PHẬT GIÁO VIỆT NAM đôi điều trông thấy từ xa

Thế giới đang trải qua một cuộc “cách mạng ảo mà thật”.  Đó là bước tiến đầy bứt phá của mạng lưới truyền thông đại chúng qua hệ thống truy cập toàn cầu của vi tính. Những góc khuất chính trị, những huyền thoại về tôn giáo, những vẽ vời nhằm thần thánh hóa lãnh tụ… đang dần dần được “giải mã” như đôi mắt vệ tinh bao quanh địa cầu có thể nhìn thấy một điểm nóng trên sa mạc Sahara hay một hồ tắm vườn sau ở New York!

Gần ngày hoàn mãn mùa An Cư Kiết Hạ của Phật giáo Phật lịch 2557 (2013) – ngày 8 tháng 8 năm 2013 – dư luận trong cũng như ngoài nước bỗng xôn xao về loạt hình ảnh của các ni cô lên sân khấu với sắc phục và nón tai bèo Bộ đội qua một màn múa hóa trang đầy vọng tưởng nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày cụ Hồ ra lời kêu gọi “thi đua ái quốc.”

Đây là một đại hội văn nghệ do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh tổ chức với danh xưng đặt trên cùng tấm phông màn sân khấu hội trường. Phía dưới là tên phân ban, phân ngành: “Hội Nữ tu huyện Bình Chánh.” [1]  Trọng tâm của hầu hết các luận điểm xuất phát từ quần chúng là sự bày tỏ thái độ phê phán và bất phục về hiện tượng sinh hoạt phi Phật giáo của các ni cô tham gia trong những màn ca vũ mà gần như tự bản chất, thiếu vắng tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật. Tuy nhiên, đối với hàng cư sĩ và Phật tử đã biết rõ thực tế về quyền lực lãnh đạo quá chặt chẽ của thế quyền trên giáo quyền từ cấp địa phương đến cấp trung ương tại Việt Nam hiện nay thì đa số cho rằng, thế quyền đã lạm dụng giáo quyền. Cụ thể hơn là chính quyền Việt Nam đã dùng Phật giáo như một loại “phương tiện mềm” nhằm củng cố uy tín và nâng cấp tuyên truyền tự do tín ngưỡng. Về sự việc hội Nữ tu Bình Chánh “lập công dâng Bác”, phản ứng của đại chúng, nhất là quần chúng Phật tử, xuất hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng lại hội tụ vào điểm chung nhất được đặt ra là: Ban chấp hành Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Huyện Bình Chánh hay là chư Tôn Đức thuộc hàng giáo phẩm Phật giáo đóng vai trò lãnh đạo giới tu sĩ ở địa phương? Việc hóa trang, tô điểm, lên diễn tuồng trên sân khấu có đúng với phẩm hạnh của giới tu hành xuất gia hay không?! Nếu không, ai chịu trách nhiệm và có thẩm quyền phán quyết?  

Theo tinh thần Phật giáo truyền thống, người xuất gia là kẻ đã chuyển hóa cuộc sống từ đời qua đạo, từ thô đến tế, từ phàm qua thánh, từ người con Phật bình thường lên hàng trưởng tử của Như Lai. Bậc xuất gia khi xuống tóc, vận chiếc áo cà sa lên mình là thực hiện lời thề lên đường hành đạo bất thối chuyển. Nghĩa là không còn lưu luyến, dính mắc hay tác ý, tác nghiệp quay lại với đời sống phàm trần bất cứ dưới hình thức nào. Khi bậc xuất gia đã an trú trong giới luật thì đời có thể bắt chước hình tướng hay công hạnh đầy tôn quý của của bậc tu hành chứ tuyệt nhiên không có trường hợp ngược lại. Hơn thế nữa, đường tu là quang lộ đi tìm thể tánh chứ không phải còn loay hoay dính mắc trong vòng hình tướng như đức Phật đã dạy: “Những ai đi tìm mùi vị, âm thanh, màu sắc để cầu Phật là đang thực hành tà đạo, những kẻ đó đừng mong gì thấy được Như Lai!”

Với cái nhìn từ xa, phía bên ngoài đất nước, thì Phật giáo Việt Nam đang đứng trước những thử thách “rất thời đại” mà điển hình là cuộc đối mặt âm thầm giữa chính quyền và Phật giáo về cả hai mặt đối nội lẫn đối ngoại.

Về mặt đối nội, chính quyền Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua, tuy có “Ban Tôn Giáo” trung ương và đưa ra nhiều văn kiện quy định các chính sách về tôn giáo nhưng đã lập lại vết xe cũ của hai triều đại tiền nhiệm. Xin được điểm lại vài nét chính. Năm 1950 quốc trưởng Bảo Đại ban hành đạo dụ số 10 quy định các tổ chức HỘI đoàn. Điều 1 định nghĩa: “HỘI là Hiệp ước của hai hay nhiều người thỏa thuận góp kiến thức hay hành lực một cách liên tiếp để theo đuổi mục đích không phải là phân chia lợi tức, như là mục đích thuộc về tế tự, tôn giáo, chính trị, từ thiện, khoa học, văn học, mỹ nghệ, tiêu khiển, thanh niên, thể thao và đồng nghiệp ái hữu.“. Như thế tôn giáo được xem là một loại hiệp hội. Tuy nhiên, điều khoản 44 trong đạo dụ này có quy định về một “chế độ đặc biệt” như thế nầy: “Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau.” Vô hình chung, “chế độ đặc biệt” nầy đặt các hội truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội ra ngoài tình trạng Hội Đoàn, không chịu sự kiểm soát và quy định của đạo dụ này. Tổng thống Ngô Đình Diệm trong 9 năm cầm quyền, vẫn giữ nguyên đạo dụ số 10 này nên nhiều người coi đây như là một sách lược duy trì tình trạng thiên vị tôn giáo và chia rẽ giai cấp xã hội.

Nhà Nước Việt Nam từ sau 1975 đến nay, tuy không đả động gì đến Dụ số 10 nhưng lại lại có một cơ chế quản lý chặt chẽ tất cả các hội đoàn quần chúng gọi là Mặt Trận Tổ Quốc. Thực chất, đây là một công cụ chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam như điều 9 Hiến pháp quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.”

Phật giáo Việt Nam bị đặt duới sự quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc ngang tầm với các đoàn thể quần chúng khác. Tuy bản chất Phật giáo là vô cầu, vô ngã, xem mọi sự tương đối như giả tạm, như không; nhưng một khi đã đặt vào thế tương quan thì cần phải đặt cho ngay thẳng, chính diện. Một vị đại lão Hòa thượng và một cháu thiếu nhi quàng khăn đỏ bình đẳng trong con người nhưng khác nhau giữa xã hội.  Đây chẳng khác nào trường hợp Mặt Trận Tổ Quốc đặt “đoàn thể Phật giáo” ngang tầm với đoàn Thanh niên hay đội Thiếu nhi Tiền phong chẳng hạn. Hậu quả đương nhiên là tạo ra thế chông chênh; đồng thời áp đặt mối tương quan khập khiểng làm sinh khởi lòng bất tịnh vốn đã trái với đường tu của hành giả Phật giáo đã đành mà còn trái với đạo lý dân tộc và bất chấp truyền thống nhân văn. Nhà Nước Việt Nam và Ban Tôn giáo không nên xem thường vị thế các tôn giáo trong cơ chế quốc gia như hiện nay. Đành rằng, Việt Nam có riêng chủ quyền và mô thức tổ chức, phân bố các đoàn thể thích hợp với tình hình đất nước mình nhưng thế giới vẫn có tiêu chuẩn chung là không có nơi nào lại làm việc nghịch lý như cố nhét cổ xe vào túi áo của mình cả.

“Hội Nữ Tu Huyện Bình Chánh” là một ví dụ điển hình về cơ chế lãnh đạo và khuynh hướng quản lý theo mô thức “phương tiện quốc doanh” của chính quyền đối với Phật giáo hiện nay. Trong số 30 đoàn thể do Việt Nam xác định là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, riêng lĩnh vực tôn giáo, chỉ duy nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là một thành viên tôn giáo chính thức của Mặt Trận. Các tôn giáo lớn khác thì không phải tham gia dưới hình thức giáo hội mà chỉ có các ủy ban hay tổng hội không đại diện cho giáo hội chính thống đứng vào Mặt Trận mà thôi. Như Thiên Chúa Giáo thì chỉ có Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Tin Lành có Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam là thành viên của Mặt Trận. Vô hình chung, một tôn giáo có truyền thống lâu đời với số tín đồ và tu sĩ đông đảo nhất nước như Phật giáo lại bị liệt vào ngang hàng với các hội đoàn quần chúng như: Hội Người Già, Hội Người Mù, Hội Trẻ Em Khuyết Tật[2]…! Đây chỉ là một hệ quả đương nhiên của một quá trình mà chính quyền Việt Nam dùng Phật giáo như một hình thức trang trí cho vũ đài chính trị. Nếu quan tâm theo dõi diễn biến “cửa Thiền không cửa” từ đầu, người ta thấy rằng:

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là giáo hội Phật giáo duy nhất được chính phủ Việt Nam công nhận hiện nay và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giáo hội được thành lập sau Đại hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại tùng lâm Quán SứHà Nội vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 nhằm đoàn ngũ hóa tất cả sinh hoạt Phật giáo của tăng ni, phật tử Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước.

Phương châm của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam là: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.” Đây có thể được xem là một khái niệm gán ghép khiên cưỡng và không gợi lên được một lý tưởng hay lôi cuốn một tình cảm sâu sắc nào cả bởi sự kêu gọi mang tính chất hô khẩu hiệu bất bình thường. Cuộc đồng hành khi hào hùng khi thầm lặng suốt mấy nghìn năm lịch sử của Dân tộc và Phật giáo Việt Nam rõ ràng không có chỗ đứng cho Chủ nghĩa Xã hội phát huy ảnh hưởng của nó trong thời điểm thế kỷ 21 nầy.

Về mặt đối ngoại, sau 11 năm phải đương đầu với nhiều khó khăn, nhất là sự phản đối trực tiếp của Hoa Kỳ trong nỗ lực vận động để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mãi Thế Giới (World Trade Organization – WTO), vào ngày 31-5-2006 Việt Nam đã thuyết phục được sự đồng ý sau cùng của Mỹ để gia nhập WTO. Bên cạnh 28 nước hội viên WTO, Việt Nam phải thương thuyết tay đôi với Hoa Kỳ và kết quả đạt được qua văn bản ký kết có tên là CRS Report for Congress.[3] Trong đó có điều khoản khá bất thường cho một hiệp ước kinh tế quốc tế là việc bắt buộc Việt Nam phải cho phép tập thể người Thượng ở miền Cao Nguyên Trung phần Việt Nam theo Tin Lành hệ phái Protestants tự do truyền giáo và thờ phụng (Trang 22C) . Việt Nam sau ngày gia nhập WTO, theo cư sĩ Minh Mẫn, có thời điểm, mỗi ngày có đến 5 nghìn đồng bào Thượng nhận lễ Báp Tem gia nhập đạo Tin Lành. Sau đó, có tin là một số đồng bào Thượng tân tòng Tin Lành dấy lên hiện tượng đòi lập Khu Tự Trị như người Thượng Fulro thời trước 1975 đã nổi loạn.

Chính vì sự quan ngại nầy mà chính quyền Việt Nam đã sử dụng “lá chắn” tôn giáo bằng cách dùng đạo Phật như một tay vệ sĩ có sức vóc và uy tín trong lĩnh vực tinh thần và tâm linh.

Đạo Phật Việt Nam là tôn giáo truyền thống của người Việt Nam theo đạo Phật, vốn xưa nay không phân ranh giáo hội. Ngày nay, trong nuớc cũng như ngoài nước, đạo Phật phân hóa ra thành hàng chục “giáo hội” nhưng lại không có sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm gồm chư tôn đức và các tu sĩ đạo cao đức trọng. Trong nước chỉ có Giáo hội Phật Giáo Việt Nam do chính quyền dựng lên mới có quyền hoạt động hợp pháp. Đại Hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, diễn ra vào ngày 24 tháng 11 năm 2012 tại Hà Nội từ hình thức đến nội dung chẳng khác gì một đại hội chính trị của chính quyền đương nhiệm. Bàn tay thô cứng của chính quyền nhúng vào tôn giáo đã làm cho Phật giáo mất dần đạo vị và hương trầm giải thoát.

Thế lực lãnh đạo Việt Nam trong nước đã biến Phật giáo Việt Nam thành một cơ sở tinh thần,  phụ trợ cho hệ thống quyền bính. Trong khi đó chính trị và tôn giáo là hai thế lực Đời và Đạo khác biệt. Thậm chí, có những hoàn cảnh cực đoan mà con người phải lựa chọn được bên nầy thì phải mất bên kia và ngược lại.  Hơn nữa,  chính trị tự bản chất là một phương tiện đầy mưu lược nhất thời; trong khi tôn giáo là chỗ dựa nhân bản của tâm hồn suốt chiều dài cuộc sống.  Lịch sử hơn 25 thế kỷ của Phật giáo đã chứng minh rằng:  Tôn giáo càng dính mắc vào chính trị sâu chừng nào thì hệ lụy càng nghiêm trọng chừng đó.

Vua A Dục (Asoka) đã đưa Phật giáo lên hàng quốc giáo tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Sự kiện Phật giáo dính vào quyền lực đương quyền nầy là một sự “tuyên chiến chính trị” với Bà La Môn giáo tại Ấn Độ và các thế lực Hồi giáo lân cận.  Khi vua A Dục qua đời, thế lực chính trị kế thừa không còn đủ sức mạnh đề ủng hộ Phật giáo nên hậu quả không tránh được là chùa viện và tăng tín đồ Phật giáo bị các thế lực thù nghịch tàn phá và tàn sát không khoan nhượng.

Ở Trung Hoa, thời Thịnh Đường Phật giáo cực thịnh vì các vị hoàng đế đầu triều đều là các các ông vua mộ đạo.  Hàng tăng sĩ càng hưởng ưu tiên bổng lộc nhà vua càng xuống cấp.  Khi giới tu hành càng bị xuống cấp thì càng cố bám vào thế lực chính trị cầm quyền để tồn tại và hưởng thụ.  Tới đó, giới tăng lữ trở thành một thế lực lót đường cho chính trị, xa lìa đạo pháp và đại chúng.  Hậu quả không tránh khỏi là đột nhiên năm 845, dưới áp lực của đám Nho sĩ, đứng đầu là Hàn Dũ, vua Đường Vũ Tông ra lệnh bài trừ Phật giáo như là một “ngoại đạo”, đưa Khổng Giáo lên làm quốc giáo. Hai mươi lăm nghìn ngôi chùa Phật giáo bị phá hủy, hai mươi lăm vạn tăng lữ trong cả nước bị bắt buộc phải hoàn tục hay bị đày ra ngoài biên ải.

Trải qua bao cuộc bể dâu tại hầu hết các nước mà đạo Phật đã đi qua, kinh nghiệm rút ra sau hơn 25 thế kỷ là: đạo Phật còn tồn tại và hưng thịnh được là nhờ công hạnh tu trì, tâm bồ đề kiên cố của những danh tăng, bộ phái, hệ phái và tông phái Phật giáo không dính mắc với thế quyền, không tham cầu hư danh, không dính mắc giả tướng, không sở đắc lợi lạc phàm tục đời thường.

