LÁ THƯ HUYNH TRƯỞNG 7

TÌM MỘT HƯỚNG ĐI CHO GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Trần Kiêm Đoàn

California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 9 năm 2006

Thư gởi các em:

Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN)

Các Em thân mến,

Như đã hứa với các em trong thư trước, lần nầy anh sẽ đi thăm trực tiếp sinh hoạt của các GĐPTVN ở nước ngoài mà cụ thể là tại vùng Bắc California.  California được xem là tiểu bang giàu nhất nước Mỹ và cũng là nơi có đông người Việt nhất trên toàn thế giới người Việt đang cư trú ở nước ngoài.  Nơi anh đang ở là thành phố Sacramento, thủ phủ của toàn tiểu bang Cali.  Ở đây có khoảng 30.000 người Việt đang chung sống với khoảng 1.250.000 người gồm hơn hai phần ba là người Mỹ có gốc lâu đời và hơn 30 sắc dân khác nhau mới đến từ các nước trên thế giới.  Năm 1980, thành phố Sacramento này mới chỉ có một ngôi chùa Phật Giáo (chùa Kim Quang), nhưng đến nay có tới 12 ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đã dựng lên và đang sinh hoạt.

Tuy chùa mới được dựng lên nhiều, nhưng chỉ có duy nhất một GĐPTVN đang sinh hoạt liên tục trong suốt 28 năm nay.  Đó là GĐPT Kim Quang.

Lý do các chùa không muốn có sự hiện diện của GĐPT là vì quý Tăng Ni trụ trì tại các chùa thấy rõ thực trạng phân hóa của thượng tầng giáo phẩm, kéo theo sự phân biệt tổ chức và sinh hoạt giữa các anh chị trưởng trong ban Hướng Dẫn.  Và dần dần tiến đến hậu quả trực tiếp không tránh được là sự phân hóa giữa các đơn vị GĐPT hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ.

Các em thân mến,

Mặc dầu trong một thư trước anh đã có dịp phân tích với các em rằng, Đạo Phật là một đại dương thái hòa và an lạc.  Như lời đức Phật đã dạy, nếu nước trong bốn biển chỉ có một vị mặn thì đạo Phật chỉ có một vị giải thoát.  Tuy nhiên, bất cứ thời nào và ở đâu cũng thế, nước bốn biển muốn tồn tại thường hằng thì phải luân lưu cùng khe suối.  Luân lưu tạo ra thay đổi và dao động.  Sự dao động trong cơ cấu tổ chức và hành đạo là một sự thách thức trực tiếp đối với GĐPT.  Mỗi đơn vị GĐPT là hoa lá mới, là lộc non trên cành cây Đạo mà gốc gác là quý Thầy, Cô, mái chùa và giáo hội.  Bởi vậy, tuổi trẻ GĐPT, hơn bao giờ hết, cần phải tỉnh táo hướng về biển mẹ.  Các em nên nhất tâm hướng về Biển Đạo nhiều hơn là dừng bước quan ngại trước những kênh rạch, sông hồ, khe suối không giống nhau – thậm chí có lúc xung đột nhau,  tràn bờ cản lối lên nhau – trên những nẻo đường đang chảy về bốn biển.  Tuổi trẻ GĐPT Việt Nam hải ngoại đang có khuynh hướng xây dựng một tinh thần Phật tử trẻ trung, độc lập và thích hợp với hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt mới.

Nhân ngày Lễ Vu Lan năm nay và cũng là ngày kỷ niệm 28 năm thành lập GĐPT Kim Quang, anh đến sinh hoạt chung với các em trong Đoàn, đàm đạo với ban Huynh Trưởng và trao đổi ý kiến với các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Miền.  Cũng trong mùa Vu Lan, trước đó một tuần anh đến thăm GĐPT Vạn Hạnh sinh hoạt tại chùa Quang Nghiêm, thành phố Stockton và ba GĐPT Chánh Tâm, Chánh Đức và Chánh Hoà sinh hoạt tại chùa Phổ Từ, thành phố Hayward.

Chắc các em đoàn sinh GĐPT ở quê nhà muốn biết là “Nơi quê người, đoàn Áo Lam ta có gì lạ?”

Trước hết, về hình thức thì đồng phục, huy hiệu, cấp hiệu và phù hiệu vẫn không có gì thay đổi.  Sỉ số của các gia đình thì mỗi đơn vị GĐPT cũng chỉ vào khoảng trên dưới 100 đoàn sinh.  Người ra, kẻ vào thường xuyên là tình trạng chung của mọi GĐPT.  Về mặt cấu trúc thì hệ thống tổ chức Đoàn, Đội, Chúng và thành phần Ban Huynh Trưởng, Đoàn Đội Chúng trưởng vẫn như cũ.

Sự thay đổi lớn nhất của GĐPT ở quê người có nhiều mặt nhưng rõ nét nhất là 3 mặt:  Ngôn ngữ, cách nhìn và lối sống.

Về mặt ngôn ngữ, gần như hầu hết thanh thiếu niên Việt Nam sinh trưởng tại nước ngoài đều nói tiếng của quốc gia nơi gia đình cư ngụ.  Chẳng hạn như ở Mỹ, theo thống kê của Ủy Ban Phối Kiểm Tiếng Anh Dùng Như Một Ngoại Ngữ (Monitoring ESL Committee) tại tiểu bang California thì các trẻ em gốc Việt sinh trưởng tại Mỹ có 98.5% nói toàn tiếng Mỹ.  Trong đó chỉ có ít hơn 10% nghe được tiếng Việt;  3% nghe và nói được tiếng Việt.

 Trong một buổi sinh hoạt GĐPT thường xuyên hàng tuần, các anh chị huynh trưởng luôn luôn cố gắng nói tiếng Việt nhưng các em đoàn sinh nói rặt toàn tiếng Anh với nhau.  Những huynh trưởng có trình độ học vấn vững vàng hơn thường dùng song ngữ (Việt Anh) để các em tiện việc theo dõi.  Nhưng tại một số đơn vị, thầy Cố Vấn Giáo Hạnh hay Huynh Trưởng không đủ trình độ và khả năng tiếng Anh để điều khiển các em, nên thường lâm vào cảnh “ai nói nấy nghe!”  Gần như tất cả các GĐPT tại Mỹ đều sử dụng giờ giáo lý để dạy tiếng Việt cho các em, nhất là đối với các em oanh vũ.

Về cách nhìn đời và lối sống hàng ngày, tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại trong GĐPT cũng giống như bao nhiêu trẻ em khác trong cùng hoàn cảnh xã hội.  Các em có lối nhìn, lối nghĩ của mẩu người và văn hóa Mỹ.  Đấy là lối sống thực tế và thực dụng, thiên về vật chất, coi trọng tự do của mình và của người khác mà người ta thường gọi là “cá nhân chủ nghĩa” (individualism).

Nội dung sinh hoạt của GĐPT hải ngoại cũng đặt nặng trên 4 tiêu chuẩn chính là: Giáo lý Phật pháp, hoạt động thanh niên, thể thao văn nghệ và công tác xã hội.  Cả 4 tiêu chuẩn này hầu như chẳng có gì thay đổi trong suốt 30 năm lịch sử người Việt định cư tại nước ngoài.  Cũng đã có nhiều hội nghị, tham luận đề nghị một phong trào đổi mới hình thức sinh hoạt của GĐPT cho hợp với một nếp sống mới ở xã hội phương Tây nhưng chưa hề thấy một sự đổi mới nào.

Trong lịch sử 64 năm của GĐPT Việt Nam, tính từ năm 1942 khi bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám có sáng kiến thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ  (tiền thân của GĐPT) dựa trên mô thức tổ chức và sinh hoạt của Hướng Đạo Sinh quốc tế đến nay, đây là thời điểm thử thách cao nhất mà tuổi trẻ Việt Nam đang đối diện.  Tầm nhìn đang vươn ra khỏi biên giới làng xã, nước nhà để lan rộng ra ngoài cộng đồng thế giới.  Một nhà xã hội học Mỹ, Leon Krissler, cho rằng “Văn Hóa Mới” của tuổi trẻ trên toàn thế giới hiện nay là “Văn Hóa SOS”. SOS không mang ý nghĩa cấp cứu “Save Our Souls” (Xin Hãy Cứu Vớt Chúng Tôi) như thế kỷ trước nữa mà đã chuyển từ thế bị động – được cứu vớt – sang thế chủ động – là phải vươn lên tranh đấu cho sự sống của chính mình – “Swim Or Sink” (Bơi Hay Chìm).

Quan sát những tổ chức thanh niên và tuổi trẻ Âu Mỹ cũng như trên toàn thế giới ngày nay, chúng ta sẽ thấy hầu hết đều tận dụng phương tiện truyền thông và kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sinh hoạt trong lúc chúng ta vẫn còn “nào chúng mình ra quây một vòng hát mà chơi”.

Phong cách chung của tuổi trẻ Âu Mỹ ngày nay là coi trọng đời sống tự do cá nhân; nhưng một khi đã tham gia hay nối kết vào các hội đoàn hay sinh hoạt tập thể thì sống hết mình. Đặc biệt nhất là tinh thần tôn trọng luật pháp xã hội và kỷ luật đoàn thể rất cao.  Các đoàn thể trẻ ở Mỹ sinh hoạt rất sinh động, trẻ trung với hình thức sáng tạo và đổi mới một cách linh động thường xuyên mới thu hút được giới trẻ.  Anh còn nhớ một người Mỹ trong tổ chức tuổi trẻ YMCA, trong một lần quan sát sinh hoạt GĐPT Kim Quang đã nhận xét một cách chung chung nhưng đã làm anh suy nghĩ khi ông ta nói rằng: “Trẻ em không phải là những người lớn thu nhỏ” (Children aren’t miniature adults.)  Đúng như thế các em ạ.  Những em oanh vũ mà bắt quỳ theo người lớn làm lễ trong chánh điện hay phải ngồi im lặng nghe giảng pháp cả tiếng đồng hồ theo cung cách của người lớn vẫn thường xảy ra trong các sinh hoạt Phật sự.  Nhiều hình thức lễ nghi, từ kiểu cách ngôn ngữ long trọng, đến hành động cung nghinh diễn tuồng mà các bậc phụ huynh trong chùa bắt các em phải làm theo người lớn sẽ rất phản tác dụng đối với thế giới vả phản ứng tâm sinh lý tuổi trẻ.

Về mặt vật chất, nhu cầu kinh tế hỗ trợ cho sinh hoạt GĐPT khắp mọi nơi vẫn còn mày mò nương theo đời sống kinh tế tiểu thủ công, chắt chiu xu hào của nếp cũ.  Những Hội Đoàn Trẻ (Youth Associations) ở Bắc Mỹ trong các lĩnh vực thể thao, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo có hội gây được những ngân quỹ hàng trăm triệu đô-la trong lúc các em trong GĐPT chúng ta vẫn còn phải đóng tiền túi ăn trưa vào mỗi lần sinh hoạt.   GĐPT chúng ta không thể nào so sánh với họ về mặt vật chất nhưng cũng cần có sự đầu tư suy nghĩ và những kế hoạch gây quỹ thích hợp cho từng đơn vị GĐPT.  Thiếu phương tiện tài chánh, GĐPT nhiều nơi đang trở thành một nhóm con em Phật tử tụ họp nhau đến chùa ca hát mà chơi.

Nói tóm lại là GĐPT Việt Nam trong và ngoài nước đang cần một sự cải tổ và chuyển biến trong những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa cụ thể xứng hợp với xu hướng phát triển tự nhiên của hoàn cảnh địa lý và thời đại.

Một tiến trình hình thức nhằm tạo nên sự chuyển đổi cho bất cứ một phong trào hay một kế hoạch nào cũng không vượt quá xa ra ngoài 4 cái “đúng” cần thiết: (1) Suy nghĩ, phân tích và đặt vấn đề đúng. (2) Đánh giá tình hình sức người, sức của đang có và khả năng sẽ có đúng. (3)  Có một phương hướng, một đường lối và một phương thức giải quyết, thực hiện đúng.  (4)  Chọn thời gian, hoàn cảnh và sự hỗ trợ cần thiết đúng.

Các em thân mến,

Sự cải tổ cơ cấu tổ chức và cải tiến nề nếp sinh hoạt của GĐPT cho phù hợp với thời đại mới không còn mang tính chọn lựa tùy nghi phương tiện mà phải là một sự dấn thân SOS – Swim Or Sink : Bơi Hay Chìm –  Sự chìm đọng trong bối cảnh lịch sử và xã hội của thế kỷ trước chỉ có nghĩa là lỗi thời, là tụt hậu.  Nhưng sự chìm đọng trong thế kỷ 21 nầy sẽ đồng nghĩa với sự buông xuôi hay tự chôn vùi hình ảnh, tác dụng và vai trò của mình trong bước tiến tất yếu của quốc gia và quốc tế.

Tổ chức GĐPT chúng ta là một tập thể.  Một tập thể tích cực và lành mạnh đương đại cần phải có tác dụng đồng bộ giữa sự lãnh đạo tập thể và đầu óc năng động cá thể.  Mỗi em đoàn sinh GĐPT là một cá thể nhỏ bé trong một tập thể rộng lớn.  Nhưng không có từng em một thì làm sao có đội, có chúng, có đoàn.  Bởi vậy, mỗi em đừng ngần ngại nói lên tiếng nói của mình để góp ý với các anh chị trong ban Huynh Trưởng, thỉnh ý với quý Thầy, Cô về những suy nghĩ và đề nghị của mình.

Thân ái chúc các em một mùa Trung Thu tươi mát trong ý nghĩ và tròn đầy trong cuộc sống như trăng Trung Thu.

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Liên lạc:

Doantran@sbcglobal.net

Bài viết liên quan