Trước thời kỳ Phật giáo Tranh đấu cho quyền Tự do và Bình đẳng Tôn giáo năm 1963, tại Huế, có một danh xưng truyền thống phổ biến mà người bình dân cũng như hàng quý tộc Phật tử xứ này luôn dùng xưng hô với quý Thầy cao niên hàng danh tăng, đạo hạnh, đó là tiếng “Ôn”. Trong ngữ âm tiếng Huế, từ “Ôn” được phát âm một cách khiêm cung, trìu mến, trang trọng bằng âm hưởng “ôôn” nằm lưng chừng giữa ngữ âm cuối “ôn” trong tiếng Bắc và “ông” trong tiếng Việt phổ thông.
Hầu hết Phật tử và khách viếng chùa, ít người biết đến thế danh, pháp danh, đạo hiệu, pháp vị của Thầy Tổ mà vẫn thường quen dùng tên riêng của ngôi chùa như là một “danh xưng quy ước” của “ôn”.
Người ta biết đến Ôn Từ Đàm, Ôn Vạn Phước, Ôn Châu Lâm, Ôn Từ Hiếu, Ôn Trúc Lâm, Ôn Trà Am, Ôn Tường Vân, Ôn Linh Mụ, Ôn Tây Thiên… nhưng rất hiếm người biết quý Thầy qua pháp danh, đạo hiệu hay pháp vị như Thượng toạ… , Hòa thượng…
Đã bốn mươi lăm năm quy y với Ôn Châu Lâm mà tôi vẫn chưa biết hay có ý khám phá pháp danh hay đạo hiệu của Ôn là chi. Mãi đến khi viết những dòng nầy, tôi mới để tâm sưu khảo và biết tên đạo của Ôn là Thích Viên Quang. Nhưng có pháp danh hay đạo hiệu nào cao sâu hơn mà khi nhắc đến là cả một tiếng chuông vọng lên từ trong tâm nguyện như “Ôn Châu Lâm.”
Thế nhưng, trong ký ức thâm sâu vẫn có những biệt lệ. Như dẫu đã xa Huế, rời quê hương mấy chục năm qua, tôi vẫn luôn nhớ về Ôn Trúc Lâm cùng một lần với tên đạo của Ôn là Thích Mật Hiển.
Xa Huế, được đến những kinh đô và những khu cư dân tụ hội Phật giáo xứ người, tôi càng có cảm nhận sâu sắc hơn về một hình ảnh đậm màu tâm lý, rằng: “Huế là một thủ đô Phật giáo của Việt Nam.” Khái niệm “thủ đô” chẳng phải là một hiện thể của lâu đài, tự viện nguy nga theo chiều rộng và chiều cao mà chính là để nói lên kích thước của chiều sâu – một chiều sâu huyền nhiệm và thiêng liêng – đầy tính mặc khải, không thể thu hình hay ghi số liệu được, mà người ta chợt xúc động bắt gặp như một ngọn trào tình cảm đậm dấu tâm linh ẩn hiện trên những chặng đường đời không định trước của mình.
Thời nhỏ, mỗi năm vào mùa Vu Lan tôi thường theo mẹ và các bác trong khuôn hội Liễu Hạ đi chùa “bổn sư” là chùa Châu Lâm. Lần nào đoàn hành hương cũng đến viếng chùa Trúc Lâm nằm trên đồi Dương Xuân Thượng. Khi các bác sắp hàng đảnh lễ Thầy Trúc Lâm, tôi chỉ dám dứng xớ rớ bên ngoài. Thuở ấy, tuy chỉ mới ngoài năm mươi tuổi nhưng đối với tôi, Thầy trụ trì chùa Trúc Lâm trông có vẻ uy nghi và đường bệ như một đại tăng cao niên. Nhất là khi mẹ tôi và các bác thì thào nói với nhau rằng: “Uy Thầy lớn lắm. Thầy ‘cao tay ấn’ trừ tà bắt ma như người thường bắt chuột!” Nghe thế, tôi lại càng kính cẩn đứng xa nhìn thầy vì tôi vốn ở nhà quê, vườn rộng và sợ ma hơn cả sợ bị mẹ bắt ngủ trưa. Nhưng lần nào Thầy cũng ưu tiên ngoắc thằng nhỏ tôi đang đứng im thin thít ngoài hiên vào cho trái cây. Vườn nhà tôi ở quê cũng thuộc hàng đệ nhất cây trái, nhưng chưa bao giờ có được những trái khế ngọt lịm, mọng nước như quả khế chùa Trúc Lâm của Thầy cho. Ngày ấy, tôi cứ chăm chăm nhìn sâu vào đối mắt sáng quắc của Thầy để tìm cho ra cái “thần lực trừ tà ma” trong mắt Thầy như các bác khuôn hội rỉ tai cho nhau, nhưng tôi chẳng thấy gì trong đôi mắt và khuôn mặt “diệt ma vương” của Thầy, ngoài ánh từ quang trong đôi mắt và nét nhân hậu hiền hòa từ nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt thanh tú của Thầy.
Ấn tượng tuổi hoa niên của tôi đối với Thầy Trúc Lâm cũng như Thầy Châu Lâm là sự tôn kính đơn giản một chiều mà hầu như là do mẹ tôi và người lớn truyền lại.
Nếu không có cuộc Phật giáo Tranh đấu 1963, có lẽ suốt đời tôi cũng sẽ đến chùa đảnh lễ quý Ôn với lòng tôn kính một chiều như vào chùa lạy Phật với tinh thần thụ động của một tín đồ tôn giáo mà thôi. Thế nhưng giáo sử Phật giáo trong lòng lịch sử thăng trầm của dân tộc đã đưa hình ảnh trầm mặc của quý danh tăng xứ Huế, phải ra tiếp cận với thế quyền đang múa may trên vũ đài chính trị.
Phật Đản năm 1963!
Tôi là liên đoàn trưởng Gia Đình Phật Tử Liễu Hạ trực thuộc Ban hướng dẫn Thừa Thiên Huế. Tôi làm trại phó kiêm trưởng ban Đời Sống Trại của trại Tất Đạt Đa mừng Phật Đản. Đây là một liên Gia đình Phật tử gồm có 7 đơn vị: Cổ Lão, Liễu Hạ, Hương Cần, Triều Sơn Trung, An Thuận, Vân Cù, Nam Thanh.
Biến cố đã xảy ra trong đêm lửa trại mừng Phật Đản của chúng tôi.
Tôi xin trích một đoạn bài tôi đã viết về “đêm đó” đã đăng trong sách Bốn Mươi Năm Nhìn Lại do Giao Điểm xuất bản năm 2003:
“Đêm rằm trên đồng lúa mênh mông vừa mới gặt chỉ còn gốc rạ lô nhô, trăng đồng quê dịu mềm như sữa mẹ rót xuống lòng đời biền biệt không bao giờ khô cạn. Đêm văn nghệ lửa trại còn để lại âm vang trìu mến trên từng gốc rạ và đống lửa chưa tàn. Sơn Ca và Ban quản trại là những người không được ngủ khi chưa nghe hết tiếng ngáy thân thương của các em trong mỗi cụm lều. Tôi thổi còi im lặng, báo giờ ngủ cho toàn trại nhưng tiếng cười rúc rích “mỗi năm mới có một lần” của các em trại sinh vẫn lao xao đây đó. Đêm đã khuya, tôi và các anh chị trong Ban quản trại cố đi quanh dập tắt tiếng cười tíu tít của các em trong đêm chia tay, nhưng tiếng cười đó lại chảy vào lòng mình thân thương và ấm quá! Đêm về sáng. Tôi và anh Lũy, trại trưởng, vẫn còn thức. Trên đường quan lộ, hình như có ai đang về. Tiếng xe đạp dừng lại và anh Đãi, chú Phẩm, chị Gái… vừa chạy lúp xúp, vừa thở hổn hển báo tin dữ: “Phật tử bị giết ở đài phát thanh nhiều lắm! Nguy rồi! Chắc chuyến ni chết hết!” Rồi các anh chị kể lại, không đầu không đuôi, rằng là các anh chị từ chùa Từ Đàm về, qua đài phát thanh Huế, nhưng chỉ thấy xe tăng, lính tráng, cảnh sát đang giành giựt, xô xát nhau với đám đông; rồi vòi rồng xịt nước, súng bắn, lựu đạn nổ, máu đổ, người chết… mới xảy ra hồi 9, 10 giờ tối. Tôi chưa biết ai giết ai nhưng một cảm giác rúng động chạy dài trong dòng suy nghĩ. Tôi liên tưởng đến mội chuổi mắc xích nối kết giữa việc cấm treo cờ Phật giáo và cuộc bạo động đổ máu vừa xảy ra. Tôi chong mắt chờ sáng để nghe những tin tức mới. Sáu giờ sáng 9 tháng 5 năm 1963, đài BBC Luân Đôn và tiếp đó, đài VOA loan tin về cuộc biến động xảy ra trước đài phát thanh Huế như sau: “Theo thông lệ hàng năm, chương trình phát thanh đặc biệt dành cho lễ Phật Đản được phát thanh vào lúc 8 giờ tối trên làn sóng điện của đài phát thanh Huế. Nhưng năm nay, chương trình này không được phát sóng. Quần chúng chờ đợi ở nhà không được nghe nên đã tìm đến đài phát thanh Huế để biết sự việc. Vì số lượng người khá đông đảo nên thiếu tá Đặng Sĩ, phó tỉnh trưởng nội an kiêm tiểu khu trưởng tiểu khu Thừa Thiên đã gọi đó là ‘đám biểu tình’ và huy động lực lượng thiết giáp Bảo an, vũ trang quân cảnh và cảnh sát thành phố Huế tới vây quanh. Mở đầu là xe vòi rồng cứu hỏa đến xịt nước giải tán. Tiếp theo là bắn đạn mã tử, lựu đạn khói, lựu đạn cay được tung vào. Sau cùng là súng trường, lựu đạn nổ và xe thiết giáp được sử dụng vào lúc 9 giờ 30 tối. Hậu quả của cuộc xung đột nầy là máu đã đổ: Tám người thiệt mạng và bốn người bị thương. Xe thiết giáp cán vỡ đầu một thiếu nhi, một em nhỏ khác bị cán mất nửa đầu và một em nữa mất hẳn đầu.”
Sự phản kháng trước một hoàn cảnh bi thiết như thế là điều tất yếu.
Cùng với hàng hàng lớp lớp những người Phật tử yêu Đạo Pháp và Dân Tộc, tôi dấn thân vào cuộc tranh đấu cho quyền tự do và bình đẳng tôn giáo. Cung cách nghiêm cẩn mà trẻ trung, uy vũ mà phóng khoáng của Thầy Thích Mật Hiển thể hiện từ đầu trong quá trình đấu tranh đã làm cho tuổi trẻ Phật tử và đoàn sinh GĐPT chúng tôi hướng về Thầy như một biểu tượng của tấm lòng, trí tuệ và sức mạnh của tinh thần Bi-Trí-Dũng.
Bản tuyên ngôn ngày 10-5-1963 đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ về quyền tự do và bình đẳng tôn giáo đã làm nức lòng người Phật tử. Bản văn mang chữ ký của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Mật Nguyện, đại diện Giáo hội Tăng già Trung phần; Thượng tọa Thích Trí Quang, đại diện hội Phật giáo Việt Nam tại Trung phần; Thượng tọa Thích Mật Hiển, đại diện Phật giáo Thừa thiên và Thượng toạ Thích Thiện Siêu, đại diện Tỉnh hội Phật giáo Thừa thiên. Có thể nói rằng, sau biến cố Đài Phát Thanh Huế, bản Tuyên Ngôn của quý Thầy đã đánh thức sức mạnh tâm linh của người Phật tử tuổi trẻ như chúng tôi thời đó biết đối diện và kết hợp giữa niềm tin chơn chất từ bi và sự công bằng xã hội. Chúng tôi không những chỉ biết đến chùa tu học theo tinh thần từ bi hỷ xã của đạo Phật mà còn biết phản kháng trước những phi lý và bất công xã hội. Các danh tăng xứ Huế một thời là biểu tượng cho tuổi trẻ Phật tử chúng tôi noi theo trong quá trình tu học và phản kháng khi cần thiết đó.
Vào thời điểm những năm sáu mươi, tuy Thượng Tọa Thích Mật Hiển ở vào niên kỷ 56 vào thời điểm 1963 nhưng danh xưng “Ôn Trúc Lâm” đầy tôn kính đã bắt đầu phổ biến trong quần chúng Phật tử Huế đương thời. Tôi không có cơ hội gần gũi Ôn Trúc Lâm trong thời kỳ Phật giáo đấu tranh nhưng lại được thường xuyên nghe đến tên Ôn trong hàng giáo phẩm cao cấp của chư tôn đức Phật giáo lãnh đạo cuộc đấu tranh. Thế nhưng tôi lại được duyên lành gần Ôn sau ngày lực lượng “Trâu Điên” dẹp bàn thờ năm 1966.
Tôi vẫn chưa quên những ngày “lánh nạn” nay xin tá túc chùa nầy, mai xin tá túc chùa khác để khỏi bị phiền lụy với những thế lực đang a dua với đợt tấn công dẹp bàn thờ. Giữa chuỗi ngày long đong ấy, lần đầu tôi được viếng trực tiếp Thầy Thích Mật Hiển tại chùa Trúc Lâm trong một cơ hội thật tình cờ. Chú Thành chở tôi bằng xe đạp giàn từ Châu Lâm qua Trúc Lâm. Đến chùa, gặp lúc Thầy Trúc Lâm đang ghi văn sớ cho một trai đàn giải oan. Thầy hỏi chú Thành:
– Nì, rứa chơ bộ áo lính “trellis” với đôi giày lính bốt-đờ-sô viết cách răng đây hè?
Trong khi chú Thành đang còn trù trừ suy nghĩ thì tôi đã nhanh nhẩu xen vào:
– Bạch ôn, thử ghi là “hành quân y nhất bộ” và “hành quân hài nhất lõa” coi có được không ạ!
Thầy gật đầu cười hoan hỷ:
– Ừ, coi bộ viết rứa được đa!
Rồi Ôn nhướng mắt ngạc nhiên hỏi tôi:
– Con học chữ Nho khi mô rứa?
Tôi thưa:
– Dạ, con học với thầy Giáo Cương ở dưới làng và mấy thấy ở Di Luân đường…
Thầy khen:
– Sáng dạ, giỏi hỉ!
Từ đó, thỉnh thoảng tôi lên thăm Thầy một mình. Tôi thích nhất là được Thầy cho uống trà ướp hoa mộc trồng ở chùa. Trà mộc làm cho người ta cảm thấy gần gũi với cuộc sống hiện thực xung quanh hơn là hương ngát nhưng xa vời của trà sen. Tôi học ở Ôn Trúc Lâm thân giáo nhiều hơn là ngôn giáo. Ôn không thuyết giảng dài dòng, nhưng lời của Ôn thường ngắn mà rất rõ ràng minh bạch, đi thẳng ngay vào sự việc chứ không minh họa quanh co.
Từ sau năm 1975, tôi không còn cơ hội gặp lại Thầy Thích Mật Hiển nữa. Nhưng tâm ảnh của Thầy trong tôi vừa… chơn chất hiển hiện; vừa ẩn mật xa xăm.
Cách đây 5 năm, khi tôi bắt đầu viết truyện dài Tu Bụi (Tu Giữa Bụi Trần) thì hình ảnh “chơn chất hiển hiện mà ấn mật xa xăm” ấy của Thầy Thích Mật Hiển đã giúp tôi nương tựa vào ký ức của mình về Thầy mà xây dựng nên nhân vật Thiền Sư Trúc Lâm. Dàn trãi trên 600 trang sách của tác phẩm, nhân vật nhà sư Trúc Lâm thường xuất hiện bằng hình tượng cao viễn – có… không – như huyền thoại. Nhưng định lực thâm diệu của nhà sư đã giúp hóa giải cho người đời trong những cơn nguy khốn nhất.
Hôm nay, hương Vu Lan năm 2007 vẫn còn lãng đãng trong nắng gió mùa Thu nơi xứ Cali nầy, tôi lắng lòng nhớ về 100 năm kỷ niệm ngày sinh và cũng là húy nhật lần thứ 15 của Ôn Trúc Lâm – Hoà Thượng Thích Mật Hiển. Từ phương xa, con xin đảnh lễ Thầy và xin được nhớ lại ánh mắt ngày xưa của Thầy khi con viết về ánh mắt của Thiền Sư Trúc Lâm trong truyện dài Tu Bụi: “Ánh mắt của nhà sư trong như pha lê, sắc sảo như bảo kiếm và tràn đầy ánh sáng của một buổi bình minh. Vẫn im lặng! Nhưng Trí Hải cảm thấy như người đối diện đang nhìn xuyên suốt quá khứ và vị lai của mình qua ánh mắt…” (Trang 22; bản in tại Mỹ. Trang 20; bản in tại Việt Nam.)
Nhớ thân giáo qua cách hành xử thân thương mà đầy pháp uy của Ôn Trúc Lâm; nhớ ánh mắt trí tuệ của Thầy Mật Hiển là để nhớ về một chặng đường gập ghềnh gần nửa thế kỷ của Dân tộc và Đạo pháp còn ghi dấu ấn của Thầy cùng chư Tôn Đức để lại. Nếu 1963 là một cuộc “pháp chiến chống ma vương” thì hơn 30 năm qua là một cuộc “pháp chiến để tự tồn.” Quý Thầy đã xả bỏ báo thân về với chư Phật, chư Bồ Tát như các Ngài Thích Đôn Hậu, Thích Trí Thủ, Thích Thiện Siêu, Thích Mật Nguyện, Thích Mật Hiển… là những danh tăng. Danh tăng không phải chỉ vì đạo cao đức trọng mà chính là vì sự dấn thân hành đạo giúp đời. Các Ngài đã đem chính hùng lực và thân tâm của mình ra làm bình phong ngăn những luồng gió chướng của cuộc thế đảo điên. Đã có vô số lời ca ngợi, phê phán, bình phẩm, khen chê… từ phía quần chúng chân tâm lẫn vọng tâm bày tỏ. Nhưng có một lời chưa ai bày tỏ, đấy là Hoàn Cảnh Giả Định Rất Thực Tế (Hypothetical Truly Scenarios) rằng, nếu tất cả quý Thầy không chọn đường Trung Đạo – lối đi cốt tủy của đạo Phật – để đi theo biên kiến, dính mắc bên nầy hay bên kia, thì đạo Phật Việt Nam có được hoằng hóa tương đối rộng khắp và sống thực giữa cuộc thế đại chúng như ngày nay chăng? Hay nếu quý Thầy khép kín theo kiểu “bế quan tỏa cảng” nguồn suối tâm linh thì e rằng, Đạo Phật Việt Nam ngày nay cũng chỉ còn là dư vang của những vị “thánh tăng” và những ngôi chùa cổ phong sương rêu phủ dưới những cánh rừng ít có dấu chân người thường lai vãng. Và, nếu quý Thầy không giữ tâm bồ đề kiên cố, thực hành hạnh nguyện Bồ tát để thỏng tay vào chợ, “tu giữa bụi trần” mà độ thế thì đạo Phật Việt Nam sẽ về đâu? Trong lúc suối nguồn Phật giáo thế giới vẫn thường hằng trôi chảy thì riêng dòng Phật giáo Việt Nam với hàng chục triệu tín đồ đang dốc tâm hành thiện và tu học trong từng khoảnh khắc của thời gian giữa cuộc sống vô thường không có lý do và không thể đứng lại chờ đợi ảo ảnh “một thắng lợi sau cùng” nào đó do tha lực mang tới?
Như phương danh trong tên đạo của Ngài, Thầy Thích Mật Hiển đã từng chuyên tu cả Mật tông, Thiền tông và Tịnh Độ tông. Thầy đã đem cả cuộc đời Thầy để trừ tà hiển chánh với tất cả nghĩa bóng và nghĩa đen để đẩy lùi vô minh của phường ác nhân và ma quỷ. Trước cũng như sau cột mốc lịch sử 1975, Thầy đã coi quyền thế như phấn thổ, tiếng tăm như phù vân để xua đi những danh từ hão huyền bám vào cái tâm vọng động làm cho lòng người điên đảo. Thầy dùng pháp lực để hóa giải những xung đột của cuộc sống; không phí phạm tâm sức để dính mắc vào danh từ. Con đường hóa giải của Thầy vẫn còn mang tinh thần chánh đạo của Pháp Thí và Vô Úy Thí Ba La Mật cho những người Phật tử tiếp nối về sau.
Nhớ 100 năm ngày sinh của Ôn Trúc Lâm, tôi giữ cho mình tâm ảnh một Rừng Trúc. Rừng Trúc với những cây trúc thường xuyên chấp nhận thế nghiêng ngữa vật vờ để đương đầu với gió – kể cả gió lành và gió chướng – nhưng không bao giờ nghiêng đổ sau khi cơn gió đi qua. Rừng Trúc vẫn thường được ví von với Rừng Thiền. Căn nhà Phật giáo Việt Nam nhất định không thể xây dựng và sơn son thếp vàng bằng “kỳ nam danh mộc” hay bằng những phương tiện lệch đường Trung Đạo phi Phật giáo do ai từ ngoài mang tới hiến tặng hay gán ép cho ai cả. Xuất phát điểm và đồng thời cũng là tụ điểm cốt lõi nhất của Phật giáo vẫn chỉ có thể là cái Tâm Chánh Định ngay trong lòng mỗi người Phật tử và ở ngay trong khoảnh khắc hiện tại nầy. Đơn giản thế thôi, nhưng đức Phật, chư Bồ Tát và chư Tổ đã liên tục mang đi trong suốt hơn 2.500 năm qua để trao truyền lại cho chúng ta trong thực tế hiện sinh, mà có khi vô tình, ta không thấy vì mãi mê dõi mắt tìm kiếm tầm xa từ phía bên kia hay bên nọ; rồi quên bên trong của chính nơi nầy. Vườn Đạo, ngày xưa khi đức Thế Tôn còn tại thế là Vườn Nai (Lộc Uyển); sao hôm nay lại không thể là vườn Trúc vốn thường hằng ẩn giữa tâm động và hiện trong tâm rỗng lặng của mỗi con người?
Arizona, Mùa Vu Lan 2007
Trần Kiêm Đoàn.