Khi nhận được được thông tin về một tổ chức văn bút có tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam (VĐĐL) đang được thành lập ở trong nước thì mọi người đón nhận như một tin vui. Người Việt trong nước, nếu cứ thưởng thức cơm quan điểm, phở lập trường… riết trên gần 800 tờ báo suốt hơn 30 năm cũng ớn; có khi lại thèm khoai sắn buông lung. Người Việt ngoài nước đâu đó mà nghe nghị quyết nầy, chính sách nọ gởi ra từ quê nhà thì lại càng xa lạ với hình ảnh quê hương hơn. Người Việt năm châu bốn biển đã được tôi rèn trong chiến tranh, hòa bình, tuyên truyền và thực chứng. Khát vọng của thế hệ Chiến Tranh Việt Nam là được sống và nghe Sự Thật. Cho nên, dẫu bữa ăn chưa dọn ra nhưng hương vị mới thoảng qua cũng cảm thấy đầy hứa hẹn vì nó khác màu, lạ mùi và biết đâu tươi tắn hơn.
Ban vận động thành lập tổ chức văn bút nầy do nhà văn Nguyên Ngọc đứng đầu với sự quy tụ sơ khởi 61 tác giả đã thành danh hay đã từng góp mặt trên các văn đàn trong và ngoài nước.
Trong dòng lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam và thế giới, sự khai sinh của một tổ chức văn đàn hay thi xã thường biểu hiện cho sự khai sinh một khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật mới. Văn học Việt Nam đã ghi dấu những tổ chức văn học độc lập đầu tiên không dính líu đến vua quan, thân hào như Tao đàn Nhị thập bát Tú, Tao đàn Chiêu Anh Các, Mặc Vân thi xã. Thời cận đại, những tổ chức văn học không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực như Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Tự Lực Văn Đoàn… đã đã cống hiến cho văn học Việt Nam những tác phẩm văn chương có giá trị về cả hai mặt hình thức tiếng Việt trong sáng và nội dung tư tưởng cấp tiến sau những năm dài thức ngủ chập chờn trong cảnh quân Tây đô hộ “văn chương… dò dẫm đấm ăn xôi.”
Trong thế hệ Chiến tranh Việt Nam (1945-1975), một tổ chức văn học gây nên tiếng vang sâu xa và có ảnh hưởng lâu dài là phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm.
Cơ quan ngôn luận của phong trào nầy là tờ báo Nhân Văn, một bán nguyệt san xuất bản tại Hà Nội do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký tòa soạn. Song hành với bán nguyệt san Nhân Văn là các Giai Phẩm do sự dấn thân tiền phong của các ngọn bút sắc bén như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Phan Khôi…
Nhân Văn Giai Phẩm là một khuynh hướng canh tân nếp nghĩ trong sáng tạo nghệ thuật, tôn trọng tự do, kêu đòi dân chủ hóa, phản kháng đường lối văn nghệ phục vụ chính trị một chiều.
Mặc dầu bị đàn áp, dư âm Nhân Văn Giai Phẩm không tắt mà còn chuyển hóa, tồn tại dai dẳng trong một số sáng tác của Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… và có ảnh hưởng lớn đến những nhóm văn nghệ mang tinh thần mở mắt mở miệng sau nầy.
Một ngày tháng 4 năm 2007, gặp nhà thơ Lê Đạt ở Hà Nội với sự có mặt của nhà văn Nguyên Ngọc và Văn Thanh, tôi được nghe Anh kể lại những ngày sôi động làm báo Nhân Văn – Giai Phẩm với nụ cười hóm hỉnh và dáng vẻ hoài tưởng của người lính già nhưng không bao giờ chết khi “thuyền chiến còn mơ cuộc viễn chinh”. Tháng 4 năm sau, 2008, khi tôi vừa ra khỏi phi trường Nội Bài, Hà Nội thì nghe tin người chiến sĩ thi ca Lê Đạt vừa mới mất. Quả thật là trong mỗi tấm lòng người văn nghệ của những thế hệ hôm nay và nối tiếp, ảnh hưởng bản lĩnh sáng tạo và hình ảnh dấn thân đầy can đảm của Nhân Văn Giai Phẩm sẽ không phôi pha và tên tuổi của những ngọn lửa văn bút trong một thời đầy bi tráng sẽ không bao giờ mất.
Tin nhà văn Nguyên Ngọc cùng với anh chị em văn bút đứng ra vận động thành lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam trong hoàn cảnh chữ nghĩa trở thành đồng phục ngỡ như “sách vở ích gì cho buổi ấy” làm tôi nhớ lời nhắn gửi của nhà thơ Lê Đạt với thế hệ văn bút đàn em trong lần gặp gỡ sau cùng ấy. Khi hỏi rằng: “Nếu anh có một lời nhắn gởi với thế hệ cầm bút đàn em thì ý anh như thế nào?” Câu trả lời thật đơn giản: “Chơi với người tử tế!”
Đất nước ta có tới 4000 nghìn năm văn hiến nhưng tỷ số người tử tế thật ít: “Một trăm người tục, một chục người thanh.”
Giới văn bút Việt Nam bao năm qua không gặp hên nên rất ít gặp được người thanh mà phải đối đầu với rất nhiều người tục; ngay cả trong văn giới.
Như trường hợp thi sĩ Tố Hữu, người đời sau chỉ còn biết ôm đầu cười ra nước mắt vì chợt thấy ông tự ý… nghỉ chơi, xua tay không màng làm người tử tế trong cộng đồng văn nghệ đương thời và thế hệ đàn em. Đó là khi nhà thơ Từ Ấy bặm môi, trợn mắt, hạ thủ công phu đại đao xuống Nhân Văn – Giai Phẩm bằng một loại ngôn từ chưởng môn độc chiêu chưa từng thấy trong giới văn bút giang hồ Đông Tây kim cổ. Mỗi nhà văn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đều được ông tặng không một cái mũ kim cô treo lơ lửng trên đầu mã tấu, rằng là:
“Lật bộ áo ‘Nhân Văn – Giai Phẩm’ thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm (trang 9).
“Trong cái công ty phản động ‘Nhân Văn – Giai Phẩm’ ấy thật sự đủ mặt các loại ‘biệt tính’: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ (trang 17).”
(Trích: Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ . Văn Hoá xuất bản 1958.)
Phàm nghe một lèo như thế thì có nghệ sĩ nào mà không phát ớn, không rơi vào một trạng thái đông lạnh tâm lý mà đi tới chỗ xếp bút nghiên, buông tay trước cảnh một cổ hai tròng: Tròng quyền lực và tròng nghệ thuật:
Quan khen thì sợ dân trù,
Dân khen thì sợ vô tù mọt gông!
Phải chăng hội chứng sợ hãi đó đã cầm chân giới văn bút Việt Nam kể từ tháng Hai năm 1957 khi Hội Văn nghệ được thành lập để cho văn nghệ sĩ gia nhập và biết điều đi theo lề phải cho an thân, yên phận! Trong 60 năm qua, cả nghìn hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam đã phản ứng như thế nào bằng ngòi bút và chức năng của mình trước những hiện tượng thoái trào của đất nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, đạo đức và tâm linh?
Năm mươi năm sau, tháng 2 năm 2007, nhà nước Việt Nam lần lượt tặng các giải thưởng văn học nghệ thuật cho các tác giả trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm như một cử chỉ sửa sai thay cho một lời xin lỗi.
Phải chăng Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam ra đời như một phản ứng chẳng đặng đừng vì không thể im lặng mõi mòn trong bóng râm lề phải? Thái độ dấn thân tự nguyện đó được những nhân vật trong ban vận động minh định công khai qua nhận định thực tế và tôn chỉ hành động đã được công bố:
“Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc. Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.”
Phản ứng trong và ngoài nước về sự ra đời của một tổ chức văn học nghệ thuật Việt Nam như Văn Đoàn Độc Lập vừa nhiệt thành, vừa dè dặt như tiếp đón một cơn gió lạ trong bầu không khí tù đọng đã lâu ngày. Dẫu vậy, cái nơm nớp ưu tư biết đâu “gió lành thành gió chướng” vẫn vướng vất đâu đây!
Nhưng sẽ không có sự bắt đầu dấn thân vào một cuộc hóa giải, một sự lột xác nào mà lại dễ dàng và thuận lợi cả. Đặc biệt là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật thì lại càng khó khăn và tế nhị hơn. Ngay sau khi có tin Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam thành lập, cả nước và người Việt đang ở nước ngoài hơi chững lại khi theo dõi phản ứng của giới cầm quyền Việt Nam trước sự kiện mới mẽ nầy. Trước hết là trên trang mạng truyền thông chính thức của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trong mục: “Nguyễn Tấn Dũng – Bạn đọc” có một bài viết phê phán về Văn Đoàn Độc Lập. Ngôn từ và lý luận của bài viết lại thể hiện ở một mức độ răn đe có vẻ là vị thủ từ giữ đền hơn là ngài thủ tướng chăn dân, nhất là đám dân văn nghệ chân đất hiền… như nước đầu nguồn. Bài bản do một tác giả ký tên Lâm Trực (trợ bút kiểu ghost writer của Tây chăng?) viết dưới nhan đề: “ ‘Văn đoàn độc lập Việt Nam’ là cái gì vậy?” (Thứ bảy, 08/03/2014, 23:49 (GMT+7). Sáu chục năm ròng, lại thêm một hình ảnh tức cười (ra nước mắt) khác xuất hiện khi quần hùng trong Văn Đoàn Độc Lập tự nhiên phát xui; chưa xuất hành viết lách gì cả đã gặp lâm sơn hảo hớn đón đường, chỉ tay xỉa xói:
“Lâm Trực tin rằng, với thành phần ô hợp đó, với những lý do và mục đích đã tuyên bố thì ‘Văn đoàn độc lập Việt Nam’ sẽ không có chỗ đứng trên văn đàn đất Việt. Nếu nó có tồn tại, thì cũng chỉ như một cái quái thai ngoài hôn thú vất vưởng ngoài lề xã hội.
…Thoạt nghe có vẻ cũng rất văn minh và tiến bộ. Song đó là những tấm vải thưa che mắt, là sự ngụy trang cho những âm mưu thâm độc: Mục tiêu 1, đó là xu hướng câu kết để dễ bề hoạt động và xây dựng thực lực mạnh hơn. Mục tiêu 2, “Đổi mới” của chúng là vượt ra ngoài giá trị định hướng của văn học nước nhà, tức là theo những cái khác có hại cho dân tộc, nhưng là hay đối với chúng. Mục tiêu 3, hòng thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan quản lý Nhà nước…”!
Khi đã biết những “âm mưu thâm độc có 3 mục tiêu” của văn đàn Độc Lập do Lâm Trực gia công tìm tòi uyên áo (não) mới hiểu được thì bất cứ người đọc, người viết nào gốc Việt trên thế gian này cũng đều muốn quàng cho mỗi người văn bút một vòng hoa trước khi bị đuổi ra khỏi nước!
Trước áp lực trực tiếp hay gián tiếp của giới cầm quyền đã công khai đón đầu hướng tiến của một tổ chức mới có thấp thoáng bóng dáng thời Nhân Văn Giai Phẩm như thế, hứa hẹn Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi trong tổ chức và sinh hoạt. Tuy nhiên, phương tiện thiện xảo nhất để phổ biến các tác phẩm văn học nghệ thuật vừa nhanh vừa rộng khắp ngày nay không phải là hình thức báo giấy của thời Nhân Văn Giai Phẩm sáu mươi năm trước mà là mạng lưới Internet toàn cầu. Người dân Việt Nam ngày càng tiếp cận đông hơn với mạng lưới thông tin hiện đại, đặc biệt là Internet, với khoảng 20 triệu người theo dõi, chiếm 23,5% dân số, cao hơn mức trung bình của châu Á (18%). Ngoài ra, đại chúng Việt Nam còn có cơ hội tìm đến với hàng chục hãng thông tấn, báo chí và đài truyền hình nước ngoài như Reuters, BBC, VOA, AP, AFP, CNN và nhiều sách báo quốc tế có tầm cỡ lớn khác.
Giới hạn lề phải trong môi trường truyền thông đại chúng của Việt Nam không còn là vấn đề úp mở khi thứ trưởng bộ Công an Việt Nam Vũ Hải Triều đã công khai xác nhận rằng, trong mấy năm qua đã có hơn 300 trang web và blog có nội dung “không phù hợp” đã bị đánh sập.
Ngoài ra, tổ chức Nhà Văn Không Biên Giới (Writers Without Borders) có tổng đàn đóng ở Birmingham, trong báo cáo đầu năm 2014 đã nêu con số người bị bắt bỏ tù vì phát biểu “ngoài luồng” trên mạng lưới internet tại Việt Nam xếp vào hàng “top ten – mười đầu nậu” có chính sách kiểm duyệt sách báo khắt khe trên toàn thế giới. Đồng thời, tổ chức văn bút nầy cũng không quên hâm nóng tinh thần xông xáo của hội viên rằng, Internet và ngòi bút không sợ hãi của nhà văn đã đóng vai xung phong trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập (Arab Spring) khởi phát từ cuối tháng chạp năm 2010 và đến năm 2013, đã có tác dụng tích cực đòi độc lập và tự do sáng tạo trong 18 nước từng bóp chẹt quyền tự do ngôn luận trong thế giới Ả Rập. Khi không còn ảo tưởng, con người sẽ tự mình thắp đuốc mà đi. Khi không còn sợ hãi, nhà văn sẽ khăn gói độc lập mà lên đường.
Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, báo chí truyền thanh, thông tin đại chúng với khuynh hướng toàn cầu hóa như hiện nay, Việt Nam đang cần một không khí mới: Cởi mở, trung thực, đại chúng và độc lập thay cho cột trói, tuyên truyền, một chiều và bị động. Nghệ sĩ bị đẩy ngược chiều với khuynh hướng sáng tạo tự nhiên và thiêng liêng thì tất nhiên sản phẩm nghệ thuật sẽ trở thành phó sản của giống… bò thiến. Nghĩa là cái lượng thể xác mập phì nhưng cái phẩm tự nhiên đã bị biến tướng và hóa tính thành cừu non, thỏ đế! Động lực biến thái văn chương suy đồi là tội đồ văn hóa.
Đối diện với một hoàn cảnh không bình thường đang chi phối giới văn bút tận gốc rễ như thế, tâm lý người ủng hộ một sự chuyển biến cần thiết cho đất nước và dân tộc đều kỳ vọng rằng, Văn Đoàn Độc Lập là một tập hợp nghệ sĩ dấn thân chứ không phải là một phong trào văn bút mang tính thời sự nóng bỏng nhất thời. Câu trả lời cụ thể không phải là giải thích, lý luận hay suy diễn mà chính là khả năng thực tế tác giả gắn liền với tác phẩm.
Tinh huyết của nhà văn là tác phẩm. Làm nhà văn không khó nhưng làm người cầm bút độc lập đích thực trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng hiện nay thật khó. Hai gọng kềm “bên nầy và bên kia” chực chờ chì chiết trên lương tri và tâm não nhà văn. Ví thử tầm nhìn và tầm ngắm bên nầy là chân lý, bên kia là sai lầm hay ngược lại thì đấy là một vấn nạn của nhà văn Việt Nam khi cưu mang lót ổ cho một tác phẩm ra đời. Trả lời cho vấn nạn nầy sẽ là những tác phẩm mới của các thành viên trong Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam mà mọi người đang mong đợi.
Montego Bay, Jamaica – mùa Phục Sinh 2014
Trần Kiêm Đoàn