Huynh trưởng miệt đồng
Khát vọng bất tử là một là một ước mơ truyền đời đầy bi tráng của kiếp người yếu đuối. Cái chết vẫn là một ẩn số mà chỉ có đức tin tôn giáo mới mong tìm ra một đáp án tạm thời bằng cách xây dựng một ẩn số khác. Niết bàn, thiên đàng, cõi trời… vừa là một đáp án nhưng cũng vừa là ẩn số của niềm tin để cụ thể hóa khát vọng của con người về một kiếp sống miên viễn ở một thế giới, một cõi đời, một vùng đất hứa khác. Bởi thế, Thiên Chúa giáo khẳng định qua lời phán của Chúa: “Ai tin ta và theo ta sẽ được cứu rỗi và an hưởng sự sống đời đời…” Phật giáo đi vào cuộc đời không phải nhằm để thể hiện quyền năng trên chuyện sống chết mà để giải phóng ám ảnh tù đày về chuyện sống chết. Sự sinh diệt trong nhân sinh quan Phật giáo là một tiến trình thành-trụ-hoại-không, luôn luôn biến dịch trong vòng sinh thái: Từ chủng tử trở nên hiện hình; từ hiện hình quay về chủng tử. Cho nên, “sự sống đời đời” trong ý thức hệ Phật giáo là trạng thái Vô Sanh – Vô sanh, vô tử, vô khứ lai!
Đức tin là một sản phẩm của văn hóa và tâm lý tôn giáo, nên nhiều khi đức tin là một sự tâm đắc, hay nói theo ngôn ngữ của tôn giáo là một sự “mặc khải huyền nhiệm”, không thể nghĩ bàn…
Tôi sinh ra và lớn lên ở chốn đồng quê, ở đó, đức tin cũng tự nhiên như những gốc lúa: Dân làng sinh ra để sống bằng cơm gạo. Muốn có cơm gạo thì phải trồng lúa; lúa mọc lên từ đất. Một năm hai mùa, nơi đâu còn có con người thì có những gốc lúa. Lúa hột, lúa mạ, lúa non, lúa trổ đòng đòng, lúa phơi mao ngậm sữa, lúa chín, lúa vàng, lúa giã thành gạo và gạo nấu thành cơm. Cái vòng tuổi xanh, tuổi chín, tuổi vàng của con người làng quê gần gũi với tín lý của Phật giáo một cách hài hòa đến tự nhiên. Và, niềm tin tôn giáo của người nông dân trong bối cảnh văn hóa miệt đồng cũng an nhiên tự tại và nhẹ nhàng như thế đó.
Như cây đa đầu làng và bến sông nhấp nhô những tảng đá cừ xanh rêu, khi tôi mới ra đời thì Phật giáo đã ở đó. Những bước chân chim đầu tiên đi chùa với mẹ tôi yên chí là ai cũng phải có một ông Phật để thờ cúng. Mãi cho đến tuổi khai tâm đi học trường Đạo tôi mới vỡ lẽ ra rằng, còn ông Chúa cũng “to” như ông Phật để mà thờ. Cái bóng hạnh phúc tôn giáo trong tuổi hoa niên của tôi không phải là ông Chúa hay ông Phật mà là bầu không khí và giao tình ở nơi thờ tự.
Phật Đản năm 1963 không đến với tôi một cách nhẹ nhàng và hồn nhiên như mọi năm vì từ mùa Đông năm 1962, khi các anh huynh trưởng lớn tuổi đi lính, tôi phải thay thế lên làm liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử Liễu Hạ ở vào một lứa tuổi chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho chức vụ mới.
Ở vùng quê tôi, rằm tháng tư đến sau mùa gặt Đông Xuân, khi nắng ấm đã về trên khắp xóm làng, khi cây trái, lúa gạo và lòng người tràn đầy nhựa sống. Nhờ vậy lễ Phật Đản thường được tổ chức long trọng và rực rỡ khắp vùng.
Tháng tư âm lịch năm 1963, đầu mùa hạ, trời không mưa nên hoa đèn, cờ xí đón mừng Phật Đản được trang hoàng từ một tuần trước ngày lễ. Ở làng tôi và khắp các vùng thôn xóm khác, từ đường quan lộ đến quyền môn, cổng xóm, hàng tre, đình chùa, tư gia… đâu cũng có bóng dáng tung bay của cờ đèn Phật giáo đã được giăng lên để chào đón ngày Phật đản sanh.
Một ngày trước lễ Phật Đản, bác khuôn trưởng Quyền Vân và tôi, đại diện cho Khuôn hội Phật giáo và gia đình Phật tử Liễu Hạ, được gọi về xã, đến trụ sở xã Hương Cần để họp khẩn cấp. Khi chúng tôi đến thì các thành phần lãnh đạo Khuôn hội và liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử các làng khác như Triều Sơn Trung, Hương Cần, Vân Cù, Cổ Lão, Nam Thanh, An Thuận đều đã có mặt. Ai nầy đều giật mình khi ông chủ tịch Xã đọc và giải thích thông cáo của chính phủ là: “Kể từ Phật Đản năm nay (1963), chỉ cho phép Phật giáo treo cờ hay giăng đèn mừng lễ Phật Đản và tất cả các lễ khác giới hạn trong chùa hay xung quanh bên trong khuôn viên chùa mà thôi. Cấm treo cờ Phật giáo bên ngoài chùa như thường lệ mỗi năm.” Ông xã trưởng giải thích là việc ngăn cấm như thế nhằm để “bảo vệ an ninh trật tự công cộng”. Mọi thắc mắc kế tiếp đều được “trả lời một cách không trả lời gì cả” bằng câu nói cửa quyền muôn thuở là “thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên!”
Hình ảnh các em thiếu nam, thiếu nữ, oanh vũ nam, oanh vũ nữ trong đồng phục áo lam vội vàng đi quanh các xóm với các anh chị huynh trưởng để tháo cờ và xếp cờ Phật giáo trong im lặng vừa tội nghiệp vừa buồn trong nỗi uất ức vì không ai hiểu tại sao “năm nầy lại khác mọi năm?!” Nhưng dẫu sao thì niềm vui vẫn còn hứa hẹn vì cuộc cắm trại Phật Đản của Liên Gia đình Phật tử Hương Cần tại Phe Chùa vẫn tiến hành như dự định.
Trại Tất Đạt Đa năm 1963 với sự tham gia của 6 đơn vị Gia đình Phật Tử 6 làng thuộc xã Hương Cần trải rộng trên một diện tích hơn năm mẫu đất của cánh đồng lúa vừa mới gặt. Tôi giữ chức vụ “Sơn Ca”, nghĩa là làm trách nhiệm cầm còi canh gác giờ giấc đời sống trại, điều khiển tổng quát chương trình sinh hoạt của toàn trại suốt hai ngày hai đêm trên đất trại với gần 5 trăm trại sinh. Có lẽ trong Ban quản trại, Sơn Ca là người bận rộn nhất từ khi tập họp dựng lều “Nào chúng mình ra quây một vòng hát mà chơi!” cho đến khi hạ lều “Dây thân ái lan rộng muôn nhà; tay sắp xa nhưng tim không xa…”.
