TIẾNG CHUÔNG GIAO THỪA CHÙA THIÊN MỤ

Có những hồi chuông chùa nghe một đời chưa dứt tiếng ngân.

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân trong tâm tôi gần tới 80 năm vẫn còn vang vọng.

Đây chẳng phải là hồi chuông chùa Thiếu Lâm tự trong chuyện võ hiệp Kim Dung hay tiếng hát “chẳng phải là hoa, chẳng phải sương” của nhân vật Gia Gia trong tiểu thuyết ngôn tình của Quỳnh Dao vừa mới mất mà là tiếng chuông ngân sống thực đời thường.

Làng Liễu Cốc Hạ tôi nằm ở góc tam giác cách thành phố Huế và chùa Thiên Mụ khoảng 7km theo đường chim bay nên trong những đêm trời trong gió lặng, đứng ở làng, tôi có thể thấy vầng sáng đèn điện thành phố Huế và nghe vọng âm tiếng chuông công phu tối và sớm của chùa Thiên Mụ.  Huế thường ngủ sớm. Những… chúng sinh thao thức vẫn thường được nghe 108 tiếng chuông dứt trừ phiền não kéo dài ngân nga trong đêm vắng cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Và đến khi gà gáy lại, được nghe tiếng chuông công phu sớm; cũng 108 tiếng chuông xua đi bao mối ưu tư của một ngày mới chực chờ. Tiếng chuông Thiên Mụ không còn là âm thanh cửa thiền mà là tiếng vọng giải tâm, giúp hóa giải và trung hòa những vướng mắc đã để lại dấu ấn hay còn mường tượng của một đời xứ Huế biến khổ thành không!

Tiếng chuông chùa Thiên Mụ trong tôi và trong những tâm hồn lang bạt kỳ hồ vốn gốc Huế hay ít nhất có một lần tới Huế là tiếng vọng âm thầm không trước, không sau nhưng lúc nào cũng có. Đặc biệt là giữa những chặng đời bị xô dạt vui buồn lẫn lộn; định hướng và niềm tin càng bị chao đảo mơ hồ thì tiếng chuông càng hiện rõ như một sự nhắc nhở tinh thần và tâm linh sâu lắng.

Ngồi trên máy bay từ Đài Bắc về Tân Sơn Nhất, tôi nhìn qua cửa sổ thân máy bay chỉ thấy mây trời và biển xanh xa tắp, rồi liên tưởng tới Hương Giang như một dòng Sông Thơm ngát mùi dị thảo thạch xương bồ trong cổ sử; rồi chợp mắt và mơ nhè nhẹ thấy mình như hóa thân của một người kiếp trước có duyên nợ với Huế thời miếu vũ cung đình. Tôi vẫn có thói quen khi không biết làm gì thì làm thơ cho khỏi bị vưng đầu vì suy tưởng. Làm thơ để khỏi làm thinh. Và gần đây, thú vị nhất là đọc thơ vào điện thoại cầm tay để máy ghi thành văn bản. Một bài thơ đọc trên máy bay:

