1. Tín ngưỡng và nghi thức cúng tế
1.1. Khuôn hội và gia đình Phật tử Liễu Cốc Hạ
Tôn giáo chiếm một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam nói chung và nguời dân làng Liễu Cốc Hạ nói riêng. Sinh hoạt tôn giáo của làng theo truyền thống có ba hình thức: Thờ cúng ông bà, thờ cúng thần linh và Phật giáo.
Hình thức thờ cúng ông bà là một cách thể hiện tinh thần hiếu đạo “uống nước nhớ nguồn”. Đây là một truyền thống cao quý của văn hóa Việt Nam ta. Dù có nhiều người gọi đó là “đạo thờ cúng ông bà” và coi như một tôn giáo; nhưng đấy chỉ là một hình thức suy diễn, không phù hợp với định nghĩa tôn giáo như là một tổ chức có giáo chủ, giáo dân và một hệ thống giáo lý làm căn bản cho đức tin.
Hình thức thờ cúng thần linh như đồng bóng, thờ phụng ông đồng bà cốt, sinh hoạt thoát trần lên tiên hoá thánh. Có người gọi đây là Thiên Tiên Thánh giáo, hay nôm na hơn nữa là “tôn giáo dân gian”. Tuy nhiên, dân làng Liễu Cốc Hạ không có một hình thức tham gia sinh hoạt nào đáng lưu ý về khuynh hướng thần linh này cả.
Hình thức tôn giáo có sự truyền thừa từ bao đời nay, qua nhiều thế hệ, đó là Phật giáo. Biểu tượng muôn đời của đạo Phật là ngôi chùa làng. Trong toàn xã Hương Cần có tám làng chỉ trừ làng Dương Sơn theo đạo Công giáo có nhà thờ làm nơi sinh hoạt tôn giáo; bảy làng khác đều theo đạo Phật có đình, chùa là hai nơi thờ phụng chính. Đình là nơi thờ Thành Hoàng, các ngài Khai canh, Khai khẩn và các hương linh thần thánh đã có công phù hộ, giữ yên cuộc sống tinh thần cũng như thể chất của dân làng. Chùa là nơi thờ Phật với biểu tượng được tôn sùng bậc nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni và chư vị Phật, Bồ tát trong ba đời hiện tại, quá khứ, vị lai như Phật A Di Đà, Phật Đương Lai, Phật Dược Sư; các vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Địa Tạng…
Ngôi chùa làng Liễu Cốc Hạ được xây dựng nguyên vị ở phía Bắc của làng, gần cống Tây Phương, giáp giới làng Cổ Lão. Trong chiến tranh, ngôi chùa làng đã hoàn toàn bị phá hủy. Tuy nhiên, các hình thức sinh hoạt đạo Phật trong làng cũng được đa số dân làng duy trì và chiêm bái. Trong hầu hết các nghi thức tế tự của dân làng liên quan đến việc ma chay, các lễ cầu an cho người sống và cầu siêu cho người chết đều dùng kinh văn và lễ bái của đạo Phật để cầu nguyện, cúng kính và hộ niệm. Hình thức tổ chức Phật giáo lâu đời nhất tại làng là Khuôn hội Phật giáo Liễu Cốc Hạ. Khuôn hội là nơi quy tụ các Phật tử cơ sở và hàng cư sĩ hầu hết lớn tuổi. Khuôn hội trực thuộc theo hàng dọc Tỉnh giáo hội và do một vị cư sĩ có tâm đạo và biết rành nghi thức tụng niệm làm Khuôn trưởng. Tuy ngôi chùa làng Liễu Cốc Hạ đã hoàn toàn bị phá hủy, nhưng sinh hoạt Khuôn hội vẫn được duy trì và sinh hoạt mềm dẽo theo điều kiện vật chất và tinh thần thích hợp. Vị Khuôn trưởng lâu năm nhất của Khuôn hội Phật giáo Liễu Cốc Hạ sau năm 1954 là bác Trần Đăng Vân (Quyền Vân) và những Phật tử kì cựu nhất trong Khuôn hội Liễu Cốc Hạ là quý bác Mơn, Biện Bách, Cửu Bài, Quyền Bích, bác Nuôi…
Năm 1961, ông bà Trần Kiêm Mai – Kỳ Ngọc Nguyên đã phát tâm hiến đất tư tại vườn nhà, xây dựng một ngôi chùa có tên là Túy Liễu Tự. Sau ngày ngôi chùa Túy Liễu được xây dựng, Khuôn hội Phật giáo ở làng có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn nên số hội viên cũng tăng cao. Đồng thời, phong trào xây dựng Gia đình Phật tử khắp các làng xã và quận huyện phát triển mạnh. Bên cạnh Khuôn hội, thường quy tụ những người cao tuổi, có tổ chức Phật học thì nhu cầu tâm linh, tôn giáo tuổi trẻ học Phật cũng được hình thành và phát triển, đó là Gia đình Phật tử.
