Sau gần một tháng ra mắt công chúng Mỹ trong 10 trường đại học danh tiếng, từ Cornell đến Princeton ở miền Bắc Hoa Kỳ, ngày 20 tháng 4 năm 2009, phim Trăng Nơi Đáy Giếng (TNĐG) về miền Nam và chiếu buổi giã từ tại đại học Berkeley.
Phim TNĐG (The Moon at the Bottom of the Well) là một bộ phim truyện Việt Nam được dựng theo một truyện ngắn cùng tên của nhà văn Trần Thùy Mai (TTM) do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (NVS) thực hiện. Bộ phim dài hai giờ được dàn dựng với bối cảnh và nhân vật Huế. Kết cấu câu chuyện tương đối đơn giản và hiện thực; nhưng sự biến chuyển tâm lý nhân vật làm thay đổi thì lại đa dạng và phong phú đến độ biến hiện bất ngờ.
TTM là một nhà văn trong nước có nhiều truyện ngắn đăng khá thường xuyên trên các báo chí Việt ngữ ở hải ngoại, nhất là tại Mỹ. Đối với những người Việt ở nước ngoài, có dịp tiếp cận nhiều hơn với văn học nghệ thuật xứ người thì truyện ngắn của TTM tương đối gần gũi với cảm quan nghệ thuật của một xã hội đầy lý tính phương Tây, nhưng cũng cần trực cảm và tâm lý phương Đông. Nét nổi bật về thủ pháp xây dựng nhân vật trong tác phẩm TTM là khuynh hướng phân tích sâu sắc tâm lý nhân vật để giải thích cho những động thái và tình huống đầy sinh động. Truyện ngắn TTM diễn đạt nhiều mà ít kể lể; hòa điệu hơn là cường điệu và vừa sâu lắng, vừa gần gũi mà không sáo mòn. TNĐG là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho tinh thần nầy.
Đây là câu chuyện về đôi vợ chồng nhà giáo Huế lấy nhau lâu ngày mà không có con “nối dõi tông đường”! Hạnh, người vợ, biết mình không có khả năng sinh sản nên đã tìm cách dàn xếp cho chồng là Phương có con với một cô gái nghèo, cô Thắm, kẻ chịu bán thân mình, sinh con cho người khác để kiếm một số tiền làm vốn liếng. Câu chuyện vở lỡ. Tiếng tăm và địa vị hiệu trưởng của Phương lâm nguy. Hạnh “cứu viện” bằng cách âm thầm dàn xếp cuộc ly dị với Phương để hợp thức hóa thủ tục hôn thú về việc sống chung giữa Phương và Thắm. Phương thoát nạn lý; nhưng Hạnh lại lâm nạn tình khi bị truy tố ngược là sống với chồng người khác. Hạnh phải hy sinh cho Phương về sống chung với Thắm. Phương về sống với Thắm và thay đổi hẳn từ một ông chồng… thánh với Hạnh thành một người chồng phàm với Thắm. Thần tượng đổ vỡ. Hạnh rơi vào vực sâu tuyệt vọng và cô đơn, cuối cùng phải níu lấy một ảo tưởng tình yêu khác trong thế giới tâm linh huyền hoặc đồng bóng.
Trước một tác phẩm văn chương, nhà đạo diễn phim ảnh muốn dựng phim thường có sự lựa chọn về mức độ thực hiện. Trong đó, đạo diễn, nhà viết chuyện phim (writing adapted screenplay) và diễn viên chính là những nhân tố trung tâm, làm nên chiếc ghế ba chân cho thế đứng thành bại của cuốn phim. Đạo diễn là “chủ soái” tiên phong phải quyết định: Hoặc là khai thác mọi khía cạnh của tác phẩm gốc, đi sát với tác phẩm như bóng với hình; hoặc là chỉ dựa vào tác phẩm, nhưng (1) chỉ nắm bắt những ý chính của nội dung; (2) biên tập lại hoàn toàn mới phong thái ngôn ngữ của tác phẩm gốc; (3) chỉ khai thác một khía cạnh đặc biệt nổì bật trong tác phẩm. Từ năm 1927 đến nay, lịch sử giải thưởng Oscar, một giải thưởng mang nhiều vinh dự nhất trong ngành điện ảnh thế giới, đã vinh danh những nhà đạo diễn và nhà viết chuyện phim ngang tầm với diễn viên xuất sắc trong nhiều cuốn phim thắng giải.
Đạo diễn NVS đã thể hiện được bản lĩnh nghệ thuật trong tác phẩm đầu tay mà ông đã dày công chuẩn bị và thực hiện trong hơn bốn năm dài. Đọc nguyên tác và xem phim TNĐG, người đọc và người xem đều thấy rõ là nhà đạo diễn đã chọn lựa bám sát và khai thác khía cạnh tâm lý đa dạng, phức tạp của nhân vật chính trong câu chuyện. Một câu chuyện tình mà khi mới đọc qua, nếu chỉ cốt tìm ra những tình tiết éo le, ngang trái đời thường thì chỉ thấy bùi ngùi, thương cảm cho một người phụ nữ lạc đường (tình ?!) trong khung cảnh bảo thủ, chồng chúa vợ tôi, vẫn còn rơi rớt đâu đó ở Huế. Thế nhưng, khi theo dõi toàn cảnh bao gồm cả nếp sống xưa nay của Huế – mà có người tạm gọi một cách tươm tất là “văn hoá Huế” – kết hợp với những gút thắt diễn biến khi mơ hồ như quá khứ, khi dồn dập như hiện hữu dàn trải và xuất hiện trong bộ phim mới nhận ra cái “tâm lý Huế” thật không trơn tru và đơn giản chút nào. Nhân vật Hạnh là điển hình cho một dạng tâm lý lãng mạn mà thủy chung của người đàn bà (Huế chăng ?!). Nghĩa là tâm lý yêu tình yêu sâu nặng hơn là yêu người yêu. Hạnh mất chồng trong tay Thắm nên lòng ghen nổi dậy chỉ là một phản ứng đầy cảm tính ban đầu. Người yêu tình yêu là người mà chỉ có mình mới tìm ra hạnh phúc cho chính mình chứ không ai khác. Đây là trạng thái tâm lý lạ lùng của một tình huống gần như tha hóa “Ta là Ai” (Dual Personality) mà các nhà tâm lý học phương Tây đang nghiên cứu và tranh luận hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa phân gốc ngọn rạch ròi. Dạng tâm lý này khá phổ biến trong những xã hội như Huế và có khung cảnh cùng truyền thống dân gian và xã hội tương tự như Huế.
Hồng Ánh, diễn viên chính đóng vai Hạnh trong phim TNĐG đã lột tả được cái tâm lý “cúc cung tận tụy” phục vụ cho tình yêu đó. Người vợ trải hết cả tấm lòng phục vụ người chồng bằng thái độ say mê và trang trọng như một tín đồ dâng hương đền thánh. Hoàng Cao Đệ, diễn viên đóng vai Phương, người chồng, tạo ra được một hình ảnh phản diện (contrast image/character) sinh động. Đấy là hình ảnh người đàn ông thản nhiên nhận sự chăm sóc nâng niu của vợ bằng quyền an hưởng đương nhiên với vẻ mặt dửng dưng gần như vô cảm. Hạnh mỉm cười với bát canh, dĩa cá; có khi long lanh nhìn tác phẩm nấu nướng của mình nhưng không hề (hay không dám ?!) đưa mắt nhìn chồng. Phải chăng tâm lý đang say mê yêu tình yêu của mình làm thăng hoa hạnh phúc trong một thế giới riêng tư của Hạnh. Cho đến khi khám phá ra rằng, người chồng mà cô đã thánh hóa như một ảo vọng của tình yêu cũng chỉ là một gã đàn ông tầm thường, trần trụi… thì ảo vọng trong thế giới riêng tư của Hạnh bỗng đổ vỡ tan tành. Tuyệt vọng với thần tượng, nhưng vẫn chung thủy với tình yêu mà Hạnh đang yêu tha thiết, cô tìm về “khu vườn tình bí mật” của mình. Nơi đó, cô bắt gặp ông tướng “ma”, một ảo ảnh khác vừa vặn cho tâm lý yêu tình yêu trong chính mình.
Khi trao đổi với khán giả tại sân khấu đại học UC Berkeley, đạo diễn NVS đã rõ ràng và khiêm tốn nói về ước vọng đầu tiên của ông khi làm phim là giới thiệu những nét đặc thù về Huế. Đồng thời, ông đã cố gắng xây dựng một phong cách nắm bắt hình ảnh riêng theo khuynh hướng nghệ thuật của ông. Với dự phóng mang đậm trính khai phá và sáng tạo như thế, phim TNĐG quả là một khời đầu đầy hứa hẹn.
Cuốn phim ra đời trong khung cảnh sinh hoạt điện ảnh Việt Nam đã đạt những bước tiến đầy khích lệ trong những năm gần đây. Khán giả trong và ngoài nước đã có dịp thưởng thức những bộ phim tài liệu và phim truyện đã phổ biến khá rộng rãi như: Sống Trong Sợ Hãi, Mùa Len Trâu, Mùi Đu Đủ Xanh, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, Áo Lụa Hà Đông, Hà Nội Trong Mắt Ai, Thương Nhớ Đồng Quê, Ngọn Nến Hoàng Cung, Huyền Bí Sông Hằng… Nhưng nội dung, bối cảnh, khuynh hướng đạo diễn và nghệ thuật diễn xuất trong phần lớn những phim nầy có vẻ như chủ định giới thiệu những nét độc sáng về quê hương, về văn hóa và xã hội. Đa số những đoạn phim kinh điển thuần Việt đều mang một vẻ trầm tư, sâu lắng, buồn buồn, cam chịu.. hơn là xông xáo khám phá những góc khuất của thế giới tâm lý và tình cảm như khuynh hướng điện ảnh phương Tây.
Điện ảnh Việt Nam cần xây dựng một bản sắc độc đáo riêng của mình, nhưng cũng không thể tách ra ngoài dòng chảy chung của điện ảnh thế giới. Sự thắng lợi vẻ vang của cuốn phim Ấn Độ “Triệu Phú Khu Nhà Chó Hoang” (Slumdog Millionaire) năm 2009 với 5 giải Oscars, 6 giải MTV thuộc những lĩnh vực sở trường của điện ảnh phương Tây như nhạc cảnh, phối âm, lọc hình… đã gây sự ngạc nhiên thú vị cho cả cộng đồng nghệ thuật thứ bảy của thế giới. Đây là một tiếng chuông đầy khích lệ làm vơi đi “mặc cảm Hollywood” vẫn thường ám ảnh nghệ thuật điện ảnh Á Phi. Phim TNĐG đã đến châu Mỹ và tạo đuợc những cảm tình tốt đẹp bước đầu. Hình ảnh đẹp và mang tính tượng trưng cao. Diễn viên và nhân vật “nhập” hồn và hòa quyện với nhau gây một ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả.
Mong trăng nơi đáy giếng sẽ tỏa sáng và bay cao, bay xa một ngày đã ra khỏi miệng giếng. Thật hay giả không là đáy giếng; cũng chẳng phải là vầng trăng. Nghệ thuật là nương vào cái giả để tìm ra cái thật.
Trần Kiêm Đoàn
Giữa mùa Xuân Cali, 2009