Nghe Tiếng Hát Sông Thơm

Em vốn không đến trước

Em chẳng hề đến sau

Dòng từ bi phiêu bạt

Đưa sống chết nhiệm mầu

Rồi cũng có lúc mình không nhìn thấy nữa

Dòng Sông Thơm từ thuở vẫn xanh màu

Rồi tuổi già đêm xuống rất mau

Khi điệu sống chào linh hồn ngập nắng

 Có tiếng hát dòng Sông Thơm vắng lặng

Nước soi bóng cả trời xanh mây trắng

Mây bay rồi nước chảy vẫn trong veo

Em Sông Thơm tình mấy kiếp mang theo

 Có một kiếp người đưa đò qua bến

Sống thiện lành thương công chúa làm quan

Rồi ra đi trong thác lũ mưa ngàn

Nợ tiền kiếp đầu thai làm thái giám

 Tình cung cấm bên nhau mà ly tán

Tử Cấm thành tâm bãng lãng cuồng điên

Ta đêm đêm nâng gót ngọc cho em

Giữa biển động sóng mơ hồ câm lặng

 Đêm huyền diệu ta quay về cổ độ

Tiếng phong linh run mãn kiếp luân hồi

Chuông Thiên Mụ nương một đời phiêu lữ

Ta lại về bên bến cũ Sông Thơm

Hơn ba mươi năm sống tha hương với ước mơ theo tuổi đời lớn và già dần, tôi chỉ mong có một lần về quê ăn Tết. Chuyện đơn giản như mua cái vé khứ hồi, nghỉ vài tuần bay về quê ăn Tết rồi trở lại; dễ đến thế nhưng thực tế đời sống không có cái gì xảy ra đơn lẻ mà chẳng bị muôn vàn dính mắc đeo theo như chuỗi duyên buộc vào dây nghiệp thành chuỗi hột công phu phải cần đến tiếng chuông chùa đêm đêm hóa giải.

Cái phi lý kiếp nhân sinh trở thành cái hợp lý giữa cuộc đời khi tâm lý uẩn ức thường ở dạng vô thức bỗng hóa thân làm chủ. Phút hóa thân vinh quang và sáng thế nhưng cũng đầy xót xa của con kén vươn vai thành bướm đó đến với tôi thật mong manh và ngớ ngẩn như ánh mặt trời lấp lánh trên giọt sương mai…

Chuyện xảy ra lâu rồi, khi chỉ còn mấy hôm nữa là đến Tết. Hơn ba mươi năm ở Mỹ tôi vẫn thường có cái thú tự gói một nồi bánh tét trong dịp Tết không phải bởi lí do gì xa xôi hơn là vì “quen nếp mẹ”. Cả một thời hoa niên tôi đã quen thuộc làu bài bản nhỏ là ngồi cột lạt bánh tét bên cạnh mẹ. Mẹ tôi là một trong những “mụ dâu” gói bánh tét được khen là thanh và đẹp trong làng Liễu Hạ. Chỉ riêng về ngoại hình thôi thì một đòn bánh tét đẹp phải đạt tiêu chuẩn tròn trịa và thanh nhã. Đặc biệt là nuộc cột lạt (đầu xoáy khi dùng sợi lạt mỏng chẻ ra từ cây tre, cây giang… để buộc bánh tét, bánh chưng) khoảng cách phải đều đặn suốt chiều dài đòn bánh tét. Năm nào cũng giúp mẹ nên tôi quen việc. Bao nhiêu năm sau, mẹ không còn nữa nhưng đòn bánh tét không chỉ là một món ăn mà còn là một biểu tượng thiêng liêng của cả tinh thần và vật thể của ngày Tết trong tôi.

Năm nay, do một sự bức xúc tranh cãi lên tới đỉnh điểm, tôi… “nổi đóa” – một phản ứng tâm lý vô thức mà trong ngành Tâm lý học phương Tây gọi là “sự bùng vỡ cảm xúc nội kết” – vội bươn bả bỏ ra khỏi nhà. Và cũng là phó sản của loại tâm lý vô thức đó, tôi vừa lái xe bất chấp, vừa gọi cho văn phòng bán vé máy bay quốc tế hỏi chuyến bay về Việt Nam sớm nhất. Người bán vé quen cho biết là chuyến bay “chiều nay” còn chỗ trống nếu có sẵn hộ chiếu dài hạn. Chỉ còn vài giờ để chuẩn bị kịp lên phi trường San Francisco cho kịp chuyến bay về Đài Bắc khởi hành lúc nửa đêm, tôi quay về nhà và quơ vội mấy bộ áo quần, vật dụng tùy thân nhét đại vào cái va li xách tay nhỏ và kêu xe Uber lên đường. Nhà vắng, tôi cũng chẳng cần nói với ai mà cũng chẳng có ai để nói. Sự đối đầu cấp thời thường vô điều kiện; chỉ để đạt cho được nhu cầu “phản kháng” từ cái ngã ngự trị hiện tiền trong chính mình mà bất chấp thiệt hơn.

