Trăng Mật
Trăng mật, trăng non, trăng tròn, trăng xế, trăng lặn, trăng tàn là chu kỳ tâm lý và vật lý của một tuần trăng.
Tuần trăng đâu chỉ là bảy ngày trăng; mà tuần trăng là vòng quay của con trăng mọc lặn, đầy vơi trong vòng một tháng. Và, “Tuần Trăng Xế” là hình ảnh mùa thu heo may của vầng trăng đang từ từ lặn sau mùa trăng mật ngọt, xuân xanh.
Khái niệm Tuần Trăng Mật có gốc gác gần ba nghìn năm trước tại châu Âu và được ghi bằng chữ Bắc Âu tối cổ dài lê thê là “hjunottsmanathr”, có nghĩa là sự sung sướng, hạnh phúc tột cùng… như ngày mới cưới nhau. Theo tục lệ Bắc Âu thời cổ là trong tháng đầu mới cưới, cặp vợ chồng son mỗi ngày uống một cốc rượu nho trộn mật ngọt ngào. Khái niệm Tuần Trăng Mật bắt nguồn từ đó.
Có một điều ngạc nhiên kỳ thú là tục lệ “rước dâu” thời cổ Bắc Âu và người H’Mong ở các vùng rừng núi Lào và Việt Nam bây giờ lại rất giống nhau. Đó là cô dâu yêu quý cần phải bị chú rễ tương lai bắt cóc đem đi dấu kín ở một nơi nào đó tìm không ra mới có thể bắt đầu cho một cuộc hôn nhân… hợp pháp và hợp với đất lề quê thói. Kết quả thường là “tìm không ra, tha làm phước.” Và cuộc diện sau cùng của quá trình công đồn, đả viện là cả hai phía gia đình bên dâu, bên rể đành phải ưng thuận trước… sự đã rồi!
Ngày Xuân, bên chén trà xanh quê hương Bắc Thái mà ngồi một mình độc ẩm từng ngụm trà lặng lẽ nơi quê người giữa đất Cali nầy mới cảm nhận hết cái trống vắng của ý niệm thời gian. Khi hương khói trà xanh nồng đượm, bay phơ phất từng sợi bạc, vương lên đầu râu tóc chòm xanh, chòm lốm đốm của tuổi sáu mươi là khi mình thấy được một cánh cửa mới đang từ từ hé mở. Cánh cửa tâm lý, gồm cả thể chất lẫn tâm linh, đang hướng về một tương lai mịt mờ hay trong suốt của hai bàn tay không. Có lẽ tất cả cái còn lại để mang đi – một “ngày đi” không thể nào tránh được và có thể xảy ra bất cứ trong nháy mắt nào và bất cứ cho ai giữa cõi vô thường nầy – là những niềm vui hay nỗi buồn đã thành dấu ấn trong ta, trong một góc khuất riêng tư nào đó của mỗi con người.
Tôi mỉm cười tính tuổi sáu mươi. Người Việt sống trên đất Mỹ tính tuổi 60+ là tuổi “bâu-nớt” (bonus). Bonus là phần được kèm thêm, tặng thêm, lợi thêm bên cạnh phần căn bản. Sống tới sáu chục là đủ tuổi căn bản “huề vốn” của một đời người. Sống thêm được một phút, một giờ, một năm, một miếng thời gian nào nữa sau đêm Giao Thừa của tuổi 60 là kể như phần lời, như quà tặng… trời cho để sống thêm phần phụ trội!
Nếu bạn được tự do chọn lựa thì việc có ý nghĩa nhất cho tháng đầu tiên của “tuổi đời phụ trội” đối với bạn sẽ là gì? Một câu hỏi rất riêng mà cũng rất chung cho thế hệ… gió heo may đã về!
Trước khi người Việt chúng ta cậy viện Gallup làm cuộc thăm dò ý kiến thì tôi và những bạn hiền thân mến của tôi đã dám đem bản thân mình làm thí nghiệm. Kết quả là những đôi uyên ương đã leo lên hàng ông nội, bà ngoại đa số tuyệt đối đề nghị rằng, nên thử sống qua ít nhất là một Tuần Trăng… Xế.
Theo như chu kỳ tâm lý của một tuần trăng vừa trình bày ở trên thì những cặp vợ chồng mới cưới nhau cần hưởng Tuần Trăng Mật để được sống với nhau những ngày đầu ngọt ngào tươi mới. Cưới nhau sau 10 năm mà còn bịn rịn chưa “chịu” chia tay. Nghĩa là tình vẫn mặn, yêu vẫn nồng qua thập niên hương lửa thì có quyền dẫn nhau đi hưởng Tuần Trăng Non. Những cặp vợ chồng sống với nhau sau 20 năm, con cái đùm đề, có đứa đã vào đại học mà vẫn nhìn nhau hàng ngày lưu luyến, sống với nhau tròn trịa, mặt mũi chưa héo hắt phôi pha thì rất đáng rủ nhau đi hưởng Tuần Trăng Tròn. Và, những cặp vợ chồng sống với nhau từ 30 năm trở lên mà vẫn chưa có ai làm vọng phu hóa đá trong cùng tận của tâm hồn – nhất là những cặp đang vào tuổi sáu mươi – thì hãy nhanh chân hưởng Tuần Trăng Xế. Sợ chờ đợi lâu hơn thì “bóng xế, trăng lu” và tuần trăng hết sáng. Lúc đó, e chỉ còn Trăng Lặn, Trăng Tàn!
***
Phải chăng tâm lý học phương Tây ưa cường điệu khi cho rằng, những cặp vợ chồng tuổi lục tuần rất dễ thành lục… đục vì những phản ứng rất tự nhiên của tâm sinh lý?! Sau hơn ba chục năm kề vai sát cánh “chồng cày vợ cấy…” không rời tay để trả nợ cơm áo và nợ ân tình, thời gian đủ dài để những xôn xao thuở đầu đời lặn xuống. Sự lôi cuốn của thể xác và lực níu kéo của đam mê đang đi vào trạng thái bảo hòa. Nghĩa là cuộc tình chung ngày hai buổi đi về và lực kéo – hay lực trì – của mối tình dài ba mươi lăm năm kinh nghiệm có độ mặn nồng ngang nhau nên sức cuốn hút không còn nữa. Trong sự im ắng vào giai đoạn “chung kết” của một cuộc tình, cần phải có tiếng sấm lòng “big bang” để vực dậy những tâm hồn và cảm xúc đang lơ mơ phân thành những dãi thiên hà lạnh lẽo.
Trăng Xế
Cùng nghĩ về một tiếng “sấm” ân tình cần thiết như thế, nên chúng tôi vui vẻ nhận lời đi… Tuần Trăng Xế ở quần đảo Hạ Uy Di – Hawaii. Đây là chuyến đi mà những đứa con đã trưởng thành của chúng tôi hoàn toàn sắp xếp cho Ba Mẹ.
Lần đầu, được đi du lịch miễn phí; lại được con gái, con rể lo toan mọi chuyện; dắt tay đưa lên phi trường, đón về khách sạn tôi bỗng có cảm giác như mình nhỏ lại. Những thoáng ngày xưa lon ton chạy theo chân Mẹ hiện về. Mẹ tôi không còn nữa và Ba tôi mất trước khi tôi đủ khôn lớn để nhớ mặt cha mình là ai. Những đứa trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên giữa thời chinh chiến như tôi, mấy ai có trọn một vầng trăng thơ ấu. Làm gì có được kỷ niệm êm đềm về những tuần trăng ghi từng cột mốc của ngày tháng yêu thương. Cho đến khi lập gia đình, tôi không nghĩ là mình biết có ai quanh mình đã từng có một Tuần Trăng Mật!
Sau ba mươi tám năm sống đời vợ chồng, chúng tôi bắt đầu tuần trăng… xế với buổi chiều đầu tiên trên bờ biển Waikiki. Đây là vùng biển được du khách ưa thích và tập trung đông nhất trong số năm hòn đảo chính của quần đảo Hạ Uy Di. Nét lãng mạn và thư giản đầu tiên nơi đây là cách ăn mặc và sinh hoạt. Hầu hết mọi người, nhất là phái nữ tuổi trẻ, đều là con nhà “nghèo.” Áo quần vài mảnh đơn sơ chỉ vừa đủ che thân. Đây cũng là nơi tình tự vô tình. Chẳng ai chú ý đến ai ngoài chính mình và người thương yêu bên cạnh. Và đây cũng là nơi văn minh chìm khuất. Người ta muốn quên đi thế giới lâu đài, vật chất đang sừng sững và rộn ràng bao quanh đầy mời gọi của Honolulu để hướng trọn vẹn về vùng biển trời thiên nhiên kỳ tú tuyệt vời trước mắt. Cũng chỉ là biển xanh trước mắt, cát vàng dưới chân và mây trắng trên đầu nhưng tất cả đều hiện ra với một dáng vẻ khác. Thiên nhiên không lạnh lùng mà giao hòa đầy tình cảm với con người. Có lẽ từ trong vô thức đã có sự chuẩn bị sẵn nguồn tình – có thơ và mộng – cho một chuyến đi ra ngoài hải đảo Thái Bình Dương.
Cảnh chiều xuống và sớm mai lên trên bãi biển Waikiki đẹp và bình an quá. Càng đi xa hơn qua các đảo Big Island, đảo Maui trong quần đảo Hawaii, khung cảnh thiên nhiên càng được gói trong mầu xanh trời nước mênh mông.
Giữa thiên nhiên và trong tiếng thở thinh lặng của biển trời, chúng tôi ít nói với nhau hơn nhưng lại cảm thấy gần gũi và hiểu nhau hơn. Lần đầu tiên, hồi tưởng như muốn tính lại sổ đời, chúng tôi mới nhận ra mình cũng là người giàu có với gia tài tình cảm hơn nửa đời người trên quê hương Việt Nam, thế mà bao năm qua lại vô tình sống như những kẻ nghèo kiết xác. Ngày đó, chúng tôi rất “giàu” mà không biết mình giàu. Cả hai vợ chồng cứ san sẻ dần tình cảm của mình vào việc nuôi con khôn lớn mà chẳng có khi nào chia một mảnh cảm xúc riêng tư cho cuộc tình hai đứa. Bởi thế, ngày con cái trưởng thành thì cuộc tình Ba Mẹ bé lại. Những sự chăm sóc yêu thương, những biểu cảm nồng nàn, những ân tình ướt át… dành lại cho con.
Trăng Kim Cương
Xưa, giới thầy thuốc Trung Hoa nhận xét rằng, người Việt nằm trên rừng cây thuốc Nam mà đành chịu chết vì thiếu thuốc tại quá ỷ y vào thuốc Bắc. Cũng tương tự như thế, người Việt có bờ biển xanh mướt dài trên hai nghìn cây số và dãi Trường Sơn hùng vĩ chạy dài từ Bắc chí Nam mà sao những cặp tình nhân Việt Nam cứ thiếu hoài những tuần trăng… mật, trăng non, trăng tròn, trăng xế…?! Cảnh trời biển non nước hữu tình cho những tuần trăng mật như quần đảo Hạ Uy Di lãng đãng khắp mọi miền duyên hải Việt Nam. Từ Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đồ Sơn đến Cửa Việt, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Đại Lãnh, Vũng Tàu, Hà Tiên… nơi nào cũng có một miền hẹn hò lý tưởng.
Có người “đổ hô” cho sự nghiêm khắc của nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã làm cho tình cảm lứa đôi thành khô khan và cứng đọng một chiều nên những người tình sau khi thành vợ chồng quên dần cảm xúc cá nhân để phục vụ cho nếp sinh hoạt đại gia đình. Thực tế văn hóa Đông Tây có vẻ như bên đêm, bên ngày; bên nắng, bên mưa. Người Á Đông nghĩ đến họ hàng trước khi nghĩ đến mình nên để họ trước tên riêng. Người phương Đông quên ngày sinh mà nhớ ngày chết; hờ hững với hiện tại và tương lai để hoài niệm và tôn thờ quá khứ. Trong khi người phương Tây thì làm ngược lại.
Phải chăng vì thế mà những cặp vợ chồng phương Tây sau ngày cưới, mỗi năm đều có lễ kỷ niệm ngày cưới nhau. Và, hễ cứ được sống chung thêm một năm thì nền móng ân tình càng chắc thêm một nước (?). Họ đã cụ thể hóa lớp thời gian của hôn nhân bằng hình tượng vật thể cho mỗi năm như: 1 năm = giấy; 2-vải, 3-da, 4-tơ, 5-gỗ, 6-sắt, 7-kền, 8-đồng, 9-sứ, 10-kẽm, 20-sành, 30-châu, 40-ngọc, 50-vàng, 60-kim cương… Có cuộc tình nào đến tuổi kim cương rồi mà vẫn chưa hưởng được một tuần trăng… xế?
Dăm ba bình trà đầu năm uống một mình đã cạn, tôi bâng quơ nghĩ đến một năm mới còn hơn 360 ngày đang trãi dài ra trước mắt. “Tuần trăng xế” cho một cuộc tình dẫu muộn nhưng đấy vẫn là dấu ấn đầy biểu tượng của ân tình. Tôi nghĩ về quê hương bên kia và một miền đất khác gọi là thế giới Âu Mỹ bên nầy. Tuổi sáu mươi, tôi đã sống nửa đời cho mỗi bên. Đông Tây có rất nhiều dị biệt nhưng vẫn có một điểm chung: Nếu không có một tuần trăng mật thuở xuân xanh thì cũng chưa muộn cho một tuần trăng xế khi đầu bạc. Bên cạnh bát cơm nóng hay ổ bánh mì dòn vẫn còn và vẫn cần một bình trà thơm cho ngày đầu Năm Mới. Và Tuần Trăng nào cũng đẹp những tuần trăng tiếp nối của giấy, da, gỗ, sắt, châu, ngọc… đều óng ánh sáng lên phía chân trời xa. Nơi xa cùng tận ấy có một tuần trăng Kim Cương đang chờ trước khi bóng xế, trăng lu và trăng sẽ chia tay với từng kiếp người mãi mãi.
Trần Kiêm Đoàn
Sacramento, Bắc Cali cuối Đông 2006