THƯỞNG THỨC ĐẠO PHẬT

 

          Tưởng tượng nếu một xã hội kỹ nghệ và thực dụng phương Tây mà không có tôn giáo thì điệu sống sẽ đi về đâu. Con người sẽ đối diện, tương tác và dẫm đạp lên nhau tới mức độ nào nếu đời sống chỉ thuần một cực: biết sống mà không biết chết; chỉ có tiến tới mà không dừng lại hay rút lui; nuôi hận thù mà chẳng có yêu thương.

Tôn giáo giúp hóa giải những xung đột trong đời sống thực tế và làm êm dịu những bức bách cảm xúc trong nếp sống tinh thần. Từ khi ra đời đâu khoảng 20 vạn năm về trước, nhưng chỉ mới có lịch sử văn minh trên duới 6000 năm, nhân loại đã có hằng nghìn tôn giáo, nhưng số tôn giáo còn tồn tại qua những hành trình tâm linh nghìn năm thì chỉ còn đếm được trên số ngón của hai đầu bàn tay.

Tại sao những tác phẩm nghệ thuật lớn không bao giờ mai một mà tôn giáo lại bị lụi tàn? Câu trả lời ngỡ rắc rối mênh mông như trời biển nhưng thật ra là thực tế nhẹ nhàng. Cái gì con người còn muốn gần gũi để thưởng thức thì còn tồn tại; trái lại những gì con người nhàm chán thì sẽ lụi tàn.

Lịch sử đạo Phật du nhập vào thế giới phương Tây không lâu hơn lịch sử của máy vi tính và điện thoại thông minh là mấy. Nhưng Phật giáo đi vào lòng xã hội và đại chúng Âu, Mỹ không thông qua những giáo điều và tín lý cổ điển bằng sự mặc khải của đức tin và huyền thoại lễ nghi tôn giáo. Người phương Tây không thờ lạy, cung nghinh đức Phật như người ta đã quá mệt mỏi thực hành hàng nghìn năm qua với giáo chủ và giáo điều của các tôn giáo khác. Người ta nhận diện ông Phật là: “Buddha: a pragamatist focused on reducing suffering.” (Đức Phật: một bậc thực tế chuyên chú vào việc giúp làm giảm thiểu khổ đau). Thế đó, một nhà khoa học không gian như Allen Horton vẫn nhìn đạo Phật hồn nhiên như trẻ thơ và thực hành đạo Phật với tâm hồn nhẹ nhàng mây trắng trong “Enjoy Practicing Buddha-maha” (Thưởng thức hành Đại đạo):

Tiếng kinh như lời hát
Thiền thoáng nhẹ mây qua
Gõ mõ là làm thơ
Đánh chuông là khắc họa
Mùi hương trầm lan tỏa
Không cánh cũng bay xa
Tới cõi Phật trong ta
Phật ta hòa làm một

Những nghìn năm qua, xã hội khoa học kỹ thuật và thực dụng châu Âu và châu Mỹ đã sống một đời sống tôn giáo quy ước như một sự kế thừa tự nhiên “cha truyền con nối”. Tôn giáo là một đời sống siêu nhiên. Giáo chủ là một đấng quyền năng. Người theo tôn giáo thông thường có chung một thái độ và tâm lý kính sợ và cầu xin.

Phật giáo đến phương Tây như một luồng gió mới.

Đức Phật không phải là một ông Trời mà là một vị thầy: thầy thuốc trị bệnh khổ đau và cũng là vị bổn sư giúp luận giải những vấn nạn của dòng đời trôi lăn theo vòng sinh, lão, bệnh, tử và dòng sống sinh diệt lạnh lùng thành, trụ, hoại, không. Và, điều thú vị nhất tác động làm thức giấc những con chiên đang ngủ vùi trong tôn gíao là tinh thần bình đẳng chưa từng có khi nhà Phật khẳng định rằng, mọi sinh thể đều có Phật tánh và đều có khả năng giác ngộ thành Phật.

Bệnh đâu chữa theo thuốc đó. Tánh thật của vũ trụ vạn vật là Tánh Không. Nhưng nếu cần đối trị với những tâm hồn miên trường trong tôn giáo thì đạo Phật cũng có ba nghìn tam thiên đại thiên thế giới với hằng hà sa số chư Phật, chư Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn và thánh chúng để mà cung nghinh và cầu nguyện tới nơi “tôn giáo hơn cả tôn giáo”. Vô thần và hữu thần là một Thể Tánh. Loay hoay với khái niệm hữu thần và vô thần trong chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối là phí uổng thời gian và tự tranh chấp hoài với một cái miệng xinh xinh mà không biết nên cười hay mếu! Người phương Tây chọn mỉm cười để thưởng thức Phật giáo.

Trong vòng mười lăm năm qua, số người theo cũng như số chùa viện Phật giáo của người Mỹ tăng gấp đôi. Hiện tại đang có hơn bốn triệu người Mỹ theo đạo Phật và có cả nghìn chùa viện lớn nhỏ tại Hoa Kỳ. Theo cơ quan thống kê PEW thì hơn nửa tổng số người Mỹ theo đạo Phật hiện nay có trình độ hậu tốt nghiệp đại học (post graduate).

Hiện nay, có khá nhiều khóa tu học – thật ra là những sinh hoạt gần với tinh thần câu lạc bộ trí thức – từ một vài giờ đến vài ba ngày đã mở ra thường xuyên trên đất Mỹ.

Người Mỹ thực tế và thực dụng “gieo vốn, gặt lời”. Họ theo đạo Phật không phải vì những lễ nghi màu mè, chùa to tượng lớn hay để cầu nguyện lên chốn Niết Bàn như cõi Thiên Đường đã được nghe từ thời thơ dại. Đạo Phật, trước hết, phải là một đối tượng thưởng thức làm họ vui như Thiền định là một môn “thể thao tinh thần” tương tự môn Yoga đã du nhập từ thời rất sớm gíúp làm tươi mát thân thể, thanh sạch tinh thần và phủi bụi trí óc. Đạo Phật, thứ đến, phải là một môn triết học – gồm cả luận lý và tâm lý – nhân bản dân sinh, trả lời về căn bản những suy niệm siêu hình và thực tại của con người và vũ trụ. Đạo Phật vào nước Tây, nước Mỹ như một hành giả chân đất giản đơn mà uyên áo, bác học mà bình dân. Xã hội phương Tây đã đón đạo Phật với nụ cười và bàn tay hòa bình an lạc.

Một ví dụ minh họa: Tâm Lý Tôn Giáo Ứng Dụng

Khóa học Tâm Lý Tôn Giáo Ứng Dụng (Applied Religious Psychology) sáu tuần kết thúc không đơn giản và êm xuôi như tôi liên tưởng từ lúc ban đầu khi nhận lời mời của ban quản lý giảng huấn. Tôi chỉ là một trong sáu giảng viên phụ trách giảng tập. Mỗi người phụ trách mỗi tuần lên lớp một lần 95 phút – 60 phút lý thuyết và 35 phút ứng dụng – cho học viên toàn khóa có con số ghi danh trên 100 nhưng hiện diện thường xuyên thỉ chỉ già hơn một nửa. Học viên tuổi từ 25 đến 85!

Giáo trình của tôi chuẩn bị cho sáu lần lên lớp toàn khóa là “Buddhist Thought and Applied Psychology Perspective” (Tư tưởng Phật giáo và Khả năng Tâm lý Ứng dụng). Sở dĩ tôi giới thiệu chi tiết vài con số như thế trong phần mở đầu vì muốn nhấn mạnh rằng, tôi chuẩn bị giới thiệu đạo Phật theo con đường mòn đã được bày biện lớp lang theo lối mòn trí giả hay học giả hơn là nẻo đường tươi mới đầy hoa thơm cỏ lạ của hành giả. Lối cũ tôi đi là bức tranh cổ kiểu “Quốc văn Giáo khoa thư”; trong khi nhịp sống tâm linh tôn giáo – nhất là đạo Phật – đòi hỏi từng phút giây sinh diệt cần phải có một sức sống mới như nhịp đập của trái tim. Dừng lại hay bám xưa là quay lưng với sự sống.

Qua một vài tuần đầu, làn sóng biểu cảm của một người đã có dịp đứng trên bục giảng từ Việt Nam, tới Phi Luật Tân, qua Mỹ tương đối nhiều năm đã báo cho tôi biết rằng, những ánh mắt thân thiện nhưng thiếu tâm lý háo hức tìm cầu để thưởng thức của người nghe là dấu hiệu cho biết người nói hay giảng đang bị thất bại về khả năng truyền đạt hay do nội dung sáo mòn, khô khan, nhàm chán. Sau nầy tôi mới biết rằng các học viên trong khóa học hầu hết là những người có nghiên cứu tôn giáo. Những lý thuyết cơ bản của những tôn giáo lớn trên thế giới họ đã từng nghe, đọc và tham khảo. Điều họ cần biết trong khóa học nầy là làm sao để có được một sự thích thú đón nhận, thu hút và thưởng thức tôn giáo khi đem tôn giáo đó ứng dụng vào hiện thực đời sống.

Những sự ngỡ ngàng ban đầu dần dần đi qua. Các học viên bao gồm nhiều sắc tộc, tôn giáo và không tôn giáo có gốc gác từ nhiều miền thế giới. Điều cảm nhận mới mẻ của tôi từ những buổi đầu là lời phát biểu của những thành viên chưa từng nếm mùi cầu nguyện, bái ngưỡng, thuần thành với một tôn giáo hay đức tin nào cả thường nhẹ nhàng, dè dặt, cởi mở và ít chủ quan hay định kiến hơn là những tín đồ đạo Ấn đã thâm nhiễm với Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư; đạo Chúa với Kinh Thánh tân và cựu ước; đạo Phật với ba Tạng Kinh Điển; đạo Hồi với kinh Coran… Dần dần, tinh thần dính mắc tôn giáo như tín điều, lễ nghi, cầu nguyện trở nên thông thoáng hơn. Thượng Đế, Phạm Thiên, Tánh Không, A La, Vô Thần càng ngày càng được tâm lý cởi mở và sự luận giải nhiều chiều, nhiều hướng nâng cao tới một đỉnh điểm chung của đức tin và tri thức tạm gọi là “Nhất Thể” (Oneness).

Tôi đã rất dè dặt tham khảo ý kiến chung để đưa ra một khái niệm theo khuynh hướng Tâm Lý Tôn Giáo Ứng Dụng về cái tạm gọi là Nhất Thể. Nhất Thể là một khởi điểm mà mọi sự nghĩ bàn thế tục thường tình sẽ trở nên mơ hồ và phù phiếm. Nhất thể chỉ có thể nhận được qua sự rỗng lặng hoàn toàn của Chân Tánh. Ngoài ra, mọi sự lý luận hình thức đều đưa ra một hay nhiều Câu Trả Lời cho những Câu Hỏi không thể trả lời được (answering unanswerable questions) như:

– Vạn vật và con người từ đâu đến?
– Vũ trụ có giới hạn hay không giới hạn?
– Trước Thượng Đế, Phạm Thiên, A La thì thế giới nầy là gì?
– Sau cái chết con người sẽ đi về đâu?

Và đại loại có hằng bao nhiêu câu hỏi tương tự mà cả khoa học cũng như tôn giáo đều không có câu trả lời thích đáng và minh bạch; hay nói đúng hơn là không thể trả lời được trong giới hạn về mọi mặt của tri thức con người. Khoa học thì trả lời vô cực, vô hạn khi nói về giới hạn vũ trụ; tôn giáo thì đem Ông Trời, Thượng Đế ra làm núi chắn khi muốn truy nguyên suối nguồn nguyên thủy của sự hiện hữu hôm nay. Thỏa mãn hay không thì cuối cùng cũng phải đi vào hang động chỉ có lối vào thấy rõ và lối ra mơ hồ hay bế tắc của đức tin. Cuối cùng thì cũng đành “linh tại ngã, bất linh tại ngã” để đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ.

Là người phụ trách về phần Tâm lý Phật giáo Ứng dụng, trước hết, tôi xác định một thái độ “kính nhi viễn chi” về biểu tượng đấng thần linh cao cả nhất của các tôn giáo khác. Tôi chỉ trình bày giới hạn những đề cương căn bản về Phật học thích hợp cho nhu cầu ứng dụng là biết để hành, không phải biết để chìm đắm trong suy tư lý thuyết. Tôi khuyến khích bằng cách mời học viên chủ động thoát ra những giáo điều ràng buộc của bất cứ tôn giáo nào và mở rộng cánh cửa tâm thức của chính mình để tham gia ý kiến.

Để tránh tình trạng đi vào ngõ cụt của danh từ, tôi xác định lại khái niệm Nhất Thể trong hành trình tri thức về tôn giáo mà rõ nét nhất là trong Phật giáo bằng cách đi vào ý nghĩa căn bản Tánh Không – Chân Như – của đạo Phật.

Lý thuyết Phật giáo không trực tiếp trả lời “Ai…?” là đấng Sáng Tạo ra trời đất muôn vật bởi vì chẳng bao giờ có một thực thể “Ai” thực sự hiện hữu. Như bầu trời rỗng không bỗng nhiên đùng đùng sấm sét do những dòng điện gặp điều kiện giao nhau mà bùng nổ. Con người và muôn vật từ đâu gặp nhau để kết hợp, loại trừ và sinh diệt tạo ra hàng chục triệu chủng loại ngập tràn mặt đất. Tánh Không hay không có tự tánh là khởi điểm mà cũng vừa là tận điểm; là khái niệm xuất phát đầu tiên và sự trở về cuối cùng của mọi sự vật. Tánh Không – Chân Như là khởi nguồn sinh diệt không ngừng, mà đồng thời cũng đứng yên rỗng lặng trong từng nháy mắt từ vô thủy đến vô chung.

Nhà Phật dùng khái niệm “Duyên” để chỉ cho điều kiện, hoàn cảnh, môi trường. Khi Duyên có sự tiếp cận, kết nối, sinh khởi, tạo tác…trùng trùng khởi lên thì muôn vật cấu thành. Cho nên Tánh Không và Duyên Khởi là một khái niệm tổng quát thay cho hình tượng một “Đấng Tạo Hóa toàn năng” của các tôn giáo khác. Phải chăng vì thế mà Gandhi cho rằng Tánh Không – Chân Như là một tên gọi khác của danh từ Thượng Đế trong Phật giáo (?) bởi Thượng Đế cũng chỉ là một cách hình tượng hóa khái niệm siêu hình chân như tuyệt đối mà thôi. Suốt khóa học, tôi có ý khuyến khích và chờ đợi nhưng chưa được gặp học viên nào bác bỏ được nghĩa Tánh Không và lý Duyên Khởi.

Thưởng thức đạo Phật

Lớp học trở nên đông vui trong nửa khóa sau. Chỉ có sự khác biệt về ngôn ngữ là chướng ngại lớn nhất. Tiếng, chữ bị hiểu lầm nhiều nhất là “Không” khi dịch ra tiếng Anh và ngay cả trong tiếng Việt. Giữa lúc nhiều ý kiến sôi động cho rằng “Không”, Tánh Không trong đạo Phật có nghĩa là: Chẳng có gì cả (nothingness), trống rỗng (emptiness), vắng vẻ (vacancy), không hiện hữu (non-existence), có mà không (voidness)… tôi mời một nữ học viên người Nhật tương đối năng nỗ nhất nhóm có cái tên họ xe hơi nổi tiếng mà hầu như cả thế giới đều biết, Vivian Honda, lên cái bục đằng trước phòng học. Tôi chỉ vào cái đồng hồ chị đang đeo trên tay và hỏi: “Cái đồng hồ nầy giá mấy?”. Honda trả lời: “Một trăm đô”. Tôi rút tập chi phiếu trong túi ra và viết lên tấm check trả 100 đô la rồi đưa cho Honda. Chị trả lời: “Không, tôi không có ý định bán nó”. Tôi cầm lại tấm check viết một chữ “VOID” đậm và lớn lên đó rồi đưa lên cho cả lớp, giải thích: “Đây là một ví dụ tuy không chính xác nhưng tạm giải nghĩa về khái niệm ‘không’ của đạo Phật. Tấm check nầy ‘có’ qua hình tướng nhưng thực sự nội dung là ‘không’. Do nhiều duyên kết hợp mà có tấm check nầy. Và cũng do duyên khởi mà nó mang nội dung có giá trị 100 đô vì tôi muốn mua cái đồng hồ của Vivian. Nhưng khi duyên không hợp vì Vivian không muốn bán cái đồng hồ cho tôi nên tôi đã hủy tấm check bằng cách viết chữ ‘void’ lên đó thì duyên tan. Bây giờ tấm check có đó mà lại hoàn không như khi chúng ta chưa bao giờ thấy nó.” Lớp học ấm lên và vui hơn vì một chút phương thức tâm lý ứng dụng được đưa vào. Tuy chẳng ai nghĩ đó là chính xác và hay nhất nhưng mọi người đều đồng ý tạm chọn chữ “voidness” để dịch cho “tánh không”.

