Đọc Chuyện Khảo về Huế của Trần Kiêm Đoàn

Chuyện Khảo Về Huế của Trần Kiêm Đoàn đến với tôi  trong lúc tôi đang chuẩn bị về thăm Huế lần thứ mười mươi.  Hai chữ “Chuyện Khảo” thoạt tiên làm cho tôi ngần ngại.  Có nên “khảo” Huế trước khi về Huế ở Huế bằng da bằng thịt không.  Có nên khảo cổ Huế một cách lý thuyết như người ta đọc sách hướng dẫn du lịch trước khi về Huế không?  Tôi bắt đầu đọc Chuyện Khảo Về Huế với một tâm trạng phân vân giữa sự ngần ngại nói trên và sự tò mò muốn biết Trần Kiêm Đoàn khảo về Huế như thế nào, bởi vì chủ quan tôi cũng tự cho mình là Huế “chay” và “sành” Huế hơn ai.

Chuyến về Huế lần này của tôi sau khi đã đọc “bản văn” Chuyện Khảo Về Huế hốt nhiên mang những dấu nhấn khác hơn những lần trước.  Lần nầy về Huế cũng đi ăn cơm hến, đi ăn bún bò, đi ăn chè bắp, chè hột sen, ăn cơm Âm Phủ, đi qua cầu Trường Tiền, vào Thượng Tứ, vô Đại Nội, đi thuyền trên sông Hương, ngắm trăng thượng tuần lơ lững trên dãy núi Kim Phụng v.v… Nhưng tư thế và “cách nhìn” của tôi có hơi khác.  Tôi đã không vội vàng làm vừa lòng cái dạ dày trống rỗng vốn háu ăn của mình như trước, mà khởi sự cuộc ăn bằng một cái nhìn sành điệu của tác giả Chuyện Khảo Về Huế.

Tô cơm hến vừa được dọn lên bàn ở một quán nhỏ bây giờ đang nổi tiếng là ngon đặc biệt nơi Đò Cồn, quê hương của những con hến quý giá trong Chuyện Khảo Về Huế, nữ sĩ Tôn nữ Hỷ Khương (đã rời Huế khá lâu) và tôi nhìn vào tô cơm hến và cùng kêu lên một lượt “Chi lạ rứa! Răng tóp mỡ mà to cỡ ni?”  Quả thật món ăn dọn lên với mấy miếng giả tóp mỡ cắt thô bạo đã vùi lấp phũ phàng những con hến mềm mại, ngọt nước làm cho Tô Cơm Hến không còn là tô cơm hến đặc trưng của Huế nữa.  Và cũng như thế, ở quán bún bò, khi hỏi mấy o lấy bún ở mô, có biết nàng Bún hay không, thì nghe “ai biết mô tê!”.  Tô bún bò dọn lên là một hỗn hợp bò heo cua, còn đâu là bún bò mụ Rớt một thời vang tiếng ở góc đường Chi Lăng, và cũng như thế ở nơi chè bắp Ngự Viên, ở nơi cơm Âm Phủ …

Chính trong lần về Huế nầy tôi mới nhận chân được rằng, ngay trong chốn Cố Đô đang có một hiện tượng “hững hờ” trong cách ăn, cách ở của Huế như sự thể hiện Đạo Tâm của con người Huế từ khi thành đô nầy được dựng lên.  Một sự thờ ơ về cả hai phía, của người doanh nhân bán hàng và kẻ thưởng thức món hàng.

Trở lại Âu châu, tôi hiểu Chuyện Khảo Về Huế của Trần Kiêm Đoàn hơn trong sự mãi mê của tác giả đi “khảo” từng chi tiết nơi mỗi đặc trưng của Huế.  Tác giả đi đến tận nguồn của mỗi vị thức ăn trên đầu lưỡi, tìm đến nơi đến chốn xuất xứ của mỗi món ăn.  Và lên đường bằng tất cả nhạy bén và thức tỉnh của “mười giác quan” (sáu giác quan + khảo + khào + khao và giác quan thứ mười là năng khiếu dí dỏm tự trào của tác giả) để sục sạo tìm lại thời xưa đã mất như một M. Proust nào đó.

Ở giữa lối hành văn bóng bẩy, súc tích với nhiều dẫn chứng văn chương – cho thấy tác giả đã là một ông giáo sư văn chương tài năng một thời của trường Đồng Khánh (lắm lúc theo thị hiếu của tôi hơi nhiều một chút) – và cách kê khai khoa học tỉ mỉ từng lọai món ăn cách nấu – một thể loại mới của Chuyện Khảo Về Huế làm cho người đọc thú vị thâu nhận thêm kiến thức về nghệ thuật nấu ăn của Huế – tác giả đã phân tích và tổng hợp các điều kiện khả thể của mỗi đặc sản xứ Huế một cách vừa nên thơ, vừa thực tiễn và nhất là:  Một cách chí tình với Huế!

CHÍ TÌNH VỚI HUẾ, đó là đặc trưng của Chuyện Khảo Về Huế.  (Hình như) tác giả đã viết về Huế với nước mắt của mình, mãi mê với Huế bằng một tấm lòng trân trọng.  Nghiêm túc, cẩn mật, tôn kính gần như là sùng bái – nhưng rồi chợt pha một nụ cười “trần thế” vì…”quá thương” – một cử chỉ đặc thù của người Huế – tác giả đã cho thấy rõ tính cách Huế trong mỗi điều nhỏ nhặt của cuộc sống hàng ngày ở Huế, một tô cơm hến bình dị, mấy vòng con bún uốn lượn trên tấm lá chuối xanh, một chén nước chấm, một chén chè hột sen, tiếng rao hàng khi não nùng khi thánh thót trong đêm khuya ở Huế… cái đẹp đơn sơ duyên dáng đi liền với cái ngon mặn mà.

Đi đến tận cùng của sự vật và sự việc, dù cho nó có nhỏ bé đến đâu, nâng nó lên thành một thể cách “Đạo của cuộc đời” trong ý nghĩa đi cho tròn cái đẹp cái tốt, đã là lối sống Đạo Tâm của Huế.  Ai nói chỉ có Nhật bản mới có “Trà đạo”?  Huế một thời đã tận tình với cách thể hiện tâm thức của mình, ngay trong tô cơm hến trên các nẽo đường, ngay trong sự chọn lựa màu sắc hài hoà của mỗi thức ăn bình dị hàng ngày.

“Tìm lại Huế xưa” trong Chuyện Khảo Về Huế chính là nói lên trọn vẹn từ kẻ tóc chân tơ nếp sống của Huế trong hiện sinh thường nhật đơn sơ của thành phố “cười trong nước mắt” này, nói bằng cả chân tình của một người thương Huế.  Bởi thế Chuyện Khảo Về Huế đã gặp được Huế một thời trong mãi mãi.

Không cần trở về Huế, đọc Chuyện Khảo Về Huế, chúng ta cũng cảm thấy hơn một lần trở về với Huế bằng một tâm trạng kỳ lạ khó hiểu là “phải” trở về với Huế để… đi… tìm lại Huế.

Thái Kim Lan

Munchen, Đức – Mùa Xuân 2002

Bài viết liên quan