Tựa

ĐÀN BÀ HUẾ – CON YÊU BÁNH NẬM

Trong số những người đàn ông “can đảm”  ít ỏi của Huế, hốt nhiên, lại có thêm một người can đảm mới nhập môn: Đó là Trần Kiêm Đoàn khi cả gan dám viết về người con gái Huế, mà đặc biệt là giới “con yêu bánh nậm”!  Coi chừng sẽ có một đoàn biểu tình hạ bệ người viết mà mấy o gái Huế ở Mỹ là những người xông xáo tiên phong, trừ phi Trần Kiêm Đoàn giỏi đồng ca, đồng phục…

            Trần Kiêm Đoàn hỏi ý kiến của tôi về những gì là đặc tính tiêu biểu của người đàn bà Huế, tôi đã trả lời rằng: “Tôi không biết chi về gái Huế hết, đừng hỏi tôi! Hỏi Mộng Hoàn, chị Tôn Nữ Tiểu Bích, chị Tôn Nữ Hỷ Khương…  Mấy nường gái Huế tiêu biểu đó tề!”

            Nghĩ lại tôi giật mình vì cái câu trả lời ngúng nguẩy bộc phát như một phản xạ tự nhiên.  Giật mình vì không ngờ cái chất Huế trong người mình lại “cơ bản, nòng cốt” đến như rứa.  Câu nói đã vô tình bộc lộ tất cả bản chất của một người GÁI HUẾ chay, chay rặt, chay “đặc sệt”, có trốn đi đàng trời, dù cho có chui xuống đất mà trốn thì vẫn rành rành “Huế ra xương ra da”, “Huế đến tận xương tủy”.  Cái cách nói “không biết”, “đừng hỏi chi tui” là Gái Huế đó, không một nỗi nghi !

            Thật tôi không ngờ vẫn giữ nó thâm sâu trong tư duy (hiểu là trong tư tưởng và ngôn ngữ)  mặc dù đã trải qua mấy mươi năm sống trong trào lưu giải phóng phụ nữ của Âu Châu, sống theo kiểu phụ nữ trí thức tranh luận với nam giới không nhường ai một bước.  Vậy mà khi có ai đụng tới “bản chất” của mình thì  chất Huế đã chiếm lĩnh thượng phong, không do dự, không thắc mắc.  Tôi đã không ngờ mình còn “Huế” đến như rứa!

            Hình như khi nói về cái TÔI của mình, người con gái Huế luôn luôn bắt đầu bằng chữ “KHÔNG”, như một cách xoá đi cả con người của mình trên tấm bảng đen, làm mờ cả “Nhân Ảnh” và “Nhân Diện” của mình trước sự xoi mói của tha nhân.  Vì sao ?

            Đừng vội vàng nông cạn mà cho đó là một kiểu làm dáng ỏn ẻn của con gái Huế.  Cũng đừng cay chua mà cho rằng đây là một thứ đạo đức giả, một thứ khôn lanh đáo để.  Cái chữ “KHÔNG” của con gái Huế cần phải phân tích từ nguyên thủy của nó, có nghĩa là – xin đừng lắc đầu vì coi đây là một thứ bệnh của chữ nghĩa – phải xét từ điều kiện hiện sinh thể tính (ontologique), thể cách là người phụ nữ (être femme)  của người con gái Huế.

            Có lẽ cái DUYÊN của người con gái Huế nằm ở nơi tự phủ nhận lấy mình như một khái niệm, để từ đó mọi sự ngạc nhiên, mọi chờ đợi trở nên xôn xao gấp mấy “mười thương” !  Bời vì sự xuất hiện của họ không bằng ánh sáng mặt trời mà bằng ánh sáng mặt trăng như một ẩn dấu huyền bí, hư ảo và hư vô “không là chi hết” –  cũng như người đàn bà che mạng hay che kín mặt – cho nên  sự xuất hiện của họ đồng thời là một khám phá bất ngờ. “Dáng rất Huế nhưng đời không phải thế.  Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng…”, hai câu thơ mà tôi lỏm bỏm đọc lóm đâu đó của Thu Bồn đã diễn đạt một phần sự nghịch lý như là bản chất cuả người con gái Huế, sự nghịch lý như là một công án để tìm hiểu và trả lời cho được, hay vẽ ra cho được, Diện Mục của người con gái Huế và có lẽ bức tranh nầy sẽ không bao giờ hoàn tất hay trọn vẹn mà luôn luôn là một nỗi đợi chờ “run như run thần tử thấy long nhan!”

Cho nên chân dung của người con gái Huế  mang một màu  không tưởng “trắng quá nhìn không ra” ? Qua nhiều thế hệ, từ bà nội, bà ngoại cho đến người mẹ và người con, nhân diện đậm nét hay nhạt mờ, vẫn là một nét KHÔNG  làm nền cho tính nghịch lý của hiện thân GÁI HUẾ. Tất cả những đường nét chỉ là những nét đan thanh mời gọi trí tưởng tượng đi về trong cõi vô cực cho một thực thể linh động, vượt ngoài tất cả những khung gỗ của khái niệm. Vì là KHÔNG nên sự xuất hiện của người con gái Huế là thần tượng của thi ca, của tưởng tượng, của sáng tạo không ngừng…

          Có chăng một hoá thân người con gái Huế đến từ chữ  “YÊU”, như  một sản phẩm đặc biệt của Huế , được mệnh danh là “Con Yêu Bánh Nậm”, biệt hiệu kỳ quái mà chỉ những người thân thương lắm mới đem tặng nhau để nhớ cả đời. Con Yêu Bánh Nậm là một danh từ rất Huế cho một “type” đàn bà mà trong khoảng thời gian 1950-1975 người ta gọi là “femme-enfant” (Đàn bà- Trẻ con).  Bánh Nậm là một thức ăn HIỀN như sữa hay yogurt ở phương Tây, một thức ăn vừa cho con nít vừa cho người lớn.  Còn CON YÊU là một thứ tinh quái, quyến rũ, mê hoặc… quyến rũ người khác mà mình thì cứ đùa nghịch tỉnh bơ, mê hoặc người khác mà mình thì cười nói như không… một loại tiểu thư “tuy môi em uống mà lòng anh say”, ma quái cũng nàng mà yếu đuối cần được che chở cũng là nàng. Khái niệm Con Yêu Bánh Nậm hội đủ hai tính cách của người con gái Huế: Vừa trẻ con vừa đàn bà, vừa cổ như nàng Bao Tự mà lại vừa tân như Audrey Hepburn hay Grace Kelly.

          Trong thời thượng của phong trào 60 – 75 đã xuất hiện những cô thiếu nữ Huế là những CON YÊU tinh ranh muốn thoát ra khuôn sáo “con nhà làm bộ làm dáng yểu điệu”, để nhuốm một chút “bụi” phóng khoáng nơi phong thái và tư duy, chút “bụi” lãng mạn của một cô gái đứng trong song cửa nhìn ra đường phố, lãng mạn trong tưởng tượng mà Trần Kiêm Đoàn goi là “lãng mạn nhưng trung thành”, một thứ lãng mạn “bụi trong” của những chiếc Bánh Nậm gói lá rất “LÀNH”.  Mỗi người con gái Huế lại là một cô gái con NHÀ LÀNH. Bão tố chỉ lay được tấm cửa gỗ của căn nhà tiền trạm, chưa xâm nhập đến nhà giữa, làm sao vào được phòng khuê?  Cho nên dù là CON YÊU tinh ranh lãng mạn cũng vẫn là một thứ Yêu… kiều đáng yêu, một loại BÁNH NẬM rất LÀNH của Huế xưa và nay.

       Thái Kim Lan

       Muenchen, Đức.  Tháng 7-2003

Bài viết liên quan