TIẾNG VỌNG SÔNG BỒ

Sau hơn bốn mươi năm đi biền biệt sông hồ, xa làng, xa Huế xa dòng sông Bồ… tôi lại có dịp trở về chốn cũ để ngồi bên sông, dòng sông thời thơ ấu và thuở tuổi hạc vàng!

Hình như những dòng sông mà tôi có duyên lang thang đặt chân đến, mang tên đơn âm như Hương, Bồ, Truồi, Hồng trên đất nước mình và độc tự trên đất nước người như Amazon (Brazil), American (Mỹ), Hoàng (Trung Hoa), Thames (Anh), Seine (Pháp), Nile (Ai Cập), Hằng (Ấn Độ)… đều có những vẻ đẹp huyền thoại thấp thoáng trong từng góc khuất của lịch sử. Duy chỉ có sông Bồ uốn lượn phía Đông làng Liễu Cốc Hạ tôi là chân quê trọn tình vẹn nghĩa với tên gọi thân yêu và con nước bốn mùa trong xanh ít khi cau mặt với nhân gian hay kiêu xa lạnh nhạt với đời.

Làng Liễu Cốc Hạ, nơi tôi ra đời, lớn lên, trưởng thành và đi mô cũng nhớ về thầm lặng, nằm phía Tây Bắc và cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km theo đường chim bay, hoặc chừng 11 km theo đường bộ, được chia một khúc sông Bồ duyên dáng phía Đông.

Câu nói phổ biến về địa hình, địa giới thiên nhiên của làng tôi thời cổ là: “Đông cận Bồ giang, Tây cận Khe Ngang, Lại Bằng”.

Con sông chảy qua phía đông làng có tên sông Bồ, sách Đồng Khánh Địa dư chí thời vua Đồng Khánh giải thích rằng: Tục truyền, trên thượng nguồn sông Bồ có nhiều cỏ xương bồ, cho nên có tên là Bồ giang (蒲江). Sông Hương là chị, sông Bồ là em đều mang tên trực tiếp hay cùng hưởng hương hoa của giống cây cỏ Thạch Xương Bồ thơm mùa Hạ, mượt mùa Đông và bốn mùa tươi mát mà phường giấy mực đã tốn nhiều cảm xúc để chấp bút đề thơ.

Sông Bồ là con sông đẹp nổi tiếng ở miền Trung có dòng nước quanh năm trong xanh hiền hòa, uốn lượn như dải lụa mềm. Khi chảy qua địa phận làng Liễu Cốc Hạ, sông được ví như: “Chiếc khăn lụa màu ngọc bích vắt ngang qua mình người thiếu nữ thôn Liễu”.

Sông Bồ phát nguyên từ vùng núi A Sao thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới. Từ đó sông chảy qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, đến thôn Phò Nam huyện Quảng Điền thì tách thành hai nhánh. Nhánh thứ nhất vẫn có tên là sông Sịa, đổ ra biển ở đoạn giữa phía Bắc phá Tam Giang. Nhánh thứ hai gọi là sông Bồ, hợp lưu vào sông Hương ở ngã Ba Sình thuộc địa phận thành phố Huế. Sông Bồ xưa có tên gọi là sông Đan Điền (vì chảy ngang qua huyện Đan Điền, tức là huyện Quảng Điền ngày nay). Tuy nhiên, tùy theo sông chảy qua địa phận làng mạc nào mà người dân gọi tên là sông Phú Ốc, sông Hiền Sĩ, sông Cổ Bi, sông Liễu Hạ…

Thi sĩ R. Kipling đã ví dòng sông như mẹ hiền:

Mỗi người chỉ có một Mẹ,

Như mỗi tâm hồn chỉ có một Dòng sông.

 (Each person has only one mother,

Just as each soul has only one River)

 

Mười năm trước về với sông Bồ, tôi cũng đã táy máy làm thơ:

  Khúc Sông Bồ Liễu Hạ

 Có phải em là tình nhân kiếp trước,

Nhớ Trường Sơn xõa tóc hiện sông Bồ.

Duyên tiền kiếp có mảnh tình chưa vỡ,

Nay luân hồi mấy cõi uốn quanh co.

 

Em theo đời dâu biển,

Trôi xuống dòng tử sinh.

Băng cồn hoang bến cũ,

Hoàng hôn gối bình minh.

 

Như dòng chảy dịu hiền,

Vẫn bên Bồ bên lở.

Xa quê từ thuở nọ,

Chiều nay về bên em.

 

Ngõ sông Bồ Tứ Hạ,

Mưa bụi vờn lâm râm.

Nước nguồn Bồ yêu dấu,

Thao thiết hoài trăm năm.

 

Là tình đầu khi chớm yêu,

Là sâm thương thời lạc điệu,

Là tình tri kỷ hồng nhan;

Là ước mơ thời niên thiếu.

 

Ba mươi năm biền biệt,

Ta về như giấc mơ.

Vọng phu giờ hóa đá,

Em xanh hoài như xưa.

 

Sông vẫn sâu sao lòng tôi hóa cạn,

Ngại ra đi nên chẳng đến bao giờ.

 

Bên Sông Bồ Tứ Hạ 2013

Trần Kiêm Đoàn

Hơn bốn mươi năm trước, đêm vượt biển xa quê, khi ngang qua bến nước ông Bồ tôi lâm râm cầu nguyện: “Sông Bồ ơi! Cho con đi chân cứng đá mềm.” Ôi! chỉ một dòng sông ấy mà khi còn trẻ dại ở làng, sông Bồ là một nguồn nước bạc mang đến cho người dân quê bao nhiêu là củi rừng khô mục theo con nước của trận lụt đầu mùa trôi về mọi phía. Ngày gió lặng sóng yên, nước sông Bồ long lanh ánh nắng vàng từ sớm đến chiều với những chuyến đò ngang, thuyền dọc rộn rã tiếng đời ngập tràn điệu sống. Dòng sông là dòng lịch sử chuyển ảnh vào tâm với bao nhiêu hình tướng ghi dấu thăng trầm.

Cứ mỗi năm hay vài ba năm từ ngày tha hương, tôi lại có dịp ngồi về lại bên dòng sông ấy. Tuổi tác và dấu ấn trải nghiệm đời người mỗi ngày một mòn mõi đi với tuổi già, nhưng dòng sông không tính tuổi như dòng đời nên cứ thanh thản chảy hoài ra biển. Sông ra biển là về với Mẹ Thiên nhiên Tạo vật; rồi biến thể tái sinh. Chiêm nghiệm sông Bồ một đời mà nhiều kiếp quay đi và trở lại như một sinh thể vô tình, tôi cảm nhận vòng xoay của một sinh thể hữu tình như tôi hiện hữu cũng thế mà thôi. Sông quay lại vẫn là sông muôn thuở; nhưng liệu người quay lại có còn là ta, là mình nơi làng nầy, bờ nọ như mình trong hiện tiền đang tâm sự với dòng sông Bồ quê tôi – bất sinh, bất diệt… miên trường như Bát Nhã – đang trôi chảy qua làng tôi và miên viễn hay không. Hypocrate ngày xưa lo rằng “không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” theo tư duy duy lý của một nhà hiền triết đã nhuốm bệnh triết lý kinh niên. Tôi xuất thân và rốt cuộc vẫn là gã nông dân trên mảnh đất hoang sơ tưới nước sông Bồ nên vẫn sống mãi từ một cảm xúc hiện sinh mà vĩnh cửu bởi dòng sống chẳng có ai sinh ra mà phải diệt. Không sinh, không diệt thì tội gì phải bận lòng với diệt hay sinh.

Ngồi bên những dòng sông muôn phương đã đạt chân đến, tôi thường tần ngần nhìn con nước mãi miết ra đi rồi về nguồn trở lại. Còn tôi, còn anh chị em và bè bạn: Có chăng mình là mình hay ước mơ hạnh phúc như một dòng sông.

                                                      Sacramento, Trung Hạ 2024

                                                              Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan