Nhân dịp Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (Vietnam Buddhist Research Institute) tổ chức một cuộc hội thảo khoa học quốc tế trong hai ngày 15 và 16 tháng 7 năm 2006 với chủ đề: “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức”, tôi được mời tham dự. Trưởng ban tổ chức cuộc hội thảo là TT. Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thát, Viện trưởng viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và cũng là người bị chính quyền Việt Nam kết án tử hình vào tháng 2/1984.
Vốn có nhiều cơ duyên làm việc và sinh hoạt trong những môi trường tuổi trẻ (Liên đoàn trưởng GĐPT Liễu Hạ, 62-68, đoàn trưởng đoàn Thanh niên Hồng Thập tự Quốc tế, phân hội Quảng Trị, 73-74, hội trưởng hội Sinh viên Việt Nam Đại học Sac State, 86-88, làm việc với Cơ quan Bảo vệ Thanh Thiếu niên tại Sacto, 88-06, dạy học tại các trường trung và đại học Việt, Mỹ…), tôi xin đóng góp một vài ý kiến khiêm tốn trong lĩnh vực mà mình tiếp cận lâu dài qua bài viết sau đây.
Sự phát triển nhanh chóng phương tiện giao thông từ giữa thế kỷ 19 đã góp phần năng động trong việc thay đổi bộ mặt và trật tự về khoảng cách và không gian trên trái đất. Và cuộc cách mạng truyền thông của thế kỷ 20 đã phá đổ những biên giới và rào chắn giữa các quốc gia và lục địa trên mặt địa cầu. Từ cái cũ bước qua cái mới trong nhiều trường hợp không theo thứ lớp của một quá trình chuyển mình tự nhiên nheo mô thức cổ điển mà bằng những bước nhảy vọt. Bước tiến nhảy vọt hôm nay vẫn còn bị coi là hoang tưởng trong những thế kỷ trước. Do đó, khái niệm “thời đại mới” không chỉ đơn thuần liên quan đến trình tự thời gian như mới – cũ, xưa – nay, trước – sau theo vòng quay tự nhiên ngày đêm, tháng năm của mặt trời, mặt trăng và trái đất. Cái “mới” mang một ý nghĩa tích cực và bứt phá vượt ra ngoài những quy ước truyền thống.
Thời đại mới trong thế kỷ nầy được xác định với ý nghĩa tân tiến (modernism), hiện đại (modernity) và cập nhật (up-to-dateness). Những nguồn thông tin trên thế giới hiện nay được thông báo gần như tức khắc và mọi biến cố, sự kiện xảy ra trên khắp hành tinh nầy đều được cập nhật từng giây, từng phút một. Một sự kiện mang tính toàn cầu như Giải Bóng đá Thế giới năm nay chẳng hạn, tuy diễn ra tại Đức, nhưng xuất hiện cùng lúc ngay trước mắt của khán giả mộ điệu trên toàn thế giới qua phương tiện truyền thông đại chúng.
Mặc dầu “thời đại mới” không mang theo một biệt lệ đối với bất cứ vùng đất hay sinh vật địa cầu nào. Tuy nhiên, một thành viên hay đối tượng trong cộng đồng thế giới có muốn hay có chịu mở mắt, mở tai ra để nghe, để nhìn, để biết những chuyện gì đang xảy ra chung quanh mình hay lại còn là chuyện khác nữa. Thí dụ như cái gọi là “thời đại mới” mang nặng tính chất cạnh tranh, chuyển hướng, sinh tử đối với xã hội Âu, Mỹ hay nói chung. Nhưng chẳng có một mảy may ảnh hưởng hay tác động nào đối với các bộ tộc người Mỹ Da Đỏ đang sống theo nền văn hóa bầy đàn cổ sơ trong các khu biệt cư ở Trung Mỹ và Rocky Mountains cả. Bởi vậy, nội hàm và tác động của thời đại mới thường có giá trị và ảnh hưởng một cách tương đối tùy theo con người và hoàn cảnh.
Khái niệm “thời đại mới” trong bài nầy nhấn mạnh đến bối cảnh của một không gian toàn cầu hóa và một mô thức tiếp cận, liên lạc cấp thời và trực tiếp. Mọi mặt của đời sống chuyển biến tận gốc rễ về tốc độ cũng như về quy mô. Tốc độ nhanh chóng và tính đại chúng về phương tiện giao thông; không gian rộng lớn và bao quát về mặt truyền thông… đã lay chuyển tầm nhìn, tầm nghĩ, vừa mới, vừa xa, vừa sâu hơn so với giới hạn trong một quá khứ chỉ mới mấy năm về trước.
Việt Nam ngày nay với dân số 83 triệu người được xem là một nước “trẻ trung” trong vùng châu Á Thái Bình Dương (Asian Pacific Rim). Trẻ trung vì dân số sinh ra sau năm 1975 chiếm đa số; trẻ trung vì đang ở trên một tốc độ chạy đua về phát triển kinh tế được giới chuyên môn kinh tế thế giới ghi nhận là khá nhanh; và trẻ trung vì cả nước đang chuẩn bị “gân cốt” để bước vào một thế hệ mới – thế hệ của văn hóa thị trường.
Khoảng cách thế hệ (Generational gaps)
Khi nói đến tuổi trẻ, người ta thường hỏi rằng, dựa trên tiêu chí nào để xác định tính chất “trẻ” ở mỗi con người. Các nhà sinh vật học thì dựa trên tuổi tác và sự phát triển về thể lực. Các nhà tâm lý học, nhất là ngành tâm lý trị liệu (psychotherapy), thì dựa trên sự phát triển tâm sinh lý. Một số các ngành nghề và lĩnh vực chuyên môn khác thì dựa trên khả năng tạo ra “sản phẩm” để phân biệt tuổi tác. Một nhà phê bình nghệ thuật Mỹ, Heather Atkins, đã cho rằng Monet, Picasso… là những người trẻ mãi trong màu sắc; Sinatra, Brahms, Stravinsky… là những người trẻ mãi trong âm thanh. Tuy rằng, trong một thế giới khái niệm mang đầy tính chủ quan và tương đối về tuổi trẻ như thế, nhưng khi nói đến tuổi trẻ, không ai có thể đảo ngược thời gian hay chỉ đơn giản căn cứ trên “khả năng tạo ra sản phẩm” để cho rằng Nguyễn Trãi “trẻ” hơn Nguyễn Du vì “Bình Ngô đại cáo” xốc nổi hơn Đoạn trường tân thanh (!)
Trong một vài bài viết trước đây, người viết bài nầy đã có dịp nhắc lại một vài quan niệm điển hình về tuổi tác trong truyền thống văn hóa và xã hội Việt Nam. Theo quan niệm tương đối phổ biến nhất thì một đời người được chia ra làm 4 giai đoạn: (1) Thiếu niên, (2) thanh niên, (3) trung niên và (4) lão niên. Khi nói đến tuổi trẻ, nếu nhấn mạnh đến vai trò kế thừa và chuyển tiếp, người ta thường đề cập đến tuổi thiếu niên và thanh niên. Nhưng để nhấn mạnh vai trò năng động và trách nhiệm với xã hội, người ta nói đến tuổi thanh niên và trung niên. Trong đó, trung niên là một thế hệ bắc cầu (the bridge generation) giữa hai thế hệ già và trẻ. Thế hệ bắc cầu giúp làm gạch nối thu hẹp sự khác biệt giữa hai thế hệ già và trẻ hay thế hệ đàn anh và thế hệ đàn em.
Hình ảnh “thanh thiếu niên” tượng trưng cho mầm non tươi mát, sức sống tràn đầy và sự kế thừa đầy hy vọng. Trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam sau chiến tranh, cuộc chiến 30 năm (1945-1975) là cái mốc lịch sử tiêu biểu để những nhà xã hội học và tâm lý học phân chia thế hệ. Có thể nói những người Việt Nam đang sống có 4 thế hệ: (1) Thế hệ trước chiến tranh Việt Nam (Pre-Vietnam War generation), (2) thế hệ chiến tranh Việt Nam (Vietnam War generation), (3) thế hệ sau chiến tranh Việt Nam (Post-Vietnam War generation) và (4) thế hệ ấu nhi gồm những trẻ em từ sơ sinh đến lứa tuổi tiểu học.
Thế hệ sau chiến tranh Việt Nam là một thế hệ điển hình cho tuổi trẻ Việt Nam hiện đại. Đó là tầng lớp thanh thiếu niên nam nữ sinh ra sau 1975. Tuổi trung bình từ 10 cho đến 30. Thế hệ đàn anh đang lũ lượt từ giã những vai trò then chốt trong cơ chế lãnh đạo và quản lý xã hội và thế hệ đàn em – thế hệ tuổi trẻ Việt Nam – lần lượt thay thế.
Sự kế thừa và chuyển tiếp giữa hai thế hệ tại các nước Âu Mỹ cũng như ở nước ta, đều gặp phải những “trở ngại mới phát sinh” (unprecedented disadvantages) mà những biểu hiện thường thấy nhất là:
- Tinh thần bảo thủ của thế hệ già dựa trên những kinh nghiệm cũ mà mình đã có xung đột với khuynh hướng cấp tiến của thế hệ trẻ dựa trên sự tìm tòi, khai phá mà mình đang phấn đấu vươn tới.
- Thế hệ già khư khư bám chặt vào địa vị và quyền lực, trong khi thế hệ trẻ cần có điều kiện và môi trường để sử dụng năng lực và thể hiện lý tưởng của mình.
- Thế hệ già không bắt kịp với tốc độ càng ngày càng nhanh đến chóng mặt của của những tiến bộ khoa học, kỹ thuật; trong khi thế hệ trẻ đang vật lộn và nắm bắt để áp dụng một cách hữu hiệu những tiến bộ nầy. Sự tụt hậu và đương đầu trước hiện thực mang tính thời đại giữa hai lứa tuổi tạo ra một khoảng cách (hay xung đột) giữa hai thế hệ già và trẻ là hậu quả tất yếu.
- Nếu sự xung đột thế hệ thiếu một mẫu số chung để hóa giải, thế hệ trẻ và thế hệ già sẽ dẫn nhau đến sự khủng hoảng tâm lý mà tác động tiêu cực và nghiêm trọng nhất là sự chối bỏ, loại trừ nhau giữa hai thế hệ.
Ngoài những hiện tượng tiêu cực mang tính chất chung và phổ biến trên đây, mối tương quan giữa tuổi già và tuổi trẻ Việt Nam đương đại còn mang thêm gánh nặng của thời cuộc, kinh tế và địa lý.
Về mặt thời cuộc, lịch sử chiến tranh đã để lại những dấu vết khắc nghiệt trong tâm hồn và trên thể xác Việt Nam. Thế hệ già – thế hệ đàn anh – đã sinh ra và lớn lên trong chinh chiến; trong khi thế hệ đàn em sinh ra và lớn lên giữa hòa bình. Những ám ảnh kinh hoàng, những giá trị nhân văn bị gãy đổ, những hận thù núp bóng dưới nhân danh… đã thiêu đốt thế hệ đàn anh nhạt dần hay chẳng còn dấu vết trong tâm thức thế hệ đàn em. Lối nhìn khác nhau về quá khứ sẽ mang theo phản ứng và cách hành xử khác nhau trong hiện tại và hướng nhìn tương lai.
Nền kinh tế suy yếu và tụt dốc sau cuộc chiến đã kéo theo những tệ nạn xã hội đã trực tiếp hay gián tiếp tạo ra sự thất vọng và hoài nghi cho thế hệ đàn em khi nhìn về thế hệ đàn anh.
Những suy nghĩ xót xa về sự yếu kém đã tạo ra mặc cảm tự ty cho tuổi trẻ khi tương giao và tiếp cận với các dân tộc và các nước láng giềng cũng như cộng đồng thế giới. Tuổi trẻ không tìm ra một sự kế thừa mang ý nghĩa tích cực và đầy thuyết phục từ phía cha anh mình.
Tuổi trẻ Phật tử Việt Nam
Tín đồ của một tôn giáo trước hết là một người công dân của một xứ sở nào đó. Tuổi trẻ Phật tử (TTPT) Việt Nam là một người dân Việt trẻ tuổi có tôn giáo là đạo Phật đang lớn lên trên xứ mình hay xứ người. Người tuổi trẻ Phật tử Việt Nam từ căn bản là một thành viên của dân tộc; cùng thừa hưởng hay chịu đựng những vinh quang và cay đắng chung với cộng đồng dân tộc. Bên cạnh việc mang đầy đủ yếu tính của một công dân bình thường, người TTPT còn có thêm một đời sống tâm linh, một đức tin tôn giáo, một sự gắn bó và hướng về nếp nghĩ, thái độ, lối sống của một người theo đạo Phật.
Với sự vắng bóng của mọi hình thức tôn giáo theo nguyên lý giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, TTPT tại quê nhà tìm đến với đạo Phật thông qua 3 nguồn suối chính: (1) Truyền thống gia đình; (2) bạn bè, tu sĩ và chùa chiền tự viện; (3) tự mình tìm hiểu và học hỏi qua sách vở và môi trường truyền thông. Động lực làm cho tuổi trẻ tìm đến với tôn giáo là nhu cầu của đời sống tâm linh. Đấy là một hiện tượng bình thường của một đời sống toàn diện. Một đời sống thể chất linh động cần sự hỗ trợ vô hình, nhưng không kém về sức mạnh, của nếp sống tinh thần. Theo nhà tâm lý học danh tiếng Erik Erikson thì 95 phần trăm những nhà khoa học và những thiên tài của nhân loại có đời sống tôn giáo rất hài hòa với đời sống nghiệp vụ bình thường. Ngay Karl Marx và Friedrich Engels xuất thân cũng là những người theo tín lý tôn giáo Cơ Đốc.
TTPT tại quê nhà cũng như ở hải ngoại tìm đến đạo Phật bằng một sức mạnh tinh thần dũng mãnh và tự nguyện hơn bao giờ hết vì cả hai xã hội trong cũng như ngoài nước trong ba thập niên qua đều là những vùng đất “khó”; không phải là những vùng đất màu mỡ cho mầm Phật giáo bén rể, đâm chồi. So với thế hệ đàn anh, TTPT giữ vững được niềm tin tôn giáo, hướng về Tam Bảo trong những điều kiện xã hội, chính trị và kinh tế muôn vàn khó khăn hơn. Bởi vậy, các em là những viên ngọc quý mà thế hệ đàn anh cần phải trân trọng và đánh giá đúng mức để nuôi dưỡng và phát huy trên hướng về tương lai của Đạo Pháp.
Đồng thời với TTPT nói chung, Gia đình Phật tử (GĐPT) Việt Nam là một tổ chức Tuổi trẻ Phật Tử thuần túy mà không một giáo hội Phật giáo nước nào ngoài Việt Nam đang có.
GĐPT được thành lập năm 1943, qua các danh xưng như Đoàn Đồng ấu Phật tử, Phật học Đức dục, Gia đình Phật hóa Phổ.
Trong gần 60 năm qua, GĐPT Việt Nam trong nước và ở hải ngoại đã trở thành một hình ảnh sinh động, tươi mát, trẻ trung và đầy hứa hẹn trong nhiều sinh hoạt của Phật giáo Đại thừa. Đây là một tổ chức của TTPT Việt Nam có một hệ thống cấu trúc chặt chẽ và rộng khắp. GĐPT có cương lĩnh, đường lối hoạt động phù hợp với tinh thần chung Phật giáo. Căn bản là lấy châm ngôn Bi – Trí – Dũng làm nền tảng sinh hoạt và dựa vào Năm Điều Luật tượng trưng cho năm hạnh: Tinh Tấn, Hỷ Xả, Thanh Tịnh, Trí Tuệ và Từ Bi của đạo Phật. Hơn nửa thế kỷ qua, GĐPT Việt Nam là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Phật tử Việt Nam.
Trong quá khứ, dẫu qua những giai đoạn thăng trầm và ngay cả trong những thời điểm dầu sôi lửa bỏng nhất của Dân Tộc và Đạo Pháp như biến cố chiến tranh, pháp nạn, tỵ nạn, tản cư, tạm cư…, GĐPT vẫn luôn luôn có mặt bên cạnh chư tôn đức và quý đạo hữu một cách đoàn kết, trung kiên, sinh động và không phân biệt sự dị đồng của chùa chiền hay bộ phái. Thế nhưng trong vòng 30 năm qua, từ năm 1975 trở về sau, GĐPT đã và đang trải qua một thời kỳ chao đảo nhất trong lịch sử 63 năm tổ chức và sinh hoạt.
