TIỄN BIỆT THI VŨ VÕ VĂN ÁI – Giữa Đạo và Đời

 

 

 Sáng nay, 27 tháng 1 năm 2023, thức dậy ở California tôi đọc được tin ông Võ Văn Ái vừa qua đời tại Paris thông qua một bài viết ngắn của nhà văn Vũ Hoàng Thư viết về người anh cả của mình. Tìm trên mạng thông tin xã hội, tôi hơi ngạc nhiên vì chưa tìm    thấy các thông tin về sự ra đi của một nhân vật nổi tiếng trong thế hệ Chiến Tranh Việt Nam như ông Thi Vũ Võ Văn Ái (VVA) ngoài bài chuyển tiếp thông tin duy nhất của cư sĩ Cung Diệu Lý.

Cũng là một Phật tử người Việt nhưng trẻ hơn 8 tuổi, tôi từng được tiếp xúc, tranh biện trực tiếp và gián tiếp với ông Võ Văn Ái qua môi trường sinh hoạt Phật sự và truyền thông đại chúng. Là người yêu chuộng văn chương và vẫn thường xuyên đọc báo, đọc thơ của ông, người thường được xem như một cư sĩ nổi tiếng trong cộng đồng Phật giáo người Việt hải ngoại suốt 40 năm qua, tôi rất xúc động nghe tin buồn của ông vừa qua đời. Là một đạo hữu, trong giờ phút tiễn biệt nầy, tôi xin chung lời cầu nguyện tiếp dẫn hương linh người vừa quá cố sớm vãng sanh về Cõi Tịnh Độ. Là một cựu Liên đoàn trưởng GĐPTVN, tôi xin chào tiễn biệt huynh trưởng đàn anh và xin nói lên đôi lời tiễn biệt có chút liên quan về ảnh hưởng di sản Võ Văn Ái trong sinh hoạt Phật giáo hải ngoại. Riêng về các khía cạnh đời thường khác như chính trị, xã hội, phong trào… xin nhường lời lại cho các đối tượng văn bút thích ứng tùy nghi hay để cho sự phê phán công bằng của lịch sử.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo đô trì cho hương linh Thi Vũ được an nhiên tự tại như ông đã ghi dấu trong thơ mình:

ĐỘC MÃ

trời hương sực tỉnh sương thu rụng

mai mốt thôi còn ý lá rung

nhớ đã se tim đường lữ thứ

một mình đem vó đọ thinh không.

Thi Vũ, Dặm Thơ

Với một dòng đời rất dài suốt 88 năm, trong một hoàn cảnh lịch sử rất thăng trầm và giữa một thực trạng đạo Phật Việt Nam rất phân hóa, người trí thức Phật tử VVA đã làm gì được cho lý tưởng phục vụ xây dựng Dân tộc và Đạo Pháp của mình giữa hiện trường “3 rất” đó?

Nhân vật Võ Văn Ái giữa Đạo và Đời:

Nguồn thông tin tương đối khách quan và độc lập – Bách khoa Từ điển Wikipedia – viết về VVA, xin được lược trích, rằng:

Võ Văn Ái là một nhà thơ (có bút hiệu là Thi Vũ), nhà báo, nhà đấu tranh cho nhân quyền và Phật giáo Việt Nam. Ông cũng là một sử gia với những nghiên cứu về đạo Phật và lịch sử Việt Nam.

Võ Văn Ái sinh năm 1935 trên dãy Hoàng Liên Sơn vùng biên giới Việt Hoa, trong một gia đình mà cha ban đầu làm cho nhà dây thép Pháp, từ khi 5 tuổi thì gia đình dọn về ở Bến NgựHuế. Ông chịu ảnh hưởng văn thơ cụ Phan Bội Châu ngay từ thời còn nhỏ. Năm 1955, ông đi sang ParisPháp du học. Ban đầu ông học y học, nhưng được một người bạn hứa sẽ trợ cấp nếu ông chuyển sang học ngành văn chương, nên ông đăng ký vào học ở đại học Sorbonne.

Quá trình hoạt động chính trị và tôn giáo của ông được ghi nhận: Vì bất mãn với thực dân Pháp, ông đã tham gia kháng chiến chống Pháp rất sớm, năm 13 tuổi ông đã bị bắt và bị bỏ tù. Từ 1963 đến 1970, ông đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở nước ngoài, một tổ chức Phật giáo mà sau 1981 không được nhà cầm quyền Việt Nam chính thức công nhận sinh hoạt hợp pháp tại quê nhà. Sau khi Hòa thượng Thích Quảng Độ được đặc xá năm 1998, và trong vị thế Viện trưởng Viện Hóa Đạo, vào ngày 27.8.1999 đã chọn ông làm Phát ngôn nhân của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế.

Hai tổ chức thuộc cơ sở Quê Mẹ là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt biển. Ủy ban Cứu Sống Người Vượt biển xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” tại Paris vào tháng 11 năm 1978, mà Tàu Đảo Ánh Sáng đã ra Biển Đông vớt thuyền nhân và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tị nạn trên Đảo Paulo Bidong, dẫn đầu cho một loạt những con tàu khác ở Đức (Cap Anamur), Ý Đại Lợi, Na Uy… đi vớt Người Vượt biển. (Hết lược trích Wikipedia)

Nhà văn Vũ Hoàng Thư viết về người anh ruột của mình rằng:

“Anh bay bổng ở phương trời Tây với những vần thơ kỳ lạ trong trí óc non nớt tôi. Bát ngát và hạo nhiên quá! Lúc đó nhiều lần tôi gọi thầm tên anh, tôi chỉ muốn ở bên cạnh anh. Từ ấu thơ cho đến năm 1975, thời gian tôi ở bên anh không quá dăm đôi ngày.

Cho đến sau biến cố 1975, anh em tôi mới có dịp gặp nhau thường xuyên hơn. Và anh vẫn như thế, đeo đuổi một lý tưởng không ngừng nghỉ: làm thế nào cho quê hương được tốt đẹp hơn. Tôi không muốn nhắc lại thành tích ở đây vì không cần thiết. Mọi sự sẽ được soi sáng dưới ánh mặt trời. Tôi chỉ biết một điều là anh ấy đã dâng hiến trọn đời cho quê hương Việt Nam.”

Và một câu xuất hiện trên diễn đàn mạng mà cư sĩ Cung Diệu Lý chuyển tiếp cũng làm tôi trăn trở. Nguyên văn: “Mô Phật. Một trang sử của GHPGVNTN được xếp lại khi VVA, nội trùng của GH đã được đào thải.”

Tôi tiên đoán trong những ngày tháng sắp tới sẽ có vô số bài viết về nhân vật Võ Văn Ái xoay quanh nhiều lập trường và quan điểm khác nhau.

Riêng với tầm hiểu biết giới hạn của mình thì xét trong khung cảnh Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, nhất là Hoa Kỳ là nơi tôi đang ở thì tầm ảnh hưởng của ông VVA cũng có tác dụng đậm nét đáng kể nhưng lại được nhìn dưới 3 hướng trái chiều:

  1. Hướng tích cực: Cư sĩ VVA là một trí thức Phật tử có bề dày của một quá trình đấu tranh cho lý tưởng công bằng và tự do dân chủ cho đất nước, đặc biệt là về phương diện truyền thông báo chí. Đó là thời kỳ từ 1975 đến 2010.
  2. Hướng tiêu cực: Cư sĩ VVA là một trí thức lỗi thời, chao đảo dưới bóng đè của quyền lợi và quyền lực, lợi dụng Phật giáo để làm nghề “buôn vua” bằng cách khuynh loát Tăng Thống, ban hành những “giáo chỉ” như thánh chỉ nhưng thực chất là những khống chỉ. Hệ quả nghiêm trọng là gây chia rẽ tăng đoàn cũng như tạo nghi ngờ trong giới cư sĩ và gây phân hoá Phật tử. Giáo Chỉ số 9 ban hành ngày 15-9-2007 do phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế/ Võ Văn Ái loan tải giải tán Văn Phòng 2 Viện Hóa Đạo cũ và chỉ định nhân sự cho Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Mới. Đó là thời kỳ từ 2001 cho đến 2022.
  3. Hướng trung dung: nhân vật Võ Văn Ái được (hay bị) nhận định dưới một nhãn quan thứ 3 (Trung Dung, Trung Đạo chăng)? Đó là: Võ Văn Ái là một Con Dê Tế Thần!

Nửa thế kỷ cố vươn lên làm người… tử tế, nhưng đến cuối đời thì cả ba khuynh hướng mà nhân vật VVA đều đã để hết thời gian và tâm sức cả đời nhằm mục đích tiếp cận, nhân danh và phục vụ đó là đạo pháp, dân tộc và quyền sống của con người. Nhưng cả ba đều phủ nhận giá trị cống hiến và thành tựu của VVA.

Lý Bá Chung báo Đất Đứng thì bày tỏ quan điểm bất đồng với những thành tựu của ông VVA cụ thể hơn:

Đạo pháp thì cho ông ta là “sư tử trùng thực sư tử nhục”.

Dân tộc thì cho ông ta là buôn dân nhận “fund” để sống trên ngân quỹ tài trợ.

Quyền sống thì cho ông ta là đấu tranh bằng mồm và giấy; lý thuyết suông online.

Khi ông Võ còn tại thế, tôi đã có dịp góp ý bằng điện thoại hay phát biểu trực diện trong các lần được gặp ông tại Mỹ hoặc qua các bài viết chính luận liên quan đến Phật sự hải ngoại. Nhưng từ sau giáo chỉ số 9, tôi không còn có dịp đàm luận với ông nữa. Tuy không tán đồng những điều ông Vũ đã làm và để lại dấu ấn xót xa trong lòng Phật giáo, nhưng tôi cũng không phê phán hay nhận định ông Vũ hoàn toàn theo hướng tiêu cực nêu trên.

Tôi rất cảm khái với nhà văn Vũ Hoàng Thư khi cho rằng, huynh trưởng Võ Văn Ái mang ý hướng “dâng hiến trọn đời cho quê hương Việt Nam”. Nhưng trong khái niệm đầy tính biểu tượng của Phật giáo thì hình thức hành động mới chỉ là Tướng; trong khi Tánh mới là điểm tới – pàramità – của một hành trình công hạnh.

Không hiểu sao cứ mỗi lần chứng kiến một trường hợp công tội bất tường, tôi vẫn nhớ đến Nguyễn Văn Siêu (văn như Siêu Quát vô tiền Hán) khi ông ngậm ngùi nói đến tài hoa và thân phận của anh em nhà họ Cao Bá Quát:

“…Đáo đầu sự thế, khả liên khả ố, hỗn trần lưu xú diệc lưu phương”. (Sự cơ đến vậy, đáng thương đáng ghét, ngàn năm dây xấu cũng dây thơm).

Nghĩa tử là nghĩa tận. Trong giờ phút tiễn biệt nầy, tôi xin bắt ấn tam muội kính chào bái biệt người Huynh trưởng GĐPTVN đàn anh và đồng tâm quán niệm:

Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

Sacramento, mồng 5 Tết Quý Mão 2023

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

 

Bài viết liên quan