Năm nay, 2012, là năm đầu tiên trong ký ức của thế hệ Chiến Tranh Việt Nam, xứ Huế không có một trận lụt nào từ đầu thời điểm lụt lội “tháng Bảy nước nhảy lên bờ” cho đến hết mùa Giáng Sinh. Thế nhưng Huế vẫn rụt rè với những cơn mưa và trở lạnh vào những ngày cuối năm. Cư dân trang mạng càng làm biếng thăm nhau trên những thôn cùng xóm vắng thì lại càng có nhiều “duyên nợ” gặp gỡ nhau hơn tại những điểm nóng của thời cuộc và chữ nghĩa. Những ngày gần cuối năm, sinh hoạt “giặc I-meo” khá rộn ràng là tin đồn “Ngày tận thế” sẽ xảy ra vào ngày 21-12-2012 chỉ vì lịch Mayan ở tận Nam Mỹ, đã có từ nhiều nghìn năm trước, kết thúc dòng thời gian cuối cùng vào ngày nầy. Riêng người theo đạo Phật thì chỉ mỉm cười thú vị vì lý thuyết nhà Phật đã xác định điểm giao thừa giữa tận thế và sáng thế chỉ là sát na của đương niệm hiện tiền.
Bầu không khí sau 21-12 vừa nguội lại bị hâm nóng lên khi người đọc bắt gặp một nguồn tin tôn giáo: “Vì sao luận văn tốt nghiệp Học Viện Phật Giáo Việt Nam ‘Thực chất của Đạo Hòa Hảo’ bị ‘ném đá’ dữ dội?” Xem ra mới biết rằng, trong tháng 12/2012, văn phòng Trung Ương Phật giáo Hòa Hảo đã có văn bản phản đối chính thức gởi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sài Gòn, đồng thời với hơn 40 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo từ miền Tây Nam bộ cũng trực tiếp đến HVPGVN để khiếu kiện. Đối tượng của sự phản đối nầy là một luận văn tốt nghiệp khóa IV của Tăng sinh Thích Thiện Huệ (từ đây xin được viết tắt: Ts. TTH) qua chủ đề: “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” do cố GS Minh Chi hướng dẫn và Hòa thượng Thích Giác Toàn, thay mặt Hội đồng Điều hành phê duyệt: “Đạt yêu cầu”!
Ở mức độ thông thường và phổ quát của hệ thống đại học toàn cầu thì luận văn tốt nghiệp thuộc phạm trù học thuật ở một trong 3 cấp độ: Luận văn (Essay) thường dành cho cấp cử nhân (Bachelor), Tiểu luận (Thesis) thường dành cho cấp thạc sĩ (Master) và luận án (Dissertation) dành cho cấp tiến sĩ (Doctor). Nói một cách tổng quát, mỗi cấp độ có những yêu cầu và giới hạn riêng. Ở mức độ càng cao thì tính chất tham khảo, nghiên cứu, tổng hợp, luận giải và lập thuyết càng sâu và rộng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp luận văn cấp cử nhân vượt trội hơn cả tiểu luận hay luận án cấp tiến sĩ và ngược lại. Nhắc lại khái niệm tương đối mang tính truyền thống nầy để liên hệ tới luận văn tốt nghiệp đã nêu dẫn ở trên của Ts. TTH. Luận văn tốt nghiệp thường phản ánh công trình nghiên cứu khách quan và phương pháp luận của sinh viên tốt nghiệp đậm nét hơn là nỗ lực phủ bác một hệ thống tôn giáo, chính trị hay xã hội mang bản chất chính luận gay gắt như trường hợp Ts. TTH; nhất là trong bối cảnh của một học viện Phật giáo.
Tạm gác ra ngoài những biên kiến tôn giáo và chính trị, vấn đề trung tâm ở đây là trên căn bản học thuật, liệu luận văn “đạt yêu cầu” của Ts. TTH có đạt được mục đích tìm ra được “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” hay không. Và, nhìn từ lăng kính Phật giáo, Ts. TTH đã vận dụng được gì tri thức luận Phật giáo để chứng minh, phân tích và tổng luận về thực chất của đạo Hòa Hảo.
Thế giới quan Phật giáo, trước hết, là cái nhìn nhất nguyên. Dẫu khai triển lớn đến mức độ nào và gút thắt nhỏ đến giới hạn nào; thô triển và cực vi đến đâu thì vẫn đối diện với sự thật hiển nhiên “ba nguồn một thể”: Khổ <> vô thường <> vô ngã = Không. Và rồi không lại hoàn không! Bốn thánh đế, mười hai nhân duyên và ba dấu ấn cũng chỉ là một cách lý giải dòng hiện sinh vốn đã có từ vô thủy đến vô chung. Đạo Phật từ thời nguyên thủy đến hôm nay mỗi lúc, mỗi nơi, mỗi sinh thể đều tùy căn cơ mà biến hiện. Mỗi sự đau khổ, mỗi biểu hiện của vô thường của tận thế và khai sinh có mặt cùng lúc theo từng chớp mắt tùy duyên mà sinh khởi. Không ai cả mà là tất cả… đều bị chi phối trong vòng tròn thành, trụ, hoại, không. Chẳng có một trung tâm tối thượng và uyên nguyên nào làm chủ tể mà tùy vào vô lượng phương tiện để đối trị và xoay vần. Tiếc thay, trong luận văn tốt nghiệp, Ts. TTH đã khởi tâm phân biệt khi tự xác tín theo lối biện chứng suy đoán “cây đa sinh ra ông thần; ông thần phải cần cây đa” để làm phương tiện luận lý khi đem những khúc quanh lịch sử và sự tương tác nhất thời giữa con người và hoàn cảnh để làm căn bản chứng minh nguyên nhân ra đời của một pháp (trong vô lượng pháp): Đạo Hòa Hảo. Trong lúc dưới nhãn quan Phật giáo thì mỗi hiện tượng sinh khởi đều không thể phát xuất từ một nguyên nhân hay điều kiện đơn lẻ nào cả mà thành; tất cả đều là hợp duyên mà biến hóa. Ts. TTH đã tự dừng lại giữa trùng trùng duyên khởi để nắm bắt những hiện tượng chính trị và xã hội thời Nam Bộ kháng chiến làm tiêu đề xác định cột mốc khai sinh cho đạo Hòa Hảo. Do vậy, nên tác giả luận văn có vẻ như chỉ thấy hiện tượng cái cầu vồng làm nên cơn mưa mà bất chấp hết thảy thiên thời địa lý khi đặt bút viết:
“Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, một số người đã lợi dụng niềm tin và sự thiếu hiểu biết của người dân bằng loại tín ngưỡng nầy mà lôi kéo họ vào các hoạt động chính trị dưới hình thức của một tôn giáo, đạo Hòa Hảo là một ví dụ điển hình…”
Về mặt tri thức luận, Ts. TTH không dựa trên cột xương sống Trung Đạo của Phật giáo mà lại dựa trên tạp luận cực đoan và biên kiến thiếu vi tế của nhà nghiên cứu chưa thành để mô tả lý thuyết kinh văn của đạo Hòa Hảo như là một mớ ý và lời hỗn độn, vay mượn khập khiễng từ nhiều nguồn tư tưởng khác nhau phi Phật giáo, phi tôn giáo, hoàn toàn không có một chỗ đứng nào trong hệ thống tôn giáo:
“Hòa Hảo là một tôn giáo được thành lập cách đây không lâu, lẽ ra trong kế thừa, nó phải có tính sáng tạo, khi có sự ảnh hưởng hay tiếp nối tư tưởng, mà hầu như toàn bộ giáo lý đạo nầy, nói chung, đều là sự vay mượn lẫn lộn, thiếu trung thực, thiếu sáng tạo từ những tư tưởng của các tôn giáo có trước như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài Giáo…Trong đó chỉ có ba hệ thống tư tưởng của Phật, Khổng, Lão là có ảnh hưởng sâu đậm đến sự hình thành giáo lý đạo Hòa Hảo. Cho nên, trên lập trường tư tưởng, tôn giáo nầy hoàn toàn không có chỗ đứng.”
Thật ra, nguồn kiến thức nhân loại là một quá trình vay mượn kế thừa và tác động lên nhau. Ngay cả những khái niệm rất cơ bản trong lý thuyết Phật giáo như Duyên, Nghiệp, Luân Hồi… cũng đã xuất hiện rất sớm trong văn lý Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, Bà La Môn… hàng nghìn năm trước khi Phật giáo ra đời ở Ấn Độ.
Học thuật Phật giáo đòi hỏi một phương pháp luận tương ứng với giáo thuyết căn bản của nhà Phật; trong đó, tinh thần từ bi và trí tuệ là cánh cửa mở vào thế giới chữ nghĩa của kinh văn. Khiêm cung, ái ngữ, trí tuệ và buông xả là một phần quan trọng trong phẩm hạnh của hành giả tu trì theo đạo Phật. Ngược lại, chấp trước và ngã mạn là cánh cửa khép kín tư duy. Ngày xưa, Châu Lợi Bàn Đà là một đại đệ tử của đức Phật, nhưng học bao nhiêu tháng ngày vẫn không thuộc được một câu kinh bên cạnh A Nan Đà với trí nhớ phi thường, nghe qua một lần là đã thuộc làu thiên kinh vạn quyển. Căn trí ngắn dài do tác nghiệp; chẳng phải là yếu tố tiên quyết của bậc chân tu, của người hành giả. Bồ tát Thường Bất Khinh đảnh lễ từ hàng vương hầu khanh tướng đến giai cấp gánh phân Chiên Đà La: “Xin cúi chào một đức Phật tương lai!”. Tất cả đều là biểu tượng. Một biểu tượng từ bi và trí tuệ muôn đời của đạo Phật do thấy được thể tánh của vạn pháp, không bị vô minh che lấp bởi cái hình tướng giả tạm bên ngoài và âm thanh, chữ nghĩa ma trơi của nhân thế. Với tinh thần Phật giáo, học thuật sẽ biến thành học phiệt, vọng ngôn hay hý luận khi chỉ biết khư khư lấy cái gang tay của mình làm đơn vị đo lường chiều sâu vô lường của đức tin và tâm thức. Chưa nói về kiến thức mà chỉ nói về phẩm hạnh của bậc xuất gia cũng đáng suy gẫm khi đọc bài luận văn tốt nghiệp của Ts. TTH, diễn đạt theo một văn phong phi học thuật đến độ bất ngờ:
“Xét cho cùng, Huỳnh Phú Sổ vẫn là một nhà thông thái của một đám người dốt nát đang tôn xưng ông là giáo chủ, một giáo chủ kiêu căng, khoác lác, hay lòe đời bằng một mớ kiến thức rơm rác do học lóm mà được, một giáo chủ luôn tạo những mâu thuẩn trong lời dạy của mình, vậy mà có ai hay biết gì đâu, vẫn cho đó là những khuôn vàng thước ngọc cần phải noi theo.”
Trong Bát Chánh Đạo, không có “Chánh Tín” bởi pháp thị do tâm. Linh tại ngã bất linh tại ngã, lòng tin là một cảm thức nặng tâm lý chủ quan có thể đúng với người nầy, nhưng lại sai đối với người nọ và ngược lại. Lắm lúc, chỉ có con nhím đực mới thấy được “làn da mượt mà” của con nhím cái mà thôi. Nhưng Ts. TTH đã tự giới hạn mình riêng một góc trời trong không gian bao la “vạn pháp đều là Phật pháp” để phân tích bỉ thử khi nhận diện nhân vật Huỳnh Phú Sổ. Tác giả luận văn đã dùng lăng kính thị phi đời thường để soi rọi vào giả tướng của người theo đạo Hòa Hảo nên hệ luận tất nhiên là sẽ đưa tới sự khẳng định gần với xu hướng phủ định luận tiêu cực như sau:
“Theo chúng tôi, sở dĩ Huỳnh Phú Sổ mượn hình thức tôn giáo để hoạt động chính trị là có hai nguyên do: thứ nhất, vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, và cũng là nơi chính quyền thực dân không dám xâm phạm, do đó, hình thức tôn giáo đối với ông ta là nơi hoạt động an toàn nhất; thứ hai, chính vì tôn giáo là nơi tín ngưỡng của mọi người dân nên ông sẽ dễ dàng huy động được nhiều người vào những hoạt động chính trị của ông, nhất là với tầng lớp nông dân ít học. Vì vậy, đạo giáo nầy, cũng được gọi là đạo giáo của những người ít học.”
Cái “học” trong tôn giáo rất khác với cái học đời thường. Khái niệm tiến sĩ đời thường là một tập đại thành của kiến thức; nhưng học vị tiến sĩ Geshe của Phật giáo Tây Tạng là kết quả của công hạnh tu trì, kiến thức chỉ là phương tiện trợ duyên. Người “ít học” trong Phật giáo không phải là người dân chân đất chưa học hết trường làng mà là những người chấp trước, ngã mạn và vô minh, kể cả những bậc đại khoa buông lung khoa đại! Trong sinh hoạt Phật giáo truyền thống, bậc Vô Học “vô sư tự ngộ” vẫn thường được xếp cao hơn hàng Hữu Học “nan ngộ hữu sư”. Bởi vậy, theo tinh thần Phật giáo thì bề dày của pháp trí chẳng phải là mức độ đến trường nhiều hay ít, chứng chỉ học tập ở trường lớp cao hay thấp mà là ở tâm bồ đề kiên cố và trí tuệ khai mở được chừng nào.
**
Tôn giáo trong thế kỷ 21 thiên về ứng dụng. Khái niệm Phật giáo ứng dụng (applied Buddhism) đang từng bước phát huy để đem đạo Phật đi vào cuộc đời. Trong khoa học tự nhiên, tâm lý và tri thức bứt phá dám nghĩ, dám nói, dám làm như Galileo ngày xưa dám đoan quyết “quả đất xoay chung quanh mặt trời” vì đã dày công nghiên cứu tường tận và khách quan là biểu tượng tích cực nhất của tinh thần học thuật. Dẫu cho áp lực thần quyền bắt ông nói ngược lại nhưng chân lý khách quan cuối cùng vẫn thắng. Trong khoa học xã hội, chân lý khách quan không rạch ròi hiển lộ như thế nên muốn cầu tiến bộ thì cần phải trang bị một nhãn quan phức hợp đến từ mọi phía. Cần trang bị một nhãn quan thông thoáng để xem những cặp phạm trù thuận nghịch tương tác và tương tranh như đúng/sai, sướng/ khổ, u/minh, thiện/ác… phù hợp với giá trị tương đối và biến chuyển vô thường đầy duyên lành và nghiệp chướng tự tại của chúng. Trường hợp Ts. TTH là một ví dụ điển hình về tinh thần học thuật khai phá – có khi là bứt phá – trong quá trình tìm tòi và học hỏi. Những phản ứng nóng bỏng về luận văn tốt nghiệp liên quan đến đạo Hòa Hảo là một thử nghiệm của tinh thần ứng dụng. Chính cộng đồng liên minh tôn giáo là hội đồng xét duyệt giá trị đích thực của một công trình học thuật. Cánh cửa đối thoại mở rộng giữa ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam liên quan đến trường hợp Tăng sinh Thích Thiện Huệ nhằm hóa giải và khép lại hồ sơ của vụ việc là một ưu điểm đáng ghi nhận của tinh thần “Phật giáo ứng dụng” trên căn bản từ bi và trí tuệ.
Năm mới, ước mong rằng, các học viện Phật giáo nói chung là những trung tâm đào tạo Tăng tài và chỉ “đạt yêu cầu” khi học thuật không xa rời chánh niệm và chánh pháp.
Làng Liễu Cốc Hạ, ngày Tết Dương Lịch 2013
Trần Kiêm Đoàn