Học viên Vivian Honda đã chia sẻ với mọi người rằng, chị ấy sinh ở Nhật. Gia đình theo Thần đạo (Shinto) và Phật giáo. Thần đạo chỉ là truyền thống tinh thần yêu nước rất mạnh mẽ của người Nhật; nhưng Phật giáo mới là nguồn suối tâm linh un đúc tinh thần Nhật Bản qua nhiều thế hệ, từ thế kỷ thứ sáu. Honda cho rằng, người Nhật “thưởng thức ứng dụng đạo Phật” (enjoy applying Buddhism) trong cuộc sống hằng ngày để sẵn sàng đương đầu với thiên tai như sóng thần, động đất, núi lửa thường xuyên xảy ra vì hiểu Khổ là tính bản nhiên của thân phận làm người. Đồng thời họ cũng đương đầu với nhân nạn từ chiến tranh, cướp biển, xâm lăng như là Nghiệp quả không ai tránh khỏi. Và có bản lĩnh để hội nhập với cái mới, hưởng niềm vinh quang hay chịu nỗi bất hạnh của cuộc sống như là biểu hiện của Vô Thường. Cũng theo Honda, dân Nhật của chị chấp nhận sự lụi tàn của chế độ Lãnh chúa và Quân phiệt Nhật khi Quả Báo tới và năng nỗ vươn lên từ tro tàn của bom nguyên tử, đầu hàng vô điều kiện, chế ngự được hận thù để xây dựng được một nước Nhật được thế giới kính nể như ngày nay.

Ba tuần nửa sau của khóa học, không khí sinh hoạt biến thành một cuộc hội luận thú vị và thân tình về chuyên đề thưởng thức sự ứng dụng đạo Phật vào cuộc sống.

Khái niệm “thưởng thức” (entertain) bao gồm hai mặt: Cho và nhận. Cho người khác sự thú vị về cái hay, cái đẹp của mình và mình được nhận cái hay, cái đẹp từ người khác. Tác dụng hai chiều nầy là nét tinh hoa nhất của đạo Phật đối với con người, sinh thể, xã hội và hoàn cảnh. Đạo Phật cứu khổ và đem an lạc đến cho muôn loài thì ngược lại, muôn loài cũng xiển dương và làm cho đạo Phật thăng hoa ngày càng tươi mới.

Có nhiều thái độ và khuynh hướng đến với đạo Phật: Đến với đạo Phật để tìm cầu an lạc. Đến với đạo Phật để bái sám, cầu xin lợi lạc về tinh thần hay vật chất hoặc cả hai. Đến với đạo Phật để học hỏi cho thỏa mãn kiến thức. Đến với đạo Phật để sửa mình. Đến với đạo Phật để mong tìm giác ngộ. Vốn mỗi người là một thế giới riêng tư, nên mỗi cách thế tìm về đạo Phật cũng cũng khác nhau. Tuy nhiên, trong cái chung có cái riêng và ngược lại.

