PHẦN V: KIẾN TRÚC – XÂY DỰNG

 

1. Công trình tâm linh

1.1. Đình làng

Theo truyền thống xây dựng cơ sở vật chất và tinh thần căn bản của làng xã Việt Nam thì mỗi làng đều có một ngôi đình. Đình là nơi tập trung cho toàn làng về mọi phương diện. Về lệ làng, đình là một trung tâm hành chánh, nơi diễn ra mọi công việc quan trọng. Đình là nơi hội họp, bàn bạc những việc quan trọng của làng như thu sưu thuế, đóng góp việc công, nơi trình diện và xử phạt dân làng phạm lỗi… Đình cũng là một trung tâm văn hóa. Cụ thể là các sinh hoạt lễ nghi, tế tự, hội hè, ăn uống; sân đình cũng là địa điểm văn nghệ, diễn tuồng, múa hát… được ưa chuộng nhất cho cả dân làng đến xem.

Đình làng trước tháng 10/2022
Đình làng trước tháng 10/2022

Về mặt tâm linh, đình được xem như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo đại chúng bên cạnh chùa làng là nơi thờ phụng và sinh hoạt cho phần đông người dân theo đạo Phật. Đình làng Liễu Cốc Hạ về mặt kiến trúc đã trải qua nhiều lần thay đổi do thời gian, thiên tai, chiến tranh… và đã trải qua nhiều đợt biến đổi như: Tân tạo, trùng tu, tái tạo… nên diện mạo ngôi đình ngày nay không còn lưu lại hình dạng kiến trúc của thời mới khởi đầu. Tuy nhiên nơi chốn và khuôn viên đình làng vẫn còn nguyên vị trí ngày xưa.

Ngôi đình nguyên thủy được xây dựng theo mẫu năm gian hai chái. Đây là mẫu nhà lớn nhất của người Việt Nam thời cổ thường được dùng làm đình, chùa, từ đường. Ngôi đình làng xưa đã bị năm lần bảy lượt phá hủy và tái dựng. Trong chiến tranh đình làng bị phá hủy, biến thành lô cốt (phiên âm từ tiếng Pháp: blockhaus, một kiến trúc quân sự chủ yếu để phòng ngự chống địch). Lô cốt đặt trên nền cũ đình làng được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá từ đình làng bị phá hủy. Và cũng chính lô cốt này đã biến thành lò thiêu hủy hoại sinh mạng của con dân trong làng tham gia chiến tranh. Đến năm Mậu Tuất (1958), đình làng được tái xây dựng trên nền cũ nhưng với quy mô nhỏ hơn, 3 gian hai chái. Sau năm 1975, có một thời gian ngắn đình làng biến thành kho chứa lúa. Nhưng không lâu sau, đình đã được phục hồi làm nơi thờ tự và sinh hoạt như cũ cho đến ngày nay.

Ý nghĩa câu đối chữ Nho trong đình làng Liễu Cốc Hạ, do Trần Kiêm Thêm cung cấp
Ý nghĩa câu đối chữ Nho trong đình làng Liễu Cốc Hạ, do Trần Kiêm Thêm cung cấp

Theo lời bình luận của hai ôn Hương Lý (Trần Kiêm Văn) và Bộ Hào (Nguyễn Văn Hào) thì đình làng Liễu Cốc Hạ được chọn theo tiêu chuẩn phong thủy tốt nhất của thời xưa. Đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ trong phong thủy truyền thống. Tả Thanh Long là có hình ảnh rồng xanh bên trái, màu của hành Mộc ở phương Đông. Hữu Bạch Hổ là hình ảnh hổ trắng bên phải, màu của hành Kim phương Tây. Tiền Chu Tước là chim sẻ màu đỏ trước mặt, màu của hành Hỏa ở phương Nam. Hậu Huyền Vũ là rắn quấn rùa màu đen sau lưng, màu của hành Thủy phương Bắc. Nhưng vị trí thực tế thì đình làng Liễu Cốc Hạ có sông Bồ trong xanh bên phải, xa xa có rặng Trường Sơn bên trái.

Như vậy, tuy ở thế Thanh Long, Bạch Hổ rất quý, nhưng sông núi tả hữu trái chiều nên con cháu dân làng phải gây dựng sự nghiệp bên ngoài làng hay làm ăn khác nghề nông hoặc nghề cha truyền con nối mới mong thịnh đạt. Lời bình luận của hai cụ tuy mơ hồ theo lý thuyết phong thủy xa xưa. Nhưng so sánh với thực tế thì lại có vẻ như ứng hợp một cách thú vị. Bởi hầu hết con dân làng Liễu Cốc Hạ có cuộc sống tương đối thịnh vượng và thành đạt đều ở bên ngoài làng hoặc làm nghề khác nghề nông hay đan nôi bội.

Năm 2003, đình được đại tu, lợp lại mái. Ngôi đình tân tạo và đại tu cũng theo nghệ thuật tạo hình cổ điển từ xưa để lại như: Trên nóc thì có Lưỡng Long tranh châu (hai con rồng tranh đoạt một hạt châu) hay Lưỡng Long Chầu Nguyệt (hai con rồng hai bên chầu mặt trăng ở giữa). Góc mái thì có Loan Phượng hòa minh (chim loan và chim phượng cùng cất tiếng hót). Nội dung các bức phù điêu, hình ảnh trang trí nội thất hay ngoại vi thì có Tứ dân (ngư, tiều, canh, mục), Tứ linh (long, lân, quy, phụng), Tứ quý (mai, lan, cúc, trúc). Ngày xưa, khi nói về nghệ thuật kiến trúc đình làng, người ta thường nhắc đến cột đình La Chữ (vì có độ lớn và độ cao gây nhiều ấn tượng) và Bình Phong Long Mã của đình làng Liễu Cốc Hạ với nét khắc họa tinh xảo do các thợ nề từng có chân trong đội xây hoàng thành, phủ đệ phụ trách. Long mã là ngựa hóa rồng, lưng mang bát quái tiên. Bình phong Long Mã đình làng Liễu Cốc Hạ đã bị đổ nát trong chiến tranh, nay chỉ còn trụ biểu và đỉnh lư.

Ngày nay, đứng trước đình làng là bốn trụ biểu thẳng tắp. Trụ biểu đình làng là hình ảnh gây chú ý và dễ nhận biết nhất. Đứng từ xa, sau lũy tre xanh hiện lên bóng dáng hàng trụ biểu với kiến trúc vươn cao theo chiều thẳng đứng, giúp xác định rõ nét vị trí của đình làng. Trên bốn trụ biểu ngày nay, thời gian và mưa nắng đã làm mờ đi nét tinh anh ban đầu. Nhưng đường nét trang trí, các hoa văn đắp nổi, họa tiết chỗ tỏ chỗ mờ và có nơi sứt mẻ, nhưng dáng vẻ nghệ thuật với đỉnh đèn lồng, thân nét dài thẳng tắp, chân mở rộng như thách đố cùng phong ba đã khiến hàng trụ biểu đình làng Liễu Cốc Hạ ngày xưa và bây giờ vẫn còn đậm nét cổ kính mà uy nghi. Khuôn viên đình làng rất rộng, hai bên tả hữu có miếu thờ tứ vị Khai canh của làng nằm dưới hai hàng cây sứ cổ thụ, tất cả vẫn còn nét trang trọng và thiêng liêng.

Về lễ nghi thờ phụng, đình làng là chốn thâm nghiêm thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian. Đó là Thành Hoàng, Chư Thánh hiền cùng các ngài Khai canh, Khai khẩn, Tiền hiền, Nhân sĩ có công, có nghĩa trong quá trình xây dựng và bảo vệ làng nước. Tất cả các vị thần thờ trong đình đều được vua ban sắc phong có ghi rõ trong các bài văn tế tại đình mỗi làng để các bô lão xướng lên mỗi khi cử hành lễ tế (xem bài di văn “Văn tế Xuân, Thu” ở phần phụ lục).

Thành Hoàng là vị thần thường được tôn thờ chính trong đình làng. Giống hầu hết các làng trong cả nước, làng Liễu Cốc Hạ cũng được vua ban sắc phong một vị Thành Hoàng để thờ phượng. Đình làng bị cháy năm lần bảy lượt, nên những sắc phong ấy cũng không còn. Các vị cao niên truyền khẩu cho con cháu rằng ngài Thành Hoàng làng Liễu Cốc Hạ là vị quan võ có công lớn với đất nước. Ngày nay, dù không minh định được lai lịch của ngài, nhưng đối với dân làng, ngài là vị thần chủ tể cõi linh thiêng của cả làng. Ngài linh hiển giúp nước, giúp dân ổn định đời sống vật chất và tinh thần từ khi thành lập làng cho đến mãi mãi về sau.

Miếu Thành Hoàng
Miếu Thành Hoàng

Thành Hoàng được chia làm 3 đẳng cấp: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Tôn thần. Dưới triều đại nhà Nguyễn, từ thời vua Minh Mạng về sau, cứ ba năm triều đình lại có sắc phong cho các Thành Hoàng và các vị thần hiển linh được dân chúng thờ phụng.

Năm 1852 vua Tự Đức đã sai cấp đồng loạt 13.069 sắc phong cho cả nước (Nam Bộ chiếm đa số). Theo khuynh hướng “Quốc điển hóa” sự thờ phụng thời Tự Đức thì các Thành Hoàng được vua sắc phong sẽ được thờ một miếu riêng.

Đình làng sau đợt sửa chữa tháng 01/2023
Đình làng sau đợt sửa chữa tháng 01/2023

Các Thành Hoàng được sắc phong là một vinh dự to lớn bởi được xem như thành viên của thiên binh thiên triều, nên vị trí không còn ở riêng trong đình làng mà chịu trách nhiệm luôn với trời đất và triều đình. Do đó miếu thờ các Thành Hoàng được sắc phong gọi là miếu “Nghè”. Trong đợt sắc phong này, Thành Hoàng làng Liễu Cốc Hạ được phong “Bảo An Chính Trực Hữu Thiện Đôn Ngưng Dực Bảo Trung Hưng, Trung Đẳng Thần”. Miếu thờ ngài ở khu đất cao phía bắc đầu làng. Hàng năm trong dịp tế Xuân long trọng, linh vị Thành Hoàng được rước trọng thể từ “miếu Nghè” về đình và sau đó sẽ có cuộc rước “hồi dinh” đưa ngài về lại miếu. Đường đi tới miếu Nghè từ cống Thủy Phương rẽ về hướng Tây, dọc theo bờ Nam con hói phân ranh hai làng Cổ Lão và Liễu Cốc Hạ chừng 200 mét.

Đình làng hiện tồn tại đến nay được xây dựng từ năm Mậu Tuất (1958). Trải qua thăng trầm lịch sử và biến động thời gian, chất lượng xây dựng, kết cấu công trình dần xuống cấp. Dù năm 2003 đình làng đã được tu bổ lại nhưng hiện nay đã xuất hiện nhiều hạng mục công trình cần phải sửa chữa.

Trong đó, việc thiết yếu nhất là lợp lại phần mái – thay phần gỗ bị mục. Để thực hiện các việc này phải dỡ và đúc lại bộ Tứ linh trên nóc. Ban vận động kinh phí, Ban xây dựng… được thôn và các vị cao niên, các vị Tộc trưởng bầu ra đầy đủ. Công trình tập thể, có bà con chung tay đóng góp kinh phí người nhiều kẻ ít mới làm nên. Tuy nhiên công bằng mà ghi nhận, công lao khởi đầu chủ trương và vận động bà con đồng thuận sửa chữa là đương kim Trưởng thôn Trần Kiêm Hải; trong số người làng ở hải ngoại có ông Trần Kiêm Đoàn, ông Phan Văn Cảnh….; ở trong nước có  ông Nguyễn Văn Phò, ông Cao Văn Mỹ; ở làng có Cao Văn Trang, Trần Kiêm Lai, Trần Kiêm Thơm (trong Ban Kiến thiết) quan tâm đến tiến độ công việc này hơn cả. Các ông ngoài việc đóng góp còn vận động bà con trong và ngoài nước đóng góp mới đủ kinh phí thực hiện công trình. Riêng ông Trần Kiêm Thơm là Trưởng Ban vận động kinh phí, dù quá trình xúc tiến công việc xuất hiện nhiều khó khăn, nhưng nhờ cái tâm luôn quan niệm việc tâm linh là việc trên đầu trên cổ nên rất năng nổ, xốc vác. Ông Thơm đã kiêm nhiệm nhiều công việc từ vận động kinh phí đến hợp đồng, giám sát thợ thầy, đúng nghĩa là người đứng mũi chịu sào. Công trình khởi công cuối tháng 11/2022, hoàn thành vào cuối tháng 12/2022.

1.2. Chùa

Ngôi chùa làng đầu tiên tọa lạc tại khuôn viên phía Tây cống Thủy Phương. Chùa được xây dựng theo hình thức một gian hai chái, tiền đường hướng ra phía sông Bồ. Ngôi chùa nguyên thủy của làng Liễu Cốc Hạ là một ngôi chùa truyền thống trong phong tục dân gian “đình, chùa, miếu, vũ”. Chùa thờ Phật nhưng đức Phật là một linh tượng theo quan niệm: “Trời Đất Phật Thánh ơn trên – Cứu nhân độ thế bốn bên hộ trì…”. Chùa có ruộng chùa. Nông dân canh tác trên ruộng chùa phải trả tiền thuê đất. Đây là nguồn lợi tức duy nhất của chùa dùng để chi phí hương đèn, hoa quả trong các nghi lễ ngày rằm, mồng một và các ngày vía lớn trong năm. Một hình thức tự túc kinh tế của nhà chùa nhờ sự sắp xếp của làng chỉnh chu như vậy, nói lên tinh thần văn hóa cao đẹp từ vật chất đến tinh thần của hệ thống làng xã đã có từ nghìn xưa.

Chùa làng trước năm 1975
Chùa làng trước năm 1975

Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai, Pháp ở phía phe Đồng Minh chống Đức. Dấu hiệu của phe Đức Quốc Xã là hình chữ Thập ngoặc. Đây cũng là dấu hiệu chữ Vạn của Phật giáo nên tất cả các chùa đều dùng chữ “Vạn” khắc trên tượng Phật hay dùng để trang trí ở những nơi tôn nghiêm của chùa. Binh lính Pháp tại Việt Nam trong thời Đệ nhị Thế chiến đã đồng hóa hình ảnh chữ Vạn với khuynh hướng thân Đức nên các chùa chiền Việt Nam đã bị phá hủy sạch sẽ một cách vô minh như vậy. Chùa Liễu Cốc Hạ đã bị phá hủy hoàn toàn. Ngôi chùa làng thiêng liêng một thời chỉ còn lại nền cũ. Trải qua một thời gian dài, dân làng vắng bóng chùa để lễ bái. Những ngày rằm, mồng một hay vào những dịp lễ to, vía lớn của đạo Phật những Phật tử hay người có tâm với đạo Phật phải lên Huế hay đến chùa các làng khác lễ bái

Bảy năm sau ngày hòa bình (1954), vào năm 1961 ông Trần Kiêm Mai và vợ là bà Kỳ Ngọc Nguyên đã phát tâm hiến đất tư tại vườn nhà hương tự, hương hỏa ở đầu xóm Giữa để xây chùa. Ngôi chùa có tên là Túy Liễu Tự được xây dựng theo một khuôn mẫu kiến trúc thanh nhã và mỹ thuật. Trong tiền đường chùa có thờ tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được đúc bằng đồng. Lễ đúc tượng đã được thực hiện ngay tại khuôn viên chùa do nghệ nhân đúc đồng Phường Đúc đảm trách với sự thành tâm cầu nguyện và hiến nhẫn vàng trộn vào đồng ngay tại hiện trường (theo đức tin và mỹ tục truyền thống khi đúc tượng đồng Phật, Thánh thiêng liêng) của bà con Phật tử trong làng.

Mấy năm sau đó, tôn tượng Đức Quán Thế Âm bằng thạch cao trắng cũng được dựng lên ở phía bên phải của Túy Liễu Tự.

Từ ngày có ngôi chùa Tuý Liễu, Phật tử trong Khuôn hội Phật giáo Liễu Cốc Hạ có được thuận duyên để tu học. Phật tử ở làng đã phát tâm sinh hoạt đều đặn và đông đảo. Đời sống tâm linh phong phú hơn nhờ sự dìu dắt của các tổ chức Giáo hội cấp tỉnh ở Huế và đặc biệt là được sự dìu dắt chu đáo của Hòa thượng Thích Viên Quang (Châu Lâm), trụ trì và chư tăng chùa Châu Lâm. Số người quy y và tham gia sinh hoạt Phật sự ngày càng đông. Tổ chức Gia đình Phật tử có điều kiện sinh hoạt tốt hơn và có Đoàn quán bên cạnh chùa. Khuôn hội Phật giáo và Gia đình Phật tử Liễu Cốc Hạ đã tu học và sinh hoạt liên tục tại chùa trong suốt hơn 60 năm qua. Như một dấu ấn tâm linh sâu đậm của dân làng, những năm trước đại dịch Covid-19 cho đến nay, một hiện tượng hiếm thấy ở những ngôi chùa khác là các thành viên trong Khuôn hội Phật giáo Liễu Cốc Hạ hiện nay rất đông đúc, già có trẻ có. Sau ngày dài làm đủ mọi công việc vất vả, đều đặn mỗi đêm, mưa cũng như nắng, họ vẫn tập trung tại chùa Túy Liễu để tụng kinh, tu tập.

Chùa Túy Liễu là một nét “văn hóa tôn giáo” đặc biệt của làng Liễu Cốc Hạ. Chùa do tư nhân (ông bà Trần Kiêm Mai) xây dựng lên trên đất riêng của mình và tình nguyện cúng hiến cho làng, hơn 60 năm qua ngôi chùa vẫn là cơ sở tôn giáo (Phật giáo) của cả làng không phân biệt.

Về mặt tôn giáo, tuy người làng chỉ có hai khuynh hướng tôn giáo chính là đạo Thờ cúng Tổ tiên (theo tín lý dân gian) và đạo Phật, nhưng vẫn có linh mục Thiên Chúa giáo người gốc làng Liễu Cốc Hạ là Đức Ông (Monsignor) họ Cao phục vụ tại toà thánh La Mã.

Nhìn chung, làng xóm trong nhiều thế hệ, trải qua nhiều biến cố và thể chế chính trị khác nhau, tuy vẫn có những dao động nhất thời, nhưng dòng sống tinh thần và tâm linh cơ bản của người dân làng vẫn hài hòa, lành mạnh, tích cực trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh.

1.3. Am miếu

Có hai am thờ cúng của hai phe là:

Am Phe Đông
Am Phe Đông

– Am phe Đông: Là miếu đôi, nằm cuối đường Hậu Làng, gần ngã ba cồn Quán.

– Am phe Tây: Miếu đơn, nằm phía Tây, sát đình làng.

Am Phe Tây
Am Phe Tây

Cả hai am được thiết kế gọn theo lối nhà sàn, rộng khoảng 15m2, các trụ bằng gỗ vững vàng, vách bằng gạch, mái ngói sàn bằng ván.

– Miếu Thành Hoàng: Xây gạch thành khối, thiết kế gọn, chắc, nằm về phía Bắc Tây Bắc đầu làng, gần chùa làng cũ (sát làng Cổ Lão). Đây là nơi thờ Thành Hoàng làng.

Miếu Thành Hoàng
Miếu Thành Hoàng

– Miếu thờ tứ vị Khai canh làng: Được xây dựng hai bên sân đình nằm ở vị trí tả hữu trước sân. Hai miếu cũng được xây dựng kiểu nhà sàn bằng gỗ, mái ngói như am phe, gọn nhẹ mà vững chắc.

– Miếu Cây Xoài: Nằm gần chùa, được xây dựng bằng gạch ngói, quy mô nhỏ, thờ ngài Cao của họ Cao Đức.

Miếu Âm Hồn
Miếu Âm Hồn

– Miếu Âm hồn: Là đài tưởng niệm chư hương linh, nằm phía đông cạnh đình làng. Miếu được xây dựng vào mùa thu năm Tân Mão (2011). Nội tự có 3 án thờ, ngoài có 3 bàn soạn; trước có đài tưởng niệm (Bạch văn) chư hương linh liệt vị. Nguồn vốn: Do công đức của dân làng trong và ngoài nước. An vị ngày 28/11 Tân Mão.

1.4. Từ đường họ, phái

1.4.1. Nhà thờ các họ:

Từ là thờ phụng. Đường là ngôi nhà lớn dùng để thờ phụng một dòng họ, một môn phái hay một danh nhân. Từ đường đồng nghĩa với nhà thờ họ như: Trần tộc từ đường, Nguyễn tộc từ đường… (viết theo chữ Hán Việt) hay nhà thờ họ Cao, nhà thờ họ Phan… (viết theo lối thuần Việt). Làng Liễu Cốc Hạ không có nhà thờ thờ danh nhân và môn phái…

Điểm qua các nhà thờ họ trong làng, hoặc đã được xây dựng từ xưa, hoặc mới xây dựng hay trùng tu thì có thể quan chiêm được các nhà thờ họ và chi nhánh hiện tại trong làng như sau:

– Nhà thờ họ Cao Văn, mặt tiền quay về hướng Nam. Đây là một nhà thờ có kích thước và bố trí nội thất thoáng, rộng. Nhà thờ được đại tu năm 2019. Trước cổng tam quan, phía bên tả có am thờ; bên hữu có giếng nước. Cây phượng bình phong và trụ đăng nổi bật trong khung cảnh sân rộng thông thoáng và đẹp mắt.

– Nhà thờ họ Trần (gồm năm phái Kiêm, Duy, Ngọc, Hữu, Văn) được xây dựng năm 1958. Mặt tiền quay ra đường liên xóm, hướng Bắc; trước mặt là con hói lấy nước sông Bồ chảy qua cầu Banh Trên và cầu Banh Dưới tưới tiêu cho cánh đồng làng. Cổng tam quan có bình phong phượng vũ và sân vườn cân đối với toàn cảnh bề thế, trang nghiêm.

– Nhà thờ họ Trần Đăng mặt tiền hướng Đông Bắc, gần đường Biền xóm Côi, nằm cạnh sông Bồ tạo thế lưu thủy, hành vân đẹp mắt.

– Nhà thờ họ Cao Đức nằm trên đường Hậu Làng, gần cầu Vượn, mặt quay về hướng Nam, tiền đàng, hậu tẩm cân đối và trang trọng.

– Nhà thờ họ Nguyễn Văn: Nằm trên đường Hậu Làng, mặt tiền hướng Nam. Kiến trúc cân đối và thông thoáng. Cổng tam quan uy nghi, có bình phong am thờ hai bên.

– Nhà thờ họ Phan Văn. Mặt tiền hướng Nam tiếp giáp với đường Hậu Làng. Khuôn viên rộng thoáng. Công trình xây dựng cập nhật. Hoa văn và hình tượng tứ quý, tứ dân được sử dụng khéo léo.

– Nhà thờ họ Hà Văn: Mặt tiền hướng Nam, tọa lạc trong xóm Cụt. Sân và bình phong có trụ đăng, am thờ.

14.2. Nhà thờ các phái

Nhà thờ các phái có hai cấp độ. Một là có một ngôi từ đường riêng biệt, nhỏ hay lớn được tạo dựng tùy tâm và tùy tình hình kinh tế của người trong dòng tộc. Hai là nhà từ (hay nhà thờ tư) là cách gọi đơn giản trong trường hợp tự cải biến ngôi nhà đang cư trú thành nơi thờ tự. Người viết không tiện mô tả chi tiết, xin nêu vị trí những ngôi từ đường của các phái như sau:

– Từ đường phái Bùi ở xóm Côi

– Từ đường phái Ngô ở cận ngã tư ông Trang

– Từ đường phái Hà Công ở xóm Chùa

– Nhà từ phái Mai (Trần) ở xóm Chùa

– Nhà từ phái Nguyễn Ích ở xóm Kên

– Nhà từ phái Lưu ở xóm Cụt

– Nhà từ phái Nguyễn Đăng ở xóm Côi

– Nhà thờ phái Đặng Văn (ông Ló) ở xóm Côi

– Nhà thờ phái Nguyễn Xuân ở xóm Cụt

– Nhà từ thờ phái Đặng (ông Kỳ) ở xóm Đình

1.5. Nghĩa trang, mồ mả

Song hành với sự sống là cái chết. Nghĩa là có bao nhiêu người được sinh ra thì có chừng ấy người sẽ mất đi. Người xưa có câu thành ngữ “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Con người khi sống cần có một mái nhà ấm cúng thì khi chết cũng cần có một nấm mồ cao ráo ngoài nghĩa địa. Tập tục an táng người mất của người dân miền Trung chúng ta là địa táng vĩnh viễn. Từ xưa, cha ông chúng ta đã biết chọn nơi an táng người chết hợp các tiêu chí không ảnh hưởng đến người sống. Đó là bảo đảm vệ sinh môi trường, đáp ứng tâm linh, không ảnh hưởng đến đất sản xuất. Do đó tất cả nghĩa địa làng đều nằm phía Tây Bắc ngoài rìa cánh đồng, xa làng và đất đai khó canh tác. Làng có các nghĩa địa chính là: Mả Vôi – cồn Quán – cồn Trưa – cồn Nổi – cồn Làng và cồn Làng Giữa. Nếu xét theo cấu túc thì nghĩa địa làng được chôn theo cách tự phát. Người làng chọn một vùng đất cao rồi đắp thêm đất cho thành nấm. Lớp người mất sau được an táng sát vào mộ lớp người mất trước, không thành hàng lối nên khó khăn cho việc di quan và đi lại thăm viếng của con cháu.

Ngày nay, nghĩa địa làng hầu hết đã được chính quyền dựng bảng đóng cửa. Tuy vậy, đường sá đến các nghĩa địa chính được dân làng chung tay đóng góp, tôn tạo cao ráo, rộng rãi để các phương tiện di quan sát đến bên ngoài nghĩa địa. (Để hiểu hơn phong tục tập quán người làng an táng người thân khi mất, xin xem bài “Sống cái nhà, thác cái mồ” ở mục “Tái hiện quê hương”).

2. Công trình dân sinh

2.1. Cổng làng

Cổng làng – Cây đa – Giếng nước – Sân đình là một quần thể gắn bó với nhau trong tâm thức làng quê của người Việt. Cổng làng có ý nghĩa như một sự chào đón chân thành của người dân địa phương dành cho khách thập phương. Đối với mỗi người con xa quê, được trở về sau những chuyến hành trình dài của cuộc đời thì cổng làng luôn mang đến cảm giác bình yên, thân thương, tạo ra những giá trị hữu hình nhưng vô giá và bất biến trước thời gian.

Về mặt kiến trúc và trang trí, cổng làng luôn cho người xem cảm giác nơi đây lưu giữ kho báu văn hóa của người làng. Chúng được xây dựng bằng tâm huyết của những người con yêu quê hương, nguồn cội. Không cầu kỳ phô trương mà toát lên vẻ trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương văn hóa của ngôi làng.

Cổng làng thường có một cửa chính và hai cửa phụ. Hai cửa phụ hai bên thấp và nhỏ hơn cửa chính. Cả ba cửa được trang trí hài hòa, tạo thành một tổng thể kiến trúc thống nhất tựa như cổng tam quan nhà chùa hay cột biểu ở đình làng.

Cổng làng năm 2021
Cổng làng năm 2021

Có thể nói cổng làng là diện mạo văn hoá đầu tiên của ngôi làng mà người từ nơi xa mới đến cảm nhận được. Do đó, ngay từ ngày đầu tạo lập, làng nào cũng chú trọng đến cái cổng làng của mình. Tuỳ thuộc bối cảnh xã hội, hoàn cảnh kinh tế từng thời mà cổng làng được làm bằng chất liệu tre, gỗ, gạch, mái ngói hay bê tông cốt thép… Tuy nhiên, dù bằng chất liệu gì thì yếu tố văn hoá phải được chú trọng hàng đầu.

Theo ông Trần Ngọc Diệu (1933) thì cổng làng Liễu Cốc Hạ, trước 1945 được làm bằng gỗ, khoảng năm 1960 bằng hai cột bê tông trên có tấm bảng ghi tên làng. Năm 1993 cổng làng được xây dựng hình thức quy mô như cổng các làng khác trong khu vực. Hình thức tam quan (một cổng chính, hai cổng phụ) bên trong lõi bê tông cốt thép, bên ngoài xây gạch ốp đế trụ. Kinh phí xây từ dân làng trong và ngoài nước đóng góp…

Tuy nhiên, gần 30 năm sau, cổng làng đã trở nên chật hẹp so với sự phát triển đường sá và phương tiện giao thông trong khu vực. Dù biết vậy, nhưng kinh phí xây dựng cổng mới lúc đó chưa có nên chính quyền thôn đành chờ. Năm 2019, ông Cao Văn Mỹ (con ông Cao Văn Quyết nhà gần cổng làng) ở thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê, nhận thấy sự việc như trên đã xin làng được tài trợ kinh phí thiết kế, xây dựng. Được sự hoan nghênh của đa số dân làng, cùng sự đồng thuận của chính quyền địa phương, công trình đã được khởi công đầu năm 2020 và hoàn thành vào cuối năm. Về hình thức cổng làng Liễu Cốc Hạ hiện nay có dạng như cổng làng cũ, cửa tam quan, quy mô không thua các cổng làng lân cận.

2.2. Nhà ở

Khi cha ông chúng ta từ Đàng Ngoài vào đất Liễu Cốc lập nghiệp thì khuôn mẫu mái nhà che mưa nắng của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đã được định hình từ hàng trăm năm trước. Đó là kiểu nhà mái chữ A – ba hoặc năm gian hai chái.

Tuy nhiên, khi vào miền Trung, ông bà chúng ta đã có cải tạo ít nhiều cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi mới đến. Nhà thấp hơn để chịu được gió bão. Mặt nhà quay về hướng Đông Nam để mùa Hè đón được ngọn gió mát lành, mùa Đông tránh ngọn gió bấc độc lạnh. Và vì ở vùng trũng nên nền nhà được tôn cao để tránh ngập lụt. (Dấu tích lấy đất đắp nền nhà còn lưu lại đến ngày nay là nhà nào cũng có ao sâu quanh vườn).

Ở làng chúng ta không có phủ đệ vua chúa hoặc dinh thất của các vị quan quyền như vùng Kim Long, Vĩ Dạ…, tuy nhiên cũng có nhiều ngôi nhà rường, nhà tường xây gạch mái lợp ngói liệt. Đó là cơ ngơi của những gia đình giàu có, trâu bầy, ruộng bức hoặc kinh doanh buôn bán phát đạt. Chuyện làm nhà ở nước ta từ xưa đã có câu “tậu trâu, cưới vợ làm nhà” hoặc “Một lần làm nhà, ba năm mắc nợ”. Hai câu thành ngữ ấy đã nói lên làm nhà là việc khó khăn, đại sự của một đời người. Các cụ ngày xưa kể lại muốn làm được một ngôi nhà chắc chắn và tuỳ theo to nhỏ, đơn giản hay cầu kì là phải chuẩn bị vật liệu, tiền của, nhân lực từ năm đến mười năm trời! Những gia đình đất đai rộng thì họ trồng cây để lại cho con cháu đời sau làm nhà. Nhà có của ăn của để thì lên các vùng núi Sơn Công – Lại Bằng… đặt gỗ, chuyên chở bằng đường sông về để vào nơi dim mát nhiều năm cho gỗ thật khô và không nứt nẻ rồi thuê thợ mộc về ăn ở trong nhà, cưa xẻ, đục đẽo hàng năm trời mới dựng được ngôi nhà ưng ý…

Giữa thế kỉ 20, những ngôi nhà như thế ở làng ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay vì trước đó đã bị giặc Tây đốt sạch. Nghe nói có những ngôi nhà rường cháy âm ỉ cả tuần vẫn còn khói nghi ngút. Sau những biến cố do chiến tranh, đa phần dân làng ở nhà tranh vách đất. Đó là mẫu nhà truyền thống vùng nông thôn thời trước lưu truyền lại như nói ở phần trên. Điều này giúp chúng ta nhận ra việc ăn ở, người xưa thường dùng vật liệu có sẵn tại địa phương. Cây tre đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong đời sống của bà con nông dân mình. Do vậy, cách đây không xa, tất cả làng quê ở miền Trung, nhà nào cũng trồng tre chung quanh vườn… Những cây tre già, da vàng óng được đốn xuống và để tránh bị mối mọt ăn, người ta đem ngâm xuống bùn ở ao, hồ, hói một thời gian rồi vớt lên phơi khô. Tre làm cột, kèo, rui mè, hom đánh tranh; tre chẻ mỏng đan thành phên, thành bức rồi trét đất hoặc phân trâu cho kín để vây quanh nhà tránh gió bão, che mưa nắng… Riêng vật liệu dùng để lợp nhà, tuỳ theo điều kiện mà bà con dùng rơm, rạ (tót) hay tranh, nhà giàu thì lợp tranh mây (lá cây mây) hoặc ngói…

Và mái nhà ba gian, hai chái hoặc nhà chữ đinh là mẫu nhà thường thấy của bà con làng mình lúc đó. Gian giữa bao giờ cũng rộng hơn dùng để thờ phụng. Gian bên trái hay còn gọi là gian trên, đằng trong thường đặt bộ ngựa hoặc tấm phản để cho cánh đàn ông, con trai ngủ nghỉ, đằng ngoài có kê bộ bàn ghế để tiếp khách. Gian bên phải thường được tạo thành căn phòng để gia chủ nghỉ ngơi, hoặc cái buồng đựng tài sản gia đình… tiếp nối gian này là nhà bếp hoặc chái bếp.

Nhà bếp hay còn gọi nhà ngang đối với những gia đình sống thuần nông rất quan trọng. Tuỳ mức độ giàu, nghèo, nhiều hay ít người mà nhà ngang được làm to hay nhỏ. Những ngôi nhà ngang của các gia đình trung nông thường có đủ hai hoặc ba gian và cả hai chái. Căn nhà này nối với căn nhà chính, tạo thành một quần thể nhà ở chữ T mà người ta gọi là nhà chữ đinh. Ngay chái bếp quay ra trước sân nhà chính thường làm chuồng trâu, cạnh đó là hầm chứa phân trâu có mái che. Bên trong chuồng trâu là gian đặt dụng cụ xay xát lúa như cối xay lúa, cối giã gạo và có đủ không gian cho việc giần sàng, giã gạo. Kế đến là bàn ăn, rồi bếp nấu bằng củi, rơm rạ. Chái sau gồm ảng nước, chuồng heo, chuồng gà…

Đọc đến đây chắc lớp trẻ ngày nay sẽ thắc mắc làm gì có chuyện đặt bàn ăn uống sát chuồng trâu, hầm chứa phần trâu và chuồng heo!? Tuy nhiên, sống trong bối cảnh ngày ấy người ta lại thấy bình thường. Ngày ấy, khi chưa có máy móc nông nghiệp thì con trâu là đầu cơ nghiệp, là cả gia sản của nhà nông cần phải được chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ kỹ càng. Vào mùa Hè, đêm khuya gia chủ phải thức dậy đốt trấu tạo khói xua muỗi, mùa Đông che chắn chuồng cho kín và đốt lửa sưởi ấm cho trâu; và hơn cả là canh phòng không cho kẻ gian lẻn vào chuồng dắt trộm trâu đi. Con heo cũng rất cần thiết cho phương việc giỗ chạp, đám cưới, lễ tết và cũng là tài sản lớn của người sống ở vùng quê.

Tập quán của người miền Trung có câu “An cư lạc nghiệp”. Quan niệm này đã ăn sâu vào tâm thức người làng Liễu Cốc Hạ nói riêng và cả nước nói chung. Người ta cho rằng, ngôi nhà là một tài sản tĩnh không đổi dời. Vì vậy đa số nhà cửa, nương vườn người làng quê nối tiếp nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác hàng trăm hoặc thậm chí cả ngàn năm không thay đổi chủ nhân. Quá trình sống, người trong gia tộc luôn tìm cách phát triển và lưu giữ những gì tổ tiên mình để lại. Chính từ quan niệm này mà ở các vùng ngoại ô thành phố Huế còn nhiều khu vườn rộng thênh thang, xanh mướt, tạo nên cảnh quan thiên nhiên mang đặc thù Huế.

Ngày nay, theo trào lưu của xã hội, người làng đã có thay đổi quan niệm về tài sản và kiến trúc. Những khu vườn xanh mướt tạo nên một làng quê êm đềm, lần lượt được chia năm xẻ bảy cho con cháu làm nhà hoặc bán đi. Về mặt kiến trúc, nhà cửa được xây kiên cố theo kiểu phố thị. Dù cảnh quan làng quê không còn như xưa, nhưng hoà cùng xu thế chung của cả nước, cuộc sống của bà con có hướng đi lên, không lo bão, lụt cuốn mất nhà cửa, không còn cảnh “mùa Đông rách áo, Hè thời thiếu ăn” như ngày xưa.

***

 

2.3.Trường học

Nguyễn Văn TriSinh năm 1958 tại làng Liễu Cốc Hạ. Tốt nghiệp Khoa toán Đại học Tổng hợp Huế 1982. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội 1993. Nguyên Phó chủ tịch HĐND thị xã Hương Trà 2006 – 6/2020. Hiện sống tại thành phố Huế.
Nguyễn Văn Tri Sinh năm 1958 tại làng Liễu Cốc Hạ. Tốt nghiệp Khoa toán Đại học Tổng hợp Huế 1982. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội 1993. Nguyên Phó chủ tịch HĐND thị xã Hương Trà 2006 – 6/2020. Hiện sống tại thành phố Huế.

Hệ thống trường Tiểu học xã Hương Toàn được xây dựng từ năm 1958, nhưng nằm rãi rác ở các thôn. Ở làng Liễu Cốc Hạ ngày xưa gọi là trường làng nhưng chỉ duy nhất một lớp học đầu tiên của bậc Tiểu học là lớp 5 (lớp 1 hiện nay). Cơ sở vật chất chỉ một phòng học vừa làm trụ sở thôn và một giáo viên giảng dạy. Tuy nhiên, chính nơi đây là nơi chấp cánh ước mơ, nơi đặt những viên đá đầu tiên xây lâu đài tri thức của rất nhiều thế hệ con em trong làng. Học sinh muốn học tiếp các lớp tư, ba, nhì, nhất thì chuyển về trường Tiểu học Hương Cần. Học lên các bậc học cao hơn thì phải lên trường quận hoặc thành phố.

Sau năm 1975, hệ thống trường học ở xã mở rộng thêm bậc Trung học đệ nhất cấp gọi là trường Phổ thông cơ sở. Mô hình trường Phổ thông cơ sở duy trì cho đến năm 1989 mới tách riêng trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở như hiện nay.

Năm 2001, được Chính phủ Vương quốc Nauy tài trợ và vốn đối ứng của nhà nước, Trường Tiểu học số 3 Hương Toàn được xây dựng trên phần đất gần 4700m2 của làng để dành xây chùa làng nhưng trong làng đã có chùa ông Trần Kiêm Mai xây dựng. Trường Tiểu học số 3 Hương Toàn gồm 10 lớp với 346 học sinh được tách từ trường Tiểu học số 2 Hương Toàn. Như vậy từ một lớp học, một giáo viên sơ khai ban đầu, đến nay đã hình thành một trường Tiểu học với 10 lớp và 22 cán bộ, giáo viên.

2.4. Điện lưới về làng

Năm 1994, đường dây 500kv Bắc – Nam và các trạm biến áp  được đưa vào khai thác vận hành hệ thống điện lưới quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc điện khí hoá nông thôn. Với phương châm “Nhà nước, địa phương và Nhân dân cùng làm”, xã Hương Toàn là một trong những địa phương hưởng ứng phong trào này khá sớm. Bằng nguồn vốn hỗ trợ đường dây cao thế và trạm biến áp của Nhà nước, địa phương đấu đất sản xuất và Nhân dân đóng góp đất để xây dựng hố móng; chặt hạ tre, cây cao để đảm bảo hành lang tuyến điện và xây dựng đường dây hạ thế, kéo điện vào từng nhà.

Thập niên cuối của thế kỷ 20, hệ thống mạng lưới điện đã phủ khắp làng xóm. Hình ảnh ánh đèn dầu sau luỹ tre làng không còn nữa và rất xa lạ với các tầng lớp con cháu ngày hôm nay.

Vui mừng được dùng điện thắp sáng thay đèn dầu, tuy nhiên nhìn lại thấy còn nhiều mâu thuẫn như tỉ lệ tổn thất điện năng quá cao (35% – 45%), người dân phải tiêu thụ điện giá cao hơn nhiều lần so với giá điện của Nhà nước tạo ra nghịch lý người nông dân thu nhập thấp lại phải trả giá cao hơn dân thành thị thu nhập cao; không tích luỹ được vốn khấu hao để có thể xử lý sự cố khi gặp thiên tai bão lũ. Hơn nữa lại phải nuôi bộ máy trung gian quản lý điện, nhưng lại quản lý vận hanh lưới điện thiếu chuyên nghiệp. Do đó, ngành điện có chủ trương nhận bàn giao lưới điện từ các ban quản lý điện, các hợp tác xã quản lý điện địa phương về ngành điện quản lý và bán điện đến tận hộ gia đình. Đây là cơ hội để Nhân dân được sử dụng điện vừa đảm bảo về mặt kỹ thuật, an toàn và giá cả theo nhà nước quy định. Nhận thức được điều này, đồng thời khắc phục được những mâu thuẫn trên nên huyện và xã đã bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp về cho Công ty Điện lực quản lý và bán điện đến tận hộ từ năm 2005. Hiện nay 100% dân làng đều được sử dụng điện, đường làng ngõ xóm đều có ánh điện soi sáng hằng đêm, chi phí do người dân đóng góp hằng tháng.

2.5. Công trình bờ kè

“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” – Hiểu như vậy nên ông cha chúng ta đã chọn hai trong ba ưu điểm ấy để thành lập nên làng Liễu Cốc. Đó là có con sông Bồ chảy dọc chiều dài phía Đông làng. Và bên cạnh dòng sông là con đường liên xã có thể đi đến các địa phương như Thanh Lương, An Lỗ…

Sông Bồ là nguồn cung cấp nước ngọt, bồi đắp phù sa và thoát lũ cho cả khu vực. Do điều kiện tự nhiên của địa hình mà khi sông chảy qua làng có đoạn bồi, đoạn lở.

Từ xưa việc chống xói lở bờ sông để bảo vệ đất làng đã được dân làng chú trọng. Thời kỳ trước, các vị tiền bối của làng chống xói lở bằng cách trồng cây ven bờ như tre lá ngà, cây sung, cây quao…. Đầu thế thế 20, đổ đá hộc làm giậu hàn nhằm chuyển hướng không cho dòng chảy xói thẳng vào bờ. Tuy nhiên, các giải pháp ấy làm chậm chớ không ngăn được việc sạt lở đất làng. Đặc biệt sau cơn lũ lịch sử năm 1999 thì tình trạng xói lở bờ sông diễn ra nghiêm trọng. Luỹ tre và các cây sung, cây quao nằm cặp bờ sông từ cầu Banh Trên về đến cổng làng đều bị trầm xuống sông. Vấn đề cấp thiết bấy giờ là không những chống xói lở mà còn di dời tái định cư cho năm hộ dân nằm dọc bờ sông và bảo vệ con đường liên thôn vừa được đúc bê tông xong. Công việc này đòi hỏi kinh phí lớn, muốn thực hiện cần có sự hỗ trợ chính sách tái định cư của chính quyền từ địa phương đến Trung ương. Từ đó, dự án kè chống xói lở bờ sông và di dời tái định cư cho năm hộ dân đã được chính quyền địa phương đề xuất lên trên và đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.

Công trình này được thực hiện vào năm 2008, tạo nên cảnh quan đầu làng khang trang, sạch đẹp. Kết hợp với việc đầu tư xây dựng các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Bồ (Hương Điền khởi công 5/2005, hoàn thành 10/2013; A Roàng khởi công 8/2012, hoàn thành tháng 9/2015) thì vấn đề ổn định bờ sông đoạn qua làng Liễu Cốc Hạ cơ bản đã được giải quyết.

2.6. Công trình ngăn mặn nước sông và đưa nước máy về làng

Có ba nguồn nước ngọt cho dân làng Liễu Cốc Hạ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất… là nguồn nước sông Bồ – nước mưa và nước giếng. Trong đó nguồn nước sông Bồ là chủ yếu. Hình ảnh các cô thôn nữ chiều chiều ra sông gánh nước còn in đậm trong tâm trí những người sống ở làng từ những năm 1990 về trước. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt sông Bồ không phải bao giờ cũng thuận lợi do có lúc bị nhiễm mặn. Mạch nước giếng làng thì bị phèn đục ngầu; bể, lu, vại chứa nước mưa chỉ có các nhà khá giả trong làng mới có, nên nguồn nước dự trữ cho sinh hoạt rất hạn chế. Phải nói rằng, nước ngọt dành cho sản xuất, sinh hoạt của dân làng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi gặp thời tiết hạn hán kéo dài.

Thực hiện chương trình nước sinh hoạt nông thôn, cùng với việc xây dựng nhà máy cấp nước sạch Tứ Hạ; nâng cấp, mở rộng nhà máy nước Huế, Nhà nước đã đầu tư các đường ống chính cấp nước sạch vào các làng. Từ đó, các hộ dân đầu tư dẫn nước máy vào nhà mình, sử dụng trong sinh hoạt như cư dân thành thị.

Năm 2001, đập ngăn mặn Thảo Long ở hạ lưu sông Hương được khởi công xây dựng, tháng 6/2006 đưa vào khai thác. Việc này đã chấm dứt được tình trạng nước mặn xâm nhập trên sông Hương, sông Bồ, tạo điều kiện thuận lợi cho một bộ phận dân làng sử dụng diện tích mặt nước trên sông Bồ đoạn chảy qua làng nuôi cá nước ngọt. Từ đó, nghề nuôi cá lồng trên sông được nhiều người đầu tư và phát triển.

2.7. Đường sá

Trước năm 1975, do điều kiện chiến tranh, các con em trong làng đa số đều xa quê. Hơn nữa, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nằm ở tuyến đầu nên việc đầu tư xây dựng làng xã thời ấy chưa được chú trọng đúng mức. Ngoài những công trình tín ngưỡng như đình làng, miếu Thần Hoàng, miếu phe, chùa, các nhà thờ họ, cổng làng, năm bến sông, năm bến hói, một phòng học; sáu cây cầu (cầu Khại, cầu Tây Phương, cầu Banh Trên, cầu Banh Dưới; cầu Vượn và cầu Lừ) được xây kiên cố, còn lại đường làng, ngõ xóm đều bằng đất nên thường lầy lội vào mùa mưa lũ. Hằng năm, trước Tết Nguyên đán các xóm huy động người hoặc thuê lặn cát sông đổ trên bề mặt đường xóm và những chỗ lầy lội để đi lại nhân dịp Tết đến, Xuân về. Rồi sau mỗi mùa mưa lũ đường làng, ngõ xóm lại trở về tình trạng lầy lội.

Sau năm 1975, đứng trước thực trạng này, chính quyền và Nhân dân bắt tay thực hiện chương trình bê tông hoá giao thông nông thôn (bắt đầu từ thập niên 90 thế kỉ 20). Nhà nước cung cấp vật tư chủ yếu, dân góp công sức và vật liệu xây dựng tại chỗ. Riêng các đường liên thôn, liên xóm và các tuyến đường quá ít dân cư thì nhà nước chỉ hỗ trợ. Do eo hẹp kinh phí, mới đầu bê tông hoá với khổ đường hẹp nhằm khắc phục tình trạng lầy lội trong đời sống sinh hoạt. Sau dần mở rộng và nâng cấp để các phương tiện cơ giới tham gia giao thông, mở rộng thêm phạm vi giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hoá trong nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư nhà nước hỗ trợ cho bê tông hóa giao thông đường làng, ngõ xóm cho làng Liễu Cốc Hạ đến năm 2021 gần 7 tỉ đồng. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, dân làng đã góp công của xây dựng mới, tái thiết, trùng tu, tôn tạo nhiều công trình như: Cô Đàn, chùa, cổng làng, các cổng xóm, cầu Lưu Hương, các nhà thờ họ… làm cho cảnh quan làng ngày càng khang trang, tươi đẹp…

Hiện nay, đường liên thôn, đường làng, ngõ xóm cơ bản không còn tình trạng lầy lội, nhưng nhu cầu đầu tư cho giao thông nội đồng phục vụ việc cơ giới hoá nông nghiệp, kết hợp với việc đáp ứng các nhu cầu bức thiết khác của dân làng vẫn còn rất lớn.

(Huế, tháng 8/2022 – Nguyễn Văn Tri).

2.8. Giậu Hàn

Con sông chảy qua địa phận làng ta có tên trong hệ thống sông ngòi Việt Nam là sông Bồ. Hàng ngàn năm nay, dòng nước sông Bồ miệt mài xuôi từ thượng nguồn về hạ lưu cung cấp nước ngọt và bồi đắp phù sa, tạo nên cảnh quan, môi trường sinh thái quanh lưu vực thật là trù phú và thơ mộng.

Cũng như bao con sông khác trên thế giới, trong quá trình di chuyển, dòng nước sông Bồ theo quán tính đi thẳng va vào bờ bên này, dội vào bờ bên kia tạo nên nhiều khúc sông bên lở, bên bồi.

Không may khi chảy qua địa phận phía đông làng ta, dòng sông lại lượn một vòng cánh cung khiến dòng nước đâm thẳng vào vùng đất từ bến Đình xuống đến vạc ruộng Dứt gây sạt lở lần hồi, từ năm này sang năm khác làm mất rất nhiều ruộng đất của làng. Các vị cao niên kể rằng ngày xưa con sông nằm hẳn bên địa phận phe Kiền và con đường Dứt trước đây nằm ở giữa dòng sông bây giờ. Thấy làng mình mất bao nhiêu đất thì làng bên kia sông được bồi đắp thênh thang bấy nhiêu, các cụ làng ta xót xa lắm. Hồi đó các cụ không biết làm gì hơn ngoài việc hô hào dân làng trồng tre la ngà, cây xà cừ, quau… cặp bờ sông để chống xói lở. Tuy nhiên, đất làng vẫn cứ bị “Hà bá” nuốt dần…

Ông Trần Ngọc Diệu (sinh 1933), nguyên Trưởng tộc họ Trần kể: Trước năm 1945, có hai nhân sĩ làng ta là ông Trần Kiêm Chí và ông Trần Kiêm Trình làm nhiều việc có ích cho dân làng nên được dân làng mến trọng lắm. Thấy tình trạng đất bờ sông cứ lở mãi, hai ông đã vận động dân làng đồng thuận đem 30 mẫu ruộng tốt nhất của làng ra đấu trong vòng 3 năm lấy tiền mua đá trên Sơn Công, Lại Bằng chở về đổ thành ba cái giậu hàn để ngăn việc xói lở. Giậu Hàn thứ nhất nằm ở bến Hát, gần ranh giới sông Cổ Lão. Giậu Hàn thứ hai ở bến Đình. Giậu Hàn thứ ba nằm ngay bến nước trước nhà ông Trác (O Lệ). Hồi ấy, công trình đổ đá xuống sông ngăn sạt lở đất của dân làng Liễu Cốc Hạ nổi tiếng cả vùng. Cả đoạn sông Liễu Cốc Hạ ngày đêm tấp nập ghe thuyền, hối hả thả đá xuống ba vị trí đã chọn cho nổi lên mặt nước cả mét và dài từ bờ ra đến gần ¼ chiều rộng dòng sông đến mấy tháng trời mới xong.

Tháng 3 năm 1993, nhân sĩ thứ ba là ông Trần Kiêm Mai từ nước ngoài trở về thăm quê hương. Nhận thấy đất làng mình vẫn bị sạt lở, ông vừa bỏ tiền mình vừa vận động bà con Hải ngoại đóng góp, đổ thêm Giậu Hàn thứ tư ở đoạn sông vạc Dứt.

Trải qua hàng chục năm thi gan cùng dòng cuồng lưu sông Bồ vào mùa lụt, mặt đá các giậu hàn chìm dần xuống mặt nước. Tuy nhiên, công năng chống xói lở vẫn còn. Và giậu hàn còn là nơi ghi vào tâm khảm những người con sinh trưởng ở làng Liễu Cốc Hạ biết bao kỷ niệm ngọt ngào thời tập bơi, câu cá….

2.9. Cầu cống

Vô làng cầu Khại, Tây Phương

Ra đồng cầu Vượn, Lưu Hương, cầu Lừ

Cầu Banh con nước lượn lờ

Thương người xa xứ lâu chưa trở về

Để con cháu đời sau hiểu tại sao những chiếc cầu trong làng lại có cái tên như vậy thì chúng ta cần phải ngược thời gian tìm hiểu…

Cầu Khại
Cầu Khại

– Cầu Khại: Các cụ cao tuổi kể rằng ngày xưa tất cả cầu trong làng được làm bằng các vật liệu có sẵn tại địa phương. Những cây cầu ở trục đường chính (liên thôn) như cầu Khại, cầu Tây Phương mặc dù được chú trọng hơn cả nhưng cũng được làm bằng gỗ tốt mà thôi. Từ phe Chùa muốn về làng phải đi qua cầu Khại. Như vậy, đã là con dân trong làng thì ai cũng biết chiếc cầu này. Sở dĩ cầu có tên Khại là do ban đầu mặt cầu được đặt nhiều tấm khại đan bằng tre, buộc vào bên dưới nhiều cây đà bằng tre nằm khít nhau. Và ngay phía trước dòng nước chảy qua cầu, người ta dựng những tấm khại trát đất sét để ngăn nước mặn xâm nhập vào ruộng…

Một thời gian sau, khi nhu cầu gánh gồng, xe kéo, xe ngựa phát triển thì dầm cầu được làm bằng những cây gỗ và bên trên được lát bằng ván dày, liên kết nhau bằng đinh sắt. Cuối thời Pháp đô hộ, hai mố cầu được đúc bằng bê tông, dầm cầu bằng thanh sắt đường rầy, mặt cầu lót ván chắc chắn hơn. Đầu thập niên 60, trong chương trình Phát triển nông thôn của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cầu được sửa sang, đúc bê tông hoàn toàn. Mặc dầu đã thay đổi kết cấu nhưng cái tên gọi Cầu Khại vẫn không thay đổi như  sông Hương có cầu Mới dù tuổi chiếc cầu đã hơn nửa thế kỉ rồi!

Cầu Tri Phương
Cầu Tri Phương

Cầu Tây Phương: Còn gọi là cầu Thuỷ Phương hay cầu Tri Phương, là cây cầu bắc qua con hói Miệu nằm trên đường chính, giáp ranh làng Cổ Lão. Cây cầu mặc dù nằm trên đất làng Liễu Cốc Hạ, nhưng lại là cửa ngõ chính bước vào làng Cổ Lão, nên họ chú trọng xây dựng chiếc cầu này. Tiền thân cây cầu được làm bằng gỗ, đến thời Pháp thuộc, cầu được đúc bê tông theo cấu trúc của Tây phương; thời Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, cầu được làm kiên cố hơn…

– Cầu Banh Trên là chiếc cầu bắc qua miệng hói Kênh (gần nhà O Lệ) nằm trên trục đường hướng đi lên Bến Đình, làng Cỗ Lão…

– Cầu Banh Dưới: là cầu bắc qua hói Kênh vào đầu làng, cạnh cổng làng.

Theo ông Nguyễn Văn Chánh, sở dĩ dân làng gọi là cầu “Banh” vì thời ấy miệng con hói Kênh nằm ở trước cổng làng bây giờ, ông Lý trưởng cho lấp lại rồi “banh” việc ra cho dân làng đào con hói vòng trước mặt họ Trần, mới có hai cây cầu này… Cầu Banh Trên và Cầu Banh Dưới được đúc bê tông từ cuối thời Pháp thuộc. Trùng tu năm Bính Ngọ (1966). Riêng cầu Banh Trên được nâng cấp kiên cố sau năm 1975, do ông Trần Kiêm Huê làm việc nhà nước cho người về đo đạc, thực hiện…

Cầu Vượn
Cầu Vượn

– Cầu Vượn là cầu bắc qua con hói Kênh đi ra phía Đông cánh đồng làng. Cầu nằm góc đường xóm Kênh và đường Hậu Làng gặp nhau. Trước 1945, cây cầu được bắc vài cây tre vắt vẻo qua hai mố, bên dưới đóng cọc chéo bắc một cây tre làm tay vịn, người đi qua lại đong đưa như vượn trèo…

Cầu Lừ
Cầu Lừ

– Cầu Lừ nằm gần khoảnh ruộng Đô Vân, trên con đường từ cồn Quán bắc qua con hói chính (hói Kênh) lên thôn Phe Thượng. Sở dĩ có tên cầu Lừ vì nơi đây có một trộ đơm lừ, đơm đó, cho sản lượng tôm cá quanh năm. Ai muốn có trộ lừ này thì phải đấu như đấu ruộng. Vì cầu nằm giữa cánh đồng và trên con đường từ đồng về làng nên ai đi qua cũng dừng chân ngồi núp nắng dưới bụi tre được trồng phía bờ nhìn về cồn Quán.

Khi hai cầu Banh được đúc bê tông thì cầu Vượn và cầu Lừ vẫn còn là hai chiếc cầu tre vắt vẻo bắc qua con hói chính. Năm 1966 trong chương trình Phát triển Nông thôn của Chính phủ đương thời, cầu Vượn, cầu Lừ được đúc mới bê tông; các cầu còn lại được trùng tu tốt hơn

Cầu Lưu Hương
Cầu Lưu Hương

– Cầu Lưu Hương nối liền con đường làng chạy cặp con hói Kênh (gần Bàu Tháp) đi qua cồn Trưa, cồn Nổi. Trước kia chưa có chiếc cầu này dân làng phải gánh lúa, phân, giống… lội qua hói để canh tác các thửa ruộng nằm bên kia hai cồn hoặc bên kia con hói thật vất vả. Gian nan hơn là vào mùa nước lớn, âm công phải ngâm mình dưới nước, lội băng hói đưa quan tài người quá cố qua an táng bên nghĩa địa cồn Trưa, cồn Nổi.

Thấu hiểu tình cảnh này, ông Nguyễn Văn Phò (1944) và vợ là bà Bùi Thị Thạnh (1946) đã bỏ kinh phí ra xây dựng chiếc cầu này vào năm 2012. Ông bà đặt tên là cầu Lưu Hương với ý lưu lại chút tình với quê hương.

Sau này thơ nói về cầu của người làng có thêm:

Chiều chiều bóng ngả về Tây

Ngó lên Bàu Tháp thấy cầu Lưu Hương

2.10. Bến sông – Giếng nước

Dòng nước sông Bồ luôn là nguồn sống của vạn vật chung quanh lưu vực của nó. Do mạch nước ngầm làng ta đục ngầu, không thể ăn uống được nên bến nước sông là nơi diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày của dân làng. Từ sáng tinh mơ, khi mặt sông còn lãng đãng sương sớm; hoặc những đêm trăng sáng tiếng kẽo kẹt triêng gióng của các thôn nữ gánh nước từ bến sông về nhà vang trong đêm khuya thanh vắng; những ngày hè oi ả, trên các bến sông luôn vang lên tiếng nô đùa của lũ trẻ con nghịch nước. Và cứ chiều đến là bà con tập trung ra bến tắm, giặt, rũ bỏ nhọc nhằn sau một ngày lao động trên đồng ruộng…

Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho dân làng về nước, làng chúng ta xây dựng đến năm bến sông và năm bến hói. Năm bến sông đó thứ tự từ trên thượng lưu xuống như sau:

– Bến xóm Côi nằm gần giáp ranh thôn Cổ Lão.

– Bến Hát nằm dưới bến xóm Côi, trên bến Đình. Sở dĩ bến này có tên bến Hát vì trước năm 1945, các cụ thuộc hàng phong lưu trong làng, có lệ mỗi lần thắng bạc lớn là thuê thuyền chở tuồng hát bên bến phu Vân Lâu (sông Hương) về cập bến này hát thâu đêm cho dân hai làng Liễu Cốc Hạ và Cổ Lão cho xem chơi!

– Bến Đình nằm ở khúc sông cạnh đình làng.

– Bến Giữa hay còn gọi là bến Ông Trác (cụ thân sinh O Lệ) vì nằm trước nhà ông Trác.

– Bến Dưới nằm dưới cùng, còn gọi là bến mụ Ngắn (sát nhà mụ Ngắn, ông Tín cặp bờ sông cũ).

Năm bến hói là: Bến gần nhà ông Huy; bến đầu xóm đường vào nhà ông Tăng; bến trước nhà ông Oanh; bến đầu xóm vào nhà ông Hạ; bến gần nhà ông Chất.

Trước những năm 1960, các bậc thang giật cấp đi xuống các bến được lát bằng những tảng đá tự nhiên và cầu bến làm bằng tre nên việc sinh hoạt của bà con không thuận tiện lắm. Vào mùa hè năm 1966 trong chương trình phát triển nông thôn của Chính phủ đương thời, tất cả các bến sông và bến hói làng Liễu Cốc Hạ được xây bậc cấp và đúc đoanh bằng bê tông.

Cùng lúc ấy, năm giếng nước nằm trên bốn xóm cũng được khởi công xây dựng. Đó là giếng nước ở xóm Kên nằm gần nhà ông Chánh; giếng xóm Giữa nằm gần nhà ông Bậc; giếng xóm Cụt gần nhà mụ Lấn; hai giếng còn lại ở xóm Côi một cái gần nhà ông Kỳ, một cái gần nhà ông Ló. Từ khi có những giếng đó, dù nước đục không uống được nhưng cũng giúp bà con nhẹ gánh trong việc lấy nước tưới cây, tắm gia súc và các sinh hoạt khác mà trước đây phải ra hói gánh về

Đến năm 2008, Nhà nước cho xây bờ kè ở đoạn sông từ Bến Đình xuống đến vạc Dứt để chống xói lở. Đồng thời các bến sông cũng được sửa sang lại từ nguồn kinh phí khác nhau. Trong năm bến sông chỉ còn lại bốn. Bến ông Trác đã bị xóa thành bờ kè. Và từ khi có nguồn nước máy, công năng của các bến sông, bến hói và giếng nước không còn quan trọng đối với dân làng như xưa nữa.

2.11. Ao, hồ (bàu)

Làng có các ao hồ sau đây:

  1. Bàu Tháp: Là hồ nước được hình thành do người xưa đào lấy đất tôn nền, đúc gạch để xây tháp hoặc lấy đất làm gạch đem đi xây dựng công trình nơi khác. Bàu rộng khoảng ba hecta nằm giữa hai làng Liễu Cốc Hạ và Xuân Đài, là nơi điều hòa con nước thủy triều, lụt lội lên, xuống; cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng hai làng (khi chưa có nguồn nước thuỷ lợi) và cũng là nơi bà con nuôi cá.
  2. Bàu Lộ (ao Lộ): Là hồ nhỏ khoảng 2000m2 có bề ngang hẹp, chạy dọc theo đường Hậu Làng nằm giữa xóm Kên và xóm Giữa. Có lẽ ngày trước do dân làng đào lấy đất sét nặn ông táo, các đồ dùng khác hoặc đắp đường, trét tường nhà lâu ngày mà thành. Là hồ cạn, thường được trồng hoa sen.
  3. Hồ Sen là một ao nhỏ khoảng 200m2 nằm bên kia đường trước đình. Hồ được đào và trồng hoa sen để tạo thế phong thuỷ cho đình làng.
  4. Bàu Nguyên nằm phía tây, cạnh Mả Vôi. Bàu rộng gần một héc ta, do bà con lấy đất đắp mộ từ đời này sang đời khác mà thành.

Ngoài ra, cũng có vài nơi tuy mang tên là ao hồ như Ao Súng, Rột Xa… nhưng thật ra đó là những thửa ruộng sâu.

***

 

 

 

 

Bài viết liên quan