THỬ NGHĨ VỀ KHỞI ĐIỂM CỦA SỰ ĐỒNG THUẬN DÂN TỘC.

Tiêu Dao Bảo Cự – sau 6 tháng du lịch qua 12 tiểu bang lớn trong số 50 tiểu bang của Mỹ về – viết: Mỹ Du Ký.

Trong hơn 30 năm qua, có rất nhiều người Việt từ quê nhà đến Mỹ và trở về đã nói hay viết hải ngoại ký sự sau chuyến… đi Tây.  Từ giới dân dã, nghệ sĩ đến hàng chuyên viên, quan chức, mỗi người tới thăm viếng, quan sát và nhận xét về nước Mỹ dẫu thầm lặng hay nói lên theo cách nhìn và cảm nghĩ riêng của mình đều có chung một điều:  Mỹ nó giàu mạnh và… khác ta; quả nhiên! 

Cái khác, không xa vời như ngày xưa Nguyễn Trường Tộ đi Tây về báo cáo với triều đình nhà Nguyễn “cái đèn treo ngược mà vẫn đỏ, vẫn sáng”.  Nhưng cái khác hôm nay là khoa học kỹ thuật và chất lượng đời sống mà người nói hay người nghe đều có thể biết được, thấy được và kiểm chứng được.

Với TDBC, khác như thế nào, xin mời bạn theo dõi Mỹ Du Ký của tác giả đã ra mắt trên mạng lưới Danchimviet.com.

Là người bị chế độ liệt vào đối tượng theo dõi và quản chế, nay được lãnh sự Mỹ giúp đỡ tạo điều kiện giản lược những thủ tục rườm rà để qua Mỹ du lịch,  nhiều người đã nhân cơ hội này để xin tị nạn chính trị.  Bởi vậy, nhiều người bạn ở California đã có kẻ ăn, người thua trong cuộc đánh cá về sự tiên đoán rằng, vợ chồng Bảo Cự – Bạch Yến sẽ xin tỵ nạn chính trị nhân chuyến du lịch vì nếu muốn, Bảo Cự có thể chẳng khó khăn gì xin ở lại Hoa Kỳ một cách hợp pháp với lý do “bất đồng chính kiến”.

Nhưng sau “nửa năm du Mỹ; một bước trần ai”, Tiêu Dao Bảo Cự đã về lại Việt Nam.  Chàng muốn làm một Achilles, chỉ khi gót chân chạm đất nước quê hương mới có sức mạnh tuyệt vời chăng?

Tiêu Dao Bảo Cự ở trong nhóm “bất đồng chính kiến Đà Lạt” (gồm Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Mai Thái Lĩnh, TDBC).  Vài chục năm trước, TDBC cùng với Bùi Minh Quốc, Hữu Loan (thi sĩ Mầu Tím Hoa Sim) thực hiện chuyến đi xuyên Việt đòi tự do sáng tác, tự do dân chủ và nhu cầu đổi mới.  Và 5 năm sau cùng với Bạch Yến cỡi Honda 50cc làm cuộc “hành trinh mùa Xuân” để nghĩ và viết về chuyện đất nước.  Trong những ngày đó, anh chị em thường liên tưởng tới Ché Guevara cỡi mô tô Norton 500cc vượt 8000 km xuyên Nam Mỹ năm 1952 để đánh du kích với các thế lực thực dân, đế quốc.  Ché hay Cự… dẫu thành công hay thất bại, nhưng dám bày tỏ một thái độ chính trị chống độc tài, áp bức ngay giữa tuyến lửa; bất chấp sự an nguy của sinh mạng và gia đình là một sự dấn thân đáng trân trọng và cảm phục. Thêm vào đó, qua các tác phẩm đã xuất bản ở Mỹ, cùng những bài chính luận đứng đắn, can đảm phê phán thế lực cầm quyền Việt Nam ngay trong nước đã khiến người Việt hải ngoại, thân cũng như sơ, đón anh bằng sự cảm mến chân tình.

Dấu in đậm nét nhất trong chuyến đi Mỹ của TDBC là những thắc mắc của người Việt về định hướng chính trị của nhóm Đà Lạt.  Đặc biệt là tuổi trẻ, đã có những câu hỏi cụ thể và trực diện như: “Tụi cháu là thế hệ trẻ sinh sau 1975, lớn lên và được đào tạo thành tài ở Mỹ.  Nhưng nếu muốn thật sự giúp nước Việt Nam mình thì các bác, các chú chỉ đường cho chúng cháu phải làm gì?”  Nếu trả lời theo kiểu trí thức phương Tây chung chung, đại khái là đem khả năng học vấn chuyên môn tùy hoàn cảnh và phương tiện giúp nước thì sẽ bị ngay thau nước lạnh hoài nghi “nghị quyết 36” tạt vào làm nhiệt tình nguội lạnh.  Nếu trả lời đấu tranh cho tự do dân chủ, giải trừ đảng Cộng Sản nắm quyền điều khiển đất nước một cách mơ hồ, mang tính đánh giặc miệng lâu ngày đã thành sáo mòn thì lại thiếu tính thuyết phục.  Ở đại học Berkeley, Bảo Cự đã gặp một hoàn cảnh tương tự như thế.

Theo Tiêu Dao Bảo Cự, con đường tiến tới hòa giải hòa hợp dân tộc có nhiều phương cách khác nhau, nhưng đại thể vẫn lấy dân tình làm gốc: (1) Xây dựng sự đồng thuận dân tộc làm sức mạnh căn bản; (2) lấy sức mạnh quần chúng để thiết lập sự đối thoại song phương và bình đẳng với thế lực đang cầm quyền; (3) tiến tới hòa giải thông qua sự nhìn nhận và tương tác giữa hai phía.

Đây là mô hình của một ngôi nhà 3 tầng.  Nhưng tầng (1) làm nền móng cho 2 tầng cao hơn, (2) và (3), là khó nhất:

Khởi  điểm của sự đồng thuận dân tộc  ở đâu, đặt trên căn bản gì và có tác dụng như thế nào?

Trong bài giới thiệu cuốn sách Huyền Thoại Về Một Nhà Nước Tự Tiêu Vong của Mai Thái Lĩnh, một niên trưởng trong nhóm Đà Lạt là Hà Sỹ Phu nói đến cái bước “cú nhích chân” như một khởi điểm tiến tới sự đồng thuận dân tộc đó:

“Quan trọng nhất, nhưng cũng khó nhất là sửa được cái ‘dấu phẩy’  đột phá ban đầu, tạo được cú  ‘nhích chân’ cơ bản ban đầu. Khi đã có một không gian dân chủ tối thiểu để ngồi với nhau rồi thì mọi việc sẽ cùng bàn với nhau mà làm, con đường cần đi sẽ hiện ra trước mắt, bàn trước xa quá mà làm gì?”

Cú  nhích chân ấy là một thiện chí.  Nhưng nhích chân để dẫm lên nhau, để tiến tới gần nhau, để đồng hành với dân tộc hay chăng thì vẫn còn là một khả năng mơ hồ trong ý niệm.  

Xét về mặt xã hội và lịch sử chính trị của một đất nước có hoàn cảnh đặc biệt như Việt Nam trong khoảng 50 năm qua thì chuyện “hòa giải hòa hợp” được đánh giá như là một sự xa xỉ tri thức bị cấm kỵ.  Chiến tranh ác liệt và sự nghiệt ngã của những chủ nghĩa ốc mượn hồn như chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản đã làm rách nát niềm tin và nô lệ tư tưởng, đẩy con người vào thế rừng xanh: Giết hay bị giết; một mất một còn chứ không thể có một hình thức tương sinh hay cộng tồn nào được chấp nhận cả.

Trước 1975, khuynh hướng Hòa Giải hay Trung Lập đều không được hai phe đang lâm chiến nói tới hay xem xét.

Sau 1975, ở trong nước, khái niệm hòa giải hòa hợp bị cho là phản động, là âm mưu địch vận của kế hoạch “diễn tiến hòa bình do bọn xấu giật giây.” Ở ngoài nước, nói chuyện hòa giải hòa hợp đồng nghĩa với “kế hoạch kiều vận, tiếp tay tuyên truyền cho Việt cộng!”

Thế nhưng trong nước cũng như ngoài nước, vẫn có người lên tiếng như ý kiến của Ls. Nguyễn Chính: “Muốn tranh đấu cho tự do dân chủ và đa nguyên thì kẻ dấn thân tranh đấu tự mình phải xây dựng tư tưởng và phong thái xử sự tự do dân chủ đa nguyên trước đã.  Nghĩa là phải tôn trọng ý kiến khác biệt của nhiều người khác không giống mình.  Thậm chí xem sự công kích, phản biện là những trường hợp tham khảo cần thiết. Nếu yếu bóng vía sợ chụp mũ thiên tả hay hữu từ phía những kẻ cực đoan thì tốt hơn là nên đắp chăn nằm ngủ, theo đạo ‘tam không’: Không nghe, không nói, không làm để được yên thân.  Nhưng nếu một khi đã lên tiếng trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng như hiện nay thì cần nắm vững những nguyên lý khách quan, thông tin đa chiều; nhất là dựa vào trái tim và lý trí trung thực của chính mình, bất chấp chuyện thị phi.”

Thông thường, khi hai khuynh hướng đối nghịch không có con đường trung dung thì điểm tựa cố thủ còn lại nằm ở hai phía cực đoan. Sự biểu hiện thái độ trung dung hay cực đoan thì xã hội nào cũng có. Một sự đồng thuận dân tộc làm căn bản cho tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc thường bắt nguồn từ “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”mà nhóm Đà Lạt – tự bản chất là một nhóm người cầm bút cùng gặp gỡ, chia sẻ trong cuộc chiến đấu vì đất nước chủ yếu bằng tri thức và ngòi bút – theo đuổi suốt hơn 20 năm qua.  Họ không phải là một tổ chức chính trị, không có cương lĩnh rình rang, cho dù có những đồng thuận căn bản.  Sự đồng thuận chung ấy là đất nước độc lập, tự do, dân chủ, công bằng, phồn vinh thực sự; chống độc tài đảng trị, tán đồng dân chủ đa nguyên.  TDBC là cây bút nhấn mạnh rõ nét nhất về vấn đề “hòa giải hoa hợp” trong khuynh hướng chung của toàn nhóm Đà Lạt chủ yếu đào sâu về các vấn đề then chốt như chia tay ý thức hệ, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội, kêu đòi tác động vào guồng máy của đảng CSVN… Có thể nói đây là một trường hợp tham khảo (case study) khi bàn về sự đồng thuận dân tộc.

TDBC có gặp được giới đồng điệu nào trong cuộc Mỹ du chăng?

Phần phân tích tình hình sinh hoạt chính trị của người Việt trên đất Mỹ của TDBC tương đối khách quan và dè dặt, “hiền từ”.  Nhưng con đường đấu tranh cho một Việt Nam tự do, dân chủ đặt trên căn bản hòa hợp hòa giải dân tộc mà TDBC thường đề cập trong các cuộc họp mặt, trao đổi thì lại chỉ được chấm phá rất mờ nhạt trong du ký.

Qua Mỹ Du Ký, người đọc tự hỏi, sau chuyến đi TDBC đã được tiếp cận với xã hội và cộng đồng người Việt tại Mỹ, sẽ có gì thay đổi trong cách nhìn và sự suy niệm về một khuynh hướng hòa hợp hòa giải dân tộc trước mắt.  Nó có sự tương đồng hay khác biệt nào với chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc như một sách lược cứu nước chống mưu đồ Đại Hán của Trung Quốc xuất phát từ phía những người Việt có lập trường chống cộng ở hải ngoại như Bằng Phong Đặng Văn Âu xuất hiện gần đây tại Mỹ?

Đối với người Việt ở nước ngoài nhìn vấn đề một cách khái quát, nhiều người có sự liên tưởng nhóm Đà Lạt của Hà Sỹ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự… và nhóm Bằng Phong Đặng Văn Âu ở Mỹ ít nhất có một điểm gặp gỡ.  Đó tụ điểm về một sự đồng thuận, đoàn kết dân tộc làm sức mạnh căn bản của tiến trình vận động chính trị cho một Việt Nam tự do dân chủ có khả năng hội tụ được sức mạnh dân tộc tồn vinh chống Trung Quốc xâm lăng.  Đây chỉ là một đam mê chính trị lãng mạn viễn mơ hay một khả năng khả thi để chống những thế lực cướp nước và bán nước trước khi quá muộn vẫn còn là một câu hỏi lớn mà chỉ có lương tri và lòng yêu nước tập trung cao độ mới mong trả lời được.

Hai mươi năm trước, nhóm Đà Lạt và những người bất đồng chính kiến mới ở giai đọan đặt vấn đề cho những phương kế khả thi trong tiến trình đấu tranh tự do dân chủ.  Nhưng sau vụ Bô-xít Tây Nguyên, Hoàng Sa – Trường Sa thì lòng yêu nước là một chủ nghĩa đã hiện hình.  Đó là một chủ nghĩa Dân Tộc Tồn Vinh:  Việt Nam phải tồn tại trước mưu đồ xâm lăng Đại Hán của Trung Hoa mới mong nói đến sự vinh quang của tự do, dân chủ thật sự.

Góp ý với cả hai phía Tiêu Dao Bảo Cự và Bằng Phong Đặng Văn Âu về một vấn đề quá tế nhị và phức tạp như thế, tôi tự giới hạn mình ở mức độ “thử nghĩ” – brain storm – hơn là trình bày, tham luận khi nói đến một sự đồng thuận dân tộc.

Nhìn về một khởi điểm của sự đồng thuận dân tộc, cần nhìn theo đa chiều, nhiều phía từ mức độ cạn đến sâu; từ hẹp đến rộng.

Nếu chỉ nhìn từ mức độ hiển thị, nghĩa là ở mức độ cạn, có thể thấy được và cân đo đong đếm được thì khả năng hòa hợp hòa giải dân tộc của thế hệ Chiến Tranh Việt Nam là một sứ mạng không thể thực hiện được – một mission impossible – vì nhiều lý do.  Nhưng nổi bật hàng đầu vẫn là lý do chủ quan và khách quan của sự xung đột giữa hai khuynh hướng chính trị đối nghịch, tạm gọi là quốc – cộng, từ trước cuộc chiến, trong cuộc chiến và sau cuộc chiến.  Trường kỳ và liên tục trong hơn 60 năm qua, sự xung đột đó đã xảy ra và vẫn còn tiếp diễn mà hậu quả là những vết sẹo oan nghiệt và những vết thương tâm hồn lở lói từ trên quê hương, vẫn chưa lành khi mang tới xứ người.

Trước cuộc chiến là sự xung đột khi âm thầm, khi gay gắt của những chủ nghĩa vay mượn.  Những bộ áo quần diêm dúa, lòe loẹt của Tàu, của Tây, của Nhật… áp đặt  khoác lên thân thể Việt Nam còm cõi để hù dọa và đánh lừa nhau về một tương lai thiên đường hạ giới đầy hứa hẹn.  Nhưng thực chất chủ nghĩa là bộ cánh rỗng tuếch của một loại tư tưởng nói bằng ngôn ngữ thoa mỵ.  Chúng nó chỉ có tác dụng như một phương tiện nhập cảng ma mãnh nhằm ném hỏa mù và nô lệ hóa con người lương thiện để nắm quyền thống trị của phe đảng chứ không phải để giải quyết vấn đề nghèo đói của quần chúng lao khổ đang kêu đòi.

Trong cuộc chiến, vô hình chung, cả hai phe lâm chiến đều bị tha hóa bởi những thế lực lợi dụng xương máu Việt Nam để chơi trò rối nước của vũ khí chiến tranh và chính trị phân cực trên đấu trường quốc tế.

Sau năm 1975, thế lực thắng trận Cộng sản Việt Nam với tâm lý quá kiêu căng, bốc nổi và tự mãn với cuộc chiến thắng quân sự trước mắt đã bỏ mất cơ hội hòa giải hòa hợp dân tộc mà  các nước khác đã thực hiện ngay sau chiến tranh.  Sự hòa giải hòa hợp dân tộc của Mỹ sau cuộc nội chiến; của Nhật giữa hai phe quân phiệt và ôn hòa; của các nước châu Âu giữa các phe lâm chiến sau Thế chiến thứ hai đã mang lại sự phồn vinh rực rỡ cho đất nước của họ chỉ một thời gian ngắn ngay sau khi chiến tranh chấm dứt. Sự vắng bóng của tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc trên đất nước Việt Nam sau cuộc chiến đã tạo ra mầm thù hận và sự đối kháng tâm lý dai dẳng.

Thế lực thắng trận từ miền Bắc đã không nhân danh quyền lợi đất nước và sự hòa giải dân tộc mà chỉ lo dựng lên quyền lực vô giới hạn “trước làm, nay hưởng” của chính phe đảng mình qua hành động tác oai và chuyên quyền còn nặng nề hơn cả thời quân chủ chuyên chế: Quốc hội, Tòa án, Nhà nước, quân đội và công an cảnh sát đều là công cụ tuyệt đối của Đảng; còn nhân dân thì “làm chủ” sự hy sinh mồ hôi, nước mắt để lao động và đóng thuế!

Sau 1975, cuộc binh đao trên chiến trường chấm dứt, nhưng lòng người vẫn chưa giã từ vũ khí.  Xã hội mang đầy vết thương chiến tranh cần băng bó.  Những người anh em giữa hai miền Nam Bắc chưa thấy rõ mặt nhau.  Nhu cầu tâm lý dân tộc cần một sự hòa giải hòa hợp dân tộc trung chính để cùng chung lưng hàn gắn đổ vỡ, xoa dịu thương tích và xây dựng đất nước.  Nhưng những người nắm quyền lực lãnh đạo của đảng CSVN đã say ngây ngất với men chiến thắng. Người dân ngỡ ngàng hứng chịu những băng cờ khẩu hiệu, những đấu tranh giai cấp, những lập trường quan điểm, những xa cách hận thù, những uy quyền bạo lực đổ ập trên đầu mình.  Xã hội phân ranh một cách lạnh lùng và tàn nhẫn thành hai giai cấp thống trị và bị trị.  Chiến dịch nắm quần chúng thất nhân tâm buổi đầu đã tạo ra những đổ vỡ về tình cảm và hệ lụy cuộc sống quá tiêu cực và sâu cay.  Người dân ở thế bị trị bị mất quê hương ngay trên chính quê cha đất tổ của mình. Tù đày, lao động khổ ải, vượt ngục, vượt biên chết chùm trên rừng, dưới biển; bất mãn, xử lý, chuyên quyền… đã đào sâu và un lên thành hào thành lũy trong tâm thức người dân.  Những tang thương, đổ vỡ suốt ba mươi lăm năm khó có thể mà hàn gắn một sớm một chiều thành quan hệ bình thường trong tinh thần hòa giải.

Có áp bức, có đấu tranh.  Phải chăng chỉ có một con đường mòn muôn thuở? Đó là con đường độc đạo vùng lên đấu tranh để giải phóng sự áp bức của thế lực thống trị bằng bạo lực và máu xương chứ chẳng còn một thế “đồng thuận” dân tộc nào có thể xác lập để nói chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc cả hay sao?!

Nếu xét ở mức độ sâu hơn, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi nói tới một khởi điểm của sự đồng thuận dân tộc.  Sự đồng thuận dân tộc không bắt đầu hay kết thúc từ phản ứng nhất thời “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại” nhằm ăn miếng trả miếng.   Lịch sử Việt Nam đã có những thời kỳ mà sự đồng thuận dân tộc có tụ điểm cao nhất:  Đó là lòng yêu nước khi sơn hà nguy biến.  Trong thời bình, sự đồng thuận dân tộc được thể hiện khi có minh quân:  Vua giỏi, tôi hiền, dân giàu, nước mạnh.

Năm chục năm qua, Việt Nam với cả hai phía cộng sản và không cộng sản, đều đã “sáng mắt sáng lòng” hay nói theo ngôn ngữ bình dân là “trắng mắt” với chủ nghĩa!  Dẫu thắng trận hay thất trận, thống trị hay bị trị, vênh vang hay khổ nhục thì huyền thoại về chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư bản đều đã lộ mặt thật trên đất nước Việt Nam.  Chủ nghĩa Tư bản với lý tưởng tương tác, hùn hạp của cải làm giàu, sống chung hòa bình giữa các nước tự do đã tự chứng minh là không có đất đứng trên một đất nước đói nghèo và lạc hậu khi “Đồng minh tháo chạy” ra khỏi miền Nam giữa cuộc chiến!  Chủ nghĩa Cộng sản với lý tưởng giải phóng áp bức, đem công bằng và tự do tới cho một xã hội không giai cấp đã hiện nguyên hình là một sự lừa dối đầy mỉa mai lương tri của con người.

Đây có thể là một khởi điểm cho sự đồng thuận dân tộc về mặt tư tưởng và tâm lý trước sự bừng tỉnh về tác dụng phá sản và định kiến lỗi thời của huyền thoại chủ nghĩa trên số phận Việt Nam..

Tám mươi ba triệu dân trong nước và hơn hai triệu dân Việt ngoài nước có đủ dữ kiện để nhận định và đánh giá công bằng. 

Ngày nay, dù đứng ở bất cứ khuynh hướng chính trị và vị thế quyền lực, xã hội nào thì quần chúng Việt Nam đều nhận rõ một điều chung nhất: Trung Hoa xâm lăng! Hành động xâm lăng, thôn tính của Trung Hoa là một hiện thực.  Đối với Việt Nam hiện nay, Trung Quốc không còn ở dạng chính sách, khuynh hướng, âm mưu, hiện tượng… mà rõ ràng là đang hành động lấn biển, chiếm đất, cấy người vào đất nước Việt Nam và các nước chung quanh để tạo thế sinh tồn cho dân số khổng lồ đang trên đà gia tăng không phương cứu vãn.

Trung Hoa đang áp dụng sánh lược kinh tế “Casino-Domino” (Sòng bạc –Dây chuyền) để biến các thế lực chính trị đang cầm quyền của những quốc gia độc tài, bạo lực và tham nhũng trong tầm ảnh hưởng của họ thành những con bạc chơi bài gian lận trên chính dân tộc của mình. Về kinh tế cũng như chính trị, Trung Hoa bị cả thế giới đánh giá là tay chơi “tuyệt chiêu” đứng đầu trong các canh bạc gian lận về sự hối lộ, mua chuộc, áp lực…với giới cầm quyền tham nhũng, mờ mắt đặt quyền lợi phe nhóm cá nhân trên quyền lợi quốc gia dân tộc. Tây Tạng, Myanmar, Bắc Hàn, Việt Nam, Lào, Cam Bốt… là nạn nhân và đối tượng khai thác của Trung quốc thời hiện đại.  Tuy nhiên, từ giữa bóng tối của âm mưu xâm lăng chính trị và kinh tế đối với thế lực đang cầm quyền, vẫn có một bộ phận sáng suốt của giới lãnh đạo vươn lên từ trong cô đơn để giành lại quyền sống dân tộc và đấu tranh cho sự sinh tồn của tổ quốc.  Cô đơn vì họ biết sớm tự tách mình ra khỏi cái khối lãnh đạo gian dối, ù lì, hèn nhát tham nhũng và bất lực trong canh bạc bịp kiểu Tàu.

Trong Thư Ngỏ Gửi Bộ  Chính Trị và T.Ư. Đảng Cộng Sản Việt Nam nhân Đại Hội ĐCSVN XI, đề ngày 16-4-2010, ông Bùi Quang Vơm, một nhân sĩ từ trong nước đã minh họa hình ảnh về viễn ảnh làn sóng xâm lăng của Trung quốc như sau:

“Trung quốc đã đưa hàng vạn người vào Tây nguyên Việt nam trong dự án Bauxite, áp đặt sức mạnh lấn từng mét đất chiếm trong Hiệp định biên giới trên bộ, làm xa lộ Vân nam – Hải phòng, xa lộ Bằng tường – Hà nội, mua chuộc và hối lộ để thuê đất trồng rừng của 10 tỉnh biên giới,  vẽ bản đồ hình lưỡi bò trên biển đông, bắt bớ , bắn chết ngư dân, gây rối loạn chủ quyền, tăng sức mạnh quân sự biển, lập căn cứ hải quân Trường sa, căn cứ tầu ngầm Hải Nam, tăng cường hoạt động của Hoa kiều lũng đoạn chính trị tại Sài gòn, phân hóa, chia rẽ bằng nhiều thủ đoạn nôị bộ lãnh đạo đảng cộng sản… Không còn nghi ngờ gì nữa, âm mưu thôn tính Việt nam đã quá rõ. Với một chính quyền độc đảng, lệnh phát động chiến tranh với Việt nam có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giống như Đặng tiểu Bình đã từng làm, chỉ cần ‘dạy cho Việt nam một bài học’ là lại có thể chỉ trong vòng ba ngày, mười sư đoàn quân giải phóng nhân dân Trung hoa sẽ giàn dọc biên giới. Sau hai giờ, xe tăng từ Bằng Tường có thể tới Hà nội. Và với tình thế tứ phía bị bao vây như vậy, với một đảng cộng sản cầm quyền nếu không còn dân, một quân đội nghèo nàn lạc hậu, rệu rã vì chia rẽ và tham nhũng. Trung quốc sẽ đến từ Lào, từ Cămpuchia sang, từ Tây nguyên, từ biên giới phía Bắc tới, ( từ Hải phòng trong các dự án đang triển khai, từ đồng bằng Bắc bộ, nếu dự án khai thác than bùn lại lọt vào tay nhà thầu Trung quốc), tàu ngầm Trung quốc sẽ nổi lên trên toàn tuyến bờ biển, hải quân Trung quốc sẽ áp vào từ các hạm đội Hoàng sa, Trường sa , lực lượng thuộc cánh quân thứ năm gồm hai triệu Hoa kiều nằm vùng sẽ nổi dậy từ Sài gòn…Vận mệnh của Việt nam sẽ ra sao?”

Từ trong nước, bên cạnh những khuynh hướng quần chúng đang ở dạng tiềm năng hay bộc phát kêu đòi tự do dân chủ thật sự và tinh thần chống Trung quốc xâm lăng đã bắt được tần số cộng hưởng của giới lãnh đạo.  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh… và hàng chục vạn trí thức, đảng viên, thanh niên, sinh viên và quần chúng đã lên tiếng bằng nhiều hình thức và phương tiện để phản đối các hành động xâm lăng của Trung quốc.  Đồng thời, cao trào đòi hỏi thái độ, hành động công chính và thích hợp từ phía lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam trước Trung quốc cũng đã dậy lên từ phía nhân dân quần chúng cả trong và ngoài nước.

Những chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã anh dũng hy sinh mạng sống trong những cuộc hải chiến với Trung quốc để bảo vệ tổ quốc – dẫu mang mầu cờ sắc áo nào – vẫn là những anh hùng liệt nữ muôn đời của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Đây có thể là khởi điểm của sự đồng thuận dân tộc về lòng yêu nước. 

Theo các nhà phân tích và nhận định thời cuộc trong cũng như ngoài nước,  Trung quốc đang ở thế năng động tạo ra những ‘điểm’ và ‘diện’ trong âm mưu thôn tính Việt Nam.  Sự giằng co và phối hợp giữa bản chất nông dân ‘lấn bờ, vơ bụi’ và nhu cầu kinh tế thị trường thế giới đã khiến quân Tàu xâm lăng Việt Nam bằng nhiều chiến thuật từ Tây Nguyên, Biển Đông đến Chợ Lớn, Phố Tàu.  Sự phản kháng của người Việt Nam từ trong lòng đất nước cần có sự phối hợp của khối người Việt ở ngoài nước đang dàn trãi khắp nơi trên thế giới.  Tiếng nói và hành động của người Việt ở nước ngoài với phương tiện truyền thông đại chúng nhanh như điện ngày nay có tác dụng mạnh mẽ tố cáo và lên án hành vi xâm lược của Trung quốc trước dư luận quốc tế cấp thời và đầy thuyết phục.  Hơn hai triệu người Việt Hải ngoại nếu đồng lòng tẩy chay hàng hóa Trung quốc, năng động bày tỏ sự phản kháng trước công luận, tích cực vận động sự hỗ trợ quốc tế… sẽ tạo được sức mạnh rất lớn lao trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu hóa đối với Trung Hoa hiện nay.

Đây có thể là khởi điểm của sự đồng thuận dân tộc về tinh thần chống xâm lăng trong thời đại mới.

Qua nhiều bài viết gần đây của nhà văn Bằng Phong Đặng Văn Âu kêu gọi và cổ vũ cho sự hòa giải hòa hợp dân tộc, những phản ứng chống đối cũng như đồng tình – ít ra là trên nguyên tắc – từ phía quần chúng đã nổi lên đáng ghi nhận. Trước một vấn đề lớn, mang đậm tính chính trị và thời sự như thế, phản ứng thuận – nghịch của đại chúng là điều tất nhiên và lành mạnh.  Nhưng bên cạnh nội dung mang tính chất ý kiến (opinion), người ta thấy được tấm lòng của mỗi người.  Có chăng, mỗi tấm lòng tiềm tàng tính nhân bản và lòng yêu nước cũng đã có sẵn cái nhân của sự đồng thuận dân tộc. Người viết xin không đặt một dấu hỏi chấm hết ở đây vì có niềm thâm tín rằng, hạt giống đồng thuận dân tộc có sẵn trong từng trái tim Việt Nam là điều có thật.

Sacramento, đầu tháng Năm 2010.

 Trần Kiêm Đoàn 

Bài viết liên quan