Đi vào lý thuyết kinh điển Phật giáo là đi vào một một khu rừng thăm thẳm danh từ và một biển khơi trùng điệp khái niệm. Muốn gặp nhau, người học Phật cần phải “lạc” từ góc biển đến chân trời mới thấy được nhau toàn vẹn. Từ đó mới có cơ duyên tìm về điểm đích quan trọng nhất là thấy lại được chính mình. Có “lạc” (!) hành giả mới có được sự cô đơn cần thiết, không bám víu và tự khiến mình dính mắc vào hiện tượng đồng phục bầy đàn của tư tưởng và hình tướng. Cần trang bị tấm bản đồ tự tại – tự thắp đuốc lên mà đi – mới thắp sáng được chính mình và thấy được mình là ai. Sau tiếng hống phá mê, trừ vọng vỡ rừng hoang của sư tử chúa sơn lâm là sự im lặng miên mật của rừng thẳm. Thiền tịnh là tập nghe sự im lặng hùng tráng đó. Tập thiền là một trong bảy nẻo đường thiện xảo để thưởng thức đạo Phật. Tập thiền là sống thiền trong từng hành trạng của đời sống đổ mồ hôi, sôi nước mắt nầy chứ không phải đi đâu xa hay chỉ chỉ ngồi thiền nhắm mắt trong thiền đường hay rừng thẳm.

Thậm chí, biết khổ để cười cợt với khổ cũng là một cách thưởng thức đạo Phật. Khổ là cái vốn gốc rể của con người vừa là từ khi sinh ra cho đến khi chết; mà cũng vừa là từ vô thủy đến vô chung, không có điểm giới hạn trước sau. Hoa nở rồi tàn, vang vọng rồi yên lặng, mở đầu rồi chấm dứt, hạnh phúc và khổ đau… là chuỗi dài vô tận. Đạo Phật là một trong những phương tiện thiện xảo giúp bớt khổ, cứu khổ, giải khổ, diệt khổ vì biết đối diện với cái khổ hiện hữu dưới muôn nghìn hình tướng. Nhưng nội dung của “khổ” không phải ai cũng như ai, hoàn cảnh nào cũng tương tự hay dân tộc nào cũng giống nhau. Như học viên Thanat Udan, Thái Lan, thì cho rằng anh có cảm tưởng người Thái theo đạo Phật không phải vì muốn diệt khổ, vì dân tộc anh không thấy cái khổ rõ ràng đeo mang cuộc sống. Người Thái xem đạo Phật như một quốc giáo vì nhà vua mà họ hết lòng yêu quý sống và hành xử như một vị đại thiền sư chí tôn. Nên theo Thanat, đạo Phật ở Thái Lan là một đối tượng để tôn thờ và tin kính. Nếu không ai dám nghĩ rằng, họ được gặp mặt và đứng thẳng để nói chuyện với nhà vua thì cũng tương tự như thế, đạo Phật là để thờ phụng như thờ vua. Nước Thái Lan xây chùa vàng, tượng ngọc, kết hào quang lưu ly quanh những điện thờ rực rỡ trong cả nước để quỳ dưới chân tượng Phật mà bái kính chứ không phải để thưởng thức đạo Phật theo tinh thần mà Vivian Honda nói về văn hóa Phật giáo Nhật Bản. Trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ đến bao nhiêu mà con người chỉ biết tôn sùng và kính sợ, không dám mở hết những khung cửa và khóc khuất của tâm hồn để cho thiên nhiên vũ trụ chảy ùa vào thế giới nhỏ bé của chính mình thì người đó cũng chỉ là một chủ thể lạc loài. Vì yếu ớt chưa dám sống hết mình, chưa hòa điệu trọn vẹn nên chưa khám phá ra mình để hòa nhập với đối cảnh thì làm sao thưởng thức được tròn đầy sự giao hòa của mình với cảnh vật.

Những buổi học và thảo luận càng về sau, các học viên có nguồn gốc chủng tộc và tinh thần đạo Phật từ Tây Tạng, Tích Lan, Đài Loan, Nam Hàn thường có khuynh hướng hiểu, nhìn và vận dụng lý thuyết đạo Phật theo tinh thần nước họ. Bản thân đạo Phật và đức Phật cùng các bậc danh tăng luôn nhắc nhở mọi hình thức tu học và pháp môn thảy đều là phương tiện. Nên khi đạo Phật truyền vào nước nào hay môi trường xã hội nào thì sẽ hội nhập uyển chuyển và phát triển hài hòa theo những điều kiện và nhu cầu tâm linh của nơi đó.

Tuy hai phần ba học viên trong khóa tự nhận mình là Vô Thần (Atheist), nhưng có vẻ như những người “vô thần” đó lại đón nhận, suy niệm và ứng dụng tinh thần đạo Phật thông thoáng và khoan hòa hơn những người ngoan đạo “hữu thần”. Cách họ tiếp nhận tư tưởng mới dễ dàng và trơn tru như đổ nước vào một cái bình trống, sẵn sàng dung chứa những gì chưa có và cần có.

Sự phản kháng của bắp thịt khó mà dễ vì ai cũng thấy được để đối trị; nhưng sự phản kháng của tâm linh, tinh thần tuy không ồn ào vung tay, giơ nắm đấm nhưng lại rất khó phản ứng chống đỡ vì nó như một cái bình đầy nước, rót thêm sẽ lặng lẽ tràn be.

Buổi liên hoan trà xanh vả bánh ngọt chia tay, anh Choden Jampa, người Tây Tạng sinh tại Mỹ đọc lại mấy vần thơ Thiền “như thị” (thế à, vậy đó, thế thôi), đại khái xoay quanh chủ đề:

Xuân sang hoa nở
Hạ đến chim ca
Thu về trăng tỏ
Đông lại tuyết sa

Tự nhiên như thế đó thì cái bình tâm thức mới khỏi tràn đầy.

Sau một cuộc hành trình tinh thần và tâm linh nho nhỏ dăm bảy tuần, điểm thành tựu mà ai cũng thấy rõ và chung vui là người tìm hiểu và học hỏi đạo Phật không xốc nổi xin quy y, thọ giới đông đảo hơn hay lý thuyết nhà Phật “kéo chân” được nhiều người hơn. Nhưng họ cảm thấy gần gũi hơn với một tôn giáo có dòng lịch sử lâu dài mà không bị lụi tàn; ngược lại, cả hai thế giới Đông và Tây đều nhiệt tình đón nhận hay ít nhất cũng cảm thấy an tâm và gần gũi hơn với tinh thần Phật giáo đang nở hoa trong chính mình.

Chiến tranh, kinh tế, chính trị, xã hội khi được hưng thịnh hay bị khủng hoàng, suy tàn thường kéo theo sự phát huy hay thoái trào của tôn giáo. Đạo Phật không là một ngoại lệ về sự thịnh suy của nhân sinh. Nhưng Phật giáo có một dòng sinh mệnh riêng. Những định kiến cho rằng, Phật giáo là một tôn giáo, là một triết lý, là một hệ thống giáo dục, là một lời khuyên nhân bản ở hiền gặp lành gieo gió gặt bão, là một con đường giải thoát, là chẳng gì cả… đứng trơ vơ và riêng biệt giữa cuộc đời này là tự khiêng đá tảng chắn lối con đường dài vô tận. Tất cả đều đúng và tất cả cũng đều chưa đúng vì chẳng có cái mũ nào đúng tầm; chẳng có chiếc áo nào vừa vặn cho một hạt bụi, cho một hư không, cho một thiên hà vũ trụ. Mỗi đời người cho dẫu sống hết trăm năm thì cũng chỉ có một khoản thời gian giới hạn được sống tròn đầy với cuộc sống tâm linh bay cao, vui với niềm vui tinh thần thông thoáng.

Và, lời nhắn gợi ý chân tình của quý thân hữu trong khóa Tâm Lý Tôn Giáo Ứng Dụng lúc chia tay ai về nhà nấy là: Đừng cột buộc chân trời bao la của nhà Phật vào giới hạn nào cả mà hãy mở rộng những cánh cửa của đời mình để hòa vui mà thưởng thức khu vườn ngàn hoa của đạo Phật.

Thiền viện Diệu Nhân, California; mùa Thanksgiving 2016
Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan