CÔ BÉ HUẾ LÀM THƠ TRÊN ĐẤT MỸ

Những đêm trở về nghe tay chân rời mỏi

Muốn ngủ yên như cọng lá giữa trời khuya

Em bây giờ mười tám tuổi rồi đó

Đi rong hoài cũng đến lúc già nua

 

Chim đêm vắng ngủ quên không hót

Em trở về buồn bã từng dấu chân

Thôi nhé Thư! Ngàn năm rồi cũng mất

Tình sẽ tan không dấu trong sương!

 

Cô nhỏ Huế theo “ngày tháng bềnh bồng” giữa sân trường University of Pacific, thành phố Stockton – California nhìn lại chính mình và “thấy mình đã lớn”.  Trong thơ, Phạm Vũ Anh Thư không những đã “lớn” mà còn trưởng thành trong suy tư và cảm xúc.  Giữa xa lộ sách đèn đủ mặt các sắc dân trên thế giới, cô bé Việt Nam, gốc Tây Lộc Huế, đã chọn một lối rẽ khá gian nan vào con đường mang vẻ đẹp diệu kỳ, nhưng cũng quanh co khúc khuỷu khó đi, đó là ngõ vắng đi vào thơ.

Bé Thư đến Mỹ vào lứa tuổi măng non. Gắng học để giữ gìn tiếng mẹ đẻ đã khó; giữ gìn, trau giồi tới trình độ làm thơ — mà thơ hay nữa chứ — thì quả thật cô bé Anh Thư đáng mặt tài hoa.

Thơ là sự cô đọng tột cùng của ngôn ngữ ;  là sự thể hiện tuyệt mỹ tài năng vận dụng ngôn ngữ và quyền năng sáng tạo của thi ca và thi sĩ. Vũ trụ, con người và tình cảm đi vào thi ca mang vóc dáng của người nghệ sĩ un đúc thành thơ, nên văn là người mà thơ là trái tim của nó –  như ý của A. Rimbaud.

Đối với người yêu thơ, đọc được một câu thơ hay là một niềm vui bất chợt và đọc được một bài thơ hay là một hạnh phúc… trời cho vì có khi cảm xúc bị ám ảnh đến giày vò hay cảm khái đến rưng rưng.

Có những bài thơ hay đã làm thay đổi cuộc đời và số phận của thi sĩ và khách yêu thơ. Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Phan Bội Châu, Tô Đông Pha, Tagore dùng thơ mà xây cuộc sống.  Lý Bạch, Nguyễn Du,  Đoàn Thị Điểm, Appolinaire quàng thơ mà đi qua từng thế kỷ.   Khuất Nguyên, Ấm Thuyên, Cao Bá Quát, Robert Burns vì thơ mà khổ lụy một đời.  Thơ không có điểm khởi đầu mà cũng chẳng có điểm cao cùng tột vì thơ tự nó là thơ, lung linh và lóng lánh giữa đời bằng vẻ đẹp chân thật mà mê hồn, bụi đời màkhuê các.

Một tác phẩm thơ đã ra đời là một giọt nước đã thành mưa, một đóa hoa đã nở, một ý niệm đã thành hình.  Với nhân gian –  dù nồng nàn hay bạc bẽo – thơ chỉ còn một lời mời gọi: “Nhận tôi đi dù địa ngục thiên đường!” Bởi thế, ngâm thơ, bình thơ, đọc thơ… cũng chỉ là những cách thế khác nhau để nhận thơ, sống với thơ và đưa thơ đến gần người đọc!  Trang trọng mời người đọc đến với thơ Phạm Vũ Anh Thư cũng chỉ là một cách tiếp cận với thơ.  Thơ Anh Thư sẽ không đổi thay vì người đọc và đứng ngoài giới hạn khen chê.

Như một loại “thánh ngữ” của tâm hồn, thơ không có tuổi.  Đa số những thi nhân thời Thịnh Đường làm thơ từ thuở lên 5.  Nghe một câu thơ đầy cảm khái,  đọc một bài thơ hay, tôi không thắc mắc tác giả là bao nhiêu tuổi mà tôi chỉ thầm hỏi rằng, bản ngã của người thơ đó có đủ bản lĩnh để vật lộn trước sự khen che đầy gió bụi giữa cuộc đời hiện thực này không?   Sự già dặn của bản lĩnh thi ca không nằm ở độ tuổi, cũng chẳng nằm ở số lượng mà nằm ở sự sáng tạo độc đáo (độc sáng) của thi nhân.   Đọc thơ Phạm Vũ Anh Thư, người đọc sẽ bị đặt trước một nỗi bất ngờ lý thú:  Những từ và cụm từ cổ kính, quý phái, phảng phất vẻ kiêu sa và lãng tử được sử dụng khéo léo gần như tự nhiên để diễn đạt một cách đầy gợi cảm những ý tưởng tươi mát, trẻ trung và thuần hậu của tuổi hoa niên:

Con chim họa mi năm nào

Bay vút cao cùng tiếng hót

Là chị, một thời tiêu dao

Dạo khúc hồ cầm phiêu hốt

 

… Cây đa gõ đoạn tình si

Nhịp phách lạc cơn trường mộng

Mây trắng ngút ngàn phương xa

Nỗi trôi một đời hoài vọng…

                  (Của Ngàn Mây và Tiếng Chim)

Thế giới thơ của Phạm Vũ Anh Thư cũng là một thế giới man mác hoài niệm về một quê hương “cố lý xa xăm”, nhưng Anh Thư không làm những khúc “mộ ca” đòi đoạn mà chỉ ngoái nhìn quê mẹ một cách đằm thắm, thiết tha để vững lòng vươn tới:

Cưu mang tâm sự thời lưu xứ

Mây khói xây thành mộng viễn du

Ngàn nỗi nhớ mang theo cánh hạc

Ruỗi dong tìm nguồn cội quay về

 

… Tài hoa thì cũng là con gái

Chắc đã giúp gì được bản thân

Nói chi cố quận sầu man mác

Nói chi trăng cuội lẽ tồn vong

 

… Bỏ nước ra đi bao kẻ sĩ

Sá gì ta một bóng lưu ly

                (Tự Khúc Mùa Xuân)

Bản chất của thơ là nỗi buồn và sự lắng đọng trong cô tịch.  Thơ của Phạm Vũ Anh Thư cũng không ra ngoài ước lệ đó, nhưng trong sự vắng lặng miên trường của cõi thơ, Anh Thư không chọn một thái độ triết lý để đối diện với hư vô như thế hệ những nhà thơ đi trước đã làm.  Thư đã đem vào cõi thơ của mình những giới hạn đời thường rất gần gũi: Đó là quê hương, là thân phận, là Huế, là mẹ cha, là những thực tại có thể nắm bắt được trong hoàn cảnh mới nơi quê người.

Sông Hương

Nước chảy về thơ

Em

Cô bé nhỏ

Đôi bờ mắt xa

… Câu ly biệt

Chén quan hà

Buồn lên mắt

Vẫn nhớ

Là nhớ sông

    (Sông và Em)

Thanh sắc thi ca có một vẻ đẹp diệu kỳ không quy ước.  Khi tìm đến với thơ, có người thích thơ vì từ điệu hay nhạc ngữ; có người thích thơ vì hình tượng kỳ vĩ và tư tưởng sáng tạo lạ lùng; cũng có người thích thơ vì bắt gặp ở một nơi nào đó thơ nói lên tiếng nói bí ẩn của lòng mình.  Những người đọc thơ Phạm Vũ Anh Thư có một cảm giác rất gần nhau là thơ Anh Thư rất phong phú từ điệu, nhạc ngữ và nhiều nét sáng tạo bất ngờ.  Thể thơ phổ thông và dễ sáng tác nhưng lại rất khó hay trong Thơ Việt là thơ lục bát.  Thấp một chút sẽ thành vè, cao một chút sẽ thành thơ “thiền” đầy bí hiểm.  Thơ Anh Thư có nhiều thể loại khác nhau, nhưng tài hoa nhất vẫn là thơ lục bát sáng tác dưới dạng “ngắt từ”.

Mẹ

Là nguồn cội yêu thương

Là niềm cảm hứng

Tâm hồn

Của con

Là bầu vú

Sữa căng thơm

Dù thăng trầm

Vẫn ngọt tươm mạch đời…

                (Mẹ là Nguồn Cội Yêu Thương)

 

Một mình, phố

Đứng trong mưa

Đợi ai?

Hay phố đợi mùa thu xa?

Mùa thu,

Hoa cúc quê nhà

Vàng sắc áo

Lụa Phù Sa

Thủa nào?

                (Thu Phố)

Cảm quan nghệ thuật và năng lực sáng tạo thi ca của Phạm Vũ Anh Thư cũng “vượt biên” đến những chân trời mới khi Anh Thư làm thơ song ngữ: Tiếng Việt và tiếng Anh.  Khác với những người làm thơ song ngữ đi trước, Anh Thư không làm công việc “dịch thơ mình” từ Việt qua Anh hay ngược lại.  Thư đã thực sự sáng tạo.  Thơ tiếng Anh của Anh Thư cũng đã thể hiện được nguồn xúc cảm, nét tài hoa và sự rung động chân thành như trong thơ Việt.  Thư đã tự mình nói lên điều đó:

I bring forth

What is within me,

As a smile wafts to the breeze,

With the silent, invisible orchids

 

If the nature of those gentle flowers

Are to bloom,

I keep my soul vibrated

The kingdom of mystery

Dances

The whole twist

                (Shall I Tell You)

Tạm dịch:

Ta mang đến

Niềm riêng ẩn dấu

Như nét cười thoảng gió ru êm

Với những đóa phong lan thầm lặng không tên

 

Nếu tinh túy của phong lan

Bừng nở

Ta thả hồn rung động miên man

Cả vương cung bí ẩn

Múa

Tưng bừng.

Dù sinh ra sau chiến tranh Việt Nam và cuộc chiến trên quê hương chỉ còn là chuyện buồn của quá khứ, nhưng khi nghĩ lại, cô bé Việt Nam bỗng cảm thấy tự hào nhớ về nguồn – Nguồn Cội Yêu Thương – khi đứng chen vai thích cánh với bạn bè giữa lòng thế giới.

I am

A Vietnamese Youth

Fixed on the land

Which feel my mind with prejudices!

Either major

Or minor

Prelude

 

Yet, I am not

I am the average

Beneath all camouflages,

Yearned for all my girlhood,

The Vietnamese,

The root

                (The War Within)

Dù phương tiện tinh hoa nhất của thơ là ngôn ngữ phải vay mượn tiếng người, nhưng Phạm Vũ Anh Thư vẫn diễn cảm được nỗi lòng tha thiết với quê cũ của mình – Huế ơi! Quê Mẹ – bằng cái “đoạn trường tân thanh” đó.

Wandering aimlessly along the Huong River

Arecas in the full bloom, lingering, scented the evening air

As a ferryman sang, the moon declined

With a thousand straggling tones that tear…

                (Hue, a Long Road Home)

Trong phần đất văn học nghệ thuật giới hạn của người Việt ở hải ngoại, hiện tượng xuất hiện quá phong phú của thơ làm cho những người yêu thi ca vừa vui mừng vừa quan ngại.  Vui mừng vì dân ta hào sảng với thơ thì đã đành, nhưng cũng ưu tư vì sự ra đời ồ ạt của thơ không có nghĩa là vườn thơ hải ngoại sẽ khởi sắc theo bề dày của số lượng mà có khi còn ngược lại.  Quang Dũng đi vào văn học sử một cách sáng chói chỉ bằng 4 bài thơ.  Advers được thế giới biết đến và mến mộ chỉ có một bài thơ “Tình Tuyệt Vọng”.

Đọc tập thơ “Nguồn Cội Yêu Thương” mỏng manh của Phạm Vũ Anh Thư chắc hẳn niềm quan ngại vừa được trình bày ở trên sẽ vơi đi vì thơ của Anh Thư vừa mang đến cảm xúc rất tươi mới, vừa nói lên được một phần năng lực sáng tạo thi ca của tuổi trẻ Việt Nam nơi đất khách.  Tập thơ đầu tay của Anh Thư  cũng vừa là “chiếc cầu thế hệ” bắc ngang qua giòng sông văn hóa Việt Mỹ.  Qua tâp thơ nầy, Phạm Vũ Anh Thư đã tự chứng tỏ được bản lĩnh của mình, đó là bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam đang vững vàng tiến bước đi vào mảnh đất thi ca và văn hóa của dân tộc Việt nơi quê người.  Đối với quê hương, Anh Thư đã về và đã thấy.

Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, Thu 2005

Bài viết liên quan