DUYÊN O HUẾ

Nguồn : Áo Trắng – Internet

            – Em là Tịnh Hương phải không?

            – Dạ phải.

            – Em có biết anh là ai không?

            – Dạ thưa không.

            – Anh là Robert Hùng.

            – Dạ, xin chào anh Robert Hùng.

            – Anh du học ở Pháp mới về. Hôm nay rất hân hạnh được gặp em. Em đẹp quá, như tài tử xi nê ấy.

            – Dạ, có chi mô. Chắc là như tài tử trong phim xi nê “Cô Bé Lọ Lem” phải không ạ?

            – Không, đẹp như Rita Hayworth trong phim “Đêm Nay và Mãi Mãi” kìa.

            – Người ăn cơm mắm ruốc làm chi mà có được thân hình “đồ sộ” như bà ấy!

            – Em biết nhảy không?

            – Dạ biết từ hồi nhỏ.

            – Điệu gì là sở trường của em?

            – Dạ, điệu nhảy cò cò…

            Robert Hùng cảm thấy xôn xao vì trong cái dáng vẻ trầm lặng của người con gái Huế, có một thế giới riêng nằm trong góc khuất. Một thế giới “dạ, thưa…” ngọt lịm mà đá chảy vàng tan!

Hôm sau, có khách đến thăm nhà. Đó là ông chú đang làm sếp lớn bên Tòa Khâm được cả dòng họ nể vì. Hôm nay chú tới nhà để làm mai mối cô bé cho con trai của một ông quan khác. Cô bé nghe mẹ nói nhỏ như thế khi xe ô tô của ông quan chú vừa bén thềm cửa ngõ. Ông chú xin phép cha mẹ Tịnh Hương hỏi ý kiến riêng của cô bé:

– Thời nay tân tiến, chú muốn hỏi ý riêng của con về chuyện tình cảm, cứ thủng thẳng mà trả lời. Nghĩ chi thì nói thật ra. Đừng sợ…

            – Dạ thưa chú, con còn nhỏ dại, Ba Mẹ con biểu chi thì con nghe nấy.

Cô bé 18 tuổi, học Lycée Khải Định, đứng khép nép chắp tay trước mặt ông chú họ. Mái tóc dài phủ kín gần hết khuôn mặt thanh tú và bờ lưng nhỏ nhắn. Với cái giọng Huế Cột Cờ thường mở đầu bằng tiếng “dạ thưa” mềm và thanh như lụa tơ tằm, cô bé lễ phép nhưng khôn khéo núp sau bức thành che chắn của cha mẹ cho an toàn.

 Ông chú mỉm cười, lên giọng bề trên, khen:

            – Con gái mới lớn mà nết na, công dung ngôn hạnh thiệt là giỏi.

            – Dạ.

            Tiếng “dạ” của người con gái Huế ngoan ngoãn và hiền thục như một lời cám ơn; một thái độ chấp nhận hay nhận chịu. Tiếng “dạ” mở ra thương quen như khoai sắn mà cũng đầy những dự cảm ước mơ. Có chút gì là vọng âm của dòng sông Hương xôn xao trong thầm kín. Dòng sông tĩnh lặng như gương cho dòng đời soi bóng. Nhưng người giữ bóng sông mà sông không lưu lại bóng người.

            Ông chú như người chỉ huy tình cảm, vào đề ngay mà khỏi cần rào đón:

            – Con có biết anh Robert Hùng không?

            – Dạ thưa chú, con có biết anh ấy ạ.

            – Cậu ấy ở bên Tây mới về, đẹp trai, con nhà giàu, học… học…

            Ông chú lúng túng. Cô bé Huế đỡ lời:

            – Dạ, học nhảy đầm giỏi lắm.

            Cố tảng lờ hay không để ý đến tính hiền thục, thông minh mà rắn mắt của những “con yêu bánh nậm” xứ Huế hiện trong câu nói nối đuôi của cô cháu, ông chú hỏi:

            – Con có muốn nghỉ học, đi lấy chồng không?

            – Dạ, chú?

            – Ừ, thì lấy chồng, làm vợ của Robert Hùng đó mà.

            Cô bé ngước nhìn ông chú, mắt tròn xoe:

            – D…ạ… ă… a…á…!?

            Tiếng “dạ” vẫn nhẹ nhàng nhưng luyến láy, kéo dài và quẫy đuôi nhấc bỗng âm cuối một cách kiêu sa mang ý nghĩa thắc mắc, ngạc nhiên, chối từ, đương đầu nhưng vẫn không ra khỏi vòng lễ giáo.

            Ông chú đã sống một đời trên xứ Huế nên hiểu trọn vẹn thông điệp của ý nghĩ và tình cảm trong mọi dấu hiệu “thân ngữ” – nói bằng dáng vẻ, điệu bộ và âm thanh trầm bỗng – của người phụ nữ xứ nầy. Một tiếng “dạ…” kéo dài và nhấc lên như thế có nghĩa là:  “Chú ơi, chú nghĩ là con mà thương được gã Tây con chỉ giỏi tán gái và  nhảy đầm đó sao?”. Người phương xa, thường chỉ biết mặt trầm của xứ Huế như một nốt nhạc không lời. Nhưng tiếng Huế có khi biểu hiện một cách riêng, trong lời đã có nhạc và trong nhạc đã có lời.**

            Một cây đàn dương cầm tiêu chuẩn của phương Tây có tới 88 phím, so với cây độc huyền cầm phương Đông và đặc biệt là cây đàn bầu truyền thống của xứ ta chỉ có một dây, một cần phím. Nhưng khi cần diễn đạt âm thanh ngân nga bay lượn trong một cảm xúc nào đó thì chưa chắc phương tiện nào sẽ có sức lay động lòng người dào dạt hơn bên nào. Nhạc cổ có năm cung – họ, xự, xàng, xê, cống; gần với uyển thanh sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng – nhưng giọng Huế chỉ có 3 cung rưỡi; so với giọng Nam có 4 cung và giọng Bắc có 5 cung; nên người xứ khác đã “nhại Huế” có khi vừa tục, vừa thanh làm đậm đà thêm hương vị tiếu lâm là nét duyên độc đáo của văn hóa dân tộc.

            Bản chất mềm mại pha một chút gì kín đáo nơi người con gái xứ Huế khác với tính cách khôn khéo chỉnh chu của người con gái xứ Bắc hay nếp sinh hoạt hồn nhiên thoải mái của người con gái xứ Nam. Hầu hết, người phụ nữ Huế sinh ra trong một hoàn cảnh xã hội làng trên xóm dưới gần gũi thân tình và nếp sinh hoạt kinh tế gia đình khiêm tốn. Cái khung cảnh xã hội làng xóm làm cho người ta phát sinh khuynh hướng tâm lý nể người, kham nhẫn, soi mình trong mắt người khác. Với một xã hội nhỏ “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã hay” thì tự do có nghĩa là giữ gìn, dè dặt không làm phiền ai để khỏi có ai làm phiền mình. Với nếp sinh hoạt kinh tế gia đình “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cuộc sống cần phải được bù đắp bằng những giá trị tâm lý, tinh thần. Son phấn điểm trang là nết hạnh và hương hoa tình cảm là nguồn ấp ủ yêu thương dậy sóng trong lòng nhưng bề mặt vẫn như không.

Tuy tiêu chí về vẻ đẹp của người phụ nữ đã biến đổi theo từng thời đại. Nhưng với người con gái Huế thì cái duyên (những vẻ đẹp tinh thần thầm kín, cung cách dễ ưa, tạo ra sức thu hút tự nhiên) vẫn đứng trước cái dáng (vẻ đẹp thể chất, hình hài hiện ra bên ngoài). Người ta tin rằng, cái duyên thường lâu bền hơn cái dáng nơi người con gái, bởi duyên là điều kiện mà dáng là hình tướng. Điều kiện tốt sẽ làm thăng hoa hình tướng như vầng trăng đẹp giữa cảnh trời trong gió mát; nhưng trăng sẽ nhạt mờ khi bị mây che!

Sự e ấp buổi đầu mới gặp làm cho người con gái Huế có riêng một góc khuất mà người đời ưa khám phá. Tiếng “dạ, thưa” dịu ngọt khiến người nghe cảm thấy sự có mặt của mình được ưu ái trân trọng. Chút rắn mắt dễ thương thêm gia vị cho cảm giác tương giao sống động hai chiều trong buổi đầu gặp gỡ. Cái “duyên”của người con gái Huế không theo một trình tự tâm lý thông thường là lạ, quen, thân, kết. Có khi cái duyên thu hút cảm xúc mạnh mẽ là “kết” sẽ xảy ra khi mới biết nhau. Có chăng đây là cái gút thắt tâm lý kết của chàng “học trò trong Quảng ra thi, thấy o (mấy o?!) gái Huế chân đi không rời”?! Trong lúc đó, chàng thi nhân lãng tử Nguyễn Bính tới Huế lại “ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên” vì… vô duyên chăng?

Nét duyên o Huế cũng sẽ mãi mãi như điệu nước sông Hương. Sóng lặng, dòng trong mới soi bóng được con đò. Từ bên Cali nầy, có một người đang nhớ về Huế, nghĩ đến cái duyên Huế. Mắt xa vời nhưng tâm rỗng lặng, duyên Huế lại về.

Xa Huế 30 năm, tôi đã có một nửa chặng đầu đời sống với Huế. Nửa đời sống với Huế tôi nghe thiên hạ thường kháo nhau mà tiếng Huế gọi là trọ miệng[1]  rằng: “Huế là đất đi mà nhớ, chớ không phải ở để mà thương.” Nếu lấy mình mà nghiệm ra thì tôi cho cái ý nghĩ xàng quay nầy hơi… lác lác[2]. Người Việt mình hầu như ai cũng xuất thân từ văn hóa làng xã, xóm phường. Có ai mà không thương “đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên…” đành đoạn răng hè; mắc mớ chi phải đợi khi qua Tây, qua Mỹ rồi mới nhớ! Lại nữa, mấy o Huế có duyên “thế nớ”[3] mà khi ở gần không thương được; để đi xa mới nhớ là kể như phí phạm một đời trai!

Huế có ba cái nhất: Thơ mộng và khó quên nhất là có mối tình đầu với o con gái Huế. Hào hoa và anh dũng nhất là có người vợ Huế. Làm thơ và hát hay nhất là thất tình với nàng Huế; nghĩa là ưng nhau mà nửa đường đứt gióng loại đòn triêng[4]. Bình sinh, bản thân tôi được tự thân nếm trải cả ba nhưng thời gian đã đành hanh chống lại. Tuổi già nghễnh ngãng dễ quên, hào hoa xuống cấp rụt rè gà phải cáo và làm thơ không biết gởi cho ai mà hát hò thì như hút thuốc Lào chưa lên đã xuống. Ba cái nhất mơ mộng một thời đã theo con nước Vạn Niên, dọc theo sông Hương, trôi về biển Đông.

Nước chảy qua cầu, sông trôi về biển và Huế vẫn đẹp với độ bền vượt thời gian. Không có ai cảm thấy bị chỏng hỏng chơ hơ[5] vì sự mất còn trước mắt. Trong cảm nhận sâu sắc nhất của chính dân Huế hay khách đến nơi nầy, Huế thật đáng yêu tới ngày nào vẫn còn đậm đà duyên o Huế.

Sacramento, Cali tháng Mười 2011

Trần Kiêm Đoàn

** Trích Tình Ca Huế. Trần Kiêm Đoàn; US, 2011.

[1] Cụm từ “trọ miệng” trong tiếng Huế có nghĩa là kháo nhau. Từ Điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức; Văn Học xuất bản (in lần thứ nhất, hai, ba) đều chưa thấy ghi cụm từ nầy.

[2] Lác lác: Không có nội dung nghiêm chỉnh và ngôn từ đúng đắn. Xin lưu ý là trong những đoạn cuối của bài viết, người viết cố tình dùng một số phương ngữ Huế để mời bạn đọc làm quen với chút hương vị Huế. Những từ, cụm từ và thành ngữ thuần Huế dùng trong bài nầy đều có thể tìm thấy hay tra cứu trong Từ Điển Tiếng Huế của bác sĩ Bùi Minh Đức.

[3] Thế nớ: Đến mức như thế. Thường biểu hiện cho ý thậm xưng: Nhiều đến như thế, xấu đến như thế…

[4] Loại: Gãy. Đòn triêng: Đòn gánh. Đứt gióng loại đòn triêng: Gãy gánh, đổ vỡ, tan vỡ.

[5] Chỏng hỏng chơ hơ: Ra khỏi tầm tay và bị hụt hẫng. Bất lực buông tay.

Bài viết liên quan