Mãi cho đến khi trang talawas “mời tiệc chia tay” với sự tham gia của hầu hết các cộng tác viên trong và ngoài nước, người ta mới nhận ra rằng:
À, thì ra giao lưu văn nghệ là thế!
Là đơn gỉản như những tác giả trong và ngoài nước không khác gì nhau, cùng đứng chung một diễn đàn, cùng chia sẻ và trao đổi những tư tưởng sáng tạo văn học nghệ thuật, bàn luận những mối ưu tư về đất nước và con người, nói lên những ước mơ và dự phóng của thời đại. talawas, vô hình chung đã là một mảnh đất giao lưu trong 9 năm qua.
Bối cảnh giao lưu
1010-2010: Một nghìn năm Thăng Long.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long không phải là để nhớ đời cơn mộng hào tráng của một vị vua; cũng chẳng phải là để kéo dài giấc mơ rồng vàng vạch đất, tung trời của một dòng lịch sử rỡ ràng với những bóng dáng và danh từ ước vọng nhiều hơn thực tế. Thời gian sẽ thật sự có ý nghĩa đối với một người chân đứng trên quá khứ, tay nắm chặt hiện tại và mắt hướng về tương lai. Nhưng đối với Kẻ ngồi bệt trên quá khứ để tính thời gian thì đấy chỉ là là “gã đếm thẻ” trên cột mốc cây số; nên dẫu đường xa vạn lý cũng chỉ là con số đường dài trống rỗng.
Kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, trong ý nghĩa tích cực nhất, là ôn lại lịch sử quá khứ để vinh danh và tự hào một dòng sống hiện thực suốt nghìn năm qua của con người và đất nước Việt Nam. Hiện thực ấy là dòng sinh mệnh của một dân tộc nhỏ bé và khiêm tốn như lau lách; nhưng cũng vững chãi và chịu đựng như đá chìm đảo nổi trước cuồng lưu cùng gió bão. Những cơn gió bão liên miên đó là tai họa sát nách, xuất phát từ mưu đồ thường xuyên quyết thôn tính và đồng hóa Việt Nam của Trung Hoa cộng hưởng với đòn phép viễn chinh quốc tế.
Đúng Thăng Long là một giấc mơ. Nếu so sánh với Loa Thành thời Ngô Quyền (938) là giữ cho được xương sống của tổ quốc được vững vàng; Hoa Lư thời Đinh, Lê là giữ cho thân thể của tổ quốc được vẹn toàn thì Thăng Long thời Lý (1010) mới là một sức sống Việt Nam trọn vẹn, có đủ cả thế đứng thể chất lẫn tinh thần. Thăng Long là biểu tượng của một “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” có độc lập, chủ quyền, vua hiền, tôi giỏi. Những võ công phá Tống, bình Chiêm hiển hách của vương triều nhà Lý là kết quả của một sự hội tụ tuyệt vời giữa thành quách chiến lược (Như Nguyệt), thành lũy lòng dân (chính sách đại đoàn kết dân tộc) và sự thu phục nhân tâm (chính sách ưu tiên miền biên viễn).
Bởi vậy, nghĩ về một nghìn năm Thăng Long là hướng về sức sống tiềm tàng của dân tộc mà trong đó, sự đồng thuận dân tộc là yếu tính cơ bản để tự tồn và phát khởi sức mạnh tổng hợp của lòng yêu nước.
Vai trò văn nghệ dân gian song hành với văn nghệ bác học trong quá trình phát huy nét đẹp hài hòa tinh thần của dân tộc Việt Nam là một điểm son mà những thế hệ kế thừa nghìn năm sau không thể lơ là quay mặt. Nhưng vẫn có những vết chàm trong dòng văn nghệ óng ả hài hòa của dân tộc Việt Nam. Đó là những giai đoạn do hoàn cảnh phân ranh địa lý, do giới hạn chuyên quyền bảo thủ hẹp hòi, do sức ép của quyền lực, văn nghệ bị mang ra trồng tỉa, cắt xén làm cho sự sáng tạo ngang tầm với “con mèo kêu meo meo vểnh râu đón chủ.” Nghệ sĩ trở thành cây kiểng “bonsai” nên tác phẩm nghệ thuật của họ cũng trở thành những hòn non bộ nhỏ nhoi và giả tạo nằm chơ vơ giữa những cánh rừng xanh bạt ngàn của văn nghệ toàn cầu. Hemingway đã gọi trong tác phẩm Mặt Trời Vẫn Mọc là “thế hệ canh tàn” (lost generation)[1].
Giữa cầu… biên giới
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi nói đến “giao lưu văn nghệ” người ta nghĩ ngay đến hai dòng văn nghệ trong nước và ngoài nước sẽ tiếp cận và có sự đổi chác với nhau. Rõ ràng, đó là một cái “thú đu dây” của người nghệ sĩ vì nghệ thuật là sản phẩm được tạo dựng trong tháp chòi cô độc nhưng lại cần được đánh giá giữa đời thường.
Trên nhiều diễn đàn báo chí trong cũng như ngoài nước, khuynh hướng ngược dòng thì cho rằng, thú đu dây đó là một “mission impossible” — sự vụ bất khả thi — vì hiện thực cuộc đời vẫn còn bị ngăn chia giữa hai biên giới. Khuynh hướng xuôi dòng thì cho rằng, “dẫu năm bảy dòng thì vẫn có một dòng chung…”
So với phương Tây, nghệ sĩ phương Đông, mà Việt Nam ta không là ngoại lệ thường mơ mộng quá xa vời. Ở phương Tây, quần chúng là thế lực khách quan giữ vai trò trọng tài định giá nghệ thuật. Nói theo lẽ thường thì đó là mối quan hệ hai chiều giữa kẻ mua (seller) và người bán (buyer) — giữa nghệ sĩ và người thưởng ngoạn nghệ thuật — Không một thế lực trung gian nào có thể đóng vai trò “kẻ mua” ngoài khối đại chúng thưởng lãm nghệ thuật; cũng như không có một quyền lực nào có thể đóng vai trò “người bán” thay cho giá trị tự thân của chính tác phẩm nghệ thuật. Một tác phẩm văn chương, nghệ thuật ra đời được quần chúng đón nhận nhiệt thành hay bị ghẻ lạnh trong im lặng là do tài năng sáng tạo của tác giả và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
Nhìn lại nghìn năm qua, giới nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam ta ít có thời kỳ nào thật sự được thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của các thế lực nắm quyền hành. Hệ lụy trói buộc đó đã đã làm mất dần bản lĩnh sáng tạo và biến giới nghệ sĩ, trí thức Việt Nam thành kẻ thụ động, rụt rè vay mượn: Vay mượn chữ viết, vay mượn tư tưởng, vay mượn từ chương, vay mượn cả những đối tượng nghệ thuật như người đẹp thì phải là “tứ đại mỹ nhân”; văn chương thì phải là “tứ đại kỳ thư”… của Tàu; hoặc văn hay chữ tốt thì phải là những trào lưu văn học nghệ thuật của Tây mới thật là gỗ quý toàn ròn; còn “của ta” chỉ là gỗ tạp!
Xu hướng thời đại đẻ ra khung cảnh văn hóa làm bối cảnh sáng tác văn nghệ. Văn nghệ muốn vươn tới vùng trời nghệ thuật của sáng tạo thì người nghệ sĩ phải là những ngọn núi cô đơn sừng sững giữa đời. Hay ít nhất cũng là nòi chim thời Xuân Diệu “ta là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi” trước khi nhập vào… Đàn Chim Việt vỗ cánh giữa thinh không hay sau những cặp kính màu.
Quyền tự do sáng tạo là buồng tim, là hơi thở của người nghệ sĩ. Sáng tạo, tự bản chất, là một sự bứt phá ra khỏi những giới hạn và ràng buộc của tri thức đóng khung. Ngày nào tri thức còn bị vây bủa thì sự sáng tác nghệ thuật khó lòng mà thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của sự dè chừng và lo sợ. Trong quan hệ văn nghệ giao lưu toàn cầu, nghệ sĩ thường nhìn rõ mặt nhau hơn không phải qua hoàn cảnh xuất thân hay điều kiện sáng tác mà qua giá trị của tác phẩm.
Ai có qua cầu…
Khi nói “tôi qua cầu” thì cũng chẳng hơn gì “cái tôi đáng ghét”. Nhưng không có nó thì điệp khúc “đoạn trường ai có qua cầu mới hay” ai hát, ai nghe.
Trước năm 1975 ở miền Nam tôi làm nghề thầy giáo dạy văn và viết văn tiêu khiển. Sau 1975, xếp bút nghiên theo việc… linh tinh!
Năm 1982, vượt biên qua Mỹ, tôi đã cố gắng quên tiếng Việt để sống còn nơi quê người. Mười năm đầu ở Mỹ, tôi đã tự ép mình phải quên tiếng Việt vì quá yêu tiếng Việt. Mới nghe qua như một điều nghịch lý, nhưng… đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nơi xứ Mỹ, có đi làm cu li thì cũng phải có xe riêng và chút đỉnh tiếng Anh để chống nạn câm điếc. Huống hồ những anh gàn mang thói “kẻ sĩ tiểu tư sản” như giới bút nghiên thì sẽ không có cái khổ nào thê thảm bằng có miệng như câm, có tai như điếc, có viết như mù vì trở ngại ngôn ngữ nơi xứ lạ quê người! Khi vào trường lớp và công việc thực tế, nỗi khổ của dân xuất thân từ khoa học thực nghiệm coi ra còn đỡ vì khi đi vào lĩnh vực ký hiệu và con số thì đều là “ngoại ngữ” cho cả Mỹ lẫn ta. Nhưng đối với dân xuất thân từ khoa học xã hội, nhân văn thì Mỹ là chim sơn ca mà ta là con cút vì chúng nó nói líu lo chuyện trên trời dưói đất dễ ợt mà ta thì phải lần mò theo chương trình “Em Sợ Lắm” (ESL: English as a Second Language) lang thang trong bấy nhiêu năm trước khi học làm ông nghè, ông cống!
Thế rồi, mười năm không gặp tưởng chừng như đã… Năm 1992, lần đầu tôi về quê hương thăm mẹ già trên 90 tuổi. Đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất cảm động chảy dài nước mắt nhưng cũng xanh xám mặt mày vì nơm nớp lo sợ bị “tính sổ đoạn trường” vì rời đất nước bằng ghe nan không thông hành hộ chiếu. Thế nhưng quay tới quay lui với gia đình, bà con, bè bạn riết một hồi thì cũng thói đâu ra tật đó. Cái bản chất văn nghệ nó thường bất trị như ngựa không cương. Về quê thăm mạ ở làng, lần đầu về lại thành phố Huế, tôi lại lò dò đi tìm bạn cũ. Bạn bè ở Huế còn nguyên băng vì các thầy, các cô toàn là nhà giáo; vừa nghèo, vừa nhát gan như chim se sẻ Thành Nội thì dẫu có liều mạng đi quanh đi quất cũng chỉ tới Nam Giao, Đập Đá, Bao Vinh rồi quay về chứ mấy ai dám vượt biên lỡ mà bị hỏng cẳng, uống nước mặn thì sẽ chết khát cả linh hồn.
Hai tay bạn văn nghệ đầu tiên mà tình cờ tôi gặp ở sạp nhậu trên lề đường Mô-Ranh là Thái Ngọc San và Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao). Tôi bị cuốn hút ngay bởi cái hồn nhiên của hai đứa. Chúng nó làm “hàn sĩ” từ thuở mới khai thiên. Làm sao tôi quên được San từ miền Giạ Lê phải cuốc bộ lên Huế đi học hàng ngày. Một đôi dép không đứt quai và một chiếc xe đạp bò ệt là một ước mơ của thời đi học. Làm sao tôi không nhớ hoài căn nhà lá của Đính ở xóm đồng Vỹ Dạ, mùa đông lội bùn ngang đầu gối để vào nhà. Vài ba chai bia Huda sương sương, Thái Ngọc San nhếch miệng cười kiêu bạc; Đính trầm ngâm hút thuốc Bastos xanh. Những đứa bạn văn nghệ văn gừng ở Huế gặp thời được thế hơn thì nói chuyện trên trời dưới đất. Những ngày cuối của chuyến về thăm Huế, tối tối tôi đi loanh quanh bên bờ sông Hương nghĩ mình, nghĩ đến bạn lại nhớ rưng rức mấy câu thơ trong Khuê Phụ Thán cả gần trăm năm trưóc:
Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Đất tổ mong gì nợ bốn phương
Trên đường về lại Mỹ, tôi miên man suy nghĩ về những con người làm văn nghệ bên nầy và bên kia. Trên bề mặt sóng nước xôn xao, những hòn sỏi đã lắng xuống. Những người làm văn nghệ chân chính cũng như lớp sỏi nằm lặng lẽ dưới bề sâu. Vấn đề là cuộc đời có hạn mà thời gian sẽ kéo dài tới bao lâu cho những hòn sỏi ẩn nhẩn đợi chờ. Những văn nghệ sĩ trung thực, không dính mắc với bên nầy hay bên kia trên bề mặt màu mè xôn xao, cần gì phải cố chấp với định kiến về khái niệm giao lưu. Hướng văn nghệ tự do và nhân bản tự nó đã đi thẳng vào lòng người không cần qua những thủ tục hình thức giao lưu mới thật sự là giao lưu.
Nghĩ vậy, nên ngay sau khi về Mỹ tôi quyết định cầm bút trở lại. Tôi cầu mong có được chút duyên mọn và cơ may trong viết lách để có thể chuyển tải những cảm xúc và suy nghĩ chơn chất của mình đến người đọc.
Tôi chủ trương giao lưu là giao lưu với chính mình trước đã. Bạn phải rung động chân thành với điều bạn viết mới mong truyền sự rung động đó cho người đọc. Bạn phải thành thật với điều bạn viết như chân thành với trái tim mình mới mong có sự “giao lưu” giữa tư tưởng và cảm xúc của chính bạn trước khi giao lưu với đối tượng đại chúng.
Để làm cây cầu “giao lưu” với chính mình, lần đầu tiên tôi thử áp dụng thể loại “creative non-fiction” của văn học phương Tây qua tên gọi nôm na là “chuyện khảo”. Đấy là một hình thức truyện ngắn mang tính chất tiểu thuyết mà không hư cấu. Nghĩa là sử dụng tài liệu lịch sử, văn hóa, xã hội thật, có khảo chứng nhưng được lồng trong một câu chuyện vừa sáng tạo, vừa trải nghiệm thực tế. Chuyện khảo về Huế[2] (xuất bản năm 1997) là tập sách đầu tay của tôi về thể loại vừa trình bày ở trên. Trong đó có bài đầu tiên tôi viết về thể loại nầy là bài “Bún bò Huế”, viết năm 1993. Tiếp theo là bài “Cơm hến Huế”. Bài viết lần đầu đăng ở báo Làng, Sacramento. Sau đó lan dần ra các báo chí Việt ngữ hải ngoại và chuyền vào trong nước. Một người bạn thân mà cũng là một nhà thơ Quảng, “rể Huế”, ở Sài Gòn (THDV) ngõ ý muốn đăng ở báo Văn Hóa tại Việt Nam. Một bài viết chuyên đề về món ăn mà tôi đã viết cẩn trọng bằng hiểu biết và tâm hồn, đã được chọn đăng trên nhiều diễn đàn hải ngoại, nếu có đăng trên báo Văn Hóa ở trong nước thì tôi thấy chẳng có gì trở ngại. Thế nhưng khi bài “Bún bò Huế” và “Cơm hến Huế” xuất hiện trong nước thì nó lại trở thành một đối tượng “văn nghệ giao lưu” của búa rìu dư luận. Có những tờ báo Việt ngữ ở California đã viết bài đả kích gay gắt khuynh hướng “giao lưu” qua nhiều số báo. Điều tôi muốn trình bày ở đây không phải là hiện tượng khen chê mà xưa nay nơi nào cũng có. Nhưng tôi muốn dùng bài “Bún bò Huế” như một thí dụ nhỏ trong muôn một rằng, cầm bút với cả tấm lòng thì sá gì chuyện phải đứng “giữa cầu biên giới” khi mình trung thành với chính mình.
Thực tế đã giúp tôi khám phá ra được rằng, tự trong sâu thẳm của chiều hướng nghệ thuật và mỹ thuật, tác phẩm tự nó đã vượt ra ngoài giới hạn cấm cản của chính trị và phân tranh mà ví dụ cụ thể là bài “Bún bò Huế”. Xin mời đọc:
http://www.trankiemdoan.net/van/taptruyen/chuyenkhao/ckvh_bunbo.htm
Bài nầy đã được người đọc trong cũng như ngoài nước luân lưu chuyển cho nhau dưới nhiều phương tiện và hình thức suốt gần 20 năm qua từ khi nó ra đời nhưng vẫn còn được độc giả tiếp tục yêu mến. Và, tôi càng lấy làm thú vị hơn khi một tờ báo nổi tiếng ở vùng Sài Gòn Nhỏ trong quá khứ đã lên tiếng chỉ trích khi bài nầy đăng ở báo Văn Hóa Việt Nam. Nhưng tuần này,nghĩa là gần hai mươi năm sau, cũng chính tờ báo ấy đăng lại bài “Bún bò Huế” dưới tên tác giả là… Xuân Hoàng! Cái gì nằm ở đằng sau bài “Bún bò Huế”, khiến nó được độc giả vẫn còn yêu mến sau một chặng đường luân chuyển dài hai thập niên như thế? Là tác giả, tôi có thể tìm ra câu trả lời đơn giản rằng, tôi đã viết bài này hòa với niềm cảm xúc tận đáy lòng khi nghe tin mẹ tôi vừa mất ở quê nhà mà không về được. Vâng, chỉ có thế. Với một sự chân thành và cảm xúc sống thật trong sáng tác, tác phẩm văn nghệ sẽ được đón nhận bằng những tấm lòng tương ứng.
Một nữ văn sĩ Mỹ, Carson McCullers đã cho rằng, nhà văn là một kẻ đi săn cô độc (a writer is a lonely hunter).
Nhà văn, nhà thơ, nhà họa sĩ chân chính luôn luôn là những kẻ độc hành trong sáng tạo, không cần giao lưu: Rimbaud, Kafka, Van Gogh, Cézanne, Gauguin…; Pasternak, Solzhennitsyn, Brodsky, Havel đã viết trong cô đơn.
Vâng, quả thế thật. Nhưng khi những “gã thợ săn cô độc” ấy đã săn được con mồi thì nhu cầu tâm lý sáng tạo sẽ nhường cho nhu cầu xã hội trao đổi; nghĩa là vẫn cần một sự giao lưu. Đó là ngày Van Gogh đem bức tranh đầu tay đổi ổ bánh mì và Vaclav Havel của Tiệp Khắc đem những kịch phẩm nổi tiếng và Hiến chương 77 theo mình lên làm tổng thống.
Morgan Hills, Thu 2010
Trần Kiêm Đoàn