Trần Kiêm Đoàn
“Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương; như người thương nhắn gởi người thương… !”. Tiếng hát của Diệu Hoàng, một nữ sinh lớp 12, vang vang và lưu lại trên từng lớp vôi hồng trường Ðồng Khánh vào những ngày còn ngỡ ngàng, nhưng đằm thắm của cái “thuở ban đầu” anh em Bắc Nam mới sum họp.
Ngày đó, tôi là một giáo sư dạy văn còn trẻ. Lý tưởng làm đẹp cho tuổi trẻ và quê hương từng ấp ủ thoáng một chút gì hơi chao động và xôn xao khi tiếp xúc với những đồng nghiệp “10+3” (hết lớp 10 học thêm 3 năm sư phạm để thành giáo sư trung học đệ nhị cấp) từ Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội… ba lô với nón cối, tai bèo “chi viện” vào Nam làm công tác giáo dục. Cái khác giữa tôi và họ không phải là chiếc xe Honda hay chiếc xe đạp phượng hoàng Trung Quốc; cũng chẳng phải là bộ áo quần may đúng thời trang hay quần áo quốc doanh. Cái khác miên trường dằng dặc là nề nếp suy tư đã hình thành và tôi luyện trong hoàn cảnh xã hội khác nhau giữa hai miền Nam Bắc.
Sân trường Ðồng Khánh những buổi sáng mùa Xuân sau 1975 vẫn có sương mù và nắng lụa êm như nhung, nhưng những chao đảo câm nín của lòng người làm tôi bao lần có cảm giác như sách vở học trò lãng đãng vương mang mùi thuốc súng. Chữ nghĩa không còn nằm im lìm ép mình trong trang sách nữa mà nhảy múa như lằn đạn từ hai phía pháo đài bảo vệ và tấn công. Những vần thơ không còn tự do bay lượn theo những con phượng hoàng thi ca ngũ sắc ngày xưa nữa mà xếp hàng đi vào cuộc đời: Thực tế, dạn dày và đầy lý tính.
Có lẽ trong cuộc đổi đời nầy, tôi không có duyên nợ với thơ văn nên được làm trưởng ban lao động sản xuất của trường Ðồng Khánh, cùng với Hồ Hữu Hạnh, giáo sư Anh Văn và Vĩnh Ba, giáo sư Toán làm phó ban. Lâu lâu có “Mệ Quế” tức là Vĩnh Quế, giáo sư Lý Hóa, tăng cường cho đủ tứ nhân bang.
Lao động sản xuất là một môn học còn đầy khí thế lẫm liệt hơn là các môn “mua Toán, bán Văn” trong thời đại mới, nên tìm đủ việc hàng tuần cho mấy nghìn học sinh các lớp đâu có dễ gì hơn bàn kế hoạch phóng phi thuyền lên sao Hỏa. Mấy tháng đầu, sân trường đã trở thành thực tế chiến trường cho cả thầy trò làm lao động, nhưng đến khi cống rãnh thoát nước cũng đã có khoai sắn mọc lên la liệt thì phải rủ nhau lên núi, xuống ngàn mà lao động. Làm sao tôi quên được cây lệ liễu trước bồn hoa văn phòng Hieu trưởng và những cây phượng vĩ ở sân trường đã mọc lên ở đó, đã chứng kiến những thế hệ học trò tiếp nối ra đi. Giữa rừng dao rựa và cuốc xẻng trùng trùng của các em học sinh giỏi môn học lao động tới mức “thà cuốc lầm hơn bỏ sót”, ban lao động chúng tôi phải bảo vệ từng gốc cây phượng vĩ như bảo vệ từng phiến liêm sỉ của mỗi tấm lòng trong những tháng ngày gãy đổ.
Cho đến khi ký hợp đồng với Lâm Trường Tiền Phong để trồng mấy chục vạn cây thông và bạch đàn trên núi Ngự Bình, tôi vẫn không hiểu vì sao bao năm qua những ngọn núi bình phong của Huế vẫn chịu cảnh “Núi Ngự không cây chim đậu đất…”. Rồi đến những ngày dài thầy trò Ðồng Khánh trồng cây trên núi Ngự Bình mà dù ai có vụng nhất cũng trồng được năm mười cây trên những triền núi thấp. Núi thì xa mà gió rừng thì mạnh, tôi chỉ sợ học sinh mình bị lạc. Thầy cô chủ nhiệm dắt một lớp đi đã khó, huống chi đem cả nghìn học sinh đi lao động.
Mấy nghìn học sinh Ðồng Khánh lao động trên núi Ngự Bình chưa có em nào bị lạc, nhưng toàn ban lao động Ðồng Khánh một thời đã “lạc” xa mù tận bên kia trời một phương: Tôi lạc qua Cali, Hồ Hữu Hạnh lạc về Texas, Vĩnh Ba lạc tới Colorado.
Mười năm sau tôi về lại lên núi Ngự Bình. Những cây thông nhỏ như chân chim sơn ca thuở nào bây giờ đã lớn. Tàng cây xanh như mái tóc thề che phủ cả phong sương. Tôi lặng lẽ ngồi dựa dưới bóng thông chiều. Mười năm trước gió núi xao xác về thổi bay tóc mây của học trò, bây giờ đã có những lá thông thay tóc mây rì rào với gió. Mười năm đếm được trên những nhánh thông, nhưng bóng dáng cũ thì vẫn còn mường tượng trước mắt. Dáng xuôi ngược của anh Châu Trọng Ngô, tiếng dậy rừng của Nguyễn Hữu Châu Phan, khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi của chị Lưu Ty, bàn tay trồng cây mà vẫn nhẹ nhàng quý phái như chơi đàn nguyet của chị Bích Ðào…
Chiều nay, đã có những em bé nghèo đi hốt rác lá thông thấp thoáng dưới chân đồi. Tôi nghe như còn tiếng ngâm thơ nhè nhẹ của Nguyễn Ðình Niên, người thơ Ðồng Khánh thường cho tôi vài điếu thuốc vấn bằng giấy vở học trò mỗi lần đi lao động: “Hai đứa nhìn nhau muối mặt buồn!”. Buồn đến muối mặt như thơ anh là nỗi buồn “ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ” phải không Tường Phong ?
Xong lên núi, ban lao động lại phải xuống ngàn. Học trò Ðồng Khánh, thế hệ giao thời của ba năm cuối trung học – 1974-1977, chắc chưa ai quên chiến dịch Lao Ðộng Phong Sơn. Phong Sơn là vùng đất hoang tràm chổi phía Trường Sơn gần Cổ Bi, Hiền Sĩ cách Huế khảng 30 cây số. Nhà trường xin được chừng mười mẫu để trồng sắn. Thầy trò đi lao động phải khăn gói dựng lều ở lại qua đêm. Ngày tiến công xuất phát, khí thế như xuất quân. Mấy cô học trò Ðồng Khánh đi lao động trồng sắn mà giống như đi cắm trại ngoài trời. Cũng quần chẽn, áo thun, mũ lát hoa; cũng bới theo trái cốc, ô mai… thay vì cơm mo cau, gạo ruột tượng, nước chè gừng. Ðến hiện trường, các cô bao khăn trên cán cuốc vì sợ lòng bong tay. Ðến khi lên vồng trồng sắn, thân cây sắn giống cắt ngắn, không phân biết nổi đầu đuôi nên gần một phần ba học sinh trồng sắn cắm gốc xuống đất chổng ngọn lên trời. Hình ảnh Ðồng Khánh lao động sản xuất đã được (hay bị?) một thầy giáo Quảng Bình nhận xét: “Trông giống y như văn công ngoài ta đang biểu diễn!”
Thế nhưng sau ba bốn tháng cố “lấy sức người sỏi đá cũng thành cơm”, thầy trò Ðồng Khánh đã thu hoạch được gần mười tấn sắn. Thành tích lao động của trường Ðồng Khánh được ủy ban Thành phố và Ty Giáo dục khen ngợi không tiếc lời. Nhưng chỉ có một “sự thật phũ phàng” mà mọi người không để ý tới hay giả tảng lờ đi không biết tới là giá thành sản phẩm. Mỗi cân sắn bán ra cho cán bộ công nhân viên nhà nước là 3 hào rưỡi mà phí tổn sản xuất mỗi cân do ban lao động chúng tôi tổng kết lại là khoảng 5 đồng. Cũng suýt soát hơn hai chục lần lỗ vốn. Bởi vậy, một số học trò biết chuyện thường cười khúc khích gọi đùa sắn Ðồng Khánh sản xuất là “sắn sâm”.
Sau những ngày dài với nắng sắn mưa khoai, ban lao động lại lo chuẩn bị cho mùa tựu trường năm 1977. Hạnh thì lo điều động học sinh quét vôi lại cho trường, tôi thì chăm chú hướng dẫn học sinh trồng thêm những cây phượng vĩ ở sân trường đã bị hư hao sau mấy tháng hè nắng cháy. Những gốc phượng đàn em trồng xuống còn vun đất chưa xong, anh Phẩm, nhân viên của trường đến mời tôi vào văn phòng hiệu trưởng. Ðất Ðồng Khánh còn bám vào mặt mày quần áo, mồ hôi còn nhễ nhại nhưng tôi bỗng có cảm giác ớn lạnh khi thoáng thấy trong văn phòng có đủ hiệu trưởng, bí thư chi bộ và công an. Ông Võ Bích, bí thư chi bộ Ðảng lạnh lùng trao cho tôi quyết định đuổi dạy. Chút sĩ khí của con nhà theo nòi sách vở réo gọi trong tôi là phải cố thản nhiên và bình tĩnh, nhưng sao mồ hôi lạnh vẫn chảy ròng ròng trong từng chân tóc và sống lưng. Bị đuổi dạy trong thời điểm này không có nghĩa là khó khăn về cơm áo, nhưng đây là một sự báo hieu bước khởi đầu cho con đường gian nan bất hạnh, cho tiếng thì thào của địa ngục, cho thân phận làm nguời giờ thứ hai mươi lăm. Hai muơi năm sau nhớ lại chuyen cũ tôi thấy thương mình chi lạ. Thương vì trong giây phút đó tôi chỉ xin một ân huệ cuối cùng trước khi rời trường Ðồng Khánh là xin cho tôi được thêm ít phút nữa để giúp học sinh trồng cho xong hàng phượng vĩ. Và, tôi đã bị khước từ!
Tôi vẫn nhớ “sắn sâm” Ðồng Khánh như một ý niệ-m ngồ ngộ về Phượng và Sắn giữa sân trường nhưng chưa bao giờ được ăn thử. Ngày trước khi mới bới sắn về thì thầy trò chỉ mong có chén cơm trắng không độn khoai sắn nên chưa ăn, mà mãi khi đến xứ người thì chỉ có sắn Tàu hay sắn Thái. “Sắn sâm” ngỡ như đã trở thành huyền thoại giống chuyện củ sâm nghìn năm để luyen thuốc truờng sinh trong chuyện kiếm hiep Tàu, ai ngờ cũng có một ngày đẹp trời “sắn sâm” trở lại với tôi trên đất Mỹ làm khuấy động mặt hồ ký ức tưởng như không còn vướng vất chuyện ngày qua.
Một người học trò Ðồng Khánh cũ qua Mỹ với chồng theo diện H.O và tình cờ ghi danh vào học lớp ngôn ngữ do tôi phụ trách. Ngày mồng một Tết con cọp năm nay nhằm ngày thứ Tư, nên tôi vẫn lên lớp như thường lệ. Vài sinh viên Viet Nam vắng mặt đón Xuân. Những sinh viên Mỹ cũng chỉ biết ngày thứ Tư là ngày có lớp như mọi thứ Tư khác trong tuần. Thế thôi. Cuối giờ, cô sinh viên cựu học sinh Ðồng Khánh tặng cho tôi một món quà Tết nho nhỏ với lời chúc “vạn sự như ý”. Lên xe, mở quà ra tôi bỗng cảm thấy vui như mùa Xuân khi đọc mảnh giấy nhỏ kèm với hai củ sắn, bở trắng, phảng phất mùi lá dứa và hương cau. Miếng giấy ghi: “Kính tặng thầy ‘sắn sâm Ðồng Khánh,’ do ông xã em trồng trong chậu.kiểng đó thầy”. Tôi ăn củ sắn. Nếu sắn Ðồng Khánh ngày nào mà cũng ngon như thế thì buôn một, lỗ ba mươi cũng thật đáng đồng tiền bát gạo. Tay cầm miếng sắn, tay cầm vô lăng, tôi lái đi trong giòng xe như giòng đời lao nhanh vun vút trên xa lộ vô tình vào ngày Tết thiêng liêng. Sự dửng dưng của phố xá quê người làm tôi thấy xót xa và nhớ quê nhà, nhớ những kỷ niem đã thành chuyện kể. Dù vui như ngày Tết, hay muối mặt buồn như hàng phượng vĩ và cũ sắn Phong Sơn giữa sân truờng Ðồng Khánh, tôi vẫn nhớ và ước mơ những cây phượng lưu niên ở sân trường Ðồng Khánh sẽ vững vàng hứng chịu tuyết sương để nở hoa sưởi ấm tuổi học trò mỗi dịp Hè sang. Giờ đây, chắc những củ sắn thôi mọc chung giữa sân trường phượng đỏ và ước chi những củ sắn mọc lên tự tiềm thức cũng không còn.
Nghe đâu Nguyễn Khoa Diệu Huyền, cô bạn cũ một thời Vỹ Dạ của tôi đang làm hiệu trưởng trường Ðồng Khánh thay cho Lê Huy Linh. Nếu đúng thế, tôi sẽ rất cảm ơn những người đã biết thả mây về núi; thả những con hến Cồn câm nín nhưng mang cả trời tâm sự vào nước mát sông Hương.
Trần Kiêm Ðoàn