Phần giới thiệu:
Nhân dịp mùa An Cư Kiết Hạ 2561 (2017) sắp hoàn mãn vào dịp Vu Lan rằm tháng Bảy, nhóm Văn Nghệ Phật Giáo Hải Ngoại (VNHN) tiếp tục thực hiện những cuộc phỏng vấn thường xuyên. Trọng tâm là các đối tượng có quan tâm đến sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước; đặc biệt là những nhân vật không chịu ảnh hưởng hay áp lực từ phía nầy hay phía nọ. Để phản ánh khách quan một phần những quan điểm đại chúng khác nhau, nhóm VNPGHN chúng tôi – vẫn đứng ở vị thế độc lập truyền thông đại chúng độc lập như từ trước tới nay – phỏng vấn các nhân vật có tầm nhìn thoáng rộng về những vấn đề liên quan đến dân tộc và đạo pháp. Đây là lần thứ ba chúng tôi tìm đến với Ts. Trần Kiêm Đoàn (TKĐ). Lần thứ nhất, chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn với ông vào năm 2007 qua đề tài:
“Phật giáo Việt Nam đang ở trước khúc quanh hay ngã rẽ?”
(http://www.gdpt.net/tailieu/giaochiso9/20071025phongvanTranKiemDoan.doc) .
Lần thứ hai, năm 2014 với đề tài:
“Phật giáo Việt Nam trước nhu cầu chấn hưng và hiện đại hóa”
Lần nầy cũng như hai lần trước, chúng tôi mời ông TKĐ vào cuộc phỏng vấn nầy vì ông đã có một quá trình sinh hoạt với Phật giáo và Gia đình Phật tử Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng là một nhà giáo, một người viết văn, làm thơ, biên khảo tuy thuộc dạng không chuyên nghiệp, nhưng đã được nhiều độc giả quan tâm, mến mộ qua nhiều thập niên.
Các phóng viên đại diện cho liên hội truyền thông VNPGHN, gồm các đơn vị Hoa Kỳ, Canada, Pháp và Úc gồm cư sĩ Minh Khiết (MK), chị Tâm Phùng (TP), anh Tâm Hải Đỗ Kiến Phúc (TH). Nội dung xin ghi lại những nét chính như sau:
*****
Phần I
Khuynh hướng và thái độ chính trị
VNHN: Thưa anh Trần Kiêm Đoàn, một lần nữa, xin anh vui lòng cho biết thêm vài nét sơ lược về anh sau 3 năm mới tái ngộ.
TKĐ: Thưa anh Tâm Hải, so với 3,4 năm về trước, khi lần sau cùng gặp anh cũng trên diễn đàn nầy, thì tôi cũng già thêm chừng đó tuổi! Biết “già” để xét lại những gì mình đã trải nghiệm và đồng thời cũng thấy được những giới hạn không tránh khỏi của bản thân; đối với tôi đó là điều tâm niệm đầu tiên. Hơn ba mươi lăm năm ở Mỹ tôi vẫn là một Phật tử bình thường theo đạo Phật: Đi chùa, lễ Phật, tham gia ý kiến về một số vấn đề liên quan đến đạo Phật, cúng dường chư Tăng, Ni và góp phần làm việc từ thiện, xã hội chứ không thuộc về đơn vị, hệ phái, tông môn nào. Rất có thể vì vậy mà hy vọng trong cách nhìn và cách suy nghĩ của tôi sẽ không bị dính mắc vào định kiến hay bị chi phối về một khuynh hướng nào. Trước khi vào đề, xin quý anh chị cứ mặc nhiên xem đây chỉ là một dịp chuyện trò thân hữu; đừng xem đó là một đợt phỏng vấn hay tham luận mang tính hình thức vấn đáp một chiều. Với tâm lý thường tình thì tuổi càng cao, mặc cảm (tự tôn lẫn tự ty) càng nặng và định kiến càng nhiều. Tôi theo đạo Phật, không phải để cầu nguyện điều gì to tát hơn là chỉ mong hàng ngày, được nương tựa vào tín lý nhà Phật, gột rửa những lớp mặc cảm và định kiến cho thân tâm an lạc. Trước sau, tôi cũng chỉ là một người cầu học và hành. Bởi vậy, tôi có nhu cầu trao đổi và học hỏi nhiều hơn là thuyết trình, lý luận. Ở đây, tôi chỉ mong được trao đổi với các anh chị và quý độc giả, thính giả của VNPGHN những điều suy nghĩ nhỏ trong khả năng hiểu biết giới hạn và suy nghĩ riêng của mình.
VNHN: Theo dõi các tác phẩm và ký sự về sinh hoạt của anh, tôi biết anh thường muốn né tránh chuyện chính trị hay sự dính mắc vào nhóm phái. Tuy nhiên, để xác định một thái độ trước các vấn đề Phật giáo mà chúng ta sắp nói ra, anh có thể cho biết quan điểm riêng của anh về chính trị và tôn giáo. Lý do nào làm anh né tránh chính trị trong khi tôn giáo và chính trị là một hiện trạng song hành?
TKĐ: Là người Phật tử, tôi có đời sống tâm linh và có những nhu cầu xã hội để học hỏi, thực hành và chia sẻ. Tôn giáo và chính trị là hai thế lực thường ít khi đi song hành và hợp tác trọn vẹn với nhau trong lịch sử của xã hội loài người xưa nay. Thậm chí, có những hoàn cảnh cực đoan mà con người phải lựa chọn được bên nầy thì phải mất bên kia và ngược lại. Hơn nữa, chính trị tự bản chất là một phương tiện đầy mưu lược nhất thời; trong khi tôn giáo là chỗ dựa nhân bản của tâm hồn suốt chiều dài cuộc sống. Cái hệ lụy nhập nhằng muôn thuở giữa chính trị và tôn giáo là mục đích khác nhau nhưng lại có chung phương tiện giống nhau: Cả hai đều cần có đối tượng địa lý như làng, xã, tỉnh, thành… để hoạt động; song song với một tập thể quần chúng để lãnh đạo hay hành đạo nên rất dễ có sự chồng chéo, va chạm và xung khắc giữa hai hệ thống thế quyền và giáo quyền. Thực trạng đó là nguyên nhân khiến tôi tránh những chuyện chính trị như anh vừa nhắc đến.
VNHN: Như thế thì chính trị và tôn giáo không thể có một mảnh đất chung hay sao, thưa anh?
TKĐ: Có chứ! Và nhiều khi hơn thế nữa. Đó là khi chính trị gắn liền hay hỗ trợ trực tiếp với tôn giáo trên cùng một mảnh đất. Tôi chỉ xin đưa ra 3 hình ảnh điển hình làm ví dụ mà xin phép không phê phán hay bàn luận gì thêm vì mức độ “nhạy cảm” của vấn đề: Hồi giáo ở trung Đông, Phật giáo Tây Tạng hiện nay và Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần… là mô thức tiêu biểu sự tương quan và tương tác giữa tôn giáo và chính trị. Ngược lại, cũng có những hoàn cảnh mà tôn giáo và chính trị là hai thế lực nghịch chiều.
VNHN: Thưa anh, gần đây đang có một chiến dịch tung thư lên mạng internet để chụp mũ anh có liên hệ với CS, tôi đã theo dõi và ngạc nhiên vì tất cả những tài liệu, bài viết này đều lấy lại các bài đã đăng cách đây gần 10 năm trong thời kỳ anh tranh luận với ông Liên Thành về tài liệu Biến Động Miền Trung. Anh có quan tâm đến vấn đề này không và đâu là nguyên nhân và động cơ của hiện tượng này?
TKĐ: Nếu theo dõi sự kiện thì anh sẽ thấy mọi việc xuất hiện theo một trình tự rất rõ ràng là từ đầu năm 2016, có một chiến dịch vận động phục hồi danh vị cho cựu tổng thống Ngô Đình Diệm và gia đình. Đồng thời kết án Phật giáo là Cộng sản đã sát hại gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963.
