PHẦN VI: ĐỜI SỐNG KINH TẾ

1. Các nghề truyền thống

Xã Hương Toàn được liệt vào hàng thứ 11 trong số các làng xã có nghề truyền thống trong 63 tỉnh thành của toàn quốc Việt Nam thời hiện đại. Theo tác giả Đoàn Văn Khuê trong một bài viết đăng trên “Online Sông Bồ” thì xã Hương Cần (Hương Toàn) nổi tiếng nhờ hai đặc điểm chính: Thứ nhất là quýt Hương Cần (phe Kiền) ngon nhất xứ; thứ hai là sáu làng (cách gọi cũ) còn lại, mỗi làng đều có nghề riêng độc đáo, nổi tiếng ngoài nghề làm ruộng là: Rượu Dương Sơn; bún Vân Cù; nón Hương Cần; cốm An Thuận, gạch ngói Nam Thanh; nôi bội, giần sàng… Liễu Cốc Hạ.

Thời trước, làng Liễu Cốc Hạ nổi tiếng với nghề đan nôi bội bằng tre. Đối với thế hệ trẻ trong làng sinh sau thập niên 1975 thì hình ảnh các cụ già tay chẻ, vót, chuốt những sợi lạt tre dài, mảnh mai rồi sau đó trải ra giữa nền nhà đan thành sản phẩm thường dùng như rổ rá, thúng mủng và hình ảnh các cụ già gánh những chồng nôi, bội đủ kiểu, đủ cỡ bằng tre gánh chạy bộ từ làng lên Huế bán đã thành ký ức một thời. Sản phẩm nghề đan tre truyền thống trong làng gồm có: Nôi (chiếc võng dùng ru trẻ con sơ sinh ngủ), bội (giỏ đựng đồ sinh hoạt, rơm rạ hay để nhốt gà, vịt, gia súc), rổ, rá, thúng, mủng, giần, sàng, oi, gàu và nhiều vật dụng cần thiết khác. Nhưng nổi bật và chủ yếu nhất là đan bội, cỡ lớn, nhỏ tùy theo nhu cầu người dùng. Nghề đan nôi bội truyền thống của làng Liễu Cốc Hạ dần mai một từ khi có sản phẩm bằng nhựa, chất dẻo (plastic) và đến thời hiện đại thì hoàn toàn mất hẳn.

 

2. Các nghề mới phát sinh và đời sống kinh tế hiện nay

Sau 1975, song song với nghề làm ruộng những nghề thủ công khác như may vá, chằm nón, thêu đan, bán hàng tạp hóa, thực phẩm cũng được phát triển nhưng chỉ ở mức độ cung cầu giới hạn tại địa phương. Khoảng giữa thập niên 1980, nghề mua bán phế liệu tự phát một cách rầm rộ. Người làng theo nhau tìm đến các làng ở các tỉnh phía Bắc nơi có phế liệu chiến tranh để mua bán, đổi chác. Nghề này có một tên gọi mới mang tính vui đùa nhưng lại khá hình tượng, đó là tên gọi nghề “hai sọt”. Người mua bán phế liệu thường dùng phương tiện di chuyển là xe đạp. Đằng sau xe họ gắn thêm hai bên hai giỏ (sọt) đựng hàng hóa để trao đổi phế liệu, nên danh từ “hai sọt” xuất hiện từ đó.

Ngày nay, khi công việc kinh doanh phế liệu không còn đem lại thu nhập hấp dẫn nữa thì người lao động chuyển sang làm những công việc có thu nhập cao hơn. Đó là nghề thợ nề, mộc, thợ sắt, hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp…; người có học vấn hoặc chuyên môn cao thì làm trong lãnh vực Nhà nước hoặc Công ty nước ngoài, lập Công ty kinh doanh riêng…

Nhìn một cách tổng quát thì lao động nghề nghiệp hoặc xoay xở buôn bán của người làng Liễu Cốc Hạ đã có một tác dụng tích cực vào chất lượng cuộc sống của họ. Tổng số hộ và nhân khẩu ở mức độ nghèo đói càng ngày càng giảm. Số con em được đi học từ cấp mẫu giáo đến Đại học tăng cao. Số nhà ở tư nhân và cơ sở thờ tự xây kiên cố tăng cao đã làm cho làng có một bộ mặt mới về nhà cửa khang trang, đường đi sạch đẹp từ trong xóm đến ngoài làng.

 

 

 

Bài viết liên quan