Xin mời đọc đôi dòng lục bát của một tu-thi-sĩ hay thi-tu-sĩ; nghĩa là một tu sĩ làm thơ:
Thiên thu gối mộng nằm say
Gác chân lên ngọn cỏ may phiêu bồng
Nắng mai nhuộm suối mây hồng
Hoa xuân hé nụ bướm ong tìm về
Em đi trẩy hội đồng quê
Gót son vẽ một đường mê luân hồi
Nghìn thu cuộc mộng trang đời
Kiếp nhân sinh ấy là lời chung riêng
Thiền sư khép cửa am thiền
Vẫn nghe đầu gió một miền u linh
Hàn long ẩn bóng thu mình
Nguyệt kia chẳng chịu để bình minh lên
Thơ và thư pháp Hàn Long Ẩn
Đó là một trích đoạn ngắn trong dòng thơ thuần lục bát dài 300 câu làm nên thi phẩm Cát Bụi Đường Bay[1] của thi sĩ Hàn Long Ẩn – Đại đức Thích Thiện Long.
Trong truyền thống đạo Phật, thi ca và kinh văn có một phong thái ngôn từ rất gần nhau. Những tư tưởng cao sâu, những trải nghiệm tỉnh giác, những suy niệm từ thực chứng cần được ghi dấu và chia sẻ qua phương tiện ngôn ngữ đậm tính nghệ thuật như kinh, như kệ, như thơ. Phần lớn các danh tăng Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam đều có làm thơ. Thiền sư làm thơ cũng như đỉnh núi, suối khe vờn mây chiều, khói sớm. Cáì tâm vô trụ giúp cho dòng thơ bay… bay. Cái trí nhẹ nhàng thoáng đãng giúp cho ý thơ phiêu bồng không định hướng; vì thật ra, có hướng nào là hướng “quy khứ lai từ” trong thinh không rỗng lặng đâu. Bởi thế, thơ trong cách viết hội ý của chữ Hán còn có ý nghĩa là ngôn ngữ cửa thiền.
Hàn Long Ẩn làm người ta bỗng nhớ Phạm Thiên Thư của một thời “Động Nam Hoa có thiền sư, đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn”! Ôi, cái “tâm hư” sao mà vi vu, phiêu hốt đến thế. Nhẹ như bông mà phá được hết thảy tường cao, rào khóa phù trần!
Trong thể thơ niêm luật, thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay. Người ta thường ví làm thơ lục bát cũng như nấu bún bò Huế hay mặc áo dài lụa trắng nữ sinh Đồng Khánh: Ai nấu bún bò Huế cũng được. Nhưng nấu được một tô bún nước vừa trong, vị vừa thanh, chất liệu vừa đơn giản mà ngon tuyệt chiêu như bún bò Mụ Rớt thì lại ít người đạt được. Giới nữ ai mặc áo dài lụa trắng cũng được. Nhưng với nhân dáng thanh nhã, nét duyên e ấp, tà áo vờn một chút gió sớm sông Hương trên đường Lê Lợi dưới tàn long não thơm xanh thì dễ chi người nào, thời nào cũng có. Thơ lục bát dễ làm. Ai có chút hiểu biết về ghép chữ, gieo vần đều làm được. Nhưng ý thô thì thành thơ Mụ Đội; chữ nghĩa dễ dãi thì thành vè; niêm luật cà kê thì thành nôm na, nói lối. Vì thế, thơ lục bát thường là khung kiến vô hình phản chiếu bản lĩnh và tài hoa của người làm thơ.
Hàn Long Ẩn chọn lục bát trường thiên cho toàn thi phẩm Cát Bụi Đường Bay là biểu tỏ một thái độ ung dung, nhẹ nhàng bước vào nghệ thuật thi ca đầy tự tin và đam mê. Nhưng lục bát mới chỉ là mái chèo và con thuyền. Chèo lượn nước và thuyền trôi theo dòng cũng phải tùy duyên mà cặp bến. Thơ lục bát của Hàn Long Ẩn mượt mà và đầy nhạc tính như tiếng vọng của cá nghe kinh. Nhà thơ là tu sĩ nhưng hồn thơ trôi chảy phóng khoáng, tứ thơ phiêu lãng miên man, không e dè trong một giới hạn cảm xúc hay hình tướng nào cả. Tình yêu, tình đạo, tình đời… sống thực và có mặt đậm nét hay bàng bạc khắp nơi. Nhà thơ không lẫn trốn hay “diệt” bất cứ một đối tượng cảm xúc nào hiện hữu mà thắm thiết nắm bắt và mỉm cười với tất cả. Rồi từ đó, thơ như ngọn gió từ bi hóa giải hết thảy trùng trùng cảm xúc đầy biên kiến, xung đột của bể khổ. Khi thơ biến giải như kinh thì năng lực tỉnh thức và niệm lực tĩnh lặng sẽ gieo mầm hay hòa tan trong biển an hòa của từ bi và trí tuệ. Hồn thơ lai láng. Đường tu thanh tịnh. Khi thơ là lời kinh, thơ sẽ chuyển hóa thành phương tiện thiện xảo của biến pháp giới; không chấp, không cầu, không dính mắc, không tìm về một miền trú xứ nào cả. Thơ tự do ung dung bay đi. Tùy duyên mà hóa độ như bước chân phiêu lãng của thiền sư xuống núi.
Lật một trang trong Cát Bụi Đường Bay, bắt gặp câu thơ: “Hàn long ẩn bóng thu mình…” làm khách thơ liên tưởng ngay tới ngôi chùa Thiên Trúc[2] trên đường số 7, thành phố San Jose, tiểu bang California mà thầy Thiện Long vừa mới đặt chân đến. Phải chăng Hàn Long Ẩn muốn… đại ẩn khi về với ngôi chùa tân tạo từ một ngôi nhà cũ ở ngay giữa lòng phố thị. Nơi đây không có núi cao, mây trắng, đồi thông mà chỉ có con người và cuộc sống đờì thường. Thi ca và tâm đạo có phát huy được chăng khi nhà thơ vào đời và thiền sư xuống núi?! Nếu đời thường an nhiên thì tâm là đạo – bình thường tâm thị đạo – thì phải băn khoăn làm chi bến nọ, bờ kia. Khi hồn thơ thăng hoa và tâm bồ đề kiên cố thì chốn lâm tuyền hay nơi phố chợ cũng đều là một suối nguồn tịch lặng an hòa.
Ước mong Thiên Trúc sẽ sớm trở thành một chốn tu học đầy an lạc cho những người có tín tâm. Và dưới bóng thiền môn, tại sao Thiên Trúc sẽ không là nơi đàm đạo thi ca, thưởng ngoạn nghệ thuật, tham vấn về đời sống tâm linh cho những người có chút duyên thơ, duyên nợ, duyên đời khi nhà thơ Hàn Long Ẩn cũng là một tay thư pháp tài hoa và là một Thạc sĩ Tâm lý học.
Thi sĩ Hàn Long Ẩn, tu sĩ Thích Thiện Long và ngôi chùa Thiên Trúc là một hợp duyên đượm nhuần tính Thiện giữa Thung Lũng Hoa Vàng[3].
San Jose, ngày viếng chùa Thiên Trúc tháng 3-2010.
Trần Kiêm Đoàn