Sự hình thành và phát triển gia đình Phật tử Liễu Cốc Hạ
Gia đình Phật tử Liễu Cốc Hạ (còn được gọi tắt: “GĐPT Liễu Hạ”) là thành viên của hệ thống gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPTVN) trên toàn quốc, có lịch sử từ nhiều năm trước. Lịch sử 85 năm của GĐPTVN đào tạo thế hệ Phật tử trẻ tuổi có thể tóm lược vắn tắt như sau:
Từ trong Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học ngày 10-8-1938, chư Tôn Đức, cư sĩ và thiện tri thức Phật giáo đã xác định vai trò kế thừa của thế hệ tương lai rằng: “Không có thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, đó là những người tiếp nối sự nghiệp của chúng ta ngày mai…”. Hai năm sau, năm 1940 đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời, đây là tiền thân của hệ thống gia đình Phật tử còn tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Tháng 04-1951, đại hội Gia đình Phật hóa Phổ diễn ra tại chùa Từ Đàm. Kể từ đại hội này, danh xưng gia đình Phật tử Việt Nam được thay thế cho các hội đoàn trước. Năm 1953 tất cả các tỉnh thành khắp toàn quốc đều được thành lập gia đình Phật Tử. Riêng GĐPT Liễu Hạ, dù ra đời muộn sau gần 10 năm, nhưng đã có quá trình tham gia các phong trào bảo vệ đạo pháp vào các thời kỳ 1963, 1966 và những công cuộc xây dựng, phát huy Chánh pháp về sau này.
Các thành viên trong ban Huynh trưởng cũng như đoàn sinh các cấp của Gia đình Phật tử Liễu Hạ đương thời sinh hoạt hay cựu trào đều đã trực tiếp hay gián tiếp, có những cống hiến đối với đạo pháp và dân tộc; góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, nền luân lý đạo đức xã hội.
Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn sau chiến tranh và hoàn cảnh giới hạn bởi vùng nông thôn chuyên sống về nghề nông như làng Liễu Cốc Hạ chúng ta, duy trì được nếp sinh hoạt hàng tuần là cả một sự phấn đấu rất tích cực. Làng sống về nghề nông nên không có cuối tuần hay ngày nghỉ theo giờ giấc nhất định. Sinh hoạt GĐPT thường xuyên mỗi tuần là một dòng sinh hoạt vượt khó với tinh thần yêu đạo, mến đời để phát huy tích cực tinh thần Bi, Trí, Dũng của huynh trưởng và đoàn sinh liên tục suốt 60 năm qua.
Kể từ ngày thành lập năm 1961 cho đến ngày nay, Gia gình Phật tử Liễu Cốc Hạ luôn luôn phấn đấu vượt qua những khó khăn và thử thách của hoàn cảnh để duy trì và phát triển sinh hoạt. Lược sử GĐPT Liễu Hạ có thể tóm tắt qua từng thời kỳ như sau:
– 1961 – 1963: Bước đầu thành lập trong hoàn cảnh khó khăn và mới mẻ, quy tụ được các anh chị như anh Nguyễn Văn Phò, Trần Đăng Mua, Hà Văn Bê, Trần Thị Thuyền; trong đó hai anh Trần Đăng Mua và Hà Văn Bê đang là đoàn sinh sinh hoạt với các GĐPT ở Huế, nên chỉ đóng vai trò giúp đỡ tổ chức và sinh hoạt. Anh Nguyễn Văn Phò là Liên Đoàn trưởng đầu tiên của GĐPT Liễu Hạ.
– 1963 – 1970: Phật Đản năm 1963, phong trào Phật giáo đấu tranh phát động từ thành phố Huế. Đây là thời kỳ sôi động nhất của phong trào Phật giáo tranh đấu với chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, đòi quyền bình đẳng tôn giáo. Tiếp theo những năm sau và cao điểm là năm 1966, phong trào Phật giáo đòi hỏi quyền tự do dân chủ bùng phát. Trong những năm đầy biến động này, Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Liễu Hạ đoàn kết và tham gia cùng với các đơn vị GĐPT trong xã Hương Cần cũng như toàn quốc. Anh Nguyễn Văn Phò phải vào Sài Gòn theo học trường Đại học Kỹ thuật, anh Trần Kiêm Đoàn thay thế chức vụ Liên Đoàn trưởng cùng với anh Trần Văn Thọ, Liên Đoàn phó ngành Nam và chị Hà Thị Tuyết, Liên Đoàn phó ngành nữ phối hợp với Huynh trưởng các cấp như các anh chị Phan Văn Thiện, Hà Văn Lộc, Cao Đức Dạng, Nguyễn Văn Điền, Trần Thị Hòa… đã giúp sinh hoạt GĐPT địa phương với đơn vị làng được Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên Huế ghi nhận và khen thưởng.
– 1970 -1974: Năm 1970, anh Trần Kiêm Đoàn tốt nghiệp Sư Phạm, nhận nhiệm sở ngoại tỉnh nên anh Hà Văn Lộc lên thay thế chức vụ Liên Đoàn trưởng. ban Huynh trưởng có các anh chị Phan Văn Thiện, Trần Kiêm Lai, Cao Văn Trang, Nguyễn Văn Tú…
– 1974 -1979: Anh Hà Văn Lộc lại tốt nghiệp Đại học, theo nhiệm sở ngoại tỉnh nên anh Trần Kiêm Châu (Vấn) thay thế đảm trách chức vụ Liên Đoàn Trưởng. Các thành viên nòng cốt trong ban huynh trưởng có các anh Nguyễn Văn Tú, Hà Văn Ánh, Nguyễn Văn Y…
– 1979 – 2006: Năm 1979, anh Hà Văn Ánh lên làm Liên Đoàn trưởng với sự hợp tác của bác Hà Văn Lân và anh Nguyễn Văn Tú đã tích cực tổ chức, vận động, củng cố lại để đưa GĐPT Liễu Hạ sinh hoạt theo đúng quỹ đạo của GĐPT toàn quốc sau một thời gian bị hoàn cảnh khách quan và chủ quan chi phối khiến nội bộ bị ít nhiều phân hóa, lề lối sinh hoạt thiếu tinh chuyên.
– 2006 cho đến ngày nay (2022): Năm 2006 anh Ánh qua đời, anh Nguyễn Văn Tú đảm trách chức vụ Liên Đoàn trưởng. Toàn ban Huynh trưởng và đoàn sinh, GĐPT Liễu Hạ đã tạo cơ hội cho các đoàn sinh có năng lực và điều kiện dự các khóa như A Dục, Huyền Trang… GĐPT Liễu Hạ đã duy trì được nếp sinh hoạt đều đặn và kết nối với các đơn vị gia đình bạn từ thôn quê đến thành thị theo đúng nội quy của tổ chức gia đình Phật tử địa phương, tỉnh thành cũng như toàn quốc.
Là một đoàn thể thanh thiếu niên Phật giáo vừa là con em của dân làng, vừa là một thành viên được chính quyền cho phép sinh hoạt trong hệ thống tổ chức địa phương và toàn quốc, GĐPT Liễu Cốc Hạ trong quá trình 60 năm qua đã góp phần tô điểm thêm cho nếp sống tinh thần sinh động của làng. Trải qua nhiều thay đổi về nhân sự cũng như số lượng và chất lượng, tuy cũng có vài dao động nhất thời nhưng nếp tín ngưỡng và đời sống tâm linh, tinh thần của người dân làng vẫn không xao lãng, luôn giữ vững niềm tin và hướng tích cực trong mọi thời đại và hoàn cảnh. Trong đó, GĐPT cũng thường xuyên có mặt và góp phần không nhỏ vào đời sống văn hoá, tinh thần của toàn dân.
(Liễu Cốc Hạ tháng 11/2022
Nguyễn Văn Tú).
1.2.Tín ngưỡng
Hầu hết dân làng theo đạo thờ cúng ông bà và theo đạo Phật. Việc thờ phụng hai tín ngưỡng này gần giống nhau, nên nghi thức và việc bài trí bàn thờ trong nhà của dân làng cũng gần như nhau. Bàn thờ luôn được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà (thường là gian giữa). Chiếc tủ thờ được đặt phía trước. Trên tủ, ở giữa là bức tượng Phật hoặc di ảnh, hoặc linh vị của người khuất mặt cao nhất trong nhà; đồ thờ còn lại ngoài bát nhang là bộ tam sự (cặp đèn, lư hương và độc bình, quả bồng…). Phía sau tủ, thấp hơn là bàn thờ dành cho ông bà ; di ảnh và bát nhang được để giật cấp từ cao xuống thấp tuỳ theo của ngôi thứ người quá cố. Bên trong bàn thờ ông bà cũng có cặp đèn, cặp bình hoa, cặp quả bồng; phần trống còn lại của bàn thờ dùng đặt thức ăn, đồ uống dâng ông bà mỗi khi có giỗ chạp
1.3. Nghi thức cúng tế
Hàng năm vào ngày giỗ ông bà, cha mẹ, con cháu đều tụ tập ở nơi thờ phượng để tưởng nhớ người quá cố. Cuối năm, các họ tộc đều tổ chức cho con cháu chạp mả và cúng tổ tiên. Đây là dịp bà con, con cháu nội ngoại trong họ tỏ lòng chăm sóc mồ mả, cúng vái ông bà tổ tiên và gặp gỡ nhau kết nối tình yêu thương gia tộc. Những họ lớn có thể chia nhỏ chạp và cúng theo chi, phái. Tháng chạp là tháng mưa phùn giá rét, nhưng cánh đàn ông từ trung niên trở xuống, ai cũng hăng hái vác cuốc, mang rựa, xắn quần, lội bùn để đi chạp mả. Họ đi theo thứ tự từ xa về gần. Hết cồn Trưa, cồn Nổi, đến cồn Làng, cồn Quán rồi về Mả Vôi là hết. Trưa lại, mọi người lại tập trung ở từ đường họ phái để cúng tổ tiên và cuối cùng là phần liên hoan. Thức ăn có thể chỉ là thịt heo luộc, gà vịt luộc với rượu trắng, nhưng mọi người ai cũng sôi nổi, hào hứng. Việc họ hàng năm chỉ có con cháu nội tham gia, ba năm mới mời con cháu ngoại tham dự một lần. Ngày nay, cũng có một số họ chuyển ngày chạp mả và cúng sang một ngày khác trong năm cho phù hợp với tình hình, điều kiện họ mạc của họ.
