THẮP NGỌN NẾN NHỎ VỚI TẤM LÒNG TO

Từ thiện, lấy mắt thương nhìn cuộc đời

Đạo Phật thường được biểu tượng bằng hình ảnh đóa hoa sen.

Từ bản chất đến ứng dụng, hoa sen mang khái niệm “không tánh” giữa cuộc đời gió bụi. Hoa sen có mặt từ chỗ nghèo khổ tối tăm, đồng chua nước mặn đến chốn huy hoàng của vương giả chi hoa.

Tuổi trẻ Phật tử Việt Nam, mà đại diện tiêu biểu là tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam, đã chọn hoa sen trắng làm huy hiệu với châm ngôn: “Bi, Trí, Dũng”. Nhưng qua gần tám mươi năm sinh hoạt thì tinh thần nổi bật nhất của GĐPTVN vẫn là phẩm hạnh từ bi. Phẩm chất từ bi biểu hiện trong cuộc sống là hạnh lành của nếp suy nghĩ, hòa ái trong ngôn ngữ và tình thương trong điệu sống; lấy mắt thương nhìn cuộc đời của hạnh Bồ tát Quán Thế Âm – Từ nhãn thị chúng sanh.

Tình thương có gốc rễ từ tâm lý thường được thể hiện qua tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu đất nước và tình yêu con người được biểu hiện cụ thể bằng các công tác từ thiện.

Xã hội Việt Nam vốn nằm trong vòng nghèo khổ và chậm phát triển từ thuở bình minh của lịch sử đất nước. Văn hóa làng xã đã un đúc nên một tinh thần tương trợ rất đạm bạc về vật chất nhưng đượm nhuần tình nghĩa to lớn của con nhà nghèo như “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”!

Nhớ thời đi học, mỗi lần có thiên tai bão lụt tàn phá nghiêm trọng ở một vùng quê hương nào đó thì học trò lũ lượt quyên góp từng mảnh quà đơn sơ như những lon gạo, những chiếc áo cũ để giúp đỡ cứu trợ nạn nhân. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh trong một buổi sáng chào cờ ở sân trường Quốc Học năm 1964. Khi thầy Hiệu trưởng thông báo tin cứu trợ lụt bão ở miền trong, một vị giáo sư (thầy Tường?) đã cởi phăng chiếc áo vét của mình đang mặc để đóng góp vào quà cứu trợ. Hay tại Huế, có nhóm Bác Siêu làm từ thiện bằng cách đi xin quyên góp mỗi nhà một vài lon gạo giúp người nghèo đói… quanh năm. Sao những nghĩa cử đơn sơ, tự phát như thế vẫn còn lưu mãi trong những góc khuất của tình người.

Thế đó. Người Việt Nam làm từ thiện bằng cách nhín miếng ăn, chia đôi đồng bạc, nhường cơm sẻ áo của mình đang dùng để giúp bà con bất hạnh hơn. Tinh thần đó càng được giữ ấm trong chiến tranh và kế thừa trên bước đường tha hương trên đất khách, quê người thật là những biểu tượng ân tình và đầy cảm động.

Tuy nhiên, khi đi vào môi trường sống “kinh tế toàn cầu” của xã hội bên ngoài, nhất là xã hội Âu Mỹ, người Việt lại có dịp mở to mắt nhìn một thế giới mà các chương trình từ thiện và sự cứu trợ được thực hiện trên một quy mô “kinh tế thị trường” ở tầm mức to lớn đến ngỡ ngàng.

Ở phương Tây, hễ có đi làm, có thu nhập là phải có nghĩa vụ chia sẻ, tiếp trợ cho các chương trình từ thiện giúp người nghèo khó. Riêng tại Hoa Kỳ, con số các tổ chức từ thiện làm người ta chóng mặt: 1.5 triệu “charities” (cơ quan từ thiện!). Riêng mạng lưới từ thiện lớn nhất toàn cầu của Mỹ là United Way thì đã có riêng 5.500 tổ chức từ thiện trực thuộc với tổng doanh thu hiến tặng hàng năm lên tới 3.92 tỷ đô la Mỹ (theo thống kê 2017).

Người tình nguyện cho là một việc; nhưng mặt khác, các mạng lưới tổ chức, gây quỹ, vận động, điều nghiên, phân phối đúng đối tượng, kịp thời và chính xác là một guồng máy khổng lồ cần phải sử dụng khoản chi phí thật khó tin cho người ngoài cuộc.

Chi phí điều hành (administrative expenses) ngân quỹ từ thiện tại Hoa Kỳ chiếm trung bình là 40% tổng số tiền doanh thu hiến tặng. Theo cơ quan thống kê đáng tin cậy nhất là The Street.com với số liệu cập nhật năm 2017 thì tổ chức Từ thiện chi phí điếu hành thấp nhất là United Way ở mức 19% và cao nhất là American Tract Society ở mức 68% tổng doanh thu. Lương của tổng giám đốc cơ quan từ thiện Paul Green của Tract Society là 78.800 USD (so với mức lương trung bình hàng tháng của một thầy giáo dạy trung học trên đất Mỹ là 2.590 USD)

Tất nhiên, lớn thuyền, lớn sóng, lớn cơ đồ… Hệ thống cứu trợ khẩn cấp của Mỹ trên toàn thế giới được xem ứng phó nhanh nhất và hiệu quả nhất. Không phải do Mỹ “chân dài, đi nhanh” mà do các hệ thống từ thiện cứu trợ đã được bố trí và dàn trãi khắp mặt địa cầu. Bởi vậy, chi phí điều hành cao như vậy nhưng người hiến tặng kếch sù nhất, vốn là những thành phần tai mắt quốc tế, vẫn tán đồng, không bất mãn hay rút lui thì rõ ràng cũng có lý do riêng của nó.

Trở lại với những chương trình Từ thiện Việt Nam trong cũng như ngoài nước, nói chung, chúng ta cũng đang còn giới hạn trong rừng khái niệm nhân ái “lá lành đùm lá rách” hay “lá rách đùm lá tả tơi”… là chính! Hầu hết các chương trình Từ thiện Việt Nam được thành hình và sinh hoạt trong dạng Từ thiện hơn là Cứu trợ hay Cấp cứu. Hiện nay, chưa có số liệu chính xác về các tổ chức Từ thiện của người Việt Hải Ngoại, nhưng theo ước định thì những tổ chức cứu tế, từ thiện xã hội nằm dưới dạng đồng hương, đồng môn, đồng đội, đồng đạo, ái hữu cũng quá những con số hàng nghìn trong số ước định có 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài; trong đó, các tổ chức Từ thiện Tuổi trẻ Tôn giáo chiếm một tỷ số khá cao. Nhưng nói chung, đội ngũ từ thiện được đánh giá có phẩm chất cao nhất vẫn là các hội từ thiện của những thành phần tuổi trẻ.

Riêng với sinh hoạt Từ thiện Phật giáo, tôi có được duyên lành tham gia và quen biết khá nhiều để trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu.

Quan niệm truyền thống từ xưa ở chốn cửa thiền là: “Dẫu xây chín đợt phù đồ, sao bằng làm phước cứu cho một người.” Cho nên các chương trình Từ thiện Phật giáo còn được coi như một hình thức hành đạo thể hiện hạnh bố thí.

Tôi đã đi qua một chặng đường gần bốn mươi năm ở xứ người để thấy được nét đẹp của tuổi trẻ với lý tưởng tình thương. Người ta có thể khác nhau về màu cờ sắc áo. Nhưng tình thương thì chỉ có một màu: Đó là Màu Trong Suốt của tâm cảm thông và chia sẻ; của mắt thương nhìn cuộc đời.

Những tổ chức Từ thiện của người Việt ở nước ngoài nhìn chung có nhiều điểm khác biệt với các tổ chức Từ thiện của các nước Âu Mỹ về nhiều mặt: Trước hết là đối tượng cho và nhận. Người Mỹ cho là vì nghĩa vụ nhân đạo nói chung. Họ không tập trung vào một đối tượng nhận nào được xác định trước cả mà tất cả những người nghèo khổ, thiếu thốn, hoạn nạn không phân biệt đều đáng được giúp và nhận. Người Việt khi cho cũng phát xuất từ nghĩa vụ nhân đạo nhưng vẫn chủ quan và nặng tình với anh em, bà con, xứ sở nên “thừa trong nhà mới ra bên ngoài…”, đặt trọng tâm giúp người Việt mình trước đã, vẫn là khuynh hướng chi phối địa bàn từ thiện của người Việt Hải ngoại.

Cũng vì xuất phát từ cái khung giới hạn của làng xã, quê hương như vậy nên rất ít tổ chức Từ thiện của người Việt trong quá trình hình thành và được thành hình có những điều lệ, nội quy về tổ chức và pháp lý rõ ràng, chặt chẽ nên tình trạng hợp và tan xảy ra thường xuyên. Lắm khi tổ chức tan rã trong sự xung đột, tranh chấp, hiểu lầm đáng tiếc.

Riêng những tổ chức Từ thiện của giới tuổi trẻ Việt tại nước ngoài thì càng ngày càng tăng về số lượng và sự chặt chẽ về tổ chức. Đặc biệt là hầu hết các hội Từ thiện tuổi trẻ Việt Nam nước ngoài đều có nội quy, điều lệ rõ ràng. Đặc biệt là giấy phép Miễn Thuế (Tax Exemption) của cơ quan Thuế vụ Chính quyền cấp. Tiền hiến tặng của tư nhân hay tổ chức sẽ được miễn thuế theo luật định sẽ làm cho người cho hăng hái, mạnh dạn, tăng số lượng quà hiến tặng.

Tuy nhiên, trong những dịp tìm hiểu và tham gia các tổ chức Từ thiện của giới trẻ Việt ở nước ngoài, chúng tôi vẫn có những vấn đề thắc mắc đạt ra rằng: Trong khi các tổ chức Từ thiện như Hoa Kỳ chẳng hạn, sử dụng từ 20% đến 60% (trung bình là 40%) số tiền tổng doanh thu từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm thì một số tổ chức Từ Thiện tuổi trẻ Việt rất hãnh diện và hân hoan công khai tài chánh với sự xác định rằng: Các thành viên thực hiện công tác đều hoàn toàn tự lo liệu chi trả mọi chi phí công tác từ tiền túi của mình.

Một trường hợp tham khảo (Case Study)

Hội HƯỚNG THIỆN BỒ ĐỀ (viết tắt: HTBD – tiếnh Anh: Bodhi Charity Foundation)

Tuổi trẻ trong ban tổ chức hội Hướng Thiện Bồ Đề

Mục đích: Hoạt động từ thiện giúp trẻ em, người già cả tàn tật, bệnh hoạn neo đơn. Từ thiện không biên giới nhưng ưu tiên hàng đầu cho người bất hạnh Việt Nam.
Hôm nay, 9-8-2019, chúng tôi từ Sacramento về Hayward để tham gia Tiệc Chay Gây Quỹ do hội Bồ Đề Hướng Thiện tổ chức.

Trang Website của Hội:

https://www.bodhicharityfoundation.org/cms2/

Được biết Hội được thành lập cho một nhóm anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh cũ và đang sinh hoạt trong hệ thống Gia đình Phật tử cùng các Phật tử và thân hữu đại chúng không phân biệt. Nét chung của Hội HTBĐ là nơi quy tụ đại đa số các thành viên trẻ trong giới trí thức, sinh viên, chuyên viên, lao động, thương mãi và làm nghề tự do trong vùng Bắc California. Tất cả đều tham gia sinh hoạt và phục vụ trong tinh thần tự nguyện, vị tha, không vị tư lợi.

Tuổi trẻ thăp Đèn Tâm từ thiện

Theo dõi hội trưởng Trương Kiệt báo cáo chi tiết chuyến công tác mùa Hè vừa qua đã giúp được 612 đối tượng nghèo khổ, bệnh tật, neo đơn từ Thừa Thiên Huế đến Gio Linh, Quảng Bình, Thanh Hoá… Trong lúc công tác, tất cả các thành viên của Hội Hướng Thiện Bồ Đề từ Mỹ về cũng như trong nước hoàn toàn tự trả mọi khoản chi phí, tuyệt nhiên không trích bất cứ ngân khoản nào từ tiền gây quỹ. Nghĩa là 100% quỹ đóng góp từ thiện của những mạnh thường quân đều đến tay người thọ nhận. Phản ứng chung của quan khách là khen ngợi và hỗ trợ hội HTBĐ trong sinh hoạt và công tác gần một năm qua. Nhiều quan khách phát biểu và đánh giá việc các thành viên tham gia công tác “tự xuất tiền túi để chi tiêu mọi khoản phí tổn trong suốt thời gian công tác” là điểm son trong sáng của Hội Bồ Đề Hướng Thiện mà mọi thành viên bảo trợ và đóng góp đều tin tưởng và khen ngợi.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến và đề nghị mà hội HTBĐ nói riêng và các hội đoàn từ thiện tư nhân nói chung cần nghiên cứu và suy nghĩ về khái niệm “hoàn toàn tự tức chi phí trong khi thực hiện công tác.” Vì theo ý kiến nầy thì hơn 50% các hội đoàn từ thiện tư nhân tan rã trong vòng 5 năm vì vấn đề chi phí cho công tác quản lý quá cao, bị lạm dụng hay không rõ ràng. Và 50% thì ngược lại, hoàn toàn tự túc chi phí nên phương tiện và địc bàn gây quỹ giới hạn. Những thành viên năng nỗ lui dần hay bỏ cuộc trong vòng từ 3 đến 5 năm vì không tự kham nỗi tự túc chi phí cho những đợt công tác xa, dài hạn quá tốn kém như về Việt Nam và tới các vùng sâu, vùng xa chẳng hạn.

Đề nghị trung đạo, khả thi:

Nên có kế hoạch chi phí điều hành công tác kiệm ước nhất. Như trên đã trình bày, cơ quan từ thiện lớn nhất thế giới và có điều hành chi phí thấp nhất thế giới là United Way với 19% của quỹ doanh thu (so với con số trung bình là 40%).

Như vậy, hội HTBĐ chẳng hạn, cũng nên tìm hiểu, tham khảo về vấn đề công tác điều hành tình nguyện cho các hoạt động từ thiện để có một đường hướng lâu dài, hợp với chủ trương của hội, hợp với tình cảm và niềm tin của người hiến tặng và hợp lý hóa công tác tổ chức quản lý vững bền với thời gian và hoàn cảnh..

Vật chất, đời người… có giới hạn, nhưng tình thương và phẩm chất từ bi trí tuệ của người Phật tử và mọi người thì không biên giới.

Cùng với đại chúng, kẻ viết những dòng nầy rất hân hoan khen tặng ý hướng và việc làm đầy mục đích nhân ái và tinh thần nhân bản của Hội Hướng Thiện Bồ Đề đã được thể hiện và chứng minh cụ thể qua các thành tích phục vụ từ thiện và gây quỹ từ thiện trong vòng năm qua.

Tuy khởi đầu chỉ là thắp lên những ngọn nến nhỏ, nhưng tích cực muôn lần hơn là ngồi im mà nguyền rủa bóng tối. Đó xứng đáng là những ngọn nến nhỏ thắp lên trong trái tim to; là tiếng vọng yêu thương trong sự im lặng của một thế giới nào đó cạn tình, vô cảm.

Sacramento Trung Thu 2019

Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan