TIẾNG VIỆT TRÊN ĐƯỜNG HỘI NHẬP

Khi nói đến đặc tính hay tính dân tộc của một đất nước, người ta thường nghĩ ngay đến văn hóa và ngôn ngữ.  Có người cho rằng, văn hóa bao gồm ngôn ngữ.  Trong thế giới nhiều chủng tộc và nhiều ngôn ngữ ngày nay, nhận xét nầy chỉ đúng về mặt hình thức nhưng không đúng về mặt nội dung.  Khách du lịch đến một vùng đất lạ, họ có thể cảm nhận được nét văn hóa chung chung của xứ đó trong lần đầu tiếp xúc.  Nhưng muốn hiểu ngôn ngữ, chỉ có sự cảm nhận và quan sát không chưa đủ; mà còn phải đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ vào quá trình học tập, tìm hiểu, giao tiếp  và thực hành.

Trong hơn 36 nhóm chủng tộc mới nhất, lần đầu di cư vào đất Mỹ từ năm 1975 đến nay có người Việt Nam.

Nói về tốc độ hội nhập của con người và sự phát triển về ngôn ngữ trong một xã hội mới như Hoa Kỳ, người Việt và tiếng Việt được xếp loại là một trong những nhóm dân tộc di dân tiến bộ nhanh nhất về cả hai mặt đời sống và ngôn ngữ.

Về đời sống, trung bình người Việt chỉ cần từ 5 đến 10 năm kể từ khi đến vùng đất mới là đã ổn định được một cuộc sống tự túc trên đất Mỹ.  Về thu nhập, người Việt Nam được xếp hàng tương đương với mức sống của người da trắng trung bình và ngang hàng với người Trung Hoa đã có lịch sử định cư tại Mỹ lâu dài đã đến đây trước người Việt Nam hàng trăm năm.

Về ngôn ngữ, hai nhóm dân châu Á có số dân trên một triệu người cư trú tại Mỹ vẫn còn duy trì được tiếng mẹ đẻ trong gia đình và ngoài sinh hoạt cộng đồng là người Trung Hoa và người Việt Nam.

Đặc biệt nhất chỉ sau một thập niên định cư trên đất Mỹ, tiếng Việt đã được đưa vào chương trình song ngữ tại các trường tiểu học và trung học; đồng thời, Việt ngữ từng bước trở thành ngoại ngữ tiêu chuẩn được đưa vào giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn nước Mỹ giống như tiếng Nhật, tiếng Nga, Tiếng Tàu, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.  Học ngôn ngữ cũng là học văn hóa.  Do đó, một số trường đại học Hoa Kỳ đã phát triển và mở rộng dự án dạy tiếng Việt lúc đầu thành chuyên ngành Việt Học.

            Hoa Kỳ là nơi tập trung đông đảo người Việt hải ngoại nhất trên toàn thế giới và  Orange County là nơi có đông người Việt nhất trên toàn nước Mỹ; nên vô hình chung nơi đây đã biến thành một Sài Gòn Nhỏ.  Đây là một Sài Gòn thứ hai từ trong tên gọi và trong phong cách sinh hoạt mang đậm tính văn hóa Việt Nam.

            Trong số những trường đại học gần gũi về cả phương diện địa lý lẫn đời sống và tâm lý giáo dục đối với người Việt trong vùng, đại học tiểu bang Cali tại Fullerton (California Sate University, Fullerton – CSUF) đã đóng một vai trò tương đối phong phú và thuận lợi về vấn đề giáo dục Việt Ngữ và văn Hóa Việt Nam.  Mặc dầu trong nhiều năm qua, CSUF đã có một chương trình dạy tiếng Việt sơ cấp và trung cấp phục vụ cho nhu cầu học Việt ngữ văn hóa Việt trong vùng nhưng quy mô và tác dụng vẫn đang còn giới hạn trong phạm vi “học tiếng” hơn là phát huy hết tác dụng giáo dục ngôn ngữ và văn hóa dân tộc ở xứ người.  Nhưng trước yêu cầu ngày một tăng của sinh viên và cấp độ cải thiện giáo dục trong lĩnh vực nhân chủng và xã hội, bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, được sự tăng cường và hỗ trợ của ngành giáo dục liên bang, nhà trường đã quyết định mở rộng và nâng cấp chương trình Việt ngữ đang có trước hết lên Chuyên ngành phụ (Minor) và sau đó lên hàng Cử Nhân về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam (Bachelor’s Degree in Vietnamese Language and Culture).  Chương trình nầy cũng có khả năng kết hợp và phát triển trong ngành Thương Mãi Quốc Tế (Bachelor’s Degree in International Business with concentration in Vietnamese).

            Đối với thế hệ trẻ “người Mỹ gốc Việt” đa số sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, nếu chỉ “học tiếng” như các lớp Việt ngữ đã được giảng dạy trong những năm qua, con em chúng ta đã bị giới hạn và mất đi cơ hội tiếp cận với một chương trình học tích cực về ngôn ngữ và văn hóa nước nhà.  Trước một viễn ảnh kinh tế thị trường và bối cảnh văn hóa toàn cầu đầy hứa hẹn, sự hình thành và phát huy một chương trình Việt học phong phú sẽ giúp cho thế hệ trẻ Việt Mỹ những cơ hội thuận lợi và tốt đẹp hơn trong nhiều ngành nghề chuyên môn trung cấp và cao cấp sau nầy.

            Đại học Fullerton đã tổ chức và giảng dạy những chương trình ngôn ngữ và văn hóa rất thành công đối với Pháp, Đức, Nhật, Tây Ban Nha, Trung Hoa, Nhật Bản, Trung Đông… trong hơn mười năm qua.  Năm học nầy, mở đầu cho một chương trình học Việt Nam nâng cấp và mở rộng.  Tiếng Việt, văn hóa Việt và giáo sư đang gặp cơ hội thuận lợi được góp mặt với những chương trình học về ngôn ngữ văn hóa của các quốc gia vốn có thế đứng vững mạnh trong cộng đồng thế giới từ lâu.

            Khoa sinh ngữ và văn chương hiện đại của đại học Fullerton cũng đang tăng cường và mở rộng khả năng hoạt động của trung tâm huấn luyện và thực hành về ngữ học và môi trường truyền thông để ban giảng huấn có điều kiện ứng dụng những phương pháp giảng dạy có hiệu quả ngày một cao hơn.

            Được biết người được ủy nhiệm cho việc dự thảo lập, đề án, và tổ chức chương trình nầy là Tiến sĩ Lê Thị Huỳnh Trang. Tiến sĩ Huỳnh Trang có bằng Cao học về TESOL (Dạy tiếng Anh cho người nước ngoài) từ trường Đại học Deakin (Úc Châu) và bằng Tiến sĩ chuyên ngành Phát Triển Giáo Dục Quốc Tế từ trường Teachers College, Đại học Columbia ở New York.

            Hiện nay Tiến sĩ Huỳnh Trang đang xây dựng chương trình Chuyên ngành phụ Việt Học tại CSUF. Thời gian họạch định sớm nhất cho chương trình này bắt đầu họat động là vào khóa học Mùa Thu 2011 hay Mùa Xuân 2012. Sau đó sẽ tiếp tục phát triển lên chương trình hàng Cử Nhân.

            Với một lịch sử tỵ nạn và di dân 30 năm – một khoảng thời gian rất ngắn so với các dân tộc châu Á khác đã có mặt trên đất nước nầy hàng trăm năm – sự lớn mạnh và thâm nhập ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ là một dấu hiệu thăng tiến đầy khích lệ.  Quan trọng hơn nữa là đối với thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thứ hai và trở về sau, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, văn hóa tại một xã hội đa chủng tộc như Mỹ sẽ tạo ra một sự hội nhập có ích lợi về mọi mặt cho giá trị nhân bản và duy trì được cội nguồn dân tộc nơi xứ người trong một tương lai dài hạn.

            Người Việt Nam sống xa quê hương đã học được bài học thấm thía qua một quá trình hội nhập gian nan đầy trăn trở.  Bởi vậy, sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng người Việt cho chương trình giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Việt tại hải ngoại sẽ góp sức mạnh cho sự thành công cũng như làm giàu thêm kiến thức, tình cảm về quê hương, dân tộc của con em chúng ta hôm nay và mai sau.

 

Trần Kiêm Đoàn, MSW; Ph.D

East-West PSY Institution

Bài viết liên quan