ngày đó

Viết cho một dòng sông nhớ nguồn

và cho những cây thông ngày đó nay đã thành rừng kỷ niệm.

Khác với Vi Cố ngày xưa có ông Tơ hồng Nguyệt lão xe duyên với cô bé hàng xóm,  ngày nay tôi được mấy gã Ngưu lang trên đồi thông Từ Hiếu “vô duyên” chiếu cố. Trong cuộc hẹn hò đầu tiên để mở trang tình sử với cô em Đông Ba, mấy chàng mục tử đã “ác nhơn” mở bánh xe trước, cùng mượn tạm cái đèn pha và cục “dynamo” từ chiếc xe đạp mà cô em vừa mới mượn của Ba.

          Hình như Huế là nơi không có chuyện tình lãng mạn và sướt mướt kiểu Romeo và Juliette vì khi chàng Romeo chưa men theo được bờ tường,  dù trong nhà Juliette chưa rõ thì ngoài ngõ cũng đã hay rồi. Bởi vậy, sau biến cố đồi Từ Hiếu thì chuyện tình Đông Ba đi qua một khúc ngoẹo khác.  Cô em Đông Ba đã để lộ bí mật “có bồ”,  nên lập tức bị phong tỏa.  Các bà mẹ Huế ỏ gần Tử Cấm Thành nên cũng chịu hơi hưởng ít nhiều của nội phủ mà giữ con gái mình một cách cẩn mật như thái giám giữ cung phi!  Sáng em đi học có anh trai đi kèm, trưa về có ba hộ tống và cuối tuần thì ra chợ Đông Ba coi hàng giúp mạ.  Có lẽ nhờ vậy mà các nàng con gái Huế tuy không học kinh Dịch nhưng rất thuộc lòng nguyên lý “cùng tắc biến, biến tắc thông…”.

Nhân vật làm phép biến hóa trong câu chuyện tình Đông Ba là o Thiệt giúp việc không biết lấy một chữ mô tê làm thuốc.  O tình nguyện làm công việc chim xanh với tinh thần năng nỗ và đam mê như chính mình đang nhập cuộc.  Cô em Đông Ba và tôi viết thư cho nhau “dày” đến mức o Thiệt phải lên tiếng, “Viết sưa sưa cho tui thở với!”.  Sau gần một tháng, cuốn tập vở ca-rô 200 trang hiệu “Cyclo Máy” của tôi gần sạch láng.  Để bù trừ cho sự xa mặt mà chẳng cách lòng, lời lẽ trong thư đủ mùi vị ngọt ngào pha chút chua chua, chát chát, công thêm phần…… nhỏng nhẻo. Chạy chưa giáp vòng con đường tình sử, phía Đông Ba bỗng cảm thấy mình “hư”!  Cô em viết: “Em hư quá, dạo nầy làm bài tập ở nhà cứ trật lên trật xuống hoài.  Lòng dặn lòng là cứ 3 ngày mới viết thư một lần, chừ thành ra viết 3 lần một ngày…”  Tôi cũng chẳng hơn gì, nhưng phải ráng ra uy tập làm “cao thủ”, bèn khuyên: “Thì cứ để dành viết mỗi tuần một lần cũng được.  Cũng hơi buồn đó nhưng ráng đi rồi sẽ quen.  Học đi nhé. Ngoan!” Ai dè gậy ông đập lưng ông.  Em tức mình làm thiệt.  Vắng thư đến ngày thứ ba, tôi bắt đầu lên cơn sốt, nhưng với tinh thần nam nhi đại trượng phu – đánh Tây bằng trái mù u – của Huế dễ mấy ai chịu vạch áo cho người xem lưng nên tôi viết “mánh” hỏi bâng quơ để mong được trả lời: “Nhà chú Út số mấy, quên rồi! Cần biết gấp để gửi thư.  Giỏi, học đi!” Chờ mõi mắt đến gần một ngày trời tôi mới được hồi âm.  Lần nầy không phải là thư mà là “thơ”… tứ tuyệt song ngữ, rất chi là TTKH:

Người ấy thường hay bảo: “học bài”

Học hoài, học hủy, học gần “die”

Xi-nê, nhạc kịch không xem nữa

Thư từ, viết lách cũng gần “bye”

Nghe tối hậu “thơ” cũng gần “bye”, tôi hơi ớn lạnh, bèn cất giọng trần tình, viết lại:

Người ta khuyên học có gì sai

Chỉ cần làm chủ được “your mind”

Học xong xem tiếp ai mà cấm

Thôi được, khi nào ưa cứ “write”

Lịch sử thế giới có nhiều ngọn lửa nhưng chỉ có hai ngọn lửa nghịch chiều nhau là lửa… bếp và lửa tình:  Lửa bếp thì dễ bốc cháy khi đói lòng nhưng cũng dễ lụi tàn khi nồi cơm đã chín.  Nó bừng lên đều đặn mỗi ngày trong tiếng sôi song sanh theo những giờ nấu nướng qua mau rồi tắt ngấm khi xong việc.  Nhưng lửa tình là lửa “tam muội”.  Nó âm ỉ, vô hình, lung linh, sưởi ấm và luân lưu từ thuở hồng hoang cho đến ngày tận thế.  Bởi vậy, tôi và cô em Đông Ba càng không gặp mặt. càng thấy rõ hơn ngọn lửa trong lòng mình.  Có lần tôi tẩn mẩn làm… thơ:  “Khi không gặp là khi nhìn rõ nhất.  Chưa chấm hết dòng nỗi nhớ đã thành hai”.  Cô em liền hiên ngang trở thành nhà phê bình văn học “trái ấu” liền.  Rằng là: “Văn chi, thơ chi anh làm giờ cũng hay nhất thế giới cả, vì anh là trái ấu của em rồi!”.  Không lẽ trong văn chương nghệ thuật mà cũng bị méo tròn theo cảm tính “Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo” đến thế sao?!

Dưới ánh sáng mặt trời chỉ có một điều bí mật là tại sao không có gì bí mật cả.  O Thiệt là chim xanh đã ngã màu thành trắng thì cũng là chuyện đời thường, vì o cũng muốn nếm những trái cấm trong tay o nó đắng ngọt ra làm sao mà những kẻ đam mê cứ đuổi bắt hoài một cách tận tình không mõi mệt.  Cô em và tôi đã khám phá ra trò “ăn vụng trái cấm” của o Thiệt vì những nét mực nhòe và dấu rách giành giựt trên mấy tờ thư về sau nầy.  Những dòng thư vội vàng tưởng như chỉ có một thế giới riêng giữa hai đứa, không ngờ lại được o Thiệt và những người trẻ tuổi trong xóm chiếu cố nhiệt tình đến độ chuyền tay nhau để chép!

Chuyện tình Đông Ba lại chuyển qua một khúc ngoẹo thứ hai.  Chưa phải là đoạn cuối cuộc tình của Hồ Dzếnh “Đời mất vui khi đã vẹn câu thề”!  Nhưng cung nhạc dạo dưới màn đang chuyển điệu dập dồn hay lơi lã những nốt cuối cùng để nhường sân khấu lại cho gã kéo màn, người nghệ sĩ, và ánh đèn màu.

Thế rồi một ngày cuối Đông, tôi đang nhìn mưa Huế và hát nghêu ngao “Ai có về trên bến sông Tương…” thì o Thiệt đội mưa qua nhà tôi ở trọ bên đường Võ Tánh, cạnh chùa Phước Điền báo hung tin:

 – Thôi! Không thư không từ chi hết nữa! Chừ chuyện búi xờm xờm rồi! Chiều mai gần chạng vạng gặp chỗ cây Đa sau miễu Âm Hồn.

Tôi chới với chưa biết chuyện gì, hỏi lắp bắp:

– Mà chuyện chi? Gặp ai?

O Thiệt nói làm đày chưa hết câu thì đã sấp lưng bỏ về:

– Thôi, mệt lắm nờ!  Còn ai vô đó nữa mà hỏi!

Chiều mùa Đông xứ Huế, mưa và lạnh nứt da, chỉ còn những cột đèn là chịu khó kiên gan đội mưa đứng đường.  Cái bóng nhỏ nhắn trong chiếc áo măng tô màu xanh thấp thoáng dưới tàng cây Đa mọc từ thời vua Đồng Khánh cho tôi biết cô em Đông Ba đã ở đó.  Nhìn trước nhìn sau không thấy ai, tôi băng qua đường.  Hai chiếc bóng gần lại. Hàm răng trắng đều của em cắn chéo khăn thêu màu tím chỉ còn là một vết thẩm trong đêm mưa.  Cắn chéo khăn tay có nghĩa là sắp khóc.  Chờ hoài không lên tiếng, tôi giục:

– Nói đi!

Phải khóc một tí cho lòng đỡ nặng, em mới nói được:

– Cũng tại cái o Thiệt “lanh chanh” đó mà cả xóm biết chuyện mình làm mẹ giận.  Chiều qua, mẹ biểu thôi nghỉ học đi lấy chồng!

Tình buổi đầu của Huế vẫn thường rất hà tiện những tiếng “anh”, “em” ngọt lịm như thế.  Có lẽ vì những cặp tình nhân muốn dành dụm thật nhiều tiếng ngọt ngào để dùng cho hết một đời sau, khỏi qua vay hàng xóm.

Một cảm giác ngỡ ngàng chợt đến.  Tôi không cảm thấy buồn hay lo trong phút đó.  Tôi nghe như là chuyện của ai.  Chuyện vợ chồng là chuyện người lớn.  Tôi còn trong ngưỡng cửa nhà trường nên hình ảnh một mái ấm gia đình còn ở ngoài kia xa lắc xa lơ.  Nghĩ đến viễn ảnh “Tôi đưa em sang sông, chiều nay mưa rơi âm thầm…” tôi thấy thích hát và mỉm cười.  Cái cười ngờ nghệch của anh chàng đa tình nhưng thiếu kinh nghiệm đời thường không qua nổi tia nhìn mờ nước mắt mà lại sắc như gương của cô bé Đông Ba.  Cô em nín khóc, cười khẩy:

– Người ta chết ruột mà anh sướng hỉ! Thôi, rứa là đủ biết lòng dạ của “ai” đối với “ai” rồi đó. Về đi!

Cũng thấy nhói một tí, nhưng sự khù khờ trong tôi lại dày đặc hơn nên nói thẳng mực Tàu điều đang nghĩ:

– Ngày nào thì đám cưới Đông Ba?

Một giọng đanh, khác lạ trả lời:

– Trời đất! Đùi lây như rứa mà cũng làm sinh viên văn khoa.  Chuyện riêng của tôi anh hỏi làm chi. Anh có chờ tới bạc đầu thì cũng không thấy ngày cưới của tôi đâu.  Ngày mai tôi sẽ đi, đi thật xa.  Có chết bờ chết bụi cũng không thèm để ai thấy…

Tôi không màng đến chuyện lấy chồng lấy vợ, nhưng một câu nói rất “Tự lực Văn đoàn” lại đủ sức lay động cả gốc rễ tâm tư làm tôi tối tăm mặt mũi.  Tôi đau khổ.  Tôi thương cô bé. Tôi sẵn sàng hy sinh vì tình giống như bất cứ một nhân vật tiểu thuyết nào mà tôi đã đọc.  Tần số xã hội là tần số trơ, không bắt trúng đài của tôi.  Tần số văn chương mới đưa tôi bay vút về cõi lung linh và hư ảo của tình cảm.  Tôi năn nỉ một cách chân thành và rõ ràng tần số của cô em Đông Ba và tần số của tôi là một.  Cô em trở lại với giọng sũng nước mắt, nói nhỏ nhẻ:

– Anh tới gặp Mẹ thì may ra gỡ đươc.  Em ghét nhất là cái gã cù lần nào đó trong xóm, thích người ta mà không có gan nói thẳng phải đi nhờ mấy mụ mối lái tới nhai trầu bỏm bẻm, nói dai nhách nghe mà phát sốt.  Em giận đời, chán tuốt luốt, ghét hết cả…

Tôi không tin một người hiền như Đông Ba mà lại ghét nhiều dữ vậy.  Không lẽ, không lẽ… ? Tôi hỏi:

– Bộ Đông Ba cũng ghét cả anh luôn?

Cô bé càng làm già:

– Ghét luôn!  Ai cũng ghét hết!  Mà thôi,  chiều mai sau giờ bãi học tới lại chỗ cũ.  Ai tới trước, cứ ngồi dưới gốc cây thông cao nhất bữa hôm mà đợi đó.

          Hoa hồng thường có gai, nhưng đàn bà Huế là cây gai mà lại có hoa hồng, nên muốn được đóa hồng thì cũng phải trầy vi tróc vảy.

Đường lên Nam Giao rẽ qua đồi Từ Hiếu, hai đứa cùng quẹo xe đạp vào một lần nhưng làm bộ như không thấy nhau.  Đông Ba kéo rộng dãi nón lá che kín miệng và cằm.  Tôi lùi lại, bóp chuông “koong-kanh” và nghe đáp lại “koong-kanh” mà không nhìn, cứ sợ biết đâu có đôi mắt nào đang theo dõi.

Rồi dưới gốc cây thông già phía sau đầy vẻ hoang sơ của đồi Từ Hiếu, tôi nghe cô em duyệt xét tình hình một cách nghiêm trọng như tư lệnh chiến trường nghe báo cáo diễn tiến mặt trận!  Theo em cho biết thì có một gã Sơn Tinh hay Thủy Tinh nào đó, nghe nói là đang “học  trường dạy tú tài” lâu nay nhờ mai mối đến “dạm bỏ trầu” để xin đổi đại lộ tình sử của cô em Đông Ba thành con đường kiệt một chiều.  Cô em tóm lược tình thế:

– Me lo em có bồ, nên cười nói với bà mối có vẻ đắc ý lắm!

Tôi e dè đặt câu hỏi để làm sáng tỏ thêm tình thế:

– Chỉ có chừng đó thôi à?

Cô em bèn đưa mắt “nguýt” tôi một phát có đuôi dài như xi-nê:

– Thì chừng đó cũng đủ lâm nguy rồi.  Bộ mình ngồi đợi họ đem lọng đèn tới mới lên tiếng thì còn nói năng chi được nữa.

Thấy cô em lo xa như Khổng Minh, nên tôi chẳng những đã không lo lắng gì mà còn thấy tức cười nữa, nên cười thiệt tình.  Nụ cười chưa mở hết trớn thì đã gặp bão tuyết tơi bời.  Tôi vụng về ngồi im để nghe em khóc lóc rả rích như mưa ngâu.  Khóc và cười đều là những bệnh hay lây nên tôi cũng nhẹ dạ để lòng mình “rơm rớm” theo tiếng nấc của Đông Ba, Cô em chưa chi đã lo hát “tuyệt tình ca” làm tôi rối ruột:

– Tôi biết mà.  Người ta “trơ như đá, vững như đồng”, chẳng “mind” và cũng chẳng “care” ai hết!

Giọng em nghiêm trọng quá, lại có cả phụ đề tiếng Anh hội Việt Mỹ nữa làm tôi phát hoảng.   Nhớ mẹ tôi thường nhận xét về mấy chị là “con gái Huế thì trái tim mềm như bún, mà cái đầu thì cứng như chò”.  Tôi sợ cô em hết “bún” rồi qua “chò” nên đành thỏa hiệp với em vô điều kiện.  Chỉ còn một mắc mớ sau cùng mà tôi cần “tham khảo” với em là tại sao em chỉ nhắc tới mẹ mà không nhắc ba, trong lúc ba là chủ của gia đình.  Cô em tươi nụ cười giải thích:

– Ba nhìn có vẻ “râu hùm hàm én” oai vệ vậy chứ rất tội, tính ba hiền như chim bồ câu dễ “dụ” lắm, nên em “xúi” gì ba cũng nghe.  Mẹ thì nhỏ nhắn như chim hoàng oanh, nhưng là chim hoàng oanh bằng thép nguội đó.  Cái gì trong nhà mà “mẹ nói rồi” thì khó mà thay đổi lắm.  Bởi vậy, em thường chọc ba là kiện tướng cầm cờ đi đầu, nhưng ba chỉ cầm được cái cán thôi, còn mẹ mới là người giữ lá cờ.  Khi mẹ không thích là xếp lá cờ đem cất vào túi chơi.  Ba chỉ còn biết cầm cái cán trơ, phất qua phất lại cho đỡ buồn “tàn thu” mà thôi!

Tôi mang đầy tinh thần “Lương Sơn Bạc”, ôm lý tưởng đấu tranh cho công bằng xã hội nên cũng “ra đường thấy việc bất bằng chẳng tha” giống chàng Lục Vân Tiên ngày xưa.  Tôi lên gân bình luận thời cuộc:

– Phụ nữ mà hành xử “trên cơ” chồng là không hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ta.  Vậy mà Đông Ba không làm gì để đấu tranh quyền bình đẳng nam nữ cho Ba sao?

Cô bé chớp mắt nhìn xuống, khuôn mặt gầy, trắng mịn ẩn sau vầng tóc mây dài và rậm phủ cả bờ lưng một cách huyền hoặc. Rất dịu dàng,  em nói:

– Có mà không, không mà có.  Bởi nhiều khi em thấy mẹ cũng có lý của mẹ chứ bộ.

Tôi ước chi mình có được cái oai của Trương Phi, hét một tiếng sập cầu Đương Dương Trường Bảng, nhưng thực tế tôi gắng lắm thì cũng chỉ nói được:

– Không thể được!

Cô bé nhìn lên, đôi mắt to, trong vắt vén cả vùng trời xanh.  Mĩm cười, tiếng rất khẽ và ngập ngừng gợi một ước mơ:

– Nếu ví thử mai kia em cũng sẽ thương anh một đời như mẹ thương ba và… em hy sinh tất cả cho con như mẹ đã hy sinh cho tụi em thì… có thể được không anh?

Từ thuở mẹ đẻ tôi mới được nghe lần đầu lời hứa cho một cõi đam mê: “em cũng sẽ thương anh một đời” (Lại có thêm hy sinh cho con nữa mới nhức nhối chứ!), bỗng dưng tôi cảm động đến bủn rủn chân tay.  Tôi xoa hai tay vào nhau để tìm hơi ấm của tinh thần chiến đấu Lương Sơn Bạc, nhưng hào khí tưởng chừng như mười thành chất ngất đã nhát gan rủ nhau trốn ngã sau mất dạng.  Tôi im lặng.  Chiều trên đồi Từ Hiếu chỉ còn tiếng gió.  Tôi ngoan ngoãn gật đầu khi em định ngày cho tôi ra mắt mẹ.

Mới sớm mồng ba Tết, tôi đã phải xuất hành đạp xe lỏng cỏng từ làng lên Huế “trình diện” hay nói theo ngôn ngữ thuần Việt là ra mắt.  Tôi không quên điều mình đã gật đầu.  Dù được em tập dợt đôi ba lần, tôi vẫn chứng đâu tật đó, không tài nào che được cái gốc nông dân của mình để tập sống theo nếp văn minh quý phái của người “xứ Dinh”. Tôi bê nguyên chiếc xe đạp đã quá tuổi thượng thọ và đôi giày bê bết bùn vào cửa ngõ nhà em.  Phải mất cả giờ mới rửa sạch để qua ngưỡng cửa nhà trong.

Trời Huế buổi giêng hai lạnh cóng mà tôi chỉ có cái áo sơ mi Mẫn Tử  Khiên mỏng manh.  Đông Ba hỏi nhỏ, ái ngại:  “Áo ấm mô rồi?”.  Tôi nói mà sợ người nghe: “Thì hôm đó bỏ quên trên đồi Từ Hiếu rồi!”

Đông Ba chỉ cho tôi đi ngõ trước để đi vào nhà chính, trong khi loáng một cái, cô em đã biến mất phía ngõ vườn sau.

Tôi chưa bước vào phòng khách, đã nghe tiếng cô bé phân trần với mẹ:

– Thì tại tụi con còn trẻ nên chưa thấy lạnh chi cả.  Mặc áo ấm vào “nực nội” khó chịu lắm!

Tôi bước chân vào phòng khách, sau màn chào hỏi thật thân tình nhưng cũng đầy cung cánh ngoại giao Huế ơi là Huế, cô bé Đông Ba đã biến tôi từ anh hàn sĩ thành ra con người mẫu:

– Đó! Hồi nãy con nói là tụi con còn trẻ không thấy lạnh mà mẹ không tin.  Coi tề, anh ấy đi xe đạp từ dưới làng lên mà cũng mặc áo mỏng giống con ở nhà thôi.

Nhìn chiếc áo sơ mi lụa mỏng manh tôi mới biết cô em đã chạy vào nhà trong và cởi chiếc áo len màu rượu chát rất hợp với khuôn mặt thanh tú của em.  Đây quả là một “Đông Ba hư chiêu” để hoà điệu với chiếc áo sơ mi đơn chiếc giữa mùa đông tháng giá của tôi.

Trong phòng khách đã có sẵn bà mẹ ngồi phong lưu bên cơi trầu chuyện trò với “dì Mái”, người mà Đông Ba đã rỉ vào tai tôi “Cái mụ Mối dễ ghét đó!”  Trên ghế bố không xa, ông cụ thân sinh “dễ dụ” đang đọc nhật trình, lâu lâu mới nhướng đôi kính lão góp chuyện đời gọi là cho có chuyện.  Cô bé cũng làm quanh nhà cho có làm để có cớ quanh quẩn mà “cứu khổn phò nguy” lỡ tôi có bề nào.

Bà mẹ mở màn phỏng vấn trong lúc “mụ Mối” nhìn tôi từ đầu tới chân như thầy bói xem giò gà.  Qua giọng nói gần gũi và cái nhìn ấm áp của bà mẹ, tôi cảm thấy câu chuyện chảy dài êm ru.  Giữa chừng, bỗng dì Mái bắt đầu mở đợt phản công xoay qua chuyện học:

– Nghe nói cậu cũng học trường Hàm Nghi cùng lứa với cậu Ái trong xóm.  Chắc cậu cũng biết cậu Ái xóm Thượng Thành nổi tiếng học giỏi chớ?  Rứa cậu có khi mô (nào) được phần thưởng nhứt nhì như cậu đó chưa hè?

Tôi tình thiệt trả lời:

– Dạ, con chưa hề lãnh phần thưởng nhứt nhì năm nào hết!

Sau câu trả lời đó, dì Mái cười khẩy.  Cô em Đông Ba lập tức phản ứng như điện giật:

– Úi da!

Bà mẹ hốt hoảng:

– Út, có chuyện chi rứa con?

Tôi nhìn qua phía Đông Ba, thấy cô em tái mặt và mím miệng thảng thốt nhìn sâu vào mắt tôi.  Tôi hiểu rồi, (Anh chưa nói hết mà)!  Tôi thiệt thà kể lể, ngây thơ đến độ mấy chục năm sau khi nhớ lại tôi vẫn còn thương cái ngây thơ ngày đó:

          – Dạ, con học điểm cao hơn cả thằng Ái nữa thưa bác. Bốn năm học ở trường Hàm Nghi, năm nào con cũng chỉ được phần thưởng danh dự toàn trường nên mẹ con khỏi tốn tiền mua sách.

Giữa thoáng im lặng bối rối, ông cụ cất tờ báo đang xem, cười cười giải thích:

          – Phần thưởng giỏi nhất là danh dự, thứ nhì là ưu hạng rồi mới tới thứ nhất, thứ nhì, thứ ba… Thời nầy người ta xếp hạng theo cách khác chớ không giống như thuở tôi với bà còn đi học, hễ đứng nhứt là giỏi nhứt đâu.

Dì Mái hơi ngẩn ra một tí, trong khi bà Mẹ gật gù bình luận:

– Thím coi, học trò dưới làng lên phố học giỏi không!

Hạnh phúc không còn là một khái niệm trừu tượng nữa mà thể hiện rỡ ràng trên khuôn mặt cô em Đông Ba vào phút nầy.

Dì Mái bỏ lơ chuyện phần thưởng, coi đồng hồ ra vẻ sốt ruột, rồi dõi mắt ngó ra ngoài đường như đang tìm ai.  Có tiếng xe Honda dừng lại trước ngõ và một người quen quen đi vào.  Dì Mái “nổ” liền:

– Cậu Ái đó.  Cậu ấy đang học trường đại học để ra dạy toàn học sinh thi tú tài bán phần, toàn phần hết chớ không phải là “sinh viên thường” mô nà!

Chắc bà Mối cao hứng tự động xếp tôi vào làng “sinh viên thường” để đưa “gà” mình lên cao mấy cấp.

Thằng Ái chưa vào tới cửa, tôi đã hồn nhiên hét lên:

– Ê, thằng “Ả Thợ Mái”, rứa mà tao cứ tưởng ông sếp lớn nào đi chúc Tết nữa chớ.  Cái thằng, bộ mi khùng hả?  Tết nhất mắc mớ chi mà xách cái cặp lè kè theo như mấy thằng Tây nhà đèn đi đòi nợ không bằng.

Máu nghịch ngợm “văn khoa” của tôi bất chợt nổi dậy, quên mất mình đang ở chốn “thâm nghiêm” làm mọi người ngạc nhiên.

Thì ra đây là “con gà” của “mụ Mối”.  Ái thi vào ban sư phạm Văn chương một năm với tôi.  Trong lớp nó ngán tôi và thằng “Tường Xì Ke” nhất vì tôi đã cúng mụ, đặt tên cho nó.  Thời tôi học Sư Phạm Huế, dưới triều đại thầy Lê Thanh Minh Châu làm viện trưởng, tất cả các nam giáo sinh đều phải thắt cà vạt đi học hàng ngày.  Tụi tôi phần lớn đứa nào cũng chờ tới cổng trường mới đeo “gông” vào cổ.  Riêng anh chàng Ái thì thiếu đường đeo lủng lẳng cà vạt …đi ngủ luôn.  Nó điệu không thể tả.  Lúc nào cũng xách lè kè một cặp táp dày cộm.  Có lần tôi “khám” cặp nó và phát hiện ra hơn nửa cặp nhét đầy giấy màu thợ mã.  Nó lại còn mang riết kính “cận thị không độ” cho tăng thêm phần… trí thức! Tôi lại là chuyên gia đặt tên giễu, nên đã tặng không cho nó cái tên “Ái Thợ Mã”.  Liền sau đó thằng “Tường Xì Ke” (cũng là nạn nhân bị đặt tên, vì tính luôn cả giày dép nó cân chưa tới 32 kí lô) ưu ái nói lái lại thành “Ả Thợ Mái”.   Ái rất đau khổ vì cái tên “lại cái” nầy.  Có lần nó làm một danh sách đề nghị dài hơn chục tên tầm phào đặt cho tôi để trả thù, nhưng không có đồng minh hưởng ứng, nên đành bó tay chịu trận.

Nay không ngờ Ái lại gặp tôi ở nhà em Đông Ba.  Có lẽ sợ đầu năm đầu tháng gặp tôi sẽ được lãnh thêm một cái tên cúng cơm nữa nên nó hỏi qua loa năm điều ba chuyện rồi vội vàng rút êm.  Dì Mái ngồi im nhưng vẻ mặt bồn chồn như đang chịu trận hỏa công, bèn đổi chiến thuật hỏi tuổi:

– Rứa chớ cậu đây tuổi chi?

            Tôi thưa: “tuổi Tuất”.  Dì tính một hồi rồi tung chưởng “điệu hổ ly sơn” rằng:

– Cậu nầy tuổi con chó, cô nầy tuổi con cọp, lấy nhau chó sẽ bi cọp… đè!

            Bà mẹ thấy có vẻ đã đến hồi rút chân ra khỏi khối đồng minh cùng xóm nên đáp lại:

           – Chó cũng ba hạng chó chớ thím.  Chó mà gặp chó sói thì voi cũng không đè nổi chớ cọp mà ăn thua chi.

           Tôi mở cờ nói thầm trong bụng: “Cám ơn bác, vậy là đời con sau nầy, nếu có thành đôi với em Đông Ba, chắc cũng sẽ khỏi bị… đè phải không bác?!”

          Và tuồng như để “giem thèm” bà Mối đang hồi bị thất sủng, bà mẹ liền “chê” tận tình cái “dại” của cô con gái cưng:

          – Thím coi, con người ta lớn bằng chừng đó tuổi mà không “khôn nhà dại chợ” thì cũng “khôn chợ dại nhà”, còn con Út nhà tôi thì “dại đều”.  Cuối tuần nghỉ học cho ra chợ coi hàng một mình lại dám cả gan bốc hụi, rồi lấy tiền mua hết hàng hiếm đóng vô Sàigòn, làm cho bạn hàng cả chợ kiếm hụt hơi không có mặt hàng hiếm…

          Dì Mái hy vọng có cơ hội chen vào lung lạc tinh thần đối phương, liền diễn dịch:

          – Học trò ra chợ buôn bán làm sao đủ khôn ngoan theo kịp người ta mà dám liều. Chuyến đó chắc bị lỗ nặng?

          Bà mẹ trả lời nhỏ nhẹ nhưng không dấu được vẻ tự hào:

– Thôi thím ơi, đừng nói nữa; hàng chuyến đó lời xấp ba xấp bốn mới ngộ chớ!

Dì Mái cố đánh chiêu vớt vát cuối cùng:

– Cả đi học, rồi ra chợ bán hàng giúp mạ kiểu đó thì chắc là việc nhà hết biết luôn.

Bà mẹ liền lật lên con bài ẩm… đỏ chót:

– Tôi la hoài mà cháu không chịu nghe.  Ở nhà việc chi khó cũng dành làm, coi bộ con nhỏ nầy ưa để cho người giúp việc ngồi chuốt móng tay là cái chắc!

Bên kia cô bé cười chúm chím, nói chỉ đủ cho hai đứa nghe: “Để người làm như o Thiệt đưa thư mệt nghỉ!”

Đông Ba quay qua mẹ cười ngặt nghẽo:

– Mẹ ơi mẹ, để con qua bên bác Đồng mượn thêm cái trống nữa cho đủ bộ “Tây Du Ký” mới được.

Bà mẹ ngạc nhiên:

– Để làm chi?

Cô bé tới ôm lưng mẹ:

          – Thì để mẹ quảng cáo cô Út của mẹ là khôn toàn ròn, “khôn từ nhà, khôn ra tới chợ” đó mà.  Rồi con đánh trống thùng thùng la “Mại dô! Mại dô!” cho khỏi ế chồng mẹ hỉ!

Tiếng cười dòn đầu năm làm mọi người nhớ ra là đã quá trưa. Tôi đói cồn cào nhưng không dám ở lại ăn cơm theo lời mời của gia đình vì sợ bị “coi thường”.  Sau lũy tre xanh, người dân quê như tôi chỉ cảm thấy tự nhiên và yên ổn với thế giới núp dưới bóng tre của mình. Ánh sáng của thành phố, dù sáng sủa như ban ngày, vẫn còn lơ mơ nhiều… cạm bẫy!

Bà mẹ chừng như cũng đoán được cái “điệu” của tôi nên tự tay mở thẩu me dầm và thẩu mứt me ngào đường ra. Bằng một giọng ân cần, bà mời:

– Thử me của Út làm đi con. Chắc me dầm chua chua ngọt ngọt hạp với mấy đứa con hơn.  Đồ chua “kiêng răng” mấy bác không ăn  được.

Đến lượt Bà Mối nhìn quanh với đôi mắt hoài nghi của người thất thế.  Hình như không biết trút nỗi bực dọc vào ai, nên nhìn tôi như “nước chảy lỗ thấp” vì vẻ thật thà chất phác của tôi.  Bà lên giọng kiêu kỳ, nhìn chằm chằm vào tôi, hỏi trống không?

– Ờ, mà không biết cái dân nhà quê quen ăn cơm độn mắm cà có biết ăn mứt me không hè?

Chỉ cần ba chữ “dân nhà quê” ném lửng lơ đâu đó thôi thì cũng đủ cho Bà Mối tìm ra cái chìa khóa để mở chuồng cho con mèo hiền lành trong tôi biến thành con cọp – giống cọp đan bằng những lũy tre làng vốn sợ cái mũ “nhà quê” như thần đèn sợ gió – Tôi liền hiện nguyên hình là gã sinh viên ban văn chương bay bướm và có khiếu nói “xóc nghịch” đến gỗ đá cũng hết nằm yên. Cười mũi, tôi giải thích bằng một giọng lễ phép:

– Thưa thím Mối (không phải là Mái), dân nhà quê chỉ thích ăn me thiên nhiên trời sinh thôi, nên họ thường ăn me chua hay me rốp.  Có ai mà dại dột đi ăn me bọc đường đâu thím!

Bà Mối cũng là tay lão luyện giang hồ nên cười lạt rất điệu, rồi hỏi khích:

– Chỉ có lũ mọi cà răng căng tai trên rừng mới thích ăn tươi nuốt sống, còn dân thành thị văn minh thì ăn uống phải có biến chế chớ sao lại gọi là dại cậu nớ hè?

Tôi lại tủm tỉm cười, giọng khúm núm một cách ngông nghênh:

– Dạ, dại là vì có của quý trời cho trong tay mà không biết xài đó thưa thím. Ai đời cây trái thiên nhiên tươi tốt lại phải mượn đường, mượn mật bao quanh làm cho ngọt lịm. Còn con người ta thì trời sinh ra đẹp đẽ, có miệng có mắt đàng hoàng, nói đâu thấy đó, sao lại phải mượn mấy bà mối lái tới nói chuyện bẻm mép, tam khào xị đế mới dám thương nhau thì khôn ngoan để chỗ nào mới được chớ?

Thím Mối cũng so dây đàn cho ngang cung bậc:

– Nè, đây nói cho căng tai mà nghe. Không thầy đố mầy làm nên.  Không có cái khôn ngoan, khéo léo của ông mai, bà mối mà cứ vác mạng tới “ve ẩu” con gái người ta, không chừng bị “đần” gãy giò chớ đừng giỡn mặt với mai mối nghe bà con!

Tôi lại tiếp tục nói cà rỡn để chọc giận:

– Chà mai mối hay quá thím hỉ!  Vậy mà không hiểu sao mấy cụ xưa lai dạy: “Ở đời có 4 cái ngu:  Làm mai, đứng nợ, đánh cu, cầm chầu”.  Ơ, mà có lý nào làm mai lại đứng đầu sổ cho bốn cái “thiếu thông minh” rứa thím hè?

Như võ sĩ bị đánh trúng điểm huyệt, thím Mối nhíu trán cố tìm cho ra một câu đối đáp, nhưng hình như người xưa cũng chẳng ai ưa nghề mai mối nên không ai chịu đặt những câu giúp thím làm thuốc.  Thím nhổ toẹt bãi nước trầu vào ống nhổ cho hả tức và mang đôi dép lẹp kẹp ra ngoài, miệng lầu bầu những gì không rõ, trong khi ông cụ cười khoái chí và nói bâng quơ:

–  Mới sơ giao mà coi bộ ớt đồng đã cay hơn ớt dinh rồi đó!

Tôi kiếu về, không thấy Đông Ba ở đâu.  Tôi có cảm tưởng mình là khách quý đã đỗ kỳ thi “ra mắt” vì mọi người ưu ái đưa tôi ra tới đầu ngõ.  Sắp lên xe đạp đi, cô em từ nhà chạy ra kêu với theo, đưa cho tôi gói đồ, lên giọng khẩn khoản nhờ vả để mọi người đều nghe được:

– Luôn tiện anh về đường An Hòa nhờ giúp em đưa gói nầy cho con bạn Phi Anh.  Nhớ đọc liền địa chỉ nhà nó ghi rõ trên miếng giấy nầy cả lạc.

Cô bé nháy mắt.  Cái nháy mắt mà người đối diện dù có thiên lý nhãn cũng không đỡ nổi.  Thế mà tôi hiểu.  Hiểu như câu hát học trò mà cô em thường hát nhè nhẹ một mình cho tôi nghe: “Chỉ hai đứa mình thôi nhé! Đừng cho trăng nép sau hè…!”

Vừa ra khỏi cửa Đông Ba, cơn gió Bấc hắt vào người lạnh thấu xương.  Lạnh là kẻ thù của đói nên tôi muốn đi hết nổi.  Lại còn gói đồ và mảnh giấy, tôi mở ra đọc: “Em vừa ‘se’ tạm cái áo ấm của Ba. Mặc vào liền cả lạnh đóng băng đi chừ!  Dĩa xôi vò với món thịt chấy anh thích em vắt lại cho anh đó.  Vừa đi vừa ăn cả đói nghe.  Ăn liền kẻo nguội! Nhớ đó! Eta.” Đông Ba sáng chế ra hai ký hiệu: “Eta” là “Em thương anh” và “Ena” là “Em nhớ anh” mà chỉ có hai đứa sống trong cùng cung điệu ân tình mới biết.

Những cơn gió bấc trên đường về làng đã chào thua chiếc áo dạ dày cộm và nắm xôi nóng đã chuyển lửa vào lòng tôi.  Tôi hình dung đến cái cán cờ trơ trong tay ông Cụ.  Một mình dường như cô độc, ông ôm trong tay và phất qua phất lại cái cán một mình ngỡ như trơ trụi, nhưng thật ra, còn có một lá cờ không màu không sắc, có lẽ đẹp như mê cung, tung bay giữa những vầng mây ấm mà có ai thấy đâu.  Chỉ một mình ông thấy: Tình Yêu.

Bài viết liên quan