NĂM MÈO NÓI CHUYỆN CHUỘT về thông tin giáo dục Việt Nam

Gần Tết Quý Mão 2023, các bằng hữu luân lưu hâm nóng, chuyển tiếp nguồn thông tin và bình luận về hiện tình giáo dục Việt Nam từ báo chí trong nước cũ cũng như mới. Trong đó, mẫu tin không rõ ghi ngày tháng của Hà Nội Mới, cơ quan thông tin lề phải của thành phố Hà Nội loan báo tin vui với nhan đề tít lớn: “Việt Nam lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất trên thế giới”. Kiểu nói Xã Xệ về làng tuy chẳng mới mẻ gì nhưng có vẻ như được nhiều người hể hả bình luận nhất.

Tác giả bài viết còn minh hoạ thêm: “Theo kết quả Chương trình đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia có nền giáo dục tốt nhất thế giới. Với vị trí này, Việt Nam vượt lên trên các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Canada (xếp hạng 20) và Mỹ (hạng 25)

https://hanoimoi.com.vn/ban-in/giao-duc/860270/viet-nam-lot-top-20-nen-giao-duc-tot-nhat-tren-the-gioi                                                                                                                                                 

 

Năm nay, Mồng Một Tết đầu năm gặp Ngày chủ nhật nên phụ huynh có dịp trực tiếp tặng bao lì xì mừng tuổi đàn con cháu sum vầy. Và nên chăng cứ làm thinh để các cháu những tưởng rằng trường học Việt Nam mình đang vượt cao hơn tầm thế giới hay giải thích để các cháu hay rằng mình đang thực sự ở đâu. Đầu năm có lẽ nên nói thật, dẫu cho lời thật mất lòng. Đừng chắp cánh giả làm cho các cháu chẳng những không bay được mà còn mang vết bầm tâm hồn và thể xác.

Có chăng nền giáo dục Việt Nam ngày nay đạt trình độ ưu tú trên cả Mỹ và Canada? Trong khi qua nghiên cứu và đánh giá khách quan, thực tế “giáo dục lâm sàng” thì thành tựu giáo dục nước Việt Nam ta xếp hạng trung bình trong khoảng 400 – 600 trong số 1000 trường đại học được được thế giới nhắc đến. Vì cớ gì Hà Nội Mới xếp hạng giáo dục “ta trên Mỹ” trong lúc thông tin giáo dục cả thế giới đều biết thì 20 trường đại học được xếp hàng đầu thế giới Mỹ có mặt tới 16 trường.

Giới truyền thông và văn bút sẽ có lỗi với đại chúng và thế hệ đàn em đang đi học nếu vô tình, bởi chưa nắm vững hay cố ý đưa tin viễn mơ và cường điệu, thiếu kiểm chứng để gây ra ảo giác “ưu việt” dễ dãi theo cảm tính nhất thời. Hệ quả cho kẻ nghe nhầm là tự phong anh hùng zero (hero pour rien) và ưu ái nhân tài bánh vẽ.

Văn hóa và giáo dục cần thiết được quan sát và đánh giá qua lăng kính hàn lâm chứ không phải qua tiếng reo hò sân cỏ bóng đá.

 Giáo dục là gương soi của văn hóa. Giáo dục tốt thì văn hóa khởi sắc; giáo dục thoái trào thì văn hóa suy vong. Bởi vậy, sự đánh giá cần phải thận trọng để khỏi rơi vào tình trạng cực đoan bảo thủ “ta về ta tắm ao ta…”.  Nhắm mắt tắm nước đục vì trân trọng ao nhà là thoái trung, cố chấp!

Sao ta không tạm gác tin vui giáo dục Hà Nội Mới trên giá sách để tỉnh táo tìm hiểu thấu đáo ao nhà ta có thật ưu tú hơn ao nhà người không.

Đối với giới làm công tác giáo dục thế hệ đàn chị và đàn anh, trong cũng như ngoài nước, thì niềm ước mơ một nền giáo dục ở quê nhà phát huy được khả năng tri thức, tinh thần khai phóng, khuynh hướng nhân bản và giá trị nhân văn cho thế hệ đàn em vẫn là khát vọng cháy bỏng của những nhà giáo Việt Nam coi nghề như thiên chức.

Trong lĩnh vực giáo dục cũng như khoa học không có đất đứng cho tinh thần lạc quan bong bóng hay sự suy diễn chủ quan biên kiến theo năng lực quán tính “nói cho lại được” của người mù sờ voi.

Cải cách giáo dục cho phù hợp với hướng đi thời đại vẫn là công tác giáo dục hàng đầu mà quốc gia nào cũng xem trọng. Muốn chấn hưng gia tài học vấn quốc dân và cải cách giáo dục đáp ứng nhu cầu tri thức thời đại thì căn bản đầu tiên là có sự đánh giá rạch ròi và trung thực về vốn liếng, khả năng và bản đồ tiến thủ của đất nước mình. Nay một cơ quan truyền thông tầm cỡ như Hà Nội Mới lại đưa ra kết luận về chỗ đứng của nền giáo dục nước nhà y cứ trên kết quả đánh giá của một tổ chức thống kê giáo dục chỉ chuyên về lĩnh vực kinh tế và giới hạn cho học trò trung học đệ nhất cấp (15 tuổi) thì e rằng tính trung thực của thông tin và truyền thông đại chúng cần được xét lại và cân nhắc cẩn trọng hơn để tránh hiện tượng khoe mẽ vu vơ và thông minh vụn vặt kiểu Trạng Quỳnh làm cho kẻ sĩ lắc đầu và người hiền quay mặt.

Vậy “PISA – OECD” làm giám khảo đánh giá nền giáo dục Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong cộng đồng giáo dục thế giới là ai và có ý nghĩa gì?

PISA (Program for International Student Assessment = Chương trình đánh giá học sinh quốc tế)  – OECD (Organization for Economic Cooperation and Development = Tổ chức về sự hợp tác và phát triển kinh tế) được thành lập vào năm 2000 và chủ yếu do Bắc Kinh yểm trợ hậu trường. Đây là một tổ chức đánh giá về khả năng tính toán của học trò ở lứa tuổi 15 áp dụng trong lĩnh vực kinh tế. Cộng đồng giáo dục quốc tế đã coi đây là một tổ chức gây ảo tưởng tiềm lực chất xám kinh tế của một phía “cửu đoạn tuyến” mà các nhà giáo dục thế giới cho là thiếu tinh thần học thuật khách quan và khoa học. Chỉ xem sơ qua kết quả cho điểm và đánh giá xếp hạng của PISA thì sẽ thấy rõ ràng rằng: Trung Quốc và các tỉnh hay các miền thuộc địa đều được xếp vào hàng đầu bảng điểm đánh giá nên Việt Nam (19) hay bất cứ nước nào lọt vào bảng đánh giá nầy thì cũng là màn ảo thuật học vấn kiểu…Tào Tháo luận anh hùng mà thôi:

 

 

Bảng xếp loại điểm trung bình của toán học, khoa học và tập đọc của PISA:

(PISA 2021 – Average Score of Mathematics, Science and Reading)

1. China (Beijing, Shanghai, Jiangsu, Zhejiang) 578.7
2. Singapore 556.3
3. Macao 542.3
4. Hong Kong, China 530.7
5. Estonia 525.3

Trong lúc đó, những tổ chức nghiên cứu, đánh giá có uy tín về trình độ và chất lượng giáo dục như CWUR, PEW, Gallup, Vox, The Atantic, The Conversation, Washington Post… dày công nghiên cứu để đánh giá hệ thống giáo dục toàn diện thì đã công bố xếp hạng năm học 2021 -2022 như sau:

1- Hoa Kỳ

2-  Anh

3- Đức

4- Gia Nã Đại

5- Pháp

6- Thụy Sĩ

7- Nhật

8- Úc

9- Thụy Điển

10- Hà Lan

Năm học 2021- 2022, Trong số 76 quốc gia tham dự, Việt Nam xếp hạng 59 (lên 5 bậc so với năm trước 2020). Các nước láng giềng Việt nam được xếp thứ hạng : Nhật 7, Hàn Quốc 19, Singapore 21, Trung Quốc 22, Nga 23, Ấn Độ 32, Mã Lai 38 ,Thái Lan 46, Philippine 55, Cambodia 75…

PISA chỉ là một góc nhỏ nghiên cứu và đánh giá giáo dục toàn cầu. Muốn biết tổng thể về giáo dục mà Hà Nội Mới gọi là “các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” thì phải đi vào bảng xếp hạng của hệ thống đại học.  Về hệ thống đại học xét về chất lượng và giá trị giáo dục toàn diện thì thứ hạng cập nhật toàn thế giới (2022-2023) được xếp như sau:

 

Xếp hạng Tên trường đại học Quốc gia Điểm
1 Harvard University USA 100
2 Massachusetts Institute of Technology USA 96.7
3 Stanford University USA 95.1
4 University of Cambridge United Kingdom 94.1
5 University of Oxford United Kingdom 93.3
6 Princeton University USA 92.6
7 Columbia University USA 92.0
8 University of Chicago USA 91.5
9 University of Pennsylvania USA 91.1
10 Yale University USA 90.7
11 California Institute of Technology USA 90.4
12 University of California, Berkeley USA 90.1
13 University of Tokyo Japan 89.8
14 Cornell University USA 89.5
15 University of Michigan, Ann Arbor USA 89.2
16 Johns Hopkins University USA 89.0
17 Northwestern University USA 88.8
18 University of California, Los Angeles USA 88.6
19 University College London United Kingdom 88.4
20 Duke University USA 88.2

Tại Việt Nam, đại học Tôn Đức Thắng, đại học quốc gia Hà Nội và thành phố HCM được xếp hàng đầu trong số 242 trường đại học trong cả nước (gồm 176 đại học công lập và 66 đại học tư). Nhưng trong quá trình đánh giá về các mặt chuyên môn hay tổng quát trong số hơn 1000 trường đại học trên thế giới thì ba trường đại học ưu tú nhất của Việt Nam được đánh giá và xếp hạng như sau:

Đại học quốc gia Hà Nội xếp hàng dao động giữa thứ hạng 401-450 về môn Toán, Vật lý và Thiên văn đứng hạng 551-600; kỹ thuật Vi tính và hệ thống Thông Tin xếp hạng 501-550. Đại học quốc gia thành phố HCM xếp hàng 551-600 về Kỹ thuật Vi tính.

Đánh giá trên 1000 trường đại học có nếp sinh hoạt thường xuyên được biết đến nhiều nhất trong cộng đồng đại học và hậu đại học của thế giới, ba trường đại học đứng đầu của Việt Nam là đại học Tôn Đức Thắng, đại học quốc gia Hà Nội và Thành phố HCM thì đại học Việt Nam được xếp hàng tổng quát có thứ hạng dao động từ 400 đến 600.

Nếu xếp loại tổng quát của tất cả các trường đại học trên toàn thế giới theo cơ quan đánh giá được quốc tế công nhận có tính chuẩn xác cao nhất là CWUR (Center for World University Rankings) thì trong năm học 2021-2022 với tổng số 1600 + trong số 19,788 trường đại học toàn cầu, chỗ đứng của các trường đại học Việt Nam được liệt hạng nhất, nhì trong nước lại có chỗ đứng quá khiêm tốn trong cộng đồng đại học thế giới như:

  • Đại học Quốc gia Hà Nội: 1266
  • Đại học Tôn Đức Thắng: 1426
  • Đại học Duy Tân: 1482
  • Đại học Quốc Gia Thành phố HCM: 1649

Với tình tự dân tộc, người Việt nào cũng muốn nền giáo dục và con em của xứ mình cùng vươn vai thích cánh ngang tầm hay vượt trội so với con em của các dân tộc khác trên toàn thế giới nhưng thường vẫn phải đối diện “khó bó khôn”. Việt Nam ta có 97 triệu dân với 242 trường đại học; trung bình 400.000 người mới có một đại học. Trong lúc Mỹ có 331 triệu dân với 5.344 trường đại học; trung bình 62.000 người có một đại học.

Mỹ là quốc gia có nhiều đại học nổi tiếng với số trường đại học nhiều nhất (5344 trường). Trong số 20 trường đại học được xếp hàng đầu trên thế giới Mỹ chiếm 16 trường, Anh 3 và Nhật 1. Đại học Sorbonne vang bóng một thời của Âu châu xếp hàng 39, đại học Bắc Kinh hàng đầu Trung Quốc xếp hàng 34…

Như vậy, nếu chỉ biết đơn giản và vội vàng căn cứ vào sự đánh giá quá chuyên biệt trong địa hạt kinh tế, giới hạn độ tuổi và bị đặt trong khung của một vài quốc gia bảo trợ để cho đó là tình trạng tổng quát của giáo dục Việt Nam thì thật là thiếu thận trọng. Thêm vào đó, PISA lại không được quốc tế công nhận về tính chuẩn xác và tổng quát để làm căn bản suy diễn cho trình độ giáo dục của một quốc gia. Nay Việt Nam có cả trăm triệu dân mà Hà Nội Mới lại đem thước PISA để đo trình độ giáo dục thì quả thật là “năm mèo nói chuyện chuột” về thông tin giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.

Lượm dăm ba con số trên online chỉ để mong được góp ý với Hà Nội Mới và quý anh chị em cầm bút trong Năm Mới rằng, tốc độ truyền thông G4, G5, G6… ngày nay khiếp lắm. Con em chúng ta chỉ cần nhấn ngón tay lên nút phương tiện điện tử là biết ngay mọi chuyện năm châu kim cổ. Do vậy, hướng dẫn dư luận bằng tâm trí chứ đừng bằng ngón tay.

Mừng Năm Mới, mừng thế hệ trẻ Việt Nam trong cũng như ngoài nước được học hành cho xứng đáng với biểu tượng “nghìn năm văn hiến”. Ta không khen của người mà chê của ta hay ngược lại; nhưng cần thiết là trang bị được tinh thần cầu học hỏi và cầu tiến bộ. Qua hơn hai nghìn năm, thế giới thể phách chỉ còn là ý niệm nhưng viễn kiến của Khổng Tử về cái học trường đời vẫn còn vẻ đẹp nhân văn “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện…” Lộ trình của Đại học là làm sáng lương tri và làm đẹp cuộc đời. Cái học tự nó chỉ là phương tiện. Nhưng trong phương tiện đã có cứu cánh bởi tuy nhân nào quả đó nhưng nhân quả đồng thời.

Chúc mừng Năm Mới: Lão niên an khang, trung niên thành đạt và hoa niên vươn lên… tất cả với nụ cười an lạc và niềm vui hạnh phúc.

Natomas, ngày đầu năm Tây 2023

Trần Kiêm Đoàn

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan