TẠP CHÍ VĂN HÓA PHẬT GIÁO

“Văn hóa Phật giáo” là một danh từ quá tổng quát, bao trùm nhiều khía cạnh và lãnh vực của Phật giáo. Nhưng nếu quá dính mắc vào sự chấp lớn, chấp nhỏ thì trong sinh hoạt xã hội, nghiệp vụ và tinh thần… sẽ chẳng có điều gì thực hiện thành tựu được.

Hơn thế nữa, trong sinh hoạt Phật giáo mà đặc biệt là về mặt tư tưởng và quán niệm, không có điều gì được xem là quá lớn và cũng chẳng có điều gì bị xem là quá nhỏ. Bởi vì nhỏ hay lớn chỉ là một ý niệm tương đối: “Có thì có tự mảy may, khi không cả thế gian này cũng không” (Đạo Hạnh thiền sư 1072-1127). Thế giới tương đối có cà thiên hà vũ trụ. Thế giới tuyệt đối biền biệt chân không!

Tạp chí VĂN HÓA PHẬT GIÁO ra đời sau năm 1975, đó là một thời điểm rất đặc biệt vì nó đòi hỏi quá nhiều điều tế nhị và nhạy cảm từ bên trong cũng như do bên ngoài để được tồn tại trong một xã hội mới như xã hội Việt Nam buổi giao thời.

Báo chí Phật giáo viết bằng chữ quốc ngữ La Tinh đã xuất hiện từ những năm 1930. Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tờ báo xuân đầu tiên ở nước ta là tờ Đông Pháp Thời báo ra đời năm Mậu Thìn, 1928. Báo chí, kinh sách Phật giáo dưới dạng Hán, Nôm đã có mặt cùng với lịch sử văn hóa dân tộc cả nghìn năm trước. Nhưng sách báo Phật giáo theo dạng chữ nghĩa La Tinh abc, xuất hiện tương đối muộn hơn. Đến năm 1937 trở đi mới có một số tờ báo chuyên biệt về Phật học như: Duy Tâm Phật học, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Bát Nhã Âm, Viên Âm, Hải Triều Âm, Chánh Đạo…

Sau năm 1975, báo chí Việt Nam trải qua một thời kỳ mới với tình trạng chính trị xã hội đặc biệt chưa bao giờ có trước đó. Những tờ báo được xem là hợp pháp khi có khuynh hướng “lề phải” nghĩa là được chính quyền cho phép về nội dung cũng như về hình thức. Ngược lại, những tờ báo không theo khuynh hướng này đều không có lý do và cơ hội tồn tại hay phát hành công khai. Những tờ báo tôn giáo cũng không có điều kiện pháp lý và thế lực hỗ trợ nào để tách ra khỏi tình trạng và thực tế sinh hoạt này.

Tạp chí VĂN HOÁ PHẬT GIÁO ra đời trong sự quan tâm chung của những người Phật tử về chất lượng và số phận lâu dài ở trong lòng xã hội mới. Người ta tiên liệu rằng, sẽ có hai khả năng xảy ra: một là, tờ báo sẽ trở thành cơ quan thông tin, vận động quần chúng thay cho mặt trận tổ quốc của Nhà Nước; khả năng thứ hai, là tờ báo sẽ trở thành một diễn đàn kinh điển, thuyết pháp, triết lý cao xa viễn mơ theo hướng văn chương bác học, tách rời khỏi xã hội và sinh hoạt của quần chúng Phật tử bình thường. Trong cả hai trường hợp cực đoan này, vai trò của tờ báo sẽ không còn tác dụng tích cực nữa là hậu quả đương nhiên.

Tuy nhiên, thực tế đầy khích lệ đã diễn ra cho đến hôm nay rằng, suốt hàng chục năm qua, tờ báo Văn hóa Phật giáo đã tiến bước nhịp nhàng đồng hành với Phật tử và đạo pháp trên con đường tu học và hoằng dương đạo Phật. Đường hướng xây dựng văn hóa Phật giáo của tạp chí nầy khế hợp với tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật, đáp ứng được nhu cầu tu học và tham khảo nghiên cứu Phật giáo cho đủ mọi tầng lớp của quần chúng tiếp cận với đạo Phật Việt Nam. Có thể nói rằng, tạp chí VHPG – qua hơn mười lăm năm với 272 số báo phát hành – đã xác định được thế đứng của một cơ quan truyền thống văn hóa Phật giáo đáng được tán thán trong môi trường truyền thông đại chúng nói chung và trong quá trình hoằng dương pháp Phật nói riêng. Giữ được thế độc lập trước “bát phong khổ nạn” đã khó, phát huy được phẩm chất tiếng nói cửa thiền cho đại chúng trước những cảnh đời “hoa sen trong biển lửa” lại càng khó hơn!

Phật Đản đang về. Xin gởi đến bạn đặc san Mừng Phật Đản năm nay (2561 <–> 2017) và cũng là giai phẩm số 272 của VĂN HÓA PHẬT GIÁO qua dạng PDF như một bông hoa minh họa cho đôi dòng khen tặng vườn hoa chữ nghĩa Phật giáo Việt Nam.

Nguyên Thọ TKĐ

Bài viết liên quan