Đêm rằm trên đồng lúa mênh mông vừa mới gặt chỉ còn gốc rạ lô nhô, trăng đồng quê dịu mềm như sữa mẹ rót xuống lòng đời biền biệt không bao giờ khô cạn. Đêm văn nghệ lửa trại còn để lại âm vang trìu mến trên từng gốc rạ và đống lửa chưa tàn. Sơn Ca và Ban quản trại là những người không được ngủ khi chưa nghe hết tiếng ngáy thân thương của các em trong mỗi cụm lều. Tôi thổi còi im lặng, báo giờ ngủ cho toàn trại nhưng tiếng cười rúc rích “mỗi năm mới có một lần” của các em trại sinh vẫn lao xao đây đó. Đêm đã khuya, tôi và các anh chị trong Ban quản trại cố đi quanh dập tắt tiếng cười tíu tít của các em trong đêm chia tay, nhưng tiếng cười đó lại chảy vào lòng mình thân thương và ấm quá! Đêm về sáng. Tôi và anh Lũy, trại trưởng, vẫn còn thức. Trên đường quan lộ, hình như có ai đang về. Tiếng xe đạp dừng lại và anh Đãi, chú Phẩm, chị Gái… vừa chạy lúp xúp, vừa thở hổn hển báo tin dữ: “Phật tử bị giết ở đài phát thanh nhiều lắm! Nguy rồi! Chắc chuyến ni chết hết!” Rồi các anh chị kể lại, không đầu không đuôi, rằng là các anh chị từ chùa Từ Đàm về, qua đài phát thanh Huế, nhưng chỉ thấy xe tăng, lính tráng, cảnh sát đang giành giựt, xô xát nhau với đám đông; rồi vòi rồng xịt nước, súng bắn, lựu đạn nổ, máu đổ, người chết… mới xảy ra hồi 9, 10 giờ tối. Tôi chưa biết ai giết ai nhưng một cảm giác rúng động chạy dài trong dòng suy nghĩ. Tôi liên tưởng đến mội chuổi mắc xích nối kết giữa việc cấm treo cờ Phật giáo và cuộc bạo động đổ máu vừa xảy ra. Tôi chong mắt chờ sáng để nghe những tin tức mới. Sáu giờ sáng 9 tháng 5 năm 1963, đài BBC Luân Đôn và tiếp đó, đài VOA loan tin về cuộc biến động xảy ra trước đài phát thanh Huế. Theo thông lệ hàng năm, chương trình phát thanh đặc biệt dành cho lễ Phật Đản được phát thanh vào lúc 8 giờ tối trên làn sóng điện của đài phát thanh Huế. Nhưng năm nay, chương trình này không được phát sóng. Quần chúng chờ đợi ở nhà không được nghe nên đã tìm đến đài phát thanh Huế để biết sự việc. Vì số lượng người khá đông đảo nên thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an kiêm tiểu khu trưởng tiểu khu Thừa Thiên đã gọi đó là “đám biểu tình” và huy động lực lượng thiết giáp Bảo an, vũ trang quân cảnh và cảnh sát thành phố Huế tới vây quanh. Mở đầu là xe vòi rồng cứu hỏa đến xịt nước giải tán. Tiếp theo là bắn đạn mã tử, lựu đạn khói, lựu đạn cay được tung vào. Sau cùng là súng trường, lựu đạn nổ và xe thiết giáp được sử dụng vào lúc 9 giờ 30 tối. Hậu quả của cuộc xung đột nầy là máu đã đổ: Tám người thiệt mạng và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, một em nhỏ khác bị cán mất nửa đầu và một em nữa mất hẳn đầu. Mãi đến 2 giờ sáng quần chúng mới giải tán hết khỏi khu vực đài phát thanh Huế.
Nghe và phối kiểm xong mấy bản tin, tôi trực cảm như có một đường lạnh băng chạy dài dọc theo xương sống. Tôi nhìn lên kỳ đài, cờ ngũ sắc của Phật giáo tung bay trong gió sớm. Bầu trời xanh ngọc bích của quê hương dần dần bị mây mù vây phủ. Tổ quốc, dân tộc, đạo pháp đang bị đặt trên bàn cân thiên lý. Lệch một chút sẽ nghiêng trời một phương. Lạy trời có được một bàn tay tạo hóa cầm cân cho vững…!
Tôi thổi còi báo thức muốn không nổi. Tin “Phật giáo bị đàn áp” loan đi rất nhanh. Sáng sớm, tôi cầm còi đứng giữa vòng tập họp chung với dáng sững sờ như lau sậy. Các anh chị trưởng cúi đầu, các em mắt đỏ hoe, rất nhiều em quay mặt đi để khóc. Ban quản trại quyết định nhổ trại. Tôi tập họp đàn, đội, chúng, trưởng ra lệnh hạ lều và tự nhiên bật khóc. Các em khóc theo…
Phật giáo tranh đấu
Những biến cố trong mùa Phật Đản năm 1963 đã châm ngòi cho ngọn lửa âm ỉ có từ thời cựu hoàng Bảo Đại, khi Đạo dụ số 10 do ông ký ra đời từ ngày 6-8-1950 quy định Phật giáo theo quy chế hiệp hội trong khi Thiên Chúa giáo không bị khống chế bởi sắc lệnh nầy. Tổng thống Ngô Đình Diệm truất phế vua Bảo Đại năm 1955, ban hành hiến pháp và luật pháp mới, nhưng vẫn tiếp tục duy trì Đạo dụ số 10 nói trên. Năm 1957, chính quyền lại ra lệnh loại bỏ ngày lễ Phật Đản ra khỏi ngày nghỉ chính thức trong năm đã gây nhiều bất mãn trong giới Phật giáo… Những năm tiếp theo có nhiều xung đột giữa chính quyền và sư sải, Phật tử tại nhiều tỉnh như Huế, Quảng Nam, Sài Gòn, Cần Thơ, Biên Hòa… vì cách đối xử “nhất biên trọng, nhất biên khinh” so với tôn giáo khác. Và ngọn lửa đó đã cháy bùng với lệnh cấm treo cờ Phật giáo và biến cố Đài phát thanh Huế.
Là một huynh trưởng miệt đồng, giữ chức vụ liên đoàn trưởng Gia đình Phật tử trong thời kỳ sôi động nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam (từ 1962 đến năm 1968), tôi thường phải ở thế “vận dụng và sáng tạo” trong sinh hoạt sao cho phù hợp với khuôn khổ của GĐPT, áp dụng tại địa phương mình. Tuy không chủ động phát khởi chuyện gì mới, thế nhưng khi cần, tôi vẫn “cứng đầu” bảo vệ và đứng vững một cách xác quyết với điều mình đã suy nghĩ và cho là đúng. Tuy một con én không làm nổi mùa xuân, nhưng con én sẽ làm đẹp bầu trời phảng phất hương Xuân.
Hôm sau, cùng với một số anh chị em huynh trưởng từ các làng Vân Cù, Hương Cần, Nam Thanh, Cổ Lão, tôi đạp xe từ làng lên phố. Thành phố Huế mang một bộ mặt khác lạ. Lính tráng và xe thiết giáp, xe lội nước tập trung trước tiểu khu. Khắp thành phố có những toán quân nhân và cảnh sát vũ trang mang súng tiểu liên và súng gắn lưỡi lê, lựu đạn cay túc trực khắp các ngã đường. Chúng tôi lên chùa Từ Đàm. Đã có rất nhiều người đứng ở sân chùa và quanh các con đường kế cận. Bầu không khí của chùa khác hẳn vẻ êm đềm và tĩnh lặng mọi khi. Một sự căng thẳng vô hình đang chờ đợi. Tôi ghé vào văn phòng Ban Hướng dẫn GĐPT Thừa Thiên bên phải khuôn viên chùa Từ Đàm. Các anh chị trưởng Nguyễn Khắc Từ, Mai Đình Nam, Đặng Ngọc Lựu, Phan Văn Gái (hiện đang ở Sacramento), Hoàng Thị Kim Cúc… trông có vẻ khác hẳn. Dáng tươi mát, hồn nhiên, đùa vui thường nhật được thay bằng vẻ bơ phờ và căng thẳng. Các anh chị đăm chiêu, ít nói và kiên nhẫn đợi chờ… Số Phật tử và huynh trưởng ghé vào văn phòng Ban hướng dẫn mỗi lúc một đông. Anh Từ, trưởng ban hướng dẫn, dặn dò vắn tắt: “Các em về chùa, đợi lệnh quý Thầy!”
Sau biến cố đài Phát thanh Huế, chiếc cầu đối thoại giữa chính quyền và giới lãnh đạo Phật giáo dường như từ từ bị nhận chìm dưới làn nước trong suốt của sông Hương. Hai bên đang đứng hai phía đầu cầu, đều có thể nhìn thấy nhau, nhìn thấy chiếc cầu hiện hữu, như có như không, nên không thể qua cầu gặp nhau. Có nói vẫn không nghe, có nhìn vẫn không thấy. Phía chính quyền thì chỉ muốn đơn giản hóa vấn đề bằng cách đổ lỗi và chụp mũ “Việt Cộng phá hoại” để trấn áp phong trào Phật giáo bằng vũ lực. Phía Phật giáo thì đòi hỏi chính quyền phải giải quyết rạch ròi, đen trắng phân minh; không phải để “bắt đền” sự mất mát đêm rằm tháng tư tại đài phát thanh Huế mà để mưu cầu một thế đứng bình đẳng tôn giáo lâu dài trong lòng dân tộc. Thế nhưng, cùng nói và viết tiếng Việt Nam mà hai bên lại dùng hai ngôn ngữ khác nhau: Ngôn ngữ phủ quyết về phía cầm quyền và ngôn ngữ xác quyết về phía đòi hỏi. Phong trào tranh đấu Phật giáo bùng nổ từ Huế, rồi lan dần ra khắp nước. Cuộc “thư hùng không binh lửa” kéo dài cho đến khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị quân nhân đảo chánh và hạ sát vào cuối năm 1963!
Đúng 40 năm sau ngày biến cố, khối quần chúng xuống đường, lên đường, chận đường, mở đường, phá đường… nay đã vắng mặt thiên thu hay còn hiện diện với mái tóc hoa râm. Còn ai nhớ và ai quên một thời bão nổi đó?!
***
Suốt cả tháng 5-1963, nhân mùa nghỉ Hè, tôi có dịp lên về chùa Từ Đàm, nơi được coi như là trung tâm chỉ đạo cho phong trào Phật giáo tranh đấu. Với chiếc xe đạp lọc cọc lên Huế về làng, tôi cảm thấy cuốc xe không vất vả bằng bộ áo quần mặc trong người. Mặc đồng phục GĐPT thì cứ e sợ sẽ không an toàn lúc đi đường; mà mặc đồ thường lên chùa Từ Đàm lại có cảm giác như mình là “con cháu ngoại”.
Sau nhiều tuyên ngôn và thông cáo xác định cuộc đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo và phương thức tranh đấu bất bạo động theo tinh thần thánh Gandhi, sự đối thoại giữa giới lãnh đạo Phật giáo và chính quyền có khuynh hướng đi vào ngõ cụt vì chỉ có “hình” mà không có “thức” nên thiếu mất đi một mẫu số chung làm căn bản.
Một ngày trước, các GĐPT được thông báo là sẽ có một cuộc tuyệt thực của tăng ni toàn quốc trong 48 tiếng đồng hồ kể từ 14 giờ ngày 30-5-1963 để đòi hỏi chính quyền giải quyết 5 nguyện vọng ghi trong Tuyên Ngôn ngày 10-5-1963 đã được ủy ban Bảo vệ Phật giáo gửi lên Tổng thống và Chính phủ. Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT miệt đồng xa thành phố như chúng tôi được Ban hướng dẫn khuyến khích ở lại tại chùa địa phương mình, gióng chuông u minh và thành tâm cầu nguyện cho đạo pháp được thoát nạn kỳ thị và dân tộc trường tồn. Nếu bị đàn áp thì không tìm cách chống cự mà phải nhất loạt ngồi xuống xếp bàn tại chỗ và chấp tay niệm Phật. Chúng tôi cũng được khuyến khích là tại mỗi chùa nên treo một biểu ngữ ghi nội dung một trong 5 nguyện vọng của Tuyên Ngôn đã gửi lên chính quyền. Suốt đêm tôi và ban huynh trưởng cùng các đoàn sinh ngành thiếu lo cắt dán, xếp chữ để hoàn thành tấm biểu ngữ dài trước khi trời sáng. Chúng tôi chọn Điều 4 của Tuyên Ngôn làm biểu ngữ với nội dung:
“Yêu cầu chính quyền cho tăng ni và tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo và hành đạo”.
Biểu ngữ nền vàng chữ đỏ được treo lên trước cổng chùa lúc quá nửa khuya. Khoảng 6 giờ sáng, khi ban huynh trưởng chúng tôi và các em thiếu nam đang còn ngồi dựa vai nhau lơ mơ ngủ gật ở trong chùa thì có tiếng chân chạy rầm rập bên ngoài và tiếng đập cửa hỗn loạn. Tiếp theo là tiếng kêu ra lệnh:
– Bọn làm loạn mô rồi ra đầu thú mau lên không thôi ta đập bể đầu!
Tôi vừa mở cửa tiền đường của chùa, các anh dân vệ xã mang súng ống đã ập vào. Tôi đứng dậy và lễ phép trả lời:
– Dạ, có tôi đây. Tôi là liên đoàn trưởng chịu trách nhiệm mọi việc.
Một anh cầm cái biểu ngữ treo trước cổng chùa đã bị xé toang quất vào mình tôi, hỏi đầy vẻ hăm dọa:
– Có phải mi là thằng làm cái băng “chó chết” ni không hả?
Tôi nhận:
– Dạ tôi làm.
