THIỀN KIỂNG

Người đứng ngoài nhìn vào, đó là một khu rừng nhỏ. Nét xa xăm và cô tịch của dáng rừng tạo nên do những cành cổ mộc mọc rải rác trên đá và trãi dài trên những lối đi. Nhìn rừng cây, người ta dễ liên tưởng đến một ông tiên trên núi đi lạc về đồng bằng. Mỗi gốc cây là một dáng xưa cổ tùng hoang dã. Mỗi phiến đá như còn in dấu vết rêu phong sương tuyết của rừng sâu.
Hoa kiểng là một thú chơi tao nhã, giàu tính nghệ thuật. Thế giới trùng điệp của núi rừng thiên nhiên bạt ngàn được chắt lọc kỹ càng, mang về tô điểm cho khung cảnh nhỏ riêng tư. Núi đồi, khe suối, sông hồ hùng vĩ được thu nhỏ lại thành một thế giới tượng trưng trong một giới hạn nào đó gọi là giả sơn, hay là non bộ. Một hòn giả sơn có thể lớn như khu vườn hay bé bằng nắm tay.
Tâm An đã cho thợ xây mô phỏng theo bức vẽ về một ngọn giả sơn đã được dựng lên từ cả nghìn năm trước. Đó là hòn núi giả lớn nhất trong lịch sử cây cảnh Việt Nam tên “Vạn tuế Sơn” của Lý Thái Tông được chế tác năm Mậu Thìn, 1028. Theo sử sách ghi lại, ngọn giả sơn ấy có kích thước cao hàng chục, dài hàng trăm thước.
Theo Tâm An thì trong chòm họ hàng cây cảnh phương Đông, Trung Hoa là xứ có lịch sử chơi hoa kiểng sớm nhất. Tiếng Tàu gọi cây kiểng là “bồn tài” có nghĩa là cây trồng trong khay, trong chậu. Nguồn gốc xa xưa của “bồn tài” là đầu óc giàu tưởng tượng và bàn tay trồng tỉa khéo léo của giới cây kiểng. Họ đã uốn nắn, cắt xén, tạo hình cây trồng trong chậu thành hình con rồng lượn, con rắn cuốn, con voi nằm, con ngựa phi, con hạc chầu, con công múa. Đến khi khuynh hướng tự nhiên có chỗ dựa tri thức của Đạo học và tinh thần thoát tục của Thiền tông thì khuynh hướng tạo hình của cây kiểng cũng chuyển hướng. Thiền hướng con người trở về với thế giới nhỏ trong cái tâm an lạc của chính mình. Nhà tạo hình cây kiểng cũng muốn mô phỏng những cây đại thụ có cành lá rườm rà tỏa chiết cả một vùng thu nhỏ lại như thu nhỏ một vầng trăng trong đáy mắt.
Kiểng Tàu theo chân các thiền sư Trung Hoa và Nhật du nhập vào xứ Phù Tang trong thời đại Kamakura, cuối thế kỷ 12 nhưng mãi đến năm thế kỷ sau thì nghệ thuật cây cảnh mới trở thành một phần văn hóa của xứ nầy. Cùng một khái niệm “bồn tài” của Tàu, nghệ thuật trồng cây kiểng trong chậu thành “bon sai” của Nhật. Thiền đạo kết hợp với tinh thần võ sĩ đạo của Nhật, nghệ thuật bonsai của Nhật không nhìn cây cảnh qua hoa lá mà nhìn mỗi chậu kiểng như là một tác phẩm nghệ thuật mang tính trầm tư và giải thoát đầy thiền vị. Nhà nghệ sĩ bonsai cũng như nhà điêu khắc hay hội họa, họ tái tạo thiên nhiên, diễn đạt chí hướng, tâm tư và tình cảm của mình bằng chất liệu cây thật. Thiền sư Gukaido của Nhật nhận xét rằng, nghệ sĩ bonsai mới nhập môn thì nhìn cây lá bằng Mắt. Lên một cấp cao hơn nữa thì nhìn bằng khuynh hướng của Ý Thức và “thấm” hơn thì nhìn bằng Tâm và cao hơn hết là nhìn bằng Đạo.
Cây kiểng Trung Hoa thường đi với đá hay tượng, tháp, chùa chiền trang trí kèm với cây. Cây kiểng Trung Hoa là ảnh để ngắm, từ ngoàì nhìn vào. Nhưng bonsai là sự thể hiện của cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo ra một thế giới tĩnh lặng cổ sơ, một sự trang trọng của rừng già không vướng bận. Mỗi cây bonsai đúng nghĩa tự nó có một linh hồn, không cần phải dựa vào tượng đài hay điển tích để định nghĩa cho mình. Dù xuất hiện dưới dáng mọc thẳng hiên ngang, dáng nghiêng theo chiều gió, dáng cheo leo bên sườn non, dáng liễu rủ mai gầy, dáng trơ vơ băng tuyết, dáng cô độc kiêu xa… thì triết lý bonsai vẫn bàng bạc phẩm cách trung chính của người quân tử trong Nho giáo và trong tinh thần võ sĩ đạo. Cây kiểng bao giờ cũng ở thế tĩnh lặng giữa đời, không bao giờ chồm về phía trước hay cành vươn ra như muốn ôm choàng lấy người xem.
Khi nghệ thuật cây kiểng phát triển về miền Hoa Nam, nắng ấm và sự xuề xòa cởi mở của thiên nhiên và con người miền Nam góp phần vào nghệ thuật tạo hình cây cảnh. Nếu cây cảnh miền Hoa Bắc diễn tả hết vẻ đẹp chấm phá của mây khói và sương tuyết thì cây cảnh miền Hoa Nam diễn tả sức sống vừa gần gũi với khái niệm đời thường; nhưng cũng đầy vẻ cổ kính và trang đài của tạo vật.
Nghệ thuật cây cảnh miền Hoa Nam du nhập vào Việt Nam rất sớm. Giới nghệ nhân cây cảnh xứ Việt không thoát ly dòng lịch sử và thực tại của giang sơn đất nước mình. Như được un đúc từ tâm lý chống đỡ truyền đời sự xâm thực của những nguồn văn hóa ngoại lai và sự xâm lăng của những thế lực phương xa tràn tới, cây kiểng Việt Nam vô hình chung mang dáng vẻ chống đỡ nhiều hơn là chấm phá và thoát ly. Những khuynh hướng tạo hình cây cảnh phổ biến và được ưa chuộng là “Lấy nạng chống trời” (Độc trụ kình thiên), Ba cây chụm lại thành hòn núi cao, Hòn vọng phu, Thác đổ, Bố con lên đường (Phụ tử đăng trình)…
Mãn Nguyệt Am – nhà nhỏ đầy trăng – là tên mà Tâm An tự đặt cho cái nhà nhỏ ở góc vườn cây cảnh phía Đông vừa mới hoàn thành. Nghe tên, Phạm Xảo cười ngất và hỏi:
– Gặp đêm ba mươi không trăng sao thì gọi là gì?
Tâm An cười theo, thêm vào:
– Ơ! Thì gọi là U Minh Cốc!
Phạm Xảo vỗ tay khóai trá:
– Ba mươi trời tối: U Minh Cốc
Giữa tháng trăng đầy: Mãn Nguyệt Am.
Đến lượt Tâm An nắm tay Phạm Xảo cười hề hề nhưng không dấu được nỗi xúc động tình cờ:
– Hai câu, hai ý, hai tên đối nhau chan chát. Hay quá là hay, huynh tướng công ạ. Cái nhà như lòng người: Vui buồn, sáng tối, gần xa, ấm lạnh… đều xuất phát ra từ một cõi chung.
Cái tên Mãn Nguyệt Am dành cho ngôi nhà không phải phát xuất từ ngẫu hứng mà từ hiện thực.
Với sở trường kinh doanh nghệ thuật cây cảnh dày dạn, Tâm An đã sưu tầm được những loại cây kiểng quý hiếm cùng lúc với việc dựng nhà chỉ trong vòng một tháng. Cái nhà thật ra chỉ là những khung thủy tinh màu hay trong suốt được sản xuất và đóng khung tại Phường Đúc. Tâm An nắm vững được kỹ thuật chế tạo và pha màu thủy tinh của ngành đúc kim loại và nghề gốm quanh Thành Lồi, Phường Đúc nên có khả năng hoàn toàn chủ động sản xuất những tấm thủy tinh có độ dày và màu sắc theo ý muốn.
Chủ ý của Tâm An là dựng một thiền thất theo kiểu “vô môn quan”, nhà mà chẳng có nhà. Tường và mái của thiền thất là những mảnh thủy tinh có màu sắc chìm lẫn trong cây cỏ. Có chỗ trong suốt để nhìn ra cây cảnh thiên nhiên rủ bóng quanh nhà. Bước vào thiền thất, khách thoạt nhìn sẽ không có cảm giác là mình đang bước vào nội thất mà thấy mình đang bước vào một thế giới nhỏ. Những chậu kiểng được thiết trí theo lối phát triển tự nhiên. Có chậu xếp sâu bên trong, có chậu rủ lá bên ngoài. Những cây cổ mộc lâu năm, do những nghệ nhân kỳ lão trực tiếp tự tay uốn tỉa tài tình theo đủ mọi khuynh hướng cây cảnh. Những hàng cây lớn bé được xếp đặt một cách khéo léo và tự nhiên rất gần với khu rừng đại lão. Cây kiểng tạo ra một thế giới cổ kính. Một thế giới nhỏ nhắn về kích thước nhưng trãi dài, mở rộng trong tầm nhìn và sâu lắng trong cảm xúc.
Đêm nguyên tiêu, trăng đẹp như muốn mở cửa trút hết ánh sáng xuống tràn mặt đất. Bốn người trong ngôi nhà có thể nghe được cả tiếng thở của người kia nhưng khó thấy nét mặt của nhau. Cây kiểng lọc trăng thành một rừng hoa với điểm sáng chen bóng lá che khuất mặt người. Thầy Tiều nhận xét:
– Trăng đẹp quá và kiến trúc ngôi nhà khéo quá. Nhưng để làm gì với ngôi nhà này?
Hơi chững lại trước câu hỏi gần như vô tâm của thầy Tiều, Tâm An cố giải thích nhưng không tin lời nói mình sẽ có một tác dụng nào khá hơn:
– Thì nhà thiền là để tu thiền chứ để làm gì nữa đâu, thưa thầy.
Chẳng nhìn quanh ngôi nhà mới, mắt thầy Tiều hướng về một cõi riêng từ trong dòng suy tưởng của thầy:
– Nhốt trăng trong lồng kiếng cũng như nuôi chim trong lồng son; có bóng, có ảnh, nhưng không có hồn. Trăng thật đó mà không phải là trăng. Chim thật đó mà không phải là là chim. Trăng là trăng của muôn phương. Chim là chim của bầu trời tự do. Thiền là hơi thở giao hòa với vũ trụ; thiền là cái tâm nầy hoà quyện với đất trời… Tâm An dựng cái nhà cây kiểng nầy giỏi lắm, đẹp lắm. Nếu chỉ vì nhà đẹp mà vào đây ngồi thiền thì sẽ mất mạng không chừng…
Tâm An tròn mắt hỏi dồn:
– Thầy! Thưa thầy, thầy vừa nói … vào đây ngồi thiền thì sẽ mất mạng không chừng có nghĩa là… sao?
Thầy Tiều lại cười, tiếng cười đôn hậu làm Tâm An hơi yên lòng. Thầy nói với giọng đùa vui:
– Hì! Hì! Nhà đẹp thế nầy mà rủ nhau vào đây ngồi xếp bàn, nhắm mắt thì sẽ chẳng thấy gì; ngồi trong nhà đẹp mà chẳng thấy thì có khác gì ngồi ngoài đường. Nếu mở mắt để nhìn ngắm khu rừng cổ mộc hùng vĩ xinh đẹp nầy và bị thu hút vì vẻ đẹp nhân tạo của nó thì lại nương theo cái giả để tìm cái thật. Thiền là một cuộc hành trình gian nan đi tìm cái thật: Cái thật của chính mình mà giới sính chữ gọi là “bản lai diện mục” và cái thật trong chính mình mà hàng sính đạo gọi là “minh tâm kiến tánh”. Ngõ vào thiền không phải trụ ở nhà thiền mà có muôn vạn nẽo. Cửa thiền đúng nghĩa là chiếc thuyền làm bằng cái tâm không rỗng lặng. Buồm là sự chuyên tâm thiền định. Gió là năng lực tu tiến riêng của mỗi con người. Thuyền đi nhanh hay chậm, có về bến được hay không còn tùy vào cả ba sức mạnh tổng hợp là thuyền, buồm và gió. Thuyền có nhẹ nhàng lướt sóng hay bị sóng ngầm nước xoáy cuốn hút giữa chừng, buồm có giương lên đón gió và gió có thổi hay không… Tâm An quý hữu à, nhà nầy đẹp lắm, nhưng chỉ là bến đợi nghỉ chân thôi. Nó không phải là thuyền, không phải buồm mà cũng chẳng phải là gió.
– Thầy ví von hay lắm, nhưng thầy chưa nói rõ vì sao lại có thể bị “mất mạng” trong ngôi nhà nầy?
– Mất mạng không phải là vấn đề chết sống. Mất mạng đối với một nhà sư tu thiền là ngồi trên thuyền đang trôi mà tự cho rằng mình đã tới bến. Nếu lại được trú trong ngôi nhà đẹp đẽ này nữa thì rất dễ bị khung cảnh rừng cây kiểng cổ mộc trang trí quanh đây tạo ra một cảm giác núi rừng kỳ tú ảo tưởng. Cảnh giả, sư đang tu thiền mà cứ ngỡ mình đắc đạo sẽ thuyết giảng những điều đang tìm bằng cái giọng chí tôn của hàng giác ngộ. Ngộ lắm! Quý hữu ạ. Cũng thế, sự mất mạng đối với một người tu thiền là mang ảo tưởng mình đã đạt được chân thiền chỉ bằng khối kiến thức về thiền đã học trong sách vở. Nếu người đó cũng được ngồi trong ngôi nhà đẹp đẽ nầy nữa để tu thiền thì sẽ lạc vì thiền sẽ trở thành ly thánh tửu. Rượu thánh làm say men thoát tục chứ thiền giả chưa có công phu thiền định thì lấy gì để tự cứu rỗi chính mình. Từ đó, ngồi trong nhà thiền để tìm đường giải thoát chẳng khác gì con chim tìm bầu trời cao rộng trong chiếc lồng son.

Trần Kiêm Đoàn
( Trích từ truyện dài “TU BỤI”, sắp xuất bản)

Bài viết liên quan