huế (Trang thông tin điện tử) ngày 27/01/2022 thì: “Làng Liễu Cốc Hạ đồng tôn vinh tứ vị Khai canh thuộc nhị tộc (Cao Văn và Trần tộc). Hai ngài thuộc họ Cao Văn và hai ngài thuộc họ Trần. Đồng thời tôn phong Thất tộc là hậu Khai khẩn, gồm: Cao (Cao Lư), Trần (Non), Trần Đăng, Cao Đức, Nguyễn Văn, Phan Văn và Hà Văn. Trong khuôn viên đình làng hiện nay hai bên tả hữu là hai miếu thờ tứ vị Khai canh của hai họ.
Những thông tin nói trên, trùng khớp những gì thực tế với họ Cao Văn. Đó là họ Cao Văn có hai mộ ngài Khai canh và một mộ ngài Hậu khai khẩn. Cả ba mộ không có lăng, chỉ có miếu thờ tại mộ phần, xây trên nền đất cao rộng, được trùng tu cách đây 25 năm. Chữ trên bia đá cẩm thạch còn nguyên vẹn (số chữ Hán trong bia được lược ngắn hơn so với long vị, nhưng đúng nguyên tắc sinh, lão, bệnh, tử) như sau:
– Mộ ngài Khai canh thứ nhất tại cồn Trưa, trên bia lược ghi: Sắc phong Bổn thổ Khai canh Lộc Dương Hầu tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần Cao Quý Công Chi Thần Vị.
– Mộ ngài Khai canh thứ hai ở Đô Vân (gần cầu Lừ) trên bia lược ghi: Sắc phong Bổn thổ Khai canh Hát Tân Hầu tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần Cao Quý Công Chi Thần Vị.
– Mộ ngài hậu Khai khẩn tại Mả Vôi, trên bia lược ghi: Bổn Thổ tiền Khai Khẩn Trứ Vị Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần Cao Đại Lang Chi Thần Vị.
Và trong di văn, Văn tế “Chánh Kỵ ngài Khai canh” tại đình làng hàng năm, cũng đồng tôn xướng công lao hai Ngài Khai canh và một Ngài hậu Khai khẩn họ Cao Văn với Đẳng hàm như trên.
Như vậy, đối chiếu những thông tin thu thập được với thực tế có trước, càng củng cố niềm tin của tôi là: Ngài Thuỷ tổ họ Cao Văn ở làng Liễu Cốc Hạ tên là CAO VĂN PHIÊN, gốc người Quảng Bình là có cơ sở.
Thờ tự – dân số – học hành và kinh tế
Nhà thờ họ khởi xây từ đời nào, không còn tài liệu tra cứu. Nhưng nhà thờ được xây trên đất được vua ban, mặt chính quay theo hướng núi Trường Sơn, lưng dựa vào sông Bồ. Đến khoảng năm Bảo Đại thứ 5 thì đại trùng tu. Ngoài sự đóng góp của con cháu nội ngoại thì ông Cao Văn Cúc (quan Lãnh Binh tỉnh Thanh Hoá) hỗ trợ chính (còn bức hoành treo ở nhà thờ làm chứng). Khoảng 80 năm sau, lại một lần nữa, không phải trùng tu mà triệt hạ, làm nhà thờ mới, trên nền đất cũ khang trang. Năm 2019, tân trang thêm long, phụng…, chỉ còn thiếu tiền đình mà thôi!
Có một thực tế là dân số con cháu trong họ quá ít so với các họ khác. Chuyện này kéo dài nhiều năm như thế do bệnh tật, suy dinh dưỡng, thiếu thuốc men và vì nghèo; sinh nhiều mà sống ít, có nhiều gia đình sinh bốn, năm người con trai, cuối cùng còn sống một (độc đinh). Khoảng 70 năm trở lại đây, tình trạng mỗi gia đình có 2 – 3 con trai trở lên ngày càng tăng, cho nên ngày giỗ ngài Khai canh được đông vui, không như trước đếm không quá đốt hai bàn tay!
Về chuyện học hành
Trước 1975, đa số người trong họ làm ruộng, làm rẫy, học hành ít, biết chữ Quốc ngữ khoảng 5% dân số, chữ Hán thì không nốt. Từ năm 1945 về sau, có ba hoặc bốn người đậu tiểu học làm trợ giáo hay y tá. Năm 1974 mới có một cháu đậu cử nhân. Tuy nhiên nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, khi cả nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, cuộc sống của người dân bớt vất vả thì việc học hành của con cháu trong họ bắt đầu khởi sắc. Năm 2001, có 1 cháu đậu Tiến sĩ, hai năm sau có thêm 2 Tiến sĩ, 6 Thạc sĩ, 3 Bác sĩ y khoa, 1 Kiến trúc sư. Năm 2022 có trên 20 cháu có bằng Đại học và trên Đại học trong nhiều lãnh vực.
Đôi điều tự sự về dòng họ mình với tư cách là một người cao niên trong họ, trước tiên tôi kính cẩn thắp một nén nhang lòng để tri ân và tưởng nhớ đến tổ tiên mình. Xin các ngài gia hộ, độ trì cho con cháu ngày càng phát triển mọi mặt để sánh vai cùng các họ khác trong làng. Và mong con cháu đời sau: Đoàn kết, hiếu thuận… để không hổ mặt với tổ tiên mình.
Huế ngày 06/11/2022
LƯỢC SỬ TRẦN TỘC
Nguồn gốc họ Trần
Người xưa có câu “Cây có cội, nước có nguồn”. Đã là người, sinh ra ai cũng muốn tìm hiểu nguồn gốc tổ tiên mình. Bởi vậy trong mỗi gia tộc, nhánh, phái… đều có gia phả ghi lại nguồn gốc ông bà mình. Riêng chúng ta không có tham vọng cao sâu tìm hiểu nguồn gốc dòng họ chúng ta có từ bao giờ. Nhưng ít ra, chúng ta cũng phải biết trên mảnh đất Liễu Cốc Hạ chúng ta đang sinh sống, tổ tiên chúng ta đến tự bao giờ và đã sinh sống bao nhiêu đời? Điều đó cũng là điều mà mọi người trong mỗi gia tộc đang băn khoăn.
Nếu từ đây mà không có bút tích gì ghi lại thì chắc chắn các thế hệ sau này lại càng băn khoăn, suy nghĩ nhiều hơn chúng ta ngày nay nữa. Nếu chúng ta quan niệm trong cuộc sống chỉ biết lo cho bản thân mình được đầy đủ mà không suy nghĩ, lo lắng gì cho quá khứ và tương lại, hay nói khác là không có bổn phận và trách nhiệm đối với tổ tiên và những bậc đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta thành người, cũng như không có trách nhiệm đối với thế hệ tương lai thì cuộc sống của những người ấy thật là vô nghĩa.
Xuất phát từ những ý nghĩa chân thành, hợp với đạo lý làm người cũng như truyền thống đạo đức hiếu thuận của gia tộc, chúng tôi mạo muội tìm hiểu và tiếp thu một số ý kiến của những bậc cao niên truyền khẩu lại để ghi thành một phần tiểu sử của gia tộc họ Trần để giúp các thế hệ con cháu mai sau tri tường.
Theo sử sách: Vùng đất Thừa Thiên Huế xưa kia của người Chiêm Thành gọi là Châu Ô và Châu Lý. Năm 1306, khi vua Chiêm là Chế Mân dùng hai châu này làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa (con vua Trần Nhân Tông) về làm vợ thì vùng đất này được giao cho người nước Đại Việt sinh sống. Cũng từ đó người đằng ngoài vào khẩn hoang lập ấp.
Theo tập Gia phả được biên khảo khá công phu của Trần Kiêm đệ Nhất phái thì ngài Thuỷ tổ họ Trần gốc người Thanh Hóa. Ngài theo lớp người di dân đến địa phận làng Liễu Cốc vào khoảng năm 1568, đời Chúa Nguyễn Hoàng. (Ở thời điểm này, làng Liễu Cốc thuộc huyện Kim Trà và làng Thanh Lương thuộc huyện Đan Điền. Tên hai làng đã thấy xuất hiện trong sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An). Cuối đời các chúa Nguyễn (1774) thì làng Liễu Cốc được chia thành hai làng là làng Liễu Cốc Thượng và làng Liễu Cốc Hạ. Xét công lao to lớn của ngài đối với dân làng Liễu Cốc Hạ, ngài được các đời vua nhà Nguyễn lần lượt sắc phong Tam Đẳng Thần.
Thông tin trên dù chỉ là khảo biên. Nhưng trong tình trạng làng ta ở vùng thấp trũng, bảo lụt triền miên cùng với chiến tranh kéo dài nên tộc phả, gia phả hầu hết mất sạch, không còn gì để làm căn cứ thì tư liệu này thật đáng quý.
Nói về thân thế của ngài Thuỷ tổ, may thay chúng ta có nhiều bằng chứng:
– Thứ nhất mộ ngài táng tại cồn Trưa. Ngôi mộ có hình vuông, tán tròn, cao nhất cồn đứng xa ai cũng trông thấy. Trên bia mộ, từng dòng chữ của người xưa để lại còn đọc rõ ràng về danh thế ngài.
– Thứ hai là căn cứ vào văn Chánh kỵ quý ngài Khai canh hàng năm tại đình làng, ngài Thuỷ tổ họ Trần được tôn xướng Tam Đẳng Hàm giống những dòng chữ ghi trên bia mộ ngài là:
- Bổn thổ Khai canh Câu Kê Kiêm Tri Bộ Văn Học Hầu Trần Quý Công Mông Tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
- Bổn thổ Khai canh Thủ Hiệp Khách Hội Tử Trần Quý Công Mông Tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
- Bổn thổ hậu Khai khẩn Trần Non Đại Lang Chi Thần, tước phong Vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần.
Hai điều này đã đủ cho chúng ta tin tưởng vào những lời truyền khẩu của các vị cao niên trong họ mình là đúng. Ngài có nhiều thành tích trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, tổ chức xây dựng và khẩn hoang lập ấp, an dân, khai hóa dân trí nên được chúa Nguyễn sắc phong chức Lãnh Biên và ban Sắc tứ đề năm chữ: “Duy – Kiêm – Văn – Hữu – Ngọc”. Con, cháu của ngài về sau dùng sắc tứ này làm chữ lót đặt tên cho con cháu mình là Trần Duy -Trần Kiêm – Trần Văn – Trần Hữu – Trần Ngọc. Và cứ thế truyền từ đời nọ sang đời kia thành năm phái của dòng họ Trần làng Liễu Cốc Hạ ngày nay.
Nơi thờ phụng
Hiện mộ ngài Thuỷ Tổ táng tại thượng cồn Trưa. Vào dịp tế Xuân năm Giáp Ngọ (2014), con cháu trong họ bày tỏ nguyện vọng muốn xây dựng ngôi mộ ngài Thuỷ tổ thật kiên cố cho xứng đáng công lao của ngài với họ tộc, dân làng. Hội đồng gia tộc gồm Tộc trưởng và năm vị Trưởng phái đã viết thư kêu gọi con cháu trong và ngoài nước đóng góp, cúng dường để đáp ứng ước nguyện tâm linh chính đáng này. Sau mấy tháng xây dựng trong mùa mưa lụt gian khó, ngôi mộ của ngài Thuỷ tổ đã được khánh thành cuối năm 2014, bề thế hoành tráng như nguyện vọng của con cháu.
Về bất động sản của họ ngày trước để lại cho con cháu gồm có: 3 mẫu 6 sào ruộng ký tại xứ Rột Bùi; Liễu Nam 1 sào 6 thước; Ba Châu Trên 2 sào; Ba Châu Dưới 2 sào; Mụ Chây, Mụ Tồn 2 sào 10 thước; 1 sào ông Mới; 4 thước cận Chùa; 4 thước 4 tấc cận bờ sông; 1 sào 10 thước trước mặt nhà thờ họ. Số ruộng đất này đã được đưa vào làm ăn tập thể từ năm 1975.
Ngoài ra họ Trần có 6 sào thổ cư nằm đầu làng. Thửa đất này có hình dáng con rùa, nên đời trước, theo địa lý mà xây dựng nhà thờ họ trên lưng rùa cho tốt hướng. Theo các vị cao niên kể lại, trước năm 1920 nhà thờ họ lợp tranh. Sau đó xây dựng theo lối kiến trúc thời xưa rất kiên cố, nhà xây ba gian hai chái, nền đúc, mái lợp ngói liệt, nóc quyết có long, lân, quy, phụng khảm mảnh sành rất kỳ công tốn kém. Bên trong cột kèo hoàn toàn bằng gỗ kiền kiền có chạm trổ nhiều điển tích vô cùng công phu đẹp mắt.
Dù vậy, con cháu trong họ tuy học hành thông minh giỏi dang nhưng thi cử không đỗ đạt, cao lắm chỉ được làm ông ấm, ông khóa mà thôi.
Sau đó trong họ có các ông Trần Kiêm Chí, Trần Kiêm Trình… phúc tra địa lý thấy nguyên nhân con hói của làng chảy thẳng từ xóm Kên ra sông không có nguồn thủy tụ. Hai ông đã xin làng lấp con hói này và lấy đất họ Trần đào con hỏi khác, cho chảy quanh trước mặt nhà thờ họ trước khi đổ ra sông. Đề nghị này đã được dân làng đồng tình thực hiện. Và khi đào xong con hói thì khuôn viên nhà thờ họ Trần trở nên quang đãng. Đứng ngay trung tâm nhà thờ nhìn ra đúng là “Hạc đậu lưng Quy”! Từ đó trở về sau này con cháu trong họ học hành tấn tới. Năm nào cũng có người đậu khoa bảng, Văn tấn – Võ thăng làm nên danh tiếng họ Trần.
Đến năm 1950, khi có chiến tranh, chính quyền ra lệnh triệt hạ các đình chùa kiên cố không để cho quân Pháp chiếm đóng làm đồn bót. Lúc bấy giờ, con cháu trong họ, phái tập trung xếp dỡ thành một đống. Không may trong cuộc lùng ráp qua làng, giặc Pháp đã đốt xác nhà này. Toàn bộ gỗ cháy trên một tuần mà lửa than chưa tắt ngọn. Nhưng vẫn còn may là hương án sơn son thiếp vàng, bát hương, bài vị của ngài trước đó đã đem thờ tại nhà thờ nhánh Trần Kiêm nên khỏi bị cháy.
Sau mười mấy năm rêu phong cỏ mọc, nhà thờ họ vẫn chưa được xây dựng lại. Trước tình cảnh ấy, con cháu trong họ ai cũng nóng lòng không chịu được, nên đã đồng tâm phát nguyện người có công, kẻ có của và lạc quyên con cháu nội ngoại xa gần để xây dựng lại nhà thờ trên nền móng cũ. Cũng vì tài chính eo hẹp nên việc tái thiết kế kéo dài gần 3 năm mới hoàn thành. Lễ lạc thành và an vị được tổ chức vào năm 1960. Lễ kéo dài hai ngày hai đêm được tổ chức theo lối cổ truyền vô cùng trang nghiêm, trọng thể. Sân nhà thờ dựng hai hàng cờ ngũ hành đại biểu; chiêng trống hai bên trong nội trị, ban cổ nhạc đánh thổi liên hồi. Ban đêm có chiếu bóng mua vui cho bà con làng xóm, ban ngày bà con đi hành hương lễ bái rồi cùng nhau dự liên hoan thân mật. Quang cảnh trong ngày lễ người lui tới, xe cộ tấp nập, đúng là ngày hội lớn của gia tộc.
Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, các năm về trước khi nhà thờ chưa hư hại thì số ruộng đất của họ hằng năm được đấu giá lấy tiền lo kỵ chạp. Lễ kỵ ngài tháng 6 thường niên được làm hai lễ. Tối mùng 5 Túc yết cúng heo xôi. Sáng mồng 6 Chánh tế cúng bò thui. Còn lễ chạp chỉ cúng một lễ vào ngày mồng 5 tháng Chạp hằng năm mà thôi. Ngoài các lễ kỵ chạp còn có lễ cúng Đoan Ngọ, Nguyên Đán. Và mỗi lần trong họ có bà con qua đời, họ đều đi phúng điếu. Mặc dù công việc nhiều như vậy nhưng mỗi dịp cuối năm vẫn thừa tiền chia cho con cháu ăn Tết. Mới nói vài nét sơ lược của gia tộc như vậy, nhưng chúng ta cũng cảm thấy rất tự hào, phấn khởi là truyền thống của gia tộc qua nhiều đời đều có sự di truyền trong huyết thống đã sinh sản ra nhiều con cháu thông minh tuấn tú, thời đại nào cũng có người khoa bảng chức tước.
Hiện nay, con cháu trong họ không chỉ sống trong địa bàn của làng Liễu Cốc Hạ mà còn sinh sống khắp mọi miền đất nước từ Hà Nội đến mũi Cà Mau. Cũng có nhiều gia đình sống ở các nước Tây Phương xa xôi, ước chừng trên dưới cả ngàn người. Có một đặc điểm chung là con cháu họ Trần dù ở đâu cũng học hành, thành đạt, sống đạo đức, có trách nhiệm với gia đình, họ mạc và cộng đồng; làm những công việc vẻ vang cho dòng họ và đất nước.
Bởi vậy niềm ước mong duy nhất của các bậc tiền bối cũng như thế hệ chúng ta ngày nay là làm sao giáo dục cho con cháu các thế hệ sau nối tiếp truyền thống, biết tôn thờ và làm tròn bổn phận đối với tổ tiên; biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong dòng họ cùng chung huyết thống, con trai phải biết HIẾU THUẬN, con gái phải lấy TIẾT NGHĨA làm đầu. Sống không khoe khoang như câu thành ngữ “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Tóm lại, khi mọi người đã ý thức được nguồn gốc, nghĩa tình huyết thống thì nhất định sẽ không có sự sai phạm về luân thường đạo lý và đời đời vẫn giữ mãi truyền thống tốt đẹp tự hào của đại gia đình Trần tộc.
Liễu Cốc Hạ, tháng 9, năm 2022
LƯỢC SỬ HỌ CAO ĐỨC
Từ những năm 1960 trở về sau này, người làng gọi cha tôi là ông Trưởng Đài. Sở dĩ như vậy vì lúc đó cha tôi làm Trưởng tộc họ Cao Đức. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Có lẽ do cha tôi nghĩ sau này tôi là người chăm lo hương khói cho tổ tiên, ông bà, nên dù còn nhỏ tôi luôn được cha cho đến nhà thờ họ, nhà bà con trong họ thăm viếng hoặc dự giỗ chạp… Cảm nhận của tôi sau khi tiếp xúc, gần gũi với bà con từ thời ấy cho đến hiện nay làm Tộc trưởng họ Cao Đức là: Thời nào bà con trong họ cũng ăn ở với nhau dạt dào tình cảm – biết kính trên nhường dưới – sống hiếu đạo, đoàn kết và hoà thuận.
Nói về nguồn gốc họ Cao Đức thì ngay thời còn nhỏ tôi đã hiểu họ Cao Đức được tách ra từ họ Cao Văn. Và tôi cảm thấy tự hào bởi họ tôi có đến hai ngài là Khai canh của làng Liễu Cốc Hạ. Còn tại sao tách ra và tách ra từ thời nào thì tôi chỉ nghe truyền miệng chứ không có di văn để lại, nên cũng chưa thấu hiểu sự việc.
Gần đây, đọc bản thảo cuốn “Lược sử làng Liễu Cốc Hạ” vào cuối năm 2022, tôi mới hiểu tường tận gốc gác tổ tiên mình… Làng Liễu Cốc Hạ và làng Liễu Cốc Thượng trước kia là một làng, có tên Liễu Cốc. Làng Liễu Cốc được hình thành khoảng năm 1558, từ thời kì đầu chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Và hơn 200 năm sau (khoảng năm 1774 cuối thời các chúa Nguyễn) thì làng Liễu Cốc được tách thành hai ngôi làng nói trên.
Chuyện xưa truyền lại rằng thời điểm tách làng, làng Liễu Cốc Hạ chỉ có năm họ. Vì chưa đủ tiêu chuẩn do chúa Nguyễn quy định là địa phương được công nhận làng phải có đủ số dân và có ít nhất là “Thất tộc, Lục phái”, nên hai họ khai canh Cao Văn và Trần (tộc) phải tách hai nhánh lớn của mình ra, đặt tên là họ Cao Đức và Trần Đăng cho đủ Thất tộc mà thành lập làng.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi thấy điều này có nhiều cơ sở để tin cậy. Bởi từ thuở còn bé, tôi đã thấy các bậc bề trên (cho đến ngày nay) bà con hai họ Cao ăn ở thâm tình với nhau như anh em một nhà. Mặt khác, nhà thờ họ Cao Đức và nhà thờ họ Cao Văn tuy được xây riêng, toạ lạc trên hai khu đất khác nhau nhưng cùng thờ chung một ngài Thuỷ tổ, giống nhau từ long vị đến việc bài trí. Từ đó, có thể suy ra ngài Thuỷ tổ của họ Cao Văn cũng chính là ngài Thuỷ tổ của họ Cao Đức. Theo cuốn Lược sử thì ngài Thuỷ tổ họ Cao tên là Cao Văn Phiên, người gốc vùng Trung du phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Ngài làm quan Hành Tẩu theo chúa Nguyễn Hoàng vào vùng đất miền Trung gầy dựng sự nghiệp, mở mang bờ cõi nước Nam. Ngài có công lớn trong việc khai hoang và an định dân chúng nên được các vua triều Nguyễn sắc phong là Khai canh làng Liễu Cốc Hạ. Ngài là vị Khai canh thứ nhất của họ Cao, mộ ngài an táng tại cồn Trưa. Người họ Cao thứ hai cũng được vua ban sắc phong là Khai canh của làng Liễu Cốc Hạ. Mộ ngài Khai canh thứ hai an táng tại thửa ruộng Đô Vân, gần cầu Lừ. Hàng năm vào ngày kị tứ vị Khai canh được tổ chức tại đình làng thì quý Tộc trưởng và bô lão trong làng cung kính bái lạy, đồng thời trang trọng xướng lên “Cao – Cao – Trần – Trần” hoặc “Cao – Trần – Cao – Trần” là do văn tế người xưa để lại dựa vào việc tách họ thành lập làng nói trên.
Riêng về ngài Cao của họ Cao Đức chúng tôi cũng có công lao cùng với sáu họ khác trong làng trong việc khai khẩn, thuần hoá đất đai nên được vua sắc phong là: Bổn Thổ hậu Khai khẩn Cao Đức Đại Lang Chi Thần, tước phong Vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần. Với công lao ấy, họ Cao Đức được vua ban đất xây dựng nhà thờ họ; ruộng canh tác thu lợi để hương khói và lo giỗ chạp hàng năm.
Nói về việc thờ phụng thì nhà thờ họ Cao Đức được xây dựng trên đất vua ban, nằm mặt tiền đường Hậu Làng, gần cầu Vượn. Trải qua nhiều đời, nhà thờ đã được tu sửa nhiều lần. Đến năm 2014, con cháu trong họ đồng lòng đóng góp công, của tu sửa tiền đàng và hậu tẩm, nay đã được khang trang đáp ứng việc thờ phụng được tôn nghiêm, trang trọng.
Mộ ngài Bổn thổ hậu Khai khẩn Cao Đức Đại Lang được an táng tại xứ cồn Trưa. Đó là một ngôi mộ đất to lớn, ngoài việc được tôn tạo, giẫy chạp, theo lệ xưa, thường năm vào ngày 14 tháng năm âm lịch là con cháu họ Cao Đức tề tựu về nhà thờ họ, tổ chức kị ngài cùng với ngày kị ngài Thuỷ Tổ bên nhà thờ họ Cao Văn.
Ngoài ra, họ Cao Đức còn có một miếu thờ ngài Cao tại Cây Xoài. Miếu nằm phía bên trái ngôi chùa làng (Tuý Liễu tự). Hàng năm, với ngôi miếu này, vào ngày kị của ngài Thuỷ tổ, con dân trong họ lo hương khói, cúng kính đầy đủ.
Về dân số thì sau khi tách họ, con cháu họ Cao Đức cùng phát triển song hành với con cháu họ Cao Văn. Đời tôi là thứ 13, và hiện nay con cháu đời thứ 15 – 16 đang lần lượt chào đời. Con cháu họ Cao Đức đều sinh sống tại làng, theo thời gian đã phát triển thành hai nhánh. Nhánh thứ nhất gọi là Cao Đức đệ Nhất phái, thờ ở nhà cháu Cao Đức Dương. Nhánh thứ hai gọi là Cao Văn, thờ tại nhà cháu Cao Đức Hội.
Trước đây vì sống ở làng nên con cháu họ Cao Đức đa số làm nghề nông. Do lam lũ trên đồng ruộng với thời tiết quá khắc nghiệt của miền Trung đã làm bà con quá nghèo, khiến con cháu không được học hành đến nơi, đến chốn. Đến sau năm 2001, khi đời sống bà con trong làng khấm khá lên thì lúc đó việc học hành của thế hệ con cháu họ Cao Đức dần khởi sắc. Đến nay đã có nhiều cháu trong họ tốt nghiệp Đại học, sau đại học làm Kỹ sư, Bác sĩ, Nhà báo, Giáo viên… với số lượng đáng kể.
Để có bài viết đăng trên cuốn Lược sử làng, họ chúng tôi đã hội họp con cháu đóng góp ý kiến với tinh thần lắng nghe, tôn trọng sự thật và đã đồng ý bài viết này. Với tư cách là đương kim Tộc trưởng họ Cao Đức, tôi xin đại diện con cháu trong họ bày tỏ lòng thành kính tri ân cùng tự hào về Tổ tiên mình. Tôi xin nguyện cầu Tổ tiên anh linh, hiển hách – phù hộ, độ trì cho cháu họ Cao nói riêng, dân làng Liễu Cốc Hạ nói chung luôn phát triển mọi mặt để sánh vai cùng các họ, các làng trong cả nước.
Liễu Cốc Hạ, ngày 10, tháng Giêng, năm Quý Mão.
LƯỢC SỬ HỌ TRẦN ĐĂNG
Họ Trần Đăng là một trong Thất tộc của làng Liễu Cốc Hạ.
Theo lời của quý bậc cao niên nhiều đời trước truyền lại; và sự tương tác tình cảm có truyền thống giữa hai họ Trần (Tộc) và Trần Đăng thì ngài Thuỷ tổ họ Trần Đăng là một trong những hậu duệ của Trần tộc làng Liễu Cốc Hạ. Ngài được các bậc trưởng thượng Trần tộc thời đó giao trọng trách, đảm nhiệm một nhánh họ Trần Đăng được tách từ Trần Tộc ra cho đủ tiêu chuẩn cơ bản là Thất tộc, Lục phái mới được vua nhà Nguyễn cho thành lập làng. Từ đó, có thể suy ra ngài Thuỷ tổ họ Trần Đăng với các bậc Trưởng bối Trần tộc là anh em, cùng gốc gác, có cùng nguyên quán ở Thanh Hoá.
Cùng thời và đồng cảnh ngộ với tất cả con dân làng Liễu Cốc Hạ từ khởi thủy, con cháu của họ Trần Đăng đã cùng với con cháu các họ trong Thất tộc Lục phái đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để xây dựng nên xóm nên làng Liễu Cốc Hạ ngày nay.
Trải qua thời gian, dòng họ Trần Đăng đã phát triển như cây cổ thụ chia ba nhánh mà người trong họ gọi là ba phái. Tuy nhiên đến nay phái thứ nhất đã vô tự. Phái thứ hai, con cháu đang sinh sống tại làng Liễu Cốc Hạ. Phái thứ ba đang phát triển tại làng Nguyệt Biều, Thuỷ Biều, Huế. Như tôi đây hiện Trưởng tộc, sinh năm 1956, là đời thứ 12 đã có cháu gọi bằng cố thì hiện nay con cháu họ Trần Đăng đời thứ 15 đã có mặt trên đời. Hiện tại con cháu của hai phái tổng cộng có 30 gia đình. Hàng năm cứ vào ngày 6 tháng 6 âm lịch là tề tựu về nhà thờ họ ở xóm Côi để tham dự ngày kị ngài Thuỷ tổ.
Ngài Thuỷ tổ họ Trần Đăng có công trong việc an định dân cư, tiếp tục mở mang, thuần hoá đất đai làng Liễu Cốc Hạ ngày càng phát triển nên được các vị vua triều Nguyễn sắc phong: “Bổn Thổ hậu Khai khẩn Trần Đăng Đại Lang Chi Thần. Tước phong Vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần”. Nhờ đó mà họ được ban công điền, công thổ có đất làm nhà thờ; đất canh tác nông nghiệp sinh lợi để có nguồn lợi dùng cho việc phụng thờ hương khói, kỵ giỗ ngài Thuỷ tổ và các vị tổ tiên khác hàng năm.
Nhà thờ họ đầu tiên toạ lạc trên công thổ vua ban ở xóm Côi (nay gọi là xóm 2) đã bị hoả hoạn chiến tranh thiêu rụi. Chính trận hoả hoạn này đã cháy hết tộc phổ, làm cho con cháu đời sau không rõ thứ bậc của tổ tiên, nên không dám kê cứu linh vị và khẳng định thứ bậc của tổ tiên đang được thờ trong nhà thờ họ. Đến năm 1877, nhà thờ được làm lại trên nền móng cũ. Trải qua thời gian dài bị hư hỏng, đến năm 1996 được con cháu chung tay xây dựng mới cho đến ngày nay
Mộ ngài Thuỷ tổ táng tại Thượng cồn Trưa (Xóm Tháp). Thân thế của ngài được khắc trên linh bia bằng chữ Hán, đọc còn rõ ràng và có thể dịch ra bằng tiếng quốc ngữ (xin được kèm ảnh).
Về danh nhân trong họ có:
– Ông Trần Đăng Cừ, đời thứ tư làm Cẩm vệ binh uý, được phong làm Tả quân.
– Ông Trần Đăng Ban, đời thứ năm làm chức vụ Hàn lâm viện biên tu.
– Ông Trần Đăng Danh, đời thứ 13, quân hàm Đại tá hiện công tác tại Bộ Tư lệnh Quân khu 4.
Cũng như các họ khác trong làng, thời nào con cháu họ Trần Đăng cũng tham gia đóng góp, xây dựng hương thôn và làm tròn bổn phận với nước nhà.
Đồng thời, con cháu họ Trần Đăng ngày nay cũng được cho ăn học thành tài, có thể sánh vai cùng với con em các họ khác trong làng. Bà con, anh em trong họ có truyền thống đoàn kết, thương yêu, kính trên, nhường dưới, sống hiếu thuận phù hợp với thuần phong mỹ tục ở quê nhà…
Liễu Cốc Hạ, ngày 04/01/2023
LỊCH SỬ HỌ NGUYỄN VĂN
Con người có tổ có tông như cây có gốc, như sông có nguồn. Trải qua thời gian là sự bào mòn về ký ức. Chiến tranh loạn lạc, sự quên lãng cũng là nguyên nhân làm tăng sự hao mòn này. Hiện tại ai cũng muốn tri ân công đức cha mẹ, tổ tiên, nhớ về cội nguồn và mong được biết, được hiểu về nguồn cội mình.
Người Việt Nam tự hào với quá khứ hào hùng của mình. Đồng thời tôn vinh những bậc vĩ nhân đã tô điểm rạng rỡ quá khứ hào hùng đó, và quá khứ có tác động mạnh mẽ vào hiện tại và tương lai.
Lịch sử về làng Liễu Cốc Hạ thì tập Lược sử làng đã đề cập đầy đủ, chi tiết và tự hào làng ta đã có một tài liệu quý giá như vậy.
Riêng về họ thì mỗi họ đều có gia phả riêng. Bài viết này chúng tôi chỉ ghi lại một số chi tiết căn cứ vào tài liệu và truyền khẩu trong họ Nguyễn để cùng nhau tìm hiểu thêm.
Sau 1975, Nhà nước và toàn dân cùng truy tìm nguồn gốc tổ tiên, họ hàng và quê hương. Rất vui mừng vì nhiều gia đình, dòng họ đã truy ra nguồn gốc của mình. Về họ thì đã thành lập được nhiều họ chung gọi là họ Việt Nam như họ Bùi Việt Nam, họ Phan Việt Nam, họ Nguyễn Việt Nam…
Theo từ điển Wikipedia (vào thời điểm 2022) thì họ Nguyễn là họ đông dân nhất nước Việt Nam. Họ Nguyễn có nhiều danh nhân nổi tiếng trong nước và thế giới. Họ Nguyễn có bề dày lịch sử lâu đời và một trong những họ có công mở mang bờ cõi làm rạng danh đất nước Việt Nam ngày nay.
Riêng nguồn gốc họ Nguyễn Văn tại làng Liễu Cốc Hạ thì trong gia phả và truyền khẩu được diễn giải như sau:
Trong phong trào di dân vào Nam lập nghiệp theo chỉ dụ của triều đình, dân ở các tỉnh phía Bắc từng đoàn vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Trong số đó có một vị tướng đang phục vụ cho triều đình, ngài là quan Vận lương phụ trách di chuyển lương thực từ Bắc vào Nam. Trong chuyến đi đó, ngài đem theo gia đình vào Đàng Trong lập nghiệp. Khi đến nơi, ngài chọn một vùng đất có tên Liễu Cốc mà khai hoang, lập ấp. Ở đây đồng bằng phì nhiêu, cây cối tốt tươi, giao thông thuận lợi. Có một cái hiếu đáng trân trọng là tài sản ông mang theo là mấy om tro cốt và được cải táng cạnh nhà nơi vùng đất mới, nay được thờ phụng gọi là mộ Tổ họ Nguyễn (ở Xóm Tháp).
Năm 2016, họ Nguyễn làng Liễu Cốc Hạ khánh thành nhà thờ họ và an vị bộ gia phả của họ. Trong buổi lễ có mời rất đông con cháu, quan khách xa gần để thăm hỏi, tìm hiểu và cùng nhau suy tra lại nguồn gốc… Đáng hân hạnh là có đại diện nhà nghiên cứu lịch sử, nhà báo Quang Hà và có đủ bốn Tộc trưởng họ Nguyễn nguyên gốc ở làng Liễu Cốc Thượng ngày nay đến tham dự. Sau đó bác Tộc trưởng Nguyễn Kim Lương nhận được giấy mời từ họ Nguyễn Phúc gốc ở Ninh Bình ra Hà Nội họp để xác minh nguồn gốc dòng họ Nguyễn ở làng Liễu Cốc Hạ. Trong thư mời có ông Nguyễn Phúc H. cố vấn miền Trung và ông Tôn Thất Vĩnh Bào Tộc trưởng họ Nguyễn nguyên thủy. Ra đến Ninh Bình, thấy đền thờ gốc họ Nguyễn quá trang nghiêm, đang thờ Ngài Nguyễn Bặc mà con cháu họ Nguyễn ở miền Bắc đang thờ phụng, chúng tôi rất vinh dự vì đây là cái mốc để con cháu tìm hiểu thêm. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy nếu đúng như vậy thì họ Nguyễn chúng tôi nằm trong phái của các vị vua triều Nguyễn.
Và theo thời gian, sự phát triển của dòng họ Nguyễn của chúng tôi được rút gọn như sau:
Ngài Khai canh THƯỢNG ĐẠI THUỶ TỔ Trần Lưu Quận NGUYỄN ĐẠI LANG sinh được năm người con (bốn trai và một gái). Bốn người con trai đi khai phá bốn làng trong tỉnh. Người con đầu là Khai canh, Khai khẩn làng Liễu Cốc Thượng. Ngài được các vua nhà Nguyễn ban tặng 20 sắc phong trong đó có nhiều sắc phong ban tặng đã bảo vệ quê hương và giữ gìn Tháp đôi an toàn.
Ngài thứ hai tên là NGUYỄN VĂN ĐỘNG về khai phá vùng đất cạnh sông Bồ Làng Liễu Cốc Hạ. Ngài là tổ của họ Nguyễn làng Liễu Cốc Hạ, được vua ban sắc phong: ĐẠI THỦY TỔ BỔN THỔ HẬU KHAI KHẨN, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần.
Ngài thứ ba được đưa về khai phá đất đai làng Ba Lăng.
Ngài thứ tư được đưa về khai phá đất đai làng Quảng Xuyên.
Ngài thứ năm là nữ, được gả theo chồng về làng Cổ Lão.
Vì vậy xưa nay hễ có lễ lược các ngài Tổ là có mặt tất cả bà con họ Nguyễn ở các làng trên. Tất cả có một sự gắn kết rất gần gũi, thân thiện.
Thành tích có được của ông cha và con cháu trong họ Nguyễn được ghi nhận như sau (được trích từ đời 12 đến đời 18):
Đời 12: Ông Nguyễn Chánh Trinh, chức vụ Kiều công Đô úy, Thụy Hùng tiết Phủ quân.
Đời 13: Ông Nguyễn Chánh Duân, chức vụ Nguyên Thọ Chánh suất Đội Võ Công Đô Úy.
Đời 13: Nguyễn Chánh Hoành. Chức Vụ Thụy Dõng Mãnh Phủ Quân, quan triều đình, về hưu làm Tiên chỉ làng Liễu Cốc Hạ.
Đời 14: Ông Nguyễn Chánh Giáp là Thụy Tôn Dõng Phủ Quân. Được phong làm Tiên chỉ làng Liễu Cốc Hạ đến cuối đời. Vợ là Cao Thị Thược được phong Thất phẩm Phu nhân.
Đời 15: Ông Nguyễn Văn Khung (1904), tham gia Cách mạng năm 1947, là cán bộ Ban Tài chánh huyện Hương Trà; bị bom chết năm 1951 tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên.
Đời 15: Ông Nguyễn Chánh Cẩn, sinh năm 1926. Tiểu đoàn Phó Quân đội Nhân dân Việt Nam. Liệt sĩ, hy sinh ngày 20/6/1965; được truy tặng quân hàm Đại tá, Huân chương Độc lập hạng Ba (theo bằng Liệt sĩ và bằng truy tặng của Nhà nước)
Đời 15: Ông Nguyễn Chánh Hoạt (1926). Tập kết ra Bắc năm 1945. Tỉnh ủy viên tỉnh Nghệ Tỉnh năm 1965.
Đời 16: Ông Nguyễn Chánh Hanh. Đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1975 – 1985.
Đời 16: Ông Nguyễn Văn Tri, Đại học kinh tế. Phó Chủ tich huyện Hương Trà năm 1994 – 2006; Phó Chủ tịch thị xã Hương Trà từ năm 2006 – 2020.
Đời 16: Ông Nguyễn Văn Phò, Đại học Bách khoa Phú Thọ. Tốt nghiệp bác sĩ ngành Nhân điện tại Colombo Sri Lanka năm 2007.
Đời 17: Ông Nguyễn Minh Hải (1979), tốt nghiệp Tiến sĩ, Kiến trúc sư tại Mỹ.
Trong các đời từ 15 đến 17 có nhiều con em trong họ đã tốt nghiệp Đại học là trên 50 em và nhiều cán bộ viên chức, sĩ quan trong quân đội.
Họ Nguyễn làng Liễu Cốc Hạ hiện nay dân số trên 200 người, sinh sống khắp trong nước và nước ngoài.
Họ Nguyễn Văn trước đây khai chữ lót là Nguyễn Văn, Nguyễn Kim, Nguyễn Chánh, Nguyễn Hữu… Sau năm 1975, theo gia phả thì còn lại 3 phái chính là: Nguyễn Kim, Nguyễn Văn và Nguyễn Chánh. Trong đó Nguyễn Văn và Nguyễn Chánh cùng một ông tổ, nên hai phái này hiện con cháu khai là Nguyễn Văn.
Họ Nguyễn Văn hiện đông nhất nhì trong làng. Con cháu trong họ đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau … Các lễ lược trong gia đình và làng xóm đều nhiệt tình tham gia. Về tang điếu thì họ lo chu toàn cho tang quyến. Nhiều đám tang chỉ cần báo là họ tổ chức trọn vẹn. Về mồ mả của tổ tiên và từng gia đình thì hầu như đã truy ra từ các đời và có bia, lăng đầy đủ.
Đoạn trích này trước là tỏ lòng hiếu đạo, phụng thờ tổ tiên; sau là lưu lại để con cháu biết họ hàng, quan hệ vị thứ, bà con nội ngoại mà có ý thức trách nhiệm với họ mạc. Đồng thời suy tôn các bậc tiền nhân đối với quá khứ và hiện tại. Chúng tôi tưởng niệm công đức sáng nghiệp nên dòng giống của tổ tiên, đồng một lòng khẩn nguyện:
Tiên linh liệt vị hiển hách, phò trì gia hộ cho làng ta được thiên thu vĩnh cữu, vạn thế trường tồn.
Huế, tháng 08, năm 2022
HỌ PHAN VIỆT NAM VÀ LIỄU CỐC HẠ
Khi nói đến lịch sử hình thành và phát triển họ Phan Việt Nam, xin chú ý họ Phan cũng như hầu hết các dòng họ khác ở Việt Nam đều trực tiếp hay gián tiếp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phan (chữ Hán: 潘) là một họ tại Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên (Hangul: 반, Hanja: 潘). Theo thống kê dân số Việt Nam năm 2005, tỷ số người Việt họ Phan đứng vào hàng thứ 6 trong tổng cộng gần 100 triệu người cả nước. Tỷ số được ghi nhận như sau: Họ Nguyễn 38%; họ Trần 14%; họ Lê 9,5%; họ Phạm: 7,1%; họ Hoàng 5,1%; họ Phan: 4,5%; họ Võ 3,1%…
Căn cứ vào Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và sách Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú và các tư liệu lịch sử có giái trị đáng tin cậy thì: Họ Phan là một thành viên của dân tộc Việt Nam có một lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, góp phần bảo tồn nòi giống và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trải qua nhiều thế kỷ và triều đại, con cháu Phan tộc đã di cư, định cư khắp nơi trên mọi miền đất nước và nước ngoài. Tuy hoàn cảnh và khung thời gian có khác nhau, nhưng hậu duệ bao đời của họ Phan vẫn giữ lòng sắt son với tổ quốc và dân tộc; dù ở đâu thì khuynh hướng yêu nước, thương nòi với tâm nguyện nhìn về nguồn cội vẫn còn lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Năm 2008 là cột mốc thời gian quan trọng khi các bậc trưởng thượng tiền bối cùng phối hợp với con cháu thế hệ tương lai đã đồng tâm, vững chí tạo sự thống nhất các họ Phan ở Việt Nam, những người cùng chung một ông tổ Phan tộc Việt Nam.
Nhà thờ xây dựng ngày 20 tháng 03 năm 2005 tại Thủ đô Hà Nội là để thờ Thủy tổ Phan tộc Việt Nam. Nơi đây là trung tâm hội tụ tâm linh con cháu họ Phan thời cận đại và hiện đại. Riêng các tỉnh và thành phố đều có nhà thờ Phan tộc địa phương.
Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, họ Phan đã xây dựng Phan tộc Từ đường ở tại trung tâm thành phố Huế, lấy ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ và sinh hoạt con cháu họ Phan nguyên quán hay cư ngụ tại tỉnh nhà.
Trong suối nguồn tinh hoa dân tộc, họ Phan có một vị trí tỏa sáng cùng sánh vai với các dòng tộc khác; họ Phan là một trong những đại tộc khoa bảng khắp ba miền đất nước.
Trong hơn 200 dòng họ lớn nhỏ ở Việt Nam, có 85 họ có người đỗ đạt đại khoa, được phong phẩm hàm vinh dự, họ Phan đứng vào hàng thứ 6.
Trong vai trò tế thế kinh bang, hộ quốc an dân, dòng họ Phan đã sản sinh nhiều nhân vật anh hùng, nhiều quan lớn, nhiều nhà chính trị, khoa học, văn hóa nghệ thuật đã làm rạng danh cho đất nước và dòng tộc mà sử sách xưa nay còn lưu dấu.
Như những nhánh nhỏ suối khe tách ra từ biển mẹ, con cháu họ Phan Liễu Cốc Hạ đã cùng với con cháu Phan tộc Việt Nam đời đời cố gắng vươn lên trong các lĩnh vực giáo dục, kinh tế, xã hội, phù hợp với trào lưu quốc kế dân sinh của từng thời đại.
Trên đây là những nét khái quát quá trình hình thành và phát triển của họ Phan Việt Nam nói chung và họ Phan Liễu Cốc Hạ nói riêng.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, con cháu họ Phan Liễu Cốc Hạ cùng với con cháu họ Phan tộc Việt Nam luôn luôn cố gắng vươn lên trong các lĩnh vực để xứng đáng con dân Việt Nam. Họ Phan tại địa phương, trải dài từ Liễu Cốc Thượng xuống thôn Liễu Cốc Hạ. Phái Phan Trọng sinh sống tại Liễu Cốc Thượng, phái Phan Văn sinh sống tại Liễu Cốc Hạ và thị trấn Sịa.
Họ Phan Văn là một trong Thất tộc của làng Liễu Cốc Hạ. Ngài thuỷ tổ họ Phan Văn có công lao cùng với sáu họ khác có mặt đầu tiên khai khẩn, thuần hoá vùng đất làng Liễu Cốc Hạ, nên được vua nhà Nguyễn sắc phong đẳng hàm là: Bổn thổ hậu Khai khẩn Phan Văn Đại Lang Chi Thần -Tước phong Vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Thần.
Hiện nay, họ Phan Liễu Cốc Hạ có nhiều con cháu sinh sống tại làng, ngoài làng trong nước và Hải ngoại. Nhà thờ họ tọa lạc tại thôn Liễu cốc Hạ, đại trùng tu năm 2017. Con dân họ Phan Liễu Cốc Hạ căn bản xuất phát từ nông nghiệp, nhưng theo quá trình tiến triển và khuynh hướng dấn thân, lựa chọn nghề nghiệp của các thế hệ về sau mỗi ngày một chuyển biến. Với tinh thần hiếu học và ý chí vươn lên, đến nay đã có nhiều người thành đạt, nhiều con cháu là Giáo sư, Giảng viên Đại học, Bác sĩ , Kỹ sư trong các ngành nghề chuyên biệt.
Môi trường xã hội, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện sinh sống có thể thay đổi và con người phải thích ứng tùy nghi; tuy nhiên, đặc biệt là đa số con cháu họ Phan Liễu Cốc Hạ luôn giương cao tinh thần hiếu đạo, biết sống đùm bọc và đoàn kết để cùng hãnh diện nhìn về cội nguồn; chung tay góp sức với các họ tộc trong làng với ước mong xây dựng hương thôn Liễu Cốc Hạ càng ngày càng tốt đẹp, mong xứng đáng người con dân thôn Liễu.
Sacramento, tháng Giêng, năm 2023
LƯỢC SỬ HỌ HÀ VĂN
Họ Hà Văn có từ lúc thành lập làng. Là một họ trong Thất tộc của làng Liễu Cốc Hạ. Ngài Thuỷ tổ họ Hà được chiếu chỉ vua ban là: Bổn thổ hậu Khai khẩn Hà Văn Đại Lang Chi Thần. Tước phong: Vi Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Tôn Thần. Làng trích, cấp cho họ Hà ruộng hương khói tế lễ gồm: Hai sào ở Hạ Thôn, một sào ở Biền, hai sào ở Rột Xa cạnh Quả Bồng.
Miếu thờ họ Hà trước đây tại Rột Xa. Sau không hợp phong thổ, nằm ngoài làng cây cối um tùm, nên quý cố hiến đất, thỉnh vào gần nhà mình (ông Lân) ở xóm Cụt làm nhà thờ, thờ phụng.
Nhà thờ họ Hà mặt trở về hướng Nam như các họ khác. Quá trình tôn tạo nhiều lần rất kỳ công, nay đã xây dựng kiên cố, có tiền đàn, hậu tẩm, trên có bộ Tứ linh, sân rộng có hai am thờ, bình phong trụ đăng oai nghiêm, đẹp, nội tự ba khám thờ oai nghi.
Xưa, họ Hà ít người “ăn con gà không hết”. Nay con cháu đông đúc, kị ngài Thuỷ tổ ngồi ba vòng không đủ, chưa kể con cháu ở phương xa. Họ tuy ít người nhưng đời nào cũng biết thương yêu đùm bọc nhau, trên nói dưới nghe, biết hướng thiện. Việc làng, việc xóm tham gia gương mẫu. Họ có bốn phái, kị giỗ chu toàn. Mộ ngài Thuỷ tổ tán tại Cồn Rấy, xây dựng nhiều lần vất vả, hoàn chỉnh trước các họ khác. Mộ kiên cố thoáng đẹp cũng kỳ công lắm.
Con cháu họ Hà qua nhiều đời biết đoàn kết, thương yêu nhau nên việc gì dù khó khăn đến mấy cũng hoàn thành; đồng mồ phận mả thờ cúng, nhớ ngày đơm tháng kị, nhớ ơn tổ tiên.
Trước đây, họ không có quan viên, chức sắc. Gần đây cũng có thầy hiệu, thầy giáo, công chức, con cháu tốt nghiệp Đại học, trên Đại học khá nhiều, có tinh thần cầu tiến.
Liễu Cốc Hạ tháng 11 năm 2022
2. LƯỢC SỬ CÁC HỌ TRONG LỤC PHÁI VÀ THẬP NHỊ TÔN PHÁI…
LƯỢC SỬ PHÁI HÀ CÔNG
Vào thế kỷ 16, thời Hậu Lê, ông tổ Hà Công Huy của chúng tôi đưa gia đình từ Bắc vào Đàng Trong rồi dừng lại đất Thuận Hóa (nay là Phú Vang – Thừa Thiên Huế) lập nghiệp. Trên vùng đất mới, họ Hà Công sinh con, đẻ cháu đông đúc. Sau đó vì sinh kế mà con cháu mỗi người mỗi nơi tìm vùng đất hứa định cư theo cách đất lành chim đậu.
Ông Hà Công Chương đời thứ 6 đến làng Liễu Cốc Hạ làm ăn, lấy vợ, sinh được hai người con trai tên là Hà Công Vinh và Hà Công Thượng (đời thứ 7) rồi ngụ cư tại đây. Ông Hà Công Vinh sinh ra ông Hà Công Hưởng (đời thứ 8), đồng thời ông Hà Công Thượng sinh được hai người con trai là ông Hà Công Thỉu và Hà Công Thứ (đời thứ 8).
Ông Hà Công Hưởng sinh ra ông Hà Công Vận (đời thứ 9); ông Hà Công Thỉu sinh ra ông Hà Công Trung (đời thứ 9); và ông Hà Công Thứ sinh ra ông Hà Công Ngại (đời thứ 9). Ba tôi là Hà Công Trung (đời thứ 9) sinh ra tôi là Hà Công Chinh (đời thứ 10). Hiện nay con cháu đời thứ 11, 12 đang lần lượt chào đời.
Ngày nay con cháu họ Hà Công ở Liễu Cốc Hạ đã phát triển đông đúc. Theo trào lưu xã hội, bà con di cư đến sống nhiều nơi trong nước như ở Đà Lạt, Quảng Bình… Riêng ở làng Liễu Cốc Hạ, con cháu họ Hà Công còn ba gia đình.
Nói về việc học hành của họ Hà Công ở làng Liễu Cốc Hạ thì thời trước do cuộc sống của bà con quá thiếu thốn nên việc cắp sách đến trường của các cháu có phần hạn chế. Ngày nay, nhờ tình hình kinh tế ổn định nên việc học hành của con cháu đã khởi sắc, số lượng các cháu tốt nghiệp Đại học và sau Đại học khá nhiều.
Nhà thờ chính họ Hà Công được xây dựng trước đây nhiều đời tại Phú Thứ, Phú Vang. Trải qua thời gian được trùng tu nhiều lần, nay đã được khang trang như bao ngôi nhà thờ họ khác trong vùng.
Riêng ở làng Liễu Cốc Hạ, cha tôi (Hà Công Trung) đã cải tạo căn nhà của ông bà để lại ở xóm Côi thành ngôi nhà thờ phái Hà Công. Mộ ngài Cao (Hà Công Chương) an táng tại Mả Vôi. Hàng năm vào ngày 23 tháng 12 (AL) là giỗ ngài, con cháu khắp nơi tề tựu đông đủ tại nhà thờ ở làng Liễu Cốc Hạ trong tình thân ái, thương yêu và đoàn kết.
Ngày 15 tháng 02 năm 2023
LƯỢC SỬ PHÁI LƯU VĂN
Tôi là hậu duệ đời thứ năm và là Tộc biểu phái Lưu Văn ở làng Liễu Cốc Hạ, xin gửi đến Ban biên soạn Lược sử làng, lược sử phái Lưu Văn của tôi, theo gia phả như sau:
Theo truyền thống làng xã Việt Nam nói chung và làng Liễu Cốc Hạ nói riêng, khởi đầu thường có một nhóm người khai canh, khai khẩn cùng chung lưng góp sức để biến vùng đất hoang hoá thành xóm giềng, làng xã. Càng về sau, khi làng xóm đã thành hình và có đời sống ổn định thì các dòng họ có công khai canh, khai khẩn trở thành dòng tộc chính thống của làng. Còn những người đến sau do sinh kế, hay nhu cầu hôn nhân cũng phải trải qua nhiều đời mới được làng công nhận là một phái, hợp với câu thành ngữ “đất có lề, quê có thói”. Ông tổ phái họ Lưu của chúng tôi ở làng Liễu Cốc Hạ, lại nằm vào trường hợp thứ hai, và cụ thể như sau:
Ngài Lưu Văn Thẩm là con thứ ba của ngài Lưu Văn Thông, quê quán tại làng Triều Sơn Trung, xã Hương Toàn.
Ngài Lưu Văn Thẩm kết hôn với bà Nguyễn Thị Chút người làng Liễu Cốc Hạ. Sau khi kết hôn, hai ông bà sinh sống và lập nghiệp tại làng Liễu Cốc Hạ luôn.
Hiện nhà thờ họ Lưu và lăng mộ của ngài Lưu Văn Thông ở tại làng Triều Sơn Trung. Ngài Lưu Văn Thẩm và bà Nguyễn Thị Chút sinh được ba người con (hai trai, một gái). Các con cháu của ngài cũng kết hôn và sinh sống chủ yếu ở làng Liễu Cốc Hạ; và số ít lấy chồng ở làng Liễu Nam và Cổ Lão.
Tính đến nay (2023), con cháu của ngài Lưu Văn Thông đang ở tại làng Liễu Cốc Hạ đã được năm đời (khoảng 100 năm) và hình thành nên phái Lưu Văn, một trong Thập nhị Tôn phái của làng.
Nhà thờ của phái chưa được xây dựng riêng. Tổ tiên chúng tôi đang được thờ tại nhà căn nhà dùng để sinh sống của gia đình ở xóm Cụt làng Liễu Cốc Hạ.
Hằng năm con cháu tập trung tại từ đường để giỗ ngài Lưu Văn Thẩm vào ngày 25/9 âm lịch. Ngày 5/6 âm lịch chạp mộ ngài tại xứ cồn Làng, làng Liễu Cốc Hạ, cũng là ngày chạp chung của toàn phái.
Tuy con cháu phái Lưu Văn chưa nhiều, nhưng qua các đời, sinh sống, kết hôn cùng con cháu các họ, phái khác trong làng như Trần, Nguyễn, Cao… cũng đã gắn kết tình nghĩa chặt chẽ, và chung tay xây dựng xóm làng.
Hiện nay, khi đời sống đã được thuận lợi, con cháu phái Lưu Văn cũng được cha mẹ chăm lo ăn học đàng hoàng. Một số cháu đã tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng… và đã công tác tại các tỉnh thành trong nước như thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…
Tuy làm ăn xa, nhưng với tấm lòng hướng về nguồn cội, con cháu phái Lưu Văn luôn hướng về quê hương Liễu Cốc Hạ với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Các cháu cũng đã cùng cha mẹ, anh em phái Lưu Văn ở trong làng tích cực đóng góp dựng xây, mong muốn xóm làng ngày càng thịnh vượng giàu đẹp.
Liễu Cốc Hạ, ngày 28 tháng 02 năm 2023
LƯỢC SỬ PHÁI MAI (TRẦN)
Tôi là hậu duệ đời thứ bảy và là Tộc biểu phái họ Mai ở làng Liễu Cốc Hạ. Tôi tóm tắt lược sử phái của tôi như sau:
Vào thế kỷ thứ 17, cụ tổ dòng họ Trần của chúng tôi đưa gia đình di cư từ Bắc vào Nam lập nghiệp, rồi dừng chân tại làng Liễu Cốc Hạ. Ở đây, các cụ cư ngụ ổn định, nhưng đến đầu thế kỷ 20 thì xảy ra sự việc:
– Phái thứ nhất di cư ra Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sinh sống.
– Phái thứ hai đổi họ Trần thành họ Mai và sinh sống, làm việc tại làng Liễu Cốc Hạ cho đến ngày nay.
Từ đó đến nay cả hai phái sinh cơ lập nghiệp và phát triển con cháu trên hai vùng đất nói trên. Gia phả thể hiện gần đây nhất, đời thứ năm là cụ Trần Văn Đợi ở Cam Lộ thuộc phái thứ nhất làm vai trưởng (đã mất); cũng đời thứ năm, phái Nhì ở làng Liễu Cốc Hạ là ông nội tôi Mai Văn Thiêm, đời thứ 6 là cha tôi Mai Văn Lùn (cả hai người đã mất).
Nhà thờ phái Mai (Trần) ở xóm Côi làng Liễu Cốc Hạ, nguyên là căn nhà dùng để sinh sống của gia đình ông nội tôi rồi đến gia đình ba tôi. Đời ba tôi đã xây lại thành căn nhà ngói ba gian, sảnh đúc bê tông, sân trước rộng rãi thoáng mát. Vì cả hai phái chưa có nhà thờ, nên cha tôi đã phát triển căn nhà này thành nhà thờ họ phái Mai (Trần). Ba tôi mất, tôi là đời thứ bảy thay cha thờ phụng và hương khói tổ tiên ông bà và làm Tộc biểu.
Mộ ngài Hiển Cao tổ Trần Văn Xuân của chúng tôi an táng tại Thượng Cồn Nổi. Trước năm 1975, vào ngày 12 tháng 8 (AL), ngày nay vào ngày 12 tháng chạp (AL) là giỗ của ngài, cả hai phái nhất, nhì họp mặt đông đúc tại nhà thờ họ với bầu không khí thắm tình yêu thương và đoàn kết.
Hiện nay con cháu phái nhì ở tại làng Liễu Cốc Hạ chưa đông như các họ khác. Thời trước kinh tế khó khăn nên việc học hành của con cháu họ Mai bị gián đoạn. Thời nay kinh tế đã ổn, con cháu họ Mai (Trần) đều được cho ăn học đến nơi đến chốn.
Và trong quá trình sinh sống, thời nào phái họ Mai cũng đồng hành với các họ, các phái khác trong làng, đoàn kết chung tay xây dựng xóm làng ngày càng phát triển, không xảy ra điều tiếng gì.
Liễu Cốc Hạ, ngày 22 tháng 02 năm 2023
LƯỢC SỬ HỌ NGÔ VĂN
Tôi sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cha ông làng Văn Hóa Liễu Cốc Hạ. Tôi gắn bó với nghề trồng lúa nước và các loại cây hoa màu khác. Mảnh đất quê hương thân yêu này đã nuôi dưỡng tâm hồn và ý chí vươn lên của bản thân tôi. Nhìn lại sự thay đổi từng ngày của quê hương, từ các công trình phúc lợi xã hội như đường giao thông xóm làng được bê tông hóa hoàn toàn; các trường học được xây dựng hiện đại để ươm mầm trí tuệ, tài năng cho xã hội; nhiều điểm vui chơi giải trí lành mạnh được bà con trong làng và chính quyền địa phương quan tâm xây dựng; đặc biệt đời sống văn hóa và dân trí của toàn dân quê tôi theo kịp sự phát triển của đất nước mà tôi rất tự hào và hạnh phúc. Tôi luôn tâm nguyện xây dựng gia đình và dòng tộc của tôi ấm no, hạnh phúc là cách mà con cháu họ Ngô Văn vươn lên sánh bước với con cháu dòng họ khác trong làng cùng xây dựng quê hương giàu đep.
Vài nét về họ Ngô Văn
Họ Ngô là một trong Lục phái của làng Liễu Cốc Hạ. Cuối thời triều Nguyễn, những người mang họ Ngô Văn đã đặt chân đến mảnh đất thuần nông hiền hòa Liễu Cốc Hạ để sinh sống. Truyền nhân kể lại rằng mảnh đất tình người này đã ban cho tiền bối Ngô Văn Vững cơ duyên lập nghiệp tại nơi đây. Từ đó, số lượng người mang họ Ngô Văn ngày một nhiều hơn. Các thế hệ con và cháu cận kề của ông tiếp tục bám đất, bám làng để sinh cơ lập nghiệp theo gót cha ông.
Ngôi nhà sinh hoạt chung của con cháu Ngô Văn đầu tiên được ông dựng bằng tre, mái tranh. Dù đơn sơ, nhưng căn nhà ấy là cội nguồn, là lịch sử gia tiên họ Ngô Văn. Đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh với Pháp – Mỹ , mái nhà chung ấy đã bị giặc Pháp phá hoại, đốt cháy hoàn toàn. Sau ngày đất nước thống nhất, con cháu của ông đã quyết tâm dựng lại cái nôi gia tiên trên chính nền đất cũ bằng gỗ. Hơn hai thế kỷ trôi qua, con cháu họ Ngô Văn ngày một đông. Sau hơn 5 lần trùng tu, nhà thờ họ Ngô Văn được con cháu hiệp tâm xây dựng mới vào năm 2010. Với kiểu kiến trúc công trình tâm linh truyền thống, nhà thờ họ Ngô Văn mang vẻ đẹp thuần phong mỹ tục của người Việt. Đây là nơi con cháu thành tâm thờ phượng các đời gia tiên, là cội nguồn cho con cháu họ Ngô Văn trở về với chính nơi mình được sinh ra.
Đặc biệt hơn, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, con cháu Ngô Văn đã xây dựng mới lăng tổ họ Ngô Văn mình. Công trình được xây dựng kiên cố, vững chắc và bề thế tại Cồn Trưa, thuộc địa giới làng Liễu Cốc Hạ, hoàn thành năm 2020.
Sự thờ phượng của con cháu Ngô Văn
Con cháu các thế hệ họ Ngô Văn luôn phát huy truyền thống cao đẹp với việc thờ phượng tổ tiên. Việc hiếu kính với liệt tổ liệt tông thật sự ở trong tâm trí mỗi con cháu. Trong mỗi gia đình, cha mẹ làm gương mẫu mực để con cái noi theo. Hơn thế nữa, để việc thờ phượng tổ tiên được vuông tròn hơn theo gia quy, họ Ngô Văn đã bầu ra Ban trị sự, người đứng đầu là Trưởng họ. Các bậc cha ông luôn khích lệ con cháu cùng nhau tương phùng vào ngày chạp họ. Đây là một sự kiện đặc biệt để con cháu sum vầy bên nhau trong tình thâm ruột thịt dưới một mái nhà. Trong mỗi câu chuyện của con cháu kể cho nhau nghe đều mang chung ý niệm một lòng đoàn kết, hiệp tâm xây dựng dòng họ ngày thêm thịnh vượng. Đặc biệt, mọi công tác trong lễ chạp họ được chuẩn bị thật chu toàn và trang nghiêm. Mỗi nghi lễ thể hiện sự cung kính với các bậc tiền bối được con cháu thực hiện một cách kính cẩn và bài bản. Mọi công tác tổ chức cho ngày về nguồn luôn được Ban trị sự đem ra bàn bạc, lắng nghe và đón nhận mọi ý kiến của con cháu. Ngày 18 tháng 12 năm 2022, đời trưởng họ thứ 4 do ông Ngô Văn Tuệ đảm đương, vì ở tuổi 87 sức khỏe không cho phép đã truyền nhiệm lại cho ông Ngô Văn Giảng. Như vậy, hiện tại họ Ngô Văn đang có trưởng họ đời thứ 5. Quỳ trước hương linh tổ tiên, toàn thể con cháu xin ghi nhớ, cảm tạ ân điển tổ tiên ban cho, đồng thời quyết tâm xây dựng họ Ngô Văn ngày một giàu đẹp, văn minh và bác ái hơn.
Nét đẹp gia phong và sự vươn tầm của con cháu Ngô Văn
Phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết trong dòng họ, mỗi con cháu họ Ngô Văn đều siết chặt tình thương, tôn trọng và khích lệ lẫn nhau. Con cháu luôn kính trọng các bậc cao niên. Những nếp sống đẹp, những lời chỉ dạy sâu sắc của ông, bà, chú, bác đều được con cháu tiếp nhận tích cực và xem đó là kim chỉ nam cho sự tiến bộ bản thân. Điều rất đáng trân trọng ở con cháu họ Ngô Văn là con cháu rất yêu quý và biết ơn các người con dâu trong họ. Một sự thật là các người con dâu Ngô Văn sống mẫu mực, một lòng vì hạnh phúc gia đình, luôn cùng chồng chăm lo phụng sự ông bà, thờ phượng tổ tiên một cách ấm cúng dù mỗi gia đình con cháu có tiềm lực, kinh tế khác nhau.
Ý thức được triết lý nhân sinh “Con hơn cha thì nhà có phúc”, các thế hệ con cháu Ngô Văn luôn không ngừng phấn đấu học tập và tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với niềm tin của các bậc tiền bối, cha ông. Từ năm 2010 đến nay, trên 80% con cháu trong độ tuổi giáo dục phổ thông đỗ Đại học, Cao đẳng trong cả nước. Tất cả con cháu đều có nghề nghiệp để lo cuộc sống gia đình. Con cháu Ngô Văn rất tự hào khi được đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước với nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, sinh học, công nghiệp xây dựng, du lịch, nông lâm nghiệp hiện đại, và dịch vụ thương mại. Trong đó, có một vài con cháu Ngô Văn vinh dự được các ngành, các bộ, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều tổ chức xã hội, kinh tế quốc gia trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương ghi nhận sự đóng góp.
Xin thay mặt con cháu họ Ngô Văn tại làng Văn Hóa Liễu Cốc Hạ, tôi xin bày tỏ sự cám ơn đến Ban biên soạn cuốn sách “Lược sử làng Liễu Cốc Hạ” đã tạo điều kiện cho chúng tôi được vinh dự có những trang viết về dòng họ của mình trong cuốn sách quý này. Tôi kính chúc các họ, các phái trong làng luôn đoàn kết và phát triển tốt.
Liễu Cốc Hạ, ngày 20 tháng 2 năm 2023
PHÁI BÙI VĂN
Phái Bùi Văn là một trong Lục phái của làng Liễu Cốc Hạ. Hiện nay (2023) ông Bùi Văn Cho (Tý) làm Trưởng phái.
Ban biên soạn đã rất nhiều lần nói chuyện với ông Cho qua điện thoại, mời và hướng dẫn ông viết sơ lược lịch sử phái mình để đăng lên tập Lược sử làng. Tuy nhiên cuối cùng Ban biên soạn không nhận được bài của phái Bùi. Mong con cháu phái Bùi thông cảm.
PHÁI NGUYỄN ÍCH
Phái Nguyễn Ích là một trong Lục phái của làng Liễu Cốc Hạ. Hiện nay (2023) ông Nguyễn Ích Chiến làm Trưởng phái. Ông Nguyễn Ích Chiến hiện đang sinh sống tại xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Ban biên soạn đã liên hệ ông Chiến, đề nghị ông viết lược sử phái Nguyễn Ích để đăng lên tập Lược sử làng. Ông nói gốc gác họ Nguyễn Ích của mình ở làng Thanh Lương, Hương Xuân. Vì ở xa, ông không thể về Thanh Lương tìm hiểu nên không viết được, mong thông cảm…
***
LƯỢC SỬ PHÁI NGUYỄN XUÂN
Họ chúng tôi nguyên gốc tại làng Vạn Xuân, Kim Long – Huế, về định cư tại làng Liễu Cốc Hạ từ thời ông nội chúng tôi tính đến nay cũng đã được bảy đời con cháu.
Ông nội chúng tôi là con nuôi của ông Trần Kiêm Tự thuộc chi Nhất phái Trần Kiêm, cho nên chúng tôi đã mang danh họ Trần từ thời đó trong các giấy tờ. Nhưng trong gia phả của chúng tôi vẫn ghi là họ Nguyễn Xuân.
Để tưởng nhớ và tri ân công đức tổ tiên, con cháu trong phái chúng tôi đã đồng tâm, hiệp lực xây dựng nhà thờ phái Nguyễn Xuân tại làng Liễu Cốc Hạ. Vậy tôi viết lịch sử này và kèm hình ảnh nhà thờ phái Nguyễn Xuân để xin quý Ban ghi vào lược sử trong Thập nhị tôn phái của làng.
Liễu Cốc Hạ, ngày 20 tháng 11 năm 2022
LƯỢC SỬ PHÁI ĐẶNG VĂN
Vào Thế kỷ 15, ông tổ họ Đặng Văn của chúng tôi từ Thanh Nghệ vào định cư, khai canh lập họ tộc ở thôn Hà Trung, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Trong thời gian đó, chiến tranh liên miên, kinh tế khó khăn nên đến thế kỷ 16 ông Đặng Văn Hiệp di cư đến làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế lập nghiệp. Làm ăn một thời gian sau, ông di cư đến làng Hải Trình, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là xã Phú Thanh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) để làm ăn; ở tại đây ông xây dựng nhà thờ họ Đặng Văn. Kể từ đời ông Đặng Văn Hiệp cho tới nay là 10 đời có gia phả đầy đủ.
Vào năm 1945, đời thứ 6, ông Đặng Văn Cưởng là cha tôi đến làng Liễu Cốc Hạ lấy vợ và sinh sống. Ở đây vợ ông (mẹ tôi) đã sinh hạ được bảy người con, gồm năm gái và hai trai, đều sinh sống tại làng Liễu Cốc Hạ.
Hiện nay tại làng Liễu Cốc Hạ, kể cả con cháu nội ngoại phái Đặng Văn có khoảng 60 người gồm 4 thế hệ. Con cháu đông đúc, nên chúng tôi đã tôn tạo căn nhà ngói ba gian của gia đình tại xóm Côi, làng Liễu Cốc Hạ thành ngôi nhà từ (có cửa tam quan) để thờ phượng tổ tiên. Và trong tương lai gần, chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng một ngôi nhà thờ phái, có tiền đường, hậu tẩm đàng hoàng.
Liễu Cốc Hạ, ngày 25 tháng 10 năm 2022.