Sự thách đố từ trong nội bộ giữa thời đại mới
Trong số những vấn đề điển hình nhất mà TTPT Việt Nam phải đương đầu trong thời đại mới có những vấn đề truyền thừa từ thế hệ đàn anh sang thế hệ đàn em. Có những vấn đề phát sinh do sự phản ứng trước hoàn cảnh tạm thời. Có những vấn đề do thời cuộc, địa lý và nhân văn. Có những vấn đề nẩy mầm, mọc rễ và ăn sâu (thâm căn cố đế) từ trong nội bộ.
Liên tiếp trong 6 bài viết dưới tiêu đề “Lá thư huynh trưởng” đã đăng trên Tạp chí Văn hoá Phật giáo và Website Phật Tử Việt Nam (www.phattuvn.org), người viết bài nầy đã có cơ hội trình bày và phân tích những thử thách và cơ hội đối với TTPT Việt Nam. Nhưng đó chỉ mới là những thách đố đến từ hoàn cảnh bên ngoài. Những thử thách đến từ bên trong mới là điều nghiêm trọng đáng nói trong lúc nầy. Đây là một thời điểm quá tầm chờ đợi bởi vì thế hệ đàn anh hầu hết đang bước vào lứa tuổi sáu, bảy mươi và thế hệ đàn em đang mạnh mẽ bước vào đời để nhận lấy trách nhiệm thay cho thế hệ đàn anh. Nếu sự kế thừa chỉ là phân hóa và xung đột; nếu gia tài truyền thống về mặt tổ chức lâm vào cảnh “nhất giang lưỡng quốc”, một Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị phân chia ra hai hay nhiều phe phái… thì TTPT không vay, không tạo mà lại thành con nợ của tương lai.
Những vấn đề đến từ bên trong gây xung đột và phân hóa như thế, có thể coi như là “Pháp nạn tự thân”.
Trong lịch sử 25 thế kỷ, đạo Phật đã trải qua nhiều thời kỳ hưng thịnh và thoái trào. Có những triều đại hoàng kim Phật giáo như thời vua A Dục (268-232 trước kỷ nguyên). Đạo Phật không những trở thành quốc giáo mà đạo lý nhà Phật còn trở thành quốc sách trị nước an dân. Triều đại A Dục đánh dấu bước chuyển mình trọng đại của Phật giáo. Từ một tôn giáo giới hạn trong vùng lưu vực sông Hằng, xứ Ấn Độ, đã mạnh mẽ vươn lên thành một tôn giáo hoàn vũ.
Ngược lại, cũng có những triều đại Phật giáo bị bức hại tang thương. Như trong triều đại Sunga, võ thần Bồ Sa Mạt Đa La (Pusimitra) cướp ngôi lên làm vua đã ra lệnh phá huỷ chùa chiền, tu viện, tàn sát chư tăng và treo giải thưởng 100 đồng tiền vàng cho ai lấy được một cái đầu của một nhà sư. Đây là pháp nạn lần thứ nhất của Phật giáo Ấn Độ, xẩy ra vào thế kỷ thứ 2 trước kỷ nguyên. Tiếp theo những triều đại Bà La Môn và Hồi giáo giữ vai trò ngự trị, đạo Phật đã bị mai một dần ngay trên xứ Phật. Đánh giá lại thời kỳ suy yếu nhất của đạo Phật tại xứ Ấn Độ, giáo sư chuyên khoa Phật giáo Koichi Shinohara, đại học Berkeley, nhận định rằng: “Sự suy yếu của đạo Phật tại Ấn Độ bắt nguồn từ sự suy thoái phẩm chất từ bên trong. Số người xuất gia không có lý tưởng giác ngộ, độ sanh mà chỉ vì đời sống cửa thiền đương thời dồi dào; tăng sĩ được trọng vọng làm cho tăng già càng ngày càng bị hủ hóa. Tại thành Vương Thị (Pàtaliputta), tăng chúng suốt 7 năm không hề có lễ Bố Tát. Đời sống tu viện phân chia giai cấp. Tăng già phân hóa thành phe nầy chống báng phe kia. Mới nhìn qua thì ngỡ như chẳng có gì quan trọng. Nhưng nếu nhìn suốt dòng lịch sử thì đó là pháp nạn tự thân, “trùng sư tử ăn thịt sư tử”, người đồng đạo xa lánh và từ bỏ nhau. Cả hai phía xung đột đều nhân danh chánh pháp và kêu gọi hoằng dương chánh pháp; nhưng thực chất là tự biến thành ngọn lửa thiêu hủy niềm tin Tam Bảo trong cùng tận đáy lòng người. Pháp nạn đến từ bên ngoài có thể gây khó khăn cho việc sinh hoạt Phật sự qua những năm tháng, nhưng pháp nạn đến từ bên trong có khả năng làm suy yếu tinh thần, phá hủy đức tin cho cả thế hệ. Pháp nạn đến từ bên ngoài muôn lần dễ chữa hơn pháp nạn đến từ bên trong.”
Tuy lịch sử không bao giờ có sự lặp lại hoàn toàn giống nhau, nhưng những bài học lịch sử giá trị thường biểu hiện nguyên nhân và hậu quả tương tự như nhau. Người Phật tử rất xót xa trước hiện trạng quý tăng ni, Phật tử phân hóa tại quê nhà và trên quê người. Tuy giới Phật tử thuần thành, kể cả người viết bài nầy, suốt 30 năm qua đã từng an ủi rằng: “Đạo Phật không có phân hóa mà chỉ có những người theo đạo Phật phân hóa. Chư tôn đức là những bậc cao tăng thạc đức nên các ngài sẽ tự tìm ra phương hóa giải giữa phía nầy, phía nọ, như trăm dòng sông, nghìn con suối khác nhau rồi cũng sẽ chảy về chung dòng trong biển mẹ.” Nhưng thực tế đã và đang nói lên rằng, đấy chỉ là thi ca, là triết lý, là ước mơ chứ chưa phải là hiện thực!
