CHÙA CỔ THẦY XƯA XỨ HUẾ

Huế thường được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” chẳng phải vì cảm hứng nghệ thuật hay cường điệu vẽ vời mà chính vì Huế có tới 332 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Các ngôi chùa ngày nay hầu như đều được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, căn bản mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo. Dẫu là dấu tích truyền thống của tôn giáo nhưng những ngôi chùa cổ của Huế vẫn tiềm tàng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.

Bên cạnh ngôi chùa “cao niên” nhất là Thiên Mụ 400 tuổi thì nằm trong số những ngôi chùa trên 100 tuổi có chùa Phước Điền gần chùa Diệu Đế cạnh chân cầu Đông Ba cũ.

Hôm nay chùa Phước Điền được người dân Huế nhắc đến vì vị trụ trì lâu nhất trong một ngôi chùa cổ 120 tuổi là Hoà thượng Thích Chân Trí vừa viên tịch ở tuổi 97.

Thầy Chân Trí là tu sĩ thuộc thế hệ quý hòa thượng Minh Châu, Đức Tâm, Mãn Giác, Trí Quang, Nhất Hạnh… ở Huế. Thầy là một trong bốn tác giả soạn “giáo khoa thư” Phật Pháp cho hệ thống Gia đình Phật Tử năm 1951 và vẫn còn là tài liệu chính thức về Phật Pháp cho cả 4 cấp GĐPT – VN còn truyền dụng đến ngày nay cả trong và ngoài nước. Xin thỉnh ý quý GĐPTVN trong nước cũng như khắp năm châu nên dành sự tưởng niệm Thầy Chân Trí, một trong bốn vị ân sư (Thích Minh Châu, Thích Đức Tâm, Thích Thiên Ân, Thích Chân Trí) đã góp phần cố vấn giáo hạnh soạn cuốn Phật Pháp dành riêng cho GĐPT đã lưu truyền, được dịch ra ngôn ngữ của những nước có GĐPT sinh hoạt và toàn thể huynh trưởng cũng như đoàn sinh các ngành dùng làm tài liệu dạy và học Phật Pháp hàng tuần. Thầy Chân Trí là tác giả sau cùng vừa mới ra đi.

Thời còn học ở ĐHSP Huế, tôi có duyên ở nhà trọ đi học sát nách chùa Phước Điền; lại duyên may hơn nữa là bạn cùng lớp với anh Trần Đăng Tường, cháu gọi Thầy Chân Trí bằng chú ruột nên được gặp và thưa chuyện với Thầy khá thường xuyên. Ngày xưa và bây giờ tôi vẫn khâm phục Thầy về sự uyên bác Duy Thức Học Phật giáo, một phân ngành mà tôi cho là “khó nuốt” nhất trong kinh văn Phật giáo. Thầy vẫn thường so sánh Duy Thức Học Phật giáo với Tâm Lý Học phương Tây. Cho đến khi học chương trình Ph.D Tâm lý học ở Mỹ tôi mới có cơ hội được “sáng mắt” và càng khâm phục phương pháp phân tích và luận giải của Thầy Chân Trí hơn. Năm 1982, những ngày chuẩn bị rời Huế, tôi thường đến xin Thầy gieo cho một quẻ “Nhật thần Âm Dương” để xem tôi có được “chân cứng đá mềm không” vì thời đó biết Thầy nghiên cứu rất cẩn trọng Dịch Lý Âm Dương cổ điển. Nhưng Thầy cười và dặn rằng, theo tinh thần Phật giáo thì trong phương tiện đã có cứu cánh và ngược lại; cũng như “nhân quả đồng thời”. Phải đi thêm hơn một nửa đời nữa, tôi mới trải nghiệm được lời Thầy.

Hôm nay, nhận được tin Thầy viên tịch, dẫu là ở tuổi 97, nhưng sự vĩnh biệt nào cũng có nỗi niềm xót xa riêng. Xin lắng lòng, dốc tâm cầu nguyện hương linh Thầy sớm vãng sanh Cõi Phật.

Sacramento, Memorial day 2024
Trần Kiêm Đoàn

ĐIẾU VĂN
TƯỞNG NIỆM – BÁI BIỆT HÒA THƯỢNG THÍCH CHÂN TRÍ (1927-2024)
Viên tịch ngày 26-5-2024

Mùa Phật Đản – An cư Kiết Hạ,
Tâm an nhiên nương bóng Phật Đà.
Tin buồn nhang khói bay xa;
Thầy vừa viên tịch,
Lệ nhòa cõi không:
Hòa thượng Thích Chân Trí.
Thầy là Thầy, là Chú là Cha,
Là bóng mát cội nguồn che chở.
Một trời tri ân thương nhớ.

Nhớ linh xưa…

Hòa thượng Thích Chân Trí pháp danh Tâm Nguyên,
Dòng Lâm Tế, pháp phái Liễu Quán, đời thứ 43.
Thế danh là Trần Đăng Hiền sinh năm Đinh Mão (1927)
Thầy một đời đến và đi trên xứ Huế thân yêu:
Năm 14 tuổi xuất gia đầu Phật, 16 tuổi thọ giới Sa Di.
Tuổi thanh xuân tinh tấn tu hành
Tốt nghiệp Phật học Viện Linh Quang,
Hoàn mãn Phật học đường Báo Quốc.
Kinh văn Việt Hán Nôm tinh thông,
Bút khảo tùng thư thoáng rộng giúp đời.
Tuổi đôi mươi thọ hành Đại giới.
Diệu pháp thâm sâu học hành tấn tới,
Duyên đắc pháp sáng ngời tên tuổi,
Là giảng sư cho tổng hội Phật giáo Trung phần,
Giáo sư Phật học đường Báo Quốc.
Cùng các danh tăng đương thời:
Minh Châu, Đức Tâm, Mãn Giác, Thiên Ân.
Người xưa đều đã khuất,
Bát Nhã thuyền không tăng thân một thuở,
Mãi đến hôm nay Thầy ghé chuyến sau cùng.

Nhớ Thầy thời nhập thế,
Vận dụng sở tu, sở học,
Công hạnh hoằng dương chánh pháp, giúp đời.
Thầy phát huy công hạnh sáng ngời:
Cùng với danh tăng Minh Châu, Thiên Ân, Đức Tâm biên soạn:
Kinh sách gối đầu cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Sách Phật Pháp xưa và nay là tâm kinh của Gia Đình Phật Tử,
Suốt bốn ngành từ Oanh Vũ đến ngành Thanh.
Tác phẩm Ý Nghĩa Cờ Phật Giáo:
Ngũ sắc năm châu màu sống đạo,
Tài liệu chân truyền còn đắc dụng đến hôm nay.

Thầy là ân sư,
Trên những nẻo đường,
Giáo dục mầm non.
Tâm hướng Phật Trường Bồ Đề duyên khởi,
Thế hệ đàn anh đã đi đã tới!
Thầy chung tay điều hành và giảng dạy,
Đã bao năm nhiều thế hệ tương lai.
Thầy vô ngại trên con đường vạn lý,
Có những khúc quanh,
Dòng đời xuôi ngược…
Thế sự thăng trầm cuốn hút đời xanh.
Duyên nghiệp trùng lai nẻo đạo gập ghềnh;
Thầy cố vươn lên nghiệp đời níu lại,
Hiếu nghĩa vuông tròn trụ thế xuất gia.
Chùa tổ Phước Điền thường trụ giữa phong ba,
Vững tay lái giữa Ta Bà thế giới.
Chùa vững trụ 120 tuổi,
Thầy vững chèo qua ngót 100 năm.
Trần Trụ Quốc Từ thế truyền hương hỏa,
Mãi lưu truyền tộc phả còn nguyên.
Thầy hiện thân như một thuở Trích Tiên,
Vỡ chén lưu ly Ngọc Hoàng bắt tội,
Nhưng vẫn bước minh tâm thiên tư sám hối;
Duyên phù trần về với trần gian…

Thành kính cung tiễn Thầy,

Dù cuộc đời đầy gian nan khổ ải,
Thành trụ hoại không chẳng chấp nhặt riêng ai…
Thầy vẫn an nhiên giữa mưa nguồn chớp bể,
Vững tay chèo thiên lý nhất phương.
Thầy an nhiên giữa vô thường tứ đại,
Nương tướng thật nẻo về không lại hoàn không.

Bái biệt Thầy:
Trời đất mênh mông,
Mười phương chư Phật.
Thuyền từ Tam Bảo lướt sóng bụi hồng,
Môn đồ, pháp quyến, tứ chúng, Trần tông,
Hộ niệm giác linh hướng vọng kim đài,
Sớm biệt trần ai siêu sanh Tịnh Độ;
Vãng sanh cõi Phật Chân Như:
Nam mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

Huế ngày 27-5-2024
TRẦN ĐĂNG TƯỜNG
(Ai điếu Chú ruột, Thúc phụ)

Bài viết liên quan