Gần đến Tết, tất cả các nhà đều chuẩn bị để đón Xuân sang. Nhà nào cũng dọn dẹp sạch sẽ đường làng, đường xóm, trang trí nhà cửa, đặc biệt là bàn thờ ông bà đầy đủ bông ba, hoa quả. Nhà nhà đều cố gắng có một cành mai hoặc vài loại hoa để chưng trong nhà. Nên ngày Tết, nhà nào cũng rực rỡ sắc hoa.
Với quan niện giàu cũng ba ngày Tết, khó cũng ba ngày Tết – nên nhà nào cũng gát lại công việc, sắm sanh thực phẩm, lễ vật để đón Xuân. Những tập tục truyền thống xưa nay vẫn được bà con gìn giữ thực hiện là cúng rước ông bà chiều 30 Tết, chuẩn bị cỗ đón giao thừa. Sáng mồng Một đi chùa lễ Phật, ra đình vái tổ tiên rồi đi chúc Tết, mừng tuổi ông bà. Người lớn thì khăn đóng áo dài đen, thanh niên thì âu phục đàng hoàng. Trẻ con thì xúng xính trong bộ áo mới, háo hức chờ người lớn lì xì mừng tuổi…
Tháng Giêng làng, xóm thường có tổ chức cúng tế xuân. Đầu tiên là làng cúng kỳ yên, chủ yếu là hương hoa bông chuối. Sau là cúng xóm. Mỗi xóm thường cúng ở ngã ba đầu xóm. Lễ vật chủ yếu là thịt cá và sau lễ là phần liên hoan dành cho cánh đàn ông.
Ngoài việc cúng tế, cũng có những cuộc vui chơi ba ngày Tết như chơi bài ghế ở ngã ba làng, bài tới, xì lác, cạc tê trong mỗi nhà… Ngày trước Khuôn hội Phật giáo và Gia đình Phật tử của làng thường tổ chức cắm trại và văn nghệ vào dịp lễ Phật Đản (rằm tháng tư) hoặc lễ Vu Lan (rằm tháng bảy). Hồi đó chưa có các phương tiện truyền thông hiện đại như bây giờ, nên những lễ hội đó là những niềm vui cho tất cả mọi người trong làng.
Việc quan, hôn, tang, tế
Tôi xin mượn 4 từ cổ trên để nói đến cuộc sống tinh thần của dân làng tôi.
Quan là Việc quan
Là công việc của người dân đối với cộng đồng (Nhà nước, làng xóm) trong mối quan hệ hành chính và pháp luật vừa có tính chất bắt buộc mà cũng vừa có tính chất tự nguyện. Ví dụ 100% dân làng đều làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước như đóng thuế, đi nghĩa vụ quân sự v.v… ; nhưng cũng vì lợi ích chung của cả làng mà tự nguyện đóng góp sức người và của để xây dựng đường sá, trường học, đình chùa miếu vũ, làm vệ sinh làng xóm…. Làng không có Hương ước thành văn, nhưng tất cả mọi người đều nhớ và thực hiện nghĩa vụ công dân và bổn phận của mình với tộc họ.
Hôn là việc cưới hỏi
Việc dựng vợ gả chồng khi con cái lớn lên là tập tục từ ngàn xưa đến nay của người Việt mình. Theo phong tục ngày trước, việc cưới hỏi phải trải qua năm lễ : Dạm ngõ – vấn danh – nạp tài – rước dâu – nhập trạch – lại mặt. Ngày nay, các gia đình tổ chức gọn thành hai lễ hỏi và cưới. Cả hai lễ đều được thực hiện bài bản, nghiêm túc. Ngày trước lễ cưới được tổ chức tại nhà, tiệc tùng kéo dài vài ngày tự nấu nướng rất mệt. Ngày nay thời buổi kinh tế thị trường, các vấn đề làm rạp, trang trí, bàn ghế, ăn uống, ban nhạc, xe cộ… đều có dịch vụ bao sân, nên vừa gọn vừa vui. Tiệc cưới có khi được tổ chức hai xuất trưa và tối làm cả làng cùng rộn tiếng đàn, tiếng hát của bà con. Nếu cả nhà trai và nhà gái đều là người làng, thì trong hai ngày liên tục đều rộn ràng và người làng có khi phải tham dự đám cưới cả hai.
Tang là đám ma
Đám ma là việc không ai muốn nhưng vẫn diễn ra. Với tinh thần nghĩa tử là nghĩa tận, xưa nay, ở làng, khi có người nằm xuống là cả làng, cả họ xúm vào để lo dựng rạp, mua quan tài, khâm liệm và đưa đám. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế từng nhà mà việc tang tổ chức lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên phần nghi thức vẫn đầy đủ và trang trọng như nhau. Trước 1975, đám tang phải 16 đòn khiêng và 32 người khiêng, dù vậy đường đi, lội hói, băng đồng vượt qua các mồ mả rất vất vả. Có giai đoạn thiếu người khiêng, làng phải nhờ đến các anh nghĩa quân của xã, hoặc lực lượng xây dựng nông thôn đóng ở làng khiêng giùm. Chôn cất xong, gia chủ mời những người khiêng, đưa đám về nhà chiêu đãi cơm nước và nói lời tri ân.
Ngày nay, các dịch vụ đã cung cấp đầy đủ các yêu cầu của đám tang. Khi đưa đám, cũng đã có xe tang cải tiến, nhưng vẫn còn những đoạn cuối phải băng đồng (Mả Vôi, cồn Quán) hoặc lội hói (cồn Trưa, cồn Gie .v.v.), nên vẫn phải còn khiêng như trước. (xin xem bài ‘Tang tế’ ở phần phụ lục).
Tế lễ, hội hè
Làng không có những lễ hội truyền thống đặc biệt như một số làng xã trong khu vực như Hội vật làng Sình – Hội cầu ngư ở các làng biển… Nhưng làng cũng có những tín ngưỡng, sinh hoạt truyền thống đậm nét một làng quê miền Trung như :
– Lễ tế Kì yên.
– Lễ tế kị Tứ vị Khai canh tại đình làng.
– Lễ tế Xuân Thu nhị kì (xem bài “Làng Tế” ở mục Tái hiện quê hương).
(Viết tại làng Liễu Cốc Hạ – Hà Văn Lân)
2. Việc học hành và truyền thống hiếu học của dân làng Liễu Cốc Hạ
2.1. Tình hình học hành trong nước
Theo bước chân Nam tiến của chúa Nguyễn, làng Liễu Cốc Hạ đã được thành lập và phát triển theo từng bước tiến chung của một cộng đồng di dân từ Bắc vào Nam. Sử liệu cũng như phong tục tập quán và tương truyền đã ghi dấu hình ảnh lớp người tiền phong có nhiều đức tính quý báu; trong đó, đức tính cần cù nhẫn nại làm ăn, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và tôn trọng sự học được xem là nổi bật nhất: “Chẳng ham ruộng cả ao liền; tham vì cái bút cái nghiên anh đồ…” vẫn là hình ảnh đẹp nhất nói lên phẩm chất văn hiến truyền đời của dân ta.
Liễu Ngạn Sử Thi của bác sĩ Hồ Đắc Di có viết về tinh thần hiếu học của những người dân Thừa Thiên Huế miền “cận Bồ Giang – Hương Trà bên bờ sông liễu xanh” rằng:
“Huế Thừa Thiên Bắc Nam tứ xứ,
Miền Bồ Giang đua chữ tranh tài.
Hương Trà, Phú Ốc ra oai,
Hôm nay Nho sĩ ngày mai quan Nghè…”
Ông Nghè là người đỗ Tiến sĩ thời xưa. Những sĩ tử từ Bắc vào Nam dự thi hầu hết là những sĩ phu Bắc Hà và những khóa sinh tiếng đồn học giỏi ở miền Thanh, xứ Nghệ… Vùng đất mới định cư như làng ta, người dân vẫn ước mơ thế hệ con em mình sẽ có ngày đỗ đạt, vinh quy bái tổ, xênh xang áo gấm về làng. Cho nên song song với đời sống nông nghiệp vất vả một nắng hai sương thì khắp các làng xã, nơi nào cũng có trích ra một số ruộng đất để thu lợi hỗ trợ cho việc học gọi là “Học điền”. Làng Liễu Cốc Hạ cũng có10 mẫu học điền chọn từ nhất đẳng điền của làng để khuyến khích việc học có tên là ruộng Học Trò.
Theo trình tự thời gian, kể từ khi khai khẩn lập làng thời chúa Nguyễn vào Nam đến hiện tại, những thời kỳ học hành và thành đạt của dân làng có thể chia ra thành những thời kỳ sau:
Thời nhà Nguyễn đến năm 1954
– Thời nhà Nguyễn, Huế là nơi quy tụ học vấn xã hội và nhân văn của cả nước. Triều đình (trong 7 đời vua) đã mở 39 khoa thi Tiến sĩ để chọn nhân tài ra giúp nước và có 558 người đỗ. Nghệ An là tỉnh có người đỗ đại khoa cao nhất (91người). Thứ hai là Thừa Thiên (60 người).
Hình thức khoa cử Nho học kéo dài cho đến khoa thi Mậu Ngọ (1918) là khoa cuối cùng trước khi bị phế bỏ hoàn toàn vì sự lấn át của Tây học. Người làng Liễu Cốc Hạ không nhắc đến những người đỗ đạt trong các khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình. Tuy nhiên, riêng trong kí ức của con cháu người họ Trần (năm phái), đặc biệt là phái Trần Kiêm luôn tự hào có nhiều người đỗ đạt làm quan trong thời các vua triều Nguyễn (từ Tự Đức đến Đồng Khánh, Duy Tân…).
Sau thời kỳ học chữ Nho, thời kỳ tân học chữ Tây và chữ Quốc ngữ (sau năm 1918), những thế hệ dân làng Liễu Cốc Hạ đã không ngừng tiếp nối vươn lên cho đến ngày nay. Số học sinh, sinh viên có điều kiện thuộc những gia đình tương đối khá giả trong làng cũng như ngoài làng đã lên Huế hay ra Hà Nội học. Những người làng Liễu Cốc Hạ tiền phong trong thời kỳ tân học đã có thành tích học tập vẻ vang, mang lại vinh dự cho làng nước là các ông Trần Kiêm Phổ (đỗ Diplôme, làm nhà giáo), Trần Kiêm Phán (đỗ bác sĩ, làm Giám đốc bệnh viện), Trần Kiêm Hải (đỗ Diplôme, làm Phó tỉnh trưởng), Trần Kiêm Mai (đỗ Diplôme làm Chánh lục sự toà án), Trần Kiêm Lý (đỗ Tú tài, làm Dân biểu Quốc Hội VNDCCH), Trần Kiêm Trình (có sở học cao, làm Nghị viên)…
Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ chống Pháp (1945-1954), chiến tranh đã làm cho trường học bị hư hại, đội ngũ thầy cô giáo di tản ra khỏi làng, xã khiến việc học của thế hệ trẻ sống trong làng bị gián đoạn, tình trạng thất học kéo dài.
Thời năm 1954 đến năm 1961
– Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc Pháp rút quân, chấm dứt sự xâm lăng đô hộ Việt Nam cả trăm năm. Năm 1954, đất nước Việt Nam tạm chia làm hai miền. Làng Liễu Cốc Hạ thuộc miền Nam Vỹ tuyến 17 và sự học bắt đầu hồi sinh. Nhiều trường Tiểu học được dựng lên trong địa bàn làng xã, số học sinh Tiểu học tăng nhưng số học sinh Trung học thì vẫn giới hạn với số đếm trên đầu ngón tay vì con em đang sinh sống ở làng muốn học bậc Trung học thì phải thi đậu kỳ thi tuyển “càng cua” (concour) vào các trường Trung học ở thành phố Huế như Đồng Khánh, Quốc Học, Hàm Nghi, Nguyễn Tri Phương. Đó là chưa nói đến sự khó khăn là sau khi đậu rồi thì gia đình phải đài thọ chi phí ăn ở cho việc đi học trên thành phố. Bởi vậy, con em ở làng đa số bị “thất học” sau trình độ tiểu học vì sự giới hạn của kinh tế gia đình. Trong thời kỳ này, số học trò sinh ở trong làng chỉ có khoảng 50% thuộc các gia đình khá giả, được cha mẹ cho đến trường học chữ mà hầu hết là con trai. Nhưng giới hạn ở bậc tiểu học; lên đến bậc trung học là phải qua Huế học. Có hai điều kiện khắc nghiệt nhất là (1) phải đỗ kỳ thi tuyển vào trường Trung học, thường gọi là “thi càng cua” (concour); (2) gia đình phải tương đối khá giả mới đủ sức cho con em ăn, ở tại thành phố để đi học vì các trường Trung học chỉ có ở thành phố. Do đó, số học sinh ở làng được qua Huế học chỉ đếm được bằng đầu ngón tay. Số học sinh gốc ở làng tốt nghiệp Trung học qua hai kỳ thi Tú tài 1 (còn gọi là Tú tài bán phần) và Tú tài 2 (còn gọi là Tú tài toàn phần) được tiếp tục lên học bậc Đại học lại càng hiếm hoi hơn.
Số các gia đình gốc làng Liễu Cốc Hạ sinh sống ngoài làng có điều kiện cho con em ăn học có tỷ số rất cao. Theo ước tính, 95% con em sống ngoài làng được đi học và học xong bậc trung học trở lên.
Năm 1961 đến năm 1975
– Sự thành lập trường Trung học Hương Trà năm 1961 là sự khai thông rất đáng kể cho sự học của con em làng Liễu Cốc Hạ. Với vị trí một ngôi trường Trung học mới được xây dựng trong tầm đi bộ từ làng đến trường, nhiều học sinh ở làng đã học xong bậc Tiểu học, dù nhà nghèo vẫn có điều kiện lên Trung học nhiều gấp ba, bốn lần ngày trước. Sau thời điểm này số con em học Trung học và Đại học đã tăng lên.
