Thân kính gởi anh Trần Duy Phô
Cùng các đạo hữu và thân hữu.
Tôi vừa hoan hỷ, vừa xúc động khi nhận được thư thông báo về đại nguyện xuất gia của anh Trần Duy Phô.
Hoan hỷ là vì sinh ra kiếp làm người đã khó; lại được nhìn thấy ánh sáng Phật pháp lại càng khó hơn. Một bước cuối đời là được xuất gia Phật đạo để tìm con đường giải thoát là một hồng ân mà trong cuộc sống của một xã hội vừa thực dụng vừa năng động như Hoa Kỳ thì mộng ước xuất gia đi tu, trong anh em chúng ta, mấy người có được.
Tuy nhiên, bên cạnh đó tôi vẫn cảm thấy một nguồn xúc động miên man rất khó bàn, khó nói. Từ trong sâu thẳm của lòng mình, chắc chắn tôi cũng như hầu hết các đạo hữu và các bạn, là hết lòng tán thán và khuyến khích chí hướng cao đẹp của một người có tâm tu như anh Phô. Vậy mà khi đối mặt với thực tế đời thường, như nhìn khung cảnh gia đình đầm ấm của anh Phô, chúng tôi lại thấy cảm xúc của mình chùng lại. Chị Phô cũng đang bước lên hàng cao niên và hai cháu con anh Phô đang còn là sinh viên đại học, liệu nỗ lực chạy đuổi với vô thường bằng chí nguyện xuất gia của anh Phô có tạo ra một “ngả rẽ” nào nghiêm trọng cho gia đình không và câu hỏi lan ra xa dần với bao nhiêu sự “cộng hưởng ước định” về mặt từ thiện, đạo tràng, cộng đồng, xã hội mà anh Phô đang là một thành viên năng nỗ.
Trước hết, với sự cho phép của anh Phô, tôi xin được ghi lại nguyên văn: “Thư Xin Phép Xuất Gia” của anh đã gởi cho các bậc tôn túc, trưởng thượng, đạo hữu và bằng hữu và quyến thuộc như sau:
Sacramento, ngày 3 tháng10 năm 2017
Kính thưa Anh Chị Trưởng và Anh Lộc,
(Đồng kính gởi Chú Tộc Trưởng Trần Duy Cặn),
Còn 4 tháng nữa là em đến tuổi “thất thập cổ lai hy”. Những điều gì có thể làm được cho gia đình, cho gia tộc, đem lại niềm vui cho đời, giúp người bớt khổ, em đã làm hết sức mình. Giờ đây đã đến lúc em nên dành nhiều thì giờ hơn cho việc tu tập bản thân, kẻo khi cơn “vô thường” ập đến lại không biết rơi vào đường nào. Sự kiện một người Mỹ dùng súng bắn giết 58 người và gây thương tích cho trên 400 người đang tham dự Lễ Hội Hòa Nhạc tại thành phố hoa lệ Las Vegas, tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ, tối Chủ Nhật vừa qua là một minh chứng cụ thể cho luật vô thường!
Theo gương sáng của Thầy Thích Minh Thủ, đồng thời được sự đồng thuận của hiền nội Ngô Thị Hạnh và các cháu Trần Duy Quang, Trần Thị Khánh Hiền, em kính xin phép Anh Chị Trưởng, Anh Lộc, cùng Chú Hà, Thầy Minh Thủ, O Huế, O Nhớ và đại gia đình hoan hỷ cho em được xuất gia vào ngày 17/10/2017 sắp đến. Em sẽ nhập chúng xuất gia tu học tại Niệm Phật Đường Fremont, thành phố Fremont, cách nhà 2 giờ lái xe. Hòa Thượng Trụ Trì là Tiến Sĩ Phật Học, Giáo Sư ngôn ngữ Pali, hiện nay là Trưởng Ban Giáo Dục GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ.
Em tin tưởng rằng với căn bản tu học và làm việc thiện hơn nửa thế kỷ của mình, cộng với sự giáo huấn của Chư Tôn Thiền Đức, em có thể tiến bước vững chắc trên con đường Giác Ngộ Giải Thoát và giúp đỡ chúng sanh.
Kính chúc Anh Chị Trưởng, Anh Lộc, Chú Hà, Thầy Minh Thủ, O Huế, O Nhớ, các cháu và đại gia đình Thân Tâm Thường An Lạc.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Thân kính,
Trần Duy Phô
Là một phật tử cùng thế hệ với anh Phô, bản thân tôi đã đến chùa với mẹ từ lúc năm tuổi và từ đó cho đến độ tuổi 70 như bây giờ, tôi vẫn được duyên may gần trọn đời nương náu trong suối nguồn đạo Phật.
Càng được tiếp cận để suy tư và thực hành nguyên lý đạo Phật, tôi càng trực nhận được một sức mạnh vô hình vô ảnh nhưng đầy thuyết phục và sâu lắng tự nguồn tâm cảm rằng: Thế giới hiện tượng này phù du này chẳng có gì tồn tại miên viễn mà tất cả chỉ là phương tiện tạm thời để sống, để chết và để đi tìm một chỗ dựa tâm linh, như đi tu chẳng hạn. Tìm ra bến bờ cuối cùng của người hành trì đạo Phật là tới được sự vắng bặt mọi hình tướng phân biệt. Bến Giác sau cùng của người tu Phật là đạt tới tự tánh rỗng lặng uyên nguyên: Không ta, không người, không tan, không trụ trong tinh thần trí tuệ Bát Nhã.
Mình và anh Phô biết nhau từ thời Bác Siêu, anh Rạng ở Huế. Đạo Phật của anh em mình là một đạo Phật không Tông môn, Bộ phái – một đạo Phật dung hóa kinh luận và tương tác hài hòa với vô vàn khe suối và sông biển an hòa của đạo Phật. Hơn nửa thế kỷ qua, đạo Phật chính là một cuộc đời lạc quan, lương thiện và thấm đậm tình người. Mình đã ứng dụng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Mười Hai Nhân Duyên – tinh hoa của đạo Phật – qua lời dạy của quý Ôn; không lý thuyết cao xa, không triết lý đại ngàn khiên cưỡng. Hạnh phúc biết bao khi đi quanh những xóm nghèo, trút những hũ gạo tình thương từ thiện, đổ vào hai cái bị lát của bác Siêu gắn trên chiếc xe đạp giàn cũ kỹ muôn thuở của bác và chắp tay niệm “A Di Đà Phật” với một niềm tin son sắt là chiều nay, sớm mai hay mốt nọ sẽ có những bà mẹ nghèo được ăn thêm chén cơm trắng mà mớm sữa cho con.
Lịch sử đất nước thăng trầm kéo theo lịch sử khi lở, khi bồi của Huế.
Rồi anh em mình xa Huế và có duyên gặp nhau ở Hoa Kỳ, thành phố Sacramento. Mình quý anh Phô bởi anh đã đi qua những chặng đường gian lao và cay đắng nhất của một người đàn ông Việt Nam điển hình trong thế hệ chiến tranh Việt Nam. Anh đã bày tỏ lòng yêu nước thương dân bằng những công tác từ thiện với nhóm từ thiện “BÁC SIÊU” góp gạo giúp người nghèo đỡ đói trong bao nhiêu năm. Anh cũng đã lên đường gia nhập quân đội khi thế cuộc đang cần và đã trở thành một sỹ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh đến Mỹ theo diện “H.O” trong một lứa tuổi đã tương đối muộn màng về mọi phương diện. Nhưng anh đã cố gắng vươn lên: vươn lên trên đường đời và vươn lên trong đường đạo.
Trên đường đời, giữa một xã hội Phương Tây hoàn toàn xa lạ về văn hóa ngôn ngữ và mọi phương diện đời sống như Hoa Kỳ, anh đã chiến đấu với trở ngại to lớn thách thức tất cả những người di dân là ngôn ngữ, học tập và xây dựng đời sống kinh tế cho bản thân và gia đình từ hai bàn tay trắng. Anh đã đi học lại từ đầu và lần lượt tốt nghiệp Cử nhân, Cao học (Thạc sĩ) Xã hội. Mình có được niềm vui tinh thần là “ Mentor” và Field Instructor cho anh về cả hai cấp học Cử nhân (Bachelor) và Thạc sĩ (Master of Social Works – MSW) tại đại học California State University of Sacramento (CSUS). Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã làm việc với Sacramento County thuộc hệ thống DHHS của chính phủ Hoa Kỳ cho đến ngày về hưu.
Trên đường đạo, anh vẫn giữ được vai trò của một Phật tử thuần thành. Song song với những sinh hoạt thường xuyên đi chùa, lễ Phật, anh đã dấn thân làm người đầu tàu đứng ra tổ chức nhóm Phật học Lộc Uyển giúp cho những người âm thầm học Phật có cơ duyên để tu học. Anh cũng hoạt động trong Ban Hộ Niệm để đem lễ nghi truyền thống của Phật giáo đến với đại chúng và đạo hữu đang cần. Về phương diện lễ nghi Phật giáo phát triển, anh Phô được biết đến như là một cư sĩ ăn chay trường chủ lễ với năng lực tán tụng kinh chú nhuần nhuyễn vào hàng tu sĩ có tài năng.
Nhưng công hạnh nổi bật nhất của anh là việc thành lập Hội Từ Bi Quán Thế Âm (HTBQTA). Trong suốt 20 năm qua, Hội đã thường xuyên và nhất quán qua những chương trình hoạt động từ thiện giúp trẻ em khuyết tật, cô nhi, người nghèo khổ, tàn phế… ở quê hương khốn khó và các nạn nhân bất hạnh ở quê người. Càng ngày trong những năm về sau này, Hội TBQTA đã gây được một ảnh hưởng đậm nét trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi. Do đó, sự ủng hộ của quần chúng càng tăng và hiệu quả cứu khổ, xoa dịu những vết thương trần gian của Hội càng được phát huy tốt đẹp và rộng rãi.
Trình bày một vài nét tiêu biểu về anh Trần Duy Phô, tôi không có chủ ý tô điểm cá nhân mà chỉ mong tập trung hướng nhìn về con đường xuất gia hành Đạo mà anh sắp sửa lên đường.
Nếu xuất gia là đến ở chùa và chỉ giới hạn trong hình tướng xuống tóc, ăn chay, lễ Phật, thiển tịnh công phu, ly dục, không sở đắc, tự độ và độ tha… thì anh Phô đã có được hạnh lành của người tu sĩ Phật giáo chân chính từ mấy chục năm qua.
Với hàng cư sĩ Phật giáo thuần thành, nhất là đối với những người lớn tuổi, hầu hết ai cũng ít nhiều có ý hướng muốn đi tu khi nhìn lại tuổi đời đã xế chiều và các trách nhiệm căn bản đối với gia đình xã hội, bản thân đã hoàn thành. Nhưng đó mới chỉ là sự “phủi tay” về mặt pháp lý và phương tiện thế gian. Nhưng có những trách nhiệm và dính mắc “xuất thế gian” vô hình vô ảnh nhưng bởi “nghiệp không rời một ly, không di một mảy” cho nên được buông tay thuận nghiệp mà đi tu thì quả thật là một Phước Báu ở cõi Ta Bà này.
Như ngài Mục Kiền Liên, một đại đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật, trước phút diệt độ vẫn bị bọn cướp thảm sát như một sự trả nghiệp cho lỗi lầm nghe vợ bỏ cha mẹ chết đói giữa rừng trong tiền kiếp rất xa xưa. Nghĩa là không ai thoát nghiệp, kể cả hàng Thánh tăng, Bồ tát.
Khi xuất gia về nương mình cửa Phật, xuất sĩ vẫn thường có những “nợ nần” không tính trước như trường hợp sư Minh Chiếu thời nhà Đường. Ngài xuất gia năm 65 tuổi khi đã kết hôn từ thời tuổi trẻ. Ngài đã viết lại trong Minh Chiếu Thiền Hạnh về những trải nghiệm buổi đầu xuất gia là hằng ngày, cứ bắt đầu tĩnh tâm tọa thiền là hình ảnh người vợ già yếu hiện ra với câu nói đại khái rằng:
“Ngày còn trẻ cưới nhau, ông hứa sẽ sống trăm năm đầu bạc với tôi chứ ông có hứa với Phật là nửa chừng sẽ đi tu cho đắc đạo riêng mình đâu. Vậy sao khi phu thê tuổi già sức cùng lực tận, ông bỏ tôi mà đi tu đành đoạn vậy?!”
Sau ba lần vào chùa và trở lại nhà, mỗi lần mất cả vài ba năm mỗi khi người vợ già và gia đình gặp cơn tai biến, sư Minh Chiếu phải về lại với đời thường. Suốt mười lăm năm tâm bồ đề kiên cố không rời, nghĩa tào khang không phụ, cho đến khi bà cụ qua đời ở tuổi 80, Sư mới an tâm vào chùa tu trì miên mật cho đến ngày viên tịch. Người đương thời ca ngợi nhà sư Minh Chiếu là người thánh thiện, bán thế xuất gia nhưng tình và nghĩa; đời và đạo vẹn đôi bề nên tôn xưng ông là Chân sư Từ Đạo Hạnh.
Sư viên tịch năm 93 tuổi. Ngài đã để lại nhiều bài kệ phảng phất “Gia huấn- chứng đạo ca”, đượm nhuần tình đạo, tình đời.
Xin tạm dịch đơn cử đôi câu:
Tâm ẩn chốn thiền môn
Thân giữa đời náo động
Thân tâm đều vắng bóng
Tự tính sẽ quay về
Tự Tính đó là duy ngã độc tôn, là Phật Tính, là Phật sẽ thành, là Niết Bàn tại thế, là Trung Đạo, là rỗng lặng… nghìn năm mây bay.
Đơn cử vài dẫn chứng của người xưa xuất gia đi tu phải đối diện và “quyền biến” uyển chuyển như thế nào trước những chướng duyên ngăn trở trên đường đời và đường đạo để anh tham khảo mà vững bước đi tới; dẫu sớm hay muộn thì hạnh nguyện cũng sẽ viên thành.
Anh Trần Duy Phô ơi!
Bạn và mình là những gã con trai Huế “thất thập hiện tiền đa”. Đa thọ, đa nhân nhưng chúng ta vẫn thiếu. Thiếu cái tinh thần Trung Đạo buông xả tuyệt vời của những hành giả đã bước đi nghìn năm an nhiên giữa thiên hà vắng lặng.
Hôm nay đúng đêm Trung Thu Rằm tháng Tám Ất Hợi, nhằm ngày 5-10-2017. Tôi đếm trên từng đốt ngón tay và nghĩ đến chỉ còn 12 ngày nữa thì anh Phô đã… LÊN ĐƯỜNG!
Xuất gia là một bước đầy bứt phá từ phàm qua thánh. Sau ngày 17-10-2017 khi gặp anh hay viết về anh như hôm nay, tôi phải “Thưa Thầy” xưng “Con” cho phải đạo… trưởng tử Như Lai. Hơn hai nghìn rưỡi năm trước, 1250 vị Tỳ Kheo trong tăng đoàn nguyên thủy của đức Phật xuất thân là những bằng hữu và đồ chúng của các vị đại đệ tử của đức Phật. Đọc lại kinh điển và giáo sử để thấy được thế giới xuất gia thời ấy thánh thiện vô cùng nhưng cũng không ít hệ lụy dính mắc với những vấn đề nhân sinh của gia đình, xã hội và đẳng cấp. Bởi vậy đức Phật từ bi đã quy định giới luật xuất gia và hoàn tục cho các vị tỳ kheo được lập đi, lập lại đến bảy lần. Nhắc lại chi tiết nầy để nói đến tinh thần tự do và khai phóng của đạo Phật; đồng thời, nhấn mạnh về chí nguyện xuất gia không phải là một sự dứt bỏ tuyệt đối với cuộc đời hiện thực mà thể hiện ý chí chọn lựa một phương tiện, một con đường phù hợp với căn cơ và bản nguyện của từng cá thể chúng sanh. Đạo Phật là đạo xuất thế “Đạt Ma sư tổ cửu niên diện bích”, nhưng cũng vừa nhập thế “Bồ tát thỏng tay vào chợ để cứu khổ cuộc đời”. Niết Bàn tịch tĩnh không ở đâu xa mà hiện hữu ngay giữa cuộc đời này.
Là một người bạn cùng quê xứ Huế, cùng nếm trải những bước thăng trầm của quê hương và Đạo pháp, cùng xây dựng lại đời sống mới ở quê người và cùng hỗ trợ nhau trong học tập, trong công việc mưu sinh và hoạt động xã hội với anh Duy Phô tôi càng cảm thấy mình có niềm thâm tín để tâm sự với anh trong giây phút này.
Điều tâm sự trước tiên là anh Phô xuất gia trong một hoàn cảnh và thời điểm đặc biệt. Đây là giai đoạn chuyển mình của Phật giáo Việt Nam ở phương Tây và áp lực phải đương đầu với sự thử thách trong nhiều lãnh vực có tính đại chúng toàn cầu. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và truyền thông đại chúng toàn cầu đã đặt vấn đề trực tiếp với mọi tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới là: Phải chuyển mình, thay đổi, hiện đại hóa một cách có hệ thống qua các hình thức mang tính phong trào rộng khắp như Chấn Hưng, Chấn Chỉnh hay dừng lại, bảo thủ để bị lạc hậu và thoái trào.
Đã xa rồi những mái chùa rêu phong và hình ảnh ngài bổn sư là danh tăng tĩnh lặng và vững chải như sông núi. Cũng không còn công hạnh xuất gia là con đường một chiều tịch nhiên phá ngã mà không phải đương đầu với những nhu cầu cấp thiết của thời đại chung quanh mình. Cũng không còn một thế giới vật lý và tâm lý bình an cho các bậc hành giả, khất sĩ, ẩn sĩ chỉ nhất tâm trên con đường giới – định – tuệ tu trì miên mật.
Anh Nguyên Thành Trần Duy Phô,
Xin được quý mến gọi tên anh cùng với pháp danh trước khi anh vào nhà Như Lai, mang họ Như Lai và được ban pháp hiệu Như Lai để tu học bước vào hàng trưởng tử Như Lai. Từ cư sĩ giữ 5 giới, anh sẽ bước vào ngưỡng cửa của người xuất gia thọ 10 giới Sa Di (từ 7 đến 13 tuổi gọi là “Sa Di đuổi quạ”… Khu Ô Sa Di. 14 – 19 tuổi là Sa Di ứng pháp. 20 tuổi trở lên gọi là Sa Di danh tự). Sa Di Thất Thập Danh Tự như anh thường rất hiếm, nhưng giới luật nghiêm minh, giang sơn nào có quy lệ nấy mong anh đi tròn hạnh nguyện của mình. Tuy nhiên, giữa Vô Thường vẫn có quy luật “xem Vô Thường là Thường” nên đạo Phật mới còn tồn tại và phát triển như ngày nay. Chính những nhóm tôn giáo “nguồn cội” lâu đời ở Ấn Độ như Bà La Môn, Ấn Độ Giáo, Silkh, Du Già Khổ Hạnh… đã quyết liệt đẩy Phật giáo ra khỏi quê hương hình thành ra nó. Nhưng trong đời sống tâm linh, lực đẩy, tính bạo động thường là biểu thị của sự bất lực và yếu đuối. Cụ thể là những tôn giáo “mạnh” đó đã tự chứng minh sự yếu đuối và thủ cựu tự thân của mình khi suốt mấy nghìn năm mà vẫn không truyền ra khỏi biên giới đầy ngăn ngại của đất Ấn.
Rồi đây, trong đại giáo đoàn Tăng – Ni Phật giáo Việt Nam sẽ có sự hiện diện khiêm tốn của anh. Truyền thống cứu cánh tu hành là để thành Phật. Đó là một đại nguyện thiêng liêng của các bậc xuất gia cầu Phật đạo. Theo trải nghiệm của những bậc tu hành tôn túc, xuất gia là một cuộc hành trình cô đơn đầy gian khó nên các vị tổ sư không ngần ngại khuyến tu rằng: “Xuất gia như ngưu mao, đắc đạo như thố giác.” Nghĩa là người xuất gia đông như hằng hà sa số lông trên mình trâu mà kẻ đắc đạo hiếm hoi hay vắng bóng như sừng con thỏ.
Lời khuyến tu mà đồng thời cũng là khuyến cáo đó, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ khi Anh xuất gia trong khung cảnh mà thế giới Ta Bà này được xem như là thời kỳ Mạt Pháp. Theo tiến trình phát riển tự nhiên của thành, trụ, hoại, diệt thì chúng ta đang ở thời điểm tiếp cận của Hội Long Hoa cung nghinh một Đức Phật mới ra đời mở ra thời kỳ Thịnh Pháp. Nhưng muốn tới thời kỳ Thịnh Pháp thì phải trải qua thời kỳ Loạn Pháp. Biểu tượng vô minh, rối đạo của thời kỳ loạn pháp này là cửa Thiền bất tịnh bởi hiện tượng sở đắc vật chất được tôn sùng, lạm phát hình tướng, đem phương tiện làm cứu cánh. Hệ lụy kéo theo là tình trạng “Tăng Già phân hóa, Tứ Chúng phân tranh” thay cho lý tưởng Tăng Già hòa hợp, Tứ Chúng đồng tu.
Dẫu rằng, trong một số tình huống “bất khả tư nghì”, các tông môn, bộ phái bị phân hóa; tăng già thiếu hòa hợp, tứ chúng thiếu duyên lành đồng tu. Nhưng con thuyền Phật giáo chuyên chở tinh hoa lời dạy của đức Phật vẫn không hề suy suyển mới chính là nơi nương tựa của Phật tử thuần thành xuất gia cũng như tại gia. Bởi vậy, người xuất gia hôm nay cần thiết phải là một tu sĩ để hành đạo, một hiệp sĩ để hộ đạo và một ẩn sĩ để hoằng đạo biết động không cầu, thấy vọng không theo.
Dấu hiệu điển hình cho thời kỳ loạn pháp là người nói đạo nhiều hơn là người hành đạo. Người nói những triết lý cao xa uyên áo mà hành động ồn ào vọng động đông hơn là người khiêm cung hay âm thầm tu trì với tâm bồ đề kiên cố. Đây quả là thời kỳ mà chư tổ ví von là “hoa sen trong biển lửa”. Nên xuất gia đi tu trong thời này là sẽ gặp nhiều nghịch duyên và chướng ngại nhất. Thiền sư Ngộ Ấn ví von: “Lò lửa hoa sen nở thật xinh” (Liên phát lô trung thấp vị càn). Hoa sen nở tươi được trong lò lửa thì người hội đủ nhân duyên để phát huy Bi-Trí-Dũng sao lại không thể tu hành thanh tịnh giữa bụi trần thời Mạt Pháp!
Trãi mấy nghìn năm thịnh suy, Phật giáo tồn tại và phát huy là nhờ những hạt minh châu sáng ngời trong biển lửa. Nếu có một lời chúc tụng bạn hiền Trần Duy Phô trên bước đường xuất gia là cầu nguyện và cầu chúc anh mãi vững tiến trên đường đạo, đừng bao giờ quên tinh thần Bi – Trí – Dũng mà anh em mình đã nguyện thực hành từ thời còn sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử. Bên cạnh Từ Bi và Trí Tuệ đưa anh lên tầm cao thì sự Dũng Mãnh giúp anh đứng vững, an trú trong chánh niệm và tinh tấn trong pháp hạnh.
Tìm lại người xưa qua sách sử, mỗi vị xuất gia đều có một hoàn cảnh, một tâm nguyện và một điều kiện thuận hay nghịch – thường được xem là thuận duyên hay chướng duyên – riêng. Nhưng xuất gia là một hạnh nguyện dấn thân đầy hùng lực của người quyết chí dứt khoát tự giúp mình hóa thân từ người bình thường sang hàng thánh thiện. Bậc tu hành là người đầy can đảm, dám dứt bỏ tất cả, để tìm đến “ông Phật sẽ thành” trong chính mình: Bỏ hình tướng để tìm cái không tướng; bỏ dục vọng ham muốn để tìm cái rỗng lặng an nhiên tự tại. Vua A Xà Thế, A Dục Vương là biểu tượng cho kẻ “buông dao thành Phật” vì đã trải qua nhiều đại kiếp là phàm tăng, chân tăng, thánh tăng. Cho nên xuất gia, tu hành chỉ mới là biểu hiện hình tướng của kiếp hiện tiền trên con đường tử sinh vạn dặm giác ngộ thành Phật. Khi chưa giác ngộ thì mỗi kiếp tu đều có thể là Duyên Tu hay Nghiệp Tu để thanh thỏa cho hết kho tàng phú quý hay nợ nần huân tập từ nhiều kiếp, nhiều đời trước khi nhiếp tâm tu thành chánh quả.
Anh Trần Duy Phô ơi! Mình tin tưởng là anh đang bước tới Duyên Tu. Mình còn nhớ trong vở kịch thơ Đêm Xuất Gia của Nguyên Hạnh có câu mà mình thích:
Xuất gia đâu phải là ra đi hay trở lại
Mà đi là về tự tại giữa nhân duyên
Bỏ lại sau lưng thế giới bụi trần với lo toan, phiền muộn, thỏa hiệp, phân tranh. Quên đi những ân oán, cưu mang, yêu ghét, so bì nghiệt ngã. Khép lại những cánh cửa vọng tưởng, mơ hồ, vỡ bờ, trăn trở. Không ngại ngần hay run rẩy bước lên lối về “đường xưa mây trắng” mà đi.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: “Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ” – Cuộc hành trình ra đi ngàn dặm bắt đầu từ bước chân thứ nhất. Con đường tu hành cũng bắt đầu từ cái nhìn vỡ oà chân lý để cất bước lên đường không ngăn ngại.
Và, từ bước chân khởi điểm ra đi… thì gắng đi cho tới cõi Chân Nguyên, bạn hiền thân quý nhé.
Sacramento Tiết Trung Thu 2017
Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn