THIÊN CHỨC NHÀ GIÁO

Riêng tặng thế hệ đàn em của tôi,

 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đại Học Sư Phạm Huế (1957-2007)

            – Thôi, quên đi bạn ta ơi! Thời nầy làm gì có thiên chức nhà giáo.  Nghe như chuyện đời xửa, đời xưa của mấy cụ đồ Nho không bằng.

            Đã có người phát biểu như thế khi tôi nói đến Thiên Chức Nhà Giáo của ngày xưa và bây giờ.  Người ta cho rằng, nghề dạy học là một nghề an nhàn, dễ dãi và nghèo nhất. Một câu nói, nửa đùa nửa thật có từ thế hệ đàn anh, trong việc chọn lựa ngành học nào  có “danh giá” — dĩ nhiên là kể cả khả năng kiếm tiền và địa vị xã hội cho một nghề tương lai — đã nói lên tâm lý đó: “Nhất y, nhì dược.  Tạm được bách khoa. Nông Lâm bỏ ra. Chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm!”

            Tại sao hình ảnh sư phạm lại mờ nhạt đến như thế?!

            Có lẽ tại nghề dạy học là một nghề tuy được kính trọng nhưng lại quá thanh bạch. Xã hội loài người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây khác nhau nhiều thứ; nhưng lại có một thứ rất giống nhau là sự vô tình ít quan tâm, nếu không nói là bạc đãi của xã hội đối với nhà giáo về mặt đãi ngộ vật chất. Dẫu là đức Khổng Phu Tử vạn thế sư biểu bên Đông hay Socrate, Aristote bên Tây cũng đều là những hàn sĩ cả nghìn năm trước; hoặc những giáo sư tại các đại học lừng lẫy thế giới như Sorbonne, Cambridge, Harvard…cả nghìn năm sau thì cũng đều nghèo kiết xác như nhau, nếu đem  so với những vị đồng môn, đồng thời hoạt động sinh sống trong các lĩnh vực ngoài nghề dạy học.

            Riêng tôi thì được cái hân hạnh đầy xót xa là sinh ra trong một thế hệ “nghề chọn ta, chứ chẳng phải ta chọn nghề”.  Thoạt nghe tưởng như chuyện đùa nhưng thời thế đã biến đùa thành thật.

            Chưa ai quên những năm 1960 ở Huế và khắp nước. Chiến tranh ác liệt, kinh tế ăn đong, xã hội bon chen… đã thúc bách tuổi trẻ chúng tôi đứng trước ngưỡng cửa đại học như đứng trên chiếc cầu phao mong manh trong cơn nước lũ.  Người tuổi trẻ phải bám đại vào bất cứ một ngành nghề nào ngay trước mắt khi có cơ hội. Riêng tôi, bước đầu vào đại học như đá bóng trên sân cỏ.  Tôi cũng mê làm “đốc-tờ Zhivago” nên cố chen chân vào y khoa Huế. Nhưng đang học giữa năm đầu dự bị y khoa thì ông anh cả tử trận nên phải đổi qua trường sư phạm để cho mau ra trường và có chút học bổng mà sống còn.  Tôi xuôi tay để hoàn cảnh đưa đẩy cho nghề chọn mình.  Bởi thế, với cái nhìn thoáng qua, tôi có cảm tưởng là mình chả có cái “thiên chức bẩm sinh” mơ hồ nào đó để ra sức phấn đấu trở thành một nhà giáo cả. Nhưng cuộc sống thực tế thăng trầm với nhiều thử thách lại giúp tôi khám phá ra cái thiên chức nhà giáo diệu kỳ ấy.

            Tháng 9 năm 1977, chỉ còn lại hai giáo sư miền Nam của trường Đồng Khánh Huế — phải nói là của cả Bình Trị Thiên — bị cho nghỉ dạy trong đợt “biên chế” (chính thức tuyển dụng) cuối cùng là anh Hồ Hữu Hạnh (giáo sư Anh Văn) và tôi.  Người học trò đuổi học bị khước từ tương lai; người thầy giáo đuổi dạy bị khước từ quá khứ.  Người mất tương lai còn có cơ hội làm lại tương lai, nhưng người mất quá khứ thì không thể làm được gì xa hơn là chỉ biết nếm trải những nỗi trăn trở và ưu tư trong hiện tại.

            Sau ngày nghỉ dạy, tôi tính về làng Liễu Hạ của tôi để làm ruộng, làm vườn. Nhưng từ lâu vốn quen cầm cục phấn trong tay hơn là cầm cái cuốc, cái cày nên đành ở nán lại thành phố Huế.  Những ngày đầu chao đảo và khó khăn đi tìm việc, phải chiến đấu với hoàn cảnh khá gian nan mới được vào lái xe Lam Huế – Bao Vinh.  Nhưng muốn được ra Vinh học bằng lái xe Lam thì phải là xã viên Hợp Tác Xã Xe Lam Huế.  Mà muốn được làm xã viên thì phải có bằng lái xe Lam.  Tôi được “đặc cách” lái xe Lam một thời gian ngắn để chờ thi bằng lái nhưng không có cửa nào mở ra để hoặc là được đi học thi bằng lái, hoặc là trở thành xã viên. Cuối cùng, tôi cũng chỉ được làm “xã viên dự bị” giúp việc lặt vặt trong hợp tác xã hay ngoài bến xe để chờ ngày được vào xã viên chính thức.

            Ra đứng bến Xe Lam chợ Đông Ba trong buổi giao thời tôi mới thấy dân nhà giáo mình không phải là “sĩ kiêm bách nghệ” như các cụ xưa thường hứng chí ca bài không có thực.  Phần đông anh em nhà giáo mất việc phải đi xe đạp thồ.  Ước mơ lớn nhất của họ thời bấy giờ chẳng phải là sự nghiệp kinh bang tế thế như cổ thư thường dạy trong trường mà làm sao có được một chiếc xe gắn máy để đỡ gồng mình đạp chiếc xe đạp bò ệt “tàn canh gió lạnh” lên những dốc Nam Giao, Bến Ngự… tình sử một thời!

            Sau đó, tôi lại được “nghề chọn người” thêm dăm ba lần gió bụi nữa mới thành một gã thương gia “nhớn” giữa thời đại mới như nhân vật cả ngố, tội tình, rất điển hình trong Les Temps Modernes của Charlie Chaplin.

            Bà xã tôi cũng là nữ sinh Đồng Khánh một thời.  Cặp uyên ương cựu Quốc Học -Đồng Khánh chúng tôi ban đầu chỉ mong kiếm một chỗ ở Chợ Trời để bán đồ sắt vụn sống qua ngày.  Không ngờ “đại Học Chợ Trời” dạy tôi ngành kinh doanh cao cấp máy móc đang là một nhu cầu nóng bỏng thời đại; mà cũng vừa khan hiếm nguồn cung cấp vật tư trầm trọng.  Sự tình cờ của số phận đã đưa chúng tôi vào nghề buôn bán phụ tùng máy cày, máy nước, máy ghe thuyền tại Chợ Trời Tây Lộc Huế.  Cái “nghề học lóm” buôn bán phụ tùng máy móc rất tình cờ đó lại chiếu mạng cực kỳ rực rỡ cho một gã “thương gia” gà mờ, một gã thầy giáo dạy văn chương hết thời ra đứng Chợ Trời như tôi.  Tôi nhớ làm sao cái anh chàng Rhett Butler trong truyện Gone With the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió) năm xưa khi anh ta tuyên bố, rằng là, người ta dễ làm giàu nhất là khi một chế độ mới đang lên hay giữa lúc suy tàn. Thật tình là đúng như thế.  Giữa cảnh kẻ ăn không hết người làm không ra, tiền bạc giữa chợ trời trong làng chạy mánh, làm ăn buôn bán máy cày, máy nước, máy tàu… ở buổi giao thời sao mà bay phất phới như bụi phấn trên bục giảng thế nầy. Thuở đó, lương hàng tháng của một giáo sư trung học đệ nhị cấp (giáo viên cấp 3) dạy ở trường Đồng Khánh Huế như tôi là 85 đồng tiền mới.  Trong khi đó, buôn bán máy móc ở Chợ Trời, gặp ngày mua may bán đắt “trúng mánh”, chúng tôi kiếm được cả 10 nghìn đồng tiền mới là chuyện bình thường.  Bấm ngón tay tính “rợ” sơ sơ tôi cũng hiểu được là một ngày buôn bán như thế tôi kiếm tiền bằng đồng lương đi dạy trong… mười năm!

            Ôi! Vậy mà sớm sớm, chiều chiều tôi vẫn ngồi trơ vơ nơi quán chợ; vẫn bâng khuâng nhìn từng đoàn học trò đi học hay bãi về mà rơm rớm nước mắt!

            Bụi phấn đã bám vào đời tôi như một tình yêu không lối thoát.  Có thể như thế được sao?  Với cuộc sống bon chen mà đồng tiền là tiên, là thánh trước mắt sao tôi vẫn quay lui; vẫn ngoái nhìn xa ngái cái sân trường áo trắng, cái tường vôi tím hồng, cái bục giảng uy nghiêm, cái lớp học với cả trăm đôi mắt sáng ngời trong mưa bão của thời đại.  Tôi là một tay buôn bán triệu phú trên đồng tiền, nhưng vẫn nghèo kiết xác, vẫn trắng tay  với giấc mơ một đời hay với niềm vinh quang đầy hoang tưởng:  Thiên chức nhà giáo!  Có chăng một “thiên chức nhà giáo” trong anh, trong chị, trong tôi, trong em… khi đã một lần đứng trên bục giảng?  Dẫu là bất hạnh hay tuyệt vời, tôi tin là có.

            Dù cho trang sách đời tôi đã lật qua hay vẫn còn hé mở, bụi phấn không còn bay trên tóc nhưng vẫn mãi mãi lắng xuống lòng tôi.  Suốt những năm tôi đã xa trường, đã làm giàu dễ dàng trên vùng đất khó, ngỡ như đã quên thế giới học trò, bảng đen và phấn trắng.  Thời thế đã biến tôi và nhà tôi thành một cặp buôn bán phụ tùng máy móc có thuế doanh thu cao nhất chợ Trời Tây Lộc thời bấy giờ và có cả một mạng lưới khách hàng từ Cửa Việt, dọc vùng duyên hải đến Túy Vân, Lăng Cô.  Nhưng tôi phải trốn khỏi Huế, trốn khỏi cái quá khứ làm thầy của mình.  Tôi sợ và cảm thấy xót xa, có lúc chợt buồn đến đau nhói khi trong đám người mới gặp đâu đó bỗng có kẻ chào hỏi: “Thưa thầy!”  Vâng, tôi là anh đấu thầu máy móc, kiếm bạc triệu trong cơn mưa nguồn thời thế, nhưng tôi đã có một thời làm thầy giáo.

            Quái lạ!  Tôi có thể dùng ngôn ngữ Chợ Trời của tôi để tự mắng mình: ” Thầy giáo là cái ‘thá’ gì mà ‘khứa’ kết nó dữ zậy, hả?!”  Rồi tôi tự trả lời: “Dạ thưa, thầy giáo không là gì cả mà chỉ là nếp nghĩ bình yên của tri thức truyền đạt; nếp sống giản đơn và thanh thản bên cạnh tuổi trẻ học trò.”   Tôi không tự hào với đống tiền tôi làm ra mà lại tự hào mình có một thời là thầy giáo. Quá khứ của tôi là thế đó.  Một quá khứ sống đời thầy giáo thanh bần, buổi sáng phải ăn một chén cháo gạo hay tô cơm hến nhỏ để có sức lên lớp.  Một tô bún bò thơm phức cho buổi điểm tâm thường nhật, vẫn còn là tiêu chuẩn ước mơ.  Tôi ôm nếp đời đơn sơ, đạm bạc của người làm nghề dạy học như một ẩn sĩ trầm tư trong thảo am mà đi.

            Chỉ khi xa rồi người ta mới nhận ra chặng đường mình đã đi qua, những mảnh đời mình đã sống dù có gai góc đến độ nào thì vẫn còn nhiều kỷ niệm êm đềm để thao thức nhớ về.  Khi xa bục giảng trên quê hương hay vẫn còn đứng trên bục giảng ở quê người, tôi lại nhớ miên man về những ngày học ở trường Đại học Sư phạm Huế… Khóa Phan Châu Trinh 1967 – 1970.

*

*    *

            Năm 1966, tôi vào năm dự bị của đại học văn khoa Huế.  Đây là thời điểm nóng bỏng nhất của cao trào sinh viên tranh đấu Huế và các thành thị miền Nam.  Sự phê phán — dẫu là què quặt, gà mờ hay chân xác, nghiêm túc — cũng xin dành cho lịch sử.  Người cựu sinh viên đương thời như tôi có riêng những cảm xúc.  Từ trong bản chất, cảm xúc tự nó đã là một hiện trạng chủ quan.  Nó có thể rất công bằng và đầy ưu ái với người nầy; nhưng cũng có thể bất công và đầy dị ứng với người kia. Tại Huế, những cuộc xuống đường, tuyệt thực, bãi khóa, đình công xẩy ra hàng ngày trên hai con đường dọc theo hai bên bờ sông Hương là đường chợ Đông Ba Trần Hưng Đạo và đường Áo Trắng Lê Lợi.

            Đại học Huế thời nầy gồm 5 phân khoa: Luật khoa, y khoa, văn khoa, khoa học và sư phạm.  Trong những cuộc biểu tình xuống đường, sinh viên mỗi phân khoa biểu hiện một cách khác nhau cái bản chất rất thực của phân khoa mình.  Y khoa, gồm những ông bà bác sĩ tương lai lè kè ống mạch, sắp hái tiền như pháo nổ đến nơi thì e dè và thận trọng.  Con nhà lý sự luật khoa thì ưa đặt vấn đề nhưng lại không chịu giải quyết vấn đề cho rốt ráo; nghĩa là có rất nhiều chàng và nàng luật khoa xuống đường xuống phố như cỡi ngựa xem hoa. Dân văn khoa thì nhìn đâu cũng thấy thơ và nhạc nên ưa ca hát vang đường thay cho khẩu hiệu đả đảo, hoan hô.  Sinh viên khoa học thì toàn cả Einstein và Newton tương lai nên rất ưa dùng công thức; nhưng có lẽ vì “công” không bằng “thức” nên những đêm không ngủ thường diễn ra trên sân trường khoa học.  Riêng những kỹ sư tâm hồn tương lai của sư phạm thì rất có duyên nợ với trụ sở Tổng hội Vinh viên Huế và hàng cà phê chị Lợi; nên thường đóng vai “thầy đời” làm báo chí, bích chương biểu ngữ rộn ràng hơn đâu hết.

            Sau một năm “học đường” (phố) song song với học trường; “học giả” song song  với học thiệt tôi bước qua ngưỡng cửa dự bị văn khoa và thi vào sư phạm. Tôi thú vị thấy tên mình đứng đầu danh sách mới toanh của 12 nàng và chàng vừa trúng tuyển vào ban Việt Hán mà tôi chưa quen biết ai cả.

            Đến ngày đầu gặp nhau trong lớp học, điểm danh mới biết tên, biết mặt nhau.  Có đủ “ngũ long công chúa” là 5 nàng:  Nguyễn thị Giới, Nguyễn thị Tròn, Nguyễn thị Diệp, Võ thị Cẩm Tú, Phương Chi.  Và  “thất hiền” (nói rằng, năm nàng nửa quê nửa tỉnh và bảy chú nhà quê toàn ròn thì đúng hơn), đó là 7 chàng: Trần Hoài, Ngô Văn Ban, Trần Đăng Tường, Đỗ Trọng Hồi, Lê Đình Lộng Chương, Hoàng Thạch Tú và Trần Kiêm Đoàn tôi.  Sau một thời gian đủ để “ở gần chùa gọi Bụt bằng anh” thì các nàng và các chàng đều được ủy ban đùa nghịch trong lớp do Trần Đăng Tường làm đầu nậu và tôi làm trợ lý đắc lực, cứ tà tà cúng mụ đổi tên; bất chấp các chàng nhăn răng cười hì hì và các nàng chu môi la ơi ới.  Đại khái rằng, sau giai đoạn đổi tên lịch sử ấy thì quý cô nương có tên Tròn bị đổi ra thành tên… Méo.  Nàng Diệp thành ra nàng Dẹp.  Nàng Giới biến thành nàng Giái.  Nàng Cẩm Tú thành Tú Rè… Các chàng thì tệ hơn, có Nùng Xửng (Hồi),  Tường Rọm, Đoàn Quá Quắt, Tú Xờm, Hoài Cò Hương, Chương Lật Đật… Toàn những mỹ danh không thấy trong Tuyết Hồng Lệ Sử, Hán Sở Tranh Hùng nhưng có mãi trong tâm tư của những cô, thầy của một thời bạn bè ngày xưa thân ái.

            Tới gần bốn chục năm sau, tôi vẫn còn thắc mắc tại sao một lớp có truyền thống ướt át như lớp văn chương của chúng tôi mà lại bị hạn hán khô khan trầm trọng đến thế. Nghĩa là các chàng và các nàng ngày ngày gặp nhau đùa nghịch như giặc dậy suốt ba năm mà chẳng có ai “ưng” ai làm thuốc cả.  Hình như cả thảy năm giai nhân và bảy tài tử lớp sư phạm Việt Hán của chúng tôi đều là những giáo sinh đứng đắn như dãy cột điện ngoài phố.  Chẳng có cặp nào bắt trúng tần số ân tình của nhau để…thành đôi thành đũa hết.  Trần Đăng Tường và tôi thường thắc mắc một cách chính đáng, rằng là, phải chăng bởi vì chưa có nàng nào biểu hiện nết na “tiết hạnh khả… nghi” và cũng chẳng có chàng nào mang tinh thần “tam cương… thất thường” cả nên mới ra nông nỗi nhạt tình đến thế.  Hay có thể là vì cái hồn sông núi của ban Việt Hán rất nặng phong thái đồ Nho của cụ Nguyễn Đình Chiểu… khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai… nên đã chờ suốt ba năm mà suối tình vẫn không chịu khơi nguồn? Và, thôi muộn rồi!  Đến cuối năm 1970 thì chúng tôi tốt nghiệp, chia tay nhau, khăn gói lên đường đi nhận nhiệm sở tại các trường trung học nằm rải rác trải dài  từ Khánh Hòa đến Quảng Trị.  Tất cả đều vẫy tay chào hớn hở mà chẳng có một hình bóng nào rấm rức lúc chia xa. Mãi cho đến nay, sau gần 40 năm từ dạo chia tay… thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long, chúng tôi đã thành ông bà nội, ông bà ngoại cả rồi mà vẫn chưa có một lần hội ngộ.

            Nhớ lại, hầu như các lớp đại học sư phạm Huế thời tôi học có một lịch sử tuyển lựa giáo sinh khá lạ lùng.  Nhu cầu giáo sư của các trường trung học khắp cả miền Nam còn thiếu rất nhiều.  Số sinh viên ghi danh thi vào đại học sư phạm cũng không ít, thế mà sĩ số sinh viên được tuyển vào các lớp lại lèo tèo, lơ thơ đến mức ngạc nhiên.  Như suốt ba năm đào tạo, các lớp sư phạm Sử Địa, Pháp Văn trong toàn khóa chỉ có hai sinh viên trong mỗi lớp.  Nhưng có lẽ vì lớp ít người như thế nên nếp sinh hoạt của thầy trò và bằng hữu trong lớp gần gũi và thân mật như tình gia đình.

            Trường Đại Học Sư Phạm Huế tọa lạc trên một vị trí đẹp nhất, nhì của Huế.  Đó là một tòa cao ốc kiến trúc và trang bị theo mẫu mực tân kỳ của phương Tây vào thời kỳ nửa sau của thế kỷ 20. Trường cùng nằm một phía với Mô Ranh gần chân cầu Trường Tiền, quay mặt ra phía sông Hương.  Xem ra, có đủ vị trí “tả thanh long, hữu bạch hổ” đầy ưu thế của khoa phong thủy cổ điển.  Sinh viên sư phạm được gửi qua học toàn thời gian ở văn khoa hay khoa học.  Chỉ những môn chuyên đề về phương pháp dạy học là học tại trường sư phạm mà thôi.

            Sinh viên chúng tôi đối với các Thầy, Cô — kể cả người Việt hay người ngoại quốc — trong suốt ba năm học rất tương kính, mà cũng rất gần gũi, thương quý nhau vì hiểu rõ hoàn cảnh của nhau trong một hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đang diễn ra hàng ngày quanh Huế.

            Thầy Đoàn Khoách, vị giáo sư dạy môn văn chương cổ điển Việt Nam và phương pháp sư phạm trong suốt ba năm, là người gần gũi với sinh viên chúng tôi như người anh cả. Thầy Khoách lúc nào cũng nhẹ nhàng, nghiêm cẩn trong mỗi nét cười, lời nói.  Hèn chi thầy đỗ thủ khoa sư phạm khóa tiền phong là phải đạo lắm lắm. Linh mục Nguyễn Văn Thích là kho vui vô tận của chúng tôi.  Cha dạy môn Hán Văn nhưng hình như bao giờ cũng ôm cuốn Trung Dung bên cạnh.  Sinh viên nào mà dám cãi bướng, nói khác với  “Thành giả, thiên chi đạo dã… ” của tinh thần Trung Dung là sẽ được nghe Cha giảng mô-ran tới nơi tới chốn.  Cha thường xuyên cất giọng nước trà ca những bài ca Huế theo điệu Nam Bình như “sông Hương đẹp biết bao…” rất hoạt kê nhưng cũng đầy cảm động.  Cụ Nghè Hoàng dạy môn chữ Nôm có bản tính xuề xòa, nhân hậu với sinh viên như những người bạn vong niên.  Thầy Nguyễn Văn Dương thì lúc nào cũng ưu tư về dịch giả Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn là Phan Huy Ích chứ không phải là Đoàn Thị Điểm.   Những vị giáo sư chỉ dạy một vài lớp ở đại học sư phạm, nhưng đồng thời lại là hàng chức sắc cao cấp trong các cơ quan khác như thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Lê Hữu Khải, linh mục Nguyễn Tiến Huynh… thỉnh thoảng bận công tác bất thường nên chúng tôi có những giờ được nghỉ học bất ngờ và lý thú để rủ nhau hưởng nhàn.  Làm sao nhắc hết được những kỷ niệm — phần lớn là êm đềm — về quan hệ Thầy Trò đầy tình nghĩa trong ngôi trường Đại học Sư Phạm Huế mà chúng tôi coi như một đại gia đình.

            Huế, vùng đất vốn đầy phong ba về thời cuộc, đã gánh nhiều chao đảo nhất trong dòng lịch sử cận đại mà thời gian trong những năm sáu mươi của chúng tôi  ở trường sư phạm là đỉnh điểm.  Khi cái lý của sức mạnh, dẫu cho là sức mạnh quân sự hay chính trị, làm chủ tể một xã hội đang chao đảo thì giáo dục sẽ là vùng đất di dưỡng cuối cùng cho niềm tin và hy vọng vào tương lai.  Chúng tôi ở trong vùng đất đó từ khi còn ở trường và lúc ra đi…

*

*  *

            Tôi mang hình ảnh trường Sư Phạm mà đi.  Đì Đông, đi Tây, đi quanh trên quê hương mình; rồi lọt tọt đi qua tới Mỹ.  Hoàn cảnh thay đổi như chong chóng nên tôi làm nghề dạy học cũng như người đi chân cà khêu, chưa có khi nào được đứng chắc một chỗ lâu dài.  Tôi đã trải qua những tháng ngày gian nan thật nhiều và êm đềm cũng lắm trong hàng chục trường trung học và đại học ở quê mình và quê người mà tôi đã dạy.  Chút suy niệm riêng mình mà tôi thấy được là dù trong hoàn cảnh khốn khổ nhất, người thầy giáo vẫn tìm lại được chính mình giữa bụi đời và bụi phấn.

            Năm 1982, từ Huế (bãi ngang Hải Nhuận) gia đình tôi cùng với mấy gia đình khác vượt biển Đông vào một buổi khuya bằng ghe nan (ghe đan bằng tre) có gắn máy đuôi tôm Yanmar F.10.  Gió mùa Đông Bắc cấp 6 với những đụn sóng to gần bằng nửa cái nhà đưa chiếc thuyền tre khi cỡi đầu ngọn sóng, khi lọt xuống chân sóng bềnh bồng khủng khiếp.  Nỗi kinh hoàng chỉ có ba người trong ghe không bị say sóng như tôi chứng kiến.  Hai mươi người còn lại say sóng mửa cho đến mật xanh mật vàng và nằm dưới khoang thuyền như những cái xác chỉ còn tiếng rên và hơi thở.  Rời đất liền, thẳng hướng Đông Bắc, bóng dáng  dãy Trường Sơn xanh thẩm là  hình ảnh cuối cùng của quê hương tôi được thấy trước khi thuyền ra hẳn ngoài khơi giữa đêm khuya về sáng.  Chung quanh chỉ còn là đường chân trời của không gian và mặt nước gặp nhau. Chiếc ghe mành xả hết tốc lực chạy suốt một đêm một ngày thì tới đảo Hải Nam. Từ đó, men theo bờ biển Trung Hoa, đến Ma Cao và sang Hồng Kông.  Suốt 12 ngày đêm dãi dầu nắng gió, tôi đến Hồng Kông sau ngày 20 tháng 7 năm 1982.  Đây là thời điểm các trại đón người vượt biển tại Hồng Kông đóng cửa. Những người đến Hồng Kông sau thời điểm nầy đều bị nhốt vào Trại Cấm (Closed Camp) với qui chế trại tù rất nghiêm ngặt:  Mỗi ngày điểm danh 3 lần.  Ăn theo lối tập thể, giới hạn mỗi người một dĩa cơm. Giường ván ép 3 tầng đặt sát nhau mới đủ chứa mấy trăm người trong một cái phòng dài có cửa sắt song to bằng cườm tay khóa chặt từ bên ngoài.

            Ngày thứ hai vào trại cấm đảo Chimawan, tôi gặp một nhà hoạt động từ thiện Tin lành người Mỹ là ông Sheldon Crutchfield.  Tôi đang nôn nóng tìm cách để gửi một điện tín về Việt Nam báo tin chúng tôi đã đến Hồng Kông cho mẹ tôi đang thấp thỏm chờ tin.  Nhà xã hội Tin Lành nầy đồng ý giúp gửi điện tín nếu tôi chịu dạy lớp Anh Văn mà ông ta đang mở ra ở trại nhưng chưa có thầy giáo.  Từ khi ra trường Sư Phạm, tuy xuất thân là dân Việt Hán nhưng lại có “nghề mọn riêng tay” về tiếng Anh, lại gặp thời buổi nhu cầu giáo sư thiếu, tôi phải dạy môn Anh Văn nhiều giờ hơn Quốc văn.  Qua đất Hồng Kông, xứ thuộc địa Ăng Lê, nên tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thông dụng.  Khỏi cần tốn thì giờ thương thuyết vì đây là lớp học miễn phí, nên cả hai bên bằng lòng dễ dàng.  Hôm sau tôi lên lớp.  Suốt đêm trằn trọc không ngủ được khi nghĩ đến giây phút mình được lên lớp dạy học trở lại sau những năm dài xa trường… gần bụi đời mà xa bụi phấn.

            Khi sắp bước vào lớp tôi mới ngẩn người ra vì khám phá mình chỉ có độc nhất chiếc quần đùi “xà lỏn” che thân.  Trên đường chống chèo từng phút với nắng gió, biển trời, chiếc áo sơ mi duy nhất liên tục tẩm nước muối và khô lớp nầy qua lớp khác đã trở thành một lớp vải dày và cứng như mo cau.  Chiếc áo cứa vào da thịt đã bị lở loét vì cháy nắng nhức nhối chịu không nổi nên phải vứt đi.  Chiếc quần đùi là vật “gia bảo” duy nhất còn lại trên mình cũng đồng lõa hành hạ những mảnh thịt đã bị bóc da, nhưng không lẽ lại quăng đi để làm người… tiền sử!

            Nhìn quanh anh em đa số cũng ở trần, mặc quần đùi như mình nên tôi hơi yên tâm.  Lớp học là phòng ăn rộng lớn tạm mượn làm phòng học.  Học trò lớp Anh Văn nhốn nháo đủ mọi lứa tuổi.  Tôi xúc động tiến lên cái bảng xanh ba chân có mấy viên phấn màu để sẵn.  Tôi cầm nửa viên phấn nhỏ bằng cả hai tay, áp vào ngực trần của mình.  Tôi cố sức trấn áp cơn nghèn nghẹn ở cổ chực trào lên.  Thế nhưng nước mắt vẫn giọt xuống.  Tôi không ngăn được nỗi xúc động khi cầm lại viên phấn làm thầy giáo ở quê người.  Tôi bị khước từ làm thầy giáo ở quê hương mình chỉ vì trót sinh ra trong gọng kềm của lịch sử.  Gió bão thời đại vô tình cuốn phăng, bất chấp là dân nhà giáo chúng tôi có ai đã từng đứng bên nầy hay bên kia dãi Pyrénée – sai lầm và chân lý – hay không!

