– Nhà văn là nhà thơ không thành!
Chiều trên thành phố cổ Sacramento, Nguyễn Đỗ – làm thơ, dịch giả – đã vẽ chân dung nhà thơ như thế bên dòng sông American River. Không biết sóng nước có đồng tình không, còn Hoàng Hưng và tôi thì im lặng. Im lặng thường mang ý nghĩa đồng tình, đồng ý. Nhưng cũng có khi im lặng vì hai bờ đối đãi đúng sai cũng chỉ là một, vì cả hai đều không có lời giải đáp.
Đổ Phủ nhìn trời, rồi kêu lên: “Thiên thượng phù vân như bạch y. Tu du hốt biến vi thương cẩu…” (Mây nổi trên trời như áo trắng. Thoắt biến thành hình con chó xanh). Đời thường như mây trắng và thơ như con chó xanh trên trời. Bạch vân – Thương cẩu là chuyện đời của Thực và Hư tương tác, tương sinh. Thực đến từ hư và hư đến từ thực. Cho nên, chân trời thi ca không có điểm khởi đầu mà cũng chẳng có điểm kết thúc.
Thơ không có một thực tại nắm bắt được. Và, thơ cũng chẳng có điểm kết thúc tận cùng nào cả.
Đoạn Trường Tân Thanh có một kết cấu và một kết thúc về câu chuyện. Kiều có nhảy xuống sông Tiền Đường hay Kim Kiều tái hợp; nhưng cái hồn thi ca chẳng đi về đâu mà cũng chẳng đến từ chốn nào. Đó là trường thơ lục bát của Nguyễn Du có ánh sáng riêng của một dãi Ngân Hà thi ca tư tưởng. Khách yêu thơ đành im lặng vì không biết nói sao, bởi xưa nay… “văn chương tự cổ vô bằng cớ” nên dẫu có nói rằng, nhà thơ là nhà văn không thành – hoặc thiền sư là thi sĩ không thành – thì cũng thế thôi! Duyên khi nào cũng sinh; lửa lúc nào cũng đỏ nhưng duyên có hợp, lửa có bén mới thành cơ sự.
Thi sĩ là người sáng tác những vần thơ, nhưng không phải là người khai sáng ra thơ. Thơ có trước con người. Sự im lặng thâm viễn và miên trường ẩn dấu của vũ trụ là thơ không lời trước khi con người sinh ra. Ánh sáng, bóng tối, núi xanh và mây trắng là những ấn tượng thi ca trước khi con người có mặt. Thi ca là sản phẩm hồn nhiên và tinh túy nhất của sinh vật địa cầu có tư tưởng và cảm xúc. Rồi những lời nói chắt lọc, những ý tưởng gợi hình tròn trịa phát khởi từ nhu cầu ca ngợi, tôn xưng và chia sẻ là những câu thơ, bài thơ sớm nhất. Nó là Kinh Thi, là Áo Ngữ của Vệ Đà; là ba đào một thời đã lặng, ghi dấu tâm thức của con người đã xuất hiện cả vạn, cả nghìn năm trước khi có ký hiệu thành văn gọi là chữ viết. Con người đem thơ ra giữa dòng sống rất lâu trước khi các đấng giáo chủ, thần linh, thị hiện giữa đời để tạo ra ý, ra lời thành kinh, thành thuyết giáo tiên tri. Rốt cuộc, thơ giữa đời không là thơ của ai cả; mà chỉ là… nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!
Thơ từ đâu tới?
Chẳng từ đâu tới hay về đâu cả. Thể tánh của thơ là như như vắng lặng.
Ai có duyên với thơ thì nắm bắt và cảm nhận được thơ ngay trong lòng mình. Kẻ không duyên với thơ thì thơ vắng bóng trong toàn vũ trụ. Ngôn từ thi ca đích thật nhất là một loại mật ngữ cảm nhận chứ chẳng bao giờ hiện hữu để ca ngâm. Cho nên, tinh túy của Thơ là sự im lặng tuyệt vời và những câu thơ tuyệt bút.
Nó là những cơ duyên, có điều kiện tự phát khởi, níu kéo, hòa quyện, kết hợp nhau mà thành. Không thời, không hạn; chẳng từ vô trước, chẳng tới vô sau:
Quan quan thư cưu
Tại Hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.
Kinh – kinh Thi – có trước khi Phật và Chúa ra đời.
Văn tự hội ý của Trung Hoa thời cổ đã quan niệm rằng, Thi = Ngôn + Tự (Thơ = Lời + Chùa). Thơ có từ khi thơ là cảm xúc dâng trào từ suối nguồn cuộc sống. Thơ là ngôn tự, là tiếng nói, là âm hưởng phát ra từ chốn thâm nghiêm thờ tự. Thơ là lời kinh. Thơ là tiếng tâm kinh. Thơ vang vọng từ chốn thiền môn rỗng lặng của những “con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hát chơi”. Và sứ mệnh cao viễn nhất của thơ cũng chỉ là “thơ thẩn” vì kẻ tạo ra thơ coi nghìn thế giới như hạt cát và hạt cát như nghìn thế giới; một sát na tâm có khi là vĩnh cửu:
To see a world in a grain of sand,
And a heaven in a wild flower,
Hold infinity in the palm of your hand,
And eternity in an hour.
William Blake
Thấy thế giới từ trong lòng hạt cát
Và thiên cung trong một nụ hoa đồng
Nắm vô hạn trong lòng tay của bạn
Và vĩnh hằng trong một thoáng hư không
Và có lần tôi băng đồng chỉ sá đi tìm một vang vọng của thơ . Thơ không phải chỉ là nỗi buồn mà còn là một sự phản kháng – như nhà thơ Lê Đạt : ” Chết là hết, hết đau, hết khổ. Nhưng cũng hết vầng trăng soi sáng trên đầu …”
***
Mùa Hè năm 2007, từ Huế chúng tôi chuẩn bị ra thăm Hà Nội lần đầu. Trên ga Huế, chờ chuyến Tàu Đỏ xuyên Việt buổi chiều, nghe một người bạn chưa bao giờ gặp là anh Văn Thanh nói trong điện thoại: “Cậu hên quá! Mình phải gọi báo ngay cho cậu một tin vui. Hà Nội đang nắng gắt bỗng dưng hôm qua lại có gió mùa Đông Bắc. Bây giờ Hà Nội như mùa Thu.” Nhìn mái tóc trắng phau của thằng bạn cùng lớp thời sư phạm Huế giờ đã về hưu, vẫy tay trên sân ga khi tàu chuyển bánh, tôi mường tượng một hình ảnh mùa Thu tuổi đời, mùa Thu trong lòng người và mùa Thu cảm xúc thi ca. Tôi gần gũi với một Hà Nội băm sáu phố phường qua thơ văn nhiều hơn là sử sách. Nhẹ nhàng thì có nỗi nhớ u ẩn của Bà Huyện Thanh Quan. Hiện thực xã hội thì có nhóm Tự Lực Văn Đoàn và các nhà văn Tiền Chiến. Nhưng ấn tượng sâu về một Hà Nội đậm lửa và thơ với dư âm nhân sĩ Bắc Hà đã ghi dấu trong riêng tôi phải đợi đến những ngày lộng gió thi ca của Nhân Văn Giai Phẩm.
Sau một đêm thức trắng, nói chuyện mưa nắng và kinh nghiệm du lịch đó đây với cặp vợ chồng người Anh cùng ở chung khoang tàu tới du lịch Việt Nam lần đầu, tôi không nghe mệt mỏi khi tàu tới bến ở ga Hàng Cỏ mà cảm thấy vui vui vì nghe người xứ khác nói những điều ưu ái về cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước mình.
Rời tàu, tới Cửa Bắc đợi chuyến đi “tua” thăm vịnh Hạ Long khi trời mới mờ mờ sáng, chúng tôi ăn tô phở Hà Nội đầu tiên nơi quán phở đầu hẽm. Tô phở nước trong, không rau, không giá, thoát lớp điểm trang bởi tiêu hành ớt tỏi. Tô phở nhỏ xíu so với tô phở xe lửa Bolsa ở Cali, thường to gấp ba, bốn lần. Quán hẻm vô danh nhưng phở lại thơm, ngọt và tươi tắn bất ngờ. Tôi cười một mình khi cô hàng phở, chìa tô phở đầu nước nhỏ nhắn cho khách, răn đe một cách dễ mến với giọng nữ Hà Nội dẽo mềm như luyến láy: “Các bác đừng ham của lớn Hà Nội. Nhỏ như cháu thế mới ngon!” Tự xét mình, tôi chẳng ham “của to” bao giờ, nên cũng tạm yên tâm.