Tôn giáo không phải chỉ đơn thuần là niềm tin như giữa cuộc đời thường mà phải có đức tin vững chắc làm chỗ dựa cho đời sống tâm linh. Bởi vậy, một tổ chức đời sống tâm linh ổn định đòi hỏi các cấp chức sắc lãnh đạo tinh thần phải có ít nhất là một hệ thống lãnh đạo thống nhất về mặt cấu trúc và nhất quán về đường lối. Lãnh đạo là cầm cương, là làm chủ một con đường, một phương hướng rạch ròi và cụ thể. Một nước có cùng lúc hai vua, hai triều đình là nước loạn. Một tổ chức có hai hệ thống đầu não song hành là một tổ chức chỉ có giá trị tượng trưng mà không có thực quyền, thực dụng.
TTPT Việt Nam lớn lên trong gia đình có truyền thống Phật giáo bỗng khám phá ra rằng: Có “chùa ta”, “chùa họ”; có “thầy mình”, “thầy chúng nó”, có đạo Phật của phe nầy là đúng đắn, đạo Phật của phe kia là sai lầm… Với tâm hồn măng non như tờ giấy trắng, thế hệ cha anh đã làm vẩn đục nguồn suối tinh thần tươi mát và trong sáng của các em vì phải chọn lựa chùa nầy hay chùa nọ, nếu không sẽ bị bơ vơ trước ngã ba đường.
Đâu là nguyên nhân xa và nguyên nhân gần của tình trạng phân hóa nầy? Nếu có chăng một sự phân ranh như thế thì lỗi tại ai? Hẳn nhiên là không một người Phật tử xuất gia hay tại gia nào lại muốn có một sự phân ranh như thế cả. Đối với một người Phật tử bình thường, phải chọn lựa phía nầy hay phía nọ; theo thầy nầy mà không theo thầy kia là một việc làm bất đắc dĩ, một cố gắng đi tìm trong thất vọng.
Nếu chúng ta tiếp tục “truy nguyên” để tìm cho ra nguyên nhân đầu tiên của cái “khổ đế” nầy thì sẽ lần lượt lên đến quý thầy, chư tôn đức. Và ở bậc nầy, chắc hẳn kẻ đi tìm nguyên nhân sẽ thấy được rằng, quý thầy đã từ bỏ tất cả công danh, tham luyến đời thường để xuất gia tu hành mong cầu giác ngộ thì sẽ không có lý do nào muốn nhìn thấy một hình ảnh Phật giáo rạn nứt cả. Hãy thắp đuốc lên, tiếp tục đi tìm nguyên nhân của sự phân hóa. Đi nữa. Đi tới Pháp bảo, Phật bảo và sẽ đi đến suối nguồn an lạc của đạo Phật. Chúng ta lại càng không thấy một chút rạn nứt; không tìm ra một mảy may dao động.
Nói như đức Lạt Ma Đề Văn xứ Tây Tạng: “Đạo lành vốn không xung đột, không phân ranh giới con người hay hoàn cảnh. Chỉ có sự vô minh trong những phương tiện hành đạo mới tạo ra phân hóa, xung đột mà thôi.”
Ai là “thủ phạm” của vô minh?
Thủ phạm nằm từ bên ngoài ta chăng?
Như trên đã nêu dẫn, đạo Phật đã trải qua những thời kỳ Pháp nạn, có khi giải thưởng cái đầu nhà sư lên đến cả trăm đồng tiền vàng. Lịch sử nước ta đã ghi lại con đường vinh quang và gập ghềnh của Phật giáo Việt Nam. Đạo Phật cực thịnh thời Lý Trần; lúc thịnh lúc suy thời Lê Nguyễn và phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió từ thời Pháp đô hộ; bị lay động tận gốc rễ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam; và chao đảo trong suốt thời hậu chiến. Nói tóm lại là Phật giáo Việt Nam đã bị những thế lực từ bên ngoài tác động và thách đố không ngừng. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, Phật giáo Việt Nam với tinh thần “cửa thiền rộng mở” nên bất cứ khó khăn nào tác động từ bên ngoài, cùng lắm cũng chỉ tạo ra khó khăn, trở ngại, chứ không thể nào phá hủy được ngôi nhà Phật giáo khi “tứ chúng đồng tu, tăng già hoà hợp”. Phật giáo chỉ lâm vào tình trạng thoái trào thực sự khi không hóa giải được những xung đột từ bên trong… mà thôi!
TTPT Việt Nam, mà biểu hiện mặt nổi là GĐPT, hiện nay đang nối dài sinh hoạt từ quê nhà đến hải ngoại. Tổ chức và sinh hoạt của GĐPT là sự phản ánh rõ nét nhất tình trạng của Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Nếu trong nước và ngoài nước đang có bao nhiêu hình thức “giáo hội” Phật giáo thì sẽ kéo theo bấy nhiêu những “phiên bản Gia đình Phật tử” có lập trường và tổ chức theo một tinh thần tương đương.
Xã hội Mỹ hiện nay được xem là một xã hội đa chủng, không khéo là tạp chủng. Thế nhưng cái bức tranh cẩn xà cừ (American Mosaic) lại khá hài hòa vì có một hệ thống chính quyền lãnh đạo và chuyên viên quản lý tự do và dân chủ. Trong một khung cảnh như thế, những sự khác biệt của xã hội Mỹ thường được ví von như một dĩa xà lách. Mỗi loại rau và mỗi thứ gia vị trong cái dĩa rau phức tạp nầy vừa xác định cái “ngã” của mình là loại rau gì, là mùi vị gì; thế nhưng cũng vừa thể hiện tính “vô ngã”, hiến cái “tôi” riêng biệt của mình cho cái chung làm cho tất cả trở thành và chỉ còn là một dĩa xà lách tươi tắn, thơm ngon.
Cơ hội và thử thách của Tuổi trẻ Phật tử Việt Nam chính là ở điểm then chốt nầy. Tách ra khỏi dòng triều chung thì sẽ bị cô lập, có khi bơ vơ không còn có môi trường và cơ hội để thể hiện và thi thố tâm lực cùng tài năng và lý tưởng của mình. Nhưng nếu nhập vào dòng thì phải chọn bờ bên nầy hay bờ bên kia. Hay đấy cũng chỉ là một hình thức nói khác của phe nhóm, phân tranh.
Sức mạnh, tác dụng và phản ứng của tuổi trẻ thường biểu hiện phù hợp với từng giai đoạn của sự phát triển tâm sinh lý qua từng độ tuổi. Tuổi trẻ đầy lý tưởng. Tuổi trẻ hăng say và hướng về khai phóng. Tuổi trẻ trong sáng và nhiệt tình. Lý tưởng và nhiệt tình sẽ rất dễ trở thành nguội lạnh khi phải đối diện với sự cố chấp và cực đoan của thế hệ đàn anh. Tuổi trẻ Việt Nam đang bước vào thế kỷ 21. Một sự kiện chính trị quốc tế, một sự cố xã hội tận bên trời Tây, một kiểu áo quần thời trang vừa xuất hiện ở New York mới xẩy ra đêm trước, tức khắc sáng hôm sau đã loan xa trên mọi kênh rạch của môi trường truyền thông quốc tế. Những huyền thoại về lãnh đạo, những cường điệu về tình hình và hoàn cảnh, những hư cấu về anh hùng liệt nữ của những thập niên quá khứ chẳng những không có tác dụng mà còn phản tác dụng đối với thế hệ trẻ hiện đại.
Tuổi trẻ trong thế kỷ nầy chỉ có thể bị thuyết phục và chinh phục bằng sự thật, bằng thành phẩm, bằng kết quả có thể kiểm chứng được chứ không thể bằng những ấn tượng mơ hồ, những lý thuyết suông, những hứa hẹn rỗng tuếch được nữa. Nữ văn Mỹ da đen giải Nobel của Mỹ, Tony Morrison, đã viết trong tạp chí Psych Review số tháng 6/ 2005 rằng: “Thế hệ già hơn trong thế kỷ này không lớn kịp với sự phát triển quá nhanh về tri thức và tâm lý của thế hệ trẻ. Thế nhưng thế hệ già vẫn nuôi ảo tưởng là mình đang dẫn đường đào tạo và giáo dục thành công thế hệ trẻ nên người. Sự ‘ly-dị-thế-hệ’ bắt nguồn từ đó.”
Văn hoá phương Đông thường nói đến “nguy cơ”. Có nhận biết mình đang ở thế nguy nan mới tìm ra cơ hội. Thế nguy, đồng nghĩa với sự thách thức đối với thế hệ tuổi trẻ Phật tử hôm nay là sự phân hóa từ bên trong; là sự nứt rạn từ trong cách nhìn và lối nghĩ. Sự phân hóa và rạn nứt đó là tiền đề của nhiều vấn đề xung đột từ thượng tầng lãnh đạo, đến trung tầng cấu trúc và hạ tầng hành động.
Khi sự thách thức như một vấn nạn đang nằm lù lù trước mắt, ai và làm sao đứng ra để khai thông con đường học đạo, hành đạo và hộ đạo của của người Phật tử? Làm sao để cùng đứng một phía bờ bên nầy, lên đường vượt dòng sông, qua bờ giác ngộ bên kia?
Đạo Phật Việt Nam ngày nay, có Tam Bảo và Phật tử kết thành chiếc bè hành thiện qua sông vững chãi, nhưng bè hay thuyền thì trước sau chỉ cần một bánh lái. Nếu có hai hay nhiều bánh lái thì sẽ sinh ra hiện tượng cái tiến, cái lùi, cái buông chèo tại chỗ… Trước những thế đi nghịch chiều nhau, thuyền sẽ lạc hướng. Đối với Tuổi trẻ Phật tử, thách thức của thời đại mới đang trực tiếp đối diện với thế hệ trẻ. Nhưng cơ hội thì phải trông chờ vào thế hệ đàn anh đang nắm quyền hành xử trao cho.
Trong khung cảnh Phật giáo Việt Nam hiện tại, mọi người đang đợi chờ thế hệ đàn anh hành (đạo) hơn là thuyết (pháp). Bởi vậy, bài bản, hội luận chỉ có giá trị gợi ý tượng trưng. Điều quan trọng là thế hệ đàn anh đang làm gì, nghĩ gì, hành động như thế nào để trao lại cho thế hệ đàn em một sự kế thừa xứng đáng với bề dày của đàn anh và lòng tin cậy của đàn em.
Thử thách và cơ hội
Trong gần nửa thế kỷ qua, Phật giáo Việt Nam đã đối diện với nhiều thử thách và cơ hội. Đối với những Phật tử vào hàng thế hệ tuổi trên dưới 60 như kẻ viết bài nầy thì đạo Phật thường xuyên đứng trên trường đương đầu và thử thách hơn là cơ hội. Trong tình hình chiến tranh kéo dài, hầu như hết thảy chùa chiền, tự viện tại các vùng nông thôn Việt Nam đều bị thiêu hủy trong lửa đạn. Đa số những vùng quê, đạo Phật biến thành hình thức thờ cúng mê tín dị đoan. Năm 1954, khi hòa bình tạm thời lập lại, đạo Phật chưa đủ thời gian để khôi phục lề lối tổ chức sinh hoạt bình thường thì phong trào tranh đấu Phật giáo chống đàn áp tôn giáo đã dậy lên năm 1963. Và liên tiếp những năm sau đó, Phật giáo thường xuyên đối diện với sự bất ổn do hoàn cảnh vừa khách quan, vừa chủ quan tạo nên.
Từ năm 1975 trở về sau, Phật giáo lại phải đương đầu với những thử thách mới, trong một tình hình chính trị, xã hội và giáo dục mới. Dẫu cho đứng từ bất cứ một góc độ nào thì vẫn không ai phủ nhận được rằng, từ trong lý thuyết cơ bản và sự hành xử cụ thể, không có một chính quyền cộng sản nào trên thế giới thừa nhận sinh hoạt tôn giáo như là một nhu cầu tự nhiên và cần thiết của đời sống tâm linh. Khởi từ lối nhìn tiêu cực của Marx về tôn giáo như là: “Tiếng thở dài của con người bị áp bức; thuốc phiện làm quần chúng nghiện ngập…”, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng không có chỗ đứng đương nhiên và quan trọng trong hệ thống giáo dục và đời sống xã hội công cộng. Bởi vậy, đã có nhiều người đặt câu hỏi: “Có tự nhiên và hợp lý chăng khi đòi hỏi một hình thức tự do tôn giáo theo khái niệm của các nước phương Tây trong một nước có hệ thống chính trị theo đường lối cộng sản?”
Riêng tình hình Phật giáo Việt Nam thì sự hoài nghi giữa giới lãnh đạo Phật giáo và chính quyền đã có ngay sau năm 1975. Chỉ mấy tháng sau ngày tiếp thu toàn miền Nam, dấu hiệu phản kháng của hàng tu sĩ Phật giáo tại Sài Gòn đã bắt đầu nổi lên. Mùa Phật Đản năm 1976 đã có một phái đoàn Phật tử Huế (thường được mệnh danh là “Thủ đô Phật giáo” của Việt Nam) do ông Nguyễn Hữu Vấn, trưởng ban tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Bình Trị Thiên cầm đầu vào Sài Gòn để “giải độc”. Di lụy của mối quan hệ mang tính chất hoài nghi và xung đột giữa chính quyền Việt Nam và một số chư tăng ni cao cấp của Phật giáo là đưa đến tình trạng có hai giáo hội Phật giáo song hành tại Việt Nam: Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chống chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thân chính quyền. Tuổi trẻ trong GĐPT Việt Nam cũng bị phân hóa làm hai theo tinh thần của quý Thầy: Tổ chức GĐPT có đăng ký và GĐPT không đăng ký! Khuynh hướng chung của Phật tử là không muốn dính dáng đến những vấn đề tranh chấp chính trị, hoặc chống, hoặc theo. Người Phật tử ở trong nước cũng như hải ngoại đã quá mỏi mệt với gánh nặng đời thường. Họ chỉ mong tìm được sự an lạc nơi suối nguồn Phật giáo.
Sự xung đột giữa chính quyền và giới lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Thống nhất có thể hóa giải trong tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật và tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc của chính trị hay không?
Đối với người đang sống xa quê hương thì tình hình sinh hoạt Phật giáo ở quê nhà không rõ ràng vì “có quá nhiều tin tức chứ không phải vì thiếu thông tin”. Nếu theo dõi tin tức, mạng lưới internet, báo chí trong và ngoài nước, người ta sẽ thấy cùng lúc Văn phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế của ông Võ Văn Ái ở Paris thông báo và bình luận tình trạng Phật giáo đang bị đàn áp ở quê nhà. Trong khi đó, các nguồn tin khác đưa tin và hình ảnh về xe hoa mừng Phật Đản ở Huế và Hà Nội, lễ Phật Đản tổ chức rầm rộ khắp nước và các phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự đông đảo hội thảo, lễ Phật đản tại Trung Hoa và Thái Lan.
Thật ra, những hiện tượng mà hai khuynh hướng “chống đối” hay “ủng hộ” đưa ra chẳng có gì mới lạ hay đáng tin cậy đối với xã hội tự do ở phương Tây. Điều then chốt mà mọi người đều thấy rõ ràng là chuỗi “vướng mắc” của thế quyền Việt Nam và giáo quyền Phật giáo Việt Nam. Có vẻ như cả hai bên đều đang cố tình không muốn nhìn rõ mặt nhau để tìm ra một mẫu số chung làm căn bản giải quyết vấn đề dị biệt.
Những “vướng mắc” về phía chính quyền Việt Nam:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Đây là một cái khung lãnh đạo với mục đích phối hợp và vận động các đoàn thể quần chúng, có vẻ như không còn hợp thời trong thời đại mới. Mặt trận Tổ quốc mang ý nghĩa một chiến dịch đấu tranh cho đất nước là một danh xưng cường điệu mang tính chiến lược và áp dụng chiến thuật để vận động quần chúng trong thời chiến. Trong giai đoạn xây dựng đất nước, cần một sự phối hợp hài hòa các thành viên và tổ chức trong cộng đồng dân tộc. Khái niệm “mặt trận” áp dụng cho các đoàn thể quần chúng đã không còn hợp thời. Nếu đem áp đặt thành cái khung lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là một tôn giáo đặt trên căn bản từ bi, hỷ xả như đạo Phật mà lại đứng vào “mặt trận” thì lại càng dễ bị “dị ứng” hơn.
Đoàn ngũ hóa tôn giáo: Tôn giáo và tín đồ không thể đứng trên và đứng ngoài đất nước và dân tộc. Nhưng tôn giáo có một vị thế riêng, đứng hàng thứ hai sau chính trị. Việc chính quyền Việt Nam đơn giản đưa một tôn giáo lâu đời của đất nước như đạo Phật vào làm một thành viên của Mặt trận Tổ quốc như các đoàn thể quần chúng thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, bô lão… là một sự “đoàn ngũ hóa” không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình.
Thế lực hóa tôn giáo: Hiện tượng chính quyền chủ trương xây dựng một “cánh” tôn giáo mạnh hơn, đông hơn để làm mờ đi “cánh bất đồng” là một sách lược có tác dụng, thích hợp với truyền thống văn hóa làng xã cổ điển nhưng lại không thích hợp với môi trường tôn giáo, nhất là tôn giáo trong thời đại toàn cầu với môi trường truyền thông hiện đại nầy. Phật giáo không có đất đứng cho những “danh tăng” theo ý muốn. Phật giáo Tây Tạng và đức Đạt Lai Lạt Ma là một dẫn chứng điển hình cho phẩm cách của một danh tăng. Trong tình hình “giáo hội nầy, giáo hội nọ” thì hầu hết những người Phật tử có đạo tâm trở thành một tầng lớp tín đồ thầm lặng. Khối Phật tử thầm lặng nhưng chiếm đại đa số nầy sẽ cảm thấy xa lạ và thất vọng với sự hiện diện đầy vẻ trang trí, nặng phần trình diễn của một số “chư tôn đức” chưa có tuổi đạo (hạ lạp) rõ ràng làm bảo chứng.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam và nhất là Ban Tôn giáo Trung ương đều nhận rõ rằng, tôn giáo cũng là một thế lực “chính trị tâm linh”. Cũng như thế quyền, giáo quyền có hệ thống lãnh đạo, có quần chúng (phần tinh thần), có lãnh thổ (giáo phận), có quyền lực và có tài sản riêng. Sức mạnh của tôn giáo có khi chế ngự và làm lung lay cả thế quyền như thời Trung Cổ và Khai Sáng ở châu Âu. Bởi vậy, xin thành tâm kính đề nghị những người có thẩm quyền nghiên cứu và tham khảo sâu rộng hơn để có một quy chế tôn giáo hợp lý, hợp tình và hợp với thời đại mới. Đấy có thể là bước cơ bản nhất để thế quyền và giáo quyền xóa dần những dị biệt, xích lại gần nhau hơn trên một mẫu số chung là tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng về sự ổn định xã hội và phồn vinh của đất nước.
Những “vướng mắc” về phía lãnh đạo Phật giáo Việt Nam:
Quy chế tự trị: Chư vị tăng ni lãnh đạo Phật giáo Việt Nam thường nhấn mạnh về quy chế tự trị của tôn giáo. Nền tự trị đại học và tự trị tôn giáo là mô thức lý tưởng trong một xã hội tự do dân chủ. Tuy nhiên, nội hàm tự trị không có nghĩa là đứng độc lập bên ngoài xã hội. Hoa Kỳ là quốc gia có quy chế tự do tín ngưỡng rộng rãi nhất ở phương Tây. Thế nhưng mọi hệ phái tôn giáo đều phải hội đủ 3 tính chất pháp lý cơ bản: (1) Giấy phép hoạt động, (2) hồ sơ khai thuế và (3) tuân thủ quy chế an ninh. Không rõ chính quyền và giáo quyền Việt Nam trong 30 năm qua đã có cơ hội nào để phân tích và trao đổi về khái niệm tự trị trong sinh hoạt tôn giáo hay chưa.
Lập trường khó có cơ hóa giải: Nghĩa là chỉ có một thái độ cứng rắn hoặc chống đối, hoặc ủng hộ đơn phương. Mặc dầu người Phật tử nhận chân được rằng, bên cạnh thánh tăng, cao tăng, danh tăng cũng có phàm tăng, ác tăng, kiêu tăng; nhưng nói chung thì quý Thầy thuộc hàng cao tăng thạc đức, cho dẫu độc lập hay nghiêng về một phía đều được giới Phật tử nói chung kính ngưỡng như nhau. Trong những năm qua, giới Phật tử đã bị mất niềm vui để trông chờ thông điệp của quý Thầy lãnh đạo giáo hội vào dịp hai ngày lễ lớn trong năm là Phật Đản và Vu Lan. Ngay cả thời kỳ Phật giáo tranh đấu trong cảnh dầu sôi lửa bỏng năm 1963, thông điệp của quý Thầy cũng không mang lời lẽ đanh thép, nặng nề và nội dung thể hiện một tinh thần quyết đấu thiếu sự khoan hòa như thế. Giới Phật tử xót xa hỏi nhau, có chăng một cơ hội hóa giải sự xung đột giữa Giáo hội PGVNTN và chính quyền?
Thông tin hạn chế: Giới quan sát tình hình Phật giáo tại quê nhà có một nhận định tương tự như nhau về mặt thông tin nội bộ. Đó là hiện tượng quý tăng ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam Thống nhất thiếu sự liên lạc, tiếp cận để tìm chung một giải pháp trong việc xây dựng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam Hợp nhất. Một ngày còn hai Giáo hội là một ngày Đạo Pháp còn bị phân hóa, kéo theo tuổi trẻ Phật tử mất dần niềm tin vào thế hệ huynh trưởng, quần chúng Phật tử mất chỗ dựa tinh thần vào lý tưởng từ bi, hỷ xả, trí tuệ của chư lão tăng ni.
Kết luận
Đạo Phật là đạo hóa giải những khúc mắc không phân biệt cho hết thảy quần sanh. Kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc được giới chức có thẩm quyền nhắc đến. Mong rằng, tinh thần hòa hiếu đó sẽ sớm đến với Phật giáo và chính quyền Việt Nam.