            “Từ buổi ở trần lên bục giảng” đó cho đến 25 năm sau ở quê người, tôi vẫn còn ít nhiều duyên nợ với nghề dạy học.  Đối với người thầy giáo yêu nghề, giảng bài cũng là một cuộc dấn thân trình diễn với cảm xúc của người nghệ sĩ.  Nhưng ở quê người, không được dùng tiếng mẹ đẻ, niềm đam mê và sự thống khoái của “cảm hứng nghệ thuật” giảng dạy trở thành mờ nhạt.  Tôi xa tôi vì phải đem sở đoản làm sở trường; đem tiếng “họ” làm phương tiện giảng bài cho sinh viên thay vì được nói tiếng “mình”.  Tôi nói tiếng Việt bằng nỗi cảm xúc của trái tim và nói tiếng Anh bằng khả năng chất xám. Như thế, khi giảng bài tôi đã mất một nửa vốn liếng tinh hoa của tín hiệu trái tim nhà giáo mà trường Đại Học Sư Phạm Huế của tôi đã đào tạo ngày xưa.  Một nửa linh hồn là kiến thức và tư tưởng; còn nửa kia là tiếng Việt tôi yêu.  Tiếng Việt trong tôi vẫn lẩn quẩn đâu đây nhưng mà xa khuất như bụi phấn ở quê nhà. Viên phấn xứ người thanh nhẹ và sạch sẽ quá.  Thế nhưng tôi vẫn yêu cái cảm giác sù sì, ấm áp, mềm mại của viên phấn trên quê hương mình.  Càng ngày, phương tiện đời mới trong lớp học như Projector, Power Point càng làm mất đi cái hồn bụi phấn.  Nhưng không sao, hồn phách những đàn chim bạc cánh vẫn vương mang cảnh đồng nội “đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên!”  Bụi phấn ngày xưa ấy đã bám thành mầu tóc của thế hệ chúng tôi.

              Ba mươi bảy năm sau ngày tốt nghiệp, tôi vẫn còn duyên nợ với bục giảng.  Nếu có những thầy cô giáo thế hệ đàn em hỏi tôi tại sao tôi yêu nghề dạy học, tôi sẽ không ngần ngại trả lời một cách chân thiết rằng: ” Các em ơi! Dạy học không phải chỉ là một nghề mà còn là một niềm vui, một nỗi tự hào, một công việc trực tiếp đào tạo thế hệ tương lai nên cũng thiêng liêng gần như thiên chức.”  Hay nói cho thật vuông tròn:  Thiên Chức Nhà Giáo, một Thiên chức chỉ được cân đo chính xác bằng những tiêu chí của tâm hồn; không bằng vật chất, hình tướng hay danh vị.

            Người xưa vẫn quan niệm rằng, “giáo là dưỡng”. Dạy học là con đường trung đạo để di dưỡng thế hệ tương lai mặc cho những đổi thay của thế cuộc.  Cho nên, đầu tư vào giáo dục không bao giờ lỗ lã.  Nghề thầy giáo thanh bần thật, nhưng chỉ cần nhìn lại 50 năm của lịch sử trường Đại Học Sư Phạm Huế với nhiều thế hệ giáo sinh đã ra trường; đã vào đời để trực tiếp đào tạo học trò và con em, sẽ thấy được kết quả đáng trân trọng biết chừng nào.

            Mặc dầu thầy trò cùng hứng chịu những hệ quả trực tiếp của lịch sử đất nước đầy bão liệt, đổi thay nhưng hầu như tất cả đều tới đích.  Điểm đích của trường sư phạm là di dưỡng và đào tạo con người theo hướng khai phóng và nhân bản. Đấy là con người mang những phẩm chất mẫu mực, cội rể của quan hệ nhân sinh như: Trí tuệ – Lành Mạnh – Khiêm Cung và Nhân Ái.  Có định hướng để khỏi lạc đường.  Giữ gìn phẩm chất để sống như một người thầy giáo hiểu rõ thiên chức; một trách nhiệm vô hình đã về và đang tới.

Trần Kiêm Đoàn

Sacramento, giữa Xuân 2007

Bài viết liên quan