PHẦN II: ĐỊA LÝ VÀ XÃ HỘI

 

 

1. Địa hình

Làng Liễu Cốc Hạ nằm phía Tây Bắc và cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km theo đường chim bay, hoặc chừng 11 km theo đường bộ. Thời kỳ làng Liễu Cốc chưa tách thành Liễu Cốc Thượng và Liễu Cốc Hạ thì câu nói phổ biến về địa hình, địa giới thiên nhiên của làng Liễu Cốc thời bấy giờ là: “Đông cận giang (sông Bồ), Tây cận Khe Ngang, Lại Bằng (Thọ Sơn)”.

Con sông chảy qua phía đông làng có tên sông Bồ, sách Đồng Khánh Địa dư chí thời vua Đồng Khánh giải thích rằng: “Tục truyền, trên thượng nguồn sông Bồ có nhiều cỏ xương bồ, cho nên có tên là Bồ giang (蒲江).

Địa hình Làng Liễu Cốc Hạ
Địa hình Làng Liễu Cốc Hạ

Sông Bồ là con sông đẹp nổi tiếng ở miền Trung có dòng nước quanh năm trong xanh hiền hòa, uốn lượn như dải lụa mềm. Khi chảy qua địa phận làng Liễu Cốc Hạ, sông được ví như: “Chiếc khăn lụa màu ngọc bích vắt ngang qua mình người thiếu nữ thôn Liễu”.

Sông Bồ là một nhánh của sông Sịa. Sông Sịa phát nguyên từ vùng núi A Sao thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới. Từ đó sông chảy qua huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, đến thôn Phò Nam huyện Quảng Điền thì tách thành hai nhánh. Nhánh thứ nhất vẫn có tên là sông Sịa, đổ ra biển ở đoạn giữa phía Bắc phá Tam Giang. Nhánh thứ hai gọi là sông Bồ, hợp lưu vào sông Hương ở ngã Ba Sình thuộc địa phận thành phố Huế. Sông Bồ xưa có tên gọi là sông Đan Điền (vì chảy ngang qua huyện Đan Điền, tức là huyện Quảng Điền ngày nay). Tuy nhiên, tùy theo sông chảy qua địa phận làng mạc nào mà người dân gọi tên là sông Phú Ốc, sông Hiền Sĩ, sông Cổ Bi, sông Liễu Cốc Hạ…

Trong hệ thống hành chính Nhà nước, trước đây làng Liễu Cốc Hạ là một trong tám làng thuộc xã Hương Toàn gồm: Hương Cần, An Thuận, Liễu Cốc Hạ, Nam Thanh, Cổ Lão, Vân Cù, Triều Sơn Trung, Dương Sơn. Hiện nay về mặt quản lí, Nhà nước gọi tên làng là thôn. Thôn Liễu Cốc Hạ là một trong 11 thôn thuộc xã Hương Toàn. Các thôn còn lại là: Thôn Giáp Đông, Giáp Kiền, Giáp Tây, Giáp Thượng, Giáp Trung, Vân Cù – Nam Thanh (hai thôn này sát nhập lại), An Thuận, Triều Sơn Trung, Cổ Lão, Dương Sơn.

Ngày nay (2022) thôn Liễu Cốc Hạ có vị trí giới hạn là Đông giáp sông Bồ; Tây giáp thôn Phe Thượng (Hương Cần) và thôn Liễu Nam (phường Hương Xuân); Nam giáp thôn Phe Tây; Bắc giáp thôn Cổ Lão.

2. Ruộng đất

Theo sổ địa bạ cũ, tổng diện tích của làng là 204 mẫu, 6 sào, 14 thước (1 mẫu ta = 4970 m2). Tổng diện tích này được chia ra như sau:

– Công, tư điền thổ: 145 mẫu, 3 sào.

– Thổ cư: 24 mẫu, 2 sào.

– Đình, chùa, miếu, am: 1 mẫu, 7 sào.

– Nghĩa địa, mồ mả và hoang giàng: 32 mẫu, 4 sào.

Sau 1975, thực hiện chủ trương “Đất đai là sở hữu của toàn dân” Nhà nước (xã Hương Toàn) đã cắt của làng Liễu Cốc Hạ 20 mẫu đất điền thổ giao cho làng Cổ Lão quản lý. Như vậy diện tích đất của làng hiện nay (2022) còn lại 184 mẫu, 6 sào, 14 thước, 2 tất.

Làng có những vùng đất đặc biệt gọi là “cồn”. Cồn là tiếng gọi chung cho một vùng đất hay dải đất nổi lên thành gò, đồi. Cồn có thể nằm giữa các sông, hồ do tác động của gió, sóng thủy triều hay mạch đất ngầm tạo nên.

Ở các vùng nông thôn cồn là gò đất nổi lên cao hơn đất ruộng hay đất ở, do thiên nhiên hoặc con người bồi đắp lâu ngày tạo nên. Làng Liễu Cốc Hạ có nhiều cồn đó là: cồn Làng – cồn Quán – cồn Trưa – cồn Nổi – cồn De – cồn Rấy – cồn Thần Nông. Từ đó có câu ca dao truyền miệng nhắc đến các cồn quanh làng là.

Cồn Quán, cồn Rấy, cồn De,

Cồn Trưa, cồn Nổi, Thần Nông, cồn Làng.

Cồn của làng Liễu Cốc Hạ đa phần do thiên nhiên tạo nên. Riêng cồn Thần Nông do dân làng đắp mà thành. Đây là một công trình đậm chất văn hoá tín ngưỡng của một làng quê chuyên sống về nghề nông. Trước đây, trước khi xuống giống cho một vụ mùa mới là các vị chức sắc hoặc cao niên đại diện dân làng ra cồn thiết kế trai bàn, bông ba hoa quả, hương đăng phù tửu… xin Thần Nông phù trợ mưa thuận, gió hoà để mùa màng được bội thu. Cuối vụ mùa, sau khi thu hoạch xong, bà con dân làng lại đem sản vật nhà nông ra cúng tạ ơn ngài. Cồn nằm trên vạc ruộng Giấy gần cồn De, trước đây chỉ là mô đất, đến năm Bính Ngọ (1966), sau khi xây dựng các công trình dân sinh trong làng như cầu cống, bến sông, giếng nước xong, làng tiến hành xây đàn tế Thần Nông. Đàn tế hướng về năm mặt, gọi là ngũ phương. Ngày nay việc cúng Thần Nông đã mai một, trong làng chỉ còn vài gia đình duy trì nghi thức này.

Về ruộng Làng có:

Bù Lu, Hạ Hoái, Tàu Cùng,

Rột Xa, Cồn Quán, Đô Vân, Học Trò.

Đất cát quê hương mà cũng vào thơ văn và âm nhạc là nhờ mạch đất quê nhà phát triển về văn hoá nghệ thuật. Do vậy, tuy là một làng quê chuyên về nông nghiệp một nắng hai sương, nhưng Liễu Cốc Hạ lại sản sinh nhiều nghệ sĩ văn học, thi ca, âm nhạc có nhiều tác phẩm xuất bản công bố trước đại chúng.

3. Dân cư

Dân làng Liễu Cốc Hạ hiện đang sinh sống trong làng là một tập thể thuần chủng người Kinh. Số dân làng sống rải rác tại các tỉnh thành trong nước và ngoài nước có thể lai phối với người thuộc chủng tộc khác thông qua hôn nhân, ước đoán khoảng 5%.

Theo số liệu cập nhật giữa năm 2022, làng có 281 hộ với tổng số dân là 1289 nhân khẩu. Trong đó độ tuổi lao động 450 người, còn lại trẻ em và người già. Như vậy so với trước năm 1975, hiện nay dân số làng đã tăng lên 2,5 lần.

Về tình hình phân bố tuổi tác liên quan đến tuổi thọ và sức khỏe cộng đồng, theo tài liệu y khoa công bố năm 2020 thì làng Liễu Cốc Hạ cũng tương tự như người dân cả nước, có tuổi thọ trung bình là 72 tuổi; nhưng độ tuổi sống khoẻ mạnh lại hơi thấp, chỉ khoảng 63 tuổi. Đa phần nhóm này có chứng bệnh của người cao tuổi như mạch vành, huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, giảm trí nhớ hay ung thư…

Cuộc sống của dân làng Liễu Cốc Hạ ngày càng phát triển mọi mặt. Sinh hoạt hàng ngày có điện và nước máy đến từng nhà. Canh tác nông nghiệp không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Cấy, gặt không dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng như xưa. Phương thức sản xuất mới đã giúp dân làng nhàn nhã hơn xưa nhiều. Làm đất, đánh sục bùn bằng máy, gieo giống (xạ) trực tiếp không phải cấy, thu hoạch đã có máy gặt, tuốt hạt có xe chở về tận từng nhà…

Ngoài nông nghiệp còn có một số hộ theo hướng chăn nuôi heo, gà, cá… được phát triển trên cạn và dưới nước. Ngoài ra, người dân còn tham gia mua bán nhiều mặt hàng với người địa phương khác. Hình ảnh dân cư đông đúc, đời sống phong phú còn được ghi trên tập văn bút Lăng Già Nguyệt: “Dân kẻ chài, kẻ chợ, kẻ thợ, kẻ nông… trên bến, dưới thuyền lúc nào cũng đông đảo; người người vui vẻ, chăm lo làm ăn rất vui vầy, no ấm”. Ngày nay cảnh no ấm ấy tái hiện lại với dân làng Liễu Cốc Hạ dễ nhận rõ nhất là ở xóm Tiền Giang.

4. Tổ chức xã hội và chức sắc

Mặc dầu nước Việt Nam đã có lịch sử hơn bốn nghìn năm văn hiến; đã trải qua bao nhiêu triều đại và thể chế chính trị khác nhau, nhưng văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn đậm nét là “văn hóa làng xã”. Làng là đơn vị hành chánh căn bản mà từ hàng nghìn năm trước qua các triều đại và mãi cho đến thời hiện đại vẫn được chính quyền tôn trọng, hỗ trợ địa phương cũng như nguyên tắc pháp lý (thời hiện đại theo quyết định số 22/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước). Về hình thức quy định chức sắc và bầu nhân sự quản lý nội bộ làng Liễu Cốc Hạ thì mỗi thời có sự khác, nhau nhưng về mặt căn bản như tính độc lập và tự trị của làng thời nào cũng được tôn trọng. Về mặt phân định ngôi thứ chức sắc trong một đơn vị làng truyền thống của người Việt chủ yếu có ba hình thức phân quyền và phân nhiệm rõ rệt: quyết định, chấp hành, và trị an.

Thời nhà Lê thì Hội đồng kỳ dịch là cơ quan quyết định, có Hương trưởng (鄉長) sau gọi là Tiên chỉ (先紙) đứng đầu. Hương mục/Hương hào (鄉目/鄉豪) lãnh trách nhiệm trông coi tài sản công tư của xã. Trị an, tự vệ thì giao cho Trùm trưởng (𠆳長) sau gọi là Tuần đinh (巡丁). Hương mục và Trùm trưởng cũng là thành viên của Hội đồng kỳ dịch. Hội đồng kỳ dịch thường là các hương hào danh tiếng có phẩm hàm, học thức, hoặc là hưu quan trong xã. Điều kiện vào hội đồng không nhất định mà tùy theo hương ước của làng. Có làng xét ngôi thứ trong hội đồng theo “thiên tước” tức ai cao tuổi nhất là tiên chỉ. Có làng xét theo “nhân tước” là ai đỗ cao nhất hay có phẩm hàm cao nhất thì ngồi chiếu Tiên chỉ.

Phần lớn làng xã “trọng khoa hơn hoạn”, tức là trọng người đỗ cao hơn là chức lớn. Ví dụ như người đỗ Phó bảng có thể làm quan đến Tam phẩm nhưng khi về hưu vào đình họp thì phải ngồi chiếu thấp hơn người đỗ Tiến sĩ, dù Tiến sĩ chỉ làm quan thăng đến Ngũ phẩm.

Chức Lý trưởng được đặt ra từ thời Minh Mạng (1820-1840), là người đứng đầu chính quyền cấp làng, thôn. Ngoài phẩm hàm, thụy hàm và thụy hiệu dành cho các quan viên trong quan chế Cửu phẩm Quan giai, nhà Nguyễn còn chuẩn định việc phong ân sủng thụy hàm, tức phong phẩm hàm cho người mất là cha mẹ (ruột hay nuôi), ông bà (tức ông bà nội), ông bà cụ (tức ông bà cố nội), và những phu nhân của các quan viên. Các thụy hàm này là các phẩm hàm được sung ân, tức vinh danh, được phong khi mất, được khắc trên bia mộ, sắc phong, nên không là thực hàm, không ăn lương.

Trường hợp Hội đồng chức sắc không đủ sức hay không đủ thẩm quyền giải quyết các vấn đề của làng theo tinh thần tự quản: “Miếu làng nào làng nấy vái, thánh làng nào làng nấy thờ” thì mới nhờ đến sự can thiệp của chính quyền. Đình làng và nhà thờ các họ, chi, phái đều có hệ thống các “ông từ” giữ đền là những người được chọn hay bầu ra hoặc tình nguyện với bổng lộc tùy nghi hay hoàn toàn tình nguyện. Xóm thì có Trưởng xóm được bầu chọn theo truyền thống là người có uy tín và năng nổ nhất trong xóm. Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà còn có thêm đơn vị “Liên gia” gồm một số nhà giới hạn và có vị Liên gia trưởng đứng đầu. Cấu trúc chặt chẽ hơn thì có “Tam gia liên bảo” là từng cụm 3 nhà quan tâm và bảo vệ nhau.

Hệ thống chức sắc làng Liễu Cốc Hạ chịu ảnh hưởng bởi ba hệ thống: Trước 1945, theo đẳng cấp phong kiến triều Nguyễn – Thời Việt Nam Cộng Hòa (từ 1954 đến 1975) – Thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1975 đến ngày nay) theo tổ chức chính quyền Nhà nước.

Thời nhà Nguyễn, người đứng đầu trong làng gọi là Lý trưởng như các cụ Lý Đinh, Lý Cần… Đẳng cấp phẩm hàm thời nhà Nguyễn từ Nhất phẩm đến Cửu phẩm. Cửu phẩm là tước vị thấp nhất, thường được dùng để ban cho quan lại, không chỉ ở triều đình mà còn ở các địa phương, làng xã. Quan thường được ban phẩm, nhưng cũng có một số quan không được ban phẩm. Ngược lại một số người không phải là quan nhưng có công đức cao vẫn được vua ban phẩm. Cuối triều đại nhà Nguyễn còn có hiện tượng “mua quan bán tước”; nghĩa là những người giàu, có thể đem tiền bạc hay tài sản trao đổi mua tước hiệu cho mình nhưng chỉ từ hàng Lục phẩm trở xuống.

Trong thế hệ những người sinh ra trong chiến tranh, ở làng Liễu Cốc Hạ có quý cụ còn mang phẩm hàm từ Thất phẩm đến Cửu phẩm như: Thất Toàn, Thất Niên; Bát Im; Cửu Ê, Cửu Cảnh, Cửu Soạn, Cửu Y, Cửu Bài… Ngoài ra, còn có các tước vị khác là một sự pha trộn và tổng hợp hệ thống tước vị thời Pháp thuộc và cận đại như quý cụ: Xã Đạm, Quyền Bích, Quyền Vân, Cai Chua, Đội Cung, Quản Đợi. Những cụ từng làm Lý trưởng cũng có danh xưng chức vụ đứng trước tên riêng như: Lý Đinh, Lý Khương. Danh xưng nghề nghiệp cũng được gọi kèm theo tên riêng như: Giáo Bân, Giáo Phong, Trợ Phổ, Trợ Diêu, Thông Vận, Phán Hải, thợ Xứng, thợ Mực… Những người trong hệ thống quản lý đình, chùa, họ tộc cũng được gọi theo danh xưng như: Trưởng Đài, Từ Bòn, Biện Bách, Biện Mễ, Biện Oai…

Trên đây, xin được đơn cử một số nhân vật được nhiều người biết đến như một hình thức minh họa hệ thống chức sắc trong làng; nếu có chăng sự thừa thiếu hay chưa được minh xác rõ ràng xin vui lòng góp ý và bổ túc…

Ngày nay, để thực hiện chủ trương, chính sách đến với toàn dân, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định nhiệm vụ và quyền hạn mỗi thành viên trong Ban điều hành chính quyền thôn như sau:

– Đứng đầu là Bí thư thôn: Người này là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được đảng viên trong chi bộ thôn bầu lên với nhiệm kì hai năm rưỡi, chịu trách nhiệm giám sát và thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với dân làng.

– Người thứ hai là Trưởng thôn: Được dân bầu lên cũng với nhiệm kì hai năm rưỡi; là người làm cầu nối giữa dân với chính quyền, chịu trách nhiệm thực hiện chủ trương trên đưa xuống.

– Người thứ ba là Công an thôn: Do xã cử, chịu trách nhiệm về mặt an ninh, trật tự trong thôn, xóm.

– Người thứ tư là đại diện Mặt trận thôn: Có nhiệm vụ hòa giải, và phối hợp, giám sát chính quyền thực hiện chính sách Nhà nước phù hợp với tình hình, diễn biến thực tế ở địa phương…

Về tình hình bổng lộc của người có trách nhiệm phục vụ thôn xóm ngày nay không như quan lại ngày xưa. Đồng lương họ chỉ tượng trưng, nhưng ai đã lên làm cũng hoàn thành nhiệm vụ được dân làng giao phó. Người đảm nhiệm chức Trưởng thôn có thời gian lâu nhất từ trước đến nay là ông Cao Văn Trang (sinh 1947). Thời gian ông Trang làm Thôn trưởng khoảng 40 năm, từ năm 1977 đến năm 2016.

***

 

 

 

Bài viết liên quan