Đêm đầu tiên, gặp người bạn Hà Nội đầu tiên là Văn Thanh. Anh là thư ký ban biên tập báo Tia Sáng. Mấy năm trước một người bạn văn cho biết, Tia Sáng là một tờ báo nhỏ nhưng được xem là có tiếng nói trung thực nhất của giới trí thức trong nước. Bởi vậy, tờ báo thường xuyên đứng giữa phong ba. Thỉnh thoảng tôi đóng góp bài vở trong mục “góc nhìn trí thức” cùng với các cây bút trong và ngoài nước. Đây là nơi quy tụ phần lớn là những tay bút tự trọng, can đảm, khéo léo nói lên quan điểm khai phóng của mình về chính trị, xã hội, khoa học, kỹ thuật và văn học nghệ thuật. Tôi không ngạc nhiên khi được tin Tia Sáng đã bị đóng cửa. Tự do ngôn luận là hàng trọng cấm của Nhà Nước chuyên chính vô sản.
Hẹn gặp ở quán nước lộ thiên bên bờ hồ Hoàn Kiếm, hai chàng cùng lứa tuổi lục tuần nhâm nhi chai bia bên dĩa đậu phụng. Mới mỗi người một chai mà khí phách nam tử hán đã lâng lâng. Nắng vừa tắt, mặt hồ đã chờn vờn sương khói. Hỏi ý kiến riêng của Văn Thanh những gì mà anh thích nhất khi giới thiệu về Hà Nội, câu trả lời bất ngờ của anh làm tôi ngạc nhiên. Anh nói, điều anh thích nhất là màn sương mù buổi sớm và buổi chiều quanh hồ Hoàn Kiếm. Điều anh thích thứ hai là Hà Nội nhỏ; khi cần, bạn bè hú nhau một tiếng, cởi xe máy loanh quanh tìm nhau năm mười phút là gặp được nhau liền. Nếu anh nói là thích những gì mà báo chí và loa công cộng ra rả khen vùi thì có lẽ anh không phụ trách Tia Sáng và cũng chẳng đèo tôi trên xe gắn máy đến nhà Lê Đạt.
Nhà thơ Lê Đạt và Trần Kiêm Đoàn 4-2007
Mấy năm gần đây, tôi có được chút duyên văn nghệ với một trong những hảo hớn của Nhân Văn Giai Phẩm, qua sinh hoạt cùng viết lách trên báo Tia Sáng. Anh là thi sĩ Lê Đạt. Khi chưa gặp, tôi hình dung nhà thơ Lê Đạt có một dáng người khắc khổ, một cung cách ngang tàng, một ngôn ngữ đầy bão liệt như thơ của anh thời Nhân Văn Giai Phẩm. Đến nơi, tôi gặp một ông cụ chưa già như tôi nghĩ, dáng vẻ phương phi đẹp lão và cười vui dễ dãi. Đó là nhà thơ Lê Đạt. Cả buổi tối, nói chuyện văn chương, nhắc lại chuyện làm báo đầy sóng gió một thời trong lịch sử văn học cận đại; những hương hoa và gai góc về tình bạn văn nghệ; cuối cùng tôi hỏi anh về một lời khuyên cho thế hệ văn bút đàn em. Anh nói: “Nên chơi với người tử tế!”
Chỉ đơn giản thế thôi sao? Tôi tự hỏi mình và đưa mắt ngầm hỏi người đối diện. Anh quàng vai tôi, cười hề hề và kể rằng, có một một người nữ phóng viên nổi tiếng (mà anh quên tên) gặp Henry Miller phỏng vấn. Miller chỉ trả lời đơn giản: “Cô đã gặp tôi rồi. Cô muốn viết gì thì viết.” Sau đó, đọc lại nội dung bài phỏng vấn, Miller phải kêu là ý nghĩ của cô phóng viên còn hay hơn là điều ông nghĩ được. Tiếc thay, tôi không có tài để “đối diện đàm tâm!” Nhưng sau khi gặp nhà thơ Lê Đạt, chẳng biết vì đâu tôi liên tưởng đến thiền sư Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca (Bài ca của người đã được chứng đạo). Tư tưởng mà tôi cho là nổi bật nhất của Huyền Giác là thổi nâng ý nghĩa sâu thẳm của đờì người bay bỗng nhẹ nhàng trong khái niệm về “chơi”: Sống chơi, tu chơi, làm thơ chơi và đến một ngày nào đó: Cũng “chết chơi” luôn! Phải chăng đó cũng là ý nghĩ “chơi với người tử tế” của Lê Đạt?! Thiền sư chứng đạo và thi sĩ thành danh có một điểm đứng và điểm nhìn tương tự là nhìn đời “như chính nó”. Có chăng hướng nhìn từ chân tâm rỗng lặng. Không dính mắc hay dính mà không mắc mới mong còn được một không gian nội tâm để thiền định và làm thơ.
Chiều hôm sau, anh Văn Thanh mời Lê và tôi đến quán chả cá Lã Vọng dùng bữa chiều với hai anh Lê Đạt và Nguyên Ngọc. Tuy cùng thế hệ, nhưng trong dòng văn học trải dài theo cuộc chiến dài 30 năm, nhà thơ Lê Đạt nổi tiếng trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm giữa thập niên 50 và nhà văn Nguyên Ngọc, được giới văn bút kính trọng với khuynh hướng phản kháng sự cột trói của nhà cầm quyền đối với nghệ sĩ và trí thức thời hiện tại.
Trong bữa ăn, nhìn quanh, thấy nhiều khách da trắng chẳng rõ là gốc Tây hay Mỹ, không chấm cuốn gỏi cá vào chén mắm nêm điệu nghệ như dân ta mà húp những chén mắm nêm đã pha ấy với vẻ mặt hân hoan đầy khoái trá. Tôi nắm hai tay mình lại. Mấy anh em đưa mắt dò hỏi. Tôi trả lời: “Cầu cho mắm ruốc đừng dính vào mấy chùm râu rậm rạp của những người bạn dễ thương ấy!” Suốt bữa ăn, các anh nhắc chuyện những tâm hồn ăn uống sành điệu đã đến quán nầy trong những thời điểm quá khác nhau của mảng lịch sử hơn trăm năm sau cùng của Hà Nội. Dĩ nhiên nhà văn Nguyễn Tuân vẫn đứng đầu sổ “vang bóng một thời” về nghệ thuật ăn uống . Khi nói đến các loại thịt cá làm gỏi chả ở Lã Vọng, người thì nói cá anh vũ, người nói cá lăng, cá nheo, cá ngạnh, cá quả… nhưng không ai quyết đoán được loại cá nào là ngon nhất. Anh Lê Đạt kết luận: “Cái này thì phải tìm hỏi Nguyễn Tuân mới được.” Tưởng nói chơi, thế mà năm sau, Lê Đạt đã bương bả đi tìm Nguyễn Tuân thật, mang theo lời hứa đãi người anh em phương xa tô phở Bát Đàn.
Trong quán Chả Cá Lã Vọng
Năm sau, chưa quên lời của nhà thơ Lê Đạt hứa đãi tô phở Bát Đàn cho biết miếng ngon Hà Nội, chúng tôi trở lại nơi nầy. Thực lòng, Lê và tôi chưa đủ lãng mạn… bạt mạng kiểu Hollywood để đi từ San Francisco về Hà Nội mất 17 giờ bay mà ăn một tô phở Bát Đàn. Nhưng nhân dịp về lo việc gia đình ở Huế, chúng tôi rủ nhau về Trúc Lâm Yên Tử. Khi vừa ra khỏi phi trường Nội Bài thì nghe tin nhà thơ Lê Đạt vừa mất. Chúng tôi lặng người trước cảnh vô thường và chẳng còn muốn gọi ai. Sớm từ giã Hà Nội, chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ bay, tôi giục người lái taxi: “Anh cho chúng tôi đến quán phở Bát Đàn càng nhanh càng tốt. Vui lòng đợi cho chúng tôi ăn xong tô phở rồi chở ngay lên phi trường cho kịp giờ.”
Trước quán phở số 49 phố Bát Đàn, sau chuyến xếp hàng mồ hôi nhễ nhại, chúng tôi mới tới được bếp phở lửa nóng rần rật. Khi bưng tô phở Bát Đàn trên tay, mùi thơm lạ lùng mà thân quen bốc khói. Nhưng cảm giác thèm ăn lắng xuống khi nỗi nhớ về một người bạn quý vừa mất dâng lên.
Silverton, Đông 2009
Trần Kiêm Đoàn