Gồm 11 Bài viết về Huế của tác giả Trần Kiêm Đòan
1 Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
“… Những người xa Huế đã mang chiếc cầu trong tâm ảnh mà ra đi. Vô số chiếc cầu Trường Tiền đã bắt qua dòng sông tưởng tượng trong tâm thức lãng mạn được thi vị hóa bằng chất men lưu đày nên càng…xa Huế, chiếc cầu và dòng sông trong tâm ảnh lại hiện về càng rõ, bất chợt, không hẹn không hò… “
2 Dòng sông biệt xứ.
“ Huế có dòng sông Hương. Dòng sông mang tên con gái, hay con gái mang tên dòng sông. Khi gọi “Hương ơi!” thì vẻ mượt mà của dòng sông hay bóng dáng yêu kiều của giai nhân đến trước? Nếu đến để mà đi là người con gái, nhưng đến để chảy mãi trong lòng là dòng sông… “
3 Mưa Huế
“ Cũng thế, thoáng nhìn mưa Huế chỉ thấy nét trầm phai và ủ rủ ; nhưng đã thực sống với Huế qua những mùa Đông, sẽ thấy từ trong bụi trắng thinh không của mưa Huế có những nụ hồng và hơi ấm của tình yêu, không phải chỉ là tình yêu lứa đôi mà nhiều thứ tình nồng nàn góp lại . Nếu mưa Huế cứ rơi rơi trên vùng trời Huế thì mưa nghìn rơi cũng chỉ là mưa thôi. Nhưng mưa Huế đã rơi vào lòng những người qua Huế, thành những khung trời nhỏ, nên mưa hoài không tạnh và những cơn mưa trong hồn cứ rây rây nhỏ hột lan ra xa khắp muôn phương “
4 Trời hành cơn lụt mỗi năm
” Mưa từng cơn ào ào xối xả. Thức dậy, tôi dụi mắt, ngồi co ro từ trên giường nhìn xuống ánh đèn dầu chiếu nước đã lênh láng khắp nhà. Mưa càng lớn, nước càng lên nhanh. Nước leo dần lên giường, lên ghế, lên bàn, lên cái cối xay, và sáng ra thì nước đã mấp mé khung cửa sổ. Cái giường tre mỏng manh mỗi lúc được kê lên cao dần. “Lẽ sống” của cả bốn người trong gia đình tôi chất gọn trên chiếc giường. Thức ăn, áo quần, mền chiếu, bếp núc đều dồn lên trên bốn cái chân tre ốm yếu lắc lư theo đà chao động của nước. Đến gần trưa thì bốn vó tre già từ từ gục xuống. Thế là xong, lẽ sống chìm sâu trong nước. Biên giới cuối cùng giữa sống và chết, giữa ước mơ và thực tại, giữa bây giờ và vĩnh cửu là cái thang tre run rẩy dưới sức bám của bốn người…”
5 Duyên O Huế
“ Tiếng “dạ” của người con gái Huế ngoan ngoãn và hiền thục như một lời cám ơn; một thái độ chấp nhận hay nhận chịu. Tiếng “dạ” mở ra thương quen như khoai sắn mà cũng đầy những dự cảm ước mơ. Có chút gì là vọng âm của dòng sông Hương xôn xao trong thầm kín. Dòng sông tĩnh lặng như gương cho dòng đời soi bóng. Nhưng người giữ bóng sông mà sông không lưu lại bóng người….
… Nét duyên o Huế cũng sẽ mãi mãi như điệu nước sông Hương. Sóng lặng, dòng trong mới soi bóng được con đò. “
6 Dáng Phượng hồng Đồng Khánh của tui ơi.
“Sầu thoát” là một hình thái triết lý mâu thuẫn mới nhất trong khuynh hướng tâm trị liệu của phương Tây vào những năm đầu thế kỷ 21. Nội dung của khái niệm nầy là “Biết cầm nắm nỗi buồn phiền bất hạnh khi nó đến nhưng không bị dính mắc với nó”. Người Huế đã áp dụng “triết lý mâu thuẫn” nầy từ ngày có Huế. Cặp mâu thuẫn Huế có tụ điểm cao nhất từ ngày có trường Đồng Khánh ra đời. Đó là “…nghèo mà sang, đoan trang mà lãng mạn, cay đắng trong nụ cười, xa xôi mà gần gũi,” như ý thơ của Túy Hạnh, một nàng thơ xứ Huế bên tê bờ châu Mỹ. Và Túy Hạnh còn… “tàn nhẫn” hơn khi giải thích:
Guốc mộc, em gầy, nón lá vành tre
Tóc cứ xõa mạ nghèo không uốn nổi
Áo đơn chiếc trắng ngập đường Lê Lợi
Dáng phượng hồng Đồng Khánh của tui ơi! “
7 Con Yêu Bánh Nậm
“ Tôi là một trong những chàng trai bị “nhiễm bùa” từ Con Yêu Bánh Nậm Đông Ba! Nhưng bùa ngải nào rồi cũng có ngày hết linh ứng, nếu không có một tấm lòng nguyên khối ngự trị bên trong. Con Yêu Bánh Nậm có cả một lấm lòng dạt dào như thế. Ngày tôi nắm được bàn tay búp măng nhỏ nhắn và ấm áp của em trong tay tôi thì Con Yêu Bánh Nậm đã ngoan ngoãn từ bỏ lốt “Yêu” để hiện nguyên hình là Người Em Đông Ba. “Bùa ngải” thuở học trò trên bến đò Thừa Phủ, dưới ánh trăng Hoàng Thành rồi “mai tê” cũng chỉ còn là hoài niệm. Bùa ngải thượng thừa nhất của những Con Yêu Bánh Nậm xứ Huế là tình cảm chan chứa, nét duyên dáng, mặn mà và tấm lòng chịu thương chịu khó trong hạnh phúc hay giữa cô đơn như điệu hò ru con cất lên đòi đoạn trong đêm:
Đêm khuya cầm bốn tao nôi,
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương!
Và cái “duyên thầm” của gái Huế là để cảm nhận chứ rất khó để nắm bắt hay tô vẽ bằng màu sắc, diễn tả bằng lời, ghi dấu bằng năm tháng “
8 Bún bò
“ Mùi sả, mùi ruốc, mùi xương hầm , mùi thịt luộc, mùi chanh, mùi rau, mùi tiêu hành nước mắm… đã biến chất, đã quyện vào nhau tạo thành mùi bún bò có sức hấp dẫn lạ lùng riêng của nó. Miếng giò heo thanh nhã trong tô bún với lớp da mỏng có bìa da úp quanh miếng thịt nạc như đài hoa chưa nở nên thường gọi là giò “búp”. Cắn miếng giò, những sợi thịt trắng vừa béo, vừa ngọt vẫn còn thơm mùi thịt tươi mới chín nhẹ nhàng bốc hơi trên hai cánh mũi. Gắp lát thịt bò bắp. Lát thịt bò mỏng với những đường gân, sứa thịt và viền mỡ dòn tan giữa hai kẻ răng và vị ngọt béo miên man trên đầu lưỡi. Tô bún bò Huế vơi dần nửa như thách thức, nửa như mời gọi khách rằng, chưa cạn hết tô, chưa gác đũa… “
9 Cơm hến
“ Cơm Hến Huế cũng giống như tình cảm của người con gái Huế: Chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm…, biết ăn Cơm Hến Huế là một cái “duyên” vì dù ở bất cứ phương trời nào, cơm hến cũng là một tấm giấy thông hành tình cảm để cho những người có chút duyên nợ với Huế tìm về nhau mà chan, mà húp, mà nghẹn ngào và rơm rớm nưóc mắt vì…cay! … Gánh cơm hến nhỏ nhắn thế kia mà chứa đủ cả một giang sơn khói lửa đủ mắm ruốc tiêu hành. Một đầu là nồi nước luộc hến đặt trên bếp lửa có sức nóng vừa phải, nóng quá thì nồi nước bốc hơi mà nguội quá thì nước hến không đủ ấm. Đầu gánh bên kia là cả một “câu lạc bộ” thu nhỏ: “Tầng trệt” là thúng cơm, tầng hai là rau đủ màu, đủ loại. Tầng “chót vót” vừa ngang tầm tay người ngồi là cái trẹc lớn bày biện hơn chục cái chai, thẩu, tô, chén. Mỗi cái đựng một thứ gia vị đặc biệt; từ ruốc, muối, mè, ớt, bột ngọt, tóp mỡ đến hến luộc, hến xào, hến trộn.. “
10 Chè Huế
“ Mùi vị chè hột sen bọc nhãn lồng Huế là một sự tổng hợp chung từ trong từng cái riêng độc đáo: Mùi thơm vị ngọt của sen, của nhãn lồng,của đường hòa chung trong nước mát của chén chè nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc, không bị đồng hóa để biến thành một chất liệu hay một hình thái khác…Ăn chè hột sen phải “thời” chứ không phải là “ăn”. Thời, không phải chỉ đơn giản là động tác bỏ vào miệng rồi nhai và nuốt như “cái ăn phàm phu”. Thời là ngậm mà nghe. Cũng là ăn nhưng cần phải tạo điều kiện cho thức ăn bốc hương, đậm đà và tỏa ngát, trôi mọng nước và bay lãngđãng qua từng từng phiến vi ti của khứu giác và vị giác…
…Chè bắp nếp Cồn Hến là tuyệt phẩm của chè bắp. Hột bắp Cồn mọng sữa vì trồng trên đất phù sa. Cơm bắp sát mỏng, nấu chè thành trắng trong và lóng lánh như mắt cá trừng nhau. Bắp Cồn không có mùi nắng mà thơm nhè nhẹ như hương cau. Bắp tự nó vốn đã có vị ngọt thanh tự nhiên, nấu chè bắp chỉ cần thêm ít đường trắng vào là đủ đậm đà hương vị. Nhìn ly chè bắp, người ta liên tưởng ngay đến sự tinh khiết với một cảm giác êm ả, mượt mà và mát rượi. Ăn chè bắp Cồn, người ăn có cái cảm giác thanh thoát như có cả hương màu xanh của bãi dâu và nương bắp trộn với vị ngọt của đất lành và cây trái thiên nhiên…”
11 Từ ngõ Huế Xưa
“- Dân Đồng Khánh dễ sợ chi lạ, nói không “ngạ”! Cách diễn tả thuần Huế như vậy là một lọai “công án” Huế; một sự đem nghìn trùng về giữa hư không. “Dễ sợ” là một khái niệm cực tả mà mọi quy ước của ngôn ngữ đều bất chấp hình tướng, không bị giới hạn bởi kích thước của sự ví von, cân đo đong đếm. Đó là một cảm nhận gần với tuyệt đối, mạnh hơn cả một chùm tiếng “rất”. Rất, rất, rất… đẹp sẽ không đẹp bằng “đẹp dễ sợ!”. “Ngạ” cũng là khái niệm của vô biên. Nói không ngạ là không thể nào nói hết ra bằng lời. Cách nói Huế là cách nói bằng cảm nhận. Nói hơi, nói bóng, nói “ một vầng mây bay qua” thay cho lời trần tình về mơ ước tình yêu chan chứa cả bầu trời xanh; nói “sợ mạ la” thay cho một sự gật đầu hò hẹn. Ngôn ngữ giàu cảm xúc nhất của Huế là nói mà không cần hiểu hay hiểu cách nào cũng được. Chỉ cần cảm nhận “như rứa” và thấy hay. Cái hay không qua ngõ ngách của phân tích và lý luận mà đi thẳng vào cảm quan người nhận như lời nhạc mang chất thơ, dễ cảm nhưng khó hiểu của Trịnh Công Sơn. Dễ cảm mà khó nhận như một lần qua bến đò Thừa Phủ chiều mưa, vắng vẻ và cảm thấy buồn. Nỗi buồn vô lý, vô duyên và vô cớ cứ lất phất bay từ đầu sông tới cuối bến. Qua đò, không cần biết có ai chờ ai, ai nhớ ai, ai con nhà ai và ai đã vắng, nhưng vẫn có nỗi cảm xúc mênh mang chực chờ đâu đó. Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai!…”
Sách dày 200 trang, giá bìa 50.000
Liên kết xuất bản và phát hành : Hiệu sách Tường Tâm
10 Triệu Quang Phục, Huế
Liên hệ : Thanh Nhã
ĐT : 0913417815
Email: thanhnha_dang@yahoo.com