LÁ THƯ HUYNH TRƯỞNG 6

ĐẠO PHẬT TRONG THỜI ĐẠI MỚI: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Trần Kiêm Đoàn

California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 6 năm 2006

Thư gởi các em:

            Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Các Em thân mến,

Mùa Hè ở Mỹ đang hồi cao điểm.  Có thể nói nước Mỹ nầy là hình ảnh cực đoan tiêu biểu về mặt thời tiết.  Tuần trước, anh đi công tác ở Phoenix, bang Arizona, đây là một tiểu bang sa mạc nổi tiếng nóng nhất nước Mỹ, nhiệt độ lên tới 117 độ F (47 độ C).  Trên đường đi từ bang California qua Arizona, ghé Death Valley với nhiệt độ là 120 độ F (48 độ C).  Đây là nơi nóng nhất thế giới. Đã từng có lần nóng đến 134 độ F (56.7 độ C).  Trong lúc đó, nghe anh Nguyên Trung, cũng là một cựu huynh trưởng GĐPTVN đang ở Alaska, một tiểu bang cực Bắc của Mỹ, thì cho biết rằng băng lạnh trên các hồ miệt núi ở đó vẫn chưa tan.  Mỹ là một xứ sở của những cực đoan, từ thời tiết đến thiên nhiên và xã hội.  Cực đoan mà vẫn sống chung với nhau được – tương sinh, tương tác – một cách hài hòa.  Đấy mới là điều đáng cho chúng ta quan sát và tìm hiểu.

Anh nhắc đến mùa Hè ở Mỹ để chia sẻ với các em một sự so sánh thú vị về “triết lý xương rồng”! Suốt hai buổi chiều anh đi khá sâu vào vùng sa mạc Arizona, phía Bắc xa lộ số 10, con đường chạy dài từ Đông sang Tây nước Mỹ, và ngỡ như đang bị lạc vào một thế giới của giống người khổng lồ.  Toàn vùng sa mạc trùng điệp chỉ có giống cây xương rồng (cactus).  Có những cây xương rồng to bằng hai người ôm và cao bằng cái nhà lầu một tầng.  Có cây đã sống lâu đến 500 năm! Những cây xương rồng đứng trong sương mù sa mạc với dáng vẻ của một anh chàng khổng lồ có đủ chân tay.

Kể đến đây, chắc các em sẽ tưởng tượng ra rằng, cây xương rồng của Mỹ phải cứng hơn cả gỗ lim, gỗ trắc… mới chịu đựng nổi với khí hậu sa mạc khắc nghiệt, vừa nóng như lò rang bắp, vừa khô cằn có khi tới nửa năm mới mưa một lần.  Hoặc các em cũng có thể phóng tầm tưởng tượng đi xa để nghĩ rằng, vùng đất sa mạc cưu mang loại cây xương rồng ấy chắc là tràn đầy chất dinh dưỡng.  Không đâu các em ạ, cây xương rồng Mỹ cũng mềm như cây xương rồng Việt Nam mình và đất cát sa mạc thì ở nơi đâu cũng cằn cỗi giống nhau thôi.

Thế thì “phép lạ” nào đã giúp cho giống xương rồng Arizona vẫn sống và tồn tại xưa nay?

Các nhà thảo mộc và môi sinh học cũng như những người dân thường bản xứ đều cho rằng, giống xương rồng sống sót và phát triển dồi dào ở sa mạc vì nó thích nghi được với môi trường sống khắc nghiệt.  Mỗi lần có một trận mưa hiếm hoi rơi xuống sa mạc là mỗi lần xương rồng nắm bắt ngay lấy cơ hội để hút càng nhanh, càng nhiều càng tốt lượng nước mưa vừa rơi xuống xung quanh.  Giống xương rồng đã từng trãi với cuộc sinh tồn cực kỳ khó khăn nên trữ hết những lượng nước hút được vào trong mình, sống dè xẻn với nguồn nước đang có, đợi chờ những chuyến mưa sau.

Nét đặc biệt của loài xương rồng ở sa mạc là mềm nhất mà lại sống dai nhất; không có cành lá sum sê mà lúc nào cũng tươi tốt; không thay hình đổi dạng theo mùa mà mùa nào cũng hài hòa phát triển.  Người Mỹ bản xứ vùng sa mạc nầy là người Da Đỏ, họ rất tự hào về cây xương rồng xứ họ.  Bài học “xương rồng” của họ là không sợ hãi hay bị choáng ngợp trước bất cứ sự thách thức nào.  Có cơ hội là nắm bắt ngay cơ hội bằng tất cả nhiệt tình và khả năng như cây xương rồng hút nước mưa giông.  Và được cơ hội hôm nay thì phải nghĩ đến và dự phòng cho những tháng ngày dài tiếp theo không có cơ hội.

Các em ạ, chúng ta đang nhắc đến cây xương rồng trên vùng sa mạc Arizona ở đất Mỹ xa xôi nầy để liên tưởng tới sự thách thức và cơ hội của hoàn cảnh sống mà cả dân tộc Việt Nam mình đã bước đi qua 4.000 năm.  Đối với thế hệ tuổi trẻ Phật tử, chúng ta nhìn thử thách và cơ hội qua lăng kính Từ Bi và Trí Tuệ của đạo Phật. Chúng ta chia sẻ chung nguồn hạnh phúc, nỗi thao thức, niềm trăn trở chung của dân tộc; nhưng nẽo về của chúng ta không phải là một thế giới vật chất lạnh lùng của chính nó.  Thế giới cuối cùng của chúng ta là phải tìm lại được chính mình.  Đây cũng là dịp mà thế hệ tuổi trẻ Phật tử các em góp phần suy nghĩ sâu hơn và xa hơn về chủ đề của cuộc Hội Thảo Khoa Học do viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam tổ chức vào hai ngày 15 và 16 tháng 7 năm 2006: “Phật Giáo Trong Thời Đại Mới: Cơ Hội và Thách Thức”.

Với tuổi trẻ Phật tử Việt Nam trong thời đại mới, cần phải nhận cho rõ sự thách thức trước khi tìm cơ hội.

Thư của em Thiện Quang, một huynh trưởng GĐPT ở Quy Nhơn có đoạn viết: “… GĐPT của em mấy năm nay vẫn giữ con số trên dưới 100 đoàn sinh, nhưng trong đó hơn một nửa là đoàn sinh mới.  Thưa anh, điều lo ngại của em không phải là số đoàn sinh nhiều hay ít.  Điều mà cấp huynh trưởng chúng em đang lo là làm sao giữ lại càng nhiều và càng lâu càng tốt số đoàn sinh mới vào đã vội xin ra.  Xin anh chỉ cho các em bên nầy phương pháp sinh hoạt hay kỹ năng huynh trưởng tốt hơn để giữ đoàn sinh.”

Em Thiện Quang cũng như nhiều huynh trưởng hiện nay kể cả tại quê nhà và ở hải ngoại đều có chung mối quan tâm rất thực tiễn.  Đó là lực níu kéo của GĐPT đối với tuổi trẻ.  Khi một em xin gia nhập Đoàn; dẫu ít hay nhiều, mạnh hay yếu thì các em đã có sự chọn lựa đến với tổ chức GĐPT.  Khi một người tuổi trẻ mới vào Đoàn thì một năm đầu là thời gian thử thách.  Nếu quá trình sinh hoạt có lợi ích, có sự thu hút và đáp ứng được mong muốn thì đoàn sinh đó sẽ ở lại; nếu không thì sẽ ra đi.  Trong cuốn sách nói về tâm lý tuổi trẻ nhan đề “Hướng Đi Tuổi Trẻ” (Youth in Transition), Claire Wallace đã quan sát và nghiên cứu các đoàn thể trẻ.  Tác giả ghi nhận rằng: “Với một đoàn thể tuổi trẻ, nếu sự gia nhập và ra khỏi tổ chức hàng năm trong khoảng 10 phần trăm là bình thường; 20, 30 phần trăm là có vấn đề ở mức độ nhẹ; 40, 50 phần trăm là suy thoái…”

Một nữ huynh trưởng, Minh Diệu Lê Thùy Mai, đang sinh hoạt GĐPT tại Đà Nẵng so sánh: “Thành phố nơi em ở xây cất mới mẽ, nếp sinh hoạt xã hội nay khác nhiều hơn xưa.  Nhưng cách thức sinh hoạt của các Gia đình Phật tử chúng em là vẫn còn như cũ.  Ban hướng dẫn GĐPT họp bàn, hội nghị lên kế hoạch cập nhật, đổi mới rộn ràng, nhưng đâu vẫn ngồi đó, chẳng có gì thay đổi.  Thưa anh Nguyên Thọ, sinh hoạt của những GĐPT Việt ở nước ngoài có gì cải tiến không.  Nếu có, anh cho chúng em tài liệu để học hỏi theo cách làm của các anh chị bên ấy…”

Trường hợp của em Thiện Quang và Minh Diệu đã lý giải một phần thắc mắc của hai em.  Có thể nói rằng, hình thức sinh hoạt của GĐPT không đổi mới trong một hoàn cảnh đang đổi mới, ở thời đại mới của Minh Diệu chính là nguyên nhân của sự bất ổn, không giữ được đoàn sinh lâu của Thiện Quang. Đó là sự thách thức đầu tiên mà tổ chức GĐPTVN đang phải đương đầu trong thời đại mới.

            Thời đại mới trong thế kỷ nầy được xác định với ý nghĩa  tân tiến (modernism), hiện đại (modernity) và cập nhật (up-to-dateness).  Những nguồn thông tin trên thế giới hiện nay được thông báo gần như tức khắc và mọi biến cố, sự kiện xảy ra trên khắp hành tinh nầy đều được cập nhật từng giây, từng phút một.  Một sự kiện mang tính toàn cầu như Giải  Bóng Đá Thế Giới năm nay chẳng hạn, tuy đang diễn tiến tại Đức, nhưng xuất hiện cùng lúc ngay trước đôi mắt của khán giả mộ điệu trên toàn thế giới qua phương tiện truyền thông đại chúng.  Khái niệm “thời đại mới” không chỉ đơn thuần liên quan đến trình tự thời gian như mới – cũ,  xưa – nay, trước – sau theo vòng quay tự nhiên ngày đêm, tháng năm của mặt trời, mặt trăng và trái đất. Cái “mới” mang một ý nghĩa tích cực và bứt phá vượt ra ngoài những quy ước truyền thống.

Các tổ chức của thế hệ trẻ ở các nước Âu Mỹ như Y.M.C.A, Hướng Đạo Sinh, Thanh Niên Hồng Thập Tự… muốn lớn mạnh kịp theo đà tiến hóa cần phải có hình thức sinh hoạt và nội dung đổi mới phù hợp với dòng triều chung của thế hệ.

GĐPT về mặt cấu trúc là một cánh tay nối dài của giáo hội Phật giáo. Nên khi giáo hội phân hóa, cấp lãnh đạo giáo hội chưa nhất quán, thiếu hòa hợp thì GĐPT cũng bị cuốn hút theo.

Nếp sinh hoạt nhân sinh đời thường khác với đời sống tâm linh của người Phật tử.  Với đời thường, nếp sinh hoạt là con đường thẳng, trước thách thức phải tìm cho ra con đường sáng để nắm lấy cơ hội.  Với đạo Phật, tâm thức khai phá đi tìm phương giải thoát là một chu trình vòng tròn không đứt đoạn ở bất cứ một điểm nào. Trong sinh đã có diệt; trong thách đố đã có cơ hội.  Thách đố chỉ là cánh cửa mở cho “khổ đế” hiện ra. Và từ điểm khó khăn thử thách khởi đầu nầy, người Phật tử có thể nhìn thấy hay ý thức được phần gốc rể của cơ hội (diệt đế hay cách nhận thức đúng đắn để giải quyết vấn đề).

Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhận biết và việc dám xăn tay áo để hành động có thể rất gần mà cũng rất xa.  Đạo Phật cần sự kết hợp của thiện tri thức và hành giả trong cùng một người.

Các em thân mến,

Điều mà nữ huynh trưởng Diệu Minh bị chững lại vì Ban Hướng Dẫn GĐPT đã lên nhiều phương án đổi mới, nhưng “đâu vẫn ở đó” rất thường thấy trong nếp sinh hoạt quá bảo thủ.  Đó chính là vì tinh thần “thiện tri thức” thì rất năng nỗ mà tinh thần “hành giả” thì vắng bóng nên chỉ thấy được thách thức mà không thấy được cơ hội để nắm lấy cơ hội.

Thư sau, anh sẽ mời các em đi thăm một số GĐPT hải ngoại vùng California và lần lượt quan sát những tổ chức của thế hệ trẻ trong các nước phương Tây như thế nào.

Trước khi chấm dứt lá thư nầy, anh muốn mời các em nghe lại vài câu hát mà phong trào thanh niên, sinh viên ngày xưa vẫn hát cho nhau nghe, rằng là: “Ta không chê của người.  Ta không khen của ta. Nhưng dầu sao đi nữa. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.”  Trước ngưỡng cửa của thời đại mới và văn hoá toàn cầu, câu hát nầy chỉ đúng một nửa.  Tuổi trẻ cần sư nhận định khen chê công bằng.  Nhưng nếu “ao nhà” mà đục thì phải làm cho trong trước khi tắm các em nhé.

            Thân ái chúc tất cả các em hưởng trọn một mùa Hè đầy an lạc.

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Liên lạc:

Doantran@sbcglobal.net

Bài viết liên quan