Người thân quanh tôi lúc nầy là mớ giấy tờ giắt lưng như thông hành, hộ chiếu, cái điện thoại, một ít tiền mặt và mấy thẻ tín dụng. Qua mấy chục giờ đợi và ngồi qua ba chuyến bay dọc đường bay và bầu trời đêm ngày sáng tối: San Francisco – Đài Bắc – Tân Sơn Nhất – Phú Bài, cái ngã đầy kiêu mạn như đất trời mà phù phiếm trong tôi đang tung tăng dọc đường mây khói chậm lại như chiếc máy bay giảm tốc độ tìm đường băng trên bãi đáp bỗng cựa quậy như muốn tìm một chỗ dựa tinh thần hay thể chất đâu đó. Dễ vì có sẵn; nhưng khó vì không biết nó ở đâu mà nhận diện như cái tâm ai cũng có nhưng nó ở trong, ở ngoài, ở trên, ở dưới hay núp kín chỗ nào tưởng đã nằm trong ta mà tuyệt mù mất dấu. Quê hương là chùm khế ngọt, là rổ khế chua, là hoang đường hay thực tại thảy đều vắng bóng trong cái tâm trống trải của tôi lúc nầy khi tôi ra khỏi sân bay Phù Bài vào một buổi chiều Ba mươi Tết mưa lất phất bay và se se lạnh.

Quê Mẹ Huế mình đây! Đứa con xa xứ trở về “mình trần thân trụi”; chẳng có ai đón đưa giữa buổi chiều lang thang mây xám… Ngồi trên chiếc xe thồ về tới Làng thì trời đã tối. Về lại ngôi nhà thừa tự nơi tôi sinh ra và lớn lên từ thời Nhật đảo chính với tâm lý bơ vơ, trống không và ngỡ ngàng xa vắng. Tôi chẳng có gì, không mang theo gì để sẵn sàng cho hay nhận điều gì cả ngoài nỗi lòng “hoang hoải” (một từ ngữ mới toanh mà tôi mới gặp lần đầu trên máy bay) và bị chinh phục ngay. Đó là hai chữ (cụm từ?) miêu tả cảm xúc hoặc tâm trạng buồn nhớ mơ hồ trong cảnh trống trải bâng khuâng đã làm tôi liên tưởng đến một khái niệm tâm bệnh học trong tiếng Anh “wistful emptiness”!

Tôi chưa chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đón Tết tại vườn cũ, nhà xưa nơi làng mình. Dẫu không hé cửa ra đón thì Xuân vẫn về, Tết vẫn đến và đêm Trừ Tịch cứ khoan thai bước nhanh về phía trước.

Rồi giây phút Giao Thừa đến. Đã bao nhiêu năm, suốt cả thời kỳ tuổi trẻ, lễ đón Giao Thừa chính trong ngôi nhà thừa tự cổ kính nầy là cả một gia tài tâm lý thiêng liêng mà tôi có được bên cạnh Mẹ. Sự huyền nhiệm phút Giao Thừa dường như không tìm thấy ở các dòng văn hóa khác mà tôi đã được trực tiếp dự nhiều lần tại Mỹ, nơi có tới 140 nhóm văn hóa nhân chủng khác nhau và cả trăm “Năm Mới” theo truyền thống bản xứ. Phút Giao Thừa ở Làng và khắp cả Việt Nam trong nhiều hoàn cảnh chiến tranh, hòa bình, được mùa, thiên tai, hạnh phúc, tang thương… đều lắng đọng trong cột mốc thời gian thiên nhiên và tâm lý được thắp sáng với niềm hy vọng tha thiết trước sự ám ảnh mất mác, xui rủi sẽ qua đi theo năm cũ và an lành, hạnh phúc bừng nở theo năm mới. Cho nên, đêm cuối cùng của năm cũ bước qua năm mới còn được gọi là “đêm Trừ Tịch” mang ý nghĩa là đêm để xóa bỏ cái cũ, một thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Trong quan niệm dân gian, đây là thời điểm linh thiêng, không gian và thời gian như được tái sinh.