Mở đầu là cuộc “mạng chiến” đánh phủ đầu cuộc Tranh Đấu Đòi Quyền Bình Đẳng Tôn Giáo của Phật giáo vào năm 1963 là do Cộng sản tổ chức và điều khiển. Tiếp theo là đợt tấn công các Thầy tham gia và lãnh đạo cuộc tranh đấu Phật giáo 1963 từ thầy Thích Trí Quang, Huyền Quang, Thiện Minh, Hộ Giác, Trí Thủ, Nhất Hạnh, Thanh Từ… đều là cán bộ cộng sản “nằm vùng”. Rồi đến một đợt “cận chiến” cho rằng Hoà thượng Thích Quảng Đức là “bị thiêu” do Cộng sản dàn dựng chứ không phải tự thiêu. Tiếp theo là đợt tấn công các Phật tử, cư sĩ, GĐPT, nhất là các người có viết lách liên quan đến phong trào Phật giáo như Võ Đình Cường, Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Trần Quang Thuận, Trần Kiêm Đoàn, Hoàng Văn Giàu, Hồng Quang, Ngô Văn Bằng… đều được tận tình chiếu cố.
VNHN: Nhưng riêng về trường hợp của anh thì thế nào? Nghĩa là những điều người ta nói về anh có đúng hay không?
TKĐ: Dĩ nhiên là sai. Đã nói là “chụp mũ bôi danh” rồi thì làm sao mà đúng cho được thưa anh!
VNHN: Thế thì tại sao anh không lên tiếng để làm sáng tỏ vấn đề cho chính mình.
TKĐ: Có chứ. Tôi lên tiếng bằng bài viết với các chi tiết chứng minh rõ ràng ngay sau khi mỗi pha chụp mũ mới đưa ra nhưng người ta lại có cái tâm lý “ham vui” là thích xem đốt nhà hay nhà cháy có vẻ hấp dẫn hơn là theo dõi chữa cháy.
VNHN: Nói vậy thì mơ hồ và tổng quát quá. Anh có thể nói cụ thể đi vào trọng tâm của vấn đề hơn không?
TKĐ: Cụ thể là ngay sau khi tôi viết bài phản bác cuốn Biến Động Miền Trung của anh Liên Thành – xin mời bấm địa chỉ để xem qua:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/doidieuvoilienthanh.html
– thì có ngay một đợt tấn công ồ ạt chụp mũ Cộng Sản lên tôi. Trong đó, có những cái thư ngụy tạo “nói láo y như thật” của một nhân vật ma mượn tên thật Nguyễn Phi. Tôi đã truy tìm tận gốc và viết bài “ĐÔI ĐIỀU VỚI MA GIỮA BAN NGÀY” phản bác ngay sau đó. Bài viết đó của tôi cách đây 9 năm và hiện vẫn còn luân lưu trên mạng lưới internet. Vì bài hơi dài với nhiều chi tiết chứng minh cụ thể nên xin mời anh và quý độc giả bấm vào địa chỉ sau đây để theo dõi:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/doidieuvoimagiuabanngay.html
VNHN: Là những người hoạt động trong lãnh vực tôn giáo, đặc biệt là Phât giáo, chúng tôi có đọc tác phẩm truyện dài Tu Bụi (600 trang) và nhiều bài viết sáng tác, biên khảo, tham luận của anh về Phât giáo. Thường khi sinh hoạt trong thế giới tinh thần nầy người ta có một nếp sinh hoạt tĩnh lặng thì vì cớ gì riêng anh lại gặp nhiều chuyện thị phi, phiền não như vậy?
TKĐ: Vâng, anh nói đúng. Nhưng riêng tôi, ngoài tư cách của một người Phật tử thuần túy, đôi khi tôi còn đóng vai bảo vệ Đạo Pháp (mà có nhiều người nói đùa là “hộ pháp”) nên gặp nhiều phản ứng tâm lý không ưa và chống báng của những người thiếu thiện cảm với Phật giáo.
VNHN: Anh có thể cho vài ví dụ chứng minh tính “hộ pháp” như điều anh nói được không?
TKĐ: Dạ được. Thí dụ như cách đây 17 năm, năm 2000, khi gặp trường hợp Mục sư Nguyễn Huệ Nhật cải đạo từ một tu sĩ Phật giáo sang Tin Lành, anh đã có nhiều phát biểu không đẹp và thiếu nghiêm túc về đạo cũ Phật giáo của anh. Nhưng đến khi anh cho in cuốn sách Từ Áo Cà Sa Đến Thập Tự Giá thì quả là anh đã nói nhiều điều quá bôi bác về đạo Phật. Do đó, tôi đã lên tiếng phản bác qua bài viết – xin mời bấm địa chỉ theo dõi:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/tucasadenthapgia.html
Hậu quả không tránh khỏi là những người theo Mục sư Huệ Nhật đã lên tiếng chống lại bài viết bằng cách chụp mũ tôi là Cộng sản!
VNHN: Có trường hợp nào vì bảo vệ các nhân vật Phật giáo mà anh bị chụp mũ Cộng sản nữa không?
TKĐ: Ôi! Nhiều không đếm xuể anh ạ. Xót xa nhất là nhiều lúc bạn thân cũng xa mình vì mình không đồng ý với họ. Thí dụ như trường hợp khi thầy Thích Nhất Hạnh dẫn phái đoàn Làng Mai về thăm Việt Nam. Các bằng hữu trong Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Sacramento ra một đặc san có ghi hình bìa và bài viết thầy Nhất Hạnh và sư cô Chân Không là “Ngựa Anh Đi Trước Võng Nàng Theo Sau” nên tôi đã lên tiếng qua bài viết. Mời bấm địa chỉ theo dõi:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/doiloivoichienhuu.html
Và khi Thầy Nhất Hạnh bị chụp mũ Cộng sản quá cực đoan, tôi đã viết một bài về Thầy. Mời theo dõi:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/tongiao-phatgiao/thiensuthichnhathanh.html
Và dĩ nhiên là sau hai bài nầy, mũ Việt cộng bay lên đầu tôi phơi phới!
VNHN: Thế trong những lần bị chụp mũ như vậy, cảm tưởng của anh như thế nào?
TKĐ: Trước khi viết một bài phản bác có tính cách bênh vực Phật giáo trước làn sóng đang chống báng, tôi thường hỏi ý kiến Lê (nhà tôi) rằng: “Chắc chắn là khi viết bài nầy, anh sẽ bị chụp mũ Cộng sản dữ dội.” Và Lê thường chia sẻ: “Em tin có nhân quả làm phải, gặp phải và Long thần Hộ pháp bảo vệ. Trong đạo Phật hải ngoại có quá đông người tài giỏi hơn anh nhiều, nhưng ai cũng không muốn dây dưa vào ba chuyện thị phi chụp mũ qua lại nên chẳng có ai lên tiếng chống lại cái sai, cái xấu mà người gian cứ ném vào đạo Phật. Kẻ xấu càng thấy mình im lặng, được đà họ càng làm càn. Anh và em niệm Phật cầu nguyện và anh cứ viết đi!”
Nhưng có một bài viết mà tôi gõ máy vì cảm hứng riêng nên bị hiểu sai lạc đến buồn cười.
VNHN: Anh có thể kể chi tiết về trường hợp này được không?
TKĐ: Hơi dài dòng nhưng tôi chỉ xin nói ngắn gọn rằng, đó là bài “Oan Khuất Mậu Thân Cần Một Lời Xin Lỗi”. Khi tới thăm Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) thấy có án thờ kỷ niệm, tôi nói chuyện một vị có thẩm quyền ở đó là ông James Hart và hỏi rằng ở quê tôi cũng có trường hợp trên 5000 người bị chết oan giống như Trân Châu Cảng bị đánh lén với số người thiệt mạng tương đương. Vậy làm sao để giúp giải oan cho những linh hồn phiêu bạt. Ông Hart trả lời: “A State Official Apology” (tạm dịch: Lời Xin Lỗi Chính Thức của Quốc Gia). Nghĩa là lời xin lỗi về việc làm sai có tầm mức quốc gia do người lãnh đạo cao nhất của quốc gia đó đứng ra xin lỗi. Ví dụ như năm 1988 tổng thống Mỹ Reagan đã chính thức xin lỗi 100 nghìn người Mỹ gốc Nhật bị lùa vào trại Tập Trung từ năm 1943 đến 1945 sau vụ Nhật tấn công Trân Châu Cảng… Với các nước tự do văn minh, “State Apology” được quy định thành luật pháp quốc gia.
Buồn thay, những người đọc bài viết của tôi vì không hiểu luật pháp quốc tế hay cố tình bóp méo đã biến nghĩa (State Apology) như một lời xin lỗi tầm thường kiều “Excuse me; sorry…”. Bởi vậy, không trách có người đi xa hơn kết tội tôi một cách tiếu lâm là đáng lẽ phải yêu cầu CSVN mạng đổi mạng trong vụ Mâu Thân Huế thì mới xứng, thế mà tôi đã “chạy tội” cho Cộng sản nên chỉ yêu cầu nói lời xin lỗi! Xin mời xem bài viết của tôi để thẩm định:
http://www.trankiemdoan.net/butluan/khoahoc-chinhtri/oankhuatmauthan.html
VNHN: Điều gì làm anh băn khoăn nhất trong những trường hợp bị chụp mũ nầy?
TKĐ: Thật ra tôi cũng có ít nhiều quan tâm nhưng không băn khoăn. Đó là trường hợp những người chưa hiểu tôi hay không đọc bài viết của tôi nhưng vẫn a dua theo kiểu “thư chùm, thư dây…” để chuyển tiếp và phát tán những chuyện tếu chính trị rất hấp dẫn với quan điểm thị phi về tôi. Nhưng từ thâm sâu trong lòng tôi, tôi hiểu và “appreciate” những người ứng xử nghiêm túc và công bằng riêng với tôi và chung giữa cuộc đời nầy.
Nếu phải chịu đựng thị phi nhiều hơn nữa mà bảo vệ được ý nghĩa cao đẹp của đạo Phật, không đi trái với sự trung thực của mình thì tôi vẫn không thấy có có gì sai trái để thay đổi cả.
VNHN: Ý tôi muốn nhấn mạnh là những người chưa hiểu anh vẫn thắc mắc anh là ai? Trong hai chiến tuyến Quốc Gia và Cộng Sản anh đang đứng về phía nào? Và tại sao anh lại có sự chọn lựa như thế?
TKĐ: Cám ơn anh đã thẳng thắn nói đến một khía cạnh tế nhị và rất riêng tư của mỗi người. Thật ra, khi làm một người cầm bút anh không còn là người riêng tư của anh nữa mà là một “khuôn mặt quần chúng” (public figure) nên ai cũng có quyền nêu lên thắc mắc. Với cá nhân tôi thì trước sau như một, tôi chưa hề thay đổi hay bị chao đảo giữa hai khuynh hướng Quốc gia và Cộng sản. Để trả lời câu hỏi tế nhị của anh, tôi xin kể lại một hoàn cảnh gần gũi và cụ thể mà những người chứng kiến và tham dự đều đang sống và có mặt quanh đây cả. Năm 1986, tôi được bầu làm chủ tịch Hội Sinh Viên Việt Nam trường đại học California State University, Sacramento (CSUS) trong hai năm học 1986-87 và 87-88 khi đang theo học chương trình Master of Social Works. Ngay sau khi tôi bắt tay vào việc điều hành và tổ chức sinh hoạt thì ở trường có một khuynh hướng của giáo sư và sinh viên Việt Nam là không chào cờ vàng ba sọc đỏ và hát quốc ca “Này công dân ơi…” Tôi đã dứt khoát bác bỏ khuynh hướng này và nói với anh chị em sinh viên rằng: Chúng ta là người miền Nam, được nuôi lớn và ăn học thành người dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ. Chúng ta chẳng có nợ nần hay ân sủng gì với cờ đỏ sao vàng và chế độ CS cả, mặc dầu công pháp quốc tế công nhận nó nhưng đó không phải là chuyện của sinh viên Việt Nam tại CSUS chúng ta. Thời đó, tất cả hoạt động có liên quan đến sinh viên Việt Nam CSUS đều chỉ có bóng cờ vàng tung bay.
