Cố Nhân

Ông bất giác nhìn lui phía sau khi taxi đến gần bãi đáp trước nhà hàng Tam Mã. Ồ. Tại sao phải nhìn lui, giờ mình còn gì phải sợ nữa đâu. Cử chỉ này, đã lâu lắm ông quên đi, từ khi không gặp Diễm nữa, có đến mười lăm năm nay rồi. Thỉnh thoảng có thấy email của nàng xuất hiện trong hộp thư, ông cũng chỉ đọc qua rồi xóa….Ông là người quyết đoán, đã dứt áo thì thôi, nhất định không ngoái lại.

Mặc dù đôi khi trong đêm thanh vắng, nỗi nhớ cũng day dứt vô cùng. Ở cương vị một quan chức, ông đâu có thời gian để mà ủy mị; Lịch họp, lịch công tác chi chít, con người có lúc chẳng còn là chính mình, nói gì đến nhớ thương. Có lúc trên ô tô giữa hai cuộc họp, ông thiếp đi, chợt nghe tiếng hát của ca sĩ nào đó vang ra từ máy stéréo trên xe. Một bài hát của Cung Tiến, bài Hoài cảm. Ông thấy lòng lịm đi, thấy hình ảnh nàng hiện ra trước mặt, thấy nụ cười nàng thơ dại như đứa trẻ, đôi mắt xanh trong, trong đến nỗi khi mới nhìn lần đầu ông ngỡ sau đôi mắt ấy không bao giờ có thể gợn lên một suy tính gì. Cảm giác lúc ấy thần tiên đến nỗi về sau ông giữ mãi trong xe CD ấy, chỉ để thỉnh thoảng nghe một câu da diết: Chờ nhau hoài cố nhân ơi….

Rồi ông về hưu, không thường đi lại bằng xe nữa. Chiếc CD lại lặng lẽ tỉ tê trong phòng ông những đêm khó ngủ.

Nghe là nghe vậy thôi, chẳng bao giờ ông nghĩ đến gặp lại cố nhân.

Vậy mà bây giờ ông sắp gặp nàng.

Chuyện này quả thực ngoài dự tính của ông. Ông biết mười lăm năm đã qua, cả hai bây giờ đã khác. Nhất là cuộc gặp gỡ này lại chẳng phải để hẹn hò, mà là để nói một câu chuyện quá nặng nề. Từ lúc về hưu, chuyển vào Nam, mặc dù vẫn còn rất nhiều mối quan hệ, ông đã khước từ mọi chuyện vận động, thuyết phục, xin xỏ. Chỉ muốn rũ áo gác kiếm để thảnh thơi trong lòng. Vì vậy, khi nghe vợ thăn thỉ: “Mình cố làm sao giúp Út Lan. Nó đang bị tiểu đường nặng vậy, nếu bị kết án đến mười năm làm sao sống nổi?” Ông chỉ thở dài: “Anh biết. Không nói là Út Lan, cho có là con đẻ của mình rơi vào hoàn cảnh đó cũng chẳng làm sao cứu được. Tình ngay lý gian là thế.” Vợ ông chảy nước mắt: “Mình có nhớ tình nghĩa của bác Hai thuở trước không, cái năm em sơ tán ở nhà bác ấy, mỗi lần bom dội bác nằm đè lên cu Tý nhà mình, bị thuơng tật cũng vì bao che cho con mình. Bây giờ con gái bác ấy gặp nạn, không lẽ mình khoanh tay ngồi nhìn?”

Út Lan, từ một chủ tịch lâm trường – đã khai phá hơn năm ngàn mẫu đất Tây nguyên, đã đem lại công ăn việc làm cho mấy chục ngàn dân di cư từ miền Trung vào, đã được khen thưởng, ca ngợi, tôn vinh – bỗng trở thành tội đồ, nay mai sẽ đứng trước vành móng ngựa, đối diện với bản án “Cố ý làm trái” – Vụ án của Út Lan, hàng chục tờ báo tranh cãi, bao nhiêu người ở vị trí còn cao hơn ông cũng đã lên tiếng bênh vực, vậy mà còn chẳng ăn thua. Thử hỏi ông có thể can thiệp được gì? “Sao lại không hở ông, người cao hơn ông không nói được, nhưng mà ông thì nói được.” “Bà nói gì tôi chưa hiểu?” Vợ ông nhỏ nhẹ: “Phan Ngọc Diễm vừa về nước tuần trước, ông ạ! ” Ông giật mình. Lặng người. Bao nhiêu năm nay ông cứ nghĩ vợ không biết gì về chuyện riêng tư của ông. Máu trong người ông như ngừng chảy trong một lúc. Lát sau, ông nói, nặng nhọc: “Tôi có biết cô ấy về đâu. Lâu lắm rồi không còn liên hệ gì.” Vợ ông vẫn nhỏ nhẹ: “Tôi biết, tôi tin mình mà.”

Câu nói làm ông tạm yên tâm phần nào. Bà là mối tình đầu, là vợ, là mẹ của các con ông, ông chưa bao giờ muốn làm gì cho bà buồn trong suốt cuộc đời.  Hơn ba mươi năm, trên đường công vụ, ông luôn bị những bóng hồng đe dọa. Nhiều nữ nhân viên tìm cách mua chuộc ông, làm duyên làm dáng với ông, có người nhân cùng đi công tác mời ông ghé nhà rồi dẫn thẳng lên lầu nói là để uống trà, nhưng khi lên đến nơi hóa ra lại đối diện với cái giường ngủ. Ông toát mồ hôi  rút lui, từ đó hễ phát hiện cô nào trong cơ quan có dấu hiệu đầu mày cuối mắt là ông cách ly người đó ngay không tạo cơ hội cho người ta tiếp xúc với mình. Bởi ông biết rõ thời ấy, bẫy tình là cái bẫy thê thảm nhất mà nhiều quan chức đã sụp vào, thân bại danh liệt. Tự kiềm chế đã thành thói quen, kể cả những lúc một thân một mình ông cũng giữ gìn quá kỹ. Như lần đi công tác ở Thượng Hải, đối tác cử một cô nhà báo trẻ trung xinh xắn dẫn ông đi tham quan thành phố, chỗ ở họ bố trí cho ông là một suite gồm một phòng khách và  hai phòng ngủ trong khách sạn năm sao, cái trớ trêu là hai phòng ngủ ấy lại thông nhau bằng một cửa ngách nhỏ. Cô nhà báo xinh đẹp, trước khi lui về phòng mình, lại còn nói rõ với ông: “Ngay sau cánh cửa này là phòng em.” Đêm ấy ông lên giường, không phải với  tâm tư rạo rực của người đàn ông trong hoàn cảnh “mỡ để miệng mèo” mà với những phân vân đầy suy tính: Cô gái này có thực là một nhà báo không? Có âm mưu gì sau hảo ý này không? Ông  chột dạ, nhìn quanh phòng, xem thử có gắn camera không, có máy thu âm đâu đó không. Nếu có, thì cũng chẳng tài nào phát hiện được. Rồi ông lại phập phồng lo, nếu nửa đêm cô ta cởi tuột quần áo rồi a lên giường mình thì mình có đối phó được không? Rất may là đêm đó cô gái chẳng động tĩnh gì cả, phần ông sau một ngày đi quá mệt, nên cũng thao thức một lúc rồi ngủ thiếp đi.

Sau này, kể lại với bạn bè, ông thường đùa: “Bây giờ nghĩ lại thấy mình dại quá!” Thật ra trong những phút thử thách đó, ông không thấy có gì khó khăn gay go như nhiều người tưởng tượng. Chủ yếu  là do ông bị hút trong công việc nên chẳng còn nhiều tâm trí cho chuyện trăng hoa, hơn nữa, ông có gia đình hạnh phúc, có người vợ hiền hậu yêu thương và luôn nhắc nhở ông giữ mình. Đối với ông, bà chẳng khác gì thiên thần hộ mệnh.

Mọi chuyện chỉ khác đi khi ông gặp Diễm. Nàng xuất hiện trong đời ông vào những năm đầu 90, khi cuộc sống đang bung ra, cách làm ăn bung ra, quan niệm về cách sống cũng khác đi…Đấy cũng là thời điểm khó khăn trong cuộc sống vợ chồng: Vợ ông đang qua khỏi tuổi năm mươi, tấm thân mảnh mai ngày nào đã bắt đầu “bể phom”, lại đang thời kỳ mãn kinh với bao nhiêu trục trặc về cơ thể. Hai vợ chồng bắt đầu ngủ riêng phòng, gần gũi nhau càng ngày càng thưa, rồi bỗng nhiên trong lúc đang còn lay hoay tìm cách điều chỉnh sự trục trặc thì bà bỗng đột ngột tuyên bố: “Ngày xưa, bố mẹ em đến năm mươi là đã hết.” Lúc ấy ông chỉ nghĩ có lẽ vợ mình chịu ảnh hưởng giáo dục quá nghiêm khắc từ một gia đình Nho phong. Bây giờ nghĩ lại, rất có thể ngay từ lúc ấy bà đã nắm được thông tin về Diễm, và vì lòng tự ái bà không muốn để chồng âm thầm so sánh cơ thể mình với thân thể một người đàn bà trẻ hơn mình đến hai mươi tuổi.

Chỉ có ông là ngây thơ. Ông đã cố gắng hết sức để cho bà được bình yên. Ngay khi đang yêu Diễm say đắm, ông cũng không quên tạo một lớp vỏ bọc hoàn hảo để bà khỏi nghi ngờ. Rồi khi xảy ra tình huống có thể làm đau một trong hai người đàn bà, ông đã đành lòng để cho Diễm bị tổn thương.

©©©

Lúc ấy là tầm giữa  chiều, nhà hàng còn vắng lặng, một mình ông bước vào ngồi trong một góc kín đáo sau những chậu cây phát lộc xanh tốt. Cái nhà hàng sang trọng  nằm trên một đường chính ở trung tâm thành phố, ở cái nơi “tấc đất tấc vàng” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vốn là một trong những ngôi nhà của một quan chức hàng đầu trong chính phủ. Ngày ông còn đương chức, có lần vào công cán ở thành phố đã được mời dự tiệc ở đây. Vị quan trên đó đã chết hơn mười năm, bây giờ các con của ông ta cho chủ nhà hàng này thuê mỗi tháng đến sáu nghìn đô. Ông nhìn quanh: chẳng còn chút dấu vết gì của người chủ cũ.

Ông nhìn đồng hồ: ba giờ mười phút. Sợ kẹt xe nên ông đã đi hơi sớm. Mười lăm năm trước, người đến sớm thường là Diễm. Còn ông bao giờ cũng đến sát giờ hẹn, có khi trễ đôi chút, vội vội vàng vàng. Nàng rất hay dỗi, lúc nào cũng nũng nịu trách móc rằng đến trễ lẽ ra phải là đặc quyền của đàn bà…Nhưng rồi hờn dỗi cũng qua thôi, vì ông biết nói những câu làm cho nàng nguôi lòng, luôn có những món quà bất ngờ, không phải những thứ đắt tiền cho lắm nhưng được lựa chọn rất thông minh đủ cho nàng nhận thấy trong đó chứa đựng rất nhiều yêu thương và quan tâm.

Ông đốt một điếu thuốc, tranh thủ hút trước để lát nữa khỏi nói lời xin phép phụ nữ. Đã có thời thân thiết đến thế nhưng dù sao giờ đây Diễm cũng vừa trải qua năm năm trời sống ở Mỹ, khó mà chấp nhận được việc ngửi mùi khói thuốc từ một người đàn ông. Lát nữa đây thôi, họ lại sẽ ngồi đối diện với nhau trong bữa ăn, như cái lần đầu ấy. Thực lòng chỉ muốn về nhà, nhưng người trợ lý mời tha thiết quá, ông phải nhận lời đi ăn cơm niêu, lúc ấy đang là mốt mới ở Hà Nội. Tưởng là  sẽ chén tạc chén thù với một người đàn ông thì ông lại gặp thêm ở đó một phụ nữ. “Em xin giới thiệu với sếp cô em gái, nhờ sếp quan tâm.” Việc mà anh ta nhờ, là giúp cho cô em, vốn là trưởng phòng giao dịch của một công ty nhỏ trong Sài Gòn. Công ty đang trên đà phá sản, đang cần những lời khuyên và kinh nghiệm của ông. Ông cảm thấy thoải mái vì anh ta chẳng xin một điều gì cụ thể, khỏi phải cân nhắc đắn đo, hay tìm lời từ chối. Còn sự ủng hộ, thì là một việc về lâu về dài, một cuộc điện thoại, một chút tin tức, thậm chí nhận cho một món quà cũng đã có thể gọi là ủng hộ rồi.

Điều làm ông có ấn tượng với Diễm là cô chẳng có vẻ gì là một trưởng phòng giao dịch. Tuổi trạc ba mươi, chân dài, đẹp cỡ hoa hậu nhưng trông cô có dáng ngoan hiền và thơ dại của một nhà thơ hơn là một nhân viên kinh doanh năng nổ. Ánh mắt cứ lạc loài như con nai vàng ngơ ngác vậy thì kinh doanh cái gì, ông nghĩ thầm. Ông đưa cái menu cho cô chọn món ăn. Cái menu ấy là menu tiếng Anh. Cô lúng túng, ông nhận ra cô nàng không biết ngoại ngữ. Vào những năm tám mươi, nhân viên giao dịch không biết tiếng Anh là chuyện bình thường, nên ông chẳng lấy làm lạ.

Chính vì chuyện không biết một tiếng Anh bẻ làm đôi nên Diễm suýt đi lạc ở sân bay khi  đến Thụy Sĩ lần đầu. Ông bay từ Hà Nội, đến trước nàng mười một ngày, lo xong công vụ ông hồi hộp chờ chuyến bay từ Sài Gòn tới. Nhưng chờ mãi không thấy nàng xuất hiện ở cửa ra.  Một người đàn bà non trẻ, không biết tiếng tăm, lần đầu ra nước ngoài, lần đầu đi giữa mê cung của những sân bay quốc tế, nơi tất cả đều được hướng dẫn bởi những con số chứ không có một bảng chỉ tên thành phố, đường bay nào cả; Không chừng nàng đã nhỡ mất chuyến bay khi transit ở Frankfurt? Ông muốn phát điên vì tuyệt vọng, nghĩ thầm nếu lạc mất nàng chắc cả đời ông không thể tha thứ cho mình: Vì muốn giữ bí mật tuyệt đối cho ông mà Diễm phải đi một thân một mình như thế đến nơi xa lạ này. Suýt nữa ông đã làm một việc rất liều lĩnh là gọi điện cầu cứu tòa Đại sứ Việt Nam tại Đức. Một chuyện sẽ làm ông hối hận bởi nó hoàn toàn khác sự thận trọng của ông thường ngày. Nhưng ông nhất định đã làm việc đó, nếu Diễm không hiện ra đúng lúc giữa đám đông người, cạnh cửa ra. Nàng hiện ra, mảnh mai và sang trọng, giữa những hành khách da trắng tóc vàng, khuôn mặt trẻ trung tươi tắn dù mới qua một chặng bay dài thâu đêm. Ông sững người nhìn nàng, mừng rỡ, vui sướng và không khỏi ngạc nhiên: nãy giờ ông cứ lo rằng lạc giữa nơi chốn xa lạ này, ắt nàng phải lo sợ đến phát khóc.

Hóa ra người lo sợ đến phát hoảng là ông. Ông quên rằng một người đàn bà xinh đẹp luôn tìm được sự giúp đỡ. Không biết một tiếng Anh bẻ nửa nhưng nàng đã được một hành khách người Mỹ giúp chuyển máy bay ở Frankfurt, rồi đến đây lại được một người Đức giúp lấy hành lý và đưa đến ngay cửa ra. Nàng nhìn ông, âu yếm, rạng rỡ, giữa lúc ông đang còn chết điếng vì lo sợ.

Ông ôm chầm lấy nàng, hoàn toàn khinh suất, nhưng trong đời người ta phải được khinh suất đôi lần như thế thì cuộc sống mới thực là cuộc sống.

Thế là Diễm đã thuộc về ông sau hai năm trời khắc khoải vừa lảng tránh, vừa theo đuổi. Từ lâu ông đã thấy vẻ dâng hiến ngoan ngoãn trong mắt nàng, nhưng trên cả dải đất Việt Nam ông thực tình không dám. Ông H, bộ trưởng văn phòng chính phủ, người rất yêu mến ông, thỉnh thoảng gặp ông vẫn nhắc chừng: “Này, cẩn thận đấy nhé, cái ghế chú đang ngồi hiện có mười hai thằng chực nhảy vào đấy.”

Dù sao đi nữa, trong ông vẫn có một người đàn ông. Đến một lúc nào đó, sự khao khát làm ông không còn biết sợ. Vả lại, cuộc hẹn hò đầu tiên này được tổ chức quá ư cẩn thận. Trong cái khách sạn nho nhỏ ở ngoại ô Zurich, nơi có những cửa sổ viền đầy hoa của miền ôn đới, ông đã có đêm hạnh phúc đầu tiên sau hai năm trời ăn nằm chay tịnh, hai năm làm một người đàn ông chỉ có sử dụng tối đa năng lượng của bộ não mà hoàn toàn bỏ mặc năng lượng của con giống. Một cuộc sống khổ hạnh mà nhiều khi nghĩ lại ông không khỏi tự  xót cho mình.

Nàng muốn tắt đèn, nhưng ông ngăn lại. Nàng ngước nhìn ông, bối rối, rồi ngồi vào một góc giường khuất ánh đèn nhất, cởi giầy ra. Ông ôm lấy nàng, nhẹ nhàng đặt nàng nằm ngửa trên giường, để cho ánh đèn tỏa sáng trên đôi ngực trắng tròn. Nàng phản ứng như trẻ con: thay vì đưa tay che ngực, thì nàng che mắt mình lại. Ông cúi xuống ngậm núm vú nàng hồng hồng, cảm thấy sự sống từ đó tuôn vào trong thân thể mình ào ạt như một dòng sữa vô hình.

“Để em yêu anh.” Nàng thì thầm bên tai ông trong khi đẩy ông nằm xuống nệm. Ông hơi ngạc nhiên thấy nàng không còn vẻ e lệ nữa, dạn dĩ ngồi trên người ông, phơi đôi ngực trần rực rỡ. Ông hiểu, nàng không muốn ông tổn hao nhiều sức lực vì để gặp được nhau ở đây ông đã phải lao tâm tổn trí hơn nàng nhiều lắm. Ông nhắm mắt, cảm thấy phía trong cơ thể nàng, nóng ấm và trơn ướt, ông trượt lòng bàn tay trên hai bắp vế mịn như lụa. Rồi bất chợt tư thế nằm dưới làm ông cảm thấy bất ổn, ông lật mạnh nàng xuống. Dù bị đè nặng, nàng vẫn không ngừng bám níu và siết chặt ông bằng cả cơ thể nóng hổi, cho đến lúc ông kêu lên một tiếng và cảm nhận rất rõ mình đang trào ra khỏi chính mình. “Cứ nằm yên nhé, anh xin em!” Ông nói qua hơi thở, vừa nói vừa vòng tay áp chặt nàng vào người. Hai trái tim đập lồng lên bên nhau, chúng cứ đập loạn lên như thế hàng chục phút cho đến khi hai thân thể  chùng xuống thư giãn và hai đôi mắt ríu lại, chìm vào giấc mơ hạnh phúc.

Zurich.

Ông không bao giờ quên thành phố ấy, trong hàng mấy mươi thành phố mà ông đã đi qua trong suốt đời mình.

©©©

“Chú dùng gì ạ?” Người hầu bàn đến bên ông. Ông giật mình. “Cho chú một ấm trà. Chờ một chút, món ăn sẽ gọi sau.” Ông mở cái menu bọc da trên bàn. Có món bò filet nướng với xốt hành hương kiểu Pháp, giống như ở cái nhà hàng nhỏ ấm áp ven dòng sông Limmat ngày ấy. Mắt ông dừng lại, nhưng rồi ông nghĩ, mười lăm năm đã qua, khẩu vị của nàng chắc đâu còn như cũ.

 Mobile của ông rung lên trong túi. Diễm đang gọi.

“Em xin lỗi anh! Cho em đến trễ khoảng nửa giờ anh nhé?”

Nửa giờ. Khá lâu. Ông hơi phật lòng. “Sao? Bận quá phải không, bây giờ em lo toàn chuyện đại sự mà.” Nàng cười, vẫn giọng cười đó, nghe thoáng một chút nũng nịu rất dễ thương. “ Lại châm chọc em rồi, tội nghiệp mà. Cho em nán lại một chút vì phóng viên VTV bảo em phải bật ti vi xem ngay chương trình về em. Phải xem một chút kẻo người ta hỏi cảm tưởng lại chẳng biết nói sao.”

“Được thôi, tùy em.” Ông lại phải nói cái câu mà trước kia ông vẫn nói mỗi khi kết thúc  chuyện bàn cãi giữa hai người. Chương trình Thời ta sống. Gặp gỡ với nữ doanh nhân Ngọc Diễm, chủ tịch tập đoàn New Spaces. Ông nghĩ thầm: “Ai vậy? Có phải là cún bông bé bỏng của mình không?” Nàng nhỏ hơn ông đến hai mươi lăm tuổi nên ngày ấy mỗi khi ôm nàng vào lòng, ông thường nói đùa : “Anh là một người lớn thích chơi thú bông!” Nàng dịu dàng lườm ông: “Thì người lớn nào mà chẳng thế!”

Khi nói vậy chắc hẳn nàng muốn bóng gió nhắc đến ông bộ trưởng X, người nàng đã nhiều lần gặp trong các cuộc tiếp tân do thành phố tổ chức. Ông bộ trưởng vẫn thường bảo ông trong giờ thư giãn ngoài hành lang tiền sảnh: “Cấp dưới của ông trông kháu lắm đấy, được gì chưa?” Ông chỉ nhăn mặt đánh trống lảng: “ Này ông, đừng có mà vớ vẩn!”

Chiếc ti vi treo trên một góc phòng. Người hầu bàn đã theo lời ông, chuyển kênh sang VTV4. Diễm hiện ra. Ông định gọi điện bảo nàng đến đây cũng xem được, nhưng rồi lại thôi, quả là chẳng thú vị gì sau mười lăm năm gặp lại mà những phút đầu tiên lại đi châu đầu vào màn hình. Mười lăm năm qua, nàng vẫn đẹp quá, hình như thời gian chỉ lướt qua và chạm vào nàng rất khẽ. Người dẫn chương trình đang nói tóm tắt về nàng, một phụ nữ Việt Nam đã kinh doanh thành công ở Mỹ, nay trở về đầu tư vào thị trường Việt. Trên màn hình đang nhấp nháy những dòng tóm tắt về bước đầu khởi nghiệp: Năm 1994, được bổ nhiệm Phó giám đốc công ty Thiên Thanh trực thuộc Ban ….”

1994, một năm sau cuộc gặp ở Zurich. Thành thật mà nói, ông đã không hề làm động tác gì để cho nàng được bổ nhiệm. Đó là điều ông có thể khẳng định bằng danh dự. Nhưng nàng lên vùn vụt từ khi gắn bó với ông. Hồi đó nàng thường nũng nịu bảo: “Vì em hợp vía mình.” Công việc của nàng luôn luôn suôn sẻ tốt đẹp, vì vậy uy tín tăng lên mở đường thăng tiến cho nàng. Công ty Thiên Thanh từ chỗ sắp phá sản đã ngóc đầu dậy thành một đơn vị có uy tín liên tục được khen tặng. Thực sự  ông đã làm mọi điều để yểm trợ cho công việc của nàng càng ngày càng tốt hơn.

Từ sau cuộc hẹn ở Zurich, ông chưa có đêm nào trọn vẹn với nàng. Trên đất Việt Nam ông chẳng thấy nơi nào là an toàn cả. Lại những lần gặp gỡ vội vã. Ông tự bằng lòng với hạnh phúc vá víu, tự nghĩ chừng đó là quá  đủ.

Nhưng cún bông bé bỏng không nghĩ như vậy. Hôm ấy là sinh nhật thứ ba mươi ba của nàng, ba năm sau ngày họ quen nhau.

Với ông đấy là một đêm bão tố.

©©©

Trên ti vi, hình Diễm đang được chiếu cận cảnh. Ông cố nhìn kỹ, chưa hề có nếp nhăn nào xuất hiện. Khuôn mặt này mịn màng và tươi sáng, không giống vẻ mặt nàng trong cái đêm ấy. Bao năm đã qua, bây giờ tóc chắc chắn đã nhuộm, nàng vẫn giữ được nụ cười thơ dại tưởng có thể  làm xiêu lòng cả Thượng Đế. Chỉ có ánh nhìn trong đôi mắt nàng khác đi, sự từng trải và tinh khôn ẩn dưới cái nhìn hiền hòa, làm ông thấm hiểu được bao nhiêu chặng đời nàng đã đi qua, bao nhiêu độ cao nàng đã đạt tới, và sức nặng của cả khối tài sản kếch sù nàng đang nắm giữ. Trong khi nàng cứ ngồi nghiêng nghiêng với cái vẻ hơi mơ màng, người dẫn chương trình đột ngột hỏi  một câu: “Theo chị, tiền là gì ?”

Ông mỉm cười. Anh chàng MC này có vẻ muốn biến chương trình thành một thứ live show văn nghệ. Mà tại sao không nhỉ, trong đám đông mấy chục triệu người đang theo dõi chương trình hôm nay, có mấy người biết Diễm là người thế nào, càng chắc chắn không một ai học tập được gì ở kinh nghiệm cuộc đời nàng. Người ta xem là để cho vui, xem để có cảm giác hưng phấn về thời điểm mình đang sống, không phải tâm lý của một người xem live show là gì?

Nhưng Diễm bằng xương bằng thịt đã tới kia rồi. Qua cửa sổ căn phòng đang ngồi, ông thấy chiếc BMW dừng lại, người lái xe bước xuống chạy ra sau mở cửa. Đã chuẩn bị trước nhưng khi nàng bước vào phòng, ông vẫn đột ngột thấy tim nhói lên một cái mạnh mẽ. Theo thói quen từ hai năm nay, mỗi lần thấy tim nghẹt đi như vậy ông lại đưa tay phải bấm vào huyệt khích môn trên cổ tay trái cho nhịp tim bình thường trở lại. Diễm mặc đúng bộ váy tím hồng mà nàng đã mặc để xuất hiện trong chương trình ti vi, mặt nàng hướng về phía ông.

Ông đứng dậy nắm lấy tay nàng. Tim ông vẫn nhói, ông nghĩ, có lẽ sắc mặt mình lúc này không bình thường cho lắm.

Nàng cũng vậy, chắc chắn không bình thường, dù miệng vẫn cười tươi tắn nhưng mắt  ánh lên một vẻ oán trách hờn dỗi, vẻ trách oán làm ông có cảm giác như mới đêm qua họ vừa gặp nhau nơi cái khách sạn nhỏ hẻo lánh trên bờ biển ấy. Đêm sinh nhật thứ ba mươi ba của nàng.

Họ hẹn gặp nhau ở thành phố Cảng, bởi cùng lúc ấy ông đến dự một cuộc họp ở Hải Phòng, được Tổng công ty tại đó đặt phòng trong một khách sạn năm sao ở trung tâm thành phố. Diễm bay ra từ Sài Gòn, tất nhiên ông không dám đón nàng đến khách sạn nơi ông đang ở. Ông đặt phòng cho nàng nơi một khách sạn cỡ một sao rưỡi trên bờ Đồ Sơn, không phải vì keo kiệt tiền bạc với nàng, mà vì địa điểm hẻo lánh của khách sạn nhỏ ấy làm ông yên tâm hơn về mặt bảo mật.

Không đem hoa, vì một bó hoa trên tay một người đàn ông đứng tuổi chắc chắn sẽ gây nhiều chú ý, ông đem đến cho nàng bộ nữ trang kiểu mới nhất vừa ghé mua ở tiệm kim hoàn ngay trên đường đến Đồ Sơn, vì việc sắm sẵn một món quà rõ là dành cho phụ nữ sẽ quá mạo hiểm, nhất là khi vợ ông vẫn có thói quen cẩn thận giúp chồng xếp đặt lại va li và cặp diplomate trước giờ lên đường. Do vội vàng, ông đã phạm sai lầm chết người: Đó là sợi dây chuyền dài nhất, đẹp nhất, nhưng mặt dây chuyền thay vì mang chữ D thì lại mang chữ H- chữ cái đầu tên vợ ông. Diễm đập đầu vào tường, nàng gần như phát điên.

Ông thề thốt xin lỗi, nhưng nàng vẫn không thôi gào khóc, nhắc lại câu hỏi đã lập đi lập lại từ ba năm nay: “Anh tính cho em thế nào đây?”

Ông rất yêu nàng nhưng tất nhiên ông đã không tính gì cả. Ông biết có ngày sẽ mất nàng và cứ cố trì hoãn được ngày nào hay ngày đó. Có lúc ông tự huyễn hoặc mình, như tất cả những tình nhân trên đời vẫn thường bị huyễn hoặc: biết đâu chừng, nàng quá yêu ông nên sẽ chấp nhận sống như thế, mãi mãi là của ông trong vòng bí mật, ông sẽ tìm mọi cách đền đáp và mãi mãi không phụ nàng. Nhưng Diễm không cam chịu như vậy: “Anh định biến tôi  thành vợ bé hay sao? Hay tệ hơn nữa, là gái bao cao cấp của anh? Anh nói thẳng một lần đi, anh có ly dị được không, có cưới tôi làm vợ được không?”

Lâu nay khi nàng còn thỏ thẻ thì ông luôn tìm cách lảng tránh, hoãn binh, nhưng bây giờ khi bị nàng dồn đến chân tường thì ông chẳng có cách gì hơn là nói thật ý nghĩ của mình. “Em có bao giờ thấy có quan chức nào từ hàng vụ trưởng trở lên dám ly hôn với vợ không? Anh không thể….”

“ Quan chức thì không phải là người à? Biết thế thì đừng có ôm lấy tôi!” Nàng càng xô ra, ông càng cố ghì chặt lấy nàng. Diễm nức nở, quẫy đạp, rồi bỗng thò tay vào túi áo ông, rút lấy điện thoại của ông. “Tôi sẽ tố cáo anh! Tôi sẽ gọi cho vợ anh!” Tái mặt, ông buông ngay Diễm ra để giằng lấy điện thoại. “Em khùng sao? Ai tin em?” Diễm bấu mười móng tay nhọn sắc vào cánh tay ông. “Sao lại không tin? Tôi sẽ có bằng chứng làm cho bà ấy phải tin!”

Ông đã lấy lại được điện thoại. Nàng vật mình, nhào sang chụp lấy điện thoại phòng. Ông bắt đầu mất bình tĩnh. Dúi nàng xuống giường, ông trừng mắt, gằn từng tiếng:

-Bà ấy sẽ tin, nhưng sẽ nói không tin. Bà ấy sẽ bảo vệ chồng chứ không bao giờ đứng về phía tình địch. Em hiểu chưa?

Diễm nức lên một tiếng, tay chân chợt mềm nhũn rã rời, sức mạnh và sự hung hăng tiêu tan. Nàng biết ông nói đúng. Nàng không khống chế được ông, ông thừa sức kiềm tỏa được nàng. Thấy cún bông của mình bỗng chốc rũ liệt như bị nhúng nước, sự tức giận trong lòng ông lắng xuống. Cảm giác  yêu và xót lại choán ngập tim ông. Nàng thật thông minh, một khi đã hiểu ra vấn đề thì không bao giờ nhì nhằng rắc rối kiểu đàn bà. Chính vì thế ông rất thích nàng.

Đêm đó ông đã vuốt tóc, lau nước mắt nước mũi cho Diễm và âu yếm dỗ dành, nhưng  không làm tình, như một cách cho nàng hiểu rằng không thể dùng tình dục để biến ông thành nô lệ. Ông nghĩ lần sau sẽ cưng chiều nàng hơn nữa để bù đắp những gì quá tệ hại hôm nay. Đó là sai lầm của ông. Nàng đã cảm thấy như bị hất hủi. Tệ hơn thế nữa, trước nửa đêm ông đã vội quay về khách sạn năm sao, bởi không muốn sáng mai người ta phát hiện mình ngủ ở chỗ khác.

Đêm đó, nằm một mình trong căn phòng trống trải, Diễm đã nghĩ đến việc rời bỏ ông- một điều trước đây nàng không tưởng tượng nổi. Nàng nhận ra rất rõ ràng, dù chiều chuộng nàng đến đâu đi nữa, khi cần ông sẽ hy sinh nàng không lưỡng lự. Xưa nay bao giờ chẳng thế, chỉ có tướng sĩ hy sinh cho chủ soái chứ chủ soái có hy sinh cho ai bao giờ. Trên bàn cờ, con tướng bao giờ chẳng là con còn lại cho đến tàn cuộc.

Nàng quyết tâm tách ra khỏi cái bóng của ông, tự mình lập lấy một thái dương hệ của mình, trong đó nàng sẽ không bao giờ phải làm vệ tinh cho bất cứ ai.

Chắc hẳn kỷ niệm nặng nề năm xưa đang trở lại nên vẻ mặt nàng càng lúc càng nặng trĩu sau vẻ tươi cười. Ông lặng lẽ chờ cho tim thôi hồi hộp, chờ cho nàng lên tiếng. Người hầu bàn lại đến. Diễm chỉ liếc sơ menu. Nàng gọi một dĩa xa lát Nga, món ngày xưa ông vẫn thích. Một chai vang Chateau de La Tour, cũng là loại rượu ngon ông thường gọi mỗi khi có mặt nàng. Cảm động vì thấy người xưa vẫn nhớ thói quen cũ của mình, ông không muốn nói ra rằng từ khi bảy mươi tuổi, theo lời khuyên của vợ ông đã bỏ không dùng xa lát Nga vì loại xốt mayonaise chứa quá nhiều cholesterol có hại cho mạch máu, và cũng vì đề phòng huyết áp nên rất hiếm khi ông dùng rượu. Nhưng mà đâu có sao. Hiếm khi nghĩa là vẫn có khi. Một buổi gặp gỡ như hôm nay, có họa là điên mới đành lòng nói với người xưa: “Anh sợ chết.”

Ông muốn làm tất cả những gì nàng thích, miễn là nàng trút bỏ cái vẻ nặng trĩu sau nụ cười kia. Sau cái đêm ở Đồ Sơn, Diễm đã dứt khoát không gặp lại ông nữa. Ông đã mua cho nàng một mặt dây chuyền khác, đẹp hơn, đắt hơn và mang đúng chữ cái tên nàng, nhưng nhiều lần hẹn gặp nàng đã không đến. Cuối cùng ông nhận ra, cún bông đã bỏ ông, như trước đây ông vẫn biết có ngày sẽ như thế. Vốn là một nhà đàm phán giỏi trên các bàn tròn kinh tế, ông biết mình đã kéo dài cuộc thương lượng này đến hết khả năng của mình, rõ ràng quyền lợi đôi bên không tương thích được với nhau và giờ đây đối tác đã bỏ cuộc.

Trước mặt ông, Diễm bỗng nhiên bật cười. Nàng đang nghĩ gì, thật kỳ lạ, có thể điều nàng nghĩ cũng là điều ông đang nghĩ.

 “Mười lăm năm không gặp. Anh có thấy em khác trước nhiều không?”

Nhịp thở bình thường trở lại. Ông không muốn nói những câu đầu môi thông thường mà đàn ông thường nói khi lâu năm gặp lại một người đàn bà: Vẫn đẹp, vẫn trẻ, không khác gì xưa….“ Em đã giỏi lên nhiều quá. Hơn mức anh tưởng tượng. Lúc nãy trong chương trình giao lưu, em đã có những câu nói rất hay.”

Diễm đã nói về kinh nghiệm kinh doanh ở Mỹ. Làm sao để vay được vốn trong hoàn cảnh hai bàn tay trắng. Làm sao để có khách hàng đông đảo tín nhiệm. Làm sao để tồn tại được trước sự cạnh tranh của các công ty giàu mạnh bản xứ….Ông nhìn mắt nàng. Có gì đó khó tả. “ Những gì em nói là để nói với người ngoài. Chẳng có gì giấu được con mắt anh, vì vậy em chẳng muốn khoác lác với anh làm gì.” Đúng vậy, khi xem chương trình ông đã nghĩ, chẳng ai học tập được theo nàng đâu. Vì họ làm sao biết trong tay nàng là vốn của ai, ai hưởng lợi từ đó, họ càng không thể biết rằng công ty địa ốc của nàng chẳng bán nhà cho người Mỹ mà chỉ mua nhà của người Mỹ thôi, và nàng chẳng cần đến biện pháp kinh tế nào ngoài nụ cười thơ dại và một trái tim xảo quyệt.

Nàng làm được điều đó vì có những người đàn ông luôn đứng sau lưng nàng. Hơn ba tháng sau đêm sinh nhật bão tố ở Đồ Sơn, ông gặp lại nàng trong một buổi tiếp tân ở Sài Gòn. Nàng ngồi cùng bàn với ông Bộ trưởng X. Người ta đang dọn món tráng miệng đặc biệt của miền Nam, trái vú sữa. Ông X  tràn đầy hứng thú, vừa cầm trái vú sữa nắn bóp vừa khoái trá nói về cách ăn. “ Phải bóp thật kỹ thì ăn mới đã đời!” Cả đoàn thủ hạ mặc complet ngồi quanh cười lên ha ha, tiếng cười thật dung tục.

Khi gặp nàng ngoài hành lang, ông nói khẽ vừa đủ nàng nghe:

_Em có biết ông ta đối với đàn bà như thế nào không?

Ông không tiện nói cặn kẽ về cả một danh sách phụ nữ người ta đồn đại đã qua tay ông ta. Đấy là một người tài giỏi cả về sự lươn lẹo nơi chốn quan trường lẫn tài chim chuột, và nhất là cái tài xóa dấu vết để tất cả mọi chuyện ai cũng biết mà chẳng ai có bằng cớ gì. Nàng quắc mắt nhìn ông :

-Thì đã sao? Anh có tốt hơn không?

Ông giận tím mặt vì sự so sánh làm ông cảm thấy bị xúc phạm quá nhiều. Ngực ông thắt lại khi nghĩ  rồi đây biết đâu nàng sẽ thành cún bông của người đàn ông có hơi thở nặng mùi ấy. Càng buồn hơn khi có rất nhiều đàn bà  tranh nhau thở hít chút không khí nặng mùi quanh ông ta. Diễm cười uất hận: “Phải ngửi cái hơi thở ấy có đau đớn hơn là chịu đựng những gì anh đã nói với tôi không?”

Diễm đi qua cuộc đời ông bộ trưởng không lâu. Một năm sau, ông ta bị cất chức và bị điều tra. Nàng vẫn không bị liên can gì, và đã có người đàn ông khác. Rồi người đàn ông khác. Cứ một người ra khỏi đời nàng thì nàng lại bước lên một cấp quan hệ cao hơn, thế lực hơn. Gần như nàng đã xếp những xác đàn ông theo hình chóp nón kim tự tháp để làm bậc thang đi lên vậy. Những tin đồn về nàng không ngừng bay đến tai ông. Vào cái năm trước khi đột ngột bay sang Mỹ, Diễm đang là con nuôi của một nhân vật mang quân hàm cấp tướng.

“Cha nuôi em thế nào, có ổn không?” Ông hỏi thăm cho phải phép, chứ ông cũng biết ông tướng đã bị tai biến não, muốn bước đi phải có hai người xốc nách. “Cha nuôi em ấy à?” Diễm không trả lời mà chỉ đay lại câu hỏi, nhấn mạnh hai chữ cha nuôi với một giọng mỉa mai.

Người hầu bàn rót rượu, lót tay bằng chiếc khăn trắng. Hai người khẽ chạm ly, màu vang đỏ lung linh sóng sánh như một thứ máu trong suốt. Diễm trầm ngâm: “Anh đã dạy em một điều: Đời là một cuộc thương lượng. Tình yêu cũng là những cuộc thương lượng. Từ khi học được bài học đó em đã không hề biết đau đớn.”

Ông khẽ đặt tay lên bàn tay nàng đang để trên bàn. “Thôi mà, anh xin em.” Vâng, đúng ông đã nói với nàng về cuộc đời như thế. Sau này, khi đã qua tuổi bảy mươi, ông nhìn ra một khía cạnh khác của cuộc sống, ông nhận ra những người hành hương đến trước đền thờ mang theo hương hoa đẹp nhất, thơm nhất mà họ kiếm được, họ không thương lượng với thánh thần và chẳng nhận của thánh thần điều gì ngoài cảm giác ngọt ngào của niềm tin. Lẽ ra tình yêu cũng phải như thế. Tiếc rằng đã không như thế.

Thôi đừng ngậm ngùi nữa. Tất cả đã là quá khứ. Ông  dứt khoát quay lại với mục đích ban đầu. “Em còn nhớ Út Lan không?”

“Sao không?” Diễm như sực tỉnh. “Cái cô nàng Bôn sê vích ấy, làm sao em quên được!” Hồi ông còn có Diễm, Út Lan có lần đã làm ông giật cả mình. Một lần từ cao nguyên về  Hà Nội họp, cô ghé thăm và nói với ông về chuyện Diễm can thiệp vào các cuộc đấu thầu của bộ ở cao nguyên. Cứ mỗi cuộc đấu thầu sắp diễn ra thì nàng lại gặp nhà thầu và hỏi họ với bộ mặt thiên thần: “Tôi đang định tham gia nhưng nghe nói bên anh cũng muốn vào. Nếu thật anh đã vào chắc tôi phải xin rút thôi.” Nhà thầu nhìn thấy hào quang sau lưng nàng nên mới nghe đã phát sốt, bỏ khí giới xuống hàng ngay: “Trước kia tôi không biết nên định vào thật, nay nghe nói có cô thì tôi xin thôi. Từ nay cuộc nào có cô thì xin cho biết, cuộc nào có tôi, tôi cũng xin báo với cô để nhường nhau, vậy được không?” Nghe Út Lan nói, ông không tin, cảm giác ông lúc đó rất bực bội, nhưng không dám gay gắt vì đang trong bữa cơm thân mật có vợ ngồi ngay bên cạnh. Vợ ông nhẹ nhàng bảo: “Người ta nói con chim bằng nhìn thấy được vạn dặm, nhưng trong khoảng cách từ nửa dặm đến chân nó thì nó không thấy gì hết.” Út Lan xì một tiếng: “Chị có biết vì sao chim bằng lại bị viễn thị như vậy không?”

Ông chột dạ liếc sang vợ. Út Lan có nghe tiếng tăm gì về ông không? Diễm là bông hoa hương sắc, lại thường lui tới gặp gỡ những chốn quyền lực. Những gì liên quan tới nàng không thể không gây tò mò cho thiên hạ… Tính Út Lan thì thô mộc, có gì nói nấy, chẳng  ý tứ gì. Liệu cô ta có nói linh tinh gì làm cho vợ ông suy nghĩ không? Thấy trên mặt vợ vẫn là những nét nhẹ nhõm thường ngày, ông yên tâm, quay sang xoa dịu Út Lan. “Này cô, cứ lo việc thiên hạ mà thân mình thì chẳng lo, đã cất lưới được anh nào chưa hay là bắt anh chị phải đứng ra làm mối đây?” Út Lan đang hùng hổ chợt chùng xuống, xuôi xị: “Chắc em sống chết với nông trường cà phê suốt đời thôi. Cũng tại anh hồi đó tặng em cuốn Thép đã tôi thế đấy, em cứ theo gương Pavel Corsaghine phấn đấu đến bại cả người, bây giờ quá lứa rồi, còn ma nào dòm đến.”

“Út Lan bị tạm giam hai tháng rồi. Chắc em có đọc báo?”

“Sao vậy? Em chỉ biết tin chị ấy được nhận huân chương, huy chương, đủ thứ danh hiệu.”

“Lâu rồi. Thời oanh liệt của cô ấy đã qua rồi.”

Diễm lặng lẽ nhìn xuống những móng tay sơn hồng. “Bất ngờ quá. Em không thể nào tin được.”

“Em thật sự bất ngờ chứ? Vậy mà nhiều người nghĩ là chỉ có em mới gỡ rối được cho Út Lan.”

Diễm có dáng vẻ như đang rụt lại. Nàng đang đánh hơi: Có một cuộc thương lượng đang bắt đầu. “ Sao vậy? Em thì liên quan gì đến chị ấy?”

Ông cân nhắc một chút, rồi quyết định đánh bài ngửa. Kinh nghiệm sống cho ông biết, trước những người quá thông minh, cách đàm phán tốt nhất là nói thẳng sự thực.

“Người ta bảo, người đứng đằng sau vụ Út Lan chính là em.”

Diễm cười, vẫn nụ cười thơ dại: “Anh nghĩ em nhỏ nhen đến thế sao?”

Không. Ông không bao giờ đánh giá nàng thấp như vậy. Dù con đường của nàng có ma đạo đến đâu thì những bước đi thần kỳ như thế cũng chứng tỏ một bản lĩnh không hề tầm thường. Nàng không đẩy Út Lan vào tù, nhưng sức mạnh của khối tài sản trong tay nàng đã vô tình làm điều đó. “Tập đoàn New Spaces đang xin đất để thực hiện dự án xây biệt thự nghỉ mát ở cao nguyên, phải không?”

“ Em lấy làm lạ là đã về hưu rồi mà anh vẫn có nhiều thông tin như thế.”

Nàng nói vậy tức là đã xác nhận. Biệt thự nghỉ mát, trang trại, đồn điền đã thành nhu cầu nóng trong xã hội, khi mà hai mươi phần trăm dân số đang giàu lên rất nhanh. Đó là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Đất đã thành một thứ của cải nóng bỏng. Vậy mà Út Lan lại đang cai quản bốn ngàn mẫu đất canh tác. Út Lan mất chức, nông trường sụp đổ, miếng đất ấy mới có thể hóa thành vàng trong túi nhiều người.

Một nụ cười âu sầu nở trên môi Diễm. Nàng có vẻ như khó thở, quay về phía sau, nói với người hầu bàn cho nghe một chút nhạc nhẹ. Tiếng nhạc dìu dịu, ông nhận ra bản My Sweet Lady qua tiếng piano của David Osborne. Ông cũng thấy như mình đang thở dễ dàng hơn. “Em đã có quá nhiều. Em còn cần gì thêm nữa?”

Diễm khẽ nhắm mắt. “Anh cũng biết đó, con đường  em đi không thể dừng lại được.”

Vì sao? Ông Bộ trưởng đã bị bãi nhiệm, ông Tướng bây giờ chỉ còn là một phế nhân, nhưng nàng vẫn còn thời gian trước mặt, vẫn làm chủ được sức mạnh của mình. Còn những ai đằng sau nàng nữa? “Tiền là gì?” Lúc trả lời câu hỏi bất chợt của người dẫn chương trình, Diễm đã đè một tay lên ngực, thảng thốt: “Tiền là kết quả của một sự nỗ lực …và của hy sinh!” Ông thấy lòng đắng chát: Trong tất cả những điều Diễm đã phát biểu, chỉ có câu này là sự thật mà thôi.

 “Khi phải chạy sang Mỹ, em đã tưởng là mất hết. Nhưng không. Từ đó, em biết mình  không thể dừng lại vì bất cứ lý do gì cả.”- Khi nói về những điều khủng khiếp như vậy giọng nàng vẫn nhẹ nhàng, gần như thủ thỉ.

“Trong chương trình người ta đã nói về việc em sang Mỹ sáu năm trước. Anh chắc họ không biết nguyên nhân của chuyến đi?”

“Biết hay không nhỉ? Có thể anh ta cũng biết, nhưng lờ đi. Anh ta cũng hiểu rõ cái gì cần cho chương trình của anh ta mới quan trọng, chứ không phải là sự thực về cuộc đời em.”

Sáu năm trước Diễm đã lọt vào tầm ngắm của công an. Hồ sơ của họ đã đầy chứng cứ về những cuộc gian lận đấu thầu liên quan đến nàng. Vào đêm công an định bắt Diễm thì một giờ trước đã có một nhóm người xuất hiện ở nhà nàng, họ ăn mặc giả quân đội và đưa nàng ra thẳng sân bay để xuất cảnh với một visa du lịch.

“Luôn có những người đàn ông đứng sau lưng em.” Ông nói, câu nói trên sân bay gần hai  mươi năm trước. Diễm cười:

“Có lẽ vậy, nhưng em chắc không chỉ vậy đâu. Em chắc là trời cũng đứng sau lưng em.”

Ông nghĩ thầm, nàng nói đúng.

Một lần nữa, ông cố quay trở lại mục đích của câu chuyện. “Út Lan là em của anh.”

Khuôn mặt Diễm đang mơ màng bỗng thoáng đanh lại. Nàng cười. Cái tiếng cười làm cho ông lạnh tim. “Lại thương lượng rồi. Để xem, anh có cái gì để đặt lên bàn đàm phán?”

“Anh không định đàm phán với em. Anh muốn kêu gọi lòng nhân hậu của một phụ nữ. Một phụ nữ mà anh đã rất yêu quý. –Ông cười hơi chua chát- Có thể em không muốn nhớ nữa, nhưng anh thì tin rằng giữa chúng mình vẫn còn một chút tình nghĩa nào đó.”

“Thật sao? Anh nghĩ là em không nhớ sao?Ha!”

Ông không trả lời, thò tay vào túi. Tay ông chạm một vật cứng vuông vuông nho nhỏ. Đấy là cái hộp đựng chiếc mặt dây chuyền có chữ tên nàng. Bao nhiêu năm qua ông vẫn cố giữ nó cẩn thận bởi ông nghĩ có ngày sẽ gửi đến nàng như một lời hối lỗi. Nhưng bây giờ bàn tay ông vẫn nằm yên trong túi. Diễm nói, hơi thở nàng thấm ướt thành ly rượu: “Làm sao em quên được cái hôm anh bỏ mặc em trong cái khách sạn nghèo nàn ấy được nhỉ?”

Không phải thế. Ông đã định sẽ làm nàng nguôi lòng trong lần sau. Chỉ vì chẳng bao giờ có lần sau nữa.

“Và bây giờ anh lại muốn em vứt đi hàng triệu đô la để làm một người nhân đức theo kiểu của anh. Được rồi, em đã biết yêu cầu của anh, bây giờ anh hãy nghe yêu cầu của em, được không?”

Ông thấy đắng từ cổ tới tim. “Nói đi.”

“Em đã nói rồi. Đêm ấy. Mười lăm năm trước.”

Cú sốc mạnh làm ông choáng. “Anh hãy ly dị bà ấy để cưới tôi.” Diễm đã nói như thế, và khi ông khước từ, nàng đập đầu vào tường như điên như dại.

Nhưng bây giờ không phải là ngày ấy. Ngày ấy ông có quyền lực trong tay, còn nàng chỉ có nụ cười thơ dại. Bây giờ ông đã rũ bỏ hết mọi thứ sau lưng, trong khi nàng đang ở đỉnh cao của “Thời ta sống”. Vì sao nàng lại muốn một người đàn ông ở tuổi ngoài bảy mươi phải phụ rẫy một người vợ già đau yếu để đi theo nàng? Phải chăng nàng muốn biến ông thành một kẻ vô loài để thỏa mãn cái ý thức báo thù chưa bao giờ rời khỏi trái tim bão tố? Để chứng tỏ rằng bây giờ, ông không còn khống chế nàng được nữa, chính nàng mới là người nắm giữ ông ?

Ông từ từ rút tay ra khỏi túi. Một cảm giác bó tay đầy chua xót. Trước mặt ông, đôi mắt Diễm sáng bừng bừng như có một ngọn lửa vô minh  cháy rực bên trong. Ông hiểu, Thượng đế đứng sau lưng nàng và cả quỷ dữ cũng sau lưng nàng.

©©©

Bước xuống taxi, mệt mỏi, trầm ngâm, ông thấy vợ đang chờ trước thềm nhà trong bóng chiều chập choạng.

Ông bước lên thềm, nhìn thấy đôi mắt bà khắc khoải. Bỗng nhiên ông thèm được kêu to một tiếng:“Mình ơi!”

“Sao hở ông?” Bà run run, nửa muốn nắm tay ông, nửa như ngần ngại.

“Chẳng sao cả.” Ông vừa nói vừa khoác vai vợ, đưa bà vào nhà. Bà bước theo ông, không hỏi, không nhắc điều gì. Vậy là những gì mong mỏi cho Út Lan đã không thành. Nhưng cũng có nghĩa là ông đã quay về với bà, lần này là trọn vẹn. Bà tự hiểu mọi điều mà không cần ông nói, như trong suốt năm mươi năm sống cùng ông, bà vẫn thế.

“Mai em đi thăm nuôi Út Lan, mình ạ!”

Ông đặt tay lên vai vợ: “Anh sẽ cùng đi với mình.”

Ông nghĩ thầm, ngày mai, hẳn phải có rất nhiều người đến thăm Út Lan ở chỗ tạm giam.

TTM

Bài viết liên quan