Năm 1975 cho đến ngày nay (2022)
– Sau ngày đất nước thống nhất, hòa bình trở lại năm 1975 (trường Trung học Hương Trà đổi tên một danh nhân Nho học địa phương là Đặng Huy Trứ), số con em ở trong làng có cơ hội đi học và đạt trình độ hoàn thành chương trình Tiểu học, tốt nghiệp phổ thông Trung học và đi vào Cao đẳng – Đại học đã gia tăng đáng kể. Trong đợt cấp học bổng Khuyến học do ông Trần Kiêm Hàm tổ chức vào những năm 1992 – 1996, số sinh viên Cao đẳng và Đại học đang sống trong làng lên tới hàng chục, và đáng mừng là sau bốn năm (2000) con số này đã tăng gấp đôi.
Những năm tiếp theo, số gia đình có con cháu đạt trình độ học vấn Trung học phổ thông đã lên tới con số hàng trăm; số sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng và Cử nhân… cũng lên tới con số hàng chục. Đó là những dấu chỉ về tinh thần hiếu học của nhiều thế hệ. Đi cùng với vai trò hy sinh cho con em được học hành đến nơi đến chốn của những bậc cha mẹ là các chương trình cải cách giáo dục nâng cấp trình độ học vấn học sinh của chính quyền.
Đối với người Liễu Cốc Hạ sống ngoài làng ở trong nước, sự thành đạt học vấn rất đáng tự hào với con số hàng trăm tốt nghiệp Cao đẳng, Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Họ không những được trọng dụng trong nước mà là chuyên gia nhiều lĩnh vực được nhiều nước phát triển trên thế trọng dụng…
2.2. Tình hình học hành ở nước ngoài
Sau 1975 và khoảng ba bốn mươi năm tiếp theo, người làng Liễu Cốc Hạ (sinh quán và nguyên quán) di cư thành nhiều đợt và nhiều trường hợp với hoàn cảnh khác nhau đến sinh sống tại các nước như Mỹ, Canada, Pháp, Úc, Đức, nhưng đông nhất là ở Mỹ. Theo thời gian, nhiều gia đình có con em phải di chuyển ra nhiều nước khác theo yêu cầu nghề nghiệp và tình trạng hôn nhân với người nước ngoài; do vậy, trên thực tế chưa được kiểm chứng cụ thể thì số người sống ở nước ngoài gốc làng Liễu Cốc Hạ đã lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới.
Theo sự tìm hiểu sơ bộ vào tháng 10 năm 2022 thì ước tính có khoảng 120 gia đình người Việt nguyên quán Liễu Cốc Hạ sống tại Mỹ và khoảng 150 gia đình sống rải rác tại các nước khác.
Tại Hải ngoại, thế hệ trẻ người Việt gốc làng Liễu Cốc Hạ được ghi nhận là rất thành công về mặt học vấn và nghiệp vụ chuyên môn. Ước tính trong độ tuổi từ 25 đến 50 có khoảng 180 Bác sĩ, Nha sĩ, Dược sĩ, Tiến sĩ, Thạc sĩ và khoảng 500 Kỹ sư, Cử nhân và Cao đẳng đủ các chuyên ngành và lĩnh vực. Riêng với thế hệ cao tuổi thuộc hàng cha ông thì đa số khi đến định cư ở xứ người đều vừa đi làm, vừa đi học. Với độ tuổi từ 60 đến 80 tính trong thời điểm hiện tại thì người Việt Hải ngoại gốc làng Liễu Cốc Hạ hơn 90% ghi danh đi học lại để trau dồi thêm ngôn ngữ bản xứ; trong số đó, có khoảng 50% là đạt trình độ Cao đẳng (trung bình 1 hay 2 năm) và Đại học (trung bình 4 đến 8 năm).
Để có những số liệu cập nhật trên đây, Ban biên soạn chúng tôi đã phối hợp các nguồn tài liệu và thông tin cá nhân, gia đình cũng như nhóm phái và các trang mạng xã hội, đặc san, báo chí để giảm thiểu những số liệu phỏng chừng hay ước độ thường nặng tính ý kiến, suy diễn chủ quan. Chúng tôi đã cố gắng theo những phương pháp như gọi điện thoại, gởi thư, thăm dò ý kiến để gia tăng tính dữ kiện. Tuy nhiên, dân làng Liễu Cốc Hạ sống rải rác tại nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi chỉ đủ khả năng tìm hiểu qua phương tiện điện thư, điện thoại và các trang mạng xã hội nên kết quả số liệu giới hạn và tương đối.
3. Sinh hoạt Văn học – Nghệ thuật
Làng Liễu Cốc Hạ từ xưa đã nổi tiếng yêu văn học nghệ thuật qua sinh hoạt văn nghệ bình dân đại chúng như: hò vè, ca dao, hò giã gạo, vay trả, hò nện, hò khoan… Thời chưa có máy xay xát gạo, vào những đêm trăng thanh, các nhà trung nông có sân rộng, thường tổ chức hò giã gạo. Đây là hình thức hoạt động giải trí, nhưng lại giải quyết được nhiều vấn đề. Vừa giúp bà con trong thôn xóm giã được gạo ăn, vừa tạo sân chơi cho giới thanh niên nam nữ có điều kiện giao lưu và qua đó có rất nhiều cặp đã nên vợ chồng từ hoạt động đậm nét văn nghệ dân gian này.
Sóng đôi với việc hò giã gạo là điệu hò ơ trên đồng ruộng. Cứ chiều chiều, vào lúc cấy hoặc nhổ cỏ lúa là tiếng hò của bà con đối đáp nhau cho vơi mệt nhọc vang xa tận cuối cánh đồng làng…
Đi xa và rộng hơn với thế giới bên ngoài, thời cận đại, làng có nhiều văn nghệ sĩ được nhiều người trong và ngoài nước biết đến và ái mộ như văn sĩ Kiêm Minh, ca sĩ Hà Thanh, thi sĩ Kiêm Thêm, nhà văn Hà văn Lộc, nhà văn Kiêm Đạt, nhà văn Trần Kiêm Đoàn, nhà văn Trần Kiêm Hạ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Kiêm Hoàng…
4. Giải trí, vui chơi
Ngày xưa các cụ thường nói “Vui theo thời, chơi theo thuở…”. Với câu thành ngữ này, trong hoàn cảnh sống thuần nông như làng ta thì thời đây là thời vụ, thuở ở đây là từng thời kì, tuỳ giai đoạn. Và nó cùng nghĩa với câu ca dao sau:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà…
Cách đây không lâu, cứ sau ngày đưa ông Táo lên trời là bà con trong làng tranh thủ thu vén công việc đồng áng để chuẩn bị đón Tết với tinh thần “giàu hay nghèo cũng ba ngày tết”. Công việc của đàn ông lúc này là dọn dẹp, chỉnh trang nhà ở và nơi tôn nghiêm thờ phượng, chuẩn bị hoa cảnh cúng bái, nghinh Xuân. Phần việc của phụ nữ là nhà cửa gọn gàng, chuẩn bị dụng cụ bếp núc nấu nướng thức ăn cho ba ngày Tết.
từ 27 – 28 tháng Chạp, không khí đón tết trong làng bắt đầu rộn ràng. Tiếng pháo lác đác ngoài xóm Phố, tiếng heo bị giết thịt kêu eng éc trong các xóm; trên các bến sông, bến hói tiếng trò chuyện râm ran của các chị, các o đãi đậu, vút nếp nấu bánh lan khắp mặt sông.
Thời tiết miền Trung cuối Đông thường rét mướt. Người đi xa về, hoặc sau một năm làm lụng vất vả giờ được ngồi quây quần bên nhau gói bánh; trông nồi bánh tét; nhấp chén rượu nồng với người thân bên mâm cỗ đón giao thừa thì chẳng có gì hạnh phúc bằng.
Trước năm 1975, việc cờ bạc, rượu chè sa đà bị cấm. Tuy nhiên đến ngày Tết thì việc cấm đoán này được nới lỏng ra với tinh thần vui chơi giải trí. Ba ngày Tết, ở hai đầu cầu Banh Dưới, trước bến nước mụ Ngắn, ở đầu các xóm các bàn bầu cua, tài xỉu không khi nào vắng người. Người chơi phần đông là trẻ con có chút tiền mừng tuổi, người lớn trên đường chúc Xuân ghé vào thử vận may. Ở khu đất họ Trần hoặc cạnh đường phía sau đình, Ban hương thôn tổ chức bài chòi, bài ghế cho các cụ ông, cụ bà vui xuân. Giá vé mua tượng trưng. Phần thưởng chỉ vài cái chén, vài cái li, ấm nước, cái thau… nhưng cũng đủ sức làm những khuôn mặt già nua rạng rỡ nụ cười.
Ngày Xuân không khí lành lạnh, được rảnh rang vài ngày bà con chẳng có phương tiện giải trí gì ngoài trò chơi bài. Các cụ đến nhà chúc Xuân nhau, ăn mứt, uống trà xong là gầy sòng bài cho ấm. Quý cụ ông thì bài tứ sắc, bài kiệu, cờ oi… quý cụ bà thì bài tới, trẻ hơn thì xì lác, các-tê… Bởi vậy khi gặp nhau ngoài đường, chúc Xuân xong, bà con thường kèm theo câu hỏi: “Răng, đầu năm đã phát tài chưa?!”.
Các cuộc vui chơi giải trí trong những lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên Tiêu được bà con ưa chuộng trước đây, nay chỉ còn trong kí ức của người lớn tuổi.
Ngày nay hình thức vui chơi thông dụng nhất đối với trẻ con là trò chơi điện tử (games); hát karaoke của giới thanh niên, trung niên; uống cà phê tâm sự, ngẫm chuyện đời cũng là thú vui chung của mọi người.
Riêng những dịp tế lễ có tính chất biết ơn và tưởng nhớ tiền nhân như tế Xuân – Thu; Giỗ tứ vị Khai canh, cúng âm hồn… luôn được duy trì nghiêm cẩn theo nghi thức người xưa để lại.
***