Với tôi, một con người có chút ít học hành, thì lý thuyết Cộng sản là một chủ nghĩa ngoại lai lạc hậu không thể dựa vào để xây dựng và bảo vệ đất nước. Thể chế chính trị Cộng sản hay CNXH độc tài toàn trị cần phải được chấm dứt và thay thế bằng nền dân chủ tự do pháp trị càng sớm càng tốt.
VNHN: Chắc anh đã đọc Bên Thắng Cuộc của Huy Đức. Trong đó tác giả đã nói về anh thì sao?
TKĐ: Huy Đức dùng từ thiếu chính xác nên làm người đọc hiểu không đúng sự thật. Điều này Huy Đức đã công khai xin lỗi tôi tại Sacramento, trước sự có mặt của TS. Nguyễn Đăng Hoàng và anh Nguyễn Hùng, sau khi Huy Đức xuất bản sách và trước khi về lại Việt Nam.
VNHN: Thưa anh, cuộc phỏng vấn Phần 1 tạm xong. Nếu xin anh có một lời tâm tình hay một đề nghị sau cùng trong tình hình Phật giáo như hiện nay thì anh sẽ nói lên điều gì?
TKĐ: Cám ơn anh đã cho tôi có một cơ hội trình bày thêm điều mình muốn nói. Nếu có một lời tâm huyết thì tôi chỉ xin đảnh lễ chư Tăng Ni để xin quý ngài thành tâm thực hiện lời Phật dạy “Tăng già hoà hợp, tứ chúng đồng tu” trong một thời điểm cực kỳ nóng bỏng và nhạy cảm của Phật giáo Việt Nam như hiện nay. “Cứu đạo tức là trực tiếp cứu mình và gián tiếp cứu đời” là trách nhiệm của quý Thầy và quý Sư Cô trong lúc nầy. Và, xa hơn nữa, tôi cũng xin được ghi nhận tất cả những ý kiến cả đúng và sai; cả tích cực lẫn tiêu cực của mọi người khi nhắc đến tôi. Nếu đúng, tôi thành tâm học hỏi. Nếu sai, tôi phải tự xét chính mình đã hành xử vụng về như thế nào để bị hiểu sai.
Chỉ có điều tôi xin thưa rằng, tinh thần Phật giáo là tinh thần phá vô minh. Bởi vậy, chúng ta không cần gieo thêm vô minh bằng những hình thức dấu tên, chụp mũ lẫn nhau. Cửa chùa bao giờ cũng là “vô môn quan”. Xin đến với nhau bằng cánh cửa quang minh rộng mở ấy.
Ở lứa tuổi 72, lúc nào tôi cũng nhắc nhở cho mình quen với luật Vô Thường, coi mọi chuyện đều là phù vân, giả tướng. Tuổi chúng tôi đều đang cất tấm vé khứ hồi vòng về trong túi và đang “get in line” để lên tàu bất cứ khi nào. Tôi mong được tạm khép lại phần đàm thoại này với một nụ cười và cám ơn tất cả.
Dạ, chỉ có thế thôi và xin cám ơn VNPGHN, qua anh Tâm Hải, chị Tâm Phùng và anh Minh Khiết đã cho tôi một cuộc tiếp xúc chuyện trò rất thú vị và đầy ý nghĩa.
TH: Tâm Hải thay mặt cho VNPGHN cám ơn anh TKĐ.
(Kính mời đón xem phần hai: Đạo Phật và Chính trị)
Tâm Hải Đỗ Kiến Phúc
Tâm Phùng và Minh Khiết
Mùa An Cư 2017