NĂM MỚI… PHẬT TỚI THẾ GIAN.

Một trường hợp đức Phật thị hiện thế gian?

         

Ngày 12 tháng 11 năm 2008, tin từ Nepal do hãng tin AP truyền đi khắp thế giới rằng, hàng chục nghìn người đã đổ về khu vực rừng núi Ratanpur cách thủ đô Katmandu của Nepal hàng trăm dặm để chiêm bái một vị Phật mới ra đời.

Theo dõi phóng sự hình ảnh của AP, người ta thấy “đức Phật hóa thân” là một thanh niên 18 tuổi, tóc đen dài quá vai, nét mặt trầm tĩnh, dáng dấp thanh tú, khoẻ mạnh, đẹp trai.  Theo sự điều tra và theo dõi của các phóng viên phương Tây thì những người đến chiêm bái có nhiều tu sĩ Nepal, Tây Tạng và các học giả chuyên đề Phật giáo.  Trong số hàng nghìn khách đến viếng “Phật sống hóa thân” trong ngày thứ Tư hôm nay có người tin tưởng tuyệt đối đây quả thật là đức Phật Thích Ca Gautama đã xuất hiện cách đây hơn 2500 năm nay hóa thân trở lại.  Có số khác hoài nghi không biết hư thực thế nào.  Và, cũng có người cho đây là “Phật giả” được dựng nên để làm tiền khách thập phương.

Với mạng lưới truyền thông đại chúng nhanh như điện của thế kỷ 21, chẳng có gì là bí ẩn, huyền thoại dưới ánh mặt trời.

Khách địa phương đến chiêm bái đã cung cấp thông tin rằng, “cậu thanh niên Phật” (Buddha Boy) đó tên là Ram Bahadur Bamjan, 18 tuổi.  Cách đây 3 năm, ngày 17 tháng 5 năm 2005, khi mới 15 tuổi, cậu Ram đã xuất hiện lần đầu tiên tại vùng rừng núi Bara nầy.  Người ta thấy Ram ngồi xếp bàn im lặng dưới gốc cây đại thụ, xung quanh có rễ già bao quanh làm thành một cái hang.  Cậu Ram ngồi nhắm mắt, không cử động suốt ngày như thế.  Chiều lại, có “đệ tử” buông một tấm rèm cách cậu chừng vài ba chục mét để cách ly cậu với mọi người tò mò vây quanh.  Tin lan truyền ra là cậu Ram đã ngồi thiền định như thế liên tiếp trong nhiều tháng mà chẳng ăn chẳng uống gì cả.  Một thời gian sau, cậu Ram mất biệt trong rừng chừng một năm và nay xuất hiện trở lại.

Tuy cậu Ram không thuyết giáo hay nói ra điều gì minh triết, nhưng số quần chúng truyền nhau nguồn thông tin chung rằng, một người ngồi định tâm suốt ngày, không ăn uống gì “hàng tháng” (?) trời như thế tất phải là một đấng siêu phàm như tiên, phật, trời… nào đó.  Tuy nhiên, theo ông Shakya thuộc Trung tâm nghiên cứu Phật Giáo Nepal thì thiền định và việc không ăn, không uống dài ngày chẳng phải là những chứng lý để cho rằng, chàng trai nầy là hóa thân của đức Phật. Hai trung tâm nghiên cứu Phật giáo và Trung tâm Chánh thiền Long Thọ (Nagarjuna Institute of Exact Methods) của Nepal tại thủ đô Kathmandu không hề đưa ra bất cứ chứng cớ hay giải thích nào về hiện tượng chàng Ram là hóa thân của đức Phật Thích ca vì rằng họ chưa “chưa đầy đủ chứng lý và dữ kiện” về chàng trai nầy.

Trong lúc đó, các nhóm săn tin thuộc môi trường truyền thông đại chúng phương Tây cố điều tra cho ra sự thật thì chỉ mới đưa ra một nhận xét đầy hoài nghi rằng, buổi chiều tối, khi tấm màn đã buông xuống để che khuất cậu Ram thì cậu có thể ăn uống hay làm gì khó ai mà biết được (?!)

Ý nghĩa của khái niệm tái sinh

Thuyết luân hồi (Phạn: Samsàra; Anh: Incarnation) là một tín lý rất quan trọng trong đạo Phật .  Với số tín đồPhật giáo hiện nay là 325 triệu người trên khắp thế giới, hầu hết tin tưởng vào thuyết luân hồi, tái sinh.  Tuy nhiên mức độ tin tưởng và khả năng phân tích, giải thích cao thấp không giống nhau.

Những tôn giáo xuất hiện hàng nghìn năm trước khi Phật giáo ra đời tại Ấn Độ như Bà La Môn cũng nói về nghiệp và luân hồi, tái sinh nhưng qua lăng kính tiêu cực và thụ động đầy tính bí ẩn và thần thoại.  Mãi cho đến khi Phật Thích Ca ra đời mới thật sự nhìn nghiệp và tái sinh bằng một tinh thần tích cực và chủ động.  Nghiệp và Ngã tương tác như năng lượng và đối thể tiêu thụ hay bảo tồn năng lượng. Tiêu dùng nhiều thì mau cạn kiệt; để dành càng nhiều thì tích lũy càng lớn.  Năng lượng chỉ chuyển biến hình thái và trôi chảy qua nhiều dạng thức chứ không bao giờ mất đi.  Tương tự như thế, Nghiệp là “năng lượng” mất đi hay tích lũy thường hằng biến chuyển trong mỗi sinh vật.  Con người không thể chạy trốn chính mình.  Cũng tương tự như thế, người ta không thể nào “gian lận” về năng lượng như dùng nhiều mà nói ít hay ngược lại. Con người là chủ thể trong việc tạo nghiệp hay giải nghiệp.  Và cũng chính con người giữ phần quyết định cho kiếp lai sinh của mình: “Muốn biết kiếp sau của mình như thế nào thì hãy nhìn vào việc làm của chính mình  trong kiếp hiện tại.”

Phật giáo nguyên thủy từ Ấn Độ truyền qua Trung Hoa từ đời Đông Hán, nhưng thật sự phát triển và đi vào quần chúng từ thế kỷ thứ III.  Màu sắc triết lý sâu thẳm, nặng tính kinh viện của Phật giáo Ấn Độ đã được đại chúng hóa ở Trung Hoa.  Nơi đây, Phật giáo đại thừa được xiển dương và phát triển qua nhiều triều đại.  Mảnh đất của thi ca, triết học và thần kỳ đã làm cho tư tưởng Phật giáo hòa quyện vào đời sống tâm linh, đáp ứng khát vọng và ước mơ về một thế giới an lạc, sung sướng lý tưởng nhất gọi là cõi Tây Phương Cực Lạc.  Hạnh phúc lý tưởng nầy – về mặt tâm linh và lý thuyết – bắt rể từ trong cuộc sống hiện thực và kéo dài đến một viễn ảnh sống gởi thác về mai sau.

Nhánh Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào các xứ quanh vùng Hy Mã Lạp Sơn như Tây Tạng, Nepal, Miến Điện, Tích Lan… đã thấm vào văn hóa đặc thù của các xứ nầy mang một mầu sắc khác.  Vùng Hy Mã Lạp Sơn thường được gọi là “mái nhà của thế giới” vì có địa thế kỳ tú và hiểm trở, với núi non cao vút như viền mái che khuất trời xanh.  Sống giữa thiên nhiên huyền bí, nên nếp sống và nếp nghĩ của con người bản xứ cũng mang đậm nét kỳ bí lạ lùng.  Ranh giới giữa lý luận và trực giác thường xuyên “vượt biên” gối lên nhau đến nỗi những nhà luận lý học phương Tây vốn quen với những nếp nghĩ duy lý, rạch ròi chỉ có thể gọi một cách mơ hồ là “phương Đông huyền bí!” Hiện tượng tái sinh của những hài đồng Lạt Ma được xem như là sự hóa thân tất yếu, bình thường, tự nhiên.  Con người và thần thánh gần như sống chung bàng bạc trong mây khói của những hang động núi rừng thâm u.

Hoàn cảnh địa lý thường là nhân tố trực tiếp sinh ra khung cảnh xã hội và khuynh hướng suy tư.  Lý thuyết căn bản của nhà Phật không sai khác, nhưng phương tiện để học, hiểu và thực hành thì nhiều vô số kể, tùy thuộc vào những điều kiện xã hội của quần chúng theo đạo Phật trong từng thời kỳ và môi trường sống khác nhau. Có thể nói có bao nhiêu người theo đạo Phật để học đạo và hành đạo nghiêm túc thì có bấy nhiêu cách vận dụng phương tiện thích ứng.  Tám vạn bốn ngàn pháp môn chỉ là một con số tượng trưng làm biểu kiến cho số phương tiện nhiều không đếm hết đó. Xe lớn hay xe nhỏ (tiểu thừa, đại thừa), ngựa Bắc hay ngựa Nam (thiền tông, tịnh độ), thánh hay phàm (xuất gia hay tại gia)… trong sinh hoạt Phật giáo đều là phương tiện để chuyển tâm và hóa đạo.  Đọc phẩm Phương Tiện và phẩm Thí Dụ trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đức Phật đã thuyết giảng rằng,  để cứu những đứa con đang mãi vui chơi vô tư trong căn nhà đang cháy, người cha phải hô lên là có những cỗ xe to, xe vừa, xe nhỏ do voi, ngựa, dê kéo đang chờ ngoài cửa. Mục đích là để dụ đàn con đang còn ham vui chơi trong căn nhà lửa, nghe xe ngựa hấp dẫn réo gọi nên ùa ra chơi xe, thế là chạy ùa ra ngoài, thoát khỏi vòng lửa cháy.  Sự thật thì chẳng có cổ xe lớn nhỏ nào cả mà chỉ có cổ “xe Phật Đà” làm phương tiện cứu mạng sống của đàn con mà thôi.

Làm chính trị mà nhầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh sẽ có khả năng gây ra cảnh gây chết người oan uổng; sinh hoạt tôn giáo mà nhầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh sẽ có khả năng biến đức tin thành mê tín dị đoan, hạ thấp phẩm chất của đời sống tâm linh.

Hiểu Phật giáo như một triết thuyết, một tôn giáo hay là một phương tiện giáo dục thực hành để giúp đời bớt khổ đều đúng.  Nhưng hiểu Phật giáo một cách đơn giản và máy móc theo tinh thần sùng bái phép lạ và chấp chặt vào hình tướng, vào chữ, vào câu là lạc hướng.

Khi nói đến Phật là nói đến hằng hà sa số chư Phật và tánh Phật thường trú trong mỗi sinh thể hay chúng sinh.  Hình ảnh đức Phật Thích Ca ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề một thời xa xưa ở Ấn Độ đã trở thành một biểu tượng.  Đó là biểu tượng của một sinh thể qua nhân dáng  đã giác ngộ, đạt đỉnh điểm của trí tuệ sáng ngời và công hạnh tu trì thành tựu viên mãn.  Đạo Phật quan niệm mọi vật đều đang trên một tiến trình xoay chuyển thay đổi, không hề có một sự dừng lại để xác định cho được một cái “chính nó” mà chữ nghĩa giới hạn tạm gọi nó là cái “Ngã”.  Không ai nắm lại được một ánh chớp, một thoáng thời gian, một khoảng cách không gian trong trong lòng bàn tay mình được cả.  Vậy nên không có điểm tụ, điểm dừng cho cái ngã (ta, tôi, nó, chúng…) bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào.  Khẳng định và quyết đoán ngã ta, ngã ngài, ngã ông, ngã chúng thế nầy, thế nọ là chấp ngã, cụt đường.  Hình tướng là một phương tiện để định tâm, tỉnh trí tạm thời.  Đi tìm nhân dáng, ảnh tượng mang dáng dấp của Phật để bị dính mắc vào khái niệm là “Phật thật” hay “Phật giả” là thực hành tà đạo, không thấy được Như Lai.

Trong bài viết On Reincarnation (Về Chuyện Tái Sinh), đăng trên Liên mạng Phật giáo “www. Buddhanet.net”, thiền sư Tukashi Tsuji đã nhấn mạnh rằng, xưa nay có một sự hiểu lầm thô thiển về vấn đề tái sinh trong Phật giáo: “Tái sinh không phải đơn giản là một sự di chuyển đổi mới, tái sinh về thể xác, như khi cho rằng chàng John sẽ bị tái sinh thành con mèo vào kiếp sau chẳng hạn.  Đây là trường hợp thường được hiểu như John có một linh hồn bất tử để chuyển hóa vào thể xác của con mèo sau khi anh ta chết.  Và cứ thế, sự tái sinh đổi hồn cũ qua xác mới cứ lập đi lập lại hoài. Trường hợp nếu gặp may, John sẽ sinh làm người trở lại.  Quan niệm tái sinh hiểu như sự di cư tạm trú của linh hồn từ thể xác nầy sang những thể xác khác tuyệt nhiên không hiện hữu trong Phật giáo.” Sư Tsuji không nói rõ sự luân hồi và tái sinh tiêu biểu diễn ra như thế nào. Nhưng ông chỉ hình dung ra rằng, những kẻ còn đang sống mà khao khát quyền lực và tiền bạc quay quắt là đang sống kiếp quỷ đói.  Kẻ còn sống mà bất chấp đạo lý, thiện ác, phải trái là đang sống kiếp súc sanh ngay giữa cuộc đời nầy.

Tương tự như thế, đạo Phật phủ nhận quan niệm “số phận” của con người. Đấy là một sự an bài thường được hiểu như có sự xếp đặt sẵn của một thế lực làm chủ như ông Trời, Thần linh, Thượng Đế… mà con người phải buông tay nhận chịu.  Phật giáo quan niệm Nghiệp là động lực chi phối tất cả.  Nghiệp (Karma) có nguồn gốc từ tiếng Phạn “Kri” có nghĩa là làm ra, tạo nên hay “hành động”.  Nó chi phối sự vận hành liên tục của vũ trụ trong chuỗi dây xích có mối liên hệ nhân quả “Ở hiền gặp lành; gieo gió, gặt bão.”  Cho nên thân, ý, khẩu là ba nghiệp tạo nên hành động của con người.  Nghiệp là sản phẩm của chính con người, nên phải do chính người đó sửa đổi. Thầy giáo có thể giúp học trò biết chữ; thầy thuốc có thể giúp người bệnh chữa lành bệnh; nhưng thầy giáo không thể học thay cho trò và thầy thuốc không thể uống thuốc thay cho con bệnh được.

Nghiệp được xem như là một nguồn “năng lượng luân lý đạo đức/tâm linh” (moral/spiritual energy).  Nền vật lý học hiện đại đã xác minh nguyên lý bảo toàn năng lượng (law of conservation of energy) rằng, mọi năng lượng trong trời đất không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển hóa hình thái.  Tương tự như thế, nghiệp cũng sẽ không bao giờ mất đi mà thường xuyên chuyển hóa liên tục dưới muôn vàn hình thái theo nguyên lý bảo toàn năng lượng luân lý đạo đức và tâm linh.

Một tiếng sét bùng nổ là khi hai luồng điện âm dương chạm vào nhau.  Nguồn điện năng chuyển hóa thành ánh sáng, âm thanh, nhiệt lượng bùng lên trong nháy mắt ngỡ như mất đi nhưng thật sự vẫn còn nguyên nhưng đã “hợp duyên” chuyển hóa thành những thể trạng năng lượng mới.  Dưới tác động của nghiệp, con ngươì sinh ra, lớn lên, xây dựng sự nghiệp; già cả, bệnh tật, chết đi… và chuyển theo nghiệp! Tiếng sét và đời người xuất hiện, rồi chuyển hóa và vận hành theo sự tác động phối hợp tương tác qua lại mà đạo Phật gọi là “duyên khởi.”

Từ vô thủy đến vô chung là khoảng thời gian không biên giới.  Khoa học hiện đại với mọi phát hiện và ức đoán xa vời nhất cũng chỉ mới nói chuyện lịch sử vũ trụ trong vòng… 18 tỷ năm (?!).  Nếu 18 tỷ năm đó đã có những sinh linh nguyên thủy rồi tận diệt vì bom nguyên tử và tai họa “Global Warming” (quả đất đang nóng lên vì bị thiêu đốt bởi tham vọng vật dục của con người) như chúng ta bây giờ — 18 tỷ năm sau — thì cái Nghiệp cũng đã đeo đẳng thế giới vật lý và tín lý của con người dài như thế.

Hiện tượng “Phật hiện thế gian” như đang xảy ra với thanh niên Ram Bahadur Bamjan ở Nepal cũng chỉ là một phương tiện chuyển tải và chia sẻ nếp sinh hoạt tâm linh rất bình thường của Phật giáo hợp với căn cơ của người quanh các xứ đó mà thôi.  Dưới tác động của vô thường biến dịch không ngưng nghỉ, chuyện đức Phật Thích Ca ngày xưa có tái sinh thị hiện trở lại giữa thế gian này hay không chẳng quan trọng bằng qua hình ảnh chàng “thanh niên Phật” đó, người tin theo có cơ hội học hỏi, thu nhận và đánh thức được Phật tánh trong tự thân hay không và tới mức độ nào.  Đóa sen trong tay Phật chính là phương tiện tìm ra tánh phật (tĩnh từ không viết hoa) trong chủ thể và cả trong đối thể khi Ca Diếp nhìn sen mà mỉm cười trong đại hội Liên Hoa.  Cậu Ram là Phật đối với người nhìn cậu mà cảm nhận được tánh thật của chính mình.  Nhưng cậu Ram chỉ là câu chuyện cười đối với người nhìn cậu mà không thấy Phật, chẳng thấy mình, vô thưởng vô phạt mà Phật giáo thường gọi là hý luận.

Tới bến — ba la mật đa — paramita

           

Đã hơn 2500 năm qua, đạo Phật giữa đời người như một biển lớn bao la.

Trải qua bao nhiêu giông bão, biến cố, thời gian mưa nắng dập vùi, nhưng biển khơi đã hóa giải được tất cả.  Cũng có lúc biển cả phải lên sóng lớn vì gió cuồng.  Phải nổi ba đào vì trăm dòng khe suối hung hãn đều trôi về biển.  Phải sủi bọt đục ngầu vì chấp chứa hết cả rác và  hoa của núi rừng, đồng bằng, nhân gian bị tàn phá không phân biệt.  Nhưng cuối cùng, biển cả vẫn trở về tĩnh lặng, trong ngần.  Người theo đạo Phật thản nhiên và mỉm cười “thế à” trước những biến động phù du của muôn vàn khe suối xung quanh.  Chỉ sợ một lần bị đắm chìm trong dòng khe suối chấp vọng, vô minh rồi xa mãi bến bờ an lạc.  Người ta vừa thú vị với hài tính, nhưng cũng vừa xúc động với khát vọng giải thoát khi đọc lại mạch văn của Thiền sư  nổi tiếng Thái Lan, Luang Phor Khun, diễn dịch câu thần chú kết thúc kinh Bát Nhã “Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhishatva: ngoi lên, ngoi lên, ngoi lên đi, ngoi lên được rồi, thoát hiểm!” Vâng, một bữa tiệc sang trọng của một đại gia khát khao danh vọng và một chén cơm nguội đối với một kẻ nghèo khó đói lòng, chắc gì hạnh phúc nào sẽ lớn lao và đích thực hơn.  Giữa hai bờ đối đãi nhị nguyên, người ta tò mò tìm cậu Ram để đo lường thật giả.  Nhưng với tinh thần Trung đạo của Phật giáo thì chẳng có gì quan trọng. Nếu chưa phải hôm nay thì mai kia, chúng ta đều là Phật tương lai.

                                                                                                Trần Kiêm Đoàn

                                                                        Natomas, California ngày Thanksgiving 2008

Bài viết liên quan