 Sau mấy chục năm đi làm, tôi về hưu và quyết định về ở tại ngôi nhà thừa tự một thời gian. Năm nay, 2013, tôi về quê ăn Tết; sống lặng lẽ ở làng quê và đi thăm nhiều chùa, am, cốc ở Huế. Sau hơn ba tháng, tôi có dịp viếng nhiều chùa từ Nam, Trung, Bắc và trực tiếp vấn an quý ôn, quý Thầy, Sư Cô để tận mắt thấy rằng: Duyên lành thay, Phật giáo Việt Nam hiện đại không phải là Phật giáo phó thác đường tu vào tay thế quyền chuyên chế như thời Mạc Đường bên Trung Quốc. Lớp vỏ sơn son thếp vàng hào nhoáng bên ngoài đầy cả tinh thần Hán Tạng của Trung Quốc thì ở đâu cũng có. Nhưng càng đi sâu vào các ngôi chùa xa, càng có thiện duyên gặp những bậc tu hành tôn túc mà mới gặp đã bị chinh phục ngay bằng nụ cười từ ái và được nghe lời tâm pháp đầy năng lượng khai thị của các vị tôn đức chọn nếp tu hành ẩn cư vô danh. Hầu hết quý Thầy và Sư Cô mà tôi đã được tiếp cận, vấn an đều coi những chuyện giáo hội, ủy ban, đơn vị tôn giáo do Nhà Nước chỉ đạo và tổ chức chẳng có chút tác dụng nào trong sinh hoạt tu trì chùa viện. Phong thái an nhiên tự tại của các bậc hành giả Phật giáo với bản tâm vô cầu đầy công hạnh hoàn toàn đối nghịch với một hình thức Phật giáo lăng xăng và vụ hình tướng, áo thụng vái nhau đầy những danh xưng danh vị trên các loa đài và báo mạng, báo giấy trong cái thế giới tâm linh vàng thau lẫn lộn nầy.

Hôm nay, nhân mùa Vu Lan “xá tội vong nhân”,  nếu có chăng một lời cầu nguyện chân thành của những con người còn sống sót sau bao nhiêu tai ách nạn khổ của chiến tranh thì lời cầu nguyện đó xin hướng về quê hương Việt Nam với ước mong dân giàu nước mạnh, hưởng được những phúc lợi vật chất và tinh thần xứng đáng với quyền sống làm người.

Riêng về trường hợp “Hội Nữ Tu” lên sân khấu ở huyện Bình Chánh, nói một cách công bằng thì không nên nghiêm khắc phê phán hay quy lỗi cho các ni cô hóa trang làm bộ đội lên sân khấu diễn tuồng. Giới tu sĩ trẻ, tu hành trong nếp sinh hoạt vui tươi và thanh thoát là khuynh hướng khá phổ biến của tôn giáo ứng dụng ngày nay. Quý ni cô chẳng có lỗi gì hơn là muốn làm vui đại chúng theo lệnh cấp trên. Trách nhiệm đưa sinh hoạt tôn giáo đi đúng hướng là thiên chức của hàng giáo phẩm và việc tôn trọng nếp tâm linh tôn giáo của một dân tộc là trách nhiệm của giới cầm quyền có lương tri và bản lĩnh lãnh đạo.

Ngày nay, hàng hóa mang nhãn hiệu “made in Việt Nam” và người Việt Nam từ hàng lãnh đạo, chuyên viên tới du khách, du sinh viên… đã tung vào lòng thế giới, nhất là ở Mỹ. Quốc doanh hóa trí tuệ và tôn giáo là con đường lãnh đạo đã quá lỗi thời và phản tác dụng trên mọi nẻo hướng về quốc kế, dân sinh cần phải thay đổi hay vứt bỏ. Ngày mai, ước mong đạo Phật Việt Nam không còn là một giáo hội quốc doanh hay tư doanh mà chỉ có một thực thể tinh thần truyền thống: Phật giáo Việt Nam.

                                                       

                                                   Sacramento, ngày Vu Lan PL. 2557 – 2013

                                                                           Trần Kiêm Đoàn

Bài viết liên quan