Đúng phút giao thừa “tống cựu nghinh tân” đó, phần đông người Làng truyền khẩu với nhau chỉ dấu đề phòng, rằng là: “mèo kêu động rú, cú kêu động ma, quạ kêu người chết…” Nghĩa là trong phút giây chuyển tiếp đó, trước bàn thờ khói hương nghi ngút, nguồn âm thanh phát ra trong giờ khắc đầu tiên bước qua năm mới sẽ báo hiệu cho tình hình năm tới. Trong tín lý dân gian, khi cuộc sống bị đặt giữa hai đầu sống chết mong manh thì thông tin đồn đoán truyền miệng chẳng có căn cứ vào đâu thường mang tính thuyết phục cao hơn là thực tế. Nhưng rất may Làng tôi có chùa và khuôn hội Phật giáo nên ảnh hưởng tôn giáo có quy củ như đạo Phật thường mạnh hơn là lời đồn miệng dân gian.

Giữa dòng im ắng đêm Ba Mươi, phút Giao thừa thường được đánh thức bởi tiếng chuông chùa huyền nhiệm như thể phát ra từ những nguồn suối của tâm hồn. Tiếng đại hồng chung chùa Thiên Mụ thường nương theo sương khói từ trên đồi Hà Khê lan tỏa ra mười phương tám hướng.

  Tiếng chuông chùa vào phút Giao Thừa là một biểu tượng thiêng liêng, sâu lắng, gợi lên không khí thanh tịnh, trầm mặc của xứ Huế. Khi tiếng chuông vang lên, nó như xua tan những muộn phiền, mang lại cảm giác tĩnh lặng và bình an cho tâm hồn, đồng thời khởi đầu một năm mới với hy vọng và sự an lành.  Tiếng chuông vang vọng qua làng mạc, đồng nội, núi đồi, sông nước… nhắc nhở những tâm hồn chỉ dám thở nhẹ trong phút Giao Thừa đón năm mới. Không biết có vùng đất quê hương nào cũng lắng lòng nín thở đón Giao Thừa “lao đao tống cựu nghinh tân” với ước vọng con người sống an lạc, hướng đến điều tốt đẹp trong năm mới như trên quê mẹ của tôi không. Tiếng chuông ấy không chỉ là dòng âm thanh mà còn là lời nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho mỗi người tìm thấy sự bình lặng, an nhiên phát khởi tự lòng mình giữa dòng đời đầy bon chen hối hả. Phút giao thừa ở chùa Thiên Mụ và hàng trăm ngôi chùa quanh Huế với vọng âm trầm ấm, buông thư và lắng đọng là khoảnh khắc kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một nét đẹp văn hóa, tâm linh độc đáo của xứ Huế.

Đêm nay, phút Giao Thừa nơi Làng xưa, trong căn nhà thờ tự và cũng là ngôi nhà thừa tự của đại gia đình chúng tôi bỗng ấm lên như một cơ hội quá đỗi tình cờ của cả đời tôi khó có hai lần. Giao thừa tôi chuẩn bị cho năm nay, theo tiêu chuẩn múi giờ  UTC+7, cách nhà tôi ở Sacramento Cali 15 giờ sớm hơn; thế mà bỗng dưng tôi đón Giao Thừa trước một ngày. Nhìn hương chong, đèn rạng trên bàn thờ, nguồn ân tình đối với tổ tiên, tình huyết thống đối với ôn mệ và nguồn tình máu thịt ấm nồng đối với cha mẹ, anh chị em đã khuất… lòng tôi miên man như lạc vào một thế giới tình cảm không trước, chẳng sau mà hiện tiền cảm xúc. Mắt tôi mờ đi khi nhớ Mẹ mình, bà Mẹ Quê gieo neo nuôi con giữa tầm súng đạn chiến tranh. Nếu không có tiếng chuông Giao Thừa đưa tâm ý của tôi mơ hồ về một cảnh giới an nhiên đầy quán niệm thì có lẽ tôi đã khóc òa như một đứa trẻ thơ.

Quê hương ơi! Cám ơn Người, cám ơn Mạ và cám ơn tiếng chuông chùa Thiên Mụ cùng những đại hồng chung miền cổ độ đã bao năm qua vẫn còn mãi với sinh linh và sông núi:

 “Hương Giang danh thắng thiên thu tại,

Thiên Mụ linh cơ vạn thế truyền.”

Nghĩa Việt:

Sông Thơm cảnh đẹp nghìn năm đó,

Thiên Mụ linh thiêng mãi vẫn còn.

California, chuẩn bị đưa Giáp Thìn đón Ất Tỵ 2025

                       Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan