Huế sẽ là thành phố cuối cùng tại Việt Nam không có nhà lầu và các công trình bê tông lấn ra ngoài ba nhánh sông làm thành trái tim của thành phố: Đó là sông Hương, sông Đào và sông An Cựu. Đây không phải là một sự “tiên đoán mơ mộng” mà là một nhận xét phát khởi từ sự quan sát qua thời gian và thực tế.
Nếu bạn là khách du lịch vừa đi một vòng thăm lại cảnh cũ sau vài ba chục năm thì sẽ ngạc nhiên khi thấy Huế rất giống Paris, London, Rome và Washington DC. Đây là một nguyên tắc mang tính văn hóa và xã hội khá rõ ràng và đơn giản. Hầu hết những thành phố lớn hay nhỏ của thế giới một khi đã định hình văn hóa kiến trúc và văn hóa du lịch thì sẽ không có nhiều chọn lựa cho những sự thay đổi theo những dòng thác biến cải và xây dựng vội vàng và nóng bỏng nhất thời.
Những người xa Việt Nam chừng vài ba chục năm khi trở lại sẽ không tìm ra những thành phố thân quen một thời như Đà Nẵng, Đông Hà, Quảng Bình, Đồng Hới… vì dáng vẻ cũ đã hoàn toàn thay đổi với những công trình xây dựng và khai phá mới. Nhưng riêng Huế thì vẫn… rất Huế bởi “vẫn còn núi Ngự bên dòng sông Hương” như thi sĩ Bùi Giáng đã nhìn thấy Huế qua tâm cảnh nghệ thuật.
Lần đầu tôi được tham dự Lễ khai mạc Festival Huế năm 2012. Đây là một hình thức sinh hoạt lễ hội đậm tính văn hóa Huế được tổ chức ngay trước cửa Ngọ Môn (1833) trong khung cảnh hoàng thành thật là kỳ vĩ và thu hút cho một khái niệm đơn thuần là khán đài và sân khấu. Những ngày lễ hội Festival sau đó, tôi có dịp men theo những con đường của Huế ban ngày cũng như Huế về đêm để thấy được rằng: Thiên nhiên, nếp sống, tâm lý và nhịp điệu tiến triển của Huế có một kiểu cách hòa quyện riêng để tạo thành một khung cảnh sân khấu nghệ thuật thu hút và độc đáo. Những sân khấu nghệ thuật sáng giá nhất của Huế đều là những sân khấu ngoài trời. Thế sông, thế núi, thế di tích cổ thành… đều có thể là những khung nền tuyệt hảo làm chỗ dựa cho các loại hình sân khấu nghệ thuật trưng bày, trình diễn, nghi lễ cổ xưa và hiện đại. Từ cửa Ngọ Môn, kỳ đài Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Thương Bạc, đàn Nam Giao, núi Ngự Bình cho đến sông Hương, Tịnh Tâm, Ngự hà… với bàn tay khéo léo của nghệ nhân và kỹ thuật điện tử, truyền thông tân tiến sẽ dựng nên những sân khấu đầy cảm thức về cả ba mặt thiên nhiên, văn hóa và nghệ thuật.
Một sân khấu nghệ thuật đã chinh phục tôi mạnh mẽ nhất là “Phố tranh” với vài nghìn họa phẩm của những họa sĩ trong nhóm Zero Studio. Phố tranh được bày biện trên một con đường dài 4km, suốt từ đường Lê Ngô Cát – Huyền Trân Công Chúa – Đoàn Nhữ Hải. Có lẽ phải xuất phát từ một tinh thần “lãng mạn nghệ thuật” rất Huế mới có thể thực hiện một cuộc triển lãm tranh giữa thiên nhiên trong điều kiện thời tiết mưa nắng bất thường như thế. Nếu người Huế nào đã từng đi qua những miền nổi tiếng về sân khấu nghệ thuật ngoài trời gây sự chú ý của du khách và giới nghệ thuật toàn cầu như ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Mỹ La Tinh thì về “tắm ao ta” mới thấy mát rượi. Dường như vẻ đẹp tự nhiên và suối nguồn lãng mạn của tinh thần sáng tạo, pha một chút chắt chiu trong nghệ thuật tạo tình và chắt lọc màu sắc đã làm cho bối cảnh sân khấu nghệ thuật của Huế không chinh phục khách thưởng ngoạn bằng bề mặt lớn nhỏ qua hình tướng mà bằng bề sâu mặn nhạt trong cảm xúc.
Theo ngành khảo cổ thì dấu tích con người có mặt trên vùng đất Thừa Thiên Huế lâu tới 5 nghìn năm. Nhưng lịch sử chúa Nguyễn vào đất Thuận Hóa chưa đầy 5 trăm năm (1558 -2014). Chiều dài của thời gian không phải là đơn vị hay tiêu chuẩn để đo bề dày của giá trị nhân văn. Nhưng năm thế kỷ của Huế là những chặng đường lịch sử đầy cam go đã làm nên khuôn mặt Huế ngày nay: Từ châu Ô, châu Rí của Chiêm Thành biến thành vùng đất Hoàng triều cương thổ. Huế trở thành trái tim của cả nước khi trở thành kinh đô triều Nguyễn. Huế bi hùng trong kháng chiến chống Pháp.
Càng đối mặt với giông bão thời đại, Huế càng lặng lẽ phát triển vào bề sâu. Chiều sâu thẳm của Huế không thể nhìn ngắm hay do lường theo quy ước vật lý mà phải bằng cảm nhận tâm lý hoặc bằng phương tiện nghệ thuật như hội họa, thi ca, âm nhạc và chính ngay trong điệu sống hay cách sống của Huế. Giọng Huế, điệu Huế, kiến trúc và thiên nhiên Huế vừa là cuộc sống hiện thực mà cũng vừa là một biểu tượng nghệ thuật mang tính cách hướng nội nên người Huế lãng mạn vì họ là viễn khách của chính mình.
Huế thơ, Huế mộng vì cái đẹp của Huế đượm buồn, xa vắng và mong manh như bóng dáng của thi ca. Bởi vậy, Huế là một sân khấu nghệ thuật thiên nhiên và lý tưởng cho tất cả mọi thể loại nghệ thuật có khi là sáng tạo, trưng bày mà cũng có khi chỉ là mơ mộng và cảm nhận.
Sacramento, tháng 3/2014
Trần Kiêm Đoàn