Người ta thường ví von lịch sử như một ngọn núi mà tiểu thuyết lịch sử (historical fiction/novel) như những tượng đài. Maxim Gorki lại lãng mạn hơn khi cho rằng: “Dòng lịch sử sống động là phải do văn sĩ viết ra chứ không phải là do sử gia ghi lại.”
Trong khái niệm mang tính chất mượt mà, tươi mát hương hoa của văn học nghệ thuật, con người muốn “thổi hồn vào lịch sử” hơn là chỉ muốn đọc lịch sử chính nó. Người đời sau, nhất là khối đại chúng muốn thưởng thức mùi vị éo le nhưng cũng đầy hương hoa của lịch sử thì những dòng sử liệu phương Đông thời Đông Châu Liệt Quốc, Hán Sở Tranh Hùng, Tam Quốc, Thủy Hử… nếu không có những văn tài như Phùng Mộng Long, La Quán Trung, Thị Nại Am và những tác giả Khuyết Danh dân gian thì những dòng cổ sử của Trung Quốc cũng chỉ là những khối đá lạnh lẽo trong nghĩa địa cổ thư mà thôi.
Ở phương Tây, hình thức tiểu thuyết lịch sử sớm nhất là Sử thi rồi đến kinh Thánh đầy huyền thoại giữa quý tộc và tông đồ. Mãi đến thế kỷ 19, hình thức tiểu thuyết lịch sử mới được đại chúng đón nhận và thưởng thức. Có thể kể đến vài tên tuổi vang danh từ thời ra đời tác phẩm của Walter Scott (1814), Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Bá Tước Monte Cristo của Alenxandre Dumas, Chiến Tranh và Hoà Bình của Leon Tolstoi… Sử gia Anh DM Trevelliana tuy phát biểu hơi cao hứng cường điệu nhưng cũng nói lên tính chất sử thi thắp sáng một thời: “Thi sĩ Walter Scott đã thấu hiểu được ngọn ngành của lịch sử con người hơn hết thảy các nhà sử học tiếng tăm cộng lại.”
Ở Việt Nam, hình thức tiểu thuyết lịch sử sớm nhất xuất hiện qua văn chương bình dân là những câu chuyện dân gian truyền khẩu. Văn chương bác học thì hình thức truyện ký lịch sử có sớm nhất là Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp đời Trần, rồi đến Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia văn phái, Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí của Nguyễn Khoa Chiêm…
Gần đây nhất, ngoài những tác phẩm cổ điển, có sự xuất hiện những tác phẩm dã sử và lịch sử của nhiều tác giả Việt trong nước cũng như ngoài nước. Trong nước, tiểu thuyết mô phỏng lịch sử mà tôi được đọc là Đêm Hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng, Gươm Thần Vạn Kiếp, Lý Công Uẩn của Ngô Văn Phú, Tây Sơn Bi Hùng Truyện (2006) của Lê Đình Danh. Nhưng cuốn tiếu thuyết mô phỏng lịch sử hay nhất vẫn là Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh với văn phong mượt mà, sự kiện lịch sử bi hùng và triết lý lịch sử là những bài học cho giới lãnh đạo chính trị muốn lợi quốc an dân.
Ở ngoài nước, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, lác đác cũng có nhiều nhà văn chuyển qua đề tài lịch sử và dã sử. Nhưng nhà văn xuất thân không chuyên nghiệp đã trở thành một tác giả khai thác chuyên đề tiểu thuyết dã sử là Ngô Viết Trọng. Trong vòng gần 20 năm (2000-2019) nhà văn Ngô Viết Trọng (hiện đang cư trú tại thành phố Sacramento, tiểu bang California, Hoa Kỳ) đáng kể là một cây bút xông xáo và phương cường nhất trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Anh đã liên tục viết và xuất bản hơn 10 tác phẩm nhưng đã có tới 6,7 tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm xuất bản đầu tiên là Lý Trần Tình Hận (2002) và tác phẩm mới nhất là Tuyển Tập Truyện Sử (2019).
Có thể nói hoàn cảnh và điều kiện xã hội, kinh tế, tri thức, trải nghiệm… un đúc nên một nhà văn, một người nghệ sĩ chân chính là một sự “tình cờ đầy chuẩn bị”. Thoạt nhìn qua thì ngỡ là tình cờ như Nguyễn Du gặp Kim Vân Kiều truyện mà sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh. Nhưng thiên tài hoa gấm của Cụ là một sự un đúc truyền đời từ tổ phụ kết hợp với sở học uyên thâm và tài hoa tuyệt thế. Theo dòng lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam bình dân cũng như bác học, khách yêu chuộng thi ca sẽ thấy rõ không có sự may mắn đột phát nào để tạo ra những tác giả và tác phẩm được người đời hâm mộ cả.
Trong trường hợp Ngô Viết Trọng thì sự “tình cờ” đó là hoàn cảnh đặc biệt của một cựu tù nhân chính trị được định cư tại Hoa Kỳ trong một bối cảnh mà trước đó vài ba năm chưa bao giờ anh nghĩ tới. Hoàn cảnh mới quả nhiên là điều kiện “ắt có và đủ” cho một tài năng tiềm tàng phát tiết. Và sự tình cờ của hoàn cảnh này cũng chưa đủ để đào tạo nên một nhà văn nếu tự bản thân và tri thức nội tại của anh thiếu sự chuẩn bị lâu dài qua bao nhiêu năm, kể từ ngày còn đi học như anh đã có lời tự sự trong phần mở đầu của tác phẩm Tuyển Tập Truyện Sử, rằng: “Từ thuở nhỏ, tôi đã mê say môn học sử ký. Tôi cũng rất thích đọc truyện cổ tích, truyện Tàu và các truyện liên quan đến quốc sử. Khi ra đời cũng thế, không một cuốn sách, một tài liệu nào liên quan đến lịch sử đã thấy được mà tôi bỏ qua.”
Nhưng tiểu thuyết lịch sử không chỉ có lịch sử, có tình tiết hư cấu mà còn có cả triết lý lịch sử và đạo lý lịch sử. Chính quá trình suy tư, luận lý, suy diễn kết hợp với cuộc sống hiện thực là sự chuẩn bị cẩn trọng cho nguồn tiểu thuyết lịch sử ra đời và đến với nhân gian.
Đọc những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của Ngô Viết Trọng như Công Nữ Ngọc Vạn (2004), Dương Vân Nga: Non Cao & Vực Thẳm (2005), Trần Khắc Chung (2009), Chế Bồng Nga: Anh Hùng Chiêm Quốc (2011) và Tuyển Tập Truyện Sử (2019) vừa mới xuất bản mới thấy được công phu, kiến thức, tâm tình và nhất là tấm lòng của người viết đã thể hiện và gởi gắm qua nội dung tác phẩm. Tuyển Tập Truyện Sử gồm 15 truyện ngắn, trong đó những chuyện như Chú Tiểu Chùa Cổ Pháp, Ông Già Chém Đá, Nhân Vật Lịch Sử Dương Vân Nga, Thái Bình Đạo Nhân… người đọc sẽ bắt gặp một Ngô Viết Trọng không chỉ viết để kể chuyện lịch sử mà còn là một tác giả đầy suy tư và tha thiết về đạo lý và triết lý lịch sử. Một cách vô hình chung, người đọc sẽ tâm đắc với tác giả về thái độ thiện ác rạch ròi và công bằng nhưng không kém phần nhân hậu về các sự kiện, hành trạng và nhân vật lịch sử.
Có vẻ như thời gian lịch sử và thời gian nhân sinh có một tác dụng tích cực lên quá trình sáng tác văn học nghệ thuật của nhà văn Ngô Viết Trọng hơn là tác dụng tiêu cực làm phôi pha dòng đời và ký ức như thường thấy. Dấu hiệu rõ nét nhất là càng về sau, Ngô Việt Trọng càng có riêng một không gian tư tưởng để tiến sâu hơn, chân xác hơn và thuyết phục hơn khi anh khảo chứng, suy luận và phân tích lịch sử qua chữ nghĩa của một nhà văn chuyên đề lịch sử. Tuyển Tập Truyện Sử phát hành năm 2019 đã nói lên kiến thức vững vàng và bút lực dồi dào của một nhà văn cao niên như anh.
Những sự kiện lịch sử và đời người là một cuộc hành trình bằng tấm vé một chiều nên không bao giờ lặp lại. Trên con đường một chiều mỗi ngày một ngắn ấy, nhà văn Ngô Viết Trọng xứng đáng ngoái lại mỉm cười với nhân gian, bằng hữu và chính mình trong niềm vui của kẻ biết thổi hồn vào lịch sử.
Sacramento Giữa mùa Hạ 2019
Trần Kiêm Đoàn