Anh ta làm cử chỉ như muốn đánh vào đầu tôi nhưng bên ngoài đã có tiếng can, nghe quen quen như tiếng ông ấp trưởng:
– Ê anh em, đừng đập đánh sinh chuyện lôi thôi. Cứ trói cổ lại, giải về xã là yên chuyện.
Lập tức tôi bị trói tay lại đằng sau bằng giây mây đã thủ sẵn. Tôi cố ngồi bệt xuống niệm Phật nhưng bị lôi đứng dậy và kéo ra khỏi chùa. Anh liên đoàn phó cũng bị trói còn các em khác vừa la khóc vừa chạy tán loạn.
Tôi bị áp giải vừa đi vừa chạy bộ về xã Hương Cần. Tôi ngoan ngoãn đi theo toán người dẫn độ, không dám ngoái lại nhìn theo sau để xem còn có ai nữa không. Đi chưa được nửa đường, tôi phải nhìn lui vì có tiếng ai rất quen vừa la hét, vừa van xin, cố chạy tới phía trước để bắt gặp tôi. Tôi sững người, chao đảo cả toàn thân. Thì ra mẹ tôi! Mẹ với đầu tóc chưa kịp bối, quần đen ống xăng ống xả, nhào tới ôm chầm lấy tôi, vừa khóc vừa van xin, vừa quỳ xuống giữa con đường đất mấp mô sỏi đá còn ướt sương. Mẹ tôi ôm chân tôi khóc nức nở:
– Con ơi là con! Mạ đây nì. Con làm chi mà ra thân thè nông nổi như ri!
Toán người áp giải cố hất mẹ tôi ra đang cản đường tiến tới. Mẹ tôi day qua hết người này đến người nọ, lạy dài, năn nỉ như tế sao:
– Tui lạy mấy chú, tha cho con tui. Thằng con tui to đầu rồi mà còn dại dột. Xin mấy chú cho tui lãnh về để dạy…
Toán người dừng lại. Ông ấp trưởng tiến lên, chỉ vào mặt mẹ tôi:
– Hừ! Dân học thức đậu “đít lôm”, tú tài rồi mà dại! Dại kiểu chi mà dám làm loạn chống chính quyền đã chớ!
Ở làng thuở đó ít người được lên Huế học nên tôi được coi như “kẻ sĩ”. Người dân làng rất hiếu học nên tinh thần “trọng sĩ” vẫn còn. Có lẽ vì thế mà ông ta chưa thoá mạ nặng lời đối với tôi. Tôi trở thành câm nín đóng băng vì sự xuất hiện quá đột ngột của mẹ tôi. Sự thô bạo từ bên ngoài không còn gây cho tôi một phản ứng tâm lý nào cả khi thấy Mẹ tôi la khóc nằm dài giữa đường, tóc trộn với đất bùn cản lối không cho đi. Người ta có thể đối đầu một mất một còn với gian tà và bạo lực nhưng phải tự trói tay, bịt miệng và nhắm mắt trước tình thương. Bạo lực là nhận và trả; nhưng tình thương thì chỉ có cho và thấm. Có khi chỉ một thoáng chốc nhưng lại thấm tận đáy tâm hồn cho hết một đời sau.
Ông ấp trưởng ra lệnh cho một người trong nhóm:
– Cả hết đứng đó. Chú Quyền chạy trước về trình xã.
Tôi không còn nhớ bao lâu sau đó, nhưng chỉ nhớ người đến mở trói cho tôi là thiếu úy Đỗ, người bạn học chung lớp Anh Văn với tôi tại Hội Việt Mỹ Huế trong những năm qua. Anh ta đang là sĩ quan chi khu của Quận. Đỗ nhìn tôi với vẻ mặt lạnh lùng nhưng tôi đọc được chút tình cảm vẫn còn đọng lại trên tia nhìn ấm áp cố làm ra vẻ xa lạ của anh. Chúng tôi là “partners” sát cánh nhau trong những đợt thi đua hùng biện Anh Ngữ do trung tâm Văn Hóa Hoa Kỳ tổ chức mà cả hai chúng tôi đều chiếm giải. Đỗ không nói lời nào với tôi mà chỉ trao đổi to nhỏ với ông xã trưởng và ấp trưởng.
Ông xã trưởng ban lệnh “ân xá” bằng cách nói oang oang, dằn mặt, không cần biết tôi có nghe hay không nhưng lại muốn mọi người cùng nghe:
– Làm sai lần đầu, chính quyền khoan hồng tạm tha. Lần sau tái phạm là tù mọt gông nghe chưa!
Rồi ông day qua phía mẹ tôi, hoa tay điểm mặt, lên giọng răn đe mẹ tôi phải biết giáo huấn con cái thế nầy thế nọ… Giữa đám đông người làng trên xã dưới lố nhố, mẹ tôi đứng dậy bối lại tóc. Mẹ lấy tay áo chùi nước mắt. Như một gốc tre già chỗi lên từ lòng đất, dáng vẻ sợ sệt của bà mẹ quê biến đâu mất, mẹ tôi không chỉ nói với ông xã trưởng, ông ấp trưởng mà nói với cả bàng dân thiên hạ, bằng một giọng rắn rỏi pha nét tự hào mà suốt cả thời trẻ thơ tôi chưa bao giờ nghe thấy:
– Dạ cám ơn xã, cám ơn huyện, cám ơn thôn thả con tui ra. Xin lỗi, ông khỏi dạy dỗ tui. Con tui ăn học đàng hoàng, chưa trộm trâu đốt nhà của ai hết. Hắn là học trò trường Đạo nên kính Chúa trọng Phật như nhau, biết chuyện phải trái mà theo. Mấy ông trên ở không kỷ cang dưới mới lập đàn mây mưa…
Như cảm nhận được hơi nóng từ trong giọng nói của một bà mẹ quê liều lĩnh và bất chấp để bảo vệ cho con mình, ông xã trưởng nói gạt ngang:
– Thôi dẹp! Về hết đi…
Là con trai út trong gia đình 6 anh chị em, cha mất sớm, nên dù ở bất cứ tuổi nào tôi cũng luôn luôn bị mẹ và các anh chị đối xử như đứa bé trong chiếc nôi yêu dấu của gia đình. Đôi khi bất mãn, tôi cũng muốn vùng lên tranh đấu giành quyền sống, nhưng tình thương gia đình “dày đặc” quá, làm tôi mất hết cơ hội đạt thắng lợi sau cùng. Bởi vậy, tôi bị gia đình bắt vào Sài Gòn “học Hè”!
Rời Huế về phi trường Phú Bài vào buổi trưa ngày 1-6-1963, tôi phải đi qua cầu Bạch Hổ vì ngã Trường Tiền đã bị phong tỏa. Một cuộc biểu tình và tuyệt thực lớn mà sinh viên và học sinh Huế tham gia đông đảo đang diễn ra. Ra đi, giao trách nhiệm GĐPT lại cho anh liên đoàn phó và nhìn về phía bạn bè xuôi ngược, tôi có cảm tưởng như mình đang phụ lòng anh em, phụ tình với Huế.
Đến Sài Gòn, tôi ở lại nhà bà chị cả của tôi trên đường Cao Thắng. Không khí đường phố Sài Gòn tuy cũng phảng phất khí thế phòng ngự và xuống đường nhưng không căng thẳng như ở Huế. Bù lại, trận giặc báo chí thủ đô lại rất sôi động về nguồn thông tin sự đối đầu quyết liệt giữa chính quyền và Phật giáo. Hai chùa Ấn Quang và Xá Lợi đang trở thành hai trọng điểm của phong trào Phật giáo đấu tranh. Hàng ngày, những bài thuyết pháp với nội dung và ngôn từ đòi hỏi sự bình đẳng và tự do tôn giáo, đầy tính đấu tranh không khoan nhượng, do quý Thầy luân phiên xuất hiện thu hút quần chúng Phật tử đến theo dõi đứng chật lớp trong, lớp ngoài. Tôi “học Hè” ở chùa nhiều hơn là học chữ! Cho đến một hôm, đúng 10 ngày sau khi đến Sài Gòn, khoảng gần trưa, cháu Vấn kêu tôi bằng cậu, ở đâu chạy về báo tin:
– Cậu ơi cậu! Thầy tu biểu tình gần nhà mình. Cậu ra coi mau, lần nầy ngộ lắm!
Tôi theo chân đứa cháu, tất tả chạy về phía ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Trong ánh nắng miền Nam chói chang, từ sau hàng rào của lớp người đứng trước, tôi có thể nhìn thấy khói đen bốc lên. Mùi khét của xăng dầu và da thịt thoảng đến khi làn gió thổi ngược về phía mình. Tôi cố chen vào phía trước để nhìn cho rõ việc gì đang xẩy ra. Giữa ngã tư đường phố, một nấm lửa đang bùng lên. Khi ngọn gió tạt qua tôi nhìn thấy một dáng người đen thui đang ngồi thế xếp bàn như một tượng Phật bằng đồng đen. Những cơn gió nhẹ cứ tạt qua tạt lại và bức tượng đồng đen chập chờn ẩn hiện trong rừng lửa sắp lụi tàn. Bức tượng rung rinh, chao đảo và ngã xuống mặt đường. Một xác thân người trọn vẹn hiện ra trong ánh lửa chỉ còn là vầng khói mịt mù. Đứng bao xung quanh là các Thầy mặc áo vàng đang cầu nguyện. Có tiếng loa cầm tay đang đọc hay thông báo điều gì tôi không nghe rõ. Còi xe cảnh sát rộ lên từng hồi khẩn cấp. Đứa cháu kéo tay tôi chạy theo đám đông rần rộ tản ra khắp các con đường. Từng mảng âm thanh đây đó chìm trong biển âm thanh của tiếng kêu , tiếng khóc, tiếng người sững sờ, hốt hoảng hỏi nhau về sự cố đang diễn ra trước mắt và cũng là lần đầu tiên trong đời họ được thấy tận mắt hình ảnh Tự Thiêu. Như một bài toán chưa có lời giải, những lời vang vọng hay thì thào: “Thầy tu tự thiêu” chưa mang đến một khái niệm nào rõ ràng trong đầu tôi cả. Tất cả hình ảnh bi tráng trước mắt tôi đều mới quá, lạ quá, bi thương, hào hùng và nghiêm trọng quá! Nhưng phản ứng tâm sinh lý tức thời là sự cảm xúc rất mãnh liệt chế ngự và cuốn hút cả tinh thần lẫn thể chất trào dâng trong tôi. Trời nắng buổi trưa, mồ hôi đổ đầm đìa mà cái lạnh vô hình từ bên trong vẫn quấn quyện lấy tôi. Cả một buổi chiều và suốt đêm sau đó, hình tượng ngọn lửa vần vũ bao phủ thân xác đồng đen cứ chờn vờn hiện ra như có, như không trước mắt. Ngay chiều hôm đó, tôi chen chân đến chùa Xá Lợi, nơi đang để di thể cùa ngài Quảng Đức nhưng làn sóng người đổ xô đến đó đã tràn ngập, cảnh sát chận đường không cho vào. Mãi đến sáng hôm sau, đọc tin tường thuật về vụ tự thiêu tôi mới biết được thân thế của Hòa thượng Thích Quảng Đức và ý nghĩa cao cả của việc tự nguyện đem thân mình làm đuốc để soi sáng lương tri và thức tỉnh lương tâm của thế lực đương quyền.
Tin một nhà sư Phật giáo tự thiêu giữa ban ngày trên một ngã tư đường phố đông đúc tại Sài gòn đã làm xúc động dư luận thế giới.
Bên cạnh những người trải qua quá trình tranh đấu cho nhân quyền đã bày tỏ sự ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo một cách nhiệt tình, những nhà đạo đức xã hội tôn giáo (socio-religious moralists) phương Tây, nhất là Hoa Kỳ, đặt vấn đề tự thiêu có phải là “sát sanh” hay “tự thân bạo động” đi ngược với tinh thần Phật giáo là bất sát sanh (Ahimsa) và bất bạo động (Non-violence) không? Câu hỏi đã đuợc nhiều nhà nghiên cứu sử học, xã hội học, và tôn giáo học như Robert J. Topmiller, Douglas Pike, Danielle Berrigan, Martin Luther King… chỉ rõ rằng, tự thiêu (self-immolation) và tự ép xác (self-mummification) … tự hiến dâng cái thân tứ đại giả tạm của đời người cho những mục đích cầu nguyện, vị tha, tế độ cao vời là một sự hành đạo khá phổ biến trong giới tăng già Phật giáo có từ thời xa xưa ở Ấn Độ và Trung Hoa. Đó không phải là hình thức tự sát hay tự tử; “tự thân bạo động” hay chối bỏ cuộc sống theo khái niệm đời thường mà đây là một chí nguyện dâng hiến tấm thân của mình cho đại cuộc hoàn toàn tự giác và giác tha. Robert J. Topmiller còn đi xa hơn trong việc so sánh hình ảnh tự thiêu để thắp sáng lương tâm con người với hình ảnh Đức Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá để chuộc tội cho loài người đều là mang tính cao cả của sự quên mình vì người.
Vụ tự thiêu của ngài Quảng Đức là tiếng vọng hải triều làm chấn động lòng người. Đó là một thông điệp vũ bão và quyết liệt nhất, xác định sự dấn thân không lùi bước của người Phật tử trong tiến trình đấu tranh cho quyền tự do và công bằng tôn giáo. Mọi người nín thở chờ phản ứng của cả hai bên.
Năm ngày sau vụ tự thiêu, Thông Cáo Chung của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và Ủy Ban Liên Bộ của chính quyền được ký kết với chữ ký khán duyệt của hòa thượng Thích Tịnh Khiết và tổng thống Ngô Đình Diệm. Đây có thể được xem như là văn kiện quan trọng nhất trong quá trình thương thuyết giữa hai bên. Nhưng lịch sử cổ kim đã chứng minh rằng, trên vũ đài chính trị, trong bất kỳ cuộc tương tranh nào, những văn bản hay ngôn ước hứa hẹn đơn phương hay song phương chỉ được thực thi khi hai bên đều có bạo lực tương đương để khống chế nhau. Có vẻ như Thông Cáo Chung trở thành một viên thuốc an thần cho cơn sốt thời cuộc, không được bên có ưu thế của quyền lực chính trị và quân đội trong tay thi hành nghiêm chỉnh. Ngược lại những chuổi xung đột giữa các viên chức chính quyền và khối quần chúng Phật tử ngày một trầm trọng. Cường độ và quy mô của cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo và phản ứng chống đấu tranh bằng phương tiện bạo động của chính quyền càng ngày càng leo thang làm cho “Thông Cáo Chung” càng ngày càng trở thành một văn kiện đầy mĩa mai và quá xa vời với thực tế!
Đầu tháng 7-63 tôi trở về Huế để chuẩn bị cho năm học mới. Cả thành phố Huế đang ở giữa cơn sốt thường xuyên của phong trào tranh đấu Phật giáo và nỗ lực dùng vũ lực để khống chế các cuộc biểu tình xuống đường của chính quyền đương nhiệm. Chùa Từ Đàm và Diệu Đế trở thành hai trọng điểm của phong trào Phật giáo đấu tranh tại Huế rất giống với hai chùa Ấn Quang và Xá Lợi tại Sài Gòn.
Tôi học lớp đệ nhị trường Quốc Học Huế. Không khí bãi khóa, xuống đường như thường xuyên treo lơ lững trong hai trường Quốc Học và Đồng Khánh. Đây là hai trường “làm anh, làm ả” của Huế, nên hầu như sự khởi xướng các cuộc bãi khóa của sinh viên và học sinh Huế đều xuất phát từ trường Luật và trường Quốc Học. Vì tình hình ngày học ngày không, tôi rời nhà trọ ở đường Lê Đình Dương để về ở làng. Mỗi buổi sáng, buổi chiều đạp xe lỏn tỏn từ làng lên Huế và từ Huế về làng, bao giờ mẹ tôi cũng dặn dò: “Tên con nằm trong sổ đen của họ rồi, chừ như con cá trên thớt. Con thương mạ thì nghe lời mạ, đừng có hăng quá mà bị bỏ bao bố liệng xuống rào (sông) khổ thân con ơi!” Rồi mẹ tôi lập đi lập lại cái nghệ thuật xử thế khôn ngoan của người dân quê chỉ muốn yên thân sau lũy tre xanh:
Cây cao gió dật gió dờ,
Chẳng bằng cây thấp gió đưa dịu dàng.
Tôi chỉ muốn làm “cây thấp”, nhưng thấp tới mức nào thì chẳng ai có thước càn khôn mà đo giùm cho tôi cả.
Tháng 8-63 bầu không khí thành phố Huế trở nên sôi động và căng thẳng hơn bao giờ hết với những cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực, đình công, bãi khóa, bãi thị, đàn áp xẩy ra liên tục. Sự yên tĩnh của những ngôi chùa làng quanh Huế vốn đang dao động theo nhịp đập của Từ Đàm và Diệu Đế bỗng chao đảo rúng động với tin tự thiêu của sa di Thanh Tuệ ở chùa Phước Duyên và ngọn lửa của Hòa thượng Thích Tiêu Diêu bùng lên ngay trên sân chùa Từ Đàm. Những huynh trưởng Gia đình Phật tử miệt đồng chúng tôi kết đoàn gần nhau lại, dáo dác tìm nhau tự hỏi: “Phải làm gì để bày tỏ thái độ cụ thể tiếp tay với cuộc đấu tranh chung?!” Trong hoàn cảnh xóm làng xa xôi và chùa làng cô quạnh mà một tiếng gà gáy lên xóm trên chưa dứt, xóm dưới đã nghe, mọi sự động tĩnh đụng chạm đến chính quyền sẽ bị “cuốn theo chiều gió” như đám lá tre khô vương vãi ở đầu làng. Vì hầu hết huynh trưởng và đoàn sinh bận công việc đồng áng suốt ngày nên các GĐPT ở làng phải sinh hoạt vào mỗi tối thứ bảy. Gặp những đêm không trăng, những buổi họp đoàn soi mặt nhau dưới ánh đèn gió vật vờ làm phảng phất một vẻ tôn nghiêm và kỳ bí lạ lùng. Nghe tường thuật các vụ tự thiêu, các em oanh vũ thường khóc thút thít và đã có em lên tiếng thơ ngây, nghĩ đến chuyện tự thiêu tập thể như một cuộc du ngoạn vào chốn thần tiên: “Hay mình cầm tay giây thân ái quanh đụn rơm, rồi quăng hết đèn gió vô trong đó cho đến khi lửa cháy hết với mình…” Tôi nghĩ đến những cuộc thánh chiến, nghĩ đến những ngọn lửa trong tim, những ngọn lửa trong cuộc đời thường. Một phần lịch sử nhân loại đã bị thiêu hủy không phải bằng ngọn lửa đời thường mà bằng biển lửa trong tim. Dập tắt những kinh thành đang bốc lửa khó mà dễ. Nhưng dập tắt những ngọn lửa trong tim mới là khó. Trên bề mặt phẳng lặng, những ngọn lửa trong tim đang cháy…
Ngày 21-8-63, chính quyền đã “tổng dập tắt” biển lửa đấu tranh của phong trào Phật giáo trong toàn quốc bằng tất cả sức mạnh vũ bão quyết liệt nhất mang tên là “chiến dịch Nước Lũ”. Những cứ điểm cuối cùng của Ấn Quang, Xá Lợi, Từ Đàm, Diệu Đế đều bị quét sạch tan hoang. Tất cả tăng, ni, Phật tử bị tình nghi là có tham gia phong trào đấu tranh đều bị bắt giam không cần bằng chứng, trát tòa hay sơ vấn. Buổi chiều hôm sau, khi tôi đang ngồi học bài ở hậu liêu của nhà thờ họ Trần, mẹ tôi chui qua hàng tre và hốt hoảng báo tin: “Thằng Thọ bị bắt rồi! Chừ họ đang tìm con…” Thọ là liên đoàn phó GĐPT của tôi. Mẹ tôi cầm tay tôi lôi đi trốn. Chạy băng qua mấy hàng tre thưa từ xóm Kên, qua xóm Giữa, xóm Cụt, xóm Bàu lên khu Mã Vôi là nơi có mộ Ba tôi đang nằm ở đó. Lúa mùa tháng Tám sắp chín. Cả đồng lúa trĩu bông là nơi ẩn nấp tạm thời khá an toàn vì đồng ruộng mênh mông và hoang vắng ít người để ý. Mẹ tôi và tôi bò sát giữa bờ đất giữ nước của đồng lúa. Bức trường thành ngút ngàn ruộng lúa che khuất hai mẹ con. Lên tới Mã Vôi, tôi kiếm chỗ nấp sau bình phong của lăng mộ. Mẹ tôi bò về lại để chờ trời tối bới cơm lên cho tôi. Mẹ đi chưa tàn điếu thuốc, hướng về phía làng, tôi đã thấy bóng người lố nhố từ sau dãy tre làng băng đồng tiến tới. Tôi hốt hoảng rời vùng lăng mộ, vừa chạy lúp xúp vừa bò về phía Bàu Tháp. Nhưng mấy con đường mòn lơ thơ đã bị khóa chặt. Tôi bị đón đường. Ngoài ông ấp trưởng và mấy anh dân vệ còn có thêm một khuôn mặt khác, đó là bác Thỏa ở làng kế cận. Tôi chỉ biết lờ mờ là bác ta làm gì đó ở bên huyện, bên tỉnh nhưng không biết giữ chức vụ gì, người làng tôi gọi bác là “mật vụ” nhưng thuở đó tôi không để ý nên chưa có khái niệm gì rõ ràng về cái nghề “mật vụ” lạ hoắc đó cả. Lần nầy tôi không bị trói như lần trước mả chỉ bị bi hai anh dân vệ xốc nách kéo đi.
Khi đến đường cái thì đã có một chiếc xe Land Rover màu xanh rêu bịt bùng chờ ở đó. Xe mở cửa sau nhưng thấy tối om, sợ quá tôi không dám lên. Dùng dằng rồi cũng bị đẩy vào. Bên trong chỉ có bác Thỏa và tôi. Bác Thỏa là người làng lân cận, nghe nói là làm việc “bên tỉnh”. Bác có 3 đứa con học bậc Trung học ở Huế thường cuối tuần lên về chung chuyến xe đò với tôi nên quen. Tôi không rõ là bác Thỏa có biết tôi không hay tảng lờ coi như không biết để dễ làm việc.
Vừa rướn người vào được trong xe, lập tức cánh cửa sau xe đóng sầm lại. Bác thỏa nhanh như kiếm sĩ, rút cây roi để sẵn trong xe, chẳng nói chẳng rằng quất mạnh vào lưng tôi. Ngọn roi mềm quấn qua lưng qua bụng và bác Thỏa rút mạnh, tôi ngã lăn nằm úp mặt lên sàn xe. Một loáng sau tôi mới có cảm giác đau đến tê dại như bị cắt từng mảnh da thịt sau lưng. Tôi quằn quại uốn mình trong cái đau như con giun bị chắn đầu. Bác Thỏa nạt như sấm:
– Nằm im! Mi ngo ngoe là chết liền!
Tôi sợ quá nhưng tiếng rên vẫn cứ bật ra khỏi miệng. Đường lên Huyện toàn ổ gà to như cái nón. Tôi nằm sấp, mặt va vào sàn xe theo đà lắc lư của ổ gà. Bác Thỏa ngồi đón đầu, hai chân mang giày và đạp lên hai vai tôi để đè tôi nằm im xuống sàn xe. Xe chạy được một khoảng, tôi muốn ói vì mùi phân trâu và bùn thối từ giày bác Thỏa chảy lên vai lên mặt tôi. Tôi cố dùng tay đẩy nhè nhẹ đôi chân giày của bác Thỏa ra khỏi vai để đở bị ngộp thở nhưng bác càng ấn chặt xuống. Nửa đường, cái sợ biến đâu mất để nhường lại cho cơn giận bốc lửa của tuổi thanh niên ùa đến. Cơn giận như thuốc súng làm tôi ngồi bật dậy như cái lò xo. Bác Thỏa hốt hoảng vung cây roi lên nhưng tôi đã nhanh hơn chụp lấy ngọn roi da dài ngoẵng quấn nhiều vòng vào bàn tay của mình. Tự biết sức ông già văn phòng không cưỡng lại sức thanh niên đồng ruộng nên bác Thỏa giở giọng cả vú lấp miệng em:
– Ối! Cái thằng khốn nạn. Mi dám làm loạn chống lại tao phải không?
Tôi cố hét lên rất to cho át tiếng xe gầm rú và để bác Thỏa nghe cho rõ:
– Thưa bác, tôi không dám chống lại bác, nhưng bác không được đánh tôi. Nếu bác muốn giết tôi thi giết cho chết còn bác đánh tôi bị thương thì con Luật, thằng Lệ, thằng Pháp… đừng có hòng yên thân đi học với tôi.
Trong ánh sáng mờ gần như tối, tôi có thể đọc được nét sững sờ của bác Thỏa qua sức kéo của cán roi da lơi dần trong tay tôi… Tôi có thể hiểu được tâm sự của một người cha, dù ông ta đang đứng cong mình trên tuyến lửa. Muốn lên Huế học, các con của bác ấy phải đi qua làng tôi. Bác cũng hiểu đất lề quê thói. Gây thù hận với làng bác, tôi chỉ cần tránh mặt không lên chơi. Nhưng gây thù hận với làng tôi, bác và con cái của Bác chỉ còn nước chui xuống sông đi thuyền; từ lỗ vốn đến trắng tay mà thôi. Tôi ngồi dựa vào thành xe, tay không rời cuộn giây roi. Bác Thỏa hút thuốc liên tục, trầm ngâm và lặng lẽ.
Hai năm sau cái lằn roi đầu tiên của bác Thỏa quất lên mình tôi vẫn còn in dấu sau lưng nên các em trong GĐPT thấy và gọi đùa là “huy chương mật vụ”. Sau nầy tôi mới biết đó là roi gân bò dùng để tra khảo tội phạm.
Suốt hai tuần bị giam ở lô cốt huyện Hương Trà, tôi lấy làm lạ là chỉ bị kêu lên khai báo lấy lệ có một lần, được ăn cơm cà-mèng, hút thuốc Ruby Quân tiếp vụ phì phà của lính. Mỗi ngày một buổi đi làm tạp dịch lao động quanh huyện đường. Rồi đến một hôm, tôi được gọi lên văn phòng huyện. Người ta cho biết là cơ quan TK 2(?!) bắt tôi và gửi ở Huyện 10 ngày nhưng quá hạn 3 ngày rồi mà người của TK2 không ai đến nhận. Người trưởng văn phòng hỏi một câu mà tôi cho là “ngây ngô và dễ thương” nhất trong lịch sử đời mình, rằng là, nếu tôi muốn về thì ký giấy để được thả về; còn nếu tôi muốn ở lại thì nói người nhà bới cơm chứ huyện đã hết khẩu phần cho tôi. Mãi sau nầy tôi mới biết là thuở đó, người mật vụ như bác Thỏa ưa bắt ai thì bắt, khỏi cần trát tòa, án lệnh hay giấy tờ lôi thôi. Bác chỉ cần ban cho cái nhãn hiệu “phá hoại” theo bọn biểu tình gây rối là đủ cơ sở pháp lý để bắt đi. Nhưng sau khi xách tôi đem về gửi ở Huyện, bác ấy đi chuyến khác, không may bị thanh niên làng bên bất mãn bao vây đánh trọng thương, nên quên luôn những “món hàng” đã bốc và ký gửi tạm thời ở Huyện của bác ta. Mãi cho đến nhiều năm sau, tôi vẫn tự hỏi rằng, nếu bác Thỏa không bị hành hung phải bỏ dở dang công tác để đi vào bệnh viện; và nếu không có ngày 1-11- 1963 chấm dứt chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm thì những món hàng của bác Thỏa gửi ở Huyện Hương Trà và thân phận của tôi sẽ đi về đâu? Tôi sẽ bất công với chế độ Ngô triều nếu tự kết luận một cách dễ dãi và chủ quan theo sự suy diễn thường tình của tôi. Cũng không sao, đôi khi câu hỏi tự hàm chứa câu trả lời và im lặng cũng là một cách phát biểu.
Bốn Mươi Năm Nhìn Lại
Bốn mươi năm đã qua, 1963 – 2003, chân đã quen chạy vòng quanh những con đường đất cũ quê ta và đất mới quê người, tôi vẫn phân vân khi chưa có dịp lắng lòng quay đầu ngó lại. Một quãng đời 40 năm: “Một thời dấn thân và một thời bám víu”!
Ngày đó, tôi là một gã trai làng 18 tuổi. Khi suy nghĩ và cho là đúng, với rất ít lưỡng lự, tôi “lên đường” và sẵn sàng dấn thân không quản ngại gian nan đang chực chờ đâu đó. Tuổi trẻ, tôi còn cả một con đường dài trước mặt để sẵn sàng chấp nhận vấp ngã và vịn thời gian mà đứng dậy. Tôi chẳng có gì để bám víu hay sợ hãi nếu chẳng may không còn gượng đứng dậy được. Tôi còn nhớ, với một chút khả năng còm nói tiếng Anh Hội Việt Mỹ, tôi vẫn thường được bạn bè đẩy ra làm thông dịch cho các phái đoàn báo chí ngoại quốc, nhất là Mỹ, nườm nượp kéo đến Huế vào những năm sáu mươi. Tôi nói đến đất nước mình với niềm tự hào chất ngất. Nói đến sự bất công xã hội, thảm trạng chiến tranh, mưu đồ chính trị bằng những ý nghĩ chân thực phát ra từ trái tim tươi trẻ và suy tư nóng bỏng của mình, bất chấp sự đụng chạm hay áp lực từ bất cứ phía nào đến dù không có lợi cho tôi.
Thuở đó, tôi có được những người bạn Mỹ (Jeff Peterson, Doug Hottester, Peter Downs), bạn Úc (Tom Wilshire), Pháp (Jean Pierre)… thật khả ái, cách mấy đại dương vẫn còn thư từ qua lại; và những thằng bạn nối khố “trần ai tri kỷ” như Đặng Văn Tuấn, Đoàn Tuyền Châu, Phạm Túy Linh, Trần Kiên Nhẫn…
Rồi 40 năm sau, có vẻ như tôi “lớn” hơn, chín chắn, chững chạc hơn. Nhưng thực ra thì dù muốn hay không muốn, tôi cũng chỉ già hơn với cành lá rườm rà, gốc rễ sù sì như cây gỗ gió trên rừng. Gỗ gió vốn vô tính và vô tâm. May gặp gió ngàn hương thì phảng phất dăm ba miếng trầm để lại cho đời mà không may đứng giữa luồng gió chướng thì cũng chỉ là tiêu điều thân gỗ mục. Thời gian còn lại thì quá ít nên tôi chỉ muốn mọi sự “chắc ăn”, không dám chấp nhận vấp ngã và đứng dậy. Càng già, tôi lại càng khám phá ra rằng, tôi không dám to gan để dấn thân vào những nẻo đường đời khai phá. Càng ngày, tôi càng có nhiều thứ trong đời để bám víu, đề phòng, bảo vệ và cất giữ khư khư không dám rủ bỏ. Điều mĩa mai trên chặng đường 40 năm đó là tuy tôi có 20 năm sống, học hành và làm việc trên đất Mỹ, tiếp cận với xã hội Hoa Kỳ hàng ngày, nhưng lại xa Mỹ hơn thời kỳ 40 năm trước khi còn ở Huế. Tôi cũng có nhiều bạn Mỹ nhưng lại vắng bóng những khuôn mặt “chia sẻ tâm tình” như ngày xưa trên quê hương. Tôi có nhiều người bạn Việt Nam nơi quê người nhưng lại thiếu những thằng bạn “trần ai tri kỷ” như ngày đó ở quê nhà.
Đã bao lần đứng trước cử tọa nước ngoài hay trình bày tham luận về văn hóa Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, có lẽ tôi đã “khôn khéo” hơn, lý luận đầy thuyết phục hơn để chinh phục người nghe, nhưng lại không chinh phục được chính mình. Khi đem so sánh mình hôm nay với chính mình thời Phật giáo tranh đấu 1963, tôi mới cảm nhận hết sức bật của ngọn lửa tuổi trẻ dấn thân đã bớt dần sự xác quyết trong tôi vì “khôn ngoan” và… sợ. Sợ không đẹp lòng nhóm văn hóa nầy, sợ không vui lòng nhóm nhân chủng nọ, sợ đụng chạm đến thành phần xã hội kia, sợ mất quyền lợi. Tôi có quá nhiều trói buộc để giới hạn tự do, tự co mình trong vỏ ốc. Như một người khách phong trần:
Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách,
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Càng ngày càng xa quê hương đích thực – nơi có bản ngã uyên nguyên của mình – hàng vạn dặm như thế. Tôi hôm nay và chú nhỏ huynh trưởng miệt đồng thời xưa sẽ còn bao giờ gặp nhau hay xa nhau vĩnh viễn?
Nếu chiếc cầu thế hệ chỉ tính trên thời gian năm tháng thì thế là hết. Tuổi trẻ qua rồi!
Nhưng nếu đo dòng thời gian bằng cái chân tâm của mỗi người thì tôi nghĩ mình vừa may mắn gặp lại chú huynh trưởng miệt đồng thuở ấy vẫn còn gối đất ngủ say nguyên vẹn trong tôi. Tôi và chú ấy vẫn còn tìm về nhau trong niềm an lạc của ánh đạo vàng. Tôi mĩm cười với chú ấy khi cả hai cùng nghe một tiếng chuông chùa còn vang vọng đâu đây. Tiếng chuông u trầm nhưng không u uẩn như một thời đồng vọng trong lửa Hạ 63. Ngày nào còn một tiếng chuông đi để mang niềm an lạc trở về, ngày đó thời gian không phôi pha mà trở thành nụ cười tĩnh lặng. Bốn mươi năm, nửa cuộc phong trần, có những nỗi buồn đã hóa kiếp thành vui hay có những niềm vui lấm tấm nỗi buồn. Hồi chuông lạnh cả hư không vẫn ngân nga kêu gọi phải rủ bỏ vọng tưởng để trở về với chính mình. Quên mình là lạc đường. Biết về đâu khi không có nẽo về; khi tiếng chuông vẫn còn là ảo ảnh bâng quơ, lạc loài, chưa dứt